Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Ca khúc và xúc cảm

Ca khúc và xúc cảm
Tuổi đá buồn - Quang Dũng
Tuổi đá buồn
Có những câu hát bất chợt thoảng qua tai khi ta đi trên đường bỗng làm trái tim thổn thức, bâng khuâng, nhiều khi là giật mình vì giọng hát kia như đang nói hộ lòng mình. Âm nhạc nhiều khi làm cho người ta bật khóc vì nó nói đựơc những điều mà ta chỉ có thể trải nghiệm bằng cảm nhận của riêng mình…
Mưa dưới hiên một quán cafe ven đường.
Mưa, mưa sáng những ngày thu. Hà nội ướt, Hà Nội lành lạnh. Đi trên đường, những hạt mau, thưa rơi nhòa trên mặt, bỗng từ đâu những câu hát ấy, mênh mang…, miệt mài… dội lại trong tâm trí. Từ một quán café bên đường? Hay từ trong tâm tưởng của một tâm hồn đang dồn nén bởi những cô đơn giờ đây được không gian bàng bạc mưa khai mở? Không biết, và cũng không cần biết nữa.
Những câu hát như những lời ru miệt mài đưa bước em đi về một miền giáo đường, mà có lẽ là một miền ký ức mông lung…
Trời còn làm mây, mây trôi lang thang …
Đoá hoa hồng vùi quên trong tay
Ôi đường phố dài
Lời ru miệt mài…
Em mang trên tay những bông hồng hay mang tình một tình yêu, mang mà như quên, như cố quên, một sự vùi lấp những ký ức, những kỷ niệm đã làm em buồn “ru em giận hờn, ru em giận hờn..”
Trời còn làm mưa, mưa rơi mưa rơi
Từng phiếm mây hồng, em mang trên vai
Tuổi buồn như lá, gió mãi cuốn đi, quay tận cuối trời..
Đời người như một giấc mộng phù du, như một điều gì đó không thật, đứng bên bờ vực của nỗi vui và cơn buồn sầu như từ kiếp trước. Tuổi em buồn, tuổi ta buồn hay cuộc đời chúng ta buồn như chiếc lá kia mỏng manh vô định. Em không biết, ta cũng không biết…
Trời còn làm mưa, mưa rơi thênh thang,
Từng gót chân trần, em quên, em quên
Ôi miền giáo đường, ngày chủ nhật buồn
Còn ai còn ai…
Âm điệu mênh mang trải dài suốt bài hát gợi cho ta những cảm xúc thật khó nói được bằng lời. Đời người, ai tránh được những khổ đau.
“Đoá hoa hồng tàn hôn lên môi… Lời ru miệt mài… ngàn năm, ngàn năm..”
Có những người như mang trong lòng khổ đau, sầu nhớ từ kiếp trước, để rồi khi nghe những âm điệu mênh mang ấy lại giật mình như đang nhớ lại điều gì không thực mà sao lại khiến ta buồn đến lạ.
Tuổi đá buồn - Khánh Ly 
Ôi đường phố dài lời ru miệt mài… Ngàn năm..ngàn năm..
Mưa Hồng
Mưa Hồng - Khánh Ly
Nếu nghe một bản nhạc Trịnh như “Mưa hồng” ở góc quán cà phê nào đó vào buổi chiều mưa, ắt hẳn không ai lại không thấy mình chìm vào trong tâm trạng u uẩn. Và đôi khi tâm trạng lại dẫn dắt con người ta vào tiềm thức của kỷ niệm…
Lang thang cả chiều dài đất nước vẫn không kiếm tìm được một nơi trốn tránh hình bóng xưa cũ. Có lẽ, đi đâu thì vẫn phải nhớ đến, sang mùa nào cũng vẫn một tình cảm đó dành tặng cho nơi ấy, người ấy.
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm
Mây âm thầm mang gió lên
Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng
Bản thảo nhạc “Mưa Hồng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Góc phố dịu dàng trong cái xiên trời nắng hắt lên từng bước chân tan trường. Bóng trắng phấp phới bay những tà áo dài gợi nhớ về tiềm thức xa xôi. Nơi ấy con đường thành bạn với đôi chân buồn mỗi chiều lang thang. Giờ lại bồi hồi mong tìm thấy cái nhìn thân quen, cũng lại mong ấy chỉ là phút nhầm lẫn mà thôi. Tuổi mười tám đôi mươi ở đâu cũng duyên thầm nụ cười, lúng liếng ánh mắt hay dẫu chỉ là bước đi hồn nhiên. Con đường này rồi cũng sẽ lại vẽ lên bóng dáng người em gái áo dài trắng thướt tha buổi tan trường…
Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau
Một thời xứ hoa đào bảng lảng những chiều sương giăng, gợn lăn tăn bên hồ Than Thở đôi bóng tình nhân sóng bước. Trong làn hơi nước ấy thi thoảng đưa chút hương dịu nhẹ tóc ai, thi thoảng vương lên cỏ hương chút nhớ thương. Đi bên người mà tựa như mình đang phiêu diêu ở chốn nào đó. Giờ chỉ một mình dưới lất phất hơi nước nơi chân cầu lượn quanh con thác chỉ mình một người lặng lẽ nhớ.. Những lời thủ thỉ đó vẫn còn bên tai mà người em gái ấy không còn sánh bước bên cạnh. Đâu đấy trên cao mây đã phủ màu tím nhớ nhung…
Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du
Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Lặng lẽ Lang-biang vẫn xanh mướt đồi cây xòa bóng những con đường cô quạnh. Ngồi một mình trong chiều dần buông xứ mộng mơ mà nghe tiếng vó ngựa khua lộc cộc còn nỗi buồn nào cô đọng hơn nơi đây. Còn đâu hơn đây điệu hoang sơ giữa núi rừng điệp trùng vi vút những đồi thông buồn đến nao lòng. Có phải cứ lẩn trốn lại càng thấy mình bất lực khi bị buộc giữ bằng chính tâm hồn. Giữa thinh không chỉ vang lên một nhịp buồn tưởng như vô tận. “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”…
Mưa hồng” đưa tâm hồn người nghe vào một câu chuyện bất tận mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được chút buồn mơn man trong từng giai điệu. Có những lúc là niềm vui kỷ niệm, khi lại thấy man mác cảm xúc vây quanh mình. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thổi vào “Mưa hồng” một sức sống bền lâu mang đến cho bao lớp người nghe tâm trạng bâng khuâng và chút lặng yên mà nghĩ suy. Và hãy thử lần nào đó chìm lắng trong giai điệu của “Mưa hồng” một chiều trên cao nguyên Lang-biang, nơi câu chuyện được kể bằng ký ức…
Mưa Hồng
Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm
Mây âm thầm mang gió lên
Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn muôn trùng
Nay em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau
Người ngồi xuống mây ngang đầu
Mong em qua, bao nhiêu chiều
Vòng tay đã xanh xao nhiều
Ôi tháng năm gót chân mòn trên phiếm du
Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ

Quỳnh Hương
Quỳnh Hương - Hồ Quỳnh Hương và 5 dòng kẻ
Như một chuyện tình yêu lãng mạng đầy thơ mộng, em như đóa hoa đêm thơm ngát rạng ngời, nở ra giữa vườn trăng dịu hiền lan tỏa.
Em mang đến tình yêu dịu ngọt, ngất ngây đến tuyệt vời. Nếu như ai đã từng ngắm Quỳnh nở vào những đêm trăng, hưởng cái hương vị nhẹ nhàng thoang thoảng lan tỏa thì sẽ hiểu được cái cảm giác dễ thương, dễ dàng thả cho con tim mình thơ thẩn.
“Anh mang cho em một đóa quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Anh mang cho em một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng…”
Với tách trà thơm, vừa thưởng trăng vừa ngắm hoa nở về đêm, cảm giác quả thật là tuyệt vời.
Có lẽ vì ta cũng là một người thích mơ mộng, nên khi nghe nhạc thường hay suy nghĩ phân tích. Đôi khi có những bài hát cứ ngỡ mình là nhân vật ấy, nhất là những bài hát buồn bã… Nghe đúng vào dịp trái tim không được vui thì…
Lại nói về Quỳnh Hương, khi lần đầu tiên nghe được cũng lâu rất lâu rồi, cảm giác là lạ, hiếu kỳ pha xen lãng mạn. Âm điệu cũng nhẹ nhàng, có nhiều câu rất dễ thương… cái tưởng tượng ở trong tác giả cũng thật là sâu xa :
“Quỳnh thơm hay môi em thơm”
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta dễ dàng vướng vào những buồn bã phiền toái. Nghe nhạc, thả hồn theo bài hát, cũng là một cách dung hòa trong cuộc sống. Đôi khi nên nhẹ nhàng một chút để bớt căng thẳng. Hãy cùng nghe những dòng tự tình êm dịu này nhé…
Em còn nhớ hay em đã quên
Em còn nhớ hay em đã quên - Hồng Nhung 
Đối diện với Ngân hàng Ngoại thương nơi tôi làm việc có một tán điệp lâu năm. Thường các mùa trong năm cây xanh mát, lá nhỏ, rì rào. Vào tầm tháng ba, tháng tư, cây trổ lộc xanh non lộng lẫy. Và sau đó là đến mùa hoa, từng chùm, từng chùm sáng rỡ một sắc vàng trên nền lá xanh thẫm.
Những chùm hoa nở trước, rụng xuống rắc li ti những cánh hoa vàng. Vốn đã mỏng manh, những cánh hoa vàng không nát mà chỉ khô đi như những hạt bụi vàng lấm tấm theo gió vun đầy từng nắm trên vỉa hè, dưới lòng đường. Có những buổi chiều đạp xe về qua, tôi cứ sững sờ nhìn theo hoa và thấy lòng thầm hát: Em còn nhớ hay em đã quên… Có mặt đường vàng hoa như gấm, có không gian màu áo bay lên… Và kỷ niệm lại ùa về trong tâm thức.
Ngày xưa, người tôi yêu thích bài hát đó… Và cả tôi… Dẫu chẳng ai trong chúng tôi là người Sài Gòn. Bài hát đưa ta đến với những kỷ niệm của người nghệ sĩ lãng mạn, những hình ảnh bất chợt, quen thân thường nhật mà sao đẹp lên rất nhiều trong nỗi nhớ. Từ những nét tiêu biểu: “…Sài Gòn, mưa rồi chợt nắng” đến những góc rất riêng: “vườn xưa vẫn có tiếng mẹ ru, có tiếng em thơ, có chút nắng trong tiếng gà trưa”. Không phải Sài Gòn hoa lệ, hòn ngọc của Viễn Đông, mà là đây có lẽ là Sài Gòn ngoại ô: bình dân, lam lũ nhưng cũng thật là thân thương, thơ mộng: “Trong lòng phố mưa đêm trói chân, dưới hiên nhìn nước dâng tràn, phố bỗng là dòng sông uốn quanh”, rồi “có con đường chở mưa nắng đi”. Trong dòng âm thanh hoài niệm của tác giả, chúng tôi cứ thích tìm ra những khám phá, gắn với những kỷ niệm riêng của mình. Và có một lần hẹn ở Quy Nhơn, tay trong tay ngồi trong một quán bên đường, tình cờ được nghe lại những âm thanh thật đẹp, thật xúc cảm của bài hát ấy, chúng tôi cho rằng mình là những người hạnh phúc nhất.
Bây giờ, người tôi yêu đã thành người khác, và tôi đã từ lâu cũng hết yêu anh rồi. Nhưng kỷ niệm thì tôi vẫn còn yêu. Và bài hát ấy đôi khi chợt nghe lại bỗng thấy mắt mình ướt đẫm cùng với cảm giác ngòn ngọt, se se nơi cổ họng. Ca từ thật đẹp, thật gợi, và lạ, như vẫn thường thấy ở những bài hát của Trịnh Công Sơn: trăn trở và khắc khoải. Em còn nhớ, hay em đã quên? Từng âm thanh chầm chậm buông như dòng nhớ trôi lan man, bất chợt, chẳng biết bắt đầu từ đâu và không có kết thúc. Nét nhạc dìu dịu, đến gần như không phải là buồn nữa, hay vẫn là buồn nhưng là một nét buồn nhè nhẹ, đem lại cho người nghe cảm giác có thực của hạnh phúc - hạnh phúc trong hồi tưởng.
