Vào tuổi học trò, mùa hè báo
hiệu khi những đóa hoa phượng đỏ thắm khắp nẽo đường. Sắc phượng như
sắc pháo, lung linh nơi nơi, từ thị tứ như chợ Bến Thành Sài Gòn, đến các con
đường rợp bóng mát quanh các sân trường, đến con đường về thôn gập gềnh, chênh
vênh qua những cánh đồng, trên triền núi, trên con lộ cái quan... nơi nào có
cây xanh là có màu hoa phượng vĩ. Màu hoa phượng còn báo hiệu mùa
chia tay, là lúc viết lưu bút ngày xanh, là lúc bịn rịn tạm biệt thầy trò
bằng hữu, là báo hiệu cho các sĩ tử đến ngày tỷ thí, tương lai và thất vọng chỉ
trong tầm tay. Người về quê, người bước thêm bước nữa trên đường học vấn, người
xếp bút nghiên lo miếng cơm manh áo, người khoác áo chiến binh... Nỗi
buồn vui mênh mang lẫn tiếng ve kêu ra rã dưới cái nóng oi bức vào hạ.
Thuở bé, tôi yêu mùa hè, giản
dị là không phải lo học bài học vỡ! Tôi được tự do lục lăn khắp xóm
trên, xóm dưới, tụ tập cùng đám bạn đầm mình trong các con kinh nhỏ quanh xóm
cho đến khi nước da đen sậm, mốc cời đến độ có thể viết các mật hiệu cho nhau để
qua mắt cha mẹ. Sau khi tụ năm tụm ba, chúng tôi tìm đủ trò
chơi. Nắng lung linh, nổ hoa, đổ lửa, đủ quyến rũ chúng tôi đua nhau
rượt đàn trâu trên đám ruộng sau vụ mùa mà không sợ bị trâu rượt chém. Chán
rượt trâu, rượt bò, chúng tôi đi sâu vào sóc Miên đến Chùa Dơi để chọi phá bầy
dơi đang chí chóe treo lủng lẳng trong sân chùa cho đến khi các sư sãi vác roi
rượt đuổi. Có hôm rủ nhau đi chọi trái me keo chín rộ trên
cây. Vết thẹo trên đầu tôi là kỷ niệm của những lần dùng xương bò
phang trái me keo bị tổ trác! Bởi phá phách quá thì bị trặc chân, trầy
tay, lỗ đầu, chảy máu cũng là chuyện thường tình của đám chúng tôi. Sau
vườn thì trái cây bắt đầu ăn được. Đìa bắt đầu sắc nước là lúc hấp dẩn
chúng tôi bì bõm chia nhau tát cá hết mương này đến ao nọ. Niềm vui
của những đứa trẻ ở xóm nghèo của chúng tôi được trám đầy những ngày tháng nghỉ
xả hơi quanh quẩn trong xóm. Tuy vậy, các cuộc vui không bao giờ
tàn, các trò chơi không bao giờ nhàm chán.
Trời vào Hạ ở quê tôi vào thời
ngày xưa còn bé tuyệt vời không đâu bằng. Đám tre vạm vỡ cao vút vắt
vẻo trên nền trời xanh không một vệt mây, các lóng tre vàng óng như được thêm
sinh khí khi nắng hạ, vóc dáng tre dũng mãnh bao nhiêu thì trúc ngược lại khiêm
nhường khép nép, rì rào theo gió như hình ảnh cô gái miền thôn dã. Trong
khi hoa phượng đỏ thắm khoe sắc nhộn nhàng hợp nơi phồn hoa đô hội, thì khế
khiêm nhường ở vườn sau, quanh bờ ao, màu hoa tim tím nhẹ nhàng như nét chấm
phá làm dịu đi cái nắng mùa hè đổ lửa ở thôn quê. Trong đầm thì hoa
súng, trên chùa thì hoa sen đua nhau nở. Làm sao quên được từng đóa
sen vươn cao thơm ngát bao quanh bởi các lá sen to như tai voi phe phẩy theo
gió. Làm sao quên được khi mưa lất phất, lội vào đầm rau súng, cảm
nhận được phần đất bùn dưới chân mát rượi, thật dễ chịu. Hái từng cọng
súng, ngắt vài cành hoa súng vàng, tím bỏ đầy giỏ đem về trộn ăn mấm-và-rau. Không
còn gì sung sướng cho bằng được sì sụp ăn bửa mấm-và-rau nóng hổi khi bên ngoài
âm u, trời mưa ray rứt.
Bao nhiêu mùa hè đi qua đời
tôi. Tuổi thơ cũng mất dần theo ngày tháng. Đám bạn của
chúng tôi lần hồi tản mác. Nếu những mùa hè trong đời tôi cứ đều đặn
trôi qua thì chẳng có gì đáng kể ra đây,
Nhưng ...
MÙA HÈ NĂM ẤY xóm trên của
xóm tôi có thêm bóng một người con gái mà lần đầu trong đời tôi hồi hộp, bồn chồn
mỗi lần chạm mặt. Lần đầu tiên tôi cảm thấy nhớ cái dáng người thon
thả. Nhớ tấm áo trắng bay bay nhịp nhàng trên chiếc xe đạp con gái
màu rượu chát. Từ đó, tôi yêu màu trời, nhớ vầng trăng và mơ màng
nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên vách lá. Tâm hồn tôi thay đổi vì mơ
tưởng. Tôi biết ngắm mình trong gương, biết trau chuốt mái tóc, biết
tập làm thơ và ậm ờ ca những bài tình ca. Hình ảnh người con gái mới
nhập cư ở xóm trên đã đến với tôi trong giấc mơ đêm đêm. Dù chưa nói
với nhau một lời, chưa một lần trực diện, nhưng trong ánh mắt tình cờ thoáng gặp,
em như đã nói với tôi thật nhiều. Tôi không thể diển tả tâm trạng
mình, của đứa trẻ vừa bước qua ngưỡng cửa vô tư sang một thế giới
khác,
Tình yêu!
Bây giờ ngồi ôn lại những
tâm tình của mình năm sáu chục năm trước vẫn còn thấy như nhẹ nhàng bay bỗng
trong những cảm nghĩ thần tiên của tuổi thơ; tôi như còn cảm nhận được sự hồn
nhiên và thấy lòng thơ thới vì được trở lại khung trời một thời mình đã sống
khi ngày xưa còn bé. Tất cả những cái đẹp nhất của một đời người được
bắt đầu khi mối tình đầu chớm nở. Cái may mắn của người vừa biết yêu
và được yêu. Thuở ấy, tâm tình tôi nhẹ nhàng, vô tư như mặt hồ còn mờ
sương mai. Người con gái thì như con thiên nga đẹp hơn ánh bình minh
làm mặt hồ gợn sóng, tươi mát hơn đám cỏ non đầu ngày còn ngậm sương sớm. Những
ngọn sóng tình cảm rạt rào mà thi sĩ viết nên thơ, văn sĩ viết thành truyện, nhạc
sĩ viết nên nốt nhạc để ca sĩ diển tả bằng những âm điệu trầm bổng, bằng các âm
giai, âm sắc tuyệt vời. Con thiên nga đã khuấy đọng sự bình yên ngây
dại của thằng nhỏ trong xóm nghèo.Tình cảm của tôi như những vòng tròn gợn
trên nước, lớn dần theo từng bước chân thiên nga, như chiếc gương để thiên nga
soi bóng, như tiếng gió nhẹ rì rào bài hát ca tụng nét đẹp dễ thương mà thiên
nga đã để lại lòng tôi. Thiên nga là tất cả những gì đẹp nhất cho
tôi một ngày mới, một niềm vui, một ước vọng và một giấc mơ tuyệt vời. Tình yêu
ban đầu đẹp như thế đó. Mấy ai có được cái diễm phúc như tình yêu mà
Em đã đáp lại cho tôi. Bức thơ đầu tiên trong đời tôi viết cho Em với
tất cả can đảm, là kết tụ những câu văn hoa nhất mà tôi nghĩ được với đầu óc
non nớt, là gom nhặt những mẫu tự nắn nót viết trên giấy pellure màu lá cây non
tươi mát của tình yêu vừa chớm nở. Cái diễm phúc của một đời người, thích
quá, đẹp quá, tôi muốn giữ cho riêng mình, nhưng đồng thời tôi muốn khoe cho mấy
đứa bạn cũ mới, tôi muốn hét to cho mọi người trong xóm, trong trường, biết là
tôi yêu và đã được yêu.
Mùa hè năm đó mang cho tôi
những cảm nghĩ tuyệt vời nhất của một đời người, và tôi đã bước qua khỏi ranh
giới của tuổi thơ. Chân trời dần mở rộng, khi các mùa hạ kế tiếp qua
đi mang theo những kỷ niệm thời thơ ấu... thì tuổi hoa niên và tình yêu thơ mộng
giữa Em và Tôi lớn dần theo từng mùa hạ đi qua ...
Từ khi gặp em, viễn tượng của
cuộc sống của tôi sau này, luôn luôn có hình ảnh em, vì em là chất xúc tác mới
tìm được, là năng lực mới khám phá, vì em là con đường mà tôi muốn đưa em đi,
là đích điểm mà tôi muốn đưa em đến, là niềm hạnh phúc mà tôi muốn mang đến cho
Em.
Những mùa hè kế tiếp bao
nhiêu đổi thay trong cuộc sống, tôi phải từ giã em để lên Sài Gòn tiếp tục con
đường học vấn. Đứa con trai ở tỉnh lẻ, bỡ ngỡ đến một nơi hoàn toàn
xa lạ. Tôi lưu lạc từ nhà trọ đường Phát Diệm, đến đường Nguyễn
Hoàng, đến đường Nguyễn Thiện Thuật, đến đường Phan Thanh Giản, đến khu Bàn Cờ
chỉ trong vòng có mấy năm. Tôi chưa hề cảm thấy an cư những nơi tôi
từng trọ qua, vì tôi phải sống ngoài vùng an toàn mà tôi đã quen từ tấm
bé. Cách sinh hoạt ở đây cũng khó làm tôi hội nhập, những khuôn mặt
mới của các trú sinh tứ xứ mà tôi phải tiếp xúc ... nhưng điều buồn nhất là
tôi không được những giây phút riêng tư để cho tâm hồn mình được ru bởi tiếng
nói tình yêu. Tôi không được hưởng những giây phút thần tiên khi
nhìn vầng trăng tròn vằng vặc sáng từ chân trời. Tôi không thấy được
khung trời hình cánh cung đầy sao mà tôi đã từng mộng tưởng. Tôi đánh
mất những thú vui mà tôi từng vui hưởng. Lắm lúc, tôi phải trèo lên
mái tôn của căn nhà trọ vào những đêm trăng sáng thả hồn về quê tôi để tưởng nhớ
đến em. Cứ thế, mỗi mùa hè trôi qua, tình yêu của chúng tôi lớn dần
theo những thử thách. Những bức thơ kể lể nỗi nhớ nhung và phát họa
một tương lai thật xinh xắn. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là những lần
hò hẹn trước khi chia tay, khi hai đứa ngồi trong ruộng dưa hấu, vây
quanh bởi hương đồng gió nội, trên trời là ánh trăng, hay những đêm đầy sao lấp
lánh, để tôi được sống lại những gì bị đánh mất từ khi xa
nhà.
Thế rồi, một mùa
hè, khi
chiến cuộc lớn dần trên quê hương, tôi đã chọn cho mình một hướng đi. Em
và gia đình tôi không hề hay biết, vì tôi nghĩ sẽ có sự phản kháng, và vì tôi
không can đảm nhìn những ánh mắt có thể làm lòng mình lung lạc. Tôi
đã trở thành người lính lúc nào không hay, khi chiến cuộc nóng như gió Hạ
Lào. Bây giờ, nhìn lại những tấm ảnh của chính mình vừa tròn 19, 20 ở quân
trường. Nhớ lại những mùa Hè ở quân trường Đà Lạt trong mùa quân sự. Trời
Đà Lạt có mát, gió Đà Lạt có mơn man, thông Đà Lạt có reo vui, hoa ĐàLạt muôn hồng
nghìn tía phơi phới dưới nắng Hạ, những tấm thảm hoa sim tim tím trải dài từ sườn
đồi đến tận thung lũng được chấm phá bằng những ngôi biệt thự lấp ló sau rặng
thông... Đà Lạt quả tuyệt đẹp nhưng lại thiếu bóng em. Cũng vào những
mùa Hè ở đây, tôi đã viết không biết bao nhiêu bức thư gởi cho em. Từng cánh
hoa pensée màu tim tím, từng chùm hoa mimosa vàng óng được ép khô, tẩm nước hoa
Nuit D'Orient ngọt ngào, kèm theo các bài thơ không lối, không vận nhưng chở đầy
ước vọng và yêu thương gởi về em từ Cao Nguyên ĐàLạt. Nhà thơ Hữu
Loan trong Đồi Tím Hoa Sim, tình tứ bao nhiêu thì cuộc tình của tôi và Em ở quê
nhà cũng thơ mộng bấy nhiêu. Bao mùa nắng Hạ ở Cao Nguyên như
cuộc sống thần tiên đầy mơ mộng rồi cũng chấm dứt khi đến ngày "xuống
núi".
Nắng Hạ Lào, nóng lại càng
nóng hơn. Chiến trận trở nên khốc liệt. Ngày đêm trực diện với những
bất trắc khôn lường. Những ngày chuyển vận qua các đoạn đèo dọc
ngang trên phần đất quê hương. Những đoạn đường thơ mộng trải đầy
hoa dại mơn man theo gió như tấm chăn hờ che bớt cái nóng oi bức. Thơ
mộng quá, nhưng cạm bẩy giăng mắc đâu đây, trên sườn đồi, dưới thung lũng, trên
đoạn đường quanh co khúc khủy, bên khu rừng hay trong xóm vắng. Tôi
hiểu sự tàn khốc của chiến tranh, và lớn nhanh theo từng ngày tháng vì cơn nắng
Hạ nổ hoa ban ngày, và hỏa châu soi sáng đêm đêm. Bao nhiêu tấm thẻ
bài được đưa về từ trận tuyến?! Bao nhiêu gia đình, người vợ, người
tình, đứa con... phải gạt lệ vĩnh biệt người thân?! Bao nhiêu
xương trắng máu đào đã đổ trên phần đất thân yêu?! Bao nhiêu ngao
ngán, chán chường... và biết bao nhiêu người phải sống đời thiếu phụ Nam
Xương?!
Chắc em đã mõi mệt đợi chờ! Tám
năm chờ đợi khá dài cho một kiếp người nên em đã dứt bỏ sự bình an của mình để
mong hiểu rõ hơn cuộc sống của người lính chiến.
Nếu mùa hè năm xưa vô tư,
đánh dấu cho tình yêu mật ngọt của chúng tôi bắt đầu,
Nếu những mùa hè kế tiếp
nuôi dưởng và thử thách cho tình yêu của chúng tôi trưởng thành,
Thì mùa hè năm ấy, khi em đến
thăm tôi ở vùng chiến tuyến với bộ đồng phục đã nói lên tất cả những gì em đã
hy sinh cho tình yêu hai đứa.
Tình yêu là thế đó, khi đã
yêu thì không thể dùng đơn vị để đo lường, dùng biểu đồ để phán xét, dùng tiền
bạc để đánh giá lòng người ... mà vì yêu có thể hy sinh cả mạng sống để được
gần gũi người mình yêu.
Đến khi cuộc chiến tàn lụi một
cách tức tưởi, em, tôi và các con đã sống những ngày tháng của mùa hạ nơi hải đảo
ở xứ người. Công của bao nhiêu năm tạo dựng, nay trở thành trắng
tay. Em đã đổi sửa để nuôi con bằng tất cả những gì chúng tôi có, kể
cả chiếc nhẫn cưới, là kỷ vật của cuộc tình đẹp nhất. Khi yêu, em đã
hy sinh cho tôi. Khi có gia đình, em đã hy sinh cho tình mẫu tử. Ôi! làm
sao có thể diển tả hết được! Sự hy sinh người tôi yêu nhất đời, người
MẹViệt Nam. Có phải người con gái Việt được sanh ra để hy sinh,
hay tôi là người có diễm phúc nhất mà không biết. Em là chiếc bóng lặng
lẽ bên tôi sớm tối, trong suốt cuộc đời phiêu bạt sau này. Bao
nhiêu năm xa xứ là bấy nhiêu năm em đã cùng tôi làm lại những gì mà chiến tranh
đã cướp mất. Em đã cùng tôi kiên nhẫn làm lại từ đầu như đôi dã
tràng xe cát bị sóng biển xóa tan.
Thế rồi, đáng ra là đến lúc
em và tôi chung hưởng tuổi già ... thì mùa hè năm nay 2009,
Khi Đông tàn, Xuân đến, vạn
vật đổi màu, cây cỏ trở lại xanh tươi, để cây hoa thì nở hoa, cây trái thì đơm
bông kết trái. Nhưng em vẫn còn héo hắt vì cơn bệnh ngặt nghèo. Mùa
Xuân không trở lại với em. Em như ngọn đèn heo hắt, lụn dần khi mùa
Hạ đến. Khi hoa phượng đơm bông, đỏ thắm trên phần đất quê hương,
thì em đã ra người thiên cổ. Nắm tro tàn hài cốt là kỷ vật cuối
cùng, em đã để lại cho tôi, là người mà em đã yêu thương và hy sinh. Nắm
tro tàn hài cốt là kỷ vật cuối cùng mà em đã để lại cho đời, bè bạn thân quyến
với bao nhiêu thương tiếc. Nắm tro tàn hài cốt là kỷ vật cuối cùng
mà Mẹ đã để lại cho đám con cháu để nhớ bầu sửa ngọt đã nuôi dưởng chúng, để nhớ
từng giọt sửa được đổi bằng những kỷ vật của tình yêu của người Mẹ để con được
sống qua những ngày cùng cực nhất đời.
May mắn thay, tôi đã ghi lại
phần nào những tâm tình, những cảm nghĩ trong suốt thời gian cuối cùng của đời
em. Tôi đã ghi lại những quằn quại mà em đã bị cơn bệnh dày
vò. Tôi đã viết lại những đắng cay đã gậm nhấm em, và tôi đã viết những
dằn vặt với nội tâm và ngoại lực. Tôi kể lại những cảm nghĩ chân
thành nhất mà em đã để lại cho tôi, cho con và người đời. Tôi đã ghi
lại hiện thực trước khi nó bị phôi pha, chôn vùi theo thời gian.
Tôi muốn mọi người hiểu em
hơn. Tôi muốn mọi người biết được cái bất trắc của cuộc sống, và tôi
muốn viết những lời cám ơn chân thành nhất cho em như bài hát cuối cùng tiễn em
đi. Có người đọc và muốn tôi viết tiếp để nói lên tâm trạng của
mình, vì biết đâu cũng là tâm trạng của người. Có người lại
khuyên tôi là đừng nên tiếp tục viết vì sao nghe quá buồn đau. Tôi vẫn
còn muốn viết không vì người khuyên nên, hay người bảo đừng, mà tôi muốn viết
vì tôi như còn nợ em những điều chưa nói hết. Tôi sẽ viết cho đến
khi nào đầu không còn minh mẫn để nhận được em, tay không còn đủ sức để chép lại
những điều cảm nhận về em ... và tôi còn tiếp tục viết về bổn phận mình phải
thay em từ khi em ra đi,
Đó là phận làm Cha Mẹ.
Khi sanh tiền, em và anh mỗi
người có một thiên chức, kẻ làm Cha, người làm Mẹ. Anh không hề lo lắng
đến việc gì em phải làm trong thiên chức của em. Nhưng từ khi em mất,
anh phải cán đáng công việc mà anh chưa từng làm, anh phải chu toàn phận sự mà
anh không hề biết. Đó là vừa làm cha vừa làm mẹ. Giờ này
anh mới hiểu được cái gánh nặng mà bốn năm chục năm qua em đã chu toàn. Như,
anh phải nghĩ đến các món ăn, lo nấu nướng các thứ mà đám con ưa thích, để khi
chúng đến thăm vẫn cảm nhận được như lúc em còn sanh tiền. Anh phải
ghi từng thứ để đi chợ như em đã từng làm. Anh phải dậy sớm lục đục
trong bếp như thói quen của em. Những thứ đó chỉ là một vài điều nhỏ
nho kể ra để nghĩ đến công lao của em. Viết đến đây anh mới cảm thấy
thấm thía khi nghĩ đến các bà mẹ Việt Nam, các bà vợ của bạn bè anh, chiến hữu
anh đã phải đảm đương phận làm Cha Mẹ khi người chồng bị tù tội nơi sơn lam chướng
khí mà không biết ngày đoàn tụ. Các bà Mẹ thay Cha lo cho đám con trẻ
nên người. Em biết không? Bao nhiêu người đã trải qua phận
làm Cha Mẹ và bao nhiêu người sẽ phải, trong số kiếp làm người...
Nắng lên cao rồi, anh thắp
nén hương trên bàn thờ và chia cùng em ly cà phê sửa đầu ngày ...
Mùa hè năm nay, màu phượng đỏ chỉ còn trong ký ức. Thú vui ngày xưa còn
bé đã qua mất rồi. Nắng Hạ Lào cũng còn đó, nhưng cuộc chiến đã đi
vào dĩ vãng. Những mùa Hạ truân chuyên của vợ chồng mình cũng chỉ là
quá khứ. Như em, mới thấy đó rồi vụt mất như ngôi sao biến dạng trên
trời.
Từ nay, anh nói một mình, độc
thoại! Đi đứng một mình, độc hành! Có những đêm về sáng,
anh rời nhà lái xe lang thang qua những nơi mà mình hay lui tới. Với
anh, không có chuyện xa hay gần, đêm ngày, mà chỉ muốn ôn lại những giây phút đầm
ấm mà chúng mình đã sống. Anh cảm thấy tâm hồn bình an hơn vì thấy
như được san xẽ cùng em, dù là ảo tưởng. Căn nhà mình
đang ở, anh trồng thêm một cây đặt tên Diệu Toàn, là Pháp danh của em. Cây
này vốn được đứa con Út mua cả năm bảy năm trước ngày em mất. Cây bị
héo úa như em lúc lâm trọng bệnh, bị bỏ lăn lóc trên các condo/apartment của
con như em ra vào hết nhà thương này đến nhà thương khác. Hoàn cảnh
của em và cây kia có khác gì nhau. Anh đã bất lực không cứu được em
khỏi bệnh tật, thì nay anh sẽ chăm sóc để cây Diệu Toàn đâm chồi xanh tốt. Khi
buồn anh thì thầm cùng cây để không còn độc thoại. Khi nhớ em, anh
lái xe với bức ảnh em, để không còn cảm thấy độc hành, và khi khó ngủ anh niệm
Phật để không còn cảm thấy cô đơn, cho lòng nhẹ nhàng thanh thản.
Cuộc đời là vậy đó, tiền kiếp, hiện tại và hậu thân biến đổi vô thường. Kể cả hình hài của em của
anh, của con người cũng chỉ là ảo ảnh mà thôi!
Tôi với em từ đâu đến
đây? Phải chăng khởi đầu là những tế bào nhỏ lắm. Sự nhiệm
mầu đã biến đổi, kết tạo thành hai con người Nam Nữ, biết suy tư, biết yêu,
thương, hờn, giận. Tôi và em là hai thực thể hoàn toàn xa lạ, cơ
duyên nào đã tác hợp để tình yêu được nảy nở? Bao nhiêu năm cho một
đời người qua cơn dâu bể, rồi phút chốc thân xác kia giờ trở thành tro bụi, và
mình phải mãi mãi xa nhau? Rồi tự hỏi cho thân phận mình:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi,
Để một mai vươn hình hài lớn
dậy? (Cát Bụi, TCS)
Lúc sống có nhiều điều ta ân
hưởng mà không biết. Cho đến khi chợt hiểu, thì tất cả chỉ là ảo ảnh. Từ
nay, anh để lòng buông xả hầu mong tìm được sự bình an cho tâm hồn. Bởi
vì cuộc sống con người có thật nhiều câu hỏi mà không có lời giải đáp, càng
nghĩ càng thấy hụt hẫng như bị cuốn hút vào Hố Đen mà thôi!
Bây giờ em đã an vị trên
Chùa, hãy thanh thản trở về nhà. Còn anh, chăm sóc cây Diệu Toàn, là
thú vui của những ngày còn lại. Để vơi đi những ưu tư, ray rứt, anh
thay em kể tâm tình thầm kín của mình vì biết đâu cũng là của tha nhân. Bao
nhiêu mùa nắng Hạ trong đời, là bao nhiêu kỷ niệm đẹp kết thành bức tranh tuyệt
tác của em và tôi. Anh cảm ơn em, vì mình đã sống qua bao mùa nắng Hạ
hạnh phúc tuyệt vời. Nay em dù đã vĩnh viễn ra đi, nhưng những mùa nắng
Hạ của đất trời vẫn còn đó... thì anh sẽ không bao giờ quên em.....
Phạm Văn Hòa
eva airline
vé máy bay đi mỹ bao nhiêu tiền
hãng korean airlines
vé máy bay đi mỹ giá rẻ
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich