Thứ Tư, 2 tháng 9, 2015

Cơn bão nghiêng đêm

Cơn bão nghiêng đêm
Tôi được biết bài thơ này từ một người thầy dạy một trong các môn chung (môn không chuyên ngành). Hồi đó hầu hết bọn sinh viên chúng tôi chỉ cắm đầu vào học các môn chuyên ngành, nên không có ấn tượng gì đặc biệt với môn thầy dạy. Nhưng có một điều mà chúng tôi nhớ mãi, là trong lúc giảng bài, thầy rất hay thay đổi không khí bằng cách ngâm nga một bài thơ đến nỗi chúng tôi phải thuộc làu làu.
Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi.
Mãi đến gần đây tôi mới biết đó là bài thơ “Bão” của nhà thơ Tế Hanh. Bài thơ rất ngắn nhưng giàu hình ảnh và rất biểu cảm. Chỉ với rất ít từ ngữ, tác giả đã xây dựng được hình ảnh sống động của cơn bão và diễn tả tình cảm sâu lắng chìm ẩn phía sau hành động. Đó là một cơn bão lớn, làm quay cuồng, nghiêng ngả đất trời - “Cơn bão nghiêng đêm”. Trong đêm tối, giữa khung cảnh tiêu điều, gió gào thét làm “cây gãy cành bay lá” và có lẽ có cả những ánh chớp lòe của sấm sét, hai người yêu nắm tay dìu nhau “qua đường cho khỏi ngã”. Tế Hanh chỉ viết thế thôi, nhưng người đọc có thể hình dung được sự xao xuyến, bồi hồi khi họ nắm tay nhau, cùng nhau trốn chạy cơn giông bão.
Và sau khi mưa yên bão tạnh, hàng cây gãy hôm nào đã “xanh thắm lại”, thì người con gái hôm nào cũng đã rời xa. Cơn bão ngày ấy không còn dấu vết, nhưng có một cơn bão vẫn không nguôi gào thét trong ký ức người ở lại - “Nhưng em đã xa xôi/ Và cơn bão lòng ta thổi mãi…”
Tha thiết quá…
Có thể họ là hai người yêu nhau và sau đó đã chia lìa.
Cũng có thể họ chỉ mới quen nhau trong đêm giông bão và sau đó bặt tin nhau…
Gần đây, tôi được nghe bài thơ này do Thanh Tùng phổ nhạc dưới tựa đề “Cơn bão nghiêng đêm”, với giọng hát của Lê Cát Trọng Lý. Ngay lập tức tôi bị cuốn hút, mặc dù bình thường tôi không “cảm” được những ca khúc Trọng Lý trình bày và sáng tác theo phong cách dân gian đương đại.
Tiếng đàn guitar của Cao Hồng Hà trong phần Introduction thật tinh tế, những nốt nhạc trong trẻo, rời rạc, như dẫn dắt người nghe vào lời tự sự của người hát, và tiếng hát của Trọng Lý vì thế cũng gần gũi hơn, như là đang thủ thỉ kể chuyện…
Giọng hát Lê Cát Trọng Lý trong ca khúc này thật trong sáng, tinh khôi, và có cả một chút nũng nịu “Ta đã yêu nhau, thề mãi mãi bên nhau cơ mà”…Như một cô gái nhỏ chưa hề nếm trải buồn thương, người hát bật ra một câu hỏi ngây thơ đến đắng lòng “…Cơn bão nghiêng đêm, anh quên em thật sao?”
Và khi những nốt nhạc cuối bâng quơ rơi vào thinh không, giọng hát thiếu nữ chìm xuống da diết “Nhưng anh càng xa rồi, cơn bão lòng em thổi mãi không nguôi…”
Khi phổ nhạc cho bài thơ này, nhạc sĩ Thanh Tùng đã “thêm thắt” một chút để ca khúc được tròn đầy hơn, và những từ ngữ mà ông dùng: “thề mãi mãi bên nhau cơ mà”/ “anh quên em thật sao” khiến cho nhân vật ngôi thứ nhất trong ca khúc mang tính cách trẻ con hơn. Có lẽ vì thế “Cơn bão nghiêng đêm” rất hợp với giọng hát của Trọng Lý và phong cách acoustic.
Cơn bão nghiêng đêm của Trọng Lý dường như chỉ là một cơn áp thấp nhiệt đới đến rồi đi, mang lại nỗi xao động, nhớ nhung về một chuyện tình buồn. Không có giông tố, không gào thét, chỉ là những tiếng thì thầm và một tiếng thở dài.
Thế nhưng tôi vẫn yêu bài hát này qua tiếng hát của Lý.
Ban đêm, khi ngồi một mình, bạn hãy thử nghe ca khúc này. Tôi tin rằng bạn sẽ đồng ý với tôi.
Cơn bão nghiêng đêm - Lê Cát Trọng Lý
Cơn bão nghiêng đêm
Thơ: Tế Hanh
Nhạc: Thanh Tùng
Cơn bão nghiêng đêm, cây gãy cành bay lá
Anh nắm tay em qua đường cho khỏi ngã
Ta đã yêu nhau, thề mãi mãi bên nhau cơ mà
Anh bỗng ra đi, anh ra đi vội vã...
Cơn bão nghiêng đêm, anh quên em thật sao?
Giông bão đã tan rồi, hàng cây ngã xanh xanh trở lại.
Nhưng anh cũng xa rồi, cơn bão lòng em thổi mãi...
Giờ bão đã tan đi thật xa,
trời cao ngát xanh xanh hiền hòa.
Nhưng anh càng xa rồi,
cơn bão lòng em thổi mãi không nguôi.
hoadongnoi
 Theo http://www.hoadongnoi.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Có hay không, việc hai vua Trần đóng đại bản doanh ở Thiên Long uyển xã Yên Đức, Đông Triều, để chỉ huy trận đánh Bạch Đằng năm 1288? Tô...