Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - Câu chuyện ngập tràn cảm xúc

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Câu chuyện ngập tràn cảm xúc
Rất tự nhiên, rất dễ chịu, đơn giản thôi, nhẹ nhàng và êm đềm như cơn gió thoảng, như giấc mơ đã xa rồi. Đó là cảm nhận chung của người xem ở phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”
Bộ phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (được Việt Linh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh do Victor Vũ đạo diễn) đã ra mắt khán giả buổi chiếu đầu tiên vào tối 29-9 tại TP HCM tiếp tục nhận nhiều lời khen từ người trong giới chuyên môn, báo chí lẫn khán giả trên các diễn đàn, mạng xã hội.
Xúc động, xót xa và bồi hồi
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một câu chuyện đầy xúc cảm về quê hương, về gia đình, về thời niên thiếu của mỗi người. Cậu bé Tường ngây thơ, đầy tình thương trong khi Thiều là người anh trai ích kỷ, hẹp hòi đến tàn nhẫn. Bên cạnh tình cảm anh em với những yêu thương, ghen ghét, đố kỵ, hối tiếc, ăn năn… còn là tình cảm bạn bè, kỷ niệm thời thơ ấu của lũ trẻ nhà quê nghèo ở miền Trung cuối những năm 1980. Ở đó có những cuộc cãi vã, đánh nhau; những trò chơi trẻ con thú vị; những giấc mơ cổ tích công chúa, hoàng tử; những hờn giận vu vơ, rung động đầu đời…
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. 
(Ảnh do nhà sản xuất phim cung cấp)
Chưa bao giờ người xem lại ngập tràn cảm xúc trong từng khung hình, từng khoảnh khắc đắt giá về nhân vật đến như vậy. Ai nấy bồi hồi khi thấy cả tuổi thơ ùa về với con đường làng, đồng mía, lũy tre, dòng suối; cười khúc khích khi thấy thằng Thiều lúng túng viết lá thư tỏ tình với con Mận; xót xa khi thấy Thiều đánh em đến gãy sống lưng vì nghĩ em lén ăn thịt gà mà thực ra là em nó đang chơi đồ hàng với con Mận rồi chúng tưởng tượng mình được ăn thịt gà thôi và rồi rưng rưng khi thấy nó ân hận như thế nào. Người xem cũng day dứt khi thấy 3 đứa trẻ tựa tay vào song cửa, đôi mắt trong veo nhìn màn trời u ám vì mưa bão, nhìn nước lụt ngâm đến giường nằm... Ký ức cứ ùa về khiến người xem rung động, bồi hồi.
Không câu khách bằng sốc, sex; không cần quan tâm đến công thức, cao trào, kịch tính thế nào; ly kỳ, gai góc ra sao; cũng không cần làm trò “phù thủy”…phim chỉ đơn giản là câu chuyện của cảm xúc. Rất tự nhiên, rất dễ chịu, nhẹ nhàng như cơn gió, như một giấc mơ. Victor Vũ kể chuyện rất thong thả, nhẹ nhõm như không, không cố tình tìm kiếm những nút thắt - mở. Anh làm theo cảm xúc, rung động chứ không cố với cao hơn nữa dù anh là người thích phiêu lưu. Hóa ra những gì bình thường nhất, dung dị nhất lại có khả năng gây xúc động nhất. Và lần này, Victor Vũ đã phô được hết cái duyên của mình.
Những làng quê nghèo thiệt nhưng đơn sơ, yên bình và nên thơ. Con đường làng rợp bóng tre dưới màn mưa khiến ai cũng phải trầm trồ, xuýt xoa. Cái mùng vải trắng, cái cà-mèn cũ kỹ đựng đồ ăn, đôi quang gánh, chiếc xe bò… đều đẹp vẻ đẹp dung dị. Những khuôn hình bê nguyên xi đời thực nhưng lại trau chuốt, đẹp đến mê hồn, ngơ ngẩn. Cũng có những khuôn hình được chắt lọc đến từng chi tiết, rất tinh tế, mang hơi thở cuộc sống như cảnh cả gia đình co giò ngồi ăn cháo trắng với muối hầm, cánh hoa bươm bướm vàng rời khỏi tay cô bé trong rạp xiếc... Âm nhạc du dương, dễ thương. Đạo diễn khéo chọn bài hát “Thằng Cuội” làm nhạc nền của phim. Dàn diễn viên ngây thơ, ngồ ngộ. Thằng Thiều có gương mặt đậm chất điện ảnh; thằng Tường đáng yêu; con Mận trong sáng. Những diễn viên người lớn cũng tội tội, chân thật đến xúc động. Đây là phim có sự hài hòa tổng thể từ đạo diễn, biên kịch, âm thanh, diễn viên... và cả dựng phim.
Đạo diễn Việt Linh khi xem lại phim đã chia sẻ: “Tôi đã tìm thấy lại tuổi thơ của mình, có những điều từng trải cũng có những điều bị khiếm khuyết. Nhưng tôi xúc động tràn đầy dù đã ở tuổi bà ngoại”. “Phim quá thật, mọi không khí trong phim đều do cảm xúc tạo ra. Tôi đã khóc cho nhân vật và khóc cho mình vì thấy cuộc đời mình có nhiều điểm tương đồng. Xem xong phim, tôi không muốn rời đi, không muốn thoát ra vì ở đó có kỷ niệm” - một nhà báo bày tỏ.
Chuyến “trở về nhà” của Victor Vũ
Trước ngày phim ra mắt, dư luận cũng tách ra làm 2 phía dù không rõ rệt. Một bên hoàn toàn tin tưởng tài năng của Victor Vũ, một bên còn lắm nghi ngại vì phim này là một diện mạo không quen thuộc với anh: phim thiếu nhi. Nhưng rồi Victor Vũ đã xóa tan những nghi ngờ. Rõ ràng, đã từng phiêu lưu và rất thành công với dòng phim hài, hành động, kinh dị, hình sự song anh bảo ở thời điểm làm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, anh muốn đi tìm sự giản dị. Với một người sợ “lặp lại” như Victor Vũ, việc anh thử thách mình ở một thể loại mới cũng không có gì khó hiểu, mâu thuẫn. Còn anh thì bảo làm phim này chính là cuộc “trở về nhà” sau một hành trình “lạc bước”. Dù có đi đến đâu xa chăng nữa, ai cũng muốn quay về nhà của mình. Cũng như cậu bé Tường trong phim đã nói: “Cứ thả cho nó đi, rồi nó cũng sẽ quay về căn nhà này. Cũng như con người ta, có đi đâu vài ba ngày rồi cũng quay về nhà của mình”.
Victor Vũ từng nói rằng làm phim này anh vừa thấy dễ vừa thấy khó. Khó là vì tuổi thơ này anh chưa từng trải qua. Dễ vì đây là một câu chuyện của cảm xúc mà bất kỳ ai cũng đồng cảm được. Và, Victor Vũ cũng có những câu chuyện của riêng mình, đủ để khơi dậy mạch cảm xúc. Như anh từng chia sẻ với báo chí rằng mình cũng có một người em, suốt ngày bám theo chân anh trai gây phiền toái. Anh đã từng nhẫn tâm đá vào chân thằng em để cảnh cáo. Bởi vậy, khi đọc câu chuyện của 2 anh em Thiều và Tường, anh đã khóc vì thấy mình quá giống người anh trai. Đó chính là lý do Victor Vũ nói mình không cảm thấy khó khăn khi kết nối những tình huống của 2 anh em cũng như linh hồn câu chuyện.
Luôn là người kiệm lời trước mỗi dự án song lại một lần nữa, đạo diễn Việt kiều này khiến nhiều người nể phục về tài năng của mình.
Tín hiệu đáng mừng
Đây là bộ phim đầu tiên được làm bằng vốn đầu tư dưới hình thức đặt hàng của nhà nước (Cục Điện ảnh đầu tư; Galaxy Studio, Phương Nam Film và Saigon Concert phối hợp sản xuất). Theo đạo diễn Việt Linh, đây là một “cuộc nắm tay” ngoạn mục, đúng lúc. Bởi lâu nay, phim của nhà nước làm thường ra rạp èo uột, không bán được vé trong khi phim tư nhân chất lượng kém lại làm mưa làm gió. Để nâng cao chất lượng nghệ thuật cho phim của các hãng phim tư nhân thì nhà nước tài trợ một phần kinh phí là giải pháp hợp lý nhất. Thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một tín hiệu đáng mừng, rất có thể từ đây sẽ hình thành nên một xu hướng mới, giúp nền điện ảnh bớt khập khiễng.
MINH NGA
Theo http://nld.com.vn/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...