Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Hàn Mặc Tử - Chín một tình xuân

Hàn Mặc Tử - Chín một tình xuân
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 mất năm 1940, quê Đồng Hới, Quảng Bình, đã xuất bản tập thơ “Gái quê” (1936) và tập “Thơ Hàn Mặc Tử” (1942). Cuộc đời Hàn Mặc Tử mãnh liệt một khát vọng sống, khát vọng yêu và khát vọng thi ca. Căn bệnh hiểm nghèo đã đẩy ông vào bi kịch số phận bi thảm. Ông mất ở tuổi 28, lứa tuổi thanh xuân, nhưng ông đã kịp để lại cho đời những bài thơ được viết ra từ máu làm rung động, ngạc nhiên con người hậu thế. Thiên nhiên, thôn dã và nỗi đau tâm hồn, thể xác là tất cả những gì làm nên vẻ đẹp và sự ám ảnh ở thơ ông.
Bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử đã trải quan gần ba phần tư thế kỷ và càng ngày càng khẳng định là một trong số những bài thơ xuân đặc sắc của Việt Nam, thực sự chiếm lĩnh tâm hồn và có sức sống mạnh mẽ trong lòng người đọc.     
Mùa xuân chín
Trong làn nắng ửng khói mơ tan.
Đôi mái nhà tranh  lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
- Ngày mai  trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây.
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
Hàn Mặc Tử
“Mùa xuân chín”- mùa xuân ở độ rực rỡ nhất, tươi đẹp nhất . Mùa xuân như một thứ quả ngon chín trong thiên nhiên trời đất. Ngay cái tên bài thơ đã tạo sự hấp dẫn bởi hình ảnh mới lạ. Bài thơ có cấu trúc cổ điển gồm 16 câu  thất ngôn, chia làm bốn khổ tứ tuyệt, nhưng nhịp điệu, hình ảnh, hơi thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thơ trung đại và thơ hiện đại. Sự kết hợp này cùng với thơ của các nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên đã đem đến cho thơ Việt  Nam đầu thế kỷ XX khí sắc mới.
“Mùa xuân chín” kết cấu theo kiểu liền mạch làm nổi lên hai tâm điểm: cảnh  xuân và tình xuân.
Nói về cảnh, bức tranh mùa xuân được khắc hoạ với những gam màu hiền hoà, nhẹ nhàng: màu vàng của nắng, màu biếc của áo và màu xanh của cỏ. Bức tranh được tô đậm bởi hình ảnh con người và những âm thanh trong trẻo vui tươi:
“Trong làn nắng ửng khói mơ tan.
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.”
Mùa xuân đến rất bình lặng, không vội vàng gấp gáp. Ửng lên những tia nắng ban đầu xua tan dần khói mơ, cái màu buồn rơi rớt của mùa  cũ, hừng lên một mùa mới tươi đẹp bừng sáng. Nắng rắc lên mái nhà tranh những giọt vàng lấm tấm, báo hiệu bóng dáng mùa xuân đã tháp thoáng về trên giàn thiên lý.
Và cỏ - loài thảo dã bình bị đơn sơ, thấp thỏi nhất, gần gụi với con người luôn được các thi nhân chọn làm “nhân vật  của thơ” Hàn Mặc Tử dùng hình ảnh  “sóng cỏ” tạo nên một “phẩm chất” mới cho cỏ. “Sóng cỏ xanh tươi gợn đến trời”, câu thơ gợi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều: “Cỏ non xanh rợn chân trời”. Thoạt nghe, có thể nhận thấy hai câu thơ trên có một số âm tiết trùng nhau, nhưng chủ đích miêu tả hoàn toàn khác nhau. Câu thơ của Nguyễn Du chủ đích nói về sắc xanh của cỏ, xanh đến “rợn” người, xanh đậm đặc, xanh đến nỗi tác động mạnh vào cảm giác. Còn câu thơ của Hàn Mặc Tử lại hướng đến việc lột tả sức sống của  cỏ: “Sóng cỏ” – cỏ chen dày trùng trùng, lớp lớp, nối nhau gợn đến trời. Có thể nói bước đi của mùa xuân như bước sóng dồi dào và mãnh liệt. Bước đi ấy vững chắc tự tin, chiếm lĩnh cả không gian.
Có một hình ảnh thoáng hiện trong bức tranh xuân, nhưng nó để lại dấu ấn khá đặc biệt: Gió. “Sột soạt gió trêu tà áo biếc”. Gió được nhân cách hoá thành một “nhân vật” có cá tính hóm hỉnh trêu đùa tinh nghịch. Từ tượng thanh “sột soạt” đặt ở đầu câu thơ, có giá trị như một đảo ngữ, nhấn mạnh một âm thanh vui tươi. Gió quấn quít theo từng bước đi của tà áo biếc làm nên sức trẻ của mùa xuân.
Trong bức tranh mùa xuân ấy con người là hình ảnh trung tâm “bao cô thôn nữ hát trên đồi”. Thôn nữ – gái quê là những nhân vật thuộc mỹ cảm của Hàn Mặc Tử, có tần số xuất hiện nhiều trong thơ ông. Ở bài thơ “Mùa xuân chín” trái tim nhà thơ rung lên theo tiếng hát của các cô thôn nữ:
“Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây.
Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”
Tiếng hát cất lên từ trái tim các cô thôn nữ vang trên đồi giữa thiên nhiên, lan toả vào đất trời, vọng trong không gian tự do  khoáng đạt. Tiếng ca nhiều cung bậc: Có tiếng ca “vắt vẻo” mềm mại, trong trẻo mắc lại ở lưng chừng núi không mất hút, chìm khuất; có tiếng“hổn hển”, như nỗi niềm thổn thức, có tiếng “thầm thĩ” như lời giãi bày tâm sự. Những cung bậc của tiếng hát xáo trộn cảm xúc bồi hồi, rạo rực của yêu thương, hy vọng, chia sẻ. Nhà thơ đã “giải mã” nó: “Nghe ra ý vị và thơ ngây”. Tiếng hát của bao cô thôn nữ là tiếng lòng của tuổi trẻ, nhiều ẩn ý sâu sắc nhưng không giấu được vẻ ngây thơ. Vả chăng, gương mặt mùa xuân vẫn thường đẹp một cách ngây thơ đáng yêu như thế.
Tình xuân tha thiết của nhà thơ lắng từng bước xuân, tiếng xuân, nhưng sâu đậm hơn là những dự cảm thời gian, đời người và sự sống dậy của ký ức.
Mùa xuân luôn đánh thức dự cảm. Trong cái đẹp, cái mộng, cái say đã ngầm chứa những suy tưởng của lý trí tỉnh táo. Nhà thơ xuân Diệu từng chỉ ra  sự biến đổi  tất yếu của nhan sắc mùa xuân: “Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” (Vội vàng). Hàn Mặc Tử cũng nhận ra qui luật nghiệt ngã ấy trong sự chuyển hoá của đời người, sự vận động của vạn vật:
“Ngày mai trong đám  xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”
Đối với các cô gái Phương Đông, theo chồng là bước ngoặt lớn nhất của cuộc đời, là chấm dứt một thời xuân xanh tươi đẹp nhất, từ bỏ cuộc chơi hồn nhiên vô tư và tự do. Tuổi xuân của các cô thôn nữ đẹp nhưng thật ngắn ngủi. Dự cảm của nhà thơ về tương lai của họ ẩn giấu niềm thương cảm, ngậm ngùi, nuối tiếc.
Nhà thơ, trong vai một người khách từ xa đến, thấy cảnh, thấy người, không khỏi chạnh lòng nhớ làng quê. Câu hỏi nhức nhối sâu trong cõi lòng bỗng bật lên:
“Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”
Câu hỏi là hệ quả của liên tưởng từ “cô thôn nữ” đến “chị ấy” đồng thời mở ra chiều liên tưởng khác ở  người đọc. Đại từ “Chị ấy” trong câu thơ, không xác định mối quan hệ với chủ thể (nhà thơ) – Người chị? Người tình? Hay người trong mộng tưởng? Nhưng hình ảnh người phụ nữ gánh thóc dọc bờ sông nắng chang chang thật ám ảnh. Nghe âm thầm nỗi xót xa về một thân phận nhỏ bé, đơn côi, vất vả, nhọc nhằn. Nghe âm thầm tình cảm nâng niu, thao  thức về một vùng kỷ niệm sâu kín nhưng không thể khuất lấp.
“Mùa xuân chín” - Chín đầy cảnh xuân, tình xuân, nhiều “dan díu” với đời, với người.
Lê Khánh Mai
Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
Theo http://4phuong.net/


1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...