Bên đời hiu quạnh
Bên đời hiu quạnh - Khánh Ly
Em chẳng dám nhận mình là fan Trịnh bởi để hiểu Trịnh khó lắm. Khó như là em hiểu bản thân đầy mâu thuẫn của mình vậy. Em chẳng bao giờ dám khoe mình cũng nghe Trịnh bởi bạn bè lại bảo rằng “cứ theo mốt trí thức…”. Nhưng đơn giản vì em thấy sự đồng cảm trong những tiếng ca đầy ẩn số ấy. Cái đồng cảm của con nhóc con bước vào một lâu đài cổ …
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ
Câu hát đầu tiên cho em ý thức là em đang nghe nhạc Trịnh là câu hát đó. Em nghe nó khi đang còn ba hoa với con bé bạn với cái vẻ giả tạo nhất mà em có. Để rồi ngay sau đó em làm cho nó choáng nặng vì hai hàng nước mắt rơi xuống tự nhiên như là em bị điên. Tại sao thể nhỉ? Phải chăng là bởi bài hát là những gì em đang nghĩ?
Em không hiểu nổi và cũng không có tham vọng hiểu những gì mà Trịnh viết nhưng mà em thích cảm nhận Trịnh theo cách của riêng em. Em không cần mình được công nhận là một người am hiểu. Em cũng chẳng cần phải tìm hiểu nhiều chỉ đơn giản là em thích cái bí ẩn của Trịnh. Nếu em tìm thấy những cái không còn là ẩn số thì em đã không thích Trịnh như thế. Em cần một chút đồng cảm dù là em tự huyễn hoặc mình như thế. Em thích vì đơn giản là em cần cảm giác buồn đến tận cùng, buồn đến mức em không thể buồn hơn và để rồi nhìn thấy “nắng lên”
Em tìm tất cả những quán đĩa chỉ để tìm bài hát đó. Nhưng phải là Khánh Ly. Em cảm nhận được rằng nếu không phải là Khánh Ly thì không thể có cái cảm giác em đã trải qua. Cũng chính từ đó em cảm nhận Trịnh theo cách của em
Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ
Rồi một lần kia khăn gói đi xa
Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ
Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua
Đường về tình tôi có nắng rất la đà
Đường thật lặng yên lòng không gì nhớ
Giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ
Đường nào dìu tôi đi đến cơn say
Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi

Em không hiểu những gì diễn ra trong những câu ca của Trịnh nhưng em cảm nhận âm nhạc của Trịnh trong cái tâm trạng của em. Đôi khi em cũng thấy lòng mình thật bình yên bởi vì em có gì đâu mà chẳng bình yên. Em chẳng bị vướng bận bởi cái gì hết. Có lẽ thế. Hay vì em luôn nói thế. Em chẳng nhớ ai cả. Em cũng chẳng phải một người “lữ khách tha hương” nhớ về quê hương. Vậy em thấy cái gì đồng cảm đây? Chính em cũng không lý giải nổi nữa…
Có thể cái em thấy là cái “Lòng thật bình yên mà sao buồn thế…” là cái “giật mình…”. Bởi em là kẻ đang trốn chạy, em trốn chạy những gì đang diễn ra quanh cuộc sống của em. Em trốn chạy những gì mà mọi người đang cố bắt em chấp nhận. Em cố trốn mình vào những ảo tưởng mà người ta gọi bằng hai tiếng “vô tư”. Em trốn mình vào những suy nghĩ không đầu và không cuối. Em trốn những tiếng cãi vã ồn ào quanh em, trốn những giây phút nước mắt rơi lặng lẽ đằng sau tiếng cười khô khốc. Trốn tiếng kêu la, trốn làn khói mờ ảo đang bao quanh em và căn nhà của em. Em trốn tất cả… Để rồi cũng chợt nhận ra mình cũng từng “hát bao giờ” đã từng “khóc bao giờ”. Em cũng đã từng nghĩ mình không muốn sống. Em cũng đã từng nhận ra những cái tương tự như “giật mình nhìn quanh ồ phố xa lạ”. Nhưng tất cả rồi cũng kết thúc ở cái cảm giác vô cảm. Không gì cả … Chợt nhận ra… Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi.
Em rất thích câu ca này bởi đúng là khi mà người ta có thể khóc người ta sẽ không cần phải buồn. Khi người ta khóc là đã trút được nhiều nỗi buồn của mình rồi. Nhưng hiếm khi em có thể khóc chính vì thế mà em thèm cảm giác ấy lắm. Thèm cái cảm giác khóc đến cạn nước mắt và… Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi…
Em chẳng hiểu những gì mình cảm nhận có giống Trịnh thấy nhưng em tự hài lòng với chính bản thân mình vì đã tìm thấy một suy nghĩ cho riêng mình… Em cũng chỉ cần có thế mà thôi!
Ru đời đi nhé
 
Ru đời đi nhé - Tuấn Ngọc
Hôm nay lạnh quá, thế là tự dưng nhớ đến một câu hát rất hay của Trịnh Công Sơn: “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng”. Tôi đã từng chứng kiến nhiều mùa đông khác nhau ở những nơi khác nhau, nhưng mùa đông Hà Nội vẫn là đẹp nhất.
Nó không đẹp vì tuyết lạnh, không đẹp vì bầu trời xanh trong cảnh mùa đông. Nó đẹp ở cái nắng hanh vàng, cái “gió mùa đông bắc se lòng”, vì những ngày bầu trời xám xịt xuống thật thấp, vì cái nỗi “khăn áo” của ngừời Hà Nội. Ngày còn đi học, cứ mỗi độ đông về gió lạnh, thể nào cũng có bỏng ngô ăn trong lớp. Ăn xong còn ném tung cả vào nhau, nói đùa đấy là tuyết của mùa đông Hà Nội.
Tôi sống xa nhà, bên này nghe ngừời ta nhắc nhau “sắp đến Tết rồi. Tôi lại chạnh lòng nghĩ về cái Tết vừa lạnh, vừa nồng ấm của miền Bắc. Bây giờ đào Nhật Tân chắc đã được tuốt lá cả rồi, lặng im ấp ủ suốt hai tháng mùa đông lạnh giá để khoe những bông hoa săc thắm khi Tết đến, Xuân về. Quất đã đến độ chín chưa nhỉ. Thông thường, quất phải chín chớm vào khỏang đầu tháng 11 âm lịch, nếu không khi Tết đến sắc quả chìn không được vàng đều.
Người Hà Nội chơi đào chơi quất kỹ tính lắm. Hoa đào thì phải bông to, sắc thắm, có lộc, có nụ, có hoa, dáng phải thanh tao gầy guộc. Đã qua rồi cái thời của những cành đào như cái nơm (bắt cá). Còn quất thì phải chìn vàng đều, có lộc và có hoa. Tết đến, khách đến nhà nhau chơi thường lấy đào và quất của chủ nhà ra để bình (như các cụ vẫn thường bình thơ ngày xưa). Nhà nào có đào và quất đẹp, kể như sẽ gặp nhiều may mắn suôt cả năm.
Tôi nhớ những độ giáp Tết, người đi “chấm” đào, “chấm” quất trên Nhật Tân, Quảng Bá, Tây Hồ, ai cũng hứng khởi và cả “săm soi”, kỹ càng lắm. Cả một vùng “hương sắc” Hà Nội rực lên một bức tranh tuyệt vời của mùa Xuân. Thực ra khi Tết đến, mùa đông vẫn còn. Người ta ăn Tết theo lịch chứ có ăn Tết theo tiết Xuân đâu. Vì thế có nhiều năm Tết về trong cái lạnh. Người ta cứ chúc nhau một mùa Xuân mới Hạnh phúc an khang chứ có ai chúc nhau một mùa Đông vui vẻ may mắn bao giờ.
Riêng tôi, tôi nhớ và thích mùa Đông Hà Nội hơn. Nó hơi khắc nghiệt, hơi u buồn nhưng lại tràn đày sức sống, sức thu hút và không thể nào quên giống như những cô gái Hà Nội. Nếu không có mùa Đông lanh giá ấy, mùa Xuân chắc cùng sẽ mất hết ý nghĩa mỗi khi Xuân về.
Bạn nào ở Hà Nội vào dịp Tết năm nay, xin hãy post nhiều bài về mùa Đông và về cái Tết rất Hà Nội ở Hà Nội cho chúng tôi, những người không có may mắn được ở Hà Nội vào dịp ấy. Ở nơi xa lạ này, dù sao đó cũng sẽ là “những đốm lửa hồng” sưởi ấm những tấm lòng đang ở xa quê hương, xa mùa Đông và xa cái Tết rất Hà Nội ấy.

Ở trọ
Ở trọ - Hồng Nhung
Tối nào cũng vậy, trước khi đi ngủ là tôi lại nghe tiếng anh: “Em ơi! Cho anh xin ít nước sôi để chế mì gói”. Mới đầu, tôi tưởng đó là bữa ăn thêm của anh, sau quen dần mới biết đó là một bữa ăn chính hẳn hoi.
Anh là sinh viên, ở trọ nhà tôi. Nghe đâu đã là SV năm ba đại học. Ngày nào cũng vậy trên chiếc xe đạp lọc cọc, anh đi từ sáng đến tối khuya mới về. Một lần tình cờ thấy trong chồng sách vở cũ của anh có vài quyển sách toán, lý, hóa của cấp hai, ba. Tôi thắc mắc, anh giải thích: “Đó là bát cơm của anh đấy!”. Thì ra anh đang làm nghề gia sư. Nhà anh nghèo nên không thể “viện trợ” cho anh như các bạn bè khác được.
Lúc ấy, tôi mới hiểu vì sao anh thường xuyên vắng nhà. Buổi sáng anh ăn vội tô mì, rồi lao nhanh đến trường, góc học tập của anh là thư viện trường, trưa anh gặm mì ổ, rồi chuẩn bị bài đi dạy thêm, tối về mới có mì nước. Cứ như thế anh “trường kì kháng chiến”.
Đôi lúc có thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, tôi lại thấy anh lấy cây đàn ghita ra, lên dây, rồi giọng anh trầm ấm vang lên “Con chim ở trọ cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn…”. Với vẻ đầy thích thú, tôi khẽ nhìn lén anh qua ô cửa sổ. Đó là lần đầu tiên, tôi được thưởng thức ca khúc “Ở trọ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Rồi ngày anh biết tôi học lớp 12, cũng là ngày tôi có một gia sư mới tại nhà. Ngày nào có thắc mắc gì, tôi ghi ra giấy rồi chờ tối anh về hỏi lại. Tuy cả ngày mệt nhọc ngoài đường, nhưng lúc nào anh cũng vui vẻ nhiệt tình chỉ bảo.
Anh giảng bài rất dễ hiểu, nhờ vậy mà sức học của tôi dần được cải thiện nhanh chóng. Mỗi lần mẹ tôi trả tiền công, anh đều từ chối khéo. Biết không thể thuyết phục được, mẹ tôi bèn đưa ra “chiến lược” không lấy tiền nhà trọ của anh. Kể từ đó, anh như là một thành viên mới trong gia đình tôi.
Tôi đậu đại học. Ngày mẹ tôi mở tiệc ăn mừng lại là ngày anh dọn đi nhà khác. Anh bảo: “Đến ở gần trường để tiện cho việc đi học hơn”. Hành trang cũng như lúc anh đến, vẫn cây đàn ghita và một ba lô sách vở. “Ráng học nhé em!” – Tôi đọc được nỗi buồn trên đôi mắt đầy nghị lực của anh qua lời dặn ấy.
Từ hôm đó, bỗng dưng tôi thấy thiếu thiếu một điều gì đó rất khó giải thích. Lâu không thấy anh trở lại thăm nhà, tôi bèn lên trường để tìm anh và phải rướm nước mắt khi bạn bè anh cho biết anh về quê để chăm sóc mẹ đang bệnh nặng, chứ không phải dọn qua nhà khác…
Lòng tôi chợt buồn man mác, dường như tôi vẫn còn nghe đâu đây lời anh hát: “Tim em ở trọ là tôi, mai kia về chốn xa xôi cũng gần…”. Từng giọt nước mắt nóng hổi đang lăn dài trên má, tôi chợt nhận ra, anh đã “ở trọ” trong trái tim tôi từ bao lâu rồi…
Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng
Tôi ơi đừng tuyệt vọng - Khánh Ly
Tôi biết tới ông không lâu, nghe nhạc ông cũng không nhiều… Những lần được nghe nhạc ông, cũng là những lần rất tình cờ trước đó. Về sau, tôi tự hấp thụ được cái thói quen nghe và nghĩ về những thinh âm trầm đục ấy. Nhạc của ông đã không giống hầu hết các thể loại hiện có lúc bấy giờ, và có lẽ mãi về sau này cũng không có.
Thu vừa qua, mùa đông lại tới, những chiếc lá đã rơi gần hết buổi giao mùa nay co mình lại nhường chỗ cho những chồi non sắp hé nở khi xuân về. Dòng nhạc của ông cũng thế, cái sự chuyển giao giữa các khung nhạc cứ luân phiên một cách tuần tự như từng phút giây nối tiếp nhau. Không có sự bứt phá thăng trầm, chính thế dòng nhạc của ông dẫn đạo cho tính triết lý nhân sinh tuôn chảy từ những khuông nhạc vô tri sang trí não vận động của con người.
Sống ở đời, ai chẳng có những nỗi niềm riêng, ai chẳng có những lúc thất cơ lỡ vận, đen đủi, thất bại và tan vỡ…Trong chính những lúc ấy, khi con người cảm thấy nỗi bất hạnh đã dâng đến cực điểm, khi trong phút giây không tự kiềm chế mà không ít những sự việc đáng tiếc cứ tiếp nuối đến như cả một vực thẳm không đáy, nó vừa thăm thẳm đến hun hút vào lòng đất, nó đáng sợ đến nỗi khi ta rớt vào sẽ chẳng còn thấy tăm tích gì nữa…
Hãy nghe đi, từ những khổ đau tột cùng ấy, giữa những nỗi niềm không thể sẻ chia ấy, những nốt nhạc cứ thê thiết ngân lên đánh động lòng trắc ẩn tiềm tàng của mỗi con người, đánh thức cái ngộ tính lương tri và thánh thiện của những số phận bất hạnh ấy…
Nhìn nhận thực tế để từ đó suy tưởng và chiêm nghiệm ra lẽ sống, hình dung và phấn đấu gạt bỏ những tan vỡ và thất bại để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Như ta ngắm mặt trăng buổi đêm rồi nghĩ rằng sáng mai ra mặt trời sẽ rạng rỡ trên khung trời tươi xanh.
Tôi ơi đừng tuyệt vọng là một trong những tình khúc như vậy của ông, tôi đã nghe và sẽ không ngừng nghe lại mãi…
Nguồn: Vietnamcayda 
Hoa vàng mấy độ
Hoa vàng mấy độ - Khánh Ly
Em đến bên đời,hoa vàng một đoá
Một thoáng hương bay,bên trời phố hạ..
Mỗi lần chợt nghe, tôi lại mơ đến cả một khoảng trời vào thu với rực rỡ sắc vàng. Màu vàng của nắng, của hoa và của những tà áo thấp thoáng trên đường. Ở đó có một con phố còn vương chút gì mùa hạ. Hạ ấm áp, vồn vã của niềm vui mới chớm khi người ta tình cờ gặp nhau, quen nhau. Nhưng hạ trong âm hưởng mùa thu, một chút gì ấy không đủ để níu chân người, mà mau phai mờ, tàn tạ như cảm giác chia ly..
“Nào dễ chóng phai trong lòng nỗi nhớ
Ngày tháng trôi qua, cơn đau mịt mù… “
Tôi sợ cái cảm giác này, cảm giác của người ở lại, khi mà chỉ thấy “đời như vô tận, một mình tôi về với tôi”…
“Em đến nơi này, bao điều chưa nói
Lặng lẽ chia xa, sao lòng quá vội
Một cõi bao la, ta về ngậm ngùi
Em cười đâu đó, trong lòng phố xá đông vui “
Tưởng như hồn mình là trống rỗng và thinh không, bỗng bật lên tiếng cười quen lắm, ở đâu đó trên phố hạ xưa.
“Em đến nơi này, vui buồn đi nhé
Đời sẽ trôi xuôi, qua ghềnh qua suối
Một vết thương thôi, riêng cho một người…”
Phải, dù có thế nào đời cũng sẽ trôi xuôi, qua những nỗi đau, qua những cơn say và rồi chìm vào giấc ngủ yên. Nhưng chỉ riêng cho mình một vết thương, có khắc nghiệt quá không?
“Xin cho bốn mùa, đất trời lặng gió
Đường trần em đi, hoa vàng mấy độ
Những đường cỏ lá, từng giọt sương thu… yêu em thật thà”.
Lời nguyện cầu chân thành, dù nhỏ bé nhưng chẳng thể làm gì hơn thế. Mong muốn gì đây khi không để cho mình? Giản đơn thôi, chỉ là mong sao trên quãng đường em đi, đất trời luôn lặng gió, cả lá cỏ ven đường hay giọt sương thu cũng biết yêu em. Chợt nhận ra niềm hạnh phúc lớn lao khi có cùng cảm xúc với ông, như thấy mình thoáng đâu đó trong câu hát của ông và cả trong lời ông nói “…. khi tôi yêu cuộc đời ngào ngạt hương hoa này, thì đồng thời tôi cũng yêu luôn cả quãng đời mà tôi đánh mất…”. Tôi cứ thắc mắc, nếu trong cao xanh của mùa thu, sắc vàng kia hẳn phải là hoa cúc. Vậy trên con phố mùa hạ, biết có loài hoa nào vàng rực rỡ thế không? Còn chăng, hoa vàng xưa và phố hạ ngày xưa…
Như cánh vạc bay
Như cánh vạc bay - Hồng Nhung
Cũng không biết từ bao giờ nữa, mình đã nghe Như Cánh Vạc Bay… Hiểu gì về nó? Có lẽ là không gì cả. Chỉ đơn giản là thích, nghe và cảm nhận. Cảm nhận bằng tất cả tình cảm của mình.
Nắng có hồng bằng đôi môi em
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Một cô gái. Có lẽ là rất đẹp. Nàng đẹp, nhưng sao buồn thế. Không hiểu tại sao mình lại có suy nghĩ như thế. Môi nàng hồng, màu hồng của ánh nắng ban mai, màu hồng mà không thể cảm nhận được bằng thị giác, chỉ là hình dung, là tâm tưởng, là một cái gì đó rất riêng của cá nhân từng nghe và từng cảm nhận.
Mưa có buồn bằng đôi mắt em
Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh

Có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mình mới có thể hiểu hết được. Có lẽ thế. Chỉ đơn giản là buồn, rất buồn, một nỗi buồn không thể gọi tên. Tóc em từng sợi nhỏ, rớt xuống đời làm sóng lênh đênh. Mình không biết là có hiểu nữa hay không mà sao không biết dùng từ gì để diễn tả nữa, chỉ cảm thấy buồn. Một người con gái có tài, có sắc nhưng sao cuộc sống cứ có một cái gì đó không thể thoát ra được, không thể ….
Gió sẽ mừng vì tóc em bay
Cho mây hờn ngủ trên trên vai
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi …
Nắng có còn hờn ghen môi em
Mưa có còn buồn trong mắt em
Từ lúc đưa em về
Là biết xa nghìn trùng ….

Không hiểu sao khi nghe đoạn này mình lại cứ nghĩ đến câu trong Truyện Kiều:
“Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Và:
“Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…”
Một vẻ đẹp thật chẳng kém nàng Kiều. Nếu như trong chuyện Kiều, đó là “Mây thua…” , là “Tuyết nhường…” là “Hoa ghen…” là ” Liễu hờn…” thì ở đây nàng cũng đẹp lắm. Cũng là “Mây hờn…”; là ” Nắng có còn hờn ghen môi em..” nhưng cái hình ảnh đẹp nhất, sâu sắc nhất, hình ảnh mà theo mình nghĩ đã làm cho ”Nàng” đẹp hơn Kiều lại là ở bờ vai:
Vai em gầy guộc nhỏ.
Mình hạc xương mai. Hình ảnh một đôi vai bé bỏng, đang run rẩy trước gió Đông thật sự làm mình xúc đông. Vai gầy của một người phụ nữ? Điều đó là hoàn toàn bình thường, bởi vì họ đã có những bờ vai rắn chắc của những người đàn ông. Khi nào yếu đuối, mệt mỏi thì họ có thể dựa vào đó, có thể khóc cho vơi đi nỗi buồn để còn có đủ niềm tin và sức lực để tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu…. Nhưng ở đây, Hình như điều đó nàng cũng không có được. Hình ảnh “Vai gầy…” rất đẹp nhưng ”Vai gầy guộc….” thì thực sự làm cho con người ta xúc đông, thương cảm. Mình cảm thấy đây là một bài thơ, một bài thơ tình hơn là một bài hát. Ca từ quá đẹp, quá hoàn thiện mà ngay cả một nhà thơ chuyên nghiệp chắc gì đã viết nổi. Có thể cái hình ảnh ”Mây hờn….. Nắng hờn ghen…” kia Trịnh đã chịu sự ảnh hưởng của chuyện Kiều. Nhưng điều đó cũng dễ hiểu thôi khi những câu Kiều là những kiệt tác của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Điều đáng nói ở đây là Trịnh biết tìm tòi và phát huy trong tác phẩm của mình.
Vai em gầy guộc nhỏ
Như cánh vạc về chốn xa xôi …
Bài hát kết thúc cũng bằng một hình ảnh thật đẹp
Suối đón từng bàn chân em qua
Lá hát từ bàn tay thơm tho
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.
Thế rồi như cánh vạc, Nàng bay đi để lại nơi này một người đang ngày đêm trông ngóng
Lá khô vì đợi chờ
Cũng như đời người mãi âm u …

Có thể cuộc đời này nàng chẳng bao giờ có thể là của chàng nữa, nhưng chàng vẫn ngóng trông vẫn chờ đợi và vẫn mong tin nàng. Cầu chúc cho nàng ở phương trời nào đó sẽ luôn vui và luôn hạnh phúc.
Nơi em về ngày vui không em
Nơi em về trời xanh không em
Còn ở nơi này, có thể chàng sẽ buồn, sẽ khóc, khóc tới giọt nước mắt cuối cùng
Ta nghe từng giọt lệ
Rớt xuống thành hồ nước long lanh.
Đang ngồi viết Entry này lại nghe ở đâu đó có một người đang tập sacxophone. Forever…từng nốt nhạc hoang hoải lan dài trong một chiều thu Hà Nội. Ở phương nào nàng có biết hay không….
Một cõi đi về
Một Cõi Đi Về - Richard Fuller & 
Thủy Tiên & Guitarist Thế Vinh
Hồi tưởng về anh, một hồi tưởng đong đầy nhạc cảm. Xin cảm ơn anh đã làm đẹp cuộc đời bằng âm nhạc, để sau những đêm nghe nhạc Trịnh sáng ra ta lại cảm nhận và hiểu được: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày mới để yêu thương”
Như một nén hương tưởng nhớ gửi đến anh trong cõi vĩnh hằng!
“Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người”
Tháng tư về - mong một sự thật có thể trở thành lời dối trá, nhưng tiếc đây là ngoại lệ chua chát của ngày nói dối “Cá tháng tư” – đúng là Trịnh đã bỏ lại tất cả để đi về một cõi xa sau bao năm “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”.
Sáu năm trôi qua có rất nhiều sự kiện âm nhạc, nhiều biến cố đối với cuộc sống một con người nhưng niềm đau mất mát không gì bù đắp nổi của nhạc Việt vẫn hiển hiện và rưng rức xúc động trong lòng các tín đồ của nhạc Trịnh. Anh đã đi, để lại trong lòng công chúng một nỗi nhớ khôn khuây. Dù không hiện diện bằng xương bằng thịt nhưng trong các ca khúc của anh vẫn thấy “hiện bóng con người”, một Trịnh Công Sơn sâu lắng, trí tuệ và nghệ sỹ hòa trong từng nốt nhạc tài ba, để rồi mỗi khi ca khúc cất lên ta lại thấy nụ cười, ánh mắt anh ẩn hiện.
Anh như dự cảm được tất cả những gì thuộc về chu trình cuộc đời, trong các ca khúc của anh ta đều thấy một sự thản nhiên trước cái chết, trước sự chia xa, trước những thăng trầm của cuộc sống, anh luôn bình thản trước mọi sóng gió của cuộc đời.
Viết về anh thì bằng giấy bút không thể nào diễn đạt hết được, anh đã đến trong đời để làm nhạc sỹ và đã đi để lại cho muôn người một tài hoa âm nhạc.
“Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên đôi vai ta hai vàng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm mọt cõi đi về”
Luôn có “Ám ảnh biệt ly” trong “Một cõi đi về”, nhạc của anh không thể cảm nhận bằng thính giác mà còn bằng khối óc và trái tim. Một điều gì đó trầm lắng, suy tư nhưng lại được anh trình bày một cách tự nhiên. Vậy nên cố nhạc sỹ Văn Cao nhận xét: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là ở chính ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà ở cả ngoài biên giới nữa…”
Nhớ về anh, tự nhiên tôi lại nhớ đến “Một cõi đi về”. Có lẽ giờ phút này ở nơi xa nào đấy anh cũng hiểu được niềm nhớ khôn nguôi chúng ta dành cho anh, có lẽ ở nơi ấy anh đã thất sự tìm được chỗ dừng chân yên nghỉ và mỉm cười vì không còn phải: 
“Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa 
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ 
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ 
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà''.
Hồi tưởng về anh, một hồi tưởng đong đầy nhạc cảm. 
Xin cảm ơn anh đã làm đẹp cuộc đời bằng âm nhạc, để sau những đêm nghe nhạc Trịnh sáng ra ta lại cảm nhận và hiểu được: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm ngày mới để yêu thương”
Như một nén hương tưởng nhớ gửi đến anh trong cõi vĩnh hằng!.
Biển nhớ
Biển nhớ - Khánh Ly
Chào các bạn tôi nên viết gì về cảm nhận của mình khi nghe nhạc Trịnh đây nhỉ? Thật sự là tôi vốn rất ít nghe nhạc, mà khi nghe toàn nghe nhạc buồn, nhạc cổ thôi. Mẹ tôi hay nghe những nhạc như thế và tôi được nghe ké đấy mà!. Từ khi tôi thất bại… nói ra là thất bại rất nhiều thứ, tôi buồn và lúc đó quanh tôi không còn ai cùng chia sẻ, lúc đó tôi tìm đến biển, tôi muốn đi dọc hết bãi biển trong không gian tĩnh lặng tôi cần sự yên tĩnh lắm lắm.
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya
Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ
Tự dưng trong tôi lại nhớ đến những câu hát ấy, tôi hát mãi 4 câu ấy, lòng tôi ko biết cảm nhận làm sao với cảm xúc hiện có và đã thốt lên 4 câu hát ấy. Về đến nhà tôi hát cho mẹ nghe và hỏi là nhạc của ai, lúc đó tôi mới được biết là nhạc Trịnh. Tôi nhớ đã từng nghe bài hát này từ đĩa hát nhà tôi, tôi ngồi ôm chồng đĩa ra lục lọi, tôi đã tìm được đĩa nhạc Trịnh có bài hát ấy đó là bài “Biển nhớ”. Mỗi khi có thời gian ngồi tĩnh lặng thì tôi chỉ thích nghe bài “Biển Nhớ” thôi.
Khi lên blog tìm được blog tòan viết về nhạc Trịnh tôi cảm thấy hào hứng và cũng muốn biết về cuộc đời và các tác phẩm của ông lắm, thực sự là cảm nhận của các bạn trong blog về bài hát Trịnh rất hay khiến tôi muốn có 1 entry về bài hát mình thích, nhưng thật sự ít người có cảm nhận về bài hát này. Có người nói tôi có thể cảm nhận và viết nên nó. Tôi thật sự mừng và cũng rất lo…lo là không biết nên cảm nhận làm sao về bài hát này cho hoàn hảo và ý nghĩa.
Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn, bàn tay chắn gió mưa sang
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đêm mờ
Hồn lẽ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn
Hôm nào em về, bàn tay buông lối ngõ
Đàn lên cung phím chờ sầu lên dây hoang vu
Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Chiều sương ướt đẫm cơn mê
Trời cao níu bước sơn khê
Có rất nhiều bài hát về biển sao tôi lại thích đến bài hát này không biết hình như trong nhạc Trịnh có một cảm xúc nào đó, trong ông như đang cần nghe tiếng nói cười, sự nhàn nhã, thú vị ấm áp bằng những bài hát của mình. Có thể bất cứ nơi đâu cũng sáng tác được “lãng mạn là cách tuyệt vời nhất để thể hiện tình yêu” và có thể viết nên những tuyệt tác. Tôi chợt nhớ đến nhiều kỷ niệm cùng ai đó đi suốt bãi biển, cùng nhau nghe tiếng sóng du dương,rì rào của gió. Rồi ai đó ra đi đi xa chỉ còn tôi với biển nhưng tôi biết rằng anh còn nhớ đến tôi và biển. Một lúc nào đó anh sẽ trở về với thành phố biển này. Khi không còn anh chỉ còn tôi với biển biết bao điều đổi mới quanh đây. Sao anh ko về với tôi và biển nhỉ? Chắc anh đã quên đi những kỷ niệm chúng ta cùng với biển rồi thì phải. Giờ đây chỉ còn tôi với biển, chắc rằng biển vẫn nhớ đến những kỷ niệm của chúng ta đó anh, nghe tiếng sóng biển mà ngỡ anh vẫn ở đâu đây bên tôi!
Ngày mai em đi, cồn đá rêu phong rũ buồn
Đèn phố nghe mưa tủi hồn, nghe ngoài trời giăng mây luôn
Ngày mai em đi, biển có bâng khuâng gọi thầm
Ngày mưa tháng nắng còn buồn, bàn tay nghe ngóng tin sang
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng
Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương!
Thực sự là không biết viết thêm gì về cảm nhận của mình cả, thật sự cảm xúc của tôi rất buồn và nhớ bao kỷ niệm khi nghe bài hát này. Tôi viết văn rất dở nhưng một phần nào đó khi nghe nhạc Trịnh tôi muốn được cảm nhận nó và trong tôi chỉ hát mãi câu ” Ngày mai em đi……”
Hạ trắng
HẠ TRẮNG - KYO YORK (Viet + English)
Trưa nắng Sài Gòn! Vẫn cái nóng hừng hực, cái nóng như muốn làm tan đi những thứ dưới tầm nắng của nó. Hầm hập như người bị sốt. Nghe tiếng ai đó cười… Phảng phất đâu đây, ngây ngây cái buồn rất lạ, kì dị.
Có lẽ trái tim trống toang đang thèm một chút cảm xúc để gợi nhớ quá khứ. Không, không phải là Rock với tiếng guitar như quất thẳng vào vết thương trong tim. Không, không thể nào là Rock được, thế thì là cái gì nhỉ?
Nó lôi cái đĩa Rock đang gào ầm ĩ trong máy ra vứt xoạch lên bàn một cách không thương tiếc. Mất thêm một ít thời gian để cái sự dùng dằng giận dỗi trong mình nguôi đi, nó bật list nhạc mp3, click vào bài Hạ Trắng. Nhạc vang lên buồn buồn, giọng Khánh Ly vang lên buồn buồn, cả lời hát cũng buồn buồn như một tiếng thờ dài thật nhẹ đang lẩn khuất trong không khí. Mọi thứ bỗng dịu và lặng đến không ngờ…
Gọi nắng
Trên vai em gầy
Đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn
Lòng hoa bướm say
Lối em đi về
Trời không có mây
Đường đi suốt mùa
Nắng lên thắp đầy
Thật lạ!
Nó đã nghe Hạ Trắng đến lần thứ bao nhiêu rồi nhỉ? Thế mà mỗi lần nghe lại, với một tâm trạng khác, nó lại cảm nhận được thêm một điều mới mẻ. Cái cộng hưởng của tâm trạng làm trái tim thấp thỏm trầm hẳn xuống, giọng của Khánh Ly da diết quá. Như đang thổn thức, như đang tiếc nuối hộ nó. Đúng không? Chỉ có Khánh Ly, vâng, chỉ Khánh Ly mới thả được cái hồn vào trong nhạc của Trịnh. Và vỡ bung ra vào tâm cảm của người nghe. Rũ buồn!… Nó nhắm mắt lại, nếu đây là phòng riêng của nó, nó sẽ ko ngần ngại tắt quách điện đi, chìm hẳn vào trong cái bóng tối mờ mờ, có lẽ mọi điều sẽ tuyệt vời hơn.
Gọi nắng
Cho cơn mê chiều
Nhiều hoa trắng bay
Cho tay em dài
Gầy thêm nắng mai
Bước chân em về
Nào anh có hay
Gọi tên cho nắng
Chết trên sông dài
Nó thấy ngợp thở. Nhẹ quá, da diết quá. Bỗng dưng, nó thèm được vùi nhẹ đầu vào trong một vòng tay ai đó tìm kiếm cái cảm giác được ấp ủ, được trân trọng ghê gớm! Nhớ quá! Nó những tưởng trái tim đau sẽ không còn cảm nhận được điều gì nữa chứ? Nhưng không. Trái tim nó đang thổn thức, nỗi đau như đang được xoa dịu. Chỉ một thoáng thôi, nỗi buồn biến thành hư vô trong tâm hồn được xoa dịu bởi sự đồng cảm… Nó thèm được nắm tay ai đó …
Thôi xin ơn đời
Trong cơn mê này
Gọi mùa thu tới
Tôi đưa em về
Chân em bước nhẹ
Trời buồn gió cao
Đời xin có nhau
Dài cho mãi sau
Nắng không gọi sầu
Áo xưa dù nhàu
Cũng xin bạc đầu
Gọi mãi tên nhau
Tông nhạc đẩy nhanh thêm một nhịp, giọng như đang đuổi nhau từ câu này qua câu khác. Cái vội vã hình như một cách mơ hồ rồi tự dưng kéo dài ra, thả thêm một nốt cao trong trái tim đang sục đầy sóng của nó. Cảm giác như có ai đó đang chạy như bay đến bên nó theo giọng hát thiết tha của Khánh Ly. Nhưng không ai cả, chỉ có nó thôi, một mình… Tan vỡ hết rồi, không thể nào quay trở lại được. Nhói buốt!… Khàn đục! Giọng nó quấn vào giọng của Khánh Ly, đồng cảm thật!
Gọi nắng
Cho tóc em cài
Loài hoa nắng rơi
Nắng đưa em về
Miền cao gió bay
Áo em bây giờ
Mờ xa nẻo mây
Gọi tên em mãi
Suốt cơn mê này…
Buồn quá!
Từng giọt buồn hình thành chậm rãi bào mòn trái tim thấp thỏm khắc khoải của nó. Cứ nhoi nhói, cứ buôn buốt, trời Sg không lạnh nhưng tâm hồn nó lạnh quá! Đau đến tận cùng… Xa ngái, ở nơi cách nó vài tiếng đồng hồ đấy, anh đang làm gì? Nó không biết và từ giờ không có quyền được biết. Chỉ biết rằng, nơi đó đang lạnh, không nắng gay như SG nó đang sống. Để tìm một chút nắng có lẽ cũng chỉ là mộng tưởng… Giọng Khánh Ly đã dứt trong tiếc nuối lâu lắm rồi thế nhưng nó vẫn còn nghe vang vang trong đầu… Dài theo nỗi nhớ, niềm đau, mãi mãi… Mắt nó ươn ướt, cay cay…
 Theo http://vongtinhthieu.zz.vc/blog/






1 nhận xét:

  Cái bóng – Chùm thơ Muồng Hoàng Yến 23 Tháng Bảy, 2023 Con bước lên đồi/ Bóng theo chẳng mỏi/ Mẹ ơi con hỏi/ Bóng là của ai? Cái b...