Trong cuốn hồi ký “Năm tháng
nhọc nhằn năm tháng nhớ thương” dày 566 trang của nhà văn Ma Văn Kháng, có khoảng
gần chục trang, ông kể về một người phụ nữ, người được ông gọi là “những kẻ tri
âm tri kỷ, hiểu nhau và quý trọng nhau” đầy trìu mến.
Ông cũng khẳng định: “Cái ngõ nhỏ nhà cô ở, những gì cô đã thấy, đã nghe, là cả một kho chuyện nhân gian. Chính chúng và cuộc sống hàng ngày của cô là những gợi ý, là nguồn cảm hứng cho sáng tạo của tôi... Cô là ăngten nối tôi với cuộc đời thường nhật gian nan. “Chuyện nhân thế nhờ em tôi biết được/ Tôi nhìn đời qua con mắt của em” (L. Aragon). Cô bổ sung cho tôi cái phần còn khuyết thiếu...”.
Ông cũng khẳng định: “Cái ngõ nhỏ nhà cô ở, những gì cô đã thấy, đã nghe, là cả một kho chuyện nhân gian. Chính chúng và cuộc sống hàng ngày của cô là những gợi ý, là nguồn cảm hứng cho sáng tạo của tôi... Cô là ăngten nối tôi với cuộc đời thường nhật gian nan. “Chuyện nhân thế nhờ em tôi biết được/ Tôi nhìn đời qua con mắt của em” (L. Aragon). Cô bổ sung cho tôi cái phần còn khuyết thiếu...”.
Bà Hoàng Tuyên làm MC ra mắt sách
của nhà văn Ma Văn Kháng
Và bà, một “người dưng” đã đến với cuộc đời của nhà văn Ma Văn Kháng, nâng niu
các tác phẩm của ông để nhà văn Ma Văn Kháng, với một gia tài đồ sộ các tác phẩm,
trở thành một tên tuổi lớn, một cây cao bóng cả trong văn học Việt Nam hiện đại.
"Đám cưới không có giấy giá thú" - Cuốn tiểu thuyết định mệnh
Nhà văn Ma Văn Kháng khẳng định rằng, trong suốt cả chặng đường văn nghiệp của
mình, ông vẫn thích cuốn tiểu thuyết "Đám cưới không có giấy giá thú”,
không phải nó đặt ra được vấn đề trí thức trong xã hội ta hay những khía cạnh
khác, mà nó được viết trong tâm thái tự nhiên, không dè giữ, thoải mái, không tự
kiểm duyệt mình, không rào đón, nó là hòn đá văng ra từ tay ông, như người
nguyên thủy ném chim thú trong cuộc săn bắt, nó không giống những cuốn sau này,
hình như ông đã khôn ngoan hơn.
Nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ: "Cuốn sách ấy đối với tôi có nhiều kỷ niệm,
đặc biệt nó là vật dẫn lối để tôi và người phụ nữ nọ gặp nhau và sau đó, trong
nhiều năm, cô trở thành người tri âm tri kỷ với công việc văn chương của tôi, với
tôi và với gia đình tôi.
Một ngày cuối năm 1990, khi tôi đang ở Trụ sở Nhà xuất bản Lao động, 31 Hai Bà Trưng,
thì nhận được điện thoại:
- Xin mời cô. Hiện giờ cô đang ở đâu?
- Em đang ở Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 65 Quán Sứ.
- Cô sang trụ sở cơ quan tôi ở 31 Hai Bà Trưng nhé!
Tôi nhận ra ngay người phụ nữ đó. Trạc băm bảy, băm tám tuổi. Mặt tròn, hai con
mắt đằm thắm. Cái gò mũi cao. Một nốt ruồi duyên bên má trái. Một vóc hình cân
đối. Một khuôn mặt tròn, duyên dáng và quý phái. Một vẻ đẹp vừa nhuần nhụy, vừa
lộng lẫy ẩn giấu trong bộ trang phục nhã nhặn, giản dị là cái áo sơ mi xanh trứng
sáo may kiểu cổ và cái quần âu màu nâu. Từ hôm ấy, cô hay qua lại NXB chúng tôi
với mục đích chủ yếu là mượn sách. Cô chăm đọc và đọc thì rất nhớ, có thể kể lại
thật tỉ mỉ với một trí nhớ ngôn ngữ khá chuẩn xác”.
Từ một diễn viên cải lương đến người phụ nữ độc thân mê sách
Người phụ nữ nhan sắc này lúc đó đang là diễn viên của Đoàn Cải lương Trung
ương. Người Hà Nội gốc. Bà đến với cải lương cũng thật tình cờ, năm ấy bà đưa một
người bạn đi thi tuyển vào Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương. Người bạn này
vốn nhát nên thi xong chạy ra ôm chầm lấy bà, lát sau cả hai đứng dậy đi về thì
một ông trong Ban giám khảo từ trong nhà đi ra, vẫy tay gọi bà vào thi dù bà đã
từ chối. Cuối cùng, chính bà lại là người đỗ vào trường.
Diễn viên thời bao cấp được ưu tiên đặc biệt. Phụ cấp thanh sắc chia ba loại:
loại diễn viên có tài, diễn viên chủ yếu và diễn viên thứ yếu. Bà xếp vào loại
thứ hai. Một tháng lĩnh thêm 48 đồng, hơn lương chính 46 đồng. Mà lĩnh toàn bằng
vật phẩm theo giá cung cấp gồm 8 hộp sữa, 2 cân thịt, 2 cân đường. Kèm theo bao
nhiêu là cá, gà, vịt, thức ăn chín... ăn không kể hết. Hàng tháng tiền dư ra bà
dùng vào việc mua sách.
Những ngày vô lo, tươi đẹp, huy hoàng. Những đêm diễn sáng rực ánh điện sân khấu.
Rực rỡ trong vai Nam Hậu vở "Khuất Nguyên", Bạch Tuyết trong vở
"Chiếc nhẫn ngọc", Lão bà trong vở "Kiều Nguyệt Nga", Tiên
em trong vở "Mẫu đơn tiên", bà Huyện trong vở “Nghêu Sò Ốc Hến”...
Say sưa trong vai hát các vở: "Khúc hát tình đời", "Biển tình
cay đắng", "Đôi dòng sữa mẹ"...
Bà có lối kể chuyện hấp dẫn, bởi lớp ngôn từ chân xác, bởi các chi tiết độc
đáo, bởi những hiểu biết sâu sắc lẽ đời. Bà vốn là con gái một công nhân lái xe
lửa gốc Hà Nội, sinh ở Tuyên Quang và sống ở một ngõ nhỏ trong phố Khâm Thiên.
Bà yêu sách và cái thời người ta không có đủ gạo để ăn thì bà đã mua được một tủ
sách từ thời bao cấp như bộ "Cội rễ", "Chiến tranh và hòa bình",
"Những người khốn khổ", "Tấn trò đời", "Bố già",
"Tội ác và trừng phạt", "Trăm năm cô đơn"...
Là người có năng khiếu giao tiếp, thông minh nhưng số phận hẩm hiu bà lại phải
về hưu khi mới ngoài 40 tuổi với quà tặng của Bộ Văn hóa là một cái phích nước
Trung Quốc và một triệu đồng. Bởi cảnh cải lương đang suy tàn trên đất Hà Nội.
Mỗi buổi diễn chỉ lèo tèo dăm bảy khách xem, đành phải trả lại tiền và cáo lỗi
với khán giả vậy. Những diễn viên, nhạc công nổi tiếng các đoàn bước vào thời kỳ
kinh tế mở, không sống được bằng nghề chính của mình, phải làm thêm những nghề
phụ để nuôi mình, trở thành ông chủ bà chủ hay người làm thuê ở các quán giải
khát, tiệm làm đầu, hiệu trang điểm cô dâu, shop bán quần áo...
Với khả năng đọc và nhớ vanh vách từng câu chuyện dài, đặc biệt là những đoạn
văn hay và độc đáo của văn học trong nước, nước ngoài, nên năm 1995, bà được
nhà văn Ma Văn Kháng và các nhà văn trong Ban Sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam
mời bà về làm thư ký văn phòng cho Ban.
Nhà văn Ma Văn Kháng trong hồi ký đã viết: "Đẹp và chín chắn, hiểu biết và
khéo léo, thông minh và dí dỏm, nhưng đến tuổi này, cô vẫn độc thân một
mình?". Nhà văn Xuân Thiều, "thầy tử vi" của Ban Sáng tác Hội
Nhà văn từng nói: Cô tuổi Mậu Tý, xinh đẹp, giỏi giang, người ngoài mềm trong cứng,
cô yêu ai thì phù trợ cho người đó rất nhiều, nhưng cung phu cực kém, toàn sao
xấu.
Một người bạn khác của nhà văn Ma Văn Kháng thì phán: Cô đào hoa ở giờ mãi, cuối
đời mới thăng hoa. Từ năm 1983 trở đi, trái tim đồng vọng với ai thì tùy, nhưng
nhiều người mến mộ mà toàn là bậc quân tử. Tình yêu của cô sẽ không chiêng trống,
nó là "đồng hỷ loan phượng", không hôn nhân nhưng hạnh phúc vì yêu
thương. Tình yêu của cô ở trong vòng đạo lý, đi đôi với âm đức. Riêng bà thì kể
về câu chuyện "độc thân" của mình với một chuyện tình thời còn trẻ. Một
mối tình có kết thúc buồn thảm và lỗi là ở phía người đàn ông. Đó là một thiên
tiểu thuyết diễm tình lâm ly, để lại một vết hằn oan khổ trong lòng người thiếu
nữ...
Như một lẽ tự nhiên, trước hết là vì tình yêu dành cho văn chương của nhà văn
Ma Văn Kháng, chẳng bao lâu sau, bà trở nên thân thiết với gia đình ông. Trong
hồi ký của mình, nhà văn viết: "Chủ nhật, ngày nghỉ, cô thường đến nhà tôi
chơi, nấu nướng, ăn uống, chuyện trò không dứt. Ngày thằng cháu ngoại đầu tiên
của tôi ra đời, cô đan tặng nó cả xấp bít tất chân, găng tay. Có quà gì là cô
cũng gửi cho Phòng, vợ tôi và các cháu. Ngược lại, Phòng và các con tôi đi đâu
xa về cũng có quà biếu cô. Cô tham dự cả công việc và sinh hoạt cùng gia đình
tôi.
Một lần con gái tôi Đinh Hoàng Ngân được biết đã có quyết định đi Mỹ tham gia một
khóa dạy học hè để bồi dưỡng nghiệp vụ của Sở Giáo dục Hà Nội rồi mà chưa nhận
được văn bản để kịp làm thủ tục, chúng tôi nhờ cô, cô đã khéo léo liên hệ lấy
được. Nam, cháu gọi Phòng là cô, thất nghiệp, tôi có người bạn là Bang Ngạn làm
giám đốc ở Xí nghiệp Vang Thăng Long, nhưng chính cô đã giúp cháu được vào làm ở
đó nhờ tài giao thiệp khéo léo của mình. Đôi khi trong gia đình, có chuyện gì
khó nói với con cái, tôi cũng nhờ cô".
Khi vào làm việc tại Ban Sáng tác, Hội Nhà văn, vốn là người thông minh, nên bà
là người đảm trách tốt nhiệm vụ người thư ký văn phòng. Mọi việc được giao bà
không chỉ hoàn thành mà tạo được không khí vui vẻ trong cơ quan. Bà cũng là người
đọc và nắm rõ các tác phẩm của các nhà văn và giữ được cả một kho tư liệu về họ,
bà cũng là tác giả của hàng trăm câu chuyện vui về các nhà văn đã đăng tải trên
các báo chí và in thành sách "Chuyện nhà văn", với một giọng văn vui
tươi, hóm hỉnh và duyên dáng.
Và trên hết, bà đọc kỹ các sáng tác của nhà văn Ma Văn Kháng. Không chỉ là một
độc giả, bà dần thành một "người quản lý" kho tư liệu về Ma Văn Kháng
với tất cả bộ sưu tập các tác phẩm của ông. Vào những năm gần đây, khi nhà văn
Ma Văn Kháng ốm đau hoặc bận rộn quá nhiều việc gia đình và cơ quan, nhiều lúc
bà còn là người trung gian thay mặt ông làm việc với các báo chí, nhà xuất bản.
Là một người hiểu biết và có đầu óc thẩm mỹ, bà thường đọc và góp ý cho những
sáng tác của nhà văn Ma Văn Kháng. Đi làm việc với các đối tượng sáng tác của
mình, có bà đi nói chuyện cùng, nhà văn thấy tự tin hơn. Bà bổ khuyết cho ông
các phần ông còn khuyết thiếu.
Trong hồi ký của mình, bà Hoàng Tuyên, với tên gọi thân mật là Thu An, được ông
khen ngợi là một nhan sắc, một tính cách, một phụ nữ với tất cả vẻ đẹp mặn mòi,
một thực thể đa đoan, phức tạp là nguồn vui sống mạnh mẽ mà may mắn ông đã được
gặp ở đoạn cuối cuộc đời. Bà cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm của
nhà văn Ma Văn Kháng. Điển hình là truyện ngắn "Ngẫu sự", một truyện
đã được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Đức, Thụy Điển.
Trong truyện, bà là một cô Phụng, một nghệ sĩ cải lương đang thất nghiệp. Là
nhân vật chính của các truyện ngắn: "Dóm, nhà thông thái tí hon",
"Nhiên, nghệ sĩ múa", "Bữa ăn trưa ở quán cây xoài",
"Một nhan sắc đàn bà", "Vòng quay cổ điển", "Bệnh nhân
tâm thần", "Chuyện tình trong ngõ nhỏ", "Trốn nợ",
"Một lần đi nghỉ trên núi cao", "Bong bóng bay", "Trưa
mùa thu trong sáng"...
Cũng là gương mặt trong các tiểu thuyết sau này của nhà văn Ma Văn Kháng. Ông
viết: "Tôi và An quen biết nhau thấm thoắt đã hơn 20 năm. Từ những năm đầu
của thập kỷ 90 thế kỷ trước. Thoạt đầu là quan hệ giữa một nhà văn và một độc
giả. Sau đó là quan hệ giữa những người cùng làm việc với nhau. Và sau nữa là
những kẻ tri âm, tri kỷ, hiểu nhau, cùng quý trọng nhau... Có một bóng hình
thân yêu như một ám ảnh nâng niu trìu mến cứ trở đi trở lại trong mỗi sáng tác
của tôi. Cô là một trong những ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo quan trọng của
tôi".
Với bà, định mệnh đã xoay vần, tạo nên một Hoàng Tuyên, một Thu An với một tính
cách điển hình giữa đời thường. Tôi biết bà đã lâu, cách đây hơn 10 năm khi tôi
đi phỏng vấn nhà văn Ma Văn Kháng, và vẫn vậy, bây giờ, khi tôi cần tư liệu, các
cột mốc đáng nhớ, cần một tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng... tôi vẫn tìm đến
bà, như một người thư ký cần mẫn và đầy trách nhiệm của ông. Ở Ban Sáng tác Hội
Nhà văn bà là người được nhiều nhà văn yêu quý, dù đôi lúc cũng nóng tính, cáu
kỉnh và... bất cần, nhưng bà khiến những người tìm đến bà dù với lý do nào đều
tin cậy và yên tâm khi làm việc.
Khi tôi nói với bà rằng, tôi kính nể bà vì cả một đời yêu quý và dành trọn tâm
huyết và chưa bao giờ nao núng để toàn tâm toàn ý "lo lắng" cho những
đứa con tinh thần của nhà văn Ma Văn Kháng, bà còn đùa: "Có gì đâu, tại
cháu không nhờ thôi, chứ cháu nhờ cô cũng sẵn sàng giúp!".
Tôi biết bà nói vậy để tôi vui, nhưng trong cách mà bà trân trọng, nâng niu các
tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng từ khâu bản thảo cho đến lúc nằm trên giá
sách, trong tâm thế của một người yêu văn chương, yêu nhân cách, yêu con người...
tôi bỗng hiểu vì sao, trong suốt chặng đường văn nghiệp của mình, nhà văn Ma
Văn Kháng đã có những tác phẩm hay, xứng tầm thời đại để lại cho đời.
vé máy bay eva airlines
đại lý bán vé máy bay đi mỹ
hang may bay korean air tai tphcm
đại lý vé máy bay đi mỹ
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich