Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Lời, từ trong nhạc Trịnh Công Sơn

Lời, từ trong nhạc Trịnh Công Sơn
1. Sáu mươi ba năm "ở trọ" trần gian, Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ, vô giá (anh sinh ngày 28/ 2/ 1939, mất ngày 01/ 4/ 2001). Chẳng thế, mà có người không ngần gại xếp anh trong nhóm "tứ trụ" với những tài năng âm nhạc khác của Việt Nam, như Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy. Còn riêng anh, khi nói về Văn Cao, anh tự đánh giá mình hết sức khiêm tốn. Anh nói: "Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư.". Nhưng có một điều dễ nhìn nhận khi anh còn sống hay khi anh về bên kia cuộc đời, tôi nghĩ, người đời biết anh nhiều hơn Văn Cao. (Là người Việt Nam, ai cũng biết bài Quốc ca, nhưng có thể nhiều người không biết bài ấy của Văn Cao, và ngoài bài Quốc ca ra, người thuộc nhạc Văn Cao ít hơn). Có thể nói không quá đáng rằng, từ những "công dân hạng một" đến hàng "thứ dân", ai cũng biết anh, ai cũng thuộc đôi ba câu nhạc của anh. Phải chăng vì anh gần gũi như một "sở thích" của họ. Lúc sống anh cũng chỉ có một tâm nguyện: "Ôi nhân loại, còn người trong tôi.". Tài năng âm nhạc của anh, chắc rồi, người đời sẽ còn nói nhiều. Vẫn biết không thể tách nhạc và lời trong những sáng tác của anh. Chúng như hình với bóng và cả hai đều ở mức hoàn hảo, tuyệt vời. Nói như Văn Cao: "Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ.". Vì nhiều lý do, bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát phần lời, từ trong nhạc của anh. Chắc rằng, sẽ là thiếu sót, vì chúng tôi đã tước đi phần nhạc, một phần hồn khác, không thể thiếu được trong nhạc và lời của Trịnh Công Sơn.
2. Có thể nói, lời, từ trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng chính là tâm nguyện của anh về cuộc sống. Anh không viết lời vì bị câu thúc bởi nhạc. Lời, từ trong nhạc anh không có những lời sáo rỗng, vô hồn, to tiếng, đại ngôn, vì anh viết nên nó bằng chính nỗi niềm thật trong sáng, không vụ lợi, không vị nhân; dẫu nỗi niềm ấy đôi lúc nghe như có phần tuyệt vọng, nhưng cũng như anh đã có lần tâm sự, đó còn là nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi với buổi chia lia cuộc đời này. Anh tâm sự: "Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa (một ngày nào đó) cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia xẻ những buồn vui cùng mọi người.".
2.1. Xét về mặt nội dung của lời, từ, nhiều người cho rằng, khoảng 600 bài nhạc của Trịnh Công Sơn thì đó cũng chính là 600 bài thơ của anh. Chỉ với số lượng thôi, tôi nghĩ, anh cũng xứng đáng được liệt vào hàng các nhà thơ lớn đương đại. Trong số này có rất nhiều bài nhạc mà lời, từ rất đặc sắc. Trong nhiều bài nhạc, lời, từ của anh đậm tính nhân văn, chất triết lý nhân bản hết sức quí. Nói chung, người nghe thích và quí trọng nhạc anh, vì ngoài phần nhạc nhẹ nhàng, đơn giản như gió thoảng, mây bay có sức len lỏi vào tận ngõ ngách mọi tâm hồn của con người, thì phần lời trong nhạc anh lại nêu bật được hình ảnh, thân phận con người trong cõi sống "nhọc nhằn đáng yêu" mà anh cùng nhiều người vẫn cho như thế. Lời ca trong "Một cõi đi về" cũng đã nói lên điều đó: "Bao nhiêu năm rồi còn mãi đi xa. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.". Trong kiếp sống ngắn ngủi của con người, anh không kêu gọi con người sống gấp, sống vội, bằng cách cố vun vén cho mình mọi điều, mọi thứ; mà trái lại, anh khuyên họ nên sống giàu lòng nhân ái, đầy sự độ lượng, vị tha. Lời trong bài "Ngụ ngôn mùa đông" và phần lớn những bài trong "Ca khúc Da vàng" của anh đều nêu bật tấm lòng yêu thương con người, tâm lý chán ghét chiến tranh của anh, vì chiến tranh suy cho cùng chỉ mang lại thiệt thòi, chết chóc cho dân lành vô tội: "Một ngày mùa đông, Một người Việt Nam, Thôi lên đồi non, Súng từ thị thành, Súng từ ruộng làng, Nổ xé da con, Phố chợ thật buồn, Cuộn dây gai chắn, Chắc mẹ hiền lành, rồi cũng tủi thân.".
Có lẽ, anh mang nặng nỗi niềm đau nhân thế và ý nghĩa triết lý cuộc đời của tôn giáo nên lúc sống anh vẫn thường nói về cái chết. Anh không sợ nó mà như sẵn sàng đón nhận nó, đôi khi có phần mong đợi: "Hòn đá lăn bên đồi, Hòn đá rớt xuống cành mai, Rụng cánh hoa mai gầy, Chim chóc hót tiếng qua đời, Người ôm lấy muôn loài, Nằm trong tiếng bi ai." (Ngẫu nhiên). Đó còn là giấc mơ về cõi bên kia vĩnh hằng: "Đường nào dìu tôi đi đến cơn say. Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời. Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy. Giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi.". Hay trong bài "Cát bụi" anh sáng tác trước: "Bao nhiêu năm làm kiếp con người. Chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy. Cho trăm năm vào chết một ngày.".
Ý nghĩ vần thường trực trong anh là cuộc đời ngắn ngủi, thế nên anh cũng sống hết mình với nó, nhưng hình như vẫn phảng phất trong anh một nỗi buồn mênh mang có lý do và đôi khi cũng vô cớ. Có điều, nỗi buồn không đến mức làm con người lạnh đi, bi quan; trái lại, nỗi buồn làm tấm lòng con người ấm lại, nhân ái, bao dung hơn: "Người ngồi xuống xin mưa đầy. Trên hai tay cơn đau dài. Người nằm xuống nghe tiếng ru. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ." (Mưa hồng).
Trong gia tài âm nhạc của anh, người ta tìm thấy thân phận và tình yêu, nhưng như anh nói, thân phận thì mong manh, tình yêu lại vô cùng. Anh chỉ mong cứu vớt thân phận bằng tình yêu, anh tâm sự: "Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời.". Tình yêu trong nhạc anh là một tình yêu nhân thế. Anh đau với nỗi đau của con người: Anh thương các cụ già trong cơn hoạn nạn. Anh thương những người mẹ mất con trong cơn chạy loạn. Anh thương từng người nghèo khổ không chốn nương thân. Anh thương những em bé mồ côi, bơ vơ, thiếu thốn. Anh thương cả những xác thân vô thừa nhận. Hàng loạt những bài trong "Ca khúc Da vàng" như: "Du mục", "Người già em bé", "Hát trên những xác người", "Đại bác ru đêm"... là những bài ca mang nặng tình nhân thế trong tài sản âm nhạc của anh. Anh viết trong bài "Hát trên những xác người": "Xác người nằm quanh đây trong mưa lạnh này. Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây. Xác nào là em tôi dưới hố hầm này...".
Quan niệm cuộc sống này là cõi tạm bợ, "quán trọ", một quan niệm thường trực trong ý tưởng của anh. Đôi khi nó làm cho anh cảm thấy buồn vì sự bất lực của con người trước cuộc đời, nhưng đôi khi anh thấy bình tâm hơn vì kiếp con người. Trong nhiều bài nhạc, anh đã đề cập tới ý nghĩa triết lý nhân sinh này: "Ở trọ", "Biết đâu nguồn cội", "Cát bụi", "Ngẫu nhiên"... Trong bài "Phúc âm buồn", anh viết: "Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này. Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người. Còn bao lâu tôi xa em, xa anh, xa tôi.". Hay trong bài "Biết đâu nguồn cội":"Tôi vui chơi giữa đời, Ối a biết đâu nguồn cội. Tôi thu tôi bé lại, Làm mưa tan giữa trời.".
Tình yêu quê hương trong nhạc Trịnh còn là phố xá, nhưng phố trong nhạc anh cũng phảng phất một nỗi buồn mà căn nguyên khó lượng định: có khi đó là phố buồn của chiến tranh: "Đàn bò vào thành phố không còn ai hỏi thăm..." (Du mục); có khi phố buồn vì vắng bóng của người thân thương, nhưng vẫn còn đó những kỷ niệm một thời: "Em còn nhớ hay em đã quên. Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng. Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân. Nhớ đèn đường từng đêm thao thức. Sáng cho em vòm lá me xanh." (Em còn nhớ hay em đã quên); có khi là phố xưa ẩn chứa nỗi buồn muôn thuở của thời gian: "Còn lại đây những sớm mai buồn. Vì phố xưa cỏ lá mong manh." (Tưởng rằng đã quên); hay "Về trên phố cao nguyên ngồi, Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi, Chợt như phố kia không người, Còn lại tôi bước hoài." (Lời gọi thiên thu); có thể là ấn tượng về một lần tới thăm phố cổ Hà Nội: "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu." (Nhớ mùa thu Hà Nội).
2.2. Về mặt nghệ thuật của lời, từ, có thể nói không quá đáng rằng, "Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra." (Nguyễn Xuân Khoát); ấy vậy mà, đó không phải là những lời dễ dãi, vô hồn; trái lại, đó là những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ.
2.2.1. Trước hết đó là nghệ thuật dùng chữ (từ) của anh. Chữ dùng của anh, tôi nghĩ nó chính xác, độc đáo đến độ ta không thể thay, chữa chữ nào khác hay hơn được. Có rất nhiều bài nhạc thể hiện tài năng siêu hạng trong việc dùng từ của anh.
Bài "Ở trọ", chữ "trọ" và chữ "đậu" được nhắc đi nhắc lại trong mỗi đôi câu nhạc, làm toát lên ý tưởng triết lý căn bản của toàn bài. "trọ" và "đậu" cũng là nhờ, tạm bợ; nhưng "trọ" có thể là qua đường, dửng dưng; mà "đậu" có hàm sự nhờ vả, biết ơn. Chữ dùng làm cho lời ý không nghèo nàn, lặp lại khiên cưỡng, mà có tác dụng trợ nghĩa cho nhau: "Con chim ở đậu cành tre. Con cá ở trọ trong khe nước nguồn; Sương kia ở đậu miền xa. Cơn gió ở trọ bao la đất trời; Mây kia ở đậu từng không.
Mưa nắng ở trọ bên trong mắt người; Trăm năm ở đậu ngàn năm. Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn...".
Trong bài "Em còn nhớ hay em đã quên" chữ "trói chân" được anh dùng quá khéo để diễn đạt lại ý của người xưa "vũ vô kiềm toả năng lưu khách."; rồi hình ảnh đường phố ngập mưa làm anh nghĩ tới "dòng sông" thì không còn sự diễn đạt nào có thể nói là chính xác hơn": "Em còn nhớ hay em đã quên, Trong lòng phố mưa đêm trói chân. Dưới hiên nhìn nước dâng tràn, Phố bỗng là dòng sông uốn quanh.".
Bài "Ngẫu nhiên" với những triết lí khái quát cao: điều tưởng chừng "ngẫu nhiên" có tính "qui luật" này, được anh diễn đạt nghe "hiển nhiên", nhưng không phải ai cũng nhận ra được. Và có nhận ra, thì cũng không dễ gì có được những phân định rạch ròi và chính xác trong từng khía cạnh của nhận thức như anh: "Không có đâu em này. Không có cái chết đầu tiên. Và có đâu bao giờ. Đâu có cái chết sau cùng. Tự mình biết riêng mình, Và ta biết riêng ta.".
Bài "Diễm xưa" với những chữ dùng chọn lọc và những kết hợp từ linh hoạt của anh, đã gợi cho người nghe có được những cảm nghĩ đời thường cùng những suy tư triết lí, nhân tình thế thái hòa quyện vào nhau tạo nên một bức tranh đời vừa thực vừa ảo tuyệt đẹp: "Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động. Làm sao em biết bia đá không đau. Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Để người phiêu lãng quên mình lãng du.".
Bài "Đại bác ru đêm" có những câu, chữ dùng thể hiện kỹ năng dụng ngôn điêu luyện mà không mấy thi sĩ tài hoa Việt Nam vươn tới: "tương lai rụng vàng, kinh không mang lời nguyện, trẻ thơ quên sống, từng đêm nghe ngóng, ru da thịt vàng, nghe quen như câu ca dao buồn, trẻ con chưa lớn để thấy quê hương...": "Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe. Đại bác đêm đêm tương lai rụng vàng. Đại bác như kinh không mang lời nguyện. Trẻ thơ quên sống, từng đêm nghe ngóng... Đại bác đêm đêm dội về thành phố. Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe. Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng. Đại bác nghe quen như câu ca dao buồn. Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương...".
2.2.2. Nói về sự kết hợp từ, có lẽ phải nói, anh là người tạo ra những cách kết hợp từ  "kì diệu" nhất. Bởi, anh là một nhạc sĩ nên anh không có sự ám ảnh về nỗi sợ sức nặng ngôn từ có thể đè bẹp người làm thơ. Và do đó, trong cảm hứng âm thanh dào dạt, anh đã đến được ranh giới tận cùng sự kết hợp cần có của từ ngữ, nên ai cũng thấy lạ, cảm nhận được một ít hương vị của sự kết hợp kì thú mà anh mang lại và cũng không ai vì cảm mến anh mà bỏ qua những lỗi dùng từ của anh, nếu đó là những kết hợp "quái dị" mà ta vẫn bắt gặp ở một số sáng tác hiện nay. Có thể dẫn ra đây hàng loạt cách kết hợp từ độc nhất vô nhị trong nhạc anh, chẳng hạn: "Đường về tình tôi có nắng rất la đà; Môi nào hãy còn thơm. Cho ta phơi cuộc tình... Khi về trong mùa đông. Tay rong rêu muộn màng... Không còn không còn ai. Ta trôi trong cuộc đời; Tôi xin năm ngón tay em thiên thần. Trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi; Tim em người trọ là tôi. Mai kia về chốn xa xôi cũng gần; Bầy vạc bay qua. Kêu mòn tịch lặng... Từ độ chim thiêng. Hót lời mệnh bạc. Từng giọt vô biên. Trôi chìm tiếng tăm; Những tim đời đập lời hoang phế. Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê; Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào. Trả nợ một đời chưa hết tình sâu; Ôi áo xưa lồng lộng, Đã xô dạt trời chiều, Như từng cơn nước rộng. Xóa một ngày đìu hiu; Sợi tóc em bồng trôi nhanh trôi nhanh. Như dòng nước hiền; Hồn ta gió cát phù du bay về; Nghe xót xa hằn lên tuổi trời. Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người; Hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô; Ta nghe nghìn giọt lệ. Rớt xuống thành hồ nước long lanh; Ngày mưa tháng nắng còn buồn.
Bàn tay nghe ngóng tin sang; Cúi xuống cho máu ngược dòng, Cho nước sông cạn nguồn, Cho cây khô trên cành trút lá bơ vơ; Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô,... với mặt trời lẻ loi; Tìm lại trên sông những dấu hài... Tìm trong sương hồng trong chiều bạc mệnh trăng tàn nguyệt tận chứa từng tuyệt vọng; Có những nghìn năm xưa hoá thân em bây giờ; Bỏ mặc tôi là tôi là ai?... Bỏ mặc hư vô bỏ ngậm ngùi; Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm; Muốn nói đôi câu giữa chốn thương đau chim xanh bạc đầu cây xanh bạc đầu vội vàng tôi theo; Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm... Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm; Cuộc tình nào đã ra khơi khi ta còn mãi nơi đây; Em ra ngoài ruộng đồng hỏi thăm cành lúa mới... Em hôn một nụ hồng hỏi thăm về giọt nắng; Buồn đi trong đêm khuya... Buồn rơi theo đêm mưa; Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khoang trời vắng chân mây địa đàng; Thôi em đừng bối rối. Trong ta chiều đã tàn; Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ; Đôi khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím; Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn; Mẹ vỗ tay reo mừng xác con. Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh. Người vỗ tay cho đều gian nan. Người vỗ tay cho thêm thù hận. Người vỗ tay xa dần ăn năn; giọt nước mắt vui lay lòng gỗ đá; Mặt đất ưu từ đã nở nụ cười. Cùng xương khô lên tiếng nói. Đời sống ấm êm nhân danh con người...".
Trong lối kết hợp từ, dùng chữ được gọi là "kì diệu" của anh, chúng tôi xin dừng lại để phân tích một số cách kết hợp mà chúng tôi cảm nhận được và nhận ra nhiều điều thú vị trong đó, không chắc rằng đã cảm được hết ý anh, như:
Trịnh Công Sơn viết: "Đường về tình tôi có nắng rất la đà". "Nắng rất la đà" là nắng gì? Phải chăng là "nắng say" mà trong đường tình (đường về tình tôi) rất có thể có nắng làm say lắm chớ!
Trịnh Công Sơn viết: "Môi nào hãy còn thơm. Cho ta phơi cuộc tình". Chữ "phơi" dùng trong trường hợp này rất hay, nhưng hiểu là phơi như "phơi áo quần" thì lại dỡ. Anh muốn nói "phơi" phải chăng là "phơi bày" mà phơi bày lại là một cách thổ lộ tình yêu chân thật, như một kiểu trải lòng với người mình yêu.
Trịnh Công Sơn viết: "Bầy vạc bay qua. Kêu mòn tịch lặng". Lối kết hợp hai thành tố "tịch" và "lặng" để tạo thành "tịch lặng" rất tuyệt. Nó như nói lên được cái gì đó của trạng thái "cô độc và lặng lẽ". Hai thành tố này vừa mang nghĩa riêng vừa như hỗ trợ nghĩa cho nhau. Rồi lại "mòn tịch lặng", "mòn" là hao mất đi một ít. Như vậy, "mòn tịch lặng" là không còn sự cô độc và lặng lẽ nguyên sơ nữa, ấy là có một tí động. Một ít động do tiếng "kêu của bầy vạc bay qua" làm khuấy động đêm vắng và cô đơn của nhạc sĩ.
Trịnh Công Sơn viết: "Từng giọt vô biên. Trôi chìm tiếng tăm".  Triết lí thời gian được anh diễn tả hết sức hình ảnh: "thời gian qua đi như từng giọt, từng giọt tạo thành biển cả có thể nhấn chìm tất cả".
Trịnh Công Sơn viết: "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người". Mỗi chúng ta khi sinh ra trên cõi đời này là được mẹ cho tin buồn về kiếp con người nặng những buồn vui, lo toan mà chúng ta phải chấp nhận gánh vác.
Trịnh Công Sơn viết: "Hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô". Lối kết hợp từ lạ gây nhiều thú vị, có thể hiểu được: cái lung linh của nắng rọi qua những hàng cây kẽ lá bị xao động bởi gió và sự chuyển động của người mà tạo thành giọt, tạo cảm giác nhấp nhô.
Trịnh Công Sơn viết: "Tìm trong sương hồng trong chiều bạc mệnh trăng tàn nguyệt tận chứa từng tuyệt vọng". Ý tưởng của nghệ sĩ, ở một lúc nào đó là hơi "bi quan", nhưng nếu để nói cái bi quan mà nói như vậy thì còn gì bằng, có thể tạm hiểu: tìm một ảo giác đẹp trong một khoảnh khắc buồn ở một con người buồn thì biết làm sao đây?! "...chiều bạc mệnh trăng tàn nguyệt tận chứa từng tuyệt vọng" thì còn lời lẽ nào để miêu tả cho hơn về nỗi khổ đau đã đến hết giới hạn của sự tận cùng.
Trịnh Công Sơn viết: "Muốn nói đôi câu giữa chốn thương đau chim xanh bạc đầu cây xanh bạc đầu vội vàng tôi theo". Hình ảnh "chim xanh bạc đầu, cây xanh bạc đầu" chỉ lạ chớ không quá khó hiểu và nghệ sĩ một phút nào đó như nhận ra mình cũng là "đồng hành tri âm, tri kỷ" nên anh "gấp rút đi theo": "vội vàng tôi theo".
Trịnh Công Sơn viết: "Đôi khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím". Người ta bảo làm gì có "nắng khuya", cũng như hoa thì trời sinh có một màu nào đó, chớ làm gì có "một loài hoa chợt tím". Nhưng chắc gì trên đời này cái gì không có. Mà nếu có thì cũng hợp lí thôi: không phải hi vọng nào của con người cũng thành hiện thực, một ít lúc "đôi khi" hi vọng mòn mõi nào đó của ai chưa thành "nắng khuya chưa lên" thì niềm vui hi vọng đã sớm thành nỗi buồn "mà một loài hoa chợt tím" lắm chớ ?!
Trịnh Công Sơn viết: "Mẹ già cười xanh như lá mới trong khu vườn". Tại sao không là "cười tươi, cười vui..." mà là "cười xanh"? "Cười xanh" ý nghĩa hơn. Nó cũng là tươi vui, nhưng còn ẩn chưa niềm hi vọng, cái mới bắt đầu.
Trịnh Công Sơn viết: "Mẹ vỗ tay reo mừng xác con. Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh. Người vỗ tay cho đều gian nan. Người vỗ tay cho thêm thù hận. Người vỗ tay xa dần ăn năn.". "vỗ tay" để biểu thị mừng, nhưng anh lại viết "reo mừng xác con". Ai muốn con mình chết, nhưng chẳng may chết mà tìm được xác thì mừng quá đi chớ. Và cũng không loại trừ, trước cái chết của con, và sự đổ nát quá lớn, bà mẹ già đã rơi vào trạng thái "tâm thần" không còn có ý niệm vui và buồn, nên "reo mừng xác con", "reo mừng chiến tranh". Sức mạnh tố cáo chiến tranh ở những biểu hiện bất thường này là cực lớn. Rồi cũng có những cái vỗ tay không phải để thêm hạnh phúc, tình thương, thêm lòng hướng thiện, mà không khéo thì "cho đều gian nan, cho thêm thù hận, xa dần ăn năn". 
2.2.3. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ, đồng thời cũng là một họa sĩ. Có lẽ, nhờ tài năng ở cả hai loại hình nghệ thuật này hỗ trợ nên anh cũng thành công trong việc thể hiện lời nhạc của mình bằng một thứ ngôn từ giàu hình ảnh, đầy tính hình tượng. Nghe lời nhạc của anh, ta như thấy được từng hình ảnh, nhìn được từng bức tranh được vẽ bằng chất liệu ngôn từ. Anh có những so sánh hình ảnh, cách thể hiện mà ai cũng thầm phục sự tinh tế trong cái nhìn, cách cảm của anh. Ở khía cạnh nghệ thuật này, không thể kể ra đây hết được những hình ảnh nghệ thuật ngôn từ của anh, chỉ xin nêu một số hình ảnh mà Trịnh Công Sơn dùng để thấy được tài năng của anh: "Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên đường. Một đàn gà sao tiếng gáy đánh thức bình minh; Ngày vui con nước trôi nhanh. Người đi như nước qua đêm; Thấy đời mình là những quán không. Bàn im hơi bên ghế ngồi; Khi tình đã vội quên. Tim lăn trên đường mòn. Trên giọt máu cuồng điên. Con chim đứng lặng câm... Đời sao im vắng. Như đồng lúa gặt xong. Như rừng núi bỏ hoang. Người về soi bóng mình. Giữa tường trắng lặng câm;  Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi. Để một mai vươn hình hài lớn dậy. Ôi cát bụi tuyệt vời. Mặt trời soi một kiếp rong chơi; Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về; Con sông là quán trọ. Và trăng tên lãng du... Cây trưa thu bóng dài. Và tôi thu bóng tôi; Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ. Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa; Những sông trôi âm thầm. Đám rong rêu xếp hàng. Những mặt đường nằm câm. Những mặt người buồn tênh. Sóng đong đưa linh hồn. Có mưa quanh chỗ nằm. Mãi một đời về không. Trong chập chùng thác nguồn... Xe ngựa về ngủ say... Bóng đổ một mình tôi;  Bên sông chiều mưa tới. Bên ta cụm khói rời. Nghe bên ngày nắng mới. Em đi bằng bước chân vui. Sau lưng ngày con gái. Môi son đừng biếng lười. Cho ta còn mãi mãi. Chút buồn phấn hương bay; Mái nhà năm xưa tóc em còn bay; Nhớ Sài Gòn mưa rồi lại nắng. Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân. Nhớ đèn đường từng đêm thao thức. Sáng cho em vòm lá me xanh; Một người về đỉnh cao. Một người về vực sâu, Để cuộc tình chìm mau, như bóng chim cuối đèo; Thành phố hoang vu, Như một lần qua cuộc tình; Tình yêu như vết cháy trên da thịt người... Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa... Tình yêu như trái chín trên cây rụng rời... Tình yêu như nỗi chết cơn đau thật dài... Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu... Tình yêu cho anh đến bên cơn muộn phiền... Tình yêu như đốt sáng con tim tật nguyền...Tình xa như trời, Tình gần như khói mây, Tình trầm như bóng cây. Tình reo vui như nắng. Tình buồn làm cơn say... Hồn mình như vá khâu. Buồn mình như lũng sâu... Cuộc tình lên vút cao. Như chim mỏi cánh rồi. Như chim xa lìa bầy. Như chim xa lìa trời. Như chim bỏ đường bay... Nghìn trùng như vết sương. Lạnh lùng như dấu chim. Tình mong manh như nắng. Tình còn đầy không em?... Vội vàng nhưng chóng quên, Rộn ràng nhưng biến nhanh. Tình cho nhau môi ấm, Một lần là trăm năm; Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ, Sỏi đá trông em từng giờ. Nghe buồn nhịp chân bơ vơ...
Biển nhớ tên em gọi về, Chiều sương ướt đẫm cơn mê. Trời cao níu bước sơn khê... Cồn đá rêu phong rủ buồn, Đèn phố nghe mưa tủi hờn, Nghe ngoài trời giăng mây luôn; Nắng có hồng bằng đôi môi em. Mưa có buồn bằng đôi mắt em. Tóc em từng sợi nhỏ. Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh... Gió sẽ mừng vì tóc em bay. Cho mây hờn ngủ quên trên vai. Vai em gầy guộc nhỏ. Như cánh vạt về chốn xa xôi; Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao. Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ. Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu; Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau; Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu...".         
Có rất nhiều hình ảnh được tạo nên bằng sự so sánh tuyệt vời của anh. Điều này nói lên cái "thiên phú" ở anh. Cái thiên phú trong việc nhìn ra sự tương đồng, tương ứng giữa các sự vật. Nhờ đó mà lối diễn đạt của anh linh hoạt và phong phú hơn người khác. Tôi rất "mê" những so sánh này:
Anh viết: "Ngày vui con nước trôi nhanh. Người đi như nước qua đêm". Tôi cũng đồng cảm với anh về "con nước trôi nhanh" thì vui hơn nước chảy chậm, còn "người đi như nước" thì vô số kể, làm sao mà có thể đếm cho hết được. 
Anh viết: "Đời sao im vắng. Như đồng lúa gặt xong. Như rừng núi bỏ hoang. Người về soi bóng mình. Giữa tường trắng lặng câm" thì quá đủ để nói về sự "im vắng" của một khoảnh khắc cuộc đời nào đó trong anh. Anh so sánh "như đồng lúa gặt xong". Sự tương phản rõ rệt giữa hai thời điểm trước và sau gặt ở một cánh đồng lúa chín, càng làm tăng sự im vắng sau khi gặt. Trước gặt thì có thể nói ai: người, chim, chuột... cũng quan tâm. Anh ví "như rừng núi bỏ hoang", rừng núi thì đã hoang vắng rồi mà lại "bỏ hoang" nữa thì hoang vắng phải được nhân lên. Anh liên tưởng "Người về soi bóng mình. Giữa tường trắng lặng câm." thì sự trống vắng, cô đơn là quá lớn rồi. Nếu để thử cảm giác, một lúc cô đơn nào đó bạn hãy "Người về soi bóng mình. Giữa tường trắng lặng câm." như nhạc sĩ đi thì chắc là bạn cũng cảm nhận được ít nhiều điều anh muốn nói.
Anh viết: "Những sông trôi âm thầm. Đám rong rêu xếp hàng. Những mặt đường nằm câm. Những mặt người buồn tênh. Sóng đong đưa linh hồn. Có mưa quanh chỗ nằm. Mãi một đời về không. Trong chập chùng thác nguồn..." thì cần gì chúng ta phải nói thêm.
Hay như những đoạn trong bài "Tình sầu" anh viết thì cũng không cần ai phải diễn giải gì nhiều thêm: "Tình xa như trời, Tình gần như khói mây, Tình trầm như bóng cây. Tình reo vui như nắng. Tình buồn làm cơn say... Hồn mình như vá khâu. Buồn mình như lũng sâu...
Cuộc tình lên vút cao. Như chim mỏi cánh rồi. Như chim xa lìa bầy. Như chim xa lìa trời. Như chim bỏ đường bay...
Nghìn trùng như vết sương. Lạnh lùng như dấu chim. Tình mong manh như nắng. Tình còn đầy không em?...
Vội vàng nhưng chóng quên, Rộn ràng nhưng biến nhanh. Tình cho nhau môi ấm, Một lần là trăm năm.".
Anh viết: "Tóc em từng sợi nhỏ. Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.". Nếu như chúng ta tập trung suy nghĩ và hình tượng hóa tình trạng này một chút, thì chắc sẽ chia sẻ được với Trịnh Công Sơn hình ảnh "Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh.".
Anh viết: "Vai em gầy guộc nhỏ. Như cánh vạt về chốn xa xôi." thì không có nét vẽ nào có thể nói là chính xác, đẹp và khéo hơn.
Có rất nhiều hình ảnh được tạo nên bằng tài quan sát nắm bắt được cái "thần" của sự vật, tưởng như bình thường mà không phải ai cũng thấy ra, trừ phi được "con mắt nhà nghề" nhìn tới. Anh là một trong số hiếm hoi có cái nhìn "thiên lí nhãn" ấy. Nghe nói, lần đầu anh ra Hà Nội, không hiểu anh quan sát thế nào mà khi viết "Nhớ mùa thu Hà Nội", anh viết:"Hà Nội mùa thu cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu...". Nghe câu này thì ai cũng thừa nhận "Đúng là Hà Nội rồi!", "Hà Nội 100%, không lẫn với địa phương nào khác được!". Tất nhiên, điều anh đã viết thì ai cũng thấy như dễ; nhưng trước anh, bao nhiêu người đã đến Hà Nội, bao nhiêu người đã đến nhiều lần, bao nhiêu người là người Hà Nội, bao nhiêu người đã từng sống ở Hà Nội mấy mươi năm, tất cả có nhận ra điều ấy không?
Anh viết trong một ca khúc khác trước đây: "Một đoàn tàu đi nhả khói ấm hai bên đường. Một đàn gà sao tiếng gáy đánh thức bình minh.". Nghe mấy câu nhạc này ngày còn nhỏ, tâm hồn tôi cứ lâng lâng vì những cảnh đẹp làm nao lòng người và chắc có lẽ vì vậy mà tôi yêu nhạc anh từ ngày còn ở tuổi thiếu niên.
2.2.4. Lời từ trong nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ cho thấy anh là nghệ sĩ - người có tài năng sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác. Trong nhạc anh, người nghe còn học được cái nhìn triết lí, đầy tính triết học. Những năm tháng học tập khi còn là sinh viên cùng những năm sống và sáng tác đã dần làm cho anh ngộ ra nhiều chân lí của cuộc đời. Đó là kiếp sống mong manh, phù du nhưng đáng yêu, và quí biết bao thân phận con người; đó là tình yêu và tình nhân loại ở con người; đó là những mặt đối lập giữa nợ và tình, tôi và ai, sống và chết, riêng và chung, hữu hạn và vô hạn, chiến tranh và hòa bình, hạnh phúc và khổ đau... Nhiều tên tựa bài nhạc của anh cũng đủ để nói lên điều đó: "Bên đời hiu quạnh, Biết đâu nguồn cội, Cát bụi, Có một dòng sông đã qua đời, Còn ai với ai, Dấu chân địa đàng, Đóa hoa vô thường, Giọt lệ thiên thu, Lời buồn thánh, Lời thiên thu gọi, Một cõi đi về, Ngẫu nhiên, Nghe những tàn phai, Ở trọ, Phôi pha, Phúc âm buồn, Ru ta ngậm ngùi,
Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Tuổi đá buồn, Vết lăn trầm, Xa dấu mặt trời, Xin trả nợ người...". Anh cũng là nhạc sĩ chiếm giải "quán quân" về nhạc tình với những bài tình ca bất hữu và bất tử: "Biển nhớ, Diễm xưa, Hạ trắng, Mưa hồng, Nắng thủy tinh, Nguyệt ca, Như cánh vạc bay, Nhìn những mùa thu đi, Níu tay nghìn trùng, Ru em, Ru em từng ngón xuân nồng, Ru ta ngậm ngùi, Ru tình, Tạ ơn, Thương một người, Tình nhớ, Tình sầu, Tình xa, Tôi ru em ngủ, Trong nỗi đau tình cờ, Ướt mi...". Anh còn là chàng du ca của một thời và sẽ của mọi thời với tập "Ca khúc da vàng" - tập ca khúc đứng về phía con người lên án cuộc chiến tranh, mà trong đó có những bài nhạc của anh người nghe luôn được nhắc nhở về lòng nhân ái, tính nhân bản, như: "Ca dao mẹ, Du mục, Người con gái Việt Nam da vàng, Đại bác ru đêm, Hãy sống giùm tôi, Hát trên những xác người, Người già - em bé, Giọt nước mắt cho quê hương, Ngày dài trên quê hương, Nối vòng tay lớn...".
Lời nhạc của anh, ta nghe thật thấm thía, nhưng để ngộ được hết triết lí mà anh muốn nói không phải là điều dễ. Vì, đây không chỉ là vấn đề của ngôn ngữ tư duy, "ngôn ngữ bác học" mà đôi khi nó còn đòi hỏi chúng ta phải có cái Tâm, cái Tư gì đó hay ta nói "ngôn ngữ đời sống" gì đó cũng được, một chữ dùng nữa mà tôi không biết có chính xác lắm không, đó là "ngôn ngữ Đạo và Đời". Có thể nói anh có một khả năng sử dụng ngôn từ có chiều sâu của sự khái quát tư duy, nhưng lại là một lối suy tư gần gũi với mọi người. Anh viết:"Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội", "Cho trăm năm vào chết một ngày", "Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ", "Đường hàm oan nghe tiếng ai than thầm... Đường máu xương chờ lau hết dấu vinh quang", "Trong cuộc bể dâu ôi trăm ngày phố xá cũng trôi theo", "Chìm dưới đất kia, một người sống thiên thu... Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho", "Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang", "Một phố hồng một phố hư không", "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau", "Có những nghìn năm xưa hóa thân em bây giờ", "Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi", "Nắng quái yêu ma lung linh thành trì lung linh cửa nhà. Bước tới hư vô khoác áo chân như long lanh giọt lệ long lanh giọt lệ giọt lệ thiên thu", "Trong xuân thì thấy bóng trăm năm", "Lặng lẽ chia xa sao lòng quá vội. Một cõi bao la ta về ngậm ngùi", "Mây che trên đầu và nắng trên vai. Đôi chân ta đi sông còn ở lại. Con tim yêu thương vô tình chợt gọi. Lại thấy trong ta hiện bóng con người.", "Một ngày như mọi ngày xếp vòng tay oan trái", "Người ngồi xuống xin mưa đầy trên hai tay cơn đau dài, người nằm xuống nghe tiếng ru, cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.", "Hòn đá lăn bên đồi hòn đá rớt xuống cành mai. Rụng cánh hoa mai gầy chim chóc hót tiếng qua đời...", "Tôi nay ở trọ trần gian Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời", "Ôi phù du từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ. Đời người như gió qua.", "Người còn đó nhưng lời nói rơi về chân đồi. Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài.", "Mùa xanh lá vội, ru em miệt mài, còn lời ru mãi, còn lời ru này, ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai.", "Tôi là ai, là ai, là ai... mà yêu quá đời này.", "Ôi tiếng buồn rơi đều, Nhìn lại mình đời đã xanh rêu.", "Còn lại đây những bến hoang tàn vì xác thân đã quá lênh đênh.", "Hai mươi năm vẫn là thuở nào. Nợ lại lần này trong cõi đời nhau.", "Sau chinh chiến ôi quê hương thần thoại thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai. Còn có ai trên cuộc đời. Ôi nhân loại còn người và tôi thôi rồi lang thang như mây trời...".
Ở đây xin đơn cử một vài vấn đề triết lí được anh viết với ngôn ngữ bình dân, không phải là ngôn ngữ của phong cách khoa học: khái quát, trừu tượng...
Trịnh Công Sơn viết: "Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội". Tôi cũng đồng ý với anh: cuộc đời này dựa vào đâu để ta làm "điểm mốc" mà biết nguồn cội?
Trịnh Công Sơn viết: "Cho trăm năm vào chết một ngày". Anh muốn nói "Đời người là ba vạn sáu ngàn ngày" nhưng nói như vậy thì vẫn thiếu và trừu tượng, khó hiểu hơn.
Trịnh Công Sơn viết: "Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ" thì suy nghĩ anh không ai phản bác, nhưng nhìn chi kết cục sớm quá vậy anh?
Trịnh Công Sơn viết: "Chìm dưới đất kia, một người sống thiên thu... Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho". "Chìm dưới đất kia, một người sống thiên thu..." thì đúng quá rồi, đúng với người có tín ngưỡng và không tín ngưỡng vì có ai chết lần nữa đâu. Còn "Chìm dưới sương thu là một đóa thơm tho" thì thú thật tôi thấy, lối diễn đạt cụ thể nhưng ý thì khái quát quá, e rằng tôi không hiểu hết mà chỉ nhận ra khía cạnh nào đó trong triết lí của anh về tính hai mặt của vạn vật, của cuộc đời.
Trịnh Công Sơn viết: "Trong tan hoang vẫn còn bóng mát che ngang" thì quá rõ để nói về ước vọng và cái tâm của anh cho cuộc đời đau khổ này.
Trịnh Công Sơn viết: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau" thí quá đúng đi chứ. Vạn vật đâu chỉ có đấu tranh sinh tồn mà nhiều hơn thế là sự nương tựa nhau cùng sống.
Trịnh Công Sơn viết: "Nắng quái yêu ma lung linh thành trì lung linh cửa nhà. Bước tới hư vô khoác áo chân như long lanh giọt lệ long lanh giọt lệ giọt lệ thiên thu" thì câu chữ đẹp một cách huyền ảo, nhưng ý niệm về cuộc đời thì buồn quá. Chẳng lẽ "đời là hư vô, đời là bể khổ" thật sao?
Trịnh Công Sơn viết: "Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi. Lại thấy trong ta hiện bóng con người.". Từ "con người" của tiếng Việt thật là thú vị. Không biết người xưa hữu ý hay vô tình mà từ này có hai thành tố: "con" và "người". Đôi khi chúng ta sống đan xen giữa hai thân phận này và bị giằn co giữa con và người, thì "con tim" trong khoảnh khắc vô tình đã đánh thức giùm cho những ai đang để mất phần người.
Trịnh Công Sơn viết trong bài "Ngẫu nhiên", nhưng anh không nghĩ đời là ngẫu nhiên mà theo anh nó có tính qui luật: "Hòn đá lăn bên đồi hòn đá rớt xuống cành mai. Rụng cánh hoa mai gầy chim chóc hót tiếng qua đời. Người ôm lấy muôn loài nằm trong tiếng bi ai.". Hiểu được cái "ngẫu nhiên" này có thể là anh đã ngộ được lẽ Trời hơn chúng ta.
Và vì thế, trong tâm trạng rất cô đơn, anh đã viết bài "Em đi bỏ lại con đường" với những dòng đầy chất suy tư, giàu chất triết lí: "Bỏ mặc vui buồn bỏ mặc ai. Bỏ mặc không chăn bỏ mặc người. Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé. Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi.". Mọi cái "bỏ mặc" không "đếm xỉa" tới có lẽ cũng "dễ chấp nhận", nhưng "Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi." thì có ai lúc anh sống chia sẻ được cho anh?
3. Trong lĩnh vực âm nhạc, tôi xem anh là Thần tượng. Trong lĩnh vực thi văn, tôi cũng nghĩ anh là thế. Tôi tin rằng, rồi có ngày thế hệ trẻ sẽ được học nhạc và thơ anh.
Tư liệu tham khảo
1.Trịnh Công Sơn  Tuyển tập những bài ca không năm tháng, NXB. Âm nhạc, 1998.
2.Trịnh C Sơn Một người thơ ca Một cõi đi về, NXB. Ânhạc, 2001.
3.Trịnh Công Sơn  Có một thời như thế, (Nguyễn Đắc Xuân) NXB. Văn học, 2003.
4.Trịnh Công Sơn Người hát rong qua nhiều thế hệ, NXB. Trẻ, 2004.
Huỳnh Công Tín
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
Theo http://4phuong.net/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...