Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Phạm Duy và bạn thơ

Phạm Duy và  bạn thơ
Tao ngộ hoa sim
Màu tím hoa sim - một kiệt tác của nhà thơ Hữu Loan đã làm lay động biết bao tâm hồn. Được Phạm Duy phổ nhạc, bài thơ mang tên mới Áo anh sứt chỉ đường tà, và trở thành một trong những ca khúc bi hùng nhất về người lính. 
Nhạc sĩ Phạm Duy lúc vui vẫn kể rằng, sinh thời bố ông - nhà văn Phạm Duy Tốn thường viết truyện cười châm biếm các thi sĩ nửa mùa. Cũng vì có người bố như vậy mà “đời tôi, có những khi nổi hứng định làm thi sĩ thì tôi vội vàng bỏ ý định đó ngay. Chỉ sợ ông bố đội mồ sống dậy đưa mình vào truyện tiếu lâm!”. Phạm Duy chia sẻ, học tập bố mình, ông cũng có thể gọi là khắt khe trong việc nhận thức cái hay cái đẹp, đặc biệt là đối với thơ ca.
Nhà thơ Hữu Loan (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy 
Ảnh: nhân vật cung cấp
Bởi vì cái sự không dễ dãi ấy nên nếu có lần rung động, thì đó chắc chắn phải là sự rung động tuyệt đối. Mỗi bài thơ Phạm Duy tâm đắc, ông đều muốn phổ thành nhạc. Trong số những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc dân tộc, có khoảng hơn 300 tác phẩm được ông phổ từ thơ. Nói nhạc khúc nâng cao lời thơ ý thơ để diễn tả tài năng thiên phú của Phạm Duy quả thật chẳng ngoa. Một số ca khúc phổ thơ rất thành công của ông như: Ngậm ngùi, Tiếng sáo thiên thai, Áo anh sứt chỉ đường tà, Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này, Bên kia sông Đuống, Còn chút gì để nhớ… tự thân chúng vốn dĩ đã là những bài thơ nổi tiếng, nhưng khi đặt lên khuông nhạc của Phạm Duy thì càng thêm phần thăng hoa.

Phạm Duy yêu họ. Họ, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Phạm Thiên Thư, Hữu Loan... lần lượt ghi dấu vào những cột mốc cuộc đời lẫn âm nhạc của Phạm Duy một cách hiển nhiên và gần gũi
Vậy, bên cạnh khả năng lĩnh hội và kỹ thuật điêu luyện, điều gì tạo ra sự giao thoa nghệ thuật ấy? Theo lời Phạm Duy, trừ những người đã khuất từ rất lâu: đại thi hào Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Bích Khê..., giữa ông và hầu hết cha đẻ của các bài thơ ông phổ nhạc đều nảy sinh mối duyên nào đó, rồi trở thành tri kỷ. Có người gặp gỡ trong kháng chiến, có người qua sinh hoạt nghệ thuật mà quen biết, có người lại tìm nhau vì cảm mến lời thơ tiếng nhạc… Phạm Duy yêu họ. Họ, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Phạm Thiên Thư, Hữu Loan… lần lượt ghi dấu vào những cột mốc cuộc đời lẫn âm nhạc của Phạm Duy một cách hiển nhiên và gần gũi.
Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy trở về quê hương sau ba mươi năm xa cách...
Vào một ngày mưa gió năm 2006, nhân chuyến du lịch trên đường cái quan, Phạm Duy đi ngang qua tỉnh Thanh Hóa. Hỏi thăm mới biết, nhà thơ Hữu Loan còn sống tại làng nhỏ Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn. Ông liền đi xe ôm tìm đến. Trước mặt Phạm Duy, anh cán bộ trong ủy ban kháng chiến ngày ngày cưỡi ngựa đi công tác khắp nơi hôm nào giờ đã là cụ già tóc bạc. Hồi đó ở chiến khu, hai người vẫn hay hàn huyên chuyện văn chương non nước. Một nửa thế kỷ trôi đi, cả hai gặp lại nhau trong hoàn cảnh gần đất xa trời (lúc ấy Hữu Loan đã hơn 90 tuổi), chỉ kịp ôn lại dăm ba câu chuyện cũ rồi chia tay…Cảm xúc về buổi gặp gỡ cuối cùng với nhà thơ Màu tím hoa sim vẫn đọng mãi nơi tiềm thức người nhạc sĩ: “Lúc đó tôi thấy anh Hữu Loan đã hơn 90 tuổi mà hãy còn khỏe mạnh thì mừng lắm”.
Phạm Duy nhớ lại: “Cuối năm 1947, tôi từ Việt Bắc (Cao-Bắc-Lạng) xuống Khu 3 (Chợ Đại, Cống Thần) rồi có ý định đi theo Trần Văn Giàu vào Nam chiến đấu. Nhưng khi vào tới Thanh Hóa (Khu 4 - làng Quần Tín) thì tôi gặp tướng Nguyễn Sơn và ở lại đó, gia nhập Ban Văn nghệ của Trung đoàn 304. Tại đây tôi gặp Hữu Loan...
Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn thơ buồn. Anh vừa góa vợ và có một bài thơ rất buồn thương là bài Màu tím hoa sim mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi (có hai người khác phổ nhạc nữa là: Dzũng Chinh với tên Những đồi hoa sim và Anh Bằng thì lấy tên là Chuyện hoa sim). Nhưng đến khi tôi phổ nhạc xong bài thơ thì chính quyền hồi đó (1948) cho rằng bài thơ tiêu cực quá, nên tôi không muốn phổ biến bài hát đó. Sau này, khi tôi vào Sài Gòn sinh sống, tới năm 1971 tôi mới chính thức tung ra bài hát. Khi đó, tôi đặt tên cho bài hát là Áo anh sứt chỉ đường tà.
Theo tôi, bài Áo anh sứt chỉ đường tà tuy có vẻ buồn thương, nhưng không bi lụy mà bi hùng! Tôi nghĩ, bổn phận của người nghệ sĩ trong thời chiến phải biến cái bi thành cái hùng. Bài thơ của anh Hữu Loan có cả hai yếu tố đó và trong bản nhạc người nghe cũng nghe được cả hai tiếng: tiếng hùng và tiếng bi. Tôi soạn thành một “ca khúc” dài tới 7 đoạn gồm khoảng 80 khuông.
Vì là một truyện ca dài, bài hát được chia ra 6 đoạn, nói tới chuyện một anh chiến binh từ mặt trận trở về, cưới xong người con gái anh yêu, rồi lại phải trở về quân ngũ. Ở chiến trường, nhiều khi nhớ vợ, lo lắng cho vợ. Ở quê nhà, bỗng không may người vợ trẻ bị chết đuối, anh không được gặp mặt vợ. Lòng anh rất buồn nhưng vẫn hăng hái theo đoàn chiến sĩ ra đi. Trên đường hành quân, qua những đồi sim, anh nghe thấy có tiếng văng vẳng ru: À ơi, Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu...”.
Người tình sông Đuống
Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Hoàng Cầm đã có khoảng hai năm trời sống chung gắn bó. Theo lời Phạm Duy, tình bạn của họ thân thiết đến độ “chung chăn chung chiếu chung chè chén”. Chưa có người bạn nào tâm đầu ý hợp với ông hơn Hoàng Cầm. Vì thế mà sau này, dù đã xa nhau hơn nửa vòng trái đất, họ vẫn thường xuyên viết thư hoặc đánh điện hỏi han chia sẻ. Khi được Phạm Duy bày tỏ lòng yêu mến với Hoàng Cầm trong tôi, nhà thơ của Lá diêu bông liền ân cần phúc đáp lại bằng Phạm Duy trong tôi. Một cách biểu hiện tình cảm rất chân thành, rất đẹp của hai con người đã cùng nhau đi qua gần hết thăng trầm, hạnh phúc.
Sau một thời gian là đoàn viên của Đoàn văn nghệ Giải phóng Trung ương, hoạt động ở khắp vùng thượng du Việt Bắc, một ngày cuối thu 1947, Phạm Duy từ biệt đoàn này và tới vùng Bắc Giang, đầu quân vào Đoàn văn nghệ của Khu 12. Trong Phạm Duy trong tôi, Hoàng Cầm viết: “Vào một buổi chiều cuối thu 1947, trên đường đê sông Máng đi từ đập Takun (tiếng Pháp đặt thay tiếng Việt: tên gọi đập Thác Huống) có 3 người, 1 quàng guitare, 1 đeo accordéon, 1 cầm clarinette, ngơ ngác hỏi thăm chỗ đóng quân của đội văn nghệ tuyên truyền Khu 12. Đó là các anh Phạm Duy, Ngọc Bích và Ngọc Hiền, đang tìm về với đội văn nghệ của Hoàng Cầm sau khi Đoàn kịch Chiến Thắng của các anh giải thể. Tối hôm đó, trong căn nhà ấm cúng ven rừng Yên Thế, trong ánh sáng ngọn đèn măng sông, ông Lê Quảng Ba giới thiệu ba chàng văn nghệ sĩ này với tôi. Ồ, có gì lạ nhau đâu, Phạm Duy đây mà, với giọng nói cố làm ra vẻ trịnh trọng: “Tôi ở trên ban văn nghệ trung ương, nghe tin anh Hoàng Cầm mới lập một đội văn nghệ lưu động, tôi và hai bạn tôi đây nhất quyết về với các bạn Khu 12, vì toàn là trẻ trung cả”. Rồi qua cặp kính trắng rất tài tử, Phạm Duy chớp chớp đôi mắt lẳng lơ nhìn các nữ diễn viên trẻ đẹp của tôi: Tuyết Khanh, Thúy Nga, Kim Oanh, đến nỗi cả ba cùng ngượng nghịu, đưa mắt nhìn nhau, tủm tỉm. Tôi với Phạm Duy quen biết nhau từ sau Cách mạng Tháng Tám. Chỉ biết qua loa về gia cảnh anh, hình như có chuyện éo le gì đó. Mới 15 tuổi anh đã bỏ nhà đi theo những bậc đàn anh như Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Đàm Quang Thiện, học được cách ghi xướng âm và những điều cơ bản về âm nhạc, chẳng bao lâu tài năng bộc lộ, anh chịu khó chắt lọc, sử dụng tinh hoa dân ca miền Bắc. Vốn thông minh, học một biết hai, anh đã có thể đi đàn ở các tiệm nhảy để mưu sinh...”.
Nhà thơ Hoàng Cầm và nhạc sĩ Phạm Duy 
 Ảnh: nhân vật cung cấp 
Về phía Phạm Duy, ông bảo: “Gặp Hoàng Cầm, tôi yêu nó ngay. Nó bằng tuổi tôi. Trong khi tôi thích đùa rỡn thì nó giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm”. Thế, hai con người sinh ra để gây duyên gầy nợ, thành thử việc Phạm Duy quyết định phổ thành nhạc cho bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm cũng là chuyện rất đỗi bình thường.
Hiếm có thứ tình nào tuyệt mỹ như vậy. Nếu Phạm Duy luôn miệng khẳng định Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn trong kháng chiến thì Hoàng Cầm từng tâm sự rằng: “Tôi thường chiều ý Phạm Duy, vì biết cứ xê dịch luôn, có cảnh đẹp lạ mắt, có những cô gái xinh tươi thì thể nào Phạm Duy cũng bật ra được những giai điệu say mê, trữ tình, mặc dù đề tài nhiều bài ca nổi tiếng của anh không phải là chuyện tình nam nữ hoặc chuyện xa cách nhớ nhung, thở ngắn than dài như một số ca khúc buồn trước cách mạng”. Suốt những năm tháng kề vai sát cánh, họ chắp cánh cho nhau. Rất dễ dàng nhận thấy Hoàng Cầm đã ảnh hưởng tới sự nghiệp Phạm Duy như thế nào. Một giai đoạn trong cuộc đời soạn nhạc của Phạm Duy mang đậm dấu ấn Hoàng Cầm: Giai đoạn Hoàng Cầm ca, dù khi ấy, họ đang xa cách nhau đến nghìn trùng.
Cười như mùa thu tỏa nắng
Một ngày nọ trên đất Mỹ, Phạm Duy bỗng tình cờ gặp được cô con gái của Hoàng Cầm với người vợ cũ Tuyết Khanh. Cô tên Kiều Loan - tên của một vở kịch thơ do chính bố Hoàng Cầm sáng tác và mẹ Tuyết Khanh thủ vai chính vào năm 1945. Phạm Duy nhận Kiều Loan làm con nuôi, hết lòng nâng đỡ về mặt tinh thần như chính con ruột của mình.
Mùa xuân năm 2000, Phạm Duy trở về Hà Nội, người bạn đầu tiên mà ông tới thăm là thi sĩ Hoàng Cầm. Họ tự nhận nhau là: “Hai thằng bạn già, vượt thời gian không gian”.
Hôm biết tin người tri âm tri kỷ của mình tạ thế, Phạm Duy không nén nổi xúc động mà viết:
“12 giờ trưa ngày thứ năm, 6.5.2010
Ông Hoàng của tôi ơi!
Tôi vừa soạn xong bản nhạc phổ thơ bài Bên kia sông Đuống và đã đưa cho người soạn hòa âm để thu thanh, với ý định tặng riêng ông cho ông nghe để ông đỡ buồn (vì thấy ông không có một bài viết nào trên các báo xuân vừa rồi, nghĩ rằng ông ốm)... thì nghe tin ông vừa qua đời sáng hôm nay!
Thế là tôi lại mất đi một người bạn tốt, đã từng chia sẻ với nhau những vinh quang và tủi nhục của cuộc đời.
Phải xa nhau gần nửa thế kỷ, khi cuộc đời Việt Nam đã bình thường rồi thì chúng ta đã trao đổi thư từ trong đó, hai ông già ngoài 70 tuổi vẫn cứ xưng hô mày tao như trong tuổi 20. Chúng ta đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi! Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu nhưng cả hai kẻ lãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật làm cho chúng ta, sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người. Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói: ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng ta đi nốt con đường chúng ta đã chọn là con đường tình: tình nước, tình người.
Vĩnh biệt người bạn cố tri. Chúc ông yên vui trong giấc ngủ ngàn thu”
Nằm trên giường bệnh, nghe nhắc về Hoàng Cầm, Phạm Duy lại khe khẽ đọc đôi câu thơ trong bài Bên kia sông Đuống:
“Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng”
Rồi ông chùng giọng xuống: “Hồi xưa đẹp lắm, giờ không còn được thế nữa...”.

Dưới bóng trăng mờ
Năm 1944, Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy đóng neo tại Đà Nẵng. Nơi đây, ông có duyên gặp gỡ nhà thơ Lưu Trong Lư - tác giả của các bài thơ Tiếng thu, Vần thơ sầu rụng, Thú đau thương, Còn chi nữa mà ông đã phổ nhạc sau này. Đó là quãng cậu trai trẻ Phạm Duy Cẩn (tên khai sinh của Phạm Duy) miệt mài đi tìm thầy học nghề. Còn chàng thi sĩ Lưu Trọng Lư lúc bấy giờ đang là ông giáo dạy học ở một trường tỉnh.
Phạm Duy và Lưu Trọng Lư (phải) - Ảnh: tư liệu
Phạm Duy kể: “Tin đồn về chàng du ca đầu tiên đã đi rất nhanh từ Thanh Hóa vào Vinh tới Huế và bây giờ thì thanh niên nam nữ Tourane (Đà Nẵng - PV) kéo nhau tới rạp để nghe tôi hát. Đã rất tự tin ở mình, đã biết trau dồi tài nghệ cũng như sắc đẹp. Đã để tóc dài cho có vẻ nghệ sĩ. Đã sắm được bộ áo mùa lạnh bằng nỉ được gọi là nỉ pattes de poule đủ sưởi ấm lòng tôi trong những ngày mùa lạnh ở Tourane này....”. Trong số những người đến nghe ông hát có thi sĩ Lưu Trọng Lư.

Đối với Phạm Duy, giai đoạn quen biết Lưu Trọng Lư là những tháng ngày êm ái nhất của ông. Đôi mắt màu hạt dẻ xưa kia vẫn ám ảnh Phạm Duy vào mỗi lúc tâm hồn ông cựa mình nhớ về một thời phiêu lãng
Phạm Duy chắc nịch rằng, trước giờ chưa từng gặp ai “nên thơ” như Lưu Trọng Lư, “chưa gặp anh đã nghe nói anh là người rất lơ đãng. Gặp anh rồi thì nhìn bề ngoài của anh cũng đã thấy anh là một con nai vàng ngơ ngác”. Cái chất lãng mạn của người thi sĩ ấy đã làm Phạm Duy yêu thích vô cùng. Những giai thoại đầy ngẫu hứng của hai con người tài hoa ấy lần lượt ra đời. Phạm Duy nhớ lại: “Lần đầu nghe tôi hát, Lưu Trọng Lư đã nằng nặc lôi tôi lên xe kéo đưa tôi tới trường học để hát cho học trò của anh nghe. Sau khi tôi hát cho lũ học trò xanh xao gầy gò nghe bài Buồn tàn thu thì nhà giáo Lưu Trọng Lư đầu bù tóc rối, quần áo lôi thôi lếch thếch và nát nhàu, móc ở trong túi ra những mẩu thơ để tặng tôi ngay trong lớp học. Tôi nhớ rất kỹ đó là những đoạn thơ của bài Giang hồ mà khi in ra thì anh Lư đề tặng Nguyễn Tuân và Vũ Hoàng Chương:
Mời anh cạn hết chén này
Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn
Tiếng gà đã rộn trong thôn
Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay...
Rồi họ ôm chầm lấy nhau, cùng những lời hẹn thề thơ ca và nhiều câu chuyện liên quan đến đàn bà. Lưu Trọng Lư - một trong số những thi sĩ tiêu biểu của phong trào Thơ mới có lối sống rất hào phóng, khoáng đạt. Câu chuyện Lưu Trọng Lư tặng cho “thằng em trai” chí cốt một cô nhân tình có đôi mắt màu hạt dẻ đã được chính miệng Phạm Duy kể lại trong thượng thọ thứ chín mươi mốt của mình, nhân có người con trai thứ ba của Lưu Trọng Lư là Lưu Trọng Văn đến tham dự.
Gánh hát dọn đi, và họ chia tay nhau...
Năm 1946, một dịp rất tình cờ, họ tái ngộ nhau ở Huế. Hình ảnh Lưu Trọng Lư chưa bao giờ thay đổi trong tâm trí Phạm Duy, từ cuộc gặp ban sơ cho đến tận giây phút hôm nay… “Gặp lại anh Lư ở Huế vào những ngày đầu của Cách mạng, tôi vẫn thấy anh "nên thơ" như cũ và tin rằng chẳng bao giờ anh hết nên thơ dù rằng sau này có nhiều phen anh cứ phải tuyên bố là đã giơ tay xua đuổi con nai vàng ở trong anh chạy đi”. Cũng thời gian này, Phạm Duy đã phổ nhạc bài thơ bất hủ của Lưu Trọng Lư, bài thơ Tiếng thu:
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?”...
Họ lại chia tay, sau khi ngả đầu nằm cạnh nhau, lắng nghe tiếng đàn tranh của chị Mừng - vợ thi sĩ Lưu Trọng Lư vào một đêm trăng huyền hoặc. Đó là cuộc gặp cuối cùng của họ.
Năm 2000, trở về Việt Nam, Phạm Duy được tới viếng mộ cố nhân, mộ nằm ngay trong vườn nhà các con của Lưu Trọng Lư ở Tân Thuận, TP.HCM. Đối với Phạm Duy, giai đoạn quen biết Lưu Trọng Lư là những tháng ngày êm ái nhất của ông. Đôi mắt màu hạt dẻ xưa kia vẫn ám ảnh Phạm Duy vào mỗi lúc tâm hồn ông cựa mình nhớ về một thời phiêu lãng.
Cái duyên sâu đậm giữa Phạm Duy và Lưu Trọng Lư chưa chịu dừng lại ở đó. Nhạc sĩ Phạm Duy khá thân thiết với nhà thơ Lưu Trọng Văn - con trai của Lưu Trọng Lư. Ngoài phòng khách nhà Phạm Duy có treo một bức chân dung của ông do Lưu Trọng Văn tặng, bên cạnh đề bài thơ Về thôi. Bài thơ như là một trong nhiều lý do thôi thúc Phạm Duy trở về quê hương sau bao năm trời xa cách. Theo Phạm Duy thì: “Đầu năm 2000, tôi đáp máy bay về Việt Nam, có lẽ cũng chỉ vì có tiếng gọi tha thiết của một thi sĩ, tiếng gọi mơ màng của một o đò, tiếng gọi nồng nàn của tình yêu…”.
“Về thôi, người tình già ơi
Về thôi
Làm gì có trăm năm mà đợi
Làm gì có kiếp sau mà chờ
Đất Mẹ - Đất Nàng
Con sáo sang sông
Tha cọng rơm vàng lót ổ
Mười chín năm tình cũ
Người tình già ơi
Nhớ không?
(14.10.1994)
Đêm mơ Hà Nội
Thật ra, trước khi gặp nhau trong kháng chiến, nhà thơ Quang Dũng và nhạc sĩ Phạm Duy đã là bạn từ thời mài đũng quần trên ghế nhà trường. Phạm Duy kể lại rằng, lúc còn đi học ở Trường Thăng Long vào năm 1934, ngồi sau ông hai hàng ghế là sinh viên Bùi Đình Diễm (hoặc Bùi Đình Dậu), tức thi sĩ Quang Dũng trong tương lai.
“Khi tôi học trung học ở Trường Thăng Long Hà Nội, tôi có cậu bạn học sau này là thi sĩ nổi danh với bài thơ Tây Tiến: Quang Dũng. Anh tên thật là Dậu, lúc mới 15, 16 tuổi anh đã cao lớn đô con nhưng hiền và ít nói lắm. Hồi đó tôi chưa thân với anh vì anh không nghịch phá như chúng tôi, nhưng sau này khi tản cư ra vùng kháng chiến thì chúng tôi khá thân với nhau.
Quang Dũng (ngoài cùng bên trái) gặp Văn Cao 
(ngoài cùng bên phải) và bạn bè trong kháng chiến 
 Ảnh: tư liệu
Thuở ấy thi sĩ Quang Dũng đang là đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến, đôi khi được về phép với gia đình Quang Dũng lại tạt qua Kinh Đào gần chợ Đại để gặp người tình vũ nữ tên Nhật, bán cà phê ở vùng kháng chiến, còn có biệt danh là Akimi.
Phải chăng nàng là “em” mà Quang Dũng đã tặng những câu thơ: Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/Em đã bao ngày em nhớ thương. Rồi sau này khi tôi gặp Akimi tại Mỹ năm 1989, nàng còn đọc cho tôi câu thơ mà thi sĩ Quang Dũng chép tặng lên vách nứa của quán nàng : Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền/Khuấy nước Kinh Đào sóng nổi lên/Ý nhị mẹ cười sau nếp áo/Non sông cùng đắm giấc mơ tiên… Quang Dũng rất giống tính tôi ở chỗ quý trọng sự riêng tư độc lập của mình. Đi kháng chiến đã ở nhà đồng bào mà còn chăng dây bao quanh chỗ mình nằm và treo mảnh giấy có dòng chữ: Xin mọi người đừng bước vào đây. Thế nhưng trước con gái đẹp, vị kỷ đến đâu thì cũng phải lụy ông bà thân sinh của người đẹp. Điểm giống nhau của chúng tôi còn là đều từng có mối tình vũ nữ đậm đà mãnh liệt.

Trong kháng chiến, họ có cùng nhau biết bao kỷ niệm, không ít lần “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm và chỉ mong có ngày trở về miền Sông Đáy chậm nguồn để nghe sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...”.  Cái kiểu lãng mạn thời ấy và nỗi lòng mênh mênh mang mang của hai chàng trai trẻ
 Rồi anh cũng từng bỏ nhà đi theo gánh hát với tư cách nhạc công đàn cò, anh không học trường mỹ thuật như tôi nhưng cũng thích vẽ và từng làm họa sĩ, dùng cái bút lông để được lê gót giang hồ. Trong kháng chiến Quang Dũng tham dự một cuộc triển lãm với bức tranh Gốc bàng rất ấn tượng. Anh còn soạn nhạc nữa, bài hát Nhớ Ba Vì của anh được dân vùng kháng chiến hát lên trong nhiều năm.
Sau khi ở nhà Lê Khải Trạch về Chợ Neo, chúng tôi đạp xe 15 cây số cùng nhau, tôi có hỏi thăm anh về Akimi, anh vừa đạp xe vừa đọc cho tôi nghe bài thơ Đôi bờ:… Đêm đông sông Đáy lạnh đôi bờ/Thoáng em hiện về trong đáy cốc/Nói cười như chuyện một đêm mơ/Xa quá rồi em người mỗi ngả/Bên này đất nước nhớ thương nhau/Em đi áo mỏng buông hờn tủi/Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…
Sáng hôm sau Quang Dũng đạp xe về đơn vị, tôi ngồi bên bờ sông máng phổ nhạc bài thơ Tây Tiến mà anh vừa viết ở Phù Lưu Chanh. Tôi nhớ đoạn cuối, đáng lẽ nét nhạc phải về chủ âm Sol thì câu hát Đường về Sầm Nứa chẳng về xuôi tôi kết thúc với nốt La ngang phè, giống như trên đường hành quân đoàn binh không mọc tóc của Quang Dũng quyết tử ra đi vậy”.
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Trước đó, khi gặp nhau tại chợ Đại (Hà Đông), Quang Dũng đọc cho Phạm Duy nghe bài thơ Tây Tiến. Vừa nghe qua mấy câu, Phạm Duy đã có ý định phổ nhạc ngay. Và cũng vừa nghe qua mấy câu, nhạc sĩ đã đem lòng quý mến hơn người thi sĩ này. Trong kháng chiến, họ có cùng nhau biết bao kỷ niệm, không ít lần “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm và chỉ mong có ngày trở về miền Sông Đáy chậm nguồn để nghe sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng...”.  Cái kiểu lãng mạn thời ấy và nỗi lòng mênh mênh mang mang của hai chàng trai trẻ.
Thế rồi, những người bạn tri kỷ (và nổi tiếng) của Phạm Duy lần lượt ra đi…
Song có lẽ, sự ra đi khiến ông ngậm ngùi nhất là ngày ông nghe tin Quang Dũng mất trên giường bệnh tại Hà Nội sau thời gian dài bị liệt một cánh tay và nói năng không rõ do tai biến mạch máu não.Vậy là, anh bạn Quang Dũng hào hoa phong nhã của Phạm Duy đã từ giã cõi đời vì bệnh tật. Hình ảnh cậu sinh viên to con lành tính chả bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc “làm loạn” nào của lớp học thuở nhỏ như còn nguyên vẹn và giờ ngủ yên ở miền quá khứ. Sắp bước qua tuổi chín mươi ba, nhưng từng câu từng chữ trong bài thơ Tây Tiến năm nao vẫn in đậm trong trí nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
 Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
 Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
 Mường Lát hoa về trong đêm hơi
 Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
 Heo hút cồn mây súng ngửi trời
 Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
 Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
 Anh bạn dãi dầu không bước nữa
 Gục lên súng mũ bỏ quên đời
 Chiều chiều oai linh thác gầm thét
 Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
 Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi...”.
Đưa nhau tìm động hoa vàng
Từ khi trở về Việt Nam, Phạm Duy có thói quen ngồi cà phê vào mỗi sáng thứ bảy hằng tuần trên đường Ngô Đức Kế (TP.HCM). Nhiều người bạn thương mến ông biết được nên vẫn thường ghé qua hàn huyên tâm sự, dĩ nhiên là không thể vắng mặt thi sĩ Phạm Thiên Thư.
Cuối năm 2011, Phạm Thiên Thư cùng vợ đến dự đám cưới Duy Cường - con trai thứ của Phạm Duy - tại một nhà hàng sang trọng ấm cúng. Nhạc sĩ lúc ấy hãy còn khỏe mạnh và rất linh hoạt. Ông ngồi cạnh Giáo sư Trần Văn Khê, song thi thoảng có đứng dậy đi tới phía bàn Phạm Thiên Thư cười nói vui vẻ. Cuối tiệc, khi khách khứa đã vãn, ba người họ ngồi chung lại với nhau, trao đổi một vài câu chuyện giản dị. Nếu như Phạm Duy là người ăn nói hào sảng thì Phạm Thiên Thư lại mang cốt cách của người tu sĩ thâm trầm, dáng vẻ khoan thai. Hình ảnh ba mái đầu bạc thân tình bên nhau khiến người ta không khỏi xúc động. Trước lúc chào ra về, Phạm Thiên Thư còn gửi tặng “người tình già” tập thơ Thiền mới nhất của mình.
Ảnh: nhân vật cung cấp
Khoảng nửa năm sau, nhạc sĩ Phạm Duy bị một trận bệnh nặng khi tham gia đêm nhạc ở Hà Nội. Từ đấy, ông không còn đủ sức ngồi cà phê vào mỗi sáng thứ bảy nữa. Hằng ngày, ông mắc đi châm cứu ở nhà bác sĩ Trương Thìn nên các cuộc gặp gỡ bạn bè cũng dần thưa thớt. Riêng Phạm Thiên Thư vẫn đều đặn hoặc tới nhà, hoặc gọi điện thoại hỏi thăm Phạm Duy. Họ như chưa từng lãng quên nhau trong cuộc đời, dù thời gian đã làm những bước chân già nua ngày càng trở nên nặng nhọc. Một lần nọ trên giường bệnh, đang nằm lim dim nghe kể về đêm nhạc Tình ca của Tùng Dương có cô ca sĩ khách mời Nguyên Thảo trình diễn bài Đưa em tìm động hoa vàng hay lắm, Phạm Duy liền ngẫu hứng vừa nhịp chân vừa cất lời hát (nói hát nhưng thực tế là thì thào, vì sức ông bấy giờ quá yếu):
“Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say
Thôi thì thôi để mặc mây trôi
Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Thôi thì thôi chỉ là phù vân
Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi
Chim ơi chết giữa cội hoa
Tiếng kêu rơi rụng giữa ngân hà
Mai ta chết dưới cội đào
Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu”
Về mối lương duyên dẫn đưa mình vào đạo ca, Phạm Duy đã viết:
“Sau vụ Tết Mậu Thân, tức là khoảng 1969 - 1970, giới văn nghệ sĩ ở Sài Gòn bị dao động trước những biến cố của đất nước, có chủ trương trở về nguồn. Cơ sở văn nghệ hoặc tập san đều chọn những tên thấm nhuần tinh thần về nguồn: An Tiêm, Ca Dao, Giữ Thơm Quê Mẹ... Trong văn có Lý Chánh Trung với cuốn Tìm Về Dân Tộc, có Người Việt Đáng Yêu của Doãn Quốc Sĩ... Trong nhạc có nhóm Tiên Rồng, nhóm Nguồn Sống và có tôi với nhạc tập Dân Ca và cuốn Biên khảo về dân nhạc.
Về nguồn, nghĩa là về với mình - về với loại nhạc của cõi tâm - thì tôi muốn thăng hoa mọi thứ lên. Lúc đó cũng có nhiều người muốn làm như tôi, ví dụ như Phạm Thiên Thư. Anh là một nhà sư trẻ (đạo danh Tuệ Không), có một đàm trường - kiểu đàm trường Viễn Kiến của Nguyễn Đức Quỳnh - để bạn bè tới nói chuyện văn nghệ. Tất cả đều rất trẻ nhưng cung cách của họ giống như các ông cụ non. Tuy nhiên khi đàm luận với nhau, họ không có gì là lúng túng hết. Họ rất ung dung và họ cũng rất già dặn trong tâm hồn, bởi vì họ già trước tuổi. Khi phải sống dưới biết bao nhiêu đe dọa (đi lính chẳng hạn), cũng như trong hoàn cảnh kinh tế sa sút, họ chỉ còn có cách trốn vào một đàm trường, vào một cái vỏ trong đó họ có thể ung dung ngồi nói chuyện thi phú, nói chuyện tư tưởng, những chuyện nhẹ nhàng bên trong với nhau, không lý gì đến chuyện bên ngoài và không cần phải ai biết đến họ.
Sự gặp gỡ của tôi với Phạm Thiên Thư - mà thi sĩ gọi là của một ngọn núi và một đám mây - là nhờ ông Nguyễn Đức Quỳnh. Vào năm 1971, ông Quỳnh bị ung thư dạ dày và vào nằm trong bệnh viện cho hai bác sĩ Phạm Biểu Tâm và Trần Ngọc Ninh cứu chữa. Ngày tôi tới thăm ông tại bệnh viện thì gặp Phạm Thiên Thư ở đó. Và chúng tôi yêu mến nhau ngay.
Sau đó, chúng tôi gặp nhau gần như hằng ngày. Gặp tu sĩ Tuệ Không kiêm thi sĩ Phạm Thiên Thư là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của tâm ca, tâm phẫn ca, vỉa hè ca. Phạm Thiên Thư đưa cho tôi tập thơ Ðưa em tìm động hoa vàng hay bài thơ Gọi em là đóa hoa sầu... để tôi phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại. Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh thiền, chùa, động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng... Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy”. (Trích Vang vọng một thời - mùa hè, 2012).
Bài Ðưa em tìm động hoa vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng... Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy.
Yêu nhau kiếp nào
Năm 1943, Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy tới Huế vào một ngày êm đẹp. Cảm xúc ngày ấy như vẫn ngọt lịm trên từng giác quan người nhạc sĩ. Ông mơ màng hồi tưởng: “Ai tới Huế lần đầu tiên cũng đều cảm thấy như vừa gặp một nơi để biết ái tình ở dòng sông Hương... vì những bầy “Huế nữ” không những đẹp thôi, ăn nói lại mặn mà có duyên. Tôi may mắn được quen biết mấy chị em trong một gia đình quyền quý và được mời tới dinh thự Hương Trang ở Nam Giao chơi... Trong số đó có một cô gái rất trẻ tên là Võ Tá Hoài Trinh. Cô này còn làm thơ nữa, lấy bút danh Minh Đức Hoài Trinh... Nói rằng tôi biết ái tình ở dòng sông Hương là thế, nhưng lúc quen nhau rồi thì cũng phải xa nhau. Tôi tiếp tục sống đời giang hồ, người mới quen dần trôi vào dĩ vãng...”.
Nhạc sĩ Phạm Duy, năm 2007 - Ảnh: Diệp Đức Minh 
Cuộc đời Phạm Duy, không ít những cuộc gặp đầy lưu luyến, song phần lớn chỉ là đôi ba khoảnh khắc ngắn ngủi rồi muôn trùng cách biệt. Trường hợp của nữ sĩ Hoài Trinh có thể gói trọn trong một chữ “duyên”. Năm 1948, nơi không gian nhỏ hẹp là khu vực của làng văn nghệ Quần Tín (tỉnh Thanh Hóa) vào thời gian mà cuộc toàn quốc kháng chiến đã gần đi vào năm thứ hai. Phạm Duy kể: “Tôi bấy giờ đang là quân nhân... bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con... ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa để xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thái Mai coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ”.

Thói đời thích ban cho người đàn bà đẹp cuộc sống trắc trở. Có lẽ vì thế mà đằng sau mỗi nhan sắc yêu kiều thường là tâm hồn cứng cỏi vượt lên mọi nghịch cảnh. Cuộc giao duyên thơ - nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ sĩ Hoài Trinh đã kịp cho ra đời hai bản tình: Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình
Con tạo xoay vần. Họ lại chia tay nhau. Nhưng, Phạm Duy tiếp tục câu chuyện về nữ sĩ Hoài Trinh: “Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hy hữu, tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ”.
Minh Đức Hoài Trinh, trong ký ức của Phạm Duy là một người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ pha chút “bạt mạng”. Thói đời thích ban cho người đàn bà đẹp cuộc sống trắc trở. Có lẽ vì thế mà đằng sau mỗi nhan sắc yêu kiều thường là tâm hồn cứng cỏi vượt lên mọi nghịch cảnh. Cuộc giao duyên thơ - nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ sĩ Hoài Trinh đã kịp cho ra đời hai bản tình: Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình.
“Nhạc tình của tôi trong loại nhạc tình cảm tính, nhạc của lứa đôi, nên tôi rất chú trọng tới chữ “nhau”: Cho nhau, Đừng xa nhau... Một bài thơ cũng ở trong chữ ''nhau'' của Hoài Trinh đã nói lên mối tình xanh vẫn còn lo sợ... Bài thơ nhan đề Kiếp nào có yêu nhau...
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi....
Cả bài thơ là một sự nức nở, nghẹn ngào, tiếc nuối... để có thể làm cho người đọc thấy trong lòng buốt giá, tái tê, chết lặng.
Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chấp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu “đừng nhìn em nữa anh ơi” chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai “nhẩy bực” quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu “đừng nhìn em” làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát...
Nói thêm cho rõ: ca khúc gồm 154 chữ, dài gấp rưỡi bản gốc. Bản gốc là thơ năm chữ theo luật thi, nhịp lẻ; ca từ nhịp chẵn 6-10 theo sườn lục bát vần lưng kết hợp với vần chân; hai câu ngũ ngôn trở thành bát cú (hémistiche) cho câu 10 từ với vần giữa câu. Như vậy, chỉ về âm luật thôi, bài hát đã khác bài thơ. Những câu, những từ, những âm (đừng... đã) luyến láy tạo ý nghĩa mới cho lời thơ - chưa kể nhạc thuật phong phú, tha thiết mang chất bi kịch.
Hẳn người thôi đã quên ta!
Trăng thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng? Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ.
Về bài thơ Đừng bỏ em một mình. Sau khi đã thu xếp gọn gàng cuộc tình mười năm với những tình ca đôi lứa như Ngày đó chúng mình, Đừng xa nhau, Con đường tình ta đi... rồi chia tay với người yêu qua những tình ca một mình như Mùa thu chết, Tình hờ, Giết người trong mộng... tại Midway City, vào năm 1970, tôi phổ nhạc một bài thơ như gửi từ dưới mộ:
Đừng bỏ em một mình
Khi trăng về lạnh lẽo
Khi chuông chùa u minh
Chậm rãi tiếng cầu kinh...
Đừng bỏ em một mình
Mấy ngàn năm sau nữa
Ai mái tóc còn xinh
Đừng bỏ em một mình
Tôi còn gặp lại Minh Đức Hoài Trinh thêm một lần nữa khi chúng tôi di cư qua Mỹ, tới ngụ cư tại Midway City. Nàng cũng tới thị trấn giữa đàng và ở nhà xế cửa nhà tôi”.
Chút gì để nhớ
Người yêu thơ nói, nhờ Vũ Hữu Định mà Pleiku thành danh phố núi. Người yêu nhạc thì lại tin rằng, Phạm Duy đã đem phố núi đến với đông đảo công chúng khi phổ nhạc vào thơ. 
Người ta nghe trong đó tiếng gió, tiếng suối, tiếng đá, tiếng cây rừng... âm thanh trong trẻo và phóng túng của đại ngàn tràn ngập trong một bài hát mà lạ lùng thay, ca từ lại mềm mại như sương. Còn chút gì để nhớ của nhà thơ giang hồ Vũ Hữu Định kết hợp với những nốt nhạc tài hoa của nhạc sĩ họ Phạm, đã biến một phố nhỏ vùng cao buồn tênh thành một trong những địa danh lãng mạn nhất của thi ca Việt Nam.
Những cuộc tao ngộ với thi nhân đã đem lại nhiều cảm xúc khác nhau cho Phạm Duy. Một điều khiến người yêu cả nhạc và thơ mến mộ, đó là trong hầu hết trường hợp, Phạm Duy chưa bao giờ làm biến dạng hồn vía của bài thơ. Thậm chí, bài thơ càng như được chắp cánh để bay về hướng mặt trời, long lanh tươi mới. Đơn cử Ngậm ngùi của Huy Cận - bài thơ lục bát với nhịp điệu chậm rãi, sau khi được phổ nhạc đã trở thành một kiệt tác, được bao nhiêu thế hệ ca sĩ hát từ hàng chục năm nay. Để làm được điều đó, hẳn Phạm Duy phải có một sự đồng cảm đặc biệt với các nhà thơ để nắm được tận cùng ngóc ngách vi diệu nhất của từng câu chữ, như ông từng nói về Ngậm ngùi: "Nguyên bài thơ đã là một giao lưu giữa thơ Đường và thơ lục bát Việt Nam rồi... Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi. Hãy trả lại chúng tôi mộng bình thường mà có lẽ chúng tôi đã, đang hay sẽ mất”.
Vũ Hữu Định - Ảnh: tư liệu
Trở lại Còn chút gì để nhớ và mối duyên kỳ lạ của Phạm Duy với nhà thơ Vũ Hữu Định, Phạm Duy hồi tưởng:
“Năm 1972, tôi đi Pleiku để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ, Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ... trong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên tôi dùng ngay ngũ cung có bán - cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu.
Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương.
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên tóc em ướt và mắt em ướt
Nên em mềm như mây chiều buông.
Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Ði dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để nhớ để quên
(Vang vọng một thời - mùa hè, 2012).

Còn chút gì để nhớ của nhà thơ giang hồ Vũ Hữu Định kết hợp với những nốt nhạc tài hoa của nhạc sĩ họ Phạm, đã biến một phố nhỏ vùng cao buồn tênh thành một trong những địa danh lãng mạn nhất của thi ca Việt Nam
Có lẽ, mối duyên của nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Vũ Hữu Định chỉ đan kết qua thơ nhạc, giống như chính cái tên bài hát vậy: Còn chút gì để nhớ. Cuộc gặp gỡ thì ngắn ngủi. Đến lúc Phạm Duy trở về sống ở quê hương thì Vũ Hữu Định đã tạ thế lâu rồi. Thế nhưng, cho tới tận bây giờ, ông lão 93 tuổi Phạm Duy vẫn nhớ y nguyên dáng vóc của Vũ Hữu Định thời bấy giờ. Trong con mắt Phạm Duy, thi sĩ gốc Huế họ Vũ, tên thật là Lê Quang Trung (1942-1981) là người hồn hậu, song cách nói chuyện thì không giống ai cả. Lần đầu gặp gỡ Phạm Duy, trên khuôn mặt của Vũ Hữu Định có chút ngượng ngùng, bối rối, nhưng chỉ được một lát sau là bộc lộ vẻ sảng khoái ra liền. Hai người ngồi uống trà đàm đạo. Hỏi nhạc sĩ Phạm Duy: “Lên Tây nguyên mà uống trà ạ?”. Ông cười, bảo: “Tại tôi không biết uống rượu nên được tha”. Một cuộc trà đậm hương rừng núi bạt ngàn…
Nhiều người cho rằng, tên tuổi Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến khi bài thơ Còn chút gì để nhớ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Thực tế, chính Phạm Duy cũng không ngần ngại thừa nhận đóng góp lớn lao từ bài thơ đối với sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc của ông. Phạm Duy khẳng định: "Vũ Hữu Định đã đưa tôi đến âm nhạc của miền sơn cước". Cả đời Phạm Duy say mê tìm hiểu nhất là những giá trị thuộc về văn hóa dân tộc. Mặc dù được học hành ở Pháp, nhưng giống như lời Giáo sư Trần Văn Khê, Phạm Duy biết chọn lọc giữa mới mẻ và truyền thống. Việc phổ nhạc cho thơ cũng là một cách thể hiện sự trân quý giá trị văn hóa của ông. Phạm Duy đã có rất nhiều trường ca, tổ khúc nổi tiếng. Không ngừng lại ở đó, ông đã và đang ngày đêm miệt mài hành trình gieo tiếng nhạc cho thơ. Có thể nói, riêng về lĩnh vực này, Phạm Duy được xếp ở vị trí bậc thầy trong làng tân nhạc Việt Nam.
Năm tháng trôi đi, ẩn sau mỗi khuôn nhạc, bao mối tình tri âm tri kỷ vẫn còn rưng rưng lay động tâm hồn người yêu nhạc...
(Trích Vang vọng một thời - Mùa hè 2012)
Hiếu Dũng - Ngân Vi
Theo http://thanhnien.vn/


1 nhận xét:

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...