“Bản luân vũ cuối
cùng”
Vào một chiều cuối năm, theo lời mời của cô gái, tôi tìm đến
nhà để nghe nhạc. Loanh quanh mãi ở hương lộ 40 - Quận 12 lắm ngõ ngách, rốt cuộc
mới tìm ra được. Đứng trước cổng ngôi nhà, bên trong im lìm, một vài chú gà tây
đi thong thả trên sân cỏ. Màu vôi bạc phếch của những bức tường, loang lổ theo
thời gian khiến cho khung cảnh toà nhà thêm trầm uất.
Tuy vậy vẫn còn thấy dấu tích của một thời huy hoàng của chủ
nhân nó qua những gì còn lại: một hồ cá hình bán nguyệt đầy lá khô lênh đênh, một
nhà thuỷ tạ có bức tượng mỹ nhân ngư, một cái garage… tất cả đều cũ kĩ rêu
phong, dường như bị lãng quên không người chăm sóc?
Lúc ở buổi tiệc nhà người bạn, nhớ lại câu nói của cô gái
trong lần gặp gỡ: - Khi nào rỗi rảnh mời anh đến nhà chơi. Tôi nghĩ đây chỉ là
lời mời xã giao, nên không chú tâm, nhưng khi nhớ lại mái tóc dài đen huyền và
đôi mắt tròn đen láy của cô gái, cứ ngồi im lặng như một cái bóng, mặc cho mọi
người nâng ly chúc tụng, cô cứ say mê đệm đàn phục vụ, làm tôi cảm động: Cuộc
mưu sinh của người nghệ sỹ sao mà nghiệt ngã quá! Và tự dưng đôi chân dẫn đến
đây.
Toà nhà với không gian u tịch này, làm tôi hơi ngài ngại
nhưng đã lỡ rồi, đang do dự, bỗng bên trong có tiếng réo rắt dương cầm vọng ra:
một âm thanh quen thuộc điệu luân vũ của bài Le beau Danuble bleu, bài này vốn
có giai điệu rất tươi trong, nhưng tiếng piano này nghe hơi buồn…
Tôi đi men theo bờ tường, đôi chân lần theo tiếng nhạc. Qua ô
cửa sổ loáng thoáng những dây leo có loài hoa màu tím: Một người con gái đang
say sưa đàn, mái tóc nàng đen mượt rũ xuống, lắc lư theo tiếng nhạc. Không ngờ
trong toà nhà cũ kĩ này, lại có một tiếng đàn sang trọng quý phái như thế, nó
làm toà nhà như có sức sống trở lại, tôi không dám bước vào, vì sợ phá tan đi nguồn
cảm hứng của nàng. Bất chợt cô gái cúi xuống, vẫn mái tóc buông lơi, người nàng
ngả sang một bên như cuốn theo cơn gió. Bài Célèbre valse của Brahm được trỗi
lên bất ngờ bằng cung mi giáng trưởng, vừa trầm hùng vừa bi ai, đôi bờ vai nàng
run lên theo tiếng nhạc… Bản nhạc chấm dứt, cô gái dựa vào ghế ngồi một cách uể
oải, nhìn lơ đãng ra vườn, chợt thấy tôi, cô reo lên: - A, thầy Nguyễn, đến hồi
nào em không biết?
- Nghe cô đàn hay quá! say mê đến nỗi phải tôi phải bất lịch
sự như thế này đây?!
- Anh Nguyễn đến thật bất ngờ??
- Tôi cũng vậy, không ngờ mình lại đến đây, rất bất ngờ khi
nghe lại cô đàn, lần trước ở buổi tiệc ồn ào quá. Cô ngạc nhiên là phải, vì tôi
sắp trở lại Nha Trang để dạy, nghĩ mình cũng không có dịp gặp lại cô?
- Cám ơn anh, căn nhà này từ lâu rất ít tiếp khách, nó giống
như một căn nhà mồ… Anh là người đầu tiên Ngọc Lan tiếp đó!? - Nàng bỗng thở
dài không biết chuyện gì, khi vào phòng khách tôi mới nói: - Tôi đến khá lâu,
nghe Ngọc Lan đệm bài Dòng sông xanh, rồi tới bài Valse số 13 nghe hay quá, bài
valse này làm tôi xúc động nhiều lắm, nó đưa tôi về một thời sinh viên mơ mộng
nhiều kỉ niệm… Nhưng thôi, bữa nay chúng ta gặp nhau là để nghe nhạc như lời hứa
phải không Ngọc Lan?
Nàng cười nhẹ gật đầu, rồi quay người sang cây đàn, bàn tay
ngà thoăn thoắt trên phiếm dương cầm, vẫn điệu luân vũ trữ tình: âm thanh bài
Les flots du Danube vang lên, tôi nghe tâm hồn lâng lâng như trôi trên sông, âm
thanh chừng như hoà lẫn vào mái tóc tuyệt đẹp của nàng. Nhìn sân vườn tuy hoang
sơ, nhưng khá đẹp, tôi muốn đi dạo một lát nhưng cô từ chối.
- Cô không đi thì thôi, tôi ngồi đây ngắm ra cũng được.
Thoáng thấy Ngọc Lan có vẻ buồn buồn, nên nói chiếu lệ: - Tôi
rất thích piano, nhưng không biết chơi, giờ thì đã muộn rồi phải không Ngọc
Lan? Không ngờ nàng thốt lên những câu nghe triết lí quá:
- Trong âm nhạc không có sự muộn màng nào cả, chỉ cần có một
người biết thưởng thức là hạnh phúc rồi anh ạ, em chỉ mong thế! Lời nói của cô
làm tôi chùng xuống, không biết có điều gì cô còn day dứt lắm?!. Trước khi từ
giã, cô cho tôi mượn quyển dương cầm của Crezny để xem. Cô không tiễn tôi ra cổng.
Tôi tự hỏi hay mình đã làm gì khiến cô phật ý?
Nhiều tháng trôi qua, những cử chỉ và hình ảnh cô gái cứ ám ảnh
quấn quýt trong đầu tôi mãi. Mùa thu năm sau, khi về Sài Gòn, nhân có chuyện phải
qua Gò Vấp, tôi trở lại khu Đồng Tiến - hương lộ 40 tìm cô để thỏa chí tò mò của
mình “Mình có cái cớ trả lại quyển sách dương cầm của cô khi ấy.” tôi thầm nghĩ
như vậy.
Trước cổng vẫn hoang vắng đìu hiu như cũ, tôi gọi mãi không
thấy ai… Chờ lúc lâu, có một bà già bước ra, vẻ mặt ngạc nhiên. Tôi liền nói: -
Cháu là bạn của cô Ngọc Lan, năm trước có ghé đến đây chơi một lần, chắc bác
còn nhớ? (hỏi là hỏi vậy, thật ra lần ấy tôi cũng không biết bà này).
Bà nhìn tôi như dò xét và hỏi nhỏ: - Cậu đây …có phải là cậu
Nguyễn không?
- Vâng, chính cháu.
- Tôi là dì của Ngọc Lan, mời cậu vô nhà. Nói xong bà quay đi
hấp tấp làm tôi sốt ruột, linh tính có điều gì không hay?
Trong lúc hai người ngồi tĩnh tọa trong phòng khách, bà
mới kể: Tôi nghe Ngọc Lan có nhắc đến tên cậu và tôi biết có nhiều chuyện cậu
còn ấm ức trong lòng lắm? Nhưng hãy nghe tôi nói… tôi là dì nó, nhưng bao năm
xem như là mẹ nó. Năm 1964, cha nó là diễn viên trong đoàn Văn công Giải phóng,
đã hi sinh trong trận càn của giặc ở Tà Păng - Tây Ninh, lúc nó vừa tròn thôi
nôi...
Khi sanh ra chẳng may nó bị liệt đôi chân bẩm sinh, mẹ nó lúc
đó, cũng bị giặc bắt cùng một số chiến sỹ khác đem về giam giữ ở Chí Hoà. Chiến
tranh ngày càng ác liệt, phải có điều kiện chữa trị cho cháu, lúc đó tôi là chủ
một trại gà ở Bình Dương, cuộc sống khá ổn định nên nhận cháu về nuôi. Tôi đi
lên chiến khu trong vòng bí mật, vì mình nuôi con Việt cộng mà, tụi cảnh sát biết
thì nguy. Sau giải phóng, chị em tôi mới gặp lại, mẹ con đoàn tụ trong ngỡ
ngàng… vì lúc chia tay, nó còn bé quá. Em tôi ôm con khóc sướt mướt… còn Ngọc
Lan cứ đứng như trời trồng, không thốt lên được câu nào. Sau đó, em tôi được tổ
chức phân công về Nhà hát Trần Hữu Trang, được vài năm thì qua đời vì di chứng những
ngày ở tù bị địch tra tấn. Tôi thấy đứa cháu tật nguyền, có khiếu về âm nhạc,
nên gửi vào nhạc viện để học cho đến bây giờ. Do từ nhỏ nó đã bị liệt đôi chân,
sự cô đơn làm nó khủng hoảng. Ngọc Lan xin tôi về dạy trường khuyết tật ở Tây
Ninh, nơi cháu có những người đồng cảnh ngộ và còn ấm áp với các cô chú một thời
kháng chiến với cha nó. Tôi rất đau buồn khi xa cháu, nhưng phải chấp nhận cho
cháu mình một lối thoát. Cậu có thương nó, hãy giữ lại những bài luân vũ mà nó
thích, trước khi đi nó nói tôi như vậy….
Nói xong bà khóc nức nở.
Đêm ấy, trên chuyến tàu về Nha Trang lạnh giá, lòng tôi ngổn
ngang những nỗi niềm… Không biết bao giờ tôi gặp lại người con gái đáng thương
năm xưa để nghe tiếp những bản luân vũ ngày ấy…
Ngữ Yên
Nguồn: Văn nghệ số 16/2013
Theo http://vanvn.net/
đại lý vé máy bay eva tại tphcm
vé máy bay đi mỹ eva air
lịch bay của korean airlines
vé máy bay đi mỹ rẻ
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich