Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Hồi ký Phạm Duy 1

Hồi ký Phạm Duy 1
Chương Một
Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Bóng in dài gác đời lẻ loi...

Cành Hoa Trắng 
Một buổi sáng tháng 6, 1951. Trên chuyến máy bay cất cánh từ Gia Lâm, lời chào tạm biệt Hà Nội chưa kịp tan trong lòng mọi người, gia đình họ Phạm đã tới Saigon vào một trưa hè sáng sủa và mát mẻ. Chúng tôi xuống sân bay Tân Sơn Nhất với một lời chào khác: Sài Gòn, chào em!
Trong chiếc xe ca chạy bon bon trên đường nhựa rộng rãi, dưới bóng rợp của hàng cây cao lớn, anh em trong gia đình nhà vợ xưa nay chưa biết mùi vị của những đô thị lớn, bây giờ nhìn Saigon như nhìn một thành phố ngoại quốc. Tôi có quá nhiều kỷ niệm với hòn ngọc Viễn Đông thời đi hát rong nên chỉ bồi hồi nhớ lại những ngày tháng vô tư và những đêm ca hát trong thành phố rộng lớn, sung túc, hoà bình và êm ả. Rồi tại đây, tôi còn có thêm những ngày náo nức, rộn ràng của thời chế độ bảo hộ Pháp được chấm dứt bởi cuộc đảo chính của quân đội Nhật. Ôi những ngày sau đó, những ngày tưng bừng và hiên ngang của thời Cách Mạng và Kháng Chiến.
Bây giờ, sau sáu năm xa cách và sau những biến động lớn, Saigon vào năm 1951 mở rộng cánh tay đón tôi trở về. Thành phố có vẻ sung túc hơn trước nhiều. Bằng cuộc chiến tranh tái chiếm Việt Nam, người Pháp đem vào Saigon súng ống của quân đội Viễn Chinh cùng với hàng hoá và tiền bạc (tiền Francs), nhất là với những sản phẩm văn hoá như đĩa hát, phim ảnh, sách báo của châu Âu, châu Mỹ.
Những năm vừa qua, tôi sống liên miên trong một xã hội nông thôn kháng chiến, tuy vĩ đại vô cùng nhưng cũng là khép kín. Đời sống đó rất giản dị và thiếu thốn vì phải sống dưới chế độ kinh tế tự túc (autarcie) của Mặt Trận Việt Minh. Nay vào tới Saigon chúng tôi sẽ được hưởng những tiện nghi -- dù còn nhũn nhặn -- của một xã hội tiêu thụ. Tuy nhiên, dưới bộ mặt hào nhoáng của thành phố này, tôi cũng cảm thấy sự chống Pháp âm ỷ trong lòng dân. Tại miền Nam vào lúc đó -- nhất là ở Saigon -- chưa mấy ai nhìn ra bàn tay thép được bọc nhung của Đảng Cộng Sản đằng sau Mặt Trận Kháng Chiến. Hào quang của chiến đấu vẫn còn chiếu sáng trong lòng mọi người.
Tôi đưa cả gia đình tới ở nhờ người bạn cũ Phạm Xuân Thái. Anh bạn suýt làm mục sư Tin Lành mảnh khảnh và nho nhã của tôi lại có cô vợ bé khác rồi. Người vợ trẻ măng tên Nguyễn Thị Thạnh là người tình cũ của Nguyễn Bình, vừa mới vào thành sau khi đã sống những ngày sóng gió nơi bưng biền có quá nhiều cuộc tranh chấp giữa Khu Trưởng Khu 7 và vài ba thủ lãnh của các tổ chức Hoà Hảo, Bình Xuyên. Đã tưởng quên được chuyện kháng chiến, nay qua Nguyễn Thị Thạnh tôi được biết chuyện đảng tranh đổ máu ở Nam Bộ. Chỉ vài tháng sau, chúng tôi buồn rầu nghe tin Nguyễn Bình bị bắn chết ở dẫy Trường Sơn trên đường ra Bắc.
Ơ chung với Phạm Xuân Thái trong ít ngày rồi chúng tôi dọn nhà bằng xe thổ mộ vào Thị Nghè. Đó là một căn phố nhỏ ở ngay cạnh chợ, chỉ có hai phòng nhỏ mà chứa đủ tám người lớn và một con nít. Sau những năm chịu gian khổ của tản cư và kháng chiến, gia đình Bắc Kỳ di cư này sống những ngày ổn định đầu tiên nơi cận đô êm ả. Chiều chiều vợ chồng tôi đẩy xe con nít đưa bé Quang đi dạo chơi trong Sở Thú. Để sinh sống trong cuộc đời đã đổi mới, chúng tôi tới hát tại Đài phát thanh Pháp-A (RADIO FRANCE ASIE), phòng thu thanh đặt ở Boulevard de La Somme (đường Hàm Nghi) gần chợ Bến Thành. Mấy anh em họ Phạm thành lập một ban hợp ca lấy tên là ban THĂNG LONG (tên này đã được dùng làm bảng hiệu cho quán phở gia đình ở Chợ Đại, Chợ Neo trước đây). Rồi cũng trong tâm trạng lưu luyến dĩ vãng rất gần, Phạm Đình Viêm lấy tên là Hoài Trung (nhớ Khu 4 chăng?), Phạm Đình Chương lấy tên là Hoài Bắc (*). Cô em út trong gia đình, Băng Thanh đổi tên là Thái Thanh để đi đôi với tên chị Thái Hằng.
Hát tại Đài Pháp-A , chúng tôi thành công ngay. So với các ca sĩ hay các ban nhạc khác, lối hát nhiều bè của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn. Chúng tôi còn có một nhạc mục phong phú hơn những người cùng nghề. Những bài hát như Về Đồng Quê, Về Miền Trung v. v... phản ảnh thời đại một cách sắc nét. Dân chúng vẫn có cảm tình với kháng chiến nên chúng tôi càng được hoan nghênh khi hát những bài đó. Lẽ dĩ nhiên, vì người Pháp còn đang chiếm đóng Saigon, lời ca phải sửa đổi ít nhiều. Sau này, những bài đó được in ra và hát lên với lời ca của nguyên bản.
Giám Đốc Đài Pháp-A là Jean Varnoux, người Pháp trí thức đầu hói, đối xử rất lịch sự với một cựu Việt Minh là tôi. Đó là nhờ anh bạn Hoàng Cao Tăng, chủ sự chương trình, tuy làm việc cho Pháp nhưng vẫn quý trọng những người đi kháng chiến, luôn luôn đề cao tôi với Varnoux. Anh Tăng hơn tôi 10 tuổi, tuy đã có hai vợ mà vẫn còn làm đỏm. Anh đúng là thứ công tử bột Hà Nội còn sót lại, quần áo bảnh bao, tóc dài như tóc triết gia (dân Hà thành gọi là kiểu tóc philosophe-triết gia) luôn luôn chải mượt, mặt không đánh phấn nhưng trước khi đi ngủ, anh bôi kem để giữ cho da dẻ được tốt tươi.
Đài Pháp-A là cơ quan thông tin tuyên truyền của Pháp nhưng không bao giờ tôi bị ép buộc phải lên tiếng về chính trị. Tôi không hề phải đề cao những con bài quốc gia mà Pháp đang đưa ra lúc đó hay chửi bới Việt Minh một cách hạ cấp. Khi mới thành lập năm 1946, Đài Pháp-A chưa có nhiều ca nhạc sĩ cộng tác. Chỉ mới có ban nhạc Trần Văn Lý với vài ca sĩ như Thu Hồ, Mạnh Phát, Minh Diệu, Thu Thu... Đài thiếu ca sĩ đến nỗi có một hôm, tới giờ phát thanh, Trần Văn Lý phải nhờ cô thông dịch viên Ngọc Trâm vào studio hát, rồi cô trở thành ca sĩ thực thụ và đổi tên là Minh Trang. Dần dần, số ca sĩ tăng lên, về phiá nữ, có thêm Ngọc Hà, người tình của Lê Trực, tác giả bài Tiếng Còi Trong Sương Đêm. Có Ngọc Thanh và chồng là Đức Quỳnh, có thêm Oanh Oanh, Kim Bằng, Ngân Hà... những ngôi sao non chỉ một thời chiếu sáng rồi từ từ khuất bóng. Trong phái nam, ngoài Thu Hồ, Mạnh Phát có thêm Anh Ngọc và người em là Ngọc Long. Có thêm ca sĩ tài tử là sinh viên Tôn Thất Niệm, sau trở thành bác sĩ tổng trưởng và thượng nghị sĩ.
Các nữ ca sĩ lúc trước đều dùng tên đầu là Ngọc (Ngọc Trâm, Ngọc Hà, Ngọc Thanh), bây giờ, để cũng giống như Minh Trang, Minh Diệu, các cô mang tên là Minh Tần (em Minh Diệu), Minh Nguyệt (vợ Trần Văn Lý), Minh Hoan (vợ Vũ Huyến)... Sau đợt các nữ ca sĩ "Ngọc" và "Minh" này là đợt Mộc Lan, Châu Hà, Linh Sơn, A nh Tuyết... tất cả đều đóng góp vào việc phát triển mạnh mẽ của Tân Nhạc. Ban Thăng Long với Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng lại càng làm cho Tân Nhạc ở Saigon trong đầu thập niên 50 thêm phần rực rỡ.
Đệm đàn cho ban Thăng Long tại Đài Pháp-A , ngoài U t thổi saxo, Nghiêm đánh contrebasse là người Việt, còn có thêm nhạc sĩ người Pháp như Méritan đánh piano, Barthélémy thổi trombone, Niflis (lấy tên Việt là Nghị Lực) kéo violon. Thu Hồ, Lê Thương cũng có những chương trình Tân Nhạc riêng. Trong ban Lê Thương có những nhạc sĩ về sau trở thành nhân vật lớn như Lê Minh Đảo (Tư Lệnh Sư Đoàn 18) đánh đàn banjo và Nguyễn Văn Minh (Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô) đánh đàn guitare. Thứ Trưởng Kinh Tế sau này của miền Nam Nguyễn Chánh Lý cũng là một nhạc sĩ của ban Thu Hồ.
Với một số ca sĩ và bài bản khá nhiều, Đài Pháp-A mở ra mục nhạc yêu cầu. Mục này giúp cho Đài đánh giá từng bản nhạc, từng ban nhạc hay từng ca nhạc sĩ và khiến cho Tân Nhạc không chỉ thịnh hành tại Saigon mà còn bung đi khắp nơi trong nước. Bài Về Miền Trung là bài được yêu cầu nhiều nhất trong hai năm 1951-52. Bài này phổ thông đến độ mỗi khi xe lửa sắp sửa rời ga Saigon ra Huế thì dân chúng được nghe phát thanh bài Về Miền Trung qua các loa lớn. Ông xếp ga Saigon hẳn phải là người rất yêu nhạc.
Ngoài việc giúp cho tiếng tăm của nghệ sĩ đi vào quần chúng rất nhanh và rất xa, đài Pháp-A còn tổ chức những cuộc tuyển lựa ca sĩ để đào tạo ca sĩ trẻ. Người giật giải nhất trong buổi tuyển lựa đầu đầu tiên là Tùng Lâm. Rồi tới Bích Thủy và thần đồng Quốc Thắng. Các ca sĩ Hùng Cường và Vân Hùng cũng xuất thân từ những buổi tuyển lựa tài tử này. Ca nhạc sĩ cộng tác với Đài Pháp-A được trả tiền thù lao rất hậu hĩnh: 100 đồng bạc Đông Dương cho mỗi ca sĩ trong mỗi chương trình. Mỗi tuần lễ hát ba lần, vị chi tiền lương cho mỗi người trong một tháng là 1.200 đồng. Đó là món tiền khá lớn vào thời buổi mà giá một bao gạo 100 kilô là 80 đồng.
Cũng như các ban nhạc khác, ban Thăng Long còn có thêm một nguồn lợi tức qua việc thu thanh đĩa hát. Sau Thế Chiến Hai, ngành đĩa hát trên thế giới đã tiến bộ hơn xưa. Ngay từ khi chúng tôi còn ở vùng kháng chiến, tại những nơi bị người Pháp chiếm đóng, họ cho nhập cảng những máy hát dùng loại đĩa microsillon, chạy với tốc độ 33 hay 45 tours một phút, thay thế cho máy hát cũ chạy với loại đĩa 78 tours.
Tân Nhạc ở Saigon lúc này đã có đất sống. Trước kia, các hãng sản xuất đĩa hát chỉ thu thanh cổ nhạc, nay khởi sự thu thanh tân nhạc. Có ba hãng đĩa là LÊ VĂN TAI (sau đổi tên là VIÊT NAM), ORIA và ASIA tranh nhau mời chúng tôi hát. Việc phổ biến âm nhạc qua những máy móc tối tân sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa với những máy chơi băng (tape recorder) mà quân đội Mỹ đem theo súng đạn vào Việt Nam khoảng giữa thập niên 60 với hai loại băng lớn (reel-to-reel) và băng nhỏ (cassette). Vào năm 1951 này, tôi mua được một máy ghi âm bằng giây thép, tiền thân của máy chơi băng. Dù vợ khuyên phải hà tiện nhưng tôi không tiếc tiền để thoả mãn sự tò mò về cái mới lạ trong nghề. Máy wire-recorder do Mỹ mới chế tạo dùng một cuộn giây thép để ghi lại âm thanh. Mười năm sau, người ta mới sáng chế ra thứ băng nhựa để giữ tiếng.

Khi tôi viết những dòng này thì trên thế giới, qua hình thức compact disc, kỹ thuật thu thanh và nghe nhạc bằng tia laser đã đạt tới mức cao nhất. Âm thanh trong compact disc được nghe bằng ánh sáng cho nên rất trong trẻo vì không còn có những tạp âm gây nên bởi cái kim trên đĩa hát hay bởi sự cọ sát của băng nhạc khi đi qua đầu máy. Đã có may mắn sinh ra trong thời phôi thai của kỹ thuật thu thanh, ghi lại tiếng hát và bài nhạc của mình vào điã hát 78 tours và 45 tours, tôi còn có vinh dự là người nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên thu thanh tác phẩm vào compact disc tại Hoa Kỳ trong năm 1987.
Quay về với năm 1951, ban Thăng Long được các hãng đĩa trả tiền thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Tôi cũng được mời hát vào dĩa microsillon 45 tours những bài Buồn Tàn Thu, Gánh Lúa... và còn giữ được kỷ niệm đó cho tới bây giờ. Tôi cũng được hãng dĩa trả tiền tác giả rất sòng phẳng. Ngoài ra, tôi có thêm tiền tác quyền của các nhà ấn hành bản nhạc như thế giới ở Hà Nội, TINH HOA ở Huế, SốNG CHUNG và A CHÂU ở Saigon. Lúc đó các học sinh rất thích làm collection những bản nhạc được in ra với khổ to như sách học trò hoặc với khổ nhỏ bằng nửa bàn tay, có tranh vẽ loè loẹt kiểu hoa hoè hoa sói, có thêm ảnh tác giả và ca sĩ trẻ măng, đẹp đẽ. Nghề ấn hành bản nhạc càng ngày càng khuếch trương với sự thành lập của cái tôi gọi là chợ trời âm nhạc. Các nhà xuất bản AN PHU, MINH PHAT trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ rồi ấn hành bản nhạc và bày bán trên quầy đặt tại vỉa hè, không cần cửa hàng to lớn. Tân Nhạc, vào thời này, mang tính chất bình dân, người khó tính gọi là nhạc vỉa hè, nhạc máy nước, người thức thời gọi là nhạc thời trang (!), nhạc thương phẩm.

Sau một thời gian ổn định cuộc sống và phát triển nghề nghiệp (từ đài phát thanh qua hãng đĩa), với kinh nghiệm đi hát với gánh cải lương trước đây, tôi tạo ra lối hát phụ diễn chiếu bóng. Có thêm sự cộng tác của Lê Thương, Trần Văn Trạch. Tại vài rạp cinéma, trước khi chiếu phim chính, chúng tôi ra mắt khán giả bằng mục attractions sur scène với chương trình tạp lục gồm vài tiết mục nho nhỏ như đơn ca, hợp ca, ca hài hước...
Về phần nhạc mục (répertoire) ban THĂNG LONG đã có một số bài rất ăn khách do tôi soạn từ trước như Nương Chiều, Gánh Lúa hay mới soạn như Tình Ca, Tình Hoài Hương... Ngoài ra những bài như Nhạc Đường Xa của Phạm Duy Nhượng, Đợi Anh Về của Văn Chung, Được Mùa, Tiếng Dân Chài của Phạm Đình Chương cũng được hát trước màn ảnh. Chúng tôi khai trương lối phụ diễn chiếu bóng này tại rạp Nam Việt đường Chaigneau, Chợ Cũ. Và thành công ngay. Rạp Văn Cầm Chợ Quán, rạp Khải Hoàn và rạp Thanh Bình ở khu Chợ Thái Bình tuần tự mời chúng tôi tới trình diễn. Trước kia, khán giả tới nghe tôi hát nhạc cải cách trong gánh ĐƯC HUY-CHARLOT MIỀU phải ngồi chung với những người chỉ thích nghe Hát Cải Lương. Bây giờ khán giả hoàn toàn là người thích Tân Nhạc và vì sự thẩm âm của dân có Tây học này Tân Nhạc phải có những bài mang nhạc tính Âu Tây. Tôi vốn chủ trương dân nhạc thì từ nay trở đi, loại dân ca của tôi cần được cải tiến.
Từ lối hát phụ diễn chiếu bóng thừa thắng xông lên, chúng tôi tổ chức những Đại Nhạc Hội (Théatre De Variétés) tại rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Aristo. Không còn là hát phụ cho phim chiếu bóng nữa, chương trình ca diễn của chúng tôi phong phú hơn nhiều. Các màn đơn ca, hợp ca hay nhạc cảnh vẫn do ban Thăng Long đảm nhận nhưng chúng tôi mời thêm các ca sĩ mới ra lò tới diễn chung. Tôi còn nhớ Anh Ngọc hát bài Tình Ca lần đầu tiên ở rạp Thanh Bình. Những tiết mục khác như hát hài hước thì, ngoài Trần Văn Trạch ra, có thêm Phi Thoàn, Xuân Phát. Mục nhẩy thiết hài (claquettes - tap dance) đã được công chúng thích từ khi được coi "giáo sư" Phúc trong gánh ĐƯC HUY- CHARLOT MIỀU. Bây giờ chúng tôi có một ban vũ gồm ba anh em Lưu Bình, Lưu Hồng và Mỹ An là những vũ sinh trẻ hơn, đẹp hơn, nhẩy múa hấp dẫn hơn vũ sư Phúc (Saigon có thêm một vũ sư thiết hài nữa là Nguyễn Thống). Kịch ngắn do Hoàng Hải (tên thật là Lưu Duyên, anh ruột của sĩ quan Không Quân Lưu Kim Cương), Hoàng Năm và Linh Sơn phụ trách.
Sau thời kỳ thử thách (1935-38) và thành lập (1938-1945), Tân Nhạc đã tới thời kỳ phát triển nhờ các phương tiện như đài phát thanh, nhạc tập, đĩa hát, phụ diễn chiếu bóng, Đại Nhạc Hội... Tân Nhạc thu hút toàn thể thanh niên nam nữ ở các thành phố lớn. Chỉ ít lâu sau, với phương tiện tape và cassette, cùng với vô tuyến truyền hình, Tân Nhạc đi luôn vào nông thôn và được tuổi trẻ, tuổi già mến yêu không thua gì Hát Cải Lương và Vọng Cổ. Đối với ban hợp ca Thăng Long là thành phần vừa mới từ biệt đồng quê khói lửa để vào nơi đô thị sầm uất, đời sống ở Saigon thật quá vui. Hai chị em Thái Thanh, Thái Hằng đã đuổi kịp các mốt đương thời, dung nhan trang điểm rất kỹ lưỡng, với bộ tóc được cắt ngắn và uốn quăn, với những áo dài đủ mầu, đủ kiểu... khác hẳn với mốt nâu sồngcủa ngày trước. Sự trang điểm còn kỹ càng hơn nữa vì mỗi đêm hai người phải xuất đầu lộ diện dưới ánh đèn chói lói của sân khấu. Nhiều phen tôi lên ruột vì phải ngồi chờ hai nữ ca sĩ này làm công việc tô son điểm phấn quá lâu.
Thái Thanh khởi sự làm mê hoặc lòng người bằng giọng hát hãy còn rất mỏng của cô bé 17 tuổi. Bước vào nghề hát vào tuổi dậy thì, dù chẳng theo học một lớp dạy hát nào, Thái Thanh rất thông minh để không phát âm theo kiểu rung mạnh (giọng lồng ngực) như Minh Đỗ hay kiểu đổ hột (giọng cổ họng) như A i Liên. Thái Thanh có lối hát rất việt nam, nghĩa là nhấn giọng vào từng chữ, giống như lối hát dân ca, hát Chèo, hát Chầu Văn. Giọng cô bé là giọng Thương Huyền được tăng trưởng vì bao trùm hai bát độ, đứng giữa hai giọng soprano và alto, nghĩa là có nhiều khả năng hơn tất cả các ca sĩ đương thời. Những bài như Tình Ca, Tình Hoài Hương với âm vực rất rộng, lúc đó được tôi soạn ra cốt để cho Thái Thanh hát và chỉ có cô mới hát nổi những nốt rất trầm (nốt Sol dưới) hoặc rất cao (nốt Sol trên) của hai tác phẩm này. Từ đó trở đi, đa số ca khúc của tôi đều dựa vào khả năng của giọng hát Thái Thanh. Cho tới khi tôi có thêm giọng Duy Quang, Julie và Thái Hiền.
Với những hoạt động văn nghệ càng ngày càng mạnh mẽ, chúng tôi thấy Thị Nghè hơi xa với những nơi làm việc. Phạm Xuân Thái nhường luôn cho chúng tôi căn phố anh đang ở tại đường Trần Hưng Đạo, Chợ Quán. Nhà nằm giữa đường đi từ Saigon vào Chợ Lớn, ngày đêm thiên hạ rầm rập đi ra đi vô sòng bạc ĐAI THẾ GIƠI (Grand Monde). Bến xe buýt ngay trước cửa nhà, mới tờ mờ sáng đã có tiếng phanh rít kéo chúng tôi ra khỏi giấc ngủ. Xe cộ chạy ầm ầm từ bốn giờ sáng cho tới hai giờ đêm. Mỗi đêm coi như chỉ có hai tiếng đồng hồ yên tĩnh.
Tôi không có đủ không khí lãng mạn để hằng đêm ôm cành hoa trắng tả tơi trở về gác đời lẻ loi như trong một bài hát mình vừa soạn ra năm trước. Bị mất ngủ, Thái Hằng gầy tọp như một cành liễu, còn tôi thì mặt mũi lúc nào cũng xanh xao như tầu lá. Phải mất một thời gian khá lâu, chúng tôi mới quen với những âm vang của thành phố và được ru ngủ bằng tiếng động cơ của đủ mọi loại xe: xe nhà binh, xe buýt, xe hơi (xe ô tô nhà), xe máy dầu (xe bình bịch) hay xe mô-by-lét và xe gắn máy là thứ xe ba bánh chuyên chở khách, chạy bằng mô tơ, với tiếng nổ đinh tai điếc óc.
(*) Lúc đó tôi cũng định lấy tên là Hoài... Nghi (!)
Lặng yên ta nói Cuội nghe
Ơ trên cung vắng làm chi?...

Thằng Cuội-- Lê Thương
Chương Hai
Lặng yên ta nói Cuội nghe
Ơ trên cung vắng làm chi?...
Thằng Cuội-- Lê Thương 
Vào những năm đầu thập niên 50, khi gia đình tôi kéo nhau vào Saigon, chúng tôi là một trong những nghệ sĩ Tân Nhạc đầu tiên hoàn toàn sống bằng nghề hát. Trước đây, chỉ có những cậu sinh viên, cô nữ sinh hát nhạc cải cách tài tử, hát chơi cho vui, không nhận tiền thù lao gì cả. Bây giờ, tối thiểu đã có một gia đình sống khá giả bằng nghề âm nhạc. Câu châm ngôn của Pháp la musique ne nourrit pas son homme được cải chính: âm nhạc nuôi được kẻ làm nhạc, chơi nhạc rồi. Xã hội không còn khinh những kẻ xướng ca vô loài nữa.
Tại thành phố Saigon trong thời hãy còn chinh chiến này, chúng tôi đã hát ra tiền chứ không còn là thứ dế mèn hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ như trong bài hát Thăng Cuội của Lê Thương. Cũng như một số các ca nhạc sĩ khác, trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh đồng tiền, trong nhà băng đã có những trương mục to nhỏ, gia đình chúng tôi đã có xe hơi Citroen, là loại xe hạng khá lúc đó (*). Riêng tôi có thêm xe scooter kiểu ý lùn tịt để đèo tài tử Nguyễn Long chạy khắp Saigon. Có lần chở bé Quang, bị tai nạn, hai bố con ngã văng trên đường, may đứa bé không bị vỡ đầu gẫy tay gì cả.
Chúng tôi đi tắm biển Vũng Tầu bằng tầu thủy, đi hát ở Cần Thơ bằng xe đò và tại Đà Lạt bằng xe lửa. Tới đâu tôi cũng nhận được cảm tình nồng nhiệt của khán giả cũ. Nhất là bây giờ có thêm bốn anh em họ Phạm trẻ trung và hát hay. Hát đâu cũng thành công nhưng vì tôi rất dở trong việc kinh tài nên thường bán giàn cho các ông bà bầu, giống như thời tôi đi theo gánh hát cải lương. Chúng tôi được nhiều nơi trong nước mời đi hát và trong năm 1953, dưới tên đoàn GIO NAM, cùng với Võ Đức Thu, Trần Văn Trạch và ban vũ Mỹ An... ban Thăng Long ra hát ở Huế, Hải Phòng, Hà Nội.
Lúc mới từ chiến khu trở về, trong một tháng trời ở Hà Nội, chúng tôi chưa hoàn hồn để có thể hát hỏng cho bà con Hà thành nghe. Bây giờ, ban nhạc mang tên THĂNG LONG cần phải được đăng ký ở ngay đất Thăng Long. Tôi không thể nào quên được sự nhiệt tình mà người dân Hà Nội đã dành cho ban Thăng Long và các nghệ sĩ khác của đoàn GIó NAM. Vì không mua được vé, nhiều thanh niên -- bây giờ đã công thành danh toại cả rồi -- phải trèo qua cửa sổ Nhà Hát Lớn để coi chúng tôi hát.
Vào năm 1953, nghệ thuật ca diễn của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn tất cả những gì dân chúng miền Bắc đã coi trong phạm vi Tân Nhạc. Lối hát bè và cách trình bày của ban Thăng Long là sự mới lạ vì chưa hề có một ban hợp ca gia đình với các giọng hát quyện vào nhau như vậy tại đất Bắc Hà. Trần Văn Trạch với mớ tóc dài và tác phong trình diễn đi trước phong trào hippy cả mấy chục năm đã đưa địa vị của những anh hề lên rất cao.
Võ Đức Thu, dù không đi kháng chiến một ngày nào cũng soạn ra bài An Phú Đông, trong lần Bắc du này, độc tấu dương cầm bài Một Ngày Đã Qua để vinh danh ngày Cách Mạng thành công ở Nam Bộ.
Đoàn GIó NAM ở lại Hà Nội trong vòng một tháng. Đã thành công về mặt nghệ thuật, tôi còn sung sướng biết bao khi được gặp lại thành đô yêu quý. Rồi cho rằng những buổi mình dắt vợ đi dạo chơi phố phường hay đứng trên cầu Thê Húc cho anh bạn Nguyễn Cao Đàm chụp ảnh, như những ngày trăng mật lần thứ ba của chúng tôi.
Khi ra hai miền ngoài, tôi có thêm một con trai và cho cả hai con Quang và Minh đi theo trong cuộc lưu diễn xa xôi này. Anh Nhượng cũng từ Thái Nguyên về Hà Nội, tôi giúp anh tiền để đem vợ con vào Saigon và dạy học ở Thủ Đầu Một.
Sau khi đóng vai trò khách quý của Hà Nội, tôi quay về nơi cư ngụ vĩnh viễn (!) là Saigon. Tại thành phố hoa lệ này, tôi có thêm biết bao nhiêu bạn mới. Trước khi hằng trăm hằng ngàn văn nghệ sĩ theo chân một triệu người miền Bắc di cư ồ ạt vào miền Nam sau Hội Nghị Genève (1954), tại Saigon vào khoảng 1952, 53 cũng đã có khá nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, hoạt động thường xuyên tại đài phát thanh, các buổi phụ diễn chiếu bóng và các đại nhạc hội. Ngoài ban Thăng Long còn có ban DÂN NAM với Anh Lân, Túy Hoa, Túy Phượng, nhóm VŨ HUÂN với Vũ Huân, Vũ Huyến, ban TAM CA Anh Ngọc-Văn Phụng-Nhật Bằng, ban THẦN KINH với Mộc Lan, Châu Kỳ, Vĩnh Lợi, ban SẦM GIANG của Trần Văn Trạch...

Trong số những bạn đồng nghiệp này, tôi yêu nhất nhạc sĩ Lê Thương (*). Rời Bến Tre, anh về Saigon làm nghề thầy giáo. Căn nhà nhỏ của anh đường Võ Tánh là nơi tôi đến chơi hàng ngày, hoặc rủ anh đi mua báo Pháp như PARIS MATCH, CANARD ENCHAINE ở hiệu sách PORTAIL đường Catinat... hoặc rủ anh đi ăn, đi chơi. Lê Thương làm thơ, làm nhạc rất bay bướm nhưng anh có cuộc sống rất giản dị. Người bạn trăm năm của anh không thuộc hạng tiểu thư lá ngọc cành vàng hay nữ sinh nhí nhảnh. Chị Lê Thương là người bình dân hiền lành mộc mạc, không bao giờ nhẩy sổ vào công việc của chồng, suốt đời lẳng lặng trông nom săn sóc chồng con.
Trước đây, tôi chỉ biết Lê Thương qua những bài hát tình yêu rất hay như Bản Đàn Xuân, Thu Trên Đảo Kinh Châu, Một Ngày Xanh, Nàng Hà Tiên... và Phần I của truyện ca bất hủ Hòn Vọng Phu. Bây giờ, tôi được biết thêm những bài anh soạn trong thời Cách Mạng và Kháng Chiến. Vào những năm đầu của cuộc chiến Nam Bộ, cũng như hầu hết những người trai của thời đại, Lê Thương đã có những đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chống xâm lăng, giành Tự Do Độc Lập của toàn dân. Một trong những bài hát có ảnh hưởng lớn trong dân chúng lúc đó là bài Bà Tư Bán Hàng:
Bà Tư bán hàng có bốn người con
Thằng Hai đã lớn, ba em hãy còn
Học theo các trường nhưng chửa thành nhân.
Năm Độc Lập kia trong nước Việt Nam
Mấy con của bà đều lên lối đường
Đầu quân chiến trường theo ý người dân.

Thì ra Lê Thương cũng đi vào kháng chiến để tạo những huyền thoại về người mẹ Việt Nam. Trong khi tôi chọn những bà mẹ ở thôn quê (Bà Mẹ Chiến Sĩ, Bà Mẹ Gio Linh) thì anh chọn nhân vật điển hình là bà Tư bán hàng trong thành phố, một người mẹ bình dân có bốn người con, vào năm Độc Lập kia (...) đều lên (...) đường kháng chiến. Lê Thương dùng ngôn ngữ của dân tộc để kể tiếp:
Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên
Suốt ba năm liền bà Tư mẫu hiền
Ngày đêm khấn nguyền cho mấy người con...

Rồi khi người con lớn chết trận thì bà thắp hương khấn vái hương hồn người con tử sĩ, xin dẫn dắt mấy đứa em trở về thành phố để sống với bà. Nhưng bà nhận được ba lá tình thư của ba đứa con xin được ở lại chiến khu để chiến đấu:
Bà Tư thắp đèn cầu khấn người con
Bà xin cho mấy đứa em hãy còn
Ở trong núi rừng, anh dẫn về cho.
Nhưng một ngày kia ba lá tình thư
Nói: Con bây giờ đường xa cách trở
Vậy xin kính thờ hai chữ tình thân...

Bài hát kết thúc với sự ý thức của bà Tư bán hàng về việc tự nguyện đi làm bổn phận công dân của các con. Bà tôn trọng ý nguyện đó và thắp đèn cầu nguyện cho các con mình trong chiến khu có được cuộc sống anh hùng.
Trước đây, tôi hi vọng một bài ca như Bà Mẹ Gio Linh có thể làm cho bộ đội dễ dàng lao vào đồn giặc, bây giờ, sau khi nghe bài Bà Tư Bán Hàng, tôi tin chắc chắn bài hát này làm cho thanh niên Saigon-Chợ Lớn ào ạt ra chiến khu. Và phải đợi ba năm nữa mới có trận Điện Biên Phủ nhưng tôi tin rằng kháng chiến nhất định phải thành công. Dù tác giả đã vào thành -- nghĩa là cũng dinh tê như tôi -- bài hát vẫn còn đó, vẫn còn sức đẩy thanh niên trong những thành phố miền Nam đi kháng chiến. Đó cũng là một trong những lý do để anh Lê Thương sẽ bị giam trong khám Catinat trong 120 ngày cùng Trần Văn Trạch và tôi, chuyện này sẽ nói tới trong những trang sau.
Lê Thương vào thành rất sớm. Vào năm 48, anh soạn bài Hoà Bình 48. Trên thế giới, chiến tranh lạnh đã khởi sự với việc Nga Sô phong toả Berlin và Hoa Kỳ dùng cầu không vận để tiếp tế cho dân chúng trong thành phố bị phong toả. Ở trong nước, sau khi Bảo Đại vận động với Pháp để được thừa nhận là Quốc Trưởng của một nước Việt Nam tuy độc lập và thống nhất nhưng phải gia nhập Liên-Hiệp-Pháp với tư cách một quốc gia liên kết, chánh phủ Nguyễn Văn Tâm đã được thành lập. Cờ vàng ba sọc đỏ và bài Thanh Niên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước đã được chọn làm quốc kỳ và quốc ca. Chính phủ quốc gia cũng như người Pháp cố tạo ra một không khí hoà bình.
Vào thời đó, nằm trên trục tuyên truyền của phe tả, chim bồ câu được chọn làm biểu tượng cho hoà bình. Hoạ sư nổi danh Picasso vẽ hình ảnh con chim bồ câu ngậm một chiếc lá, trông rất khoẻ mạnh. Nhưng anh Lê Thương của chúng ta cho rằng con chim đó đang bị đau nặng:
Con chim hoà bình đang đau nặng
Ngày và đêm càng thêm lo lắng
Đang lo chùi mài dao gươm đặng
Chờ ngày mai đem ra giết nhau...

Với bài hát phổ biến vào năm 48, trước hết, Lê Thương đã có cái nhìn ra quốc tế trước tôi. Phải tới thập niên 60 tôi mới soạn những bài hát như Người Lính Trẻ, Chuyện Hai Người Lính... đả động tới việc Việt Nam có thể đang làm cuộc chiến tranh ủy nhiệm của hai cường quốc Mỹ-Nga, dù rằng khi tôi từ Thanh Hoá về Hà Nội (1951), thấy có chiến tranh ở Triều Tiên thì tôi nhìn nhận thế giới đã chia ra hai phe rõ rệt. Tôi đã cho rằng bất cứ một cuộc nội chiến ở một nước nhỏ nào -- ngay từ bấy giờ hay là về sau -- cũng chỉ phản ảnh cuộc chiến giữa hai phe Tư Bản và Cộng Sản.
Bài Hoà Bình 48 là loại nhạc châm biếm-chính trị (satire politique) do Lê Thương dẫn đầu. Ngoài ý nghĩa chính trị, tác giả dùng ngôn ngữ đặc sệt miền Nam với những chữ như Tây vực, đặng...
Stalin cười hỏi sang Tây vực
Xin các ông chớ khiêu khích tôi
Truman cười khì ôm kho bạc
Nhử mồi, Tây Âu càng bối rối...

Bài này còn đả động tới cảnh xã hội miền Nam trong bối cảnh chiến tranh Việt Pháp:
Anh Ba Tàu ngồi kia nhậm xà
Chị hàng rong mải lo ai đá
Chú bán chè đậu xanh lo mời
Thầy dùng thêm một hai chén thôi...

Lúc đó vỉa hè thành phố Saigon đầy rẫy những hàng bán rong của người bình dân. Đội xếp thường tới đánh đuổi họ bằng những cái đá. Qua bài Hoà Bình 48, Lê Thương nói với chúng ta rằng: Làm gì có hoà bình khi thầy đội xếp tới đấm đá những gánh hàng rong hay đòi ăn hối lộ vài ba bát chè... Trong bài hát còn có câu: Rồi hàng đêm cà nông cứ ho... Làm gì có hoà bình vì trong đêm cứ nghe hoài tiếng súng canon cất tiếng ho.
Lê Thương còn soạn thêm những bài ca châm biếm như Liên Hiệp Quốc, Làng Báo Sài Thành, Đốt Hay Không Đốt (nói tới chuyện cô Quờn vì quá ghen mà đốt chồng bằng dầu săng, làm náo động dư luận Saigon-Chợ Lớn). Đó là những bài hát tủ được vào nằm trong nhạc mục những bài ca hài hước của Trần Văn Trạch gồm các bài Téléphone, Cái Đồng Hồ, Chuyến Xe Lửa Mùng Năm... Về phần nhạc cảnh, ba bản Hòn Vọng Phu của Lê Thương do ban Thăng Long diễn cũng là cái đinh của những buổi nhạc hội. Có thể nói những bản nhạc của Lê Thương là phần hồn trong quá trình ca diễn của chúng tôi trong những năm đầu thập niên 50 vậy.
Lê Thương cũng là người chuyên soạn nhạc cho thiếu nhi, thiếu niên qua những bài Thằng Cuội, Tuổi Thơ... Bài Học Sinh Hành Khúc anh tung ra lúc đó là một bài hát đầy tinh thần ái quốc. Về sau, bài Bà Tư Bán Hàng và bài Học Sinh Hành Khúc phổ biến đến độ có những lời ca nhại:
Học sinh là người hủ tiếu ăn hai ba tô...
Bà Tư bán hàng có bốn người yêu
Người yêu thứ nhất đi xe máy dầu...

Tôi vẫn quan niệm bài hát nào có lời ca nhại là bài hát thành công nhất. Tôi cũng cho rằng trong làng Tân Nhạc, Lê Thương là người trí thức nhất. Mỗi bài nhạc, mỗi giai đoạn nhạc của anh đều chứa đựng thông điệp. Qua những bài vừa soạn ra, ta thấy một thứ triết lý thời loạn của anh. Người nghệ sĩ này, khi đi vào cuộc đời và cuộc chiến, đứng hẳn về phía kẻ yếu. Bao giờ cũng vậy, khi có chiến tranh thì người dân bị trị lâm vào cảnh một cổ đôi ba tròng. Người nghệ sĩ không phải là một hiệp sĩ cứu nhân độ thế nhưng có bổn phận an ủi hay nói hộ người dân. Là một nhà giáo, anh Lê Thương còn đứng vào địa vị của người ưu thời mẫn thế để soạn những bài như Đừng Có Lo Lắng trong đó anh đưa ra một sự thật muôn đời: cao nhân tất hữu cao nhân trị. Bài hát có những câu:
Nghèo thì lo thiếu, giầu thì lo mất
Đi xe hơi (ô tô) có khi bị choáng u đầu...
Châu Do còn bị Gia Cát
Chín nút còn sợ ba tây
Mac Arthur tiên sinh còn phải về vườn...

Với bài này, Lê Thương nói: chưa chắc ai đã thắng ai trong cuộc chiến này, vậy thì xin người dân đừng lo, đừng buồn. Cũng giống như anh nói  sức mấy mà lo, mà buồn vậy.
Tuy rất kính phục anh bạn hơn tuổi nhưng nhìn vào tác phẩm của Lê Thương rồi gẫm thân nghệ sĩ của mình, tôi thấy khác anh trong vài khía cạnh. Có lẽ lúc đó tôi còn ít tuổi và còn đầy sự hoài nghi về cuộc đời và về thân phận mình nên không tự coi đã nắm được thời thế. Trước mọi nghịch cảnh, tôi không dám lên tiếng dạy đời, dạy người. Trong thời gian đi kháng chiến, tôi luôn luôn muốn thể nhập vào thực tại để thể hiện những tình cảm khác nhau. Khi đấu tranh, có Xuất Quân, Nợ Xương Máu, khi dính líu tới lịch sử, có Việt Bắc, Đường Lạng Sơn. Khi gặp thiên nhiên, có Nương Chiều, Thu Chiến Trường, gặp tình não nề, có Tiếng Đàn Tôi, Tình Kỹ Nữ, tính cuộc trăm năm là có Đêm Xuân, Chú Cuội và khi bất cần đời thì vượt Cầu Biên Giới... Không có gì là ưu thời mẫn thế trong những bài hát đó cả. Về sau, khi cuộc chiến leo thang, cuộc đời trở nên ê chề và tuổi mình đã cao, tôi mới thể nhập và thể hiện một cách khác, nghĩa là đem nội dung đạo đức đặt dưới hình thức tục tằn qua MƯƠI BAI TUC CA.
Ổn định cuộc sống và nói cho ngoa là đã thành công trong năm đầu tiên di cư vào Nam, tôi được hưởng luôn một bài học đáng giá của đời người trong một xã hội có cạnh tranh chính đáng hay bất chính. Trước đây, vô tư như một con bướm mùa Xuân hay ham vui như một con chuồn chuồn giấu tổ, tôi bước vào đời với tất cả tấm lòng trinh trắng, không hề phải thi đua với ai và chưa bao giờ bị ai cạnh tranh với mình cả. Tôi vào cuộc sống với tư cách một ca sĩ nhà nghề và khá nổi danh. Nhưng phải nói cho rõ là vào đầu thập niên 40, ca sĩ chuyên nghiệp dù thành công đến đâu cũng chỉ là hữu danh vô thực, nghĩa là danh vọng (!) thì có thể không ít mà tiền tài thì không nhiều. Nổi tiếng rồi nhưng so với đào kép Cải Lương, tiền lương của tôi rất nhũn nhặn. So với ca sĩ các nước tân tiến, tiền lương đó là... giẻ rách. Trong nghề hát ở Việt Nam lúc đó, tôi cũng chẳng có tới quá hai hay ba địch thủ. Thời tiền chiến, cả nước chỉ có hai anh chàng hát nhạc cải cách chuyên nghiệp. Dần dà, sau Tino Thân và tôi, mới có thêm Kim Tiêu và Mai Khanh thì hai cậu này là a-ma-tơ thứ thiệt. Rồi khi cùng toàn dân đi kháng chiến, ca sĩ như tôi trở thành văn công ngay lập tức, nghĩa là được nhà nước xung công để ca hát phục vụ cho người lính và người dân, được nuôi ăn bằng gạo, sắn và khoai, có lĩnh thêm chút tiền cụ Hồ để uống cà phê và cắt tóc.

Bây giờ thì khác, con bướm nhởn nhơ hay con chuồn chuồn la đà đã trở thành con ve sầu rộn ràng của một Saigon quanh năm mùa Hạ. Nó vẫn làm nghề ca hát và chỉ khác xưa ở chỗ đã có trách nhiệm gia đình, dù vợ con là nợ nần nhỏ, chưa phải là một gánh nặng. Nó cũng khác con ve sầu tài tử trong ngụ ngôn của La Fontaine, ayant chanté tout l été, se trouva fort dépourvu quand la brise fut venue... (Văn hào Nguyễn Văn Vĩnh dịch là: ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè, đến mùa gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối rối) vì đã có Đài phát thanh, có người mua bản nhạc hay đĩa hát, có khán giả coi phụ diễn chiếu bóng hay Đại Nhạc Hội trả tiền đầy đủ cho con ve chuyên nghiệp. Tại thành phố Saigon lúc này -- a ha -- từ một loài sâu đất đã thoát xác ra một đàn ve sầu khá đông đảo, chen vai thích cánh trong một cái chợ khá lớn, có khá nhiều cái nguýt lườm của những hàng thịt, hàng cá.
Một nhóm ca nhạc sĩ mà tôi chẳng cần phải nêu tên ra đây, ghen tị tài nghề đã đành, lại có ý tranh thương trước sự kiện chúng tôi quá thành công trong một ngành nghệ thuật đã trở thành thương phẩm hay thương vụ. Trước khi trở thành ca nhạc sĩ, trong khi mọi người đi kháng chiến, họ là những thanh niên ở lại trong thành và cộng tác với Pháp, nói thẳng ra là làm mật thám cho Phòng Nhì (Deuxième Bureau). Chính phủ (gọi là quốc gia) được thành lập thì mấy người này được chuyển qua làm việc trong Sở Công An Nam Phần, lúc đó nằm trong tay Mai Hữu Xuân, Trần Bá Thành. Các ca nhạc sĩ làm nghề Công An không được Đài phát thanh và hãng làm đĩa hát mời hát nhiều. Nếu họ đứng ra tổ chức Đại Nhạc Hội, đụng độ với chúng tôi, buổi diễn của họ sẽ vắng khách. Muốn triệt hạ chúng tôi, không khó gì cả, những ca sĩ kiêm công chức công an này bèn vu ngay cho chúng tôi là Việt Minh nằm vùng.
Thế là vào một ngày cuối năm 1951, Lê Thương, Trần Văn Trạch và tôi được cảnh sát công an tới nhà, còng tay đưa lên xe cây bít bùng chở về khám Catinat. Tôi không hiểu vì sao chúng tôi không bị chụp bao bố vào đầu như những người bị bắt khác vào thời buổi mà những lính kín ở bót Catinat đem sự khủng bố của họ ra để đối đầu với sự khủng bố của Việt Minh. Chúng tôi bị giam tại cái khám nổi tiếng ác liệt này trong 120 ngày. Từ ngày bị bắt cho tới ngày được thả, đối với ba anh chàng nghệ sĩ, không có một bản án ghi tội danh và một buổi hỏi cung nào cả. Khám Catinat nổi tiếng ác liệt vì nó là một phòng giam không rộng lắm nhưng Công An Nam Phần nhốt khoảng gần một trăm người vào đó. Trong phòng giam, ở bên ngoài hàng chấn song sắt, luôn luôn có thầy chú (coi tù) thay phiên ngồi canh những người bị giam. Suốt trong 120 ngày ở đây, ba anh em nghệ sĩ chúng tôi -- cũng như mọi tù nhân khác -- phải làm màn thoát y thường xuyên vì phòng giam nóng như lửa đốt. Mấy ngày đầu thấy ngượng nhưng dần dà nhìn các bạn tù ở truồng... tôi phì cười. Xưa nay quần áo thường che dấu những chỗ ít mỹ thuật nhất của thân thể. Bây giờ những bộ phận xấu xí của đàn ông được phô ra. Trong tháng đầu tiên tôi căm tức mấy thầy chú vì họ hay văng tục với người bị giam nhưng trong hai tháng sau thì tôi thương hại cho họ. Chắc họ làm nhiều điều lầm lỗi trong kiếp trước nên bây giờ suốt ngày họ bắt buộc phải ngồi nhìn sinh thực khí xấu xí của chúng tôi. Người Việt Nam thường hay tốc váy, tốc quần và chìa hạ bộ ra để chửi nhau. Thầy chú nhìn chúng tôi cởi truồng như vậy là nghe chúng tôi chửi thầm đấy.
Ban ngày cũng như ban đêm, vì phòng giam chật cứng, mọi người đều phải thay phiên kẻ đứng người ngồi. Chỉ người già yếu mới có chỗ để nằm co chân mà ngủ. Chỗ được quây lại làm cầu tiêu là chỗ rộng rãi nhất và được dành cho những người vừa bị tra tấn nằm nghỉ. Một người tù già -- được phong là ngục vương vì vào tù ra khám thường xuyên, đang nằm ở bót Catinat chờ ngày ra đảo -- cho tôi ưu tiên tới ngồi dựa lưng vào bức tường của nơi phóng uế đó, mùi phân trộn với mùi máu và mồ hôi của khám Catinat sẽ ám ảnh tôi rất lâu. Sau này, khi được đọc tập thơ Hoa Địa Ngục của Nguyễn Chí Thiện, tôi rung động rất nhanh với câu thơ:
Chỗ tôi nằm sáu mươi phân chiếu rộng,
Giữa hai người một hủi, một ho lao...

... vì tôi chợt nhớ tới một ngày trong 120 ngày bị giam giữ ở cái khám này, ngồi bên cạnh một người vừa bị tra tấn, được chở xuống khám lúc nửa đêm, sáng hôm sau anh ta là một xác chết. Đã làm quen với sự khủng bố ngay từ thời Cách Mạng mới thành công và trong thời gian đi theo kháng chiến, tôi không sợ hãi khi nghe thấy tiếng la hét của những người bị tra tấn bên cạnh phòng giam. Nhưng khi trèo lên vai bạn tù nhìn qua khung cửa sổ có chấn song sắt, thấy những nữ tù nhân được dẫn vào phòng giam gần đó thì tôi mủi lòng, nghĩ rằng những thiếu nữ kia có thể bị làm nhục ngoài sự tra tấn thông thường.
Tuy nhiên, trong những ngày nằm khám Catinat, tôi không buồn rầu hay đau khổ. Tôi chỉ nhớ con vô cùng và chỉ lo cho Thái Hằng, chắc chắn đang quá lo lắng vì chồng bị bắt và không được thăm nuôi. Không một lúc nào tôi cho rằng mình đang bị lâm nguy cả. Hình như đa số người Việt Nam thuộc thế hệ tôi là lớp người ngu ngơ trước sự nguy hiểm (người Pháp gọi là inconscient du danger). Giống như lúc đi kháng chiến, chưa chắc tôi là người can đảm lắm đâu. Tôi hồn nhiên đi vào cuộc chiến vì chưa bao giờ ý thức được sự hiểm nguy hay sự dễ chết trong chiến tranh. Bản năng tự vệ trong con người chỉ mạnh lên khi đã biết mùi nguy hiểm. Thế giới được nếm mùi Thế Chiến Một và Thế Chiến Hai rồi nên rất sợ xẩy ra Thế Chiến Ba.
Trong lần bị bắt giam ở Cà Mâu vào năm 45, vì không có chuyện gì ghê gớm xẩy ra nên tôi không lo sợ trong lần bị bắt vào năm 1951 này. Ngày bị Tây bắt ở Cà Mâu, tôi còn thấy đó là một vinh dự. Nay bị thứ người quốc gia (**) -- mà tôi cho là tay sai của Pháp -- bắt giam thì có gì là nhục nhã để tôi phải đau buồn hay thù hận nhỉ? Nhất là lý do để bắt ba nghệ sĩ này được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh bất chính của vài đồng nghiệp chó săn và là sự dằn mặt của Công An Nam Phần đối với những người đã soạn bài hát cho Việt Minh. Tôi sẽ nhớ mãi một điều: đừng bao giờ chờ đợi ở những người quốc gia như phe nhóm Mai Hữu Xuân có một chính sách tốt đẹp nào đó đối với văn nghệ sĩ.
Nếu tôi biết mùi bót Catinat và không bị khiếp đảm thì có nhiều người bị bắt giam ở bót này, khi được thả ra thường hay làm tăng huyền thoại khủng bố của nó nên cái tên bót Catinat đã gieo một sợ hãi lớn trong lòng người dân Saigon Chợ Lớn. Vào thời đó, những người đi chơi hay có công việc phải đi trên đường Catinat, khi tới trước mặt bót, không ai dám đi trên lề đường cả. Kể cả dưới thời Ngô Đình Diệm sau này, khi bót Catinat trở thành địa điểm của Bộ Nội Vụ, người đi trên hè đường bên này vẫn còn bị ám ảnh bởi tiếng tăm của cái bót cũ nên đều muốn lảng qua hè đường bên kia.
Sự bất hạnh đến với tôi vào năm 1951 bị niềm lạc quan cố hữu trong tôi đánh tan đi, nhưng hai anh bạn Lê Thương, Trần Văn Trạch có vẻ mất tinh thần. Ngay sau đó họ tránh làm mọi sự có tính cách khiêu khích chính quyền và về sau, khi thấy tôi soạn tâm ca, tâm phẫn ca và tục ca, nhớ lại chuyện cũ, họ khuyên tôi phải nên giữ mồm giữ miệng. Nhưng tôi là kẻ tuy cũng biết sợ súng nhưng luôn luôn giả vờ mắc bệnh điếc tai. Bây giờ phải nhắc lại chuyện xưa trong một cuốn Hồi Ký, tôi chỉ muốn nhớ tới bài học quý giá trong một xã hội tiêu thụ: phải tránh gây nên sự tranh thương bất chính nơi những người tự coi là địch thủ của mình. Đừng bao giờ tạo cho họ cái cảm tưởng mình làm vỡ nồi cơm của họ.
Ngoài ra tôi còn muốn ngỏ lời cám ơn tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà đã an ủi tôi rất nhiều trong suốt 120 ngày tôi bị giam giữ. Tôi còn muốn đưa ra một lời chê bai Pháp thực dân và tay sai của họ là những kẻ thiếu óc thẩm mỹ vô cùng. Ai lại giữa thành phố Saigon hoa lệ, ở một khu được coi là thanh lịch nhất nước, trên con đường nổi tiếng về các khách sạn to lớn, về các cửa hàng lộng lẫy khiến cho trai tài gái sắc đua nhau lượn phố, nhất là trước mặt ngôi thánh đường vĩ đại và tôn nghiêm... mà lại duy trì một cái khám giam người chật chội, bẩn thỉu, hôi thối như vậy.
(*) Sau này còn đổi xe Citroen lấy xe Hoa Kỳ mui trần mầu vàng, rồi đổi qua Mercedes (mua lại của Nguyễn Long).
(**) Vào lúc này, Pháp thừa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất. Trên danh nghĩa, tôi từ bỏ Việt Minh để về với quốc gia, dù còn là quốc gia trong Liên Hiệp Pháp.
Chương Ba
Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa, dân trong làng
Trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê...
Tình Hoài Hương 
Gần hai năm đã trôi qua, kể từ ngày tôi bỏ vùng quê vào Hà Nội, rời miền Bắc vào miền Nam, lo ổn định nơi ăn chốn ở và thu xếp công kia việc nọ tại Saigon, rồi đi hát chỗ gần chỗ xa, rồi còn được mời vào nằm chơi trong khám Catinat suốt bốn tháng... tôi không có thì giờ hay cảm hứng để sáng tác, ngoài việc phổ nhạc bài thơ Tiếng Sáo Thiên Thai của Thế Lữ thành một bài tango, bài này được soạn ra để đáp ứng nhu cầu hát đôi (duo) của hai chị em Thái Thanh Thái Hằng.
Khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài Tình Hoài Hương (1952). Nằm trong loại huyền thoại quê hương mà tôi tạo ra nhờ có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình và trong thời chiến... bài hát này không còn là một bài đối cảnh sinh tình như trước đây nữa. Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lià. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó. Rồi khi một triệu người khác, trong một thời gian khác -- nghĩa là sau ngày lịch sử 30 tháng tư năm 75 -- phải vượt trời, vượt biển ra khỏi bán đảo chữ S thì bài Tình Hoài Hương của 20 năm trước lại trở thành một bài hát rất hợp tình, hợp cảnh cho con số một triệu người đó, kể từ năm đó trở đi.
Bài hát nói tới sự nhớ thương con sông đào xinh xắn, nhớ phiên chợ chiều xa tắp, nhớ vòm tre non và làn khói ấm hương thôn nơi đó, trong mảnh đời thơ ngây của tôi, có con trâu lành nằm mộng bên đàn em bé, có mẹ già yêu dấu ngồi nghe tiếng sáo chơi vơi... Chao ôi là nhớ nhung! Ngày hôm nay nhắc tới bài hát Tình Hoài Hương tôi còn thấy từ lúc ngồi nhớ con sông đào ngây ngất ở chốn quê cũ vào năm 1952, tôi đã mơ ước có một chiều xoay hướng để tôi được vượt qua những đại dương sâu thẳm, đi khắp các lục địa bao la, sống vui trong mối tình muôn đường... Không ngờ 23 năm sau, tôi đi tị nạn chính trị là thực hiện giấc mơ vượt cầu biên giới trở thành con người phiêu lãng của bài hát hoài hương xa lơ xa lắc. Rồi từ đó, được đi khắp năm châu bốn bể, dù nhiều phen nước mắt có chẩy về miền quê lai láng, cũng xin cám ơn cuộc sống vô cùng.

Tại sao vào cuối năm 1952 này tôi có nổi một niềm nhớ quá lớn lao như vậy? Nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng chưa đủ, còn phóng tâm tư đi tới những mối tình muôn đường của hàng ngàn phương trời mình chưa hề đặt chân tới. Cũng có thể vì sức sáng tác bị dồn nén sau gần hai năm bây giờ mới được toàn vẹn tung ra chăng? Ngồi một mình trong đêm tối ở căn nhà thật yên tĩnh nằm trong cái ngõ dài trên đường Phan Thanh Giản (sau đổi tên là Ngô Tùng Châu) -- chúng tôi vừa dọn tới vì không chịu nổi sự huyên náo của đại lộ Trần Hưng Đạo -- tôi không chỉ làm công việc thụ động là nhắc lại ca dao mà phải tích cực hơn, nghĩa là phải đối thoại với ca dao:
Ai về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, tôi nhớ hàm răng cô mình cười
Ai về mua lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời ngây thơ...

Đây cũng là lúc tôi không phải đầu tắt mặt tối vì công việc dẫn dắt ban Thăng Long đi hát nữa. Mấy anh em họ Phạm đã quen với nghề đi hát rồi. Tôi cũng có thêm bạn bè khác ngoài Lê Thương, Trần Văn Trạch. Hai anh bạn cũ là Nguyễn Đức Quỳnh và Hoàng Trọng Miên đã dinh tê vào Hà Nội rồi cùng gia đình di cư vào Nam. Tôi gặp lại họ thì rất thích thú vì chúng tôi đã có chung với nhau những ngày sinh hoạt văn nghệ hào hứng ở Chiến Khu IV.
Mới xa vùng Thanh Hoá chưa quá hai năm, tôi vẫn chưa quên được không khí hào hùng của thời cả nước lên đường. Sự có mặt của hai anh bạn Quỳnh, Miên còn giúp tôi trả lời một số người quen hay không quen ở Saigon, vì chưa nhìn thấy bàn tay Cộng Sản đằng sau Mặt Trận Việt Minh nên vẫn còn giữ nguyên những cảm tình đối với kháng chiến và thường tự hỏi tại sao những người như tôi lại bỏ kháng chiến về thành? Rồi đây, còn có thêm Hồ Hán Sơn và Đinh Hữu, cựu anh hùng Điện Biên Phủ -- hãy khoan nói tới các văn nghệ sĩ khác, cùng với một triệu người Bắc di cư trong năm tới -- trả lời hộ tôi.
Từ ngày vào Nam cho tới nay, tôi chỉ có Lê Thương là bạn thân thiết. Bây giờ ngoài nhạc sĩ họ Lê, tôi có thêm Nguyễn Đức Quỳnh là người có một hiểu biết rất bách khoa để tôi học hỏi thêm về nhiều lĩnh vực. Và để trao đổi những chuyện tâm tình nữa. Suốt trong hai năm 53-54, tôi và anh Quỳnh gặp nhau hằng ngày. Là nhà văn, nhà báo, cùng với Hoàng Trọng Miên, Nguyễn Đức Quỳnh được mời viết báo ĐƠI MƠI của Trần Văn Ân. Đó là tờ báo nổi tiếng nhất của miền Nam thời đó, bìa báo trông hấp dẫn như tờ NEWSWEEK hay tờ TIME của Hoa Kỳ vậy. Tôi bị anh Quỳnh kéo tới toà báo ĐƠI MƠI sinh hoạt rồi trở thành người bạn trẻ của những nhân vật nổi tiếng trong giới làm văn học và chính trị miền Nam như Trần Văn Ân, Hồ Hữu Tường, Tam Ich, Lê Văn Siêu... Trước khi dùng hai căn nhà gỗ ở đường Thành Thái và Phan Thanh Giản làm một thứ đàm trường để qui tụ bạn bè, anh Quỳnh đã biến toà soạn ĐƠI MƠI là nơi gặp gỡ của giới làm văn học nghệ thuật trong Saigon-Chợ Lớn. Tại đây anh khởi sự nói về sự cần thiết phải vượt chủ nghĩa Mác, cho rằng chỉ có người Việt mới "vượt" được chủ nghĩa này.
Là người bạn mới của tờ ĐƠI MƠI, được anh em trong toà soạn đè ra phỏng vấn, tôi tuyên bố (!): Sau khi nói lên vinh quang và nhọc nhằn của dân tộc (qua những bài ca kháng chiến), bây giờ tôi đi vào tình tự quê hương. Bàn thảo với Nguyễn Đức Quỳnh, rồi anh ta có loạt bài Người Việt Đáng Yêu, Đất Việt Đáng Yêu, Tiếng Việt Đáng Yêu đăng trên báo ĐƠI MƠI và sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca, xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam, đăng trong số Tết 1953 của báo này. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời...

Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi. Thật là may mắn cho tôi là nói lên được phần nào bản sắc quốc gia (identité nationale) qua bản Tình Ca này.
Trong quá khứ, các bậc tiền bối chưa kịp làm công việc đó vì đã có lúc chúng ta có một cuộc nội chiến khá dài. Đó là 200 năm phân tranh giữa hai miền Đàng Ngoài-Đàng Trong. Trong khoảng từ những năm 1600 cho tới 1800, người trong nước khó có được sự đồng nhất quốc gia. Ở Đàng Ngoài, sĩ phu Bắc Hà không có thì giờ và phương tiện để tìm hiểu bờ cõi giang sơn mỗi ngày một thêm bành trướng với cuộc Nam Tiến. Ở Đàng Trong, sĩ phu bận bịu với những lo toan kiến thiết ở địa phương. Ở miền nào kẻ sĩ phải phục vụ vua quan của miền đó. Tuy là một nước nhưng có hai bộ máy chính trị và văn hoá. Do đó, chưa hề có tác phẩm nào nói lên được một ý thức quốc gia toàn diện. Tới khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà và đất nước mở rộng hơn nữa về phía Nam, trong khoảng 50 năm ngắn ngủi, các nhà nho của triều Nguyễn chưa kịp đưa ra một hình ảnh quốc gia trọn vẹn nhất thể, nhất tề, nhất trí thì người Pháp tới xâm lăng Việt Nam. Trong 80 năm nô lệ sau đó, bản sắc quốc gia trong văn học nghệ thuật Việt Nam chưa kịp hình thành thì bị xé nát bởi chính sách chia để trị của Pháp, cố tình đề cao sự khác biệt giữa ba miền và giữa những người dân trong một nước, khiến ta mất đi ý niệm quốc gia đồng nhất. Khi có những phong trào phục quốc như Cần Vương, Văn Thân... ý thức quốc gia vẫn còn mang ý niệm bảo hoàng, phong kiến.
Định mệnh khiến cho tôi, một ca nhân tầm thường, qua một bản tình ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.
Với một tình cảm không còn bị giới hạn trong ranh giới địa hình hay tâm lý như vậy, tôi sẽ suốt đời là người độc lập trong sáng tác. Nghĩa là tôi đi thẳng tới quốc gia, dân tộc mà không cần đi qua con đường chính trị. Trước khi nước Việt bị chia đôi bởi hoà hội Genève, ngay từ lúc này, tôi đã quyết định không bao giờ là người của bên ni hay là của bên tê. Tôi chỉ muốn phục vụ dân tộc Việt Nam mà thôi.
Bài Tình Ca được mọi người yêu thích ngay. Nó nói tới quê hương đất nước nhưng cũng nói luôn tới tiếng nói và con người nữa. Là bài hát tình ca quê hương nhưng nó còn là bài hát tình tự dân tộc. Tôi thấy cần phải tiếp tục soạn loại ca khúc này. Lúc đó, tôi còn mang trong lòng nhiều hình ảnh khó quên của thời kháng chiến cho nên tôi dùng bài Bà Mẹ Chiến Sĩ mà tôi soạn tại Vinh vào năm 1949 làm bài mở đầu cho một bộ ba (trilogie) về con người Việt Nam. Đó là ba bài Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê. Những nhân vật của thôn ổ này bổ xung một thế giới trong âm nhạc của tôi, đã từng có những anh hùng vô danh, người Vệ Quốc Quân, chị du kích, kẻ ra đi, người trở về, anh thương binh v.v... Cùng với bài Bà Mẹ Gio Linh trước đây và với bài Bà Mẹ Phù Sa sau này, bài Bà Mẹ Quê là bước đầu của huyền thoại Mẹ, dần dà sẽ được tôi dẫn đến địa vị cao sang nhất trong Trường Ca Mẹ Việt Nam. Được viết ra từ lâu nhưng 40 năm sau, ta vẫn có thể hát bài Bà Mẹ Quê:
Miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà ngủ thiu giấc say...

Bài Vợ Chồng Quê là xu hướng nhạc tình của tôi, xu hướng này đã khởi đi từ những bài hát nói về cuộc tình đơn sơ để sẽ vươn tới những tình khúc chan chứa hạnh phúc và khổ đau trong huyền thoại Tình Yêu. Bài này như muốn nhắc lại kỷ niệm riêng của vợ chồng tôi:
Một ngày sang thu, một buồng cau tơ
Quanh co lối xóm những tà áo mới
Mẹ già yên lòng, thiếu nữ mơ mòng
Các em nhi đồng trống ếch khua vang...

Bài Em Bé Quê là tiền thân của loại bé ca sau này, những huyền thoại Tuổi Thơ, lúc nào cũng chỉ muốn nhắc nhở tới sự trinh trắng rất cần thiết cho con người phải sống liên miên trong một xã hội điên đảo vì chiến tranh và thù hận:
Vàng lên cánh đồng, khi trời vươn ánh dương
Trẻ thơ lớn dậy giữ quê, giữ vườn
Đời vui thái bình, cây lúa trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức trâu ăn đầy đồng...

Vào thời điểm này không phải chỉ có tôi viết về đất nước mến yêu hay soạn những bài hát nhớ quê hương khi đang sống trên quê hương. Cuộc di cư năm 54 của một triệu người đã khiến Vũ Thành soạn bài Giấc Mơ Hồi Hương, Hoàng Dương viết bài Hướng Về Hà Nội. Khi những bài xưng tụng quê hương được phổ biến mạnh mẽ tại các thành phố miền Nam thì các nhạc sĩ trẻ như Hoàng Thi Thơ, Lam Phương cũng soạn những ca khúc lấy tình quê làm chủ đề như Trăng Rụng Xuống Cầu, Gạo Trắng Trăng Thanh, Lúa Mùa Duyên Thắm, Tình Lúa Đêm Trăng. Họ cũng phát triển dân ca nhưng trong phạm vi nhạc thuật, họ dùng những nhịp điệu Nam Mỹ như rumba, mambo. Khi in ra thành bản nhạc, họ ghi rõ ràng là dân ca rumba hay dân ca mambo. Dòng nhạc "mambo bolero" được Việt hoá này sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ với bộ ba Lê-Minh-Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng) và với Trần Thiện Thanh tức Nhật Trường với những bài hát xưng tụng tình yêu của tuổi choai choai.
Về phần tôi, trong thời gian khởi sự sáng tác lại, ngoài việc xưng tụng quê hương, với cái tuổi mới ngoài 30 một tị, tôi cũng xưng tụng ái tình qua những bài chịu ảnh hưởng giai điệu dân ca như Đố Ai, Hẹn Hò... Tôi lại làm việc đối thoại với ca dao. Người xưa đố ai biết lúa mấy cây, biết sông mấy khúc, biết mây mấy tầng. Bây giờ tôi đố ai tìm được tim ai, hay đố ai nằm ngủ không mơ. Về nhạc ngữ, tôi đang làm công việc thử thách phát triển dân ca. Bài Đố Ai là sự biến đổi của điệu hát du trong HAT Ả ĐAO. Bài Hẹn Hò được xây dựng trên giai điệu ngũ cung, kể lể một câu chuyện tình thảm thiết, giống như chuyện Ngưu Lang Chức Nữ:
Một người bèn ra ven sông
Buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu trong khi mưa Ngâu
Bỗng ngừng ngang đầu
Cuộc tình thương đau êm êm
Trôi theo nước suôi về đâu?
Hẹn hò gặp nhau Thiên Thu
Cho phong phú đời người sau.

Đây là lúc tôi hay nói tới chuyện thiên thu. Phải sống bon chen với thực tại, thỉnh thoảng tôi muốn sống với viễn mơ. Huyền Chi, một cô em bán vải ở Chợ Bến Thành đưa cho tôi phổ nhạc bài thơ nhan đề Thuyền Viễn Xứ. Bài thơ này nói tới tâm trạng một người Bắc Việt, phải rời bỏ bến Đà Giang để vào sinh sống tại miền Nam. Phổ nhạc xong bài thơ nhớ miền viễn xứ, trong tôi lại nổi dậy sự viễn mơ của bài Bên Cầu Biên Giới năm xưa, tôi bèn soạn bài Viễn Du, một bài hát ra đời vào đầu thập niên 50 mà lại phù hợp với cảnh người Việt Nam lũ lượt ra sông ra khơi sau năm 1975:
Ra sông! Biết mặt trùng dương
Biết trời mênh mông
Biết đời viển vông
Biết ta hãi hùng...

Bài này cũng nói luôn tới niềm vui của người đã vươn được từ tình quê hương tới tình thế giới:
Ra khơi! Thấy lòng phơi phới
Thấy tình thế giới
Thấy mộng ngày mai
Thấy niềm tin mới...

Còn trong tuổi 30, qua bài Viễn Du, tôi ước ao được rời bỏ cá thể để đi vào đại thể, đi từ tiểu tình ca tới đại tình ca. Nhưng làm được những cuộc viễn du, rồi say hương kinh kỳ, quay cuồng cùng ánh sáng chói loà của nhịp đời dương thế, không ai có thể xoá hết được lối về của lữ khách đâu. Phải ra đi, và đi thật xa, nhưng nếu có ngày được trở về với những núi mờ, những xóm dừa và làn tóc ngây thơ thì lại phải viễn du nữa. Miễn là trong cuộc lữ hành, người ra đi biết mình mang thiên thu trong lòng này và nắm tương lai trong bàn tay. Bài Lữ Hành ra đời ngay sau bài Viễn Du:
Người đi trên dương gian
Thở hơi gió từ ngàn năm
Gió lung lay Hoành Sơn
Gió dâng cao Biển Đông...

Người còn đi trong thanh xuân, đi giữa không gian, đi trong nhân gian... đi luôn luôn giữa hai đường tử sinh. Một lối đi mà tôi còn ruổi rong mãi mãi. Lữ Hành sẽ kéo theo những bài như Xuân Hành, Dạ Hành, coi như tiếp tục cuộc ra đi của tôi, khởi sự với Xuất Quân, Khởi Hành, Về Đồng Quê, Đường Về Quê hay Con Đường Cái Quan. Chỉ khác một chút là không những chỉ đi trên đất nước hay trong lòng người mà còn phải đi trong tâm tưởng nữa.
Đây cũng là lúc bài nhạc bán cổ điển Danube Bleu của Johann Strauss do tôi soạn lời Việt từ 1948 ở Chợ Neo được hai chị em Thái Thanh Thái Hằng luôn luôn hát tại phòng trà, tại Đài Phát Thanh hay Đại Nhạc Hội và được hoan nghênh nhiệt liệt. Cũng như Thuyền Viễn Xứ, Viễn Du hay Lữ Hành, bài ca mang tên Dòng Sông Xanh này phản ảnh sự viễn mơ của tôi, nhưng sự mơ ước của tôi là được sống mối tình ở bên bờ sông của thành Vienne chứ không phải là chết bên dòng sông Danube... Cùng với những bài ca Âu Mỹ cổ kim có giá trị khác mà tôi soạn lời Việt từ lâu như Trở Về Mái Nhà Xưa (Back To Sorriento), Mối Tình Xa Xưa (Célèbre Valse của Brahms), Tình Vui (Plaisir d Amour)... bài Dòng Sông Xanh làm nên sự nghiệp của Thái Thanh và đi vào kỷ niệm của ba bốn thế hệ tình nhân Việt Nam.
Những bài hát tình ca quê hương, tình tự dân tộc hay mang tinh thần viễn mơ... đều được soạn ra trong căn nhà gỗ nằm trong hẻm Phan Thanh Giản. Lúc đó tôi đang tận hưởng hạnh phúc gia đình với một vợ hai con, sống chung với cha mẹ và anh em nhà vợ, không một lúc nào phải lo lắng tới công ăn việc làm, tiền tài, sức khoẻ... Chúng tôi cũng có thêm niềm vui lớn là đón được những người thân thích vừa lục tục di cư vào Saigon, như gia đình Chú Tư (chú ruột Thái Hằng), gia đình anh Nhượng, tới ở tạm với chúng tôi một thời gian ngắn.
(*) Lê Thương là người quá hiền lành. Cặm cụi soạn xong cuốn tự điển Danh Từ Âm Nhạc thì bị ngay một người bạn (xin giấu tên) đánh cắp đem in. Thấy vậy, anh chỉ nở ra nụ cười méo miệng, thương quá!
Chương Bốn
Người đi, đi không thôi
Ngày thế giới lên nguồn vui...
Lữ Hành 
Vào thời điểm này, Bảo Đại đã được Pháp thừa nhận là Quốc Trưởng của một nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Nhưng vì những chánh phủ đều do những người nổi danh là thân Pháp như Trần Văn Hữu hay Nguyễn Văn Tâm cầm quyền và Việt Nam vẫn phải gia nhập Liên-Hiệp-Pháp với tư cách một quốc gia liên kết thì sự độc lập và thống nhất đó không thuyết phục được ai cả.
Sinh hoạt của Nguyễn Đức Quỳnh và tôi cũng không chỉ đóng khung trong báo chí hay âm nhạc. Ban ngày gặp nhau ở toà soạn ĐƠI MƠI, ban đêm chúng tôi kéo nhau đi coi Cải Lương. Hồi còn làm việc ở Khu IV với tướng Nguyễn Sơn và Đặng Thai Mai, anh Quỳnh phụ trách công tác trí vận (vận động trí thức), nói cho sát hơn là vận động văn nghệ sĩ, đặc biệt là giới Cải Lương để tích cực tham gia kháng chiến. Bây giờ không có tối nào anh không kéo tôi và đạo diễn Hoàng Trọng Miên tới các rạp hát. Chúng tôi làm quen với các ông bà bầu và các đào kép của nhiều gánh hát Cải Lương như THANH MINH, HOA SEN, PHƯƠC CHUNG... và hay lui tới rạp ARISTO để khuyến khích vua Cải Lương Bắc Hà là Trần Viết Long đã dám cả gan đem tiếng chuông vàng (gánh KIM CHUNG) từ Hà Nội vào khua tại cái nôi của Vọng Cổ này. Giống như thời tôi đi theo gánh hát, tôi lại được sống với ánh sáng và âm thanh của sân khấu là những thứ dễ dàng tạo nên sự hứng khởi trong lòng người.
Khi anh Quỳnh và tôi tới chơi với anh chị em trong ngành Cải Lương, chúng tôi nhận thấy, ngoài những vở tuồng bắt chước phim Mỹ, phim Nhật như SAMSON & DALILAH và RASHOMON, đã có những soạn giả đứng đắn với những vở tuồng có nội dung cao. Người nổi tiếng nhất là soạn giả Trần Hữu Trang. Về sau, anh ta sẽ là Chủ Tịch Hội Văn Nghệ Sĩ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Lúc đó, giới Cải Lương bị giới làm chính trị rất chú ý. Nghệ sĩ Duy Lân, đang diễn tuồng LUNG CẦY NHUM MAU (hay LẤP SÔNG GIANH?) tại rạp Nguyễn Văn Hảo thì bị ném lựu đạn. Anh (thoát chết nhưng) bị cụt chân. Sự khủng bố ở Việt Nam không lúc nào ngưng và không chừa một ai cả!
Dù đã được hân hạnh quen biết các đào kép thượng thặng như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân v.v... từ năm 1944 nhưng mãi tới bây giờ, nhờ anh Quỳnh kéo tôi vào sinh hoạt sân khấu tôi mới được các anh Bẩy Nhiêu, Duy Lân... tặng cho những tài liệu đánh máy để tôi dùng trong việc biên soạn một chương viết về nhạc Cải Lương trong cuốn sách ĐĂC KHẢO VỀ DÂN NHAC VIÊT NAM.
Nhưng ngoài thú giao dịch chặt chẽ với các giới làm văn học nghệ thuật, lúc này Nguyễn Đức Qùynh hoạt động chính trị tích cực hơn hồi ở Khu IV. Tình thế lúc đó sôi nổi vì lá bài Bảo Đại vừa được tung ra để đối đầu với Hồ Chí Minh. Một người rất trung thành với Bảo Đại là Phan Văn Giáo lại là bạn đồng học khi xưa của anh Quỳnh. Ông ta mời anh ra Huế cộng tác. Anh được trao toàn quyền để tổ chức một tờ báo với mục đích tranh thủ nhân tâm. Nhận làm việc cho một ông vua mà anh Quỳnh lại đặt tên báo là DÂN TRÊN HẾT. Điều này khiến cho bà Từ Cung, mẹ của Bảo Đại không bằng lòng. Toà báo ngưng hoạt động, nhưng không phải vì vậy mà anh Quỳnh bỏ về Saigon ngay. Khi ra Huế, anh Quỳnh rủ tôi đi theo để tổ chức một thứ làng văn nghệ giống như ở Khu IV trước đây. Chúng tôi cùng với Võ Đức Duy, Vĩnh Phan làm việc trong một thời gian nhưng khi nhận thấy ông Thủ Hiến Trung Việt không phải là Khu Trưởng Nguyễn Sơn và ông Bảo Đại không được lòng dân thì chúng tôi kéo nhau về Saigon.
So với hai lần trước, lần này tôi ở Huế khá lâu. Tôi có đủ thời giờ để biết Huế hơn xưa, biết yêu những con đường thật nhỏ và yên tĩnh (yêu nhất con đường mang tên Âm Hồn) dẫn tôi đi vào những căn nhà êm đềm và gặp cuộc sống rất thầm lặng của những người tôi đã vô phép gọi là của xứ dân gầy. Tôi ít khi gặp một phụ nữ Huế béo tốt, ngoại trừ Mụ Tôn là chủ nhân của một con đò sông Hương để tôi xuống nằm chơi với Vĩnh Phan, Võ Đức Duy, Tchya (Đái Đức Tuấn, nhà thơ đàn anh chúng tôi gọi là "Tẩy Chià") và vài nhạc sĩ cổ truyền của xứ Huế, khi hút thuốc phiện, khi nghe ca kỹ sông Hương hò hát. Kết tình với một người đẹp tên là Ngọc Túy, tôi cao hứng soạn lời ca cho điệu Nam Bình để nàng hát giữa đêm thâu. Chao ôi, còn gì sung sướng hơn được nằm gối đầu vào lòng người ca kỹ trong khoang thuyền nhỏ bé của con đò Vỹ Dạ, nghe tiếng hát lan xa trên mặt nước im lìm, tiếng hát mơn trớn làn da, vỗ về trái tim, xúi giục yêu đương. Được ôm ấp những cô gái Huế khác, tôi thấy đó cũng là những núi lửa đang ngủ yên, chỉ cần một chút động đất là nổ tung lên.

Tuy nhiên, dù là kẻ rất ham mê những thú vui nhục dục, tôi cũng biết đi tìm con người và cảnh vật của Huế để thấy được khía cạnh thanh tao của những ngày ở nơi cố đô này. Lững thững đi chơi một mình nơi chùa Thiên Mụ hay tại những lăng tẩm vô cùng thầm lặng. Làm quen với những người nếu không là Công Tằng Tôn Nữ thì cũng thuộc thành phần cao trong xã hội, có lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ duyên dáng dễ thương, tôi có nhiều cảm hứng để soạn bài Dạ Lai Hương:
Đêm thơm như một giòng sữa
Lũ chúng em êm đềm rủ nhau ra trước nhà...

Những ngày ở Huế, tôi cảm thấy đời ngon như men say và vui như ong bay. Vì tình (tình đây là tình người) lên phơi phới, tôi xin được nhẹ bàn chân, nhẹ bàn tay để nâng niu mật sống lâu dài. Soạn bài hát thơm tho này cũng là để nhớ tới mẹ một ngày Hưng Yên xa xôi nữa. Về sau, lần nào trở về Huế, tôi cũng cảm thấy đêm thơm như trong bài Dạ Lai Hương vậy.
Khi tôi ra Huế để cùng Nguyễn Đức Quỳnh giúp chính quyền trong vấn đề văn nghệ và sau khi được coi như một người bạn thân rồi, tôi tìm hiểu thêm về anh Quỳnh và thấy anh là người rất bạo trong ý nghĩ, trong lời nói, nhưng lại rất e dè trong hành động. Đã nhiều lần, trong những công tác ở đây, anh không trực tiếp hành động mà giao việc cho tôi. Có một lần Thủ Hiến Phan Văn Giáo muốn anh Quỳnh từ Huế lên Đà Lạt gặp Bảo Đại để bàn chuyện chính trị thì anh đùn cho tôi đi thay. Tôi lại có dịp yết kiến cựu hoàng một lần nữa, lần này, tôi rất ngượng vì tự thấy không đủ kiến thức về chính trị để trình bày với một quốc trưởng. Khác với lần gặp gỡ trước, tôi thấy ông vua bây giờ có vẻ mặt buồn của một người cô đơn.
Tháng 9, 1953. Các đảng phái Việt Nam công kích Chính Phủ (Nguyễn Văn Tâm) quá thân Pháp khiến có những dư luận cho rằng Việt Nam muốn từ bỏ Liên Hiệp Pháp. Bảo Đại, từ Pháp, phái Hoàng thân Bửu Lộc về triệu tập Quốc Dân Đại Hội. Đại Hội sẽ gồm 200 đại biểu chọn trong các đảng phái, đoàn thể tôn giáo, kinh tế, xã hội... để phát biểu về hai vấn đề: 

1) chủ quyền quốc gia phải được tới mức nào? 
2) thể thức hợp tác với Pháp ra sao?
Từ Huế trở về Saigon sau đó, cùng với Trần Văn Ân, anh Quỳnh trở thành quân sư cho các lực lượng chính trị miền Nam. Rồi trong Đại Hội Quốc Dân mà Bảo Đại giao cho Bửu Lộc tổ chức, với tài ăn nói và sự hiểu biết sâu rộng về chính trị, anh Quỳnh đóng một vai trò khá quan trọng. Tôi bị anh lôi kéo vào làm đại biểu của Đại Hội. Với tuổi mới ngoài 30 và cái tính rất tò mò, tôi cũng đi ra đi vô các giới Hoà Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài (*) như một chính trị gia thực thụ. Tôi được gặp lại thầy Trần Trọng Kim, lúc đó là chủ tịch Quốc Dân Đại Hội và thấy thầy già hẳn đi. Thấy tôi đã phần nào trưởng thành trong khói lửa (sic), thầy Kim hết coi thường cái thằng Cẩn ngỗ nghịch ngày xưa rồi. Đó là lần cuối cùng tôi gặp người cha đỡ đầu.Vài năm sau, thầy qua đời ở Dalat.
Đây là lúc tôi có thêm một người bạn mới là Hồ Hán Sơn. Anh thanh niên người Hà Tĩnh này, tên thật là Hồ Mậu Đề, mới từ vùng Việt Minh vào miền quốc gia. Tại Saigon, anh tìm đến những người cựu kháng chiến như anh Quỳnh và tôi. Rồi do đó, gặp những người bạn khác. Là người giỏi về chính trị, Hồ Hán Sơn được chính trị gia miền Nam có cảm tình ngay. Anh được mời viết cho báo ĐƠI MƠI và mời làm đại biểu trong Đại Hội Quốc Dân. Trong Đại Hội, anh làm quen với Nguyễn Thành Phương và gia nhập hàng ngũ Việt Nam Phục Quốc Hội. Rồi được giới thiệu với Hộ Pháp Phạm Công Tắc để nhận chức Đại Tá của Cao Đài. Cộng tác với báo ĐƠI MƠI, với sự thúc đẩy của anh Quỳnh, Hồ Hán Sơn mở ra mục Trả Lời Thắc Mắc. Anh tạo ra những câu hỏi để giáo dục độc giả về chính trị. Cộng tác với Cao Đài, anh viết cuốn Nghệ Thuật Chỉ Đạo Chiến Tranh khiến cho Tướng Trình Minh Thế rất phục. Hồ Hán Sơn được tháp tùng phái đoàn Việt Nam đi dự Hội Nghị A-Phi ở Bandung, Nam Dương vào năm 1955. Liên hệ giữa tôi với Hồ Hán Sơn là một bài thơ của anh nhan đề Chầy Tre Cối Đất (đăng trên báo dưới bút hiệu Hồng Nam) do tôi phổ nhạc thành một bài dân ca nhan đề Tình Nghèo:
Nhớ thuở nào, anh cầy thuê, em dắt trâu
Đôi ta cùng gặp nhau dưới cầu...
Nhớ thuở nào, anh làm công, em gánh rong
Miếng trầu cau nên đôi vợ chồng...
Đôi vợ à chồng...

Lúc đó chúng tôi còn ngây thơ lắm. Đều mong đôi tình nhân nghèo thành vợ thành chồng, sớm có ngày chầy tre cối đất phải được thay thế bằng cầy xe cối máy để hằng năm hai mùa lúa chín ngô nhiều. Bao nhiêu năm đã trôi qua, Hồ Hán Sơn đã chết từ lâu, tôi xa quê hương đã gần cả đời mình, người nông dân ở nước nhà tiến lên cảnh cầy xe cối máy hay lùi lại cảnh người bừa thay trâu cầy? Bài Tình Nghèo đi theo bài Vợ Chồng Quê và còn kéo thêm một bài nữa, bài Hò Lơ, là chủ trương phát triển dân ca mới của tôi. Hình thức là nhạc ngũ cung, nội dung diễn tả đời sống thôn ổ, sau khi nói tới mối tình của người miền Bắc, tôi vẽ ra tâm tình của người miền Trung và miền Nam. Bài Hò Lơ này còn có pha nét nhạc Vọng Cổ:
Yêu em tấm áo thô sơ dãi dầu nắng mưa
Vẫn chưa phai mối tình...

Tôi thân với Hồ Hán Sơn vì anh là một tay chơi khủng khiếp. Anh hay kéo tôi tới Khu Bình Khang, một khu nhà chứa vĩ đại được mở công khai gần Ngã Bẩy, nơi có hàng trăm căn phòng ân ái, phòng nào cũng gắn gương chung quanh tường và trên trần khiến cho khách làng chơi có thể soi gương nhau nhớ mãi hình hài như trong lời ca của bài Giã Từ Ac Mộng của tôi sau này. Tôi phải công nhận Hồ Hán Sơn là một người tình dữ dội. Gái giang hồ cũng phải vỗ đít chàng, tấm tắc ngợi khen.
Xa Hồ Hán Sơn trong hai năm, sau khi đi du học ở Pháp về, tôi nghe tin anh bị người em -- tên Danh -- của Nguyễn Thành Phương (Cao Đài) thủ tiêu, xác bị ném xuống giếng. Đi tìm người chết, người em tên Hồ Mậu Hoè nhận ra xác anh qua giây đai nịt mang chữ S. Cái chết của anh Đại Tá họ Hồ này thật oan nghiệt vì anh có tài nhưng rất kiêu căng nên bị nhiều người ghen ghét. Theo nhà cách mạng Nhị Lang trong cuốn sách viết về Tướng Trình Minh Thế, chỉ vì nhận lời mời ăn cơm với Bộ Trưởng Trần Chánh Thành mà anh bị nghi là phản bội anh em trong thời gian Cao Đài chống lại ông Diệm. Đã từng được hưởng một bài học về sự cạnh tranh bất chính của mấy ca sĩ mật thám, sau cái chết của Hồ Hán Sơn, tôi học thêm một bài học khác: Sống trong vùng quốc gia, phải biết nhũn nhặn, phải biết giấu tài (!), phải biết kìm hãm sự háo thắng được chừng nào hay chừng nấy.
Có mặt trong Đại Hội Quốc Dân là một hân hạnh lớn cho tôi vì được tham dự một cuộc tập tành thực hiện dân chủ qua những cuộc thảo luận sôi nổi của người quốc gia, đòi Việt Nam phải được đứng ngoài Liên Hiệp Pháp và chỉ liên hệ với Pháp qua một hợp ước liên minh bình đẳng. Đại Hội còn yêu cầu Quốc Trưởng Bảo Đại biến Quốc Dân Đại Hội này thành Quốc Hội Lập Hiến. Phản ứng của người Pháp là một bản công hàm chất vấn Bảo Đại về yêu cầu này. Bửu Lộc được lệnh phải can thiệp để Đại Hội sửa lại một câu trong bản tuyên ngôn: Việt Nam độc lập không tham gia Liên Hiệp Pháp dưới hình thức hiện thời.
Trước khi tham gia đại hội này, tôi đã nuôi giấc mộng xuất ngoại. Chiến tranh Việt-Pháp là cơ hội cho giới tài phiệt thuộc địa và các tay đầu cơ chính trị đẻ ra vụ chuyển ngân, cho phép những người có chương mục ở Banque de l Indochine (hay những ngân hàng phụ) được chuyển tiền qua Pháp với hối suất 1$ Đông Dương ăn 17 Francs (gấp đôi hối suất thường). Trong hai năm liền, tôi gửi được một số tiền francs khá lớn qua Pháp. Không cần tới học bổng của chính phủ, tôi đã có đủ tiền để đi du học tự túc.
Vì ủng hộ giải pháp Bảo Đại, Bình Xuyên là lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt của miền Nam và được hưởng những quyền lợi to lớn như tiền chứa thổ đổ hồ của hai sòng bạc Đại Thế Giới, Kim Chung và của khu Bình Khang nói trên. Việc xuất ngoại nằm trong tay Lai văn Sang, Giám Đốc Cảnh Sát Công An và Lai Hữu Tài, cố vấn chính trị của lãnh tụ Bình Xuyên Lê Văn Viễn tức Bẩy Viễn. Đóng vai trò đại biểu trong Đại Hội giúp tôi gặp gỡ các ông này hằng ngày và tôi được cấp giấy thông hành đi Pháp một cách dễ dàng. Trong khung cảnh Đại Hội Quốc Dân, sự giao thiệp giữa tôi với Bẩy Viễn rất tốt đẹp nên khi được Bảo Đại hứa giao cho chính quyền, ông ta nghe lời Nguyễn Đức Quỳnh đề nghị, mời tôi cộng tác và hứa cho làm Giám Đốc Đài Phát Thanh. Tôi từ chối vì tự thấy mình không đủ khả năng.
Tháng 11 năm 53, Pháp mở cuộc hành quân CASTOR, đổ bộ sáu tiểu đoàn chiếm đóng Điện Biên Phủ để lập một căn cứ với mục đích ngăn không cho quân đội Việt Minh tràn qua Lào và đồng thời cũng là để bảo vệ miền trung du Bắc Việt. Tướng Navarre còn muốn dùng căn cứ này để nhử quân đội Việt Minh tới đánh, hi vọng sẽ diệt tan lực lượng quân sự đối phương. Qua năm 54, tình hình Việt Nam mỗi ngày một khẩn trương. Pháp đã bị khó khăn trong việc chống đỡ những cuộc tấn công của Việt Minh tại Điện Biên Phủ, lại còn phải đàm phán với Việt Nam quốc gia để kiện toàn nền độc lập của nước này và ấn định sự liên kết giữa hai nước Việt-Pháp trong khuôn khổ mới của Liên Hiệp Pháp. Hội Nghị Genève khai mạc vào tháng 4, 54 để vào tháng 7 sẽ bế mạc với sự kết liễu của nền bảo hộ Pháp tại Đông Dương.
Tôi chuẩn bị xuất ngoại trong không khí chính trị rộn ràng. Bửu Lộc thay thế Nguyễn Văn Tâm lập chính phủ mới. Các lực lượng tôn giáo gia nhập Quân Đội Quốc Gia. Năm lớp thanh niên được gọi nhập ngũ. Bạn bè thuộc lớp tuổi tôi như Tạ Tỵ, Đức đen... đều bị động viên. Ly kỳ nhất là sĩ quan phụ trách việc động viên thanh niên quốc gia nhập ngũ không phải ai xa lạ, đó là Vũ Văn Thiết, người nhẩy dù xuống Bắc Kạn năm xưa (bây giờ bị hư mắt nên mang danh là Thiết mù). Tôi đã có passeport đi Pháp nên thoát khỏi vụ đi lính.
Ngày 8-5-54, căn cứ Điện Biên Phủ bị tràn ngập. Quân Đội Pháp phải đầu hàng sau 55 ngày cầm cự. Tháng 6, chính phủ Bửu Lộc từ chức. Bảo Đại chỉ định ông Ngô Đình Diệm về nước thành lập chính phủ mới. Tháng 7, tôi giã từ Saigon đi du học. Khi nghe tin chính phủ thay đổi thành phần bộ trưởng, tôi rất vui vì thấy bạn mình là Phạm Xuân Thái nắm chức Tổng Trưởng Thông Tin và Chiến Tranh Tâm Lý, nhất là thấy anh mình là Phạm Duy Khiêm làm Bộ Trưởng đặc nhiệm phủ Thủ Tướng.
(*) Để bạn đọc trẻ tuổi biết qua về ba tổ chức đã trở thành những lực lượng tôn giáo và chính trị trong Đại Hội Quốc Dân này, xin thưa rằng: ngoại trừ lực lượng Bình Xuyên xuất xứ từ những băng đảng có tính chất giang hồ hảo hán, hai giáo phái Hoà Hảo và Cao Đài đều chống Pháp ngay trong thời kỳ Việt Nam bị Pháp bảo hộ. Khi có cuộc kháng chiến toàn quốc, cả ba lực lượng đó đều đi theo Việt Minh rồi sau một thời gian đã chống lại những người trong phe tả của Mặt Trận này và trở về cộng tác với Quân Đội Pháp trong việc tiêu diệt kháng chiến. Sau này trong thành phần của các lực lượng đó, có những người chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm và có những người cộng tác chặt chẽ với chính phủ này.

Chương Năm
Em có hay chăng anh về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe...

Người Về
Từ Saigon qua Marseille, tầu LA MARSEILLAISE, tầu biển đẹp nhất, lớn nhất của nước Pháp phải trôi từ biển Đông êm đềm qua Ấn Độ Dương luôn luôn nổi sóng, ghé lại những bến bờ mang những cái tên đã từng nằm sâu trong nhiều giấc mơ hồng của tôi như Singapour, Calcutta, Djibouti... Tầu còn phải đi qua Kênh Suez ở Ai Cập để vào Địa Trung Hải nắng chói, từ đó êm trôi ven biển lục địa Âu Châu tới bến Marseille. Hải trình dài trên 20 ngày, những ngày thần tiên của tôi so với những năm tháng vừa qua sống trong bầu không khí hừng hực lửa đạn và ô nhiễm chính trị.
Tôi sung sướng tới tột độ khi nhớ lại những ngày đứng trên bến Hải Phòng hay trên boong tầu Bạch Thái Bưởi chật hẹp để ôm mộng viễn du. Bây giờ, ban ngày tôi leo lên boong rộng như sân đá bóng của tàu LA MARSEILLAISE để hưởng mùi gió đại dương, ban tối tôi được nếm mùi cơm Tây trong phòng ăn lộng lẫy bên cạnh những cô đầm thơm như miếng kẹo, ban đêm tôi được nằm ngủ trong cabine hạng nhì, mơ màng nhìn qua cửa kính tròn để thấy sóng biển bạc đầu và trăng sao vằng vặc. Trong hải trình, tầu ghé lại bến nào tôi cũng có một cuộc rong chơi trên những phố lạ. Ôi những đôi mắt to và như viền nhung của phụ nữ ở Calcutta làm tôi nhớ bài Chanson Hindoue của Rimsky Korsakoff. Ôi những con lạc đà đi thong dong trên bờ Kênh Suez nhắc lại bản nhạc Sur Le Marché Persan của Borodine. Hạnh phúc đã thực sự đến với tôi rồi, nhưng trong hải trình này, khi con tầu chao đảo trên vùng Ấn Độ Dương, có lúc tôi chỉ muốn chết (!) vì không chịu nổi cái nhức đầu như búa bổ, cái hoa mắt muốn té ngửa, cái ói ra mật xanh mật vàng khi bị say sóng.
Ngày ra đi, vợ tôi (đã có mang tới tháng thứ tư) cùng cả gia đình tiễn tôi lên tầu ở bến Sáu Kho và cũng như trong bất cứ một cuộc tạm biệt nào, tất cả mọi người đều có vẻ bùi ngùi. Nhưng sau khi chụp bức ảnh chia tay với vợ con và gia đình nhà vợ, tầu ra khỏi bến Saigon là tôi hết buồn ngay. Tôi còn rất vui khi thấy Hội Nghị Genève đã kết thúc, cuộc chiến đã tàn, hoà bình đã tới. Là một công dân hạng nhì, tôi hi vọng nước Việt Nam đã hoà bình rồi thì sẽ có ngày được thống nhất. Cho nên ngoài những giờ phút vui thú ở trên tầu hay ở những bến bờ xa lạ, tôi vẫn có những lúc nhớ về quê hương yêu quý. Sống với tinh thần lãng du nhưng con tim vẫn đập theo nhịp Việt Nam, tôi có cảm hứng để soạn ra một bài hát mang thể tài dân ca phát triển, bài Ngày Trở Về:
Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe, vườn rau trước hè
Cười đón người về...

(Một chi tiết ngộ nghĩnh: tôi bắt đầu soạn bài này khi tầu La Marseillaise tới gần biển đỏ = Mer Rouge. Tôi ngồi viết bản thảo của bài này trên chuyến xe lửa xanh = Train Bleu, chạy tốc hành từ Marseille lên Paris, tưởng tượng đâu đây có ngọn núi trắng = Mont Blanc)
Với bài Ngày Trở Về, đây là lần thứ hai tôi nói tới nhân vật thương binh. Hình như mỗi lần ở trong nước có một biến cố lớn nào xẩy ra là trong sự vui mừng của tôi lại có xót thương len vào. Cách Mạng vừa thành công, có chút máu đổ là tôi khóc người chiến sĩ vô danh. Kháng chiến khởi sự và trên đà thắng lợi là tôi nhớ người thương binh. Giữa mùa chiến thắng, tôi chúc tụng anh hùng Sông Lô rất nhiều thì tôi cũng thương bà mẹ Gio Linh không ít. Bây giờ, trên chiếc tầu biển lười biếng trôi trên đại dương, tôi có đủ thì giờ để nghĩ tới trận Điện Biên Phủ. Là người Việt Nam, ai chẳng hãnh diện khi thấy người Việt khởi sự tay không mà đánh bại một đoàn quân viễn chinh có đầy đủ vũ khí. Nhưng khi thấy biết bao nhiêu xương máu đổ xuống cho chiến thắng cuối cùng, tôi lại cũng chỉ nghĩ tới ngày trở về của anh thương binh mà thôi!
Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Pháp, tôi không cảm thấy lạ nước lạ cái như tôi muốn. Tôi đã quá quen thuộc với phong cảnh, con người, tiếng nói ở xứ Gaulois này từ khi đọc những cuốn Lecture Francaise ở trường Hàng Vôi. Bây giờ, đối với tôi, chẳng có cái gì là hương vị xứ lạ (exotique) ở cái nước Phú Lăng Sa này cả! Trên chuyến xe lửa mầu xanh đưa tôi lên Paris, mới đầu tôi dửng dưng nhìn đồng quê nước Pháp với những đàn bò vàng đốm trắng ăn cỏ bên nông trại hay bên hàng lệ liễu (saule pleureur) rồi dần dà tôi ngỡ mình là người lâu năm xa xứ nay trở về nhà. Theo học các trường Pháp, sống với văn chương thi ca của người Pháp từ lâu, tôi thấm nhuần văn hoá Pháp là điều dễ hiểu.
Tới Paris, tôi được ở tạm tại phòng người làm (chambre de bonne) của một cao ốc nằm trên đại lộ Montparnasse. Cao ốc không có thang máy, phòng người làm ở tầng cao nhất (tầng thứ 6 ?), suốt ngày tôi đi lang thang ngoài phố hay ngồi nghỉ chân trong quán café, chờ tối đến mới dám leo khoảng 100 bậc thang lên tới phòng ngủ. Rồi tôi mua được một studio nhỏ ở số 19 đường Joubert thuộc Quận 9, nằm giữa hai thương xá LE PRINTEMPS và LA FAYETTE. Tôi mua cái studio một phòng ngủ và một bếp nhỏ này với giá một triệu quan cũ. Trong phòng chỉ có một ống sưởi bé tí tẹo, nhiều đêm tôi phải mặc áo ba đời suy (par dessus) và đi giầy tây để ngủ. Cầu tiêu chung đặt ở hành lang, mỗi buổi sáng phải đứng nghiến răng đợi tới phiên mình. Cao ốc sáu tầng mà không phòng nào có buồng tắm, mỗi tuần tôi phải vác khăn lông và 25 francs đi tắm ở phòng tắm công cộng như đa số dân Paris. Tuy nhiên, tôi may mắn hơn nhiều người khác vì có nơi ăn chốn ở rất hợp vệ sinh. Sinh viên Việt Nam du học ở Pháp thường mắc bệnh lao vì thiếu dinh dưỡng và thiếu sưởi vào mùa Đông. Tôi ngu như một con bò vì khi trở về Việt Nam, tôi không giữ lại cái studio đó để cho thuê mà bán nó đi với giá rẻ mạt.
Đường Joubert nằm gần nhà ga Saint Lazare, giữa khu ăn chơi. Các gái giang hồ đứng đầy đường từ sáng sớm tới quá nửa đêm. Mùa hè còn đỡ, vào mùa Đông lạnh buốt, thấy các cô đi tới đi lui chờ khách, vì mỏi chân nên phải đứng lò cò trông như lũ vạc ăn đêm, thương quá! Để cám ơn một ả giang hồ mắt xanh biêng biếc tên là Lucy đã dạy tôi ân ái theo kiểu Pháp, sau những buổi đầu tiên nếm mùi phụ nữ da trắng, tôi thường cho cô ả lên phòng ăn uống nghỉ ngơi.
Chưa quyết định xong việc học hành, tôi rong chơi trong một Paris còn ủ rũ vì nước Pháp vừa ra khỏi cuộc đại chiến và đang mất dần thuộc địa. Tôi có nhận xét là trong dân chúng, người già nhiều hơn người trẻ, người nghèo nhiều hơn người giầu. Có lẽ đời sống của dân Pháp lúc đó có nhiều bi đát mà thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre đang bành trướng. Tôi mò tới quán café FLORE ở Saint Germain des Prés để mong gặp giáo chủ của thuyết hiện sinh. Không gặp được triết gia thì đi vào hầm nhạc (cave) để coi cô ca sĩ Juliette Gréco là hiện thân của thuyết hiện sinh, với bộ áo chẽn mầu đen làm nổi bật những đường cong của thân thể, với giọng hát ồ ồ, ru hồn người nghe bằng bài thơ Les Feuilles Mortes của Jacques Prévert do Joseph Kosma phổ nhạc. Hoặc đi coi thoại kịch, kịch tiêu khiển (gọi là théatre du boulevard) thì có những vở nhẹ nhàng của André Roussin, kịch bắt người coi phải suy nghĩ thì có những vở hóc búa của Pirandello, Bertolt Brecht...
Dù mỗi lần đi qua Opéra de Paris là tôi bị xúc động vì đây là nơi tột đỉnh danh vọng của giới sân khấu, nhưng tôi không thích coi loại đại-vũ-kịch cổ điển Tây Phương này, có lẽ vì ca kịch sĩ hát opéra là phải rú lên, nghe chướng tai vô cùng. Không thích coi opéra cũng là một thiệt thòi cho tôi, chắc chắn như vậy. Trái lại tôi thích coi Théatre de Variétés và không bỏ qua bất cứ một buổi diễn nào của nghệ sĩ Georges Brassens với loại hát giống như là tục ca. Chính tác giả cũng tự nhận là le pornographe de la chanson (kẻ dâm tục trong ca khúc). Tôi mê bài Le Gorille của anh và sẽ biến nó thành tục ca số 5. Với vẻ người hao hao giống Nguyễn Tuân, Georges Brassens là một ca sĩ ngang ngược, không bao giờ chào khán giả khi ra sân khấu hay sau khi hát xong. Đây là lúc tôi mê một cô bé soạn ca khúc tên là Nicole Louvier và dịch bài hát Qui Me Délivrera của cô ra tiếng Việt: Ai Sẽ Giải Thoát Em. Sự nghiệp của cô đầm gầy và hôi nách này giống như một đời hoa, sớm nở tối tàn, nổi danh trong một thời gian rất ngắn rồi chìm ngay vào lãng quên.
Tôi học được nhiều điều trong những ngày làm quen với không khí kinh đô văn hoá là Paris này. Tuy nhiên, tò mò đi vào thế giới văn học và nghệ thuật của Pháp quốc, tôi vẫn chưa quên được Việt Nam. Vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh quê hương, tôi soạn bài Người Về trong một đêm đi một mình giữa Paris vắng lạnh. Bài này nói tới người mẹ, người vợ và đàn con trong bài Nhớ Người Ra Đi của thời kháng chiến, nay rất vui mừng khi thấy người đi đã trở về:
Me có hay chăng con về?
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhoè....
Em có hay chăng anh về?
Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê
Ai dám mong chi Xuân về?
Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề....
Con có hay chăng cha về?
Lời ca hồn nhiên líu lo ngoài kia
Chinh chiến đã qua một thì
Tuổi thơ nở trên biết bao ê chề...

Biết rằng không có đủ thời gian và phương tiện để ăn dầm ở dề tại Paris, tôi quyết định học tắt và chỉ học những gì cần thiết cho việc tỏ tình qua âm nhạc của mình.
Trước hết, tôi được Đặng Trần Vận, cựu chủ nhân Phòng Trà Thiên Thai ở Hà Nội 1946, hiện đang du học ở đây, giới thiệu tôi với giáo sư Robert Lopez để tới học lý thuyết (hoà âm, đối âm) và thực hành (piano), mỗi giờ phải trả 1000 quan cũ gì đó. Mỗi tuần ba ngày tôi đáp métro (xe điện ngầm) lên nhà thầy Lopez ở Neuilly để học hỏi kỹ càng về 800 năm âm nhạc cổ điển Tây Phương mà tôi chỉ biết qua sách vở hay dĩa hát. Học để coi xem có thể áp dụng vào âm nhạc Việt Nam hay không.
Tôi tổ chức việc học hành theo phương pháp của tôi, không nhắm mắt đi theo trường phái nào cả. Đi học tự túc thì không có đủ tiền để theo một giáo trình rồi thi đậu và có bằng cấp để được thu dụng làm giáo sư Trường Nhạc hay làm người chuyên khảo trong Viện Âm Nhạc. Hơn nữa, vì có một vợ hai con ở nhà, tôi cần phải đốt thời gian. Tôi quyết định chỉ học những nguyên tắc căn bản về nhạc lý, về tiến trình âm nhạc thế giới, về bí quyết sáng tác. Tôi học piano để chỉ đánh nhạc Debussy, thiên về A Đông. Rồi tôi thấy ngay hình thức đại nhạc của Âu Tây không áp dụng vào nhạc Việt lúc này được. Cần phát triển giai điệu đến tột cùng rồi nhờ thế hệ sau đi vào hoà điệu. Tôi may mắn vô cùng vì tôi có con tôi là Phạm Duy Cường để thực hiện điều tôi phác hoạ từ khi du học.
Ngoài việc học nhạc với thầy Robert Lopez, tôi theo Trần Văn Khê tới học nhạc ngữ ở Institut de Musicologie (nằm trong Đại Học Sorbonne) để hiểu rõ hơn về sự thành hình và biến hình của âm giai. Vào năm 1954 này, môn nhạc học vừa mới được thành lập, các lý thuyết gia như Jacques Chailley, Constantin Brailoui vừa đặt xong nền tảng cho khoa nhạc học. Khi giảng bài, giáo sư cần những ví dụ về giai điệu để chứng minh cho tiến trình thành lập âm giai, thì tôi -- vốn biết nhiều giai điệu cổ truyền Việt Nam -- đứng lên cống hiến một vài ví dụ. Chẳng hạn, để chứng minh cho giai đoạn tam cung (tritonique) tôi hát mấy câu hát ví, giai điệu nằm trong ba cung DO FA SOL. Chứng minh cho giai đoạn tứ cung (tétratonique), tôi có điệu ru Huế, giai diệu nằm trong bốn cung DO RE FA SOL...
Nhờ những ngày đi nghe giảng về khoa nhạc ngữ này, tôi thấy mình có thể phát triển những đoản khúc dân ca lên thành những bản trường ca. Trước kia, tôi chưa bao giờ theo học một lớp nhạc nào cả và chỉ vô tình đem hơn một âm giai ngũ cung vào một ca khúc. Nay tôi hiểu rõ hiện tượng métabole nghĩa là sự chuyển điệu từ ngũ cung này qua ngũ cung khác khiến cho giai điệu của bất cứ nhạc phẩm nào cũng có rất nhiều cung bậc mà nghe ra vẫn là giai điệu Việt Nam.
Học hỏi về nhạc lý và lịch sử âm nhạc cổ điển Tây Phương còn giúp tôi phối hợp đặc tính của hai loại nhạc có chủ thể (musique tonale) và nhạc không có thể (musique modale). Tôi cũng chăm chú nghe đĩa hát và tập đánh đàn những đoản khúc soạn cho piano của Debussy để thấy nhạc sĩ này đã sử dụng âm giai ngũ cung ra sao trong việc sáng tạo những giai điệu mới. Bản La Jeune Fille Aux Cheveux De Lin của ông cho tôi thấy rõ ràng cách ông phát triển nét nhạc ngũ cung. Những nhạc phẩm của Debussy đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều vì mấy chục năm sau, dù đã quên hẳn Debussy nhưng trên đường tị nạn, tôi đã soạn ra một ca khúc nhan đề Dấu Chân Trên Tuyết. Chắc chắn trong tiềm thức của tôi vẫn còn cái tên của bản nhạc Des Pas Sur La Neige của Debussy.
Sau khi nắm được hiện tượng métabole và bí quyết soạn nhạc ngũ cung của Debussy rồi, tôi soạn ra mấy khúc đầu của Trường Ca CON ĐƯƠNG CAI QUAN:
Tôi đi từ Ai Nam Quan, tôi gặp Nàng Tô Thị y y ý
Cho tôi gửi một đôi câu: chớ có về...

Đó là lời ca của đoạn 2. Về sau, khi hoàn tất tác phẩm này thì cả nhạc lẫn lời mà tôi phác hoạ ra ở Paris vào năm 54 sẽ được thay đổi ít nhiều. Trường Ca CON ĐƯƠNG CAI QUAN là sự phản kháng của tôi trước sự chia cắt đất nước. Dù luôn luôn chối từ đóng những vai trò chính trị viên hay chính trị gia nhưng tôi không bao giờ bỏ lỡ cơ hội dùng văn nghệ để bày tỏ thái độ chính trị của mình.
Tôi cứ bị chính trị quấn chặt như vậy là vì qua tới Paris, tôi gặp lại anh bạn Võ Lăng của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ngày nào. Võ Lăng đang là một chính trị gia thứ thiệt, nhân viên rất đắc lực của Tân Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Tôi rất năng tới trụ sở của Đại Sứ Lưu Động Ngô Đình Luyện ở Avenue Kléber hay tới phòng vẽ ở đường Vaugirard để gặp anh bạn cũ. Tò mò muốn biết vì sao Võ Lăng trở thành người tâm phúc của nhà Ngô, tôi được anh kể chuyện...
... Trong khoảng đầu thập niên 30 khi ông Tuần Vũ Ngô Đình Diệm ở Bình Thuận ra Quảng Trị để thăm và ở lại nhà người bạn đồng liêu là Tri Phủ Võ Vọng thì vào một buổi trưa hè ông được con trai 10 tuổi của bạn là Võ Lăng (cậu con lớn là Võ Văn Hải) ngồi quạt cho ông ngủ. Cậu bé Lăng ngồi quạt một lúc thì gục xuống giường ngủ. Khi tỉnh dậy cậu bé hết hồn vì thấy ông Diệm đang cầm quạt phe phẩy cho cậu ngủ. Rồi Võ Lăng lớn lên, đi học vẽ, hoạt động chính trị và bị Việt Minh lùng bắt, phải trốn qua Hồng Kông làm nghề vẽ truyền thần. Tại đây, vào tháng 6 năm 1946, gặp nhau trong thang máy của Hôtel Francis, anh trở thành người quen của Bảo Đại. Vì ở chung một khách sạn nên hai người gặp nhau hằng ngày và vì cựu hoàng không có quần thần ở chung quanh, Võ Lăng là người độc nhất để cựu hoàng trò chuyện. Thời cơ tới với Bảo Đại khi người Pháp tiếp xúc với cựu hoàng. Bảo Đại hỏi Võ Lăng là nên chọn ai để lập chính phủ. Võ Lăng đề nghị ông Ngô Đình Diệm, người được tiếng là yêu nước và thanh liêm. Võ Lăng liên lạc với anh là Võ Văn Hải lúc đó đang ở Bỉ để ngỏ lời mời gặp của cựu hoàng tới ông Diệm. Khi ông Diệm tới Hồng Kông, Võ Lăng lại là người cho ông Diệm biết rằng cựu hoàng không còn ăn chơi như lời đồn đại. Hai nhân vật lịch sử này gặp nhau tại Hotel Paramount. Để thấy cựu hoàng trọng ông Diệm tới mức nào, Võ Lăng kể rằng khi các chính trị gia khác, ngửi thấy mùi sôi thịt, lục tục kéo nhau từ Việt Nam qua Hồng Kông để xin yết kiến Hoàng Thượng thì có lần cựu hoàng mặc pyjama, không thèm cài lại khuy quần khi tiếp họ. Trái lại, ngày tiếp ông Diệm ở Hồng Kông, cựu hoàng rất băn khoăn, ăn mặc rất chỉnh tề, còn nhờ Võ Lăng coi xem cái cravate có ngay ngắn hay không. Cựu hoàng trọng ông Diệm tới độ vái ông Thủ Tướng tương lai hai cái và gọi ông Diệm là Ngài. Cũng phải qua một thời gian khá lâu, với sự thay đổi của mấy bộ máy chính trị không được lòng dân như chính phủ Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Bửu Lộc, với tình hình đã biến đổi sau hoà hội Genève, đã tới lúc Quốc Trưởng Bảo Đại trao lá cờ quốc gia cho ông Diệm để ông phất cao trong việc tranh thủ nhân dân với ông Hồ Chí Minh. Võ Lăng lại là người đưa ông Diệm xuống Cannes để gặp Cựu Hoàng. Đáng lẽ Võ Lăng trở về Việt Nam cùng với ông Diệm. Vé máy bay đã mua sẵn. Nhưng ông Diệm muốn Võ Lăng ở lại Paris để giúp việc cho ông Ngô Đình Luyện. Võ Văn Hải về Việt Nam thay em và làm bí thư cho Thủ Tướng... Đến với Võ Lăng, tôi chỉ có một nhúm kinh nghiệm trong thời gian làm cán bộ văn nghệ kháng chiến để nói với bạn. Tôi ủng hộ việc Toà Đại Sứ Lưu Động vận động một số lớn chuyên viên trở về phục vụ đất nước, trong số đó -- về điện ảnh -- có Đỗ Bá Thế, Trần Văn Bửu là những người mà sau này tôi sẽ tích cực tiếp tay qua việc sản xuất phim của Hãng Đông Phương và của Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia. Lúc này, anh ruột tôi là Phạm Duy Khiêm đã nhận chức Cao Ủy Việt Nam (cao hơn chức Đại Sứ) tại Pháp. Tôi chỉ tới Toà Đại Sứ để thăm anh tôi một lần và cũng được hỏi qua loa về đường lối chính trị chung chung của Việt Minh. Một lần khác, nhân ngày giỗ mẹ, hai anh em hẹn gặp nhau ở một tiệm ăn, cùng nhau trao đổi vài ba câu chuyện gia đình. Thời gian đi rất nhanh. Năm tháng trôi qua, trôi nhanh hơn nước sông Seine chảy dưới cầu Pont Neuf. Hàng ngày tôi đi học tư nơi thầy Robert Lopez hay tới Institut de Musicologie để nghe giảng về nhạc học. Trước giờ học, thi nhau đánh tilt (bàn bi điện) với Trần văn Khê. Hoặc đến chơi với Võ Lăng và gặp Đại Sứ Lưu Động Ngô Đình Luyện, người hiền lành nhất của gia đình họ Ngô, rất đông con nhưng toàn là con gái. Đôi khi tới Đông Dương Học Xá với Đặng Trần Vận, tham gia chương trình văn nghệ của các sinh viên Việt Nam và được coi màn múa võ của kiến trúc sư khôi nguyên La Mã tương lai Ngô Viết Thụ. Hay hẹn hò với hai nhạc sĩ Công Giáo Hải Linh, Ngô Duy Linh gặp nhau ở đâu đó để bàn chuyện âm nhạc.
Trong thời gian sống ở Paris, tôi chẳng bao giờ thấy cô đơn cả! Thế nhưng tôi thấy một ranh giới được vạch ra giữa Việt Kiều, một ranh giới rất sâu đậm, từ đó tới nay chưa được xoá bỏ hoàn toàn. Tôi nhớ tới ý niệm bên ni bên tê mà tôi đưa ra trong một bài ca kháng chiến, với mục đích phân biệt ta (dân tộc VN) và địch (Pháp thực dân