Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

''Vang vọng một thời'' kể hành trình âm nhạc của Phạm Duy

''Vang vọng một thời'' kể 
hành trình âm nhạc của Phạm Duy
Lần đầu tiên trong một ấn phẩm, cố nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự về hoàn cảnh ra đời ca khúc nổi tiếng của ông như: "Bà mẹ Gio Linh", "Nắng chiều rực rỡ", "Kiếp nào có yêu nhau"...
Cuốn sách vừa phát hành mang tên Vang vọng một thời (NXB Hồng Đức, công ty Văn hóa Phương Nam) đăng trọn vẹn bản phổ 47 bài nhạc của Phạm Duy. Ngoài ra, độc giả còn được tiếp cận nhiều thông tin chi tiết liên quan đến từng ca khúc: bản nhạc được soạn ra trong hoàn cảnh nào, tại đâu, vào thời gian nào, cách thức tác giả phát hành ca khúc của mình ra sao và có những bài viết phê bình nào về nhạc phẩm?...
Bản thảo cuốn sách được Phạm Duy hoàn thành không lâu trước khi ông qua đời. Nhạc sĩ chọn ra 47 bài hát ông yêu thích trong gia tài âm nhạc đồ sộ của mình để giới thiệu đến độc giả. Ở mỗi bài hát, ông viết một bài tản mạn, tâm sự về cảm hứng và duyên cớ dẫn dắt mình đến việc sáng tác, hoặc cách thức phổ nhạc những bài thơ nổi tiếng. 
Về hoàn cảnh ra đời ca khúc Bà mẹ Gio Linh, cố nhạc sĩ viết: "1948. Từ Quảng Bình, tôi tới làng Gio Linh ở Quảng Trị. Gặp một bà mẹ có người con đi dân quân bị giặc bắt và bị giặc chặt đầu treo giữa chợ. Không ai dám lấy cái đầu anh dân quân xuống để đem đi chôn. Bà mẹ lẳng lặng lấy đầu con, bỏ vào khăn gói mang về. Tôi kể câu chuyện đó qua một bài dân ca với kết luận: khi hy sinh người con độc nhất cho kháng chiến, bà sẽ có hàng trăm người con nuôi là những người đi bộ đội".
Từ những gì chứng kiến, Phạm Duy viết nên bài hát với ca từ đầy ám ảnh về sự chịu thương, chịu khó của bà mẹ quê, bày tỏ nỗi thấu cảm về sự căm phẫn giặc thù được mẹ nuốt sâu vào tận trong lòng: "Mẹ già cuốc đất trồng khoai. Nuôi con đánh giặc đêm ngày. Cho dù áo rách sờn vai. Cơm ăn bát vơi bát đầy... Mẹ già tưới nước trồng rau. Nghe tin xóm làng kêu gào. Quân thù đã bắt được con. Đem ra giữa chợ cắt đầu...". Bài hát mang âm hưởng dân ca, khắc họa được một góc làng quê thời chiến cùng với thân phận con người trong chiến tranh. Phạm Duy viết ca khúc chỉ trong một đêm. "Tôi làm xong, tôi khóc. Tôi nhớ hoài, tôi khóc như một đứa con nít", đó là lời tự sự của nhạc sĩ về nỗi ám ảnh không nguôi.
Không chỉ viết về Bà mẹ Gio Linh, Phạm Duy còn viết nhiều ca khúc đề cập đến thân phận người dân trong giai đoạn chiến tranh, đó là: Bà mẹ quê, Vợ chồng quê, Em bé quê... Các nhạc phẩm quê hương này đều có ca từ và giai điệu sâu sắc, mang hình ảnh biểu tượng về những con người Việt Nam với các đức tính cao đẹp: hồn hậu, chất phác, hy sinh, gan dạ, chịu thương, chịu khó... 
Bìa sách "Phạm Duy -
Vang vọng một thời".
Bên cạnh tình ca về quê hương, Phạm Duy có nhiều ca khúc mang tính triết lý về thân phận con người nói chung trong sự rộng lớn của vũ trụ, đất trời nói chung. Ông tâm sự về hoàn cảnh ra đời bài Nắng chiều rực rỡ : "Vào lúc gần hết một thế kỷ, nghĩa là gấn hết đời mình, tôi vẫn thấy được cái khía cạnh tươi đẹp của cuộc đời ngay cả buổi hoàng hôn. …thế kỷ này đầy bi kịch chỉ vì chất chồng quá nhiều oan khiên mà chỉ có thể hóa giải bằng tình thương. Và tôi hát vang lời tình yêu trong buổi hoàng hôn của thế kỷ, nguyện rằng những người yêu nhau sẽ được gần gũi bền lâu chẳng vì đời đã về chiều". Tâm sự ấy được thể hiện qua những lời ca:
“Thế kỷ này đang trong nắng ban chiều
Cho lòng người bâng khuâng nhớ nhau
Trước cửa vào trăm năm rất xa vời
Trong chiều đời, yêu nhau rất lâu"
(Nắng chiều rực rỡ)
Phạm Duy kể, khi ông phổ nhạc bài thơ Ngậm ngùi của Huy Cận vào năm 1961, lúc đó đất nước lâm vào tình trạng "chia thành hai miền đối nghịch": "Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi. Hãy trả lại chúng tôi 'mộng bình thường' mà có lẽ chúng tôi đã, đang hay sẽ mất", lời tâm sự của ông về ca khúc giúp những thế hệ khán giả hôm nay hiểu thêm một cách tiếp cận mới với ca khúc phổ thơ nổi tiếng.
Tài phổ thơ thành nhạc của Phạm Duy đã góp phần đưa hàng loạt sáng tác của các thi sĩ như: Hữu Loan,  Quang Dũng, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Tất Nhiên... trở thành những tác phẩm âm nhạc bất hủ, đi vào lòng bao thế hệ khán giả Việt Nam. Những nhạc phẩm: Cô hái mơ, Áo anh sứt chỉ đường tà, Đà Lạt trăng mờ, Đây thôn Vĩ Dạ, Đưa em tìm động hoa vàng, Tây Tiến, Thà là giọt mưa... là minh chứng cho tâm hồn và tài năng của một người nhạc sĩ lớn, suốt đời nặng nợ với chữ tình trong cuộc đời.
Các bài viết mang đậm chất suy tưởng của Phạm Duy không chỉ dừng lại ở âm nhạc mà còn bộc lộ suy tư của ông về cuộc sống, về cái đẹp, về nghệ thuật, về quan điểm sáng tác. Từ đó, người đọc hiểu thêm một Phạm Duy miệt mài lao động, yêu nghệ thuật nhiều như thế nào. Ca sĩ Tuấn Ngọc - con rể của ông - từng chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ thấy người nào say mê làm việc giống ông cụ. Cứ như mỗi lần sắp gục ngã, nghĩ đến âm nhạc và lời khen ngợi là ông có động lực để tiếp tục...".
Ngoài trang viết của mình, Phạm Duy còn tuyển chọn những bài phân tích, nhận định, đánh giá của các văn nghệ sĩ, nhà phê bình về sáng tác của ông. Từ đó, độc giả có dịp hiểu thêm các góc nhìn và phân tích đa chiều về cảm xúc, kỹ thuật nhạc lý được áp dụng trong ca khúc Phạm Duy. Và cũng để hiểu hơn vì sao ông từng bộc bạch: "Cuộc đời tôi chỉ có ba điều quan trọng: Tình yêu, Sự khổ đau và Cái chết, tôi đã thể hiện ra cả ba vấn đề đó trong nhiều ca khúc...".
Kiếp nào có yêu nhau - Ý Lan
Nắng chiều rực rỡ - Tuấn Ngọc
Ca khúc "Bà mẹ Gio Linh  - Khánh Ly
Thất Sơn
Theo http://giaitri.vnexpress.net/
Vang vọng một thời
Vang Vọng Một Thời là một tập sách nhạc gồm 4 quyển, tập hợp 50 bản nhạc quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Duy. Từ quyển một đến quyển ba, mỗi quyển gồm 12 bản nhạc; riêng quyển tư gồm 14 bản. Nói như nhạc sĩ thì đây là những bản nhạc "đã từng là kỷ niệm riêng của từng người, có thể gợi lại những nỗi buồn ít hơn niềm vui, rất là đáng nhớ của thời dĩ vãng."
Vang Vọng Một Thời không chỉ đăng lại bản phổ 50 bài nhạc của Phạm Duy mà còn gửi đến những người yêu nhạc muốn biết thêm những thông tin chi tiết xoay quanh từng bài của ông như: bản nhạc soạn ra với cảm tưởng nào, đã soạn ở đâu, vào năm nào, tự xuất bản hay ai phát hành, đã có những bài viết phê bình của những ai?...
Bên cạnh đó, thông qua những bài phân tích, nhận định, đánh giá viết về nhạc Phạm Duy trong tập sách này, độc giả cũng hiểu thêm được những nét đặc sắc về các kĩ thuật nhạc lí mà ông đã áp dụng để sáng tạo ra những giai điệu tuyệt phẩm. Chẳng hạn như bằng cảm tính bản năng, ai nghe bài Ngậm ngùi của Phạm Duy cũng đều cảm nhận được đây là một bản nhạc mang âm hướng giản dị. Thế nhưng, khi đọc bài phân tích của Phạm Quang Tuấn trong tập sách này, người đọc sẽ hiểu được cụ thể hơn một cách lí tính vì sao bản nhạc này lại mang đến cảm giác đó và càng thấy được sự tài hoa trong cách xử lí nhạc của Phạm Duy:

“Nguyên đoạn đầu, mỗi câu kết thúc bằng một chủ âm (huyền = Do thấp, ngang = Do cao):
Nắng chia nửa bãi chiều rồi (Do thấp)
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu (Do thấp)
Sợi buồn con nhện giăng mau (Do cao)
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây (Do cao)
Nhịp cũng đều đều giữ nguyên tính cách ru ngủ của thơ lục bát, không thêm bớt vần nào. Vì chung thủy với thơ như vậy, nên hát lên nghe gần như là đọc thơ - ĐỌC chứ không phải là NGÂM, vì khi ngâm người ta ngân nga ra thành những âm điệu phức tạp hơn. Có lẽ nhạc bài Ngậm Ngùi vô cùng ăn khách ở cái lục bát tính đó.”
Với tuyển tập Vang Vọng Một Thời, người yêu nhạc không chỉ hiểu thêm về những suy tư của Phạm Duy, những kĩ thuật nhạc lí đặc sắc trong các bản nhạc của ông mà còn có thể theo chân tác giả để hành hương về những nơi, vừa là chốn đã khai sinh ra bài hát, vừa là nơi được coi như những thắng cảnh của đất nước. Ví dụ như cùng tác giả đi tìm cô gái mơ năm xưa và đi chơi chùa Hương luôn thể (nhà ta ở dưới gốc cây dương, cách Động Hương Sơn nửa dặm đường)... hay đi lên tận Lao Kai (để tìm lại chiếc cầu biên giới).
 Ngậm ngùi - Phạm Duy - Hồng Nhung
Theo http://tiki.vn/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...