Trong màu xanh vàm cỏ
(Đã đăng trên Báo
Văn Nghệ Hội Nhà văn
Việt Nam số 39 ngày 28 tháng 9 năm 2013)
Nhà văn Hào Vũ, sinh năm
1950. Quê quán: quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Tác phẩm chính đã xuất bản: Sau
ngày chiến thắng (tập truyện ngắn, 1983); Gò xanh (tập truyện ngắn, 1983); Đất
không giấu mặt (tiểu thuyết, 1983); Nữ sinh biệt động (truyện dài, 1987); Ly
dị (tiểu thuyết, 1989); Mưa lạnh (tiểu thuyết, 1992); Sao rơi (tập truyện ngắn,
2002); Xa xăm (tiểu thuyết, 2010)…
Giải thưởng văn học: Giải
thưởng truyện ngắn Tạp chí Quân giải phóng miền Nam (truyện Hai ông cháu);
Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, 1979
(truyện Màu xanh Vàm Cỏ Tây); Giải thưởng truyện ngắn mini tạp chí Thế
giới mới, 1994 (truyện Khách thương hồ); Giải thưởng truyện ngắn tạp chí
Tác phẩm mới, 1995 (truyện Điều ấy đã không xảy ra…) Và một số giải
thưởng truyện ngắn khác.
Tròn 34 tuổi, năm 1984 Hào
Vũ vào Hội Nhà văn Việt Nam. So mặt bằng chung của Hội lúc ấy, anh là một hội
viên trẻ. Nhưng theo tôi, anh xứng đáng được gọi là nhà văn năm lên 10 tuổi,
học lớp 4 trường làng. Ấy là khi thầy giáo ra cho lớp một đề văn: “Em
hãy kể lại một kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời mình”. Kể kỷ niệm gì đây, cậu
bé Vũ Văn Hào băn khoăn. Cậu chẳng có một kỷ niệm sâu sắc nào cả. Bị bố đánh
ư ? Chuyện thường. Hay ăn vụng thịt trong nồi của mẹ ? Thì đứa trẻ nào mà chẳng
ăn vụng. Và thế là cậu suy nghĩ, bịa chuyện. Cậu bịa rằng mình đang đi chơi
trên đường thì nhặt được tờ bạc một hào của ai đó đánh rơi, nhìn trước nhìn
sau không có người, trống ngực đập thình thịch cậu cúi xuống lượm cho vào
túi. Và sau đó là một cơn đấu tranh tư tưởng gay go, lấy tờ bạc hay tìm người
đánh rơi trả lại. Cậu vốn chẳng giàu có gì, nhưng nếu không trả lại thì người
mất sẽ đau khổ lắm. Sau một hồi tự tranh đấu, cuối cùng cậu quyết định vào đồn
Công an nộp tờ bạc, nhờ các chú Công an bằng nghiệp vụ tài tình của mình tìm
người đánh rơi trả lại. Bài văn ấy cậu được 10 điểm. Điều đáng nói là thầy
giáo sau khi cho đứa học trò tài học văn không có gì nổi trội bỗng trở nên xuất
sắc trong bài làm này điểm 10, đã kéo cậu ra một góc lớp hỏi nhỏ: “-Thầy hỏi
thật em nhé, chỉ một hào bạc thôi mà em phải đấu tranh tư tưởng dữ vậy ư ?”.
Câu hỏi của thầy giáo làm cậu bé điếng người, trở thành một kỷ niệm sâu sắc
nhất trong thời thơ ấu, theo cậu cho tới tận hôm nay.
Hào Vũ kể cho tôi nghe kỷ
niệm trên của anh vào một đêm mưa Hà Nội, trong ký túc xá của trường Viết văn
Nguyễn Du, một ngôi nhà tranh vách đất dài gồm nhiều phòng được ngăn cách với
nhau bằng những tấm vách cót. Ngôi nhà tọa giữa ba bề ao rau muống, bèo tây.
Chúng tôi tọa trên chiếc giường đơn của Hào Vũ với một xị rượu làng Vân và mấy
gói lạc rang mua từ quán chị Duẩn trước cổng trường. Nghe xong, tôi ngắm
nhìn anh tìm mối liên hệ giữa cậu bé ngây thơ bịa chuyện ngày nọ và nhà văn
ngồi trước mặt, mà chịu, không tìm ra được một mối dây nào cả.
Nhà văn của chúng ta hôm
nay là một đàn ông có dáng người cao vừa phải, quần áo mặc trông cu cũ, nhàu
nhàu, đầu lúc nào cũng sùm sụp cái mũ vải để che đi cái trán hói quá sớm, giọng
nói lắp ba lắp bắp, đi đâu cũng xắc cốt khoác vai. Khách quan cứ nghĩ anh là
cán bộ kinh tài thuộc một xã vùng sâu vùng xa nào đó của miệt vườn. Nhưng ẩn
dưới bề ngoài không chăm chút ấy là một con người thông minh và nghịch…
thì đáo để. Cùng học với nhau ba năm, tôi đã bao lần ngạc nhiên khi được chứng
kiến cái sự nghịch ngợm hơn người của anh.Đơn cử lần nhà thơ Vương Anh đón vợ
ra chơi. Vương Anh người dân tộc Mường, quê Thanh Hóa. Vợ anh, chị Liên Minh
làm nghề dạy học, ở cùng quê. Để chuẩn bị đón hiền thê, nhà thơ liền cất công
sáng tác một cái Thời khóa biểu thể hiện việc sinh hoạt, học tập trong tuần
mà một học sinh trường Nguyễn phải tuân thủ. Theo Thời gian biểu, tuần lễ có
bảy ngày – ngày nào nhà thơ cũng phải dậy từ năm giờ sáng , từ đó cho đến mười
một mười hai giờ đêm toàn làm những việc dời non lấp biển như đọc sách báo,
nghiên cứu tài liệu, tham gia hội thảo, gặp gỡ nhà văn này, nhà cứu
nọ, hoặc sáng tác. Thời gian dành cho việc nghỉ ngơi rất ít, đi chơi thì hoàn
toàn không.
Buổi sáng hôm Vương Anh
đón vợ từ ga về, hầu hết anh em cánh dân sự của lớp trong khu nội trú lần lượt
sang hỏi thăm, trò chuyện. Không khí hết sức đầm ấm. Hào Vũ cũng sang thăm.
Xong màn giao đãi, anh đứng dậy đi đến nhìn lom lom vào cái Thời khóa biểu của
Vương Anh treo trên vách cót, hỏi một câu xanh rờn:
- Này ông Vương Anh, thế
hôm đi chơi Việt Trì với cái Loan lớp Bảo tàng ông ghi vào chỗ nào ?
Căn phòng đang ồn ào bỗng
lặng phắc. Có thể nghe rõ tiếng tim của Vương Anh đập nhịp trong lồng ngực.
Hào Vũ sau khi dội xong quả bom, điềm nhiên rút ở túi áo ra điếu thuốc lá dỗ
lên mặt đồng hồ đeo tay, tính bật diêm châm thuốc hút. Sực thấy Ma Trường
Nguyên đang cắp nách chiếc điếu cày, anh liền bỏ sở trường dùng sở đoản,
mượn chiếc điếu cày của họ Ma mồi một điếu. Rít xong điếu thuốc lào, anh
khoan khoái nhả khói, rồi xuống xề câu vọng cổ bằng một giọng khê nồng:
- Em ơi trái đất vẫn tròn/
Chúng mình hai đứa vẫn còn gặp nhau…
Sau đó chào vợ chồng Vương
Anh ra về. Chưa về đến cửa phòng, Hào Vũ chợt giật mình khi nghe phía sau có
tiếng bước chân người chạy huỳnh huỵch. Ngoảnh lại, anh đã bị nhà thơ Mường
dí nắm đấm sát ngay cái trán hói:
- Mày giết tao.
Vương Anh rên rỉ. Hào Vũ
cười hì hì.Và còn nhiều chuyện khác nữa…
Nghịch, ham vui, nhưng với
lao động nghề nghiệp Hào Vũ hết sức nghiêm túc. Dạo ấy anh đang viết tiểu
thuyết. Đêm nào cũng vậy, sau màn thả lưới buông câu trong biển người đẹp của
trường Đại học Văn hóa,đúng chín giờ anh ngư dân họ Vũ dù tiếc rẻ nhưng
kiên quyết thu “ngư cụ” rời “ngư trường” trở về phòng lôi máy chữ ra ngồi
vào bàn làm việc. Đều đặn mỗi đêm hai tiếng đồng hồ, cuối năm trong lúc cánh
làm thơ chúng tôi mỗi người chỉ có dăm bảy bài thơ trình làng thì anh đã có cả
một tập sách dày cộm. Đấy chính là tiểu thuyết “Đất không giấu mặt” viết
về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta ở một vùng giáp ranh.
Về cốt truyện, “Đất
không giấu mặt” không có gì đáng chú ý cho lắm. Ấy thế mà đọc lại cuốn
hút, thậm chí nhiều chương, đoạn say mê, vì trong đó nhiều nhân vật, nhiều số
phận được tác giả tái hiện rất sống, gần gũi với đời thường. Bình là một ví dụ.
Ở những chương mở đầu, Bình là người thật tốt. Chiến đấu giỏi, thương yêu đồng
đội, biết trọng những người hơn mình về mặt này mặt khác, cư xử với người yêu
cũng thật dịu dàng và có văn hóa, dù anh tự nhận “trình độ văn hóa không đủ
viết một bức thư tình cho mùi”. Đùng một cái, chỉ trong một thoáng buông lỏng
suy nghĩ mà anh phạm khuyết điểm về quan hệ nam nữ, bị coi là “lợi dụng” một
thiếu nữ đang khao khát yêu đương, bị coi là “có tư tưởng sống gấp”. Đang
trong tâm trạng hoang mang trước khuyết điểm và sự khinh rẻ của bạn bè, anh
được một người chỉ huy du kích đáng khâm phục và khéo nói rủ rê về du kích.
Thế là anh bỏ đơn vị, đào ngũ (có lẽ dùng từ đảo ngũ chính xác
hơn). Về cơ sở mới, anh vẫn phát huy tốt những phần tốt đẹp mà anh có, vẫn
chiến đấu dũng cảm và thông minh, vẫn vững vàng trong những tình huống hiểm
nghèo, nhưng lòng tự trọng của người lính luôn là một mũi tấn công quyết liệt,
dằn vặt anh, khuấy đảo những ý nghĩ của anh, mỗi lần nhìn lại những hành động
thiếu chín chắn của mình…
Tôi không nghĩ Bình là hóa
thân của Hào Vũ, nhưng những nét tương đồng giữa tác giả và nhân vật
khiến tôi cứ nghĩ khi xây dựng nhân vật Bình, không ít chỗ nhà văn viết “tự
truyện”. Bởi cả hai – tác giả và nhân vật đều là lính chủ lực ở Bắc vào, sau
nhiều biến động, nhân vật đảo ngũ thành du kích, tác giả đảo
ngũ thành bộ đội địa phương của tỉnh đội Long An. Chính quãng đời gần chục
năm gắn bó với mảnh đất cửa ngõ của miền Tây Nam bộ trong chiến tranh đã khiến
anh ngày đất nước thống nhất quyết định gắn bó trọn đời với nó, dù sau này có
không ít cơ hội chuyển công tác ra Hà Nội hoặc lên thành phố Hồ Chí Minh. Đất
không phụ người, sau “Đất không giấu mặt”,đều đặn vài ba năm anh lại
cho ra đời một tập tiểu thuyết,truyện dài viết về đất và người vùng Tân An, Đồng
Tháp. Đấy là những “Nữ sinh biệt động” (truyện dài, 1987); Ly
d (tiểu thuyết, 1989); Mưa lạnh (tiểu thuyết, 1992); Xa
xăm (tiểu thuyết, 2010)… Những tác phẩm góp phần làm nên tên tuổi
Hào Vũ, khiến trong chừng mực nào đó anh được nhiều người nhìn nhận như một
nhà văn chuyên viết tiểu thuyết.
Thực ra không phải vậy,
như hầu hết nhà văn ở nước ta (và có lẽ cả ở nước ngoài), Hào Vũ bắt đầu văn
nghiệp bằng truyện ngắn và gặt hái nhiều thành công. Truyện ngắn đầu tay“Hai
ông cháu”,giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Quân giải phóng miền Namnăm
1970. Truyện ngắnMàu xanh Vàm Cỏ Tây, giải thưởng truyện ngắn báo Văn
Nghệ Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979; truyện Khách thương hồ, giải
thưởng truyện ngắn mini tạp chí Thế giới mới năm 1994; truyện ngắn Điều ấy
đã không xảy ra, giải thưởng truyện ngắn tạp chí Tác phẩm mới năm 1995…
Đọc truyện ngắn của HàoVũ,
thấy rõ anh rất quan tâm đến cái nền của câu chuyện.Có cảm tưởng khi bắt tay
vào viết, trước tiên Hào Vũ chọn điểm nhìn. Sự phát triển của truyện không do
các sự kiện chi phối. Chi tiết sự kiện chỉ là cái nền, cái cớ để nhân vật bộc
lộ tâm trạng. Truyện ngắn Cây gừa là một dẫn chứng. Đặt điểm nhìn
vào nhân vật Nành,vợ một lính ngụy chết trận,bước vào đời sống xã hội mới ,với
bao mặc cảm nặng nề. Câu chuyện đã làm bật lên những mảng sáng tối của bức
tranh xã hội sau ngày giải phóng. Truyện ngắn Khách thương hồ cũng
được tổ chức như thế. Các nhân vật trong truyện không có tên riêng,chỉ là chị,gã.
Họ không chỉ nói với nhau mà còn nói với một người vô hình nào đó. Có khi điểm
nhìn trần thuật cũng được dịch chuyển : “Tại sao anh bị mất
giò? Câu hỏi cũ lại mấp máy nơi khóe miệng,nhưng sau cùng chị đã không hỏi.” Cũng
cần nói thêm là,ở truyện ngắn này,bằng cách không xuống dòng các câu đối thoại,
ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật được trộn lẫn tạo ra một hiệu ứng nghệ
thuật thú vị.
Không phải là một nhà
nghiên cứu văn học nên tôi không có điều kiện so sánh đối chiếu, nhưng từ Hào
Vũ tôi thấy trong đời sống văn học nước ta giữa thế kỷ 20 đến nay có một dòng
chảy văn học của những người miền Bắc sinh sống ở Nam bộ viết về Nam bộ. Dòng
chảy này khai sinh đồng thời với những cuộc chuyển cư diễn ra trong dân sinh
và thế sự đất nước, đặc biệt rõ là năm 1954 khi hàng loạt giáo dân bỏ quê
hương xứ sở ở miền Bắc lên đường “theo Chúa vào Nam” và trong kháng chiến chống
Mỹ.Từ những sáng tác của lớp nhà văn này, văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu
Long được phản ánh qua cái nhìn của người viết thuộc vùng văn hóa đồng
bằng sông Hồng. Thực tế đã cho thấy có nhiều điều thú vị ở vùng đất
này nhưng người viết thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long bỏ qua hoặc kể
lại một cách tẻ nhạt. Có lẽ đó là những cái mà người Nam bộ thấy nó quá quen
thuộc đến nhàm chán chăng?
Hãy đọc thử một vài bài viết
của phóng viên nước ngoài viết về Việt Nam được dịch ra tiếng Việt in trên
báo trong nước, ta sẽ thấy thú vị dù đó chỉ là những cái ta thường gặp hàng
ngày. Theo tôi nó thú vị là bởi các câu chuyện, hình ảnh quen thuộc được
tác giả quét lên một lớp sơn mới, lớp sơn văn hóa của một vùng đất khác.Đọc
Hào Vũ thấy rõ điều này. Cái khác lạ,độc đáo của phong cảnh sông nước miền
Tây Nam bộ tạo cảm hứng cho anh. Không khí truyện của anh rất Nam bộ, từ tên
đất, tên người, cách nói chuyện giàu phương ngữ, đến những chi tiết tưởng vu
vơ. Chính vì vậy mà tôi bị Màu xanh Vàm Cỏ tây của anh mê hoặc, khiến
năm 1984 phải cắt phép năm để từ Nghệ Anlặn lội tàu xe vào Long An cho biết.
Lần ấy Hào Vũ dặn tôi đi đâu thì đi, đến bữa phải về ăn cơm nhà anh nấu
ở Hội Văn Nghệ tỉnh. Tôi nghe lời và thấy trong lúc vợ bận nấu nướng, Hào Vũ
không phụ một tay thì chớ lại nhảy sang mâm nhà khác tán chuyện (chả là Hội
Văn Nghệ tỉnh không có nhà ăn. Gia đình cán bộ Hội nào thì vợ chồng cũng đều
là công chức, để kịp giờ làm chiều mỗi nhà gầy một bếp ngay trong cơ quan).
Khi cơm chín tới, đang bày mâm bát, vợ anh lại phải ngừng tay sang mân nhà hàng xóm lôi chồng về. Nhưng cô đã bắt cóc bỏ đĩa, bởi bê được mâm cơm vào thì chồng đã lại biến đâu mất, cô đành lại phải sang mâm hàng xóm lôi về lại. Mấy lần như thế. Ngồi vào mâm, vợ anh bảo chồng bưa, thời gian eo hẹp không giúp được gì cho vợ thì chớ lại gây cản trở, khiến cô trưa nào cũng cập rập. Nghe vợ càm ràm bằng cái giọng Quảng Trị chay, Hào Vũ ngẩn người, kết luận:
- Nói như Tây!
Tôi phải “phiên dịch” cho anh hiểu hết cái hay cái đẹp ẩn trong phương ngữ Quảng
Trị của vợ anh. Buổi chiều, đến lượt anh “phiên dịch” cho tôi hiểu hết cái
hay cái đẹp ẩn trong phương ngữ Nam bộ. Ấy là khi chúng tôi ra bến đò thị xã
để làm một chuyến ngược nguồn Vàm Cỏ tây về Vĩnh Hưng, Đồng Tháp. Lên đò, thấy
mấy bà mấy cô gồng gánh luớ quớ trước mặt, tôi hối:
– Dô… dô!
Hào Vũ cười:
– Tới chớ sao lại dô.
Lâu sau thấy mấy bà mấy cô vẫn luần quần luẩn quẩn, tôi hối tiếp:
– Tới… tới!
Hào Vũ cáu:
– Tới cái đầu mày, lúc này là phải nói dô, dô chớ.
Cuối cùng thì mấy bà mấy cô cũng đặt gánh xuống, và tôi chẳng biết để được vậy
họ đã “tới” hay “dô” nữa.
Đang lúc thủy triều lên,
Vàm Cỏ tây rộng mênh mông, nước xanh biêng biếc. Hào Vũ bảo khi thủy triều xuống,
nước sông chuyển màu vàng đục và đấy là điểm đặc trưng của hai con sông Vàm Cỏ
so với các con sông khác của Tây Nam bộ. Anh còn nói nhiều điều nữa. Tôi nghe
câu được câu mất, vì đang bị vẻ đẹp của dòng sông hút hồn…
Viết đến đây, đáng lẽ phải
nói về “Xa xăm” tiểu thuyết xuất bản gần đây nhất của Hào Vũ, tôi bỗng
muốn trở lại với “Đất không giấu mặt”, tiểu thuyết đầu tay của anh
ngày nào. “Dấu hiệu chắc chắn của bất kỳ một cuốn sách hay nào, đấy là
khi ta càng lớn tuổi ta càng thấy yêu thích nó hơn – Charles Darwin”.
Đọc lại “Đất không giấu
mặt” tôi rất phục tác giả trong nhân vật Mười Lê. Mười Lê là
một chỉ huy du kích có tài, dũng cảm và táo bạo. Anh biết chăm lo gia đình, lại
là người hết lòng yêu thương săn sóc đồng đội. Dưới con mắt nhân dân trong
xã, anh còn là một cán bộ giàu sức thuyết phục, nhưng giữa anh và bà Chín Kiếng
vẫn âm ỉ một mâu thuẫn, một đối lập. Đó là sự tranh chấp về đất đai. Quyền tư
hữu về đất đai, với người nông dân là vấn đề không dễ gì nhượng bộ. Những mâu
thuẫn âm ỉ Mười Lê trong kháng chiến, ngày nay khi đất nước chuyển từ cơ chế
bao cấp sang cơ chế thị trường đã bùng phát dữ dội, trở thành một vấn đề lớn
mang tầm vóc xã hội và chi phối mọi gia đình, gây nên không ít những bi kịch
đau lòng.
Nếu là một nhà văn sinh
trưởng trong môi trường sự sở hữu tư nhân về đất đai được thừa nhận thì đó là
điều bình thường. Nhưng Hào Vũ sinh ra, lớn lên ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Nơi tất cả, (đặc biệt là đất đai) đều đã hợp tác hóa. Nơi một cậu bé trong
trí tưởng tượng nhặt được một hào bạc của ai đó đánh rơi cũng đem nộp lại
công an, lớn một chút thì đi bộ đội, đánh giặc hết trận này đến trận khác, trở
thành “Thư ký của thời đại”luôn có được cái nhìn nhạy bén, ấy là do nhà
văn có văn tài. Trong quan hệ giữa văn chương với người viết, nếu cần nói một
câu chuẩn xác về anh, theo tôi,văn chương đã chọn Hào Vũ và đấy là sự chọn lựa
chính xác.
TP. Hồ Chí Minh, 9-2013
|
hãng eva air có tốt không
vé máy bay đi mỹ hãng eva
hang may bay korean
bán vé máy bay đi mỹ giá rẻ
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich