Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Nguyễn Việt Nam, Tấm lòng một cõi đi - về

Nguyễn Việt Nam, Tấm lòng một cõi đi - về
Nguyễn Việt Nam
Sinh ngày: 01/01/1941
Sáng tác thơ văn từ năm học Đệ Tam (1957)
1964: Biên tập viên báo Diễn Đàn Giáo Dục (Sài gòn)
1965: Chủ biên đặc san Đêm Vô Tận viết về thế giới người mù
1970: Biên tập viên Nguyệt san Tự Quyết (Sài Gòn).
1985: Chủ biên đặc san Ánh Sáng Tình Thương
1989: Chủ biên đặc san Tương Lai viết về thế giới của những trẻ bất hạnh (câm, điếc, khiếm thị, chậm phát triển tâm thần, bại liệt …)
- Tham dự triển lãm Tranh của trẻ câm điếc và giới thiệu những sản phẩm thủ công của các em khuyết tật trường Tương Lai, Quận 5.
- Thành lập Đoàn Văn Nghệ của những trẻ kém may mắn đi lưu diễn tại Đà Lạt, Nha Trang, Bến Tre, Vũng Tàu, Long Hải và Các Nhà Văn Hóa Thanh Niên TPHCM, Nhà Văn Hóa Quận 5 TPHCM với sự giúp đỡ của nhóm xiếc hài Mạc Can, Linh San, Phi Hải… anh chị em câu lạc bộ Dân Vũ TPHCM, các nhạc sĩ, họa sĩ, Bắc Sơn, Bạch Yến, Quỳnh Như …
1995: Tham gia viết “Côn Đảo Ký Sự Và Tư Liệu” với nhiều tác giả khác (nhà xuất bản Trẻ 1998)
1998: Cộng tác với báo Dân Trí của Hội Tâm Lý Giáo Dục Việt Nam (Hà Nội) và báo Côn Đảo Ngày Nay.
Tác phẩm Nguyễn Việt Nam
Làng Nghề Cổ Truyền Việt Nam (sưu khảo)
Nhịp Cầu Nối Những Bờ Vui (ký)
Tác phẩm  chung:
Đình An Hội (Biên khảo, Trung Tâm Nghiên Cứu & Thực Hành Gia Phả TP. Hồ Chí Minh, 03/2006)
NGUYỄN VIỆT NAM, TẤM LÒNG MỘT CÕI ĐI – VỀ
Đằng đẵng hơn 20 năm gặp lại Nguyễn Việt Nam, sau ngày đất nước quy về một mối, có lẽ tôi phải có cái nhìn rất mới về một nhà làm văn nghệ văn hóa có nét lãng tử, bộc trực, nói nhiều làm nhiều… mang nhiều bản chất Nam bộ mênh mông tình người. Thật ra, từ thuở thiếu niên Nguyễn Việt Nam cũng đồng điệu như những phiêu bạt lưu sinh của phần đông các bằng hữu trải dài mọi nơi trên đất nước. Họ vội vã bước qua cuộc chiến tranh thảm khốc, bi hùng của dân tộc và phải lướt thướt như đàn chim di rời tổ, lẳng lặng bay vào khoảng trời miền Nam, cấy hồn vào định kiếp quê hương. Tâm huyết chính thống của người làm văn nghệ như Nguyễn Việt Nam, lại có cái say mê thánh hóa vào tư hướng xã hội nhân văn, khác hẳn các bằng hữu khác phần đông hầu như chỉ duy nhất là hòa mình trong một môi trường văn chương nghệ thuật đơn thuần.
Khoảng 1965 – 1975, thời gian các anh em văn nghệ đồng song thường có dịp gặp gỡ và họp tác vận động cho văn học nghệ thuật. Chủ yếu, giữa cuộc chiến tranh bùng phát tang thương dày nát cả hai miền, tâm trí của người sáng tác đều le lói những lương tri bày tỏ chính kiến giữa sự diệt vong do những triết thuyết ngoại lai, áp dụng cục bộ trên chiến trường Việt Nam. Cái dư hậu là thảm họa dành riêng cho con người và đất nước, nên sự đối kháng phản chiến nếu có dàn trải suốt lộ trình hóa hiện của dân tộc, thật ra chỉ là chuyện đương nhiên. Đêm giáng sinh 1970, Thụy Miên và bào huynh là nhà thơ Nguyễn Lê La Sơn, có tổ chức một tiệc trà trên khu sân thượng của cà phê Thượng Uyển, đường Nguyễn Tiểu La, quận 10, cách thư trang của Nguyễn Lê La Sơn khoảng ngắn đủ tầm nhìn. Một đêm hội ngộ thánh hóa, cùng với các bằng hữu văn nghệ được dịp hàn huyên. Thuở đó, anh em hăng say trong những vận động cho văn học, sáng tác trao đổi dẫn dắt nhau cật lực trong vai trò văn nghệ tuổi trẻ. Cuộc hội tụ đầy đủ khoảng hơn 20 bằng hữu, ngoài Thụy Miên và Nguyễn Lê La Sơn, khiến ngọn gió của đêm giáng sinh hình như cũng chứng kiến đầy đủ sắc vóc của bạn bè như Phan Nhật Nam, Phạm Nhã Dự, Lâm Chương, Lưu Nhữ Thụy, Nguyễn Thành Xuân, Hà Thúc Sinh, Trăng Thệ Hải, Nghiêu Minh… Dĩ nhiên sự hiện diện của Nguyễn Việt Nam trong lần đầu gặp gỡ tại đêm tao ngộ này, hình như cũng chỉ là một sự tình cờ. Anh đến trể hơn các bằng hữu, và sau sự chào đón thì nét bộc phát của Nguyễn Việt Nam với bản tính bộc trực hay góp ý kiến triền miên, khiến tôi nhìn Trăng Thệ Hải dò hỏi. Bàn tròn văn nghệ có những tiếng ngâm thơ, tiếng đàn thùng đệm những khúc nhạc Trịnh Công Sơn, hay Vũ Thành An… vẫn chưa lấn át được sự cật lực thuyết trình của Nguyễn Việt Nam. Dấu ấn ban đầu, khiến tôi luôn ấn tượng với nhiều suy nghĩ có lúc trái chiều về anh, ngoài bản chất chân thật bộc trực, Nguyễn Việt Nam luôn luôn bảo vệ chính kiến của mình. Kiến thức của anh thật rộng rãi bao hàm cả một sự thông thấu và nhận thức, chính vậy tôi hiểu tại sao những bài báo của Nguyễn Việt Nam đăng rải rác trên báo chí đương thời có sẵn đường nét của một nhà xã hội học hơn là văn chương. Cấu trúc của bình luận, phần đông chịu ảnh hưởng nhiều về cá tính, và sự thông thái của tác giả.
Trong đó, Nguyễn Việt Nam nặng nghĩa của một con người với xã hội mới, nên dĩ nhiên bao nhiêu phát tiết bày tỏ với một xã hội cùng cực, nghèo nàn và hủ lậu của đất nước trong hơn nửa thế kỷ trước đã là điều tâm huyết mà các nhà văn nhà báo tiền phong như Trần Tấn Quốc, Dương Hà, Trọng Nguyên, An Khê… đã là một nét nhìn cho lớp kê tiếp như Nguyễn Việt Nam. Đến với nghề báo, hình như chỉ trang trải cho lối sống và cập nhật kiến thức xã hội, Nguyễn Việt Nam vẫn thường xuyên chong đèn nghiên cứu và hoàn thành nhiều tác phẩm sưu khảo văn học, nghiêng về nhân bản xã hội bằng những nghệ thuật cổ điển chìm lắng trong dân sinh. Trong lúc văn minh cập nhật hàng ngày, những vốn cổ điển của nghệ thuật hát bộ, chèo, cải lương, hay kiến trúc sành sứ, gốm đất, thổ cẩm… càng ngày càng tách biệt thảm thương không có một lối bảo vệ chân chính của người có trách nhiệm đương quyền, lần lượt mai một như là một tàn tích hoang sơ. Mỗi anh em văn nghệ thời đó, khi bước vào môi trường sáng tác hầu như nghiêng hẳn về một sự hào nhoáng, lý thú của thơ, văn, nhạc, họa… cái khó của nghiên cứu hầu như ít ai chú tâm và chịu miệt mài, để khơi sáng di sản âm thầm tiềm tàng trong bóng tối. Các nhà nghiên cứu như Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Bá Thế, Nguyễn Tử Quang, Toan Ánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… là những ngôi sao văn khúc hiếm hoi vĩ đại, dĩ nhiên khó có người kế thừa, dù rằng tiếp bước đi sau thuận đường hơn nhờ biết bao tiền bối đi trước soi đường. Chính vậy, với Nguyễn Việt Nam tôi nhận thấy ở anh một tâm huyết chân thành, bền bỉ, những công việc nghiên cứu lẻ loi của anh ở phương diện này được hình thành rất chân mộc, không ào ạt mà mọi tình thế Nguyễn Việt Nam thận trọng chiêm nghiệm tiệm tiến. Khi hoàn thành một bài viết về sưu khảo, thỉnh thoảng Nguyễn Việt Nam đem đến tham khảo cùng tôi. Cung cách khiêm tốn đó, thật ra cũng thừa thãi,  vì sự nghiệm thu trong quan điểm nghệ thuật của anh đã dàn trải suốt quá trình làm việc. Chỉ tương ngộ chăng giữa những người làm văn nghệ với nhau, là dàn trải con tim đưa tất cả bản thể quy nạp vào chân lý, sáng tác rực sáng trong sáng tạo của nghệ sĩ và ấm áp tình người của những cảm thông nghệ thuật.
Tôi rất quý trọng nhà văn Nguyễn Việt Nam, anh dấn thân trong suốt lộ trình gần 50 năm sống chết với báo chí, văn nghệ, xã hội và nhân bản. Hầu như, Nguyễn Việt Nam tất bật bận rộn trên mọi ngả đường, mà thời gian vẫn phải chùn dưới gót chân anh. Khi Nguyễn Việt Nam về làm hiệu trưởng một trường khuyết tật ở thành phố, cái ngay thẳng và chân thật một mặt giúp anh được tín cẩn của nhiều nhà hảo tâm, đưa đẩy sự ấm cúng cho ngôi trường, nhưng cũng là một cái gai của những xu thời, nhiều phen khiến Nguyễn Việt Nam bực dọc dừng bút giữa đường mà ngao ngán. Anh rời bỏ những gì không bảo vệ được để thõng tay vào chợ, lập dựng những tư hướng lấp cho đầy nỗi khổ đau và bất công của xã hội. Một hôm tôi qua thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, lúc lão nghệ sĩ đang quằn mình chở hàng vạn quyển sách quý từ một kho tàng mịt mù tại xứ lá phong Canada, về đây góp vốn cho quê hương. Hình dáng Nguyễn Việt Nam ngồi lù lù trong thư phòng của Nguyễn Tiến Văn ở quận 4, tôi cũng lấy làm lạ và ngạc nhiên về sự quen biết thâm sâu của Nguyễn Việt Nam với hầu hết các bằng hữu văn nghệ, mà nhắc đến ai, dù ở trong trường phái nào, thì sự thông thấu của Nguyễn Việt Nam đã khiến tôi cảm phục. Với một Mịch La Phong (Ngô Nguyên Phi) sự hiểu biết dàn trải trên văn học cũng sâu rộng, nhưng anh hiểu biết một phương hướng khác của riêng anh, với Nguyễn Tôn Nhan những khuynh khoái vô tận trong văn học cũng là một tuyệt diệu của Nhan… và cũng vậy, Nguyễn Việt Nam có cái tường tận mọi ngõ ngách thời sự, văn học, nhân vật có lúc giúp kiến thức tôi được tôi luyện thêm, khi tham khảo với anh.
Thời gian cận điểm của thế kỷ XX, những cuối năm thiên niên kỷ, Nguyễn Việt Nam nhiều lần ghé thăm (hầu như thường xuyên) có lẽ anh tâm huyết nhiều dữ kiện mà thời gian thì  quá hạn hẹp, nên phải chung tay cùng bạn bè. Khoảng 1995, Nguyễn Việt Nam dự trù in lại cho nhà thơ Truy Phong, tác giả Một Thế Kỷ Mấy Vần Thơ,  một tuyển tập trọn đời của lão thi nhân, trong khi bệnh tật đang hoành hành dữ dội một kiếp thơ. Anh đem cho tôi xem tờ giấy hiến xác của nhà thơ, với từng bài thơ được gói gọn trong bao nilon cẩn trọng với phong sương tuế nguyệt. Sự trải rộng tâm hồn của Nguyễn Việt Nam, trước những thế cuộc là một yếu tố để hiểu rằng tại sao đến giây phút này anh vẫn như con thoi bay nhảy giữa văn chương và tình người không một phút ngơi nghỉ.
Nhiều lúc việc làm của Nguyễn Việt Nam khiến tôi cũng phân vân, không hiểu giữa một xã hội đầy vị kỷ này, những ước muốn của anh có thực hiện thành công? Những vận động cật lực có lúc như đá dội vào vách núi, âm vang len lỏi một cách vô thường giữa không gian đầy ắp vị kỷ. Chính thế, Nguyễn Việt Nam gác hết mọi thời gian viết lách nghiên cứu của mình, bước thêm vào lối rẽ mới, xây dựng một loạt cầu đường trên khắp vùng quê, là lúc tôi biết cái thật của chân tâm đã giúp nhà văn Nguyễn Việt Nam hoàn chỉnh cho mình những hạt xá lợi tôn quý, làm rực sáng cả một không gian chân chính của người làm văn nghệ. Hơn 30 cây cầu được khánh thành  thật hùng vĩ, bằng sức lực nhỏ nhoi của kẻ cầm viết, mà có nhiều lần khi đề cập so sánh tác phẩm của anh với công việc xây dựng này, Nguyễn Việt Nam nói với tôi rằng theo anh nó có giá trị gấp trăm ngàn lần những tác phẩm anh đang viết. Sự khiêm tốn rời bỏ cái đã qua, để hoàn thiện một nhân bản xã hội trước mặt, thật ra chỉ là một cách bày tỏ thi vị nhún nhường của người quân tử. Bởi vì dù thế nào đi nữa, với những công trình nghiên cứu văn học về di sản độc đáo của quê hương và hồn người, cũng là yếu tố chính thống góp phần đặc thù trong tác phẩm Nguyễn Việt Nam.
Tháng 5/2010.
Ngô Nguyên Nghiễm
Theo http://www.vanchuongviet.org/


1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...