Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Lãng đãng “Bến Xuân”

Lãng đãng “Bến Xuân”
Mỗi một mùa xuân đến, mỗi một mùa xuân qua…xanh xanh lộc biếc trên từng cành cây, khóm lá…giai điệu mùa xuân diệu vợi cất lên từ thiên nhiên vĩnh hằng. Đó đây như còn vấn vương những thanh âm như xa như gần, lãng đãng trong hoa, trong sương…ca từ sinh động, khiến người nghe như lạc vào chốn bồng lai, cổ tích: “Bến Xuân”. Phải chăng, chỉ có người nghệ sĩ Văn Cao với tâm hồn đầy chất thơ, sự tài hoa của linh hồn âm nhạc ẩn chứa nỗi niềm cay đắng, dở dang của những mối tình mới sáng tạo nên tuyệt khúc về mùa xuân miên man đến vậy.
Một bài ca từ khi ra đời đã đi cùng năm tháng, lãng đãng gieo vào lòng người những ký ức khó phai. Để rồi mỗi khi nghe lại, không biết bắt đầu từ đâu, những ca từ cứ rót vào lòng người những hồi ức, những giấc mơ xa xăm… người ta còn mơ hồ thì đã đắm chìm trong khung cảnh như thơ như mộng: 
“Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ 
Em đến tôi một lần…”
Khung cảnh bến xuân mở ra… chốn bình yên, thanh cao… Giai nhân đã bước vào bức tranh như điểm thêm nét vẽ đầy tình tứ, miên man. Bến xuân mộng mơ đã trở thành bến tình của những người từng hoài niệm, từng ao ước. Để rồi, cũng chính bến xuân… bến mơ… của những người từng xót xa vì những mối tình đã chết. Không có nước mắt nhưng vẫn nghẹn ngào, tình như ảo ảnh, người tình cũng phù du… biết đâu “bến xuân” ấy chính là bến đợi, bến chờ, bến đời đầy hiu quạnh.
Phù du lắm, ai biết chăng! Để rồi, nỗi nhớ, vấn vương, dù đã mất vẫn còn đâu đó quanh đây. Ngày ấy, khi người đến, những cánh chim trắng bay lượn trên nền trời trong xanh, làm rộn ràng cả bến xuân mơ màng: 
“Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân/
Từng đôi chim trong nắng ríu rít ca u ú u u u ù u ú…” 
Tiếng ca réo rắt, vút cao và vút xa mãi, tựa như hồi ức vọng lại. Tiếng vọng từ thuở nào, giờ chỉ còn hư ảo, trong nỗi nhớ miên man của tâm hồn nghệ sĩ đa mang.
Bến xuân đã trở thành ký ức, khiến người ta không thể nguôi ngoai. Hồi kết đầy u buồn không hề được nhắc tới nhưng cả bài ca là niềm thương vời vợi, lắng sâu. Giai nhân đã ra đi, cuộc tình đã dứt, bến xuân vẫn mơ hồ… dường như giấc mơ vẫn đắm chìm không ngừng than thở không thể tỉnh giấc giữa đời thường. Bởi lẽ, khi bến xuân bừng tỉnh, bến xuân mộng mơ sẽ chết, nỗi tái tê của cuộc tình vẫn âm ỉ trong lòng không dứt, để rồi mãi níu kéo hồi ức ấy.
Biết bao thế hệ người yêu nhạc Văn Cao khi nhắc tới “Bến Xuân” cũng đều phải nói đến chất thơ ca từ, cái đẹp của từng câu, từng chữ, như chuốt bằng chính giọt lệ, những tiếng lòng nức nở, lắng sâu. Ca từ của bản nhạc tựa như một bài thơ, một bức họa sinh động. Không gian mùa xuân êm ái, như mơ như thực, những thanh âm của chốn đào nguyên hư ảnh diệu vợi. Chút tình vấn vương như men rượu, ngấm vào lòng người, say mãi tận ngàn năm.
Chập chờn, thấp thoáng đó đây hình ảnh của người giai nhân, lữ khách tha hương đến bên đời rất mộng lại hiện lên:
“Người đi theo mưa gió xa muôn trùng/ 
Lần bước phiêu du về bến cũ/ 
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng/ 
Liễu dương hơ tóc vàng trong nắng/ 
Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân”
Bất chợt, người nghe cũng choàng tỉnh, rồi lại lắng lòng trầm tư. Phải chăng, nếu ai đó đã từng trải qua dư vị tình yêu để rồi mãi mãi chia xa… hay đã từng cảm nhận nỗi niềm đắng cay, mất mát… mất đi những gì trân trọng nhất… ắt sẽ phần nào cảm nhận nỗi bi ai đầy lắng đọng và trữ tình. Bức tranh thiên nhiên thơ mộng, dáng kiều thanh tao… nhưng bức tranh ấy mang tâm hồn u uất, bơ vơ, trống trải… Cái đẹp mong manh, chút tình vương vấn, khối hồn lãng đãng cô đơn đến tận cùng… tất cả như trộn lẫn, giao hòa… trong trái tim những người yêu giai điệu ngọt ngào, cay đắng.
Từ thập kỷ 40 của thế kỷ XX, khi ca khúc Bến Xuân ra đời, mặc dù sau này đã được thay đổi trở thành bài ca cách mạng với vai trò không nhỏ của Phạm Duy. Thế nhưng, những tâm hồn yêu nhạc mãi mãi không quên nhạc phẩm “Bến Xuân” ngày nào. Từ câu chuyện tình dang dở và bóng dáng giai nhân trong đời, Văn Cao đã viết lại câu chuyện tình dài mãi đến ngàn sau. Thế nhưng, ca từ lời nhạc, thanh âm trầm bổng, điệp khúc cứ ngân vang không hồi kết, cuộc tình ấy vẫn còn vương vấn giữa thế gian khiến bao lòng người thương đau, dang dở: 
“Sương mênh mông che lấp kín non xanh/ 
Ôi cánh buồm nâu còn trên lớp sóng xô/ 
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca/ 
Cánh nhạn còn bay thiết tha/ 
Lưu luyến tình vừa qua”.
Sau này, người đam mê âm nhạc và vấn vương bởi giai điệu trầm bổng như hoa như ngọc, như thi như họa, lãng đãng giữa mây ngàn của người nghệ sĩ đa cảm ấy lại nhủ lòng rằng: Phải chăng, ông không chỉ là nhạc sĩ, là thi sĩ, họa sĩ mà ông còn là người nghệ sĩ say đời, dệt mộng giữa trần gian. Người nghệ sĩ lang thang giữa “Bến đời” như xuân như mộng!.
Bến Xuân - Văn Cao - Khánh Ly
Theo http://vaba.com.vn/

1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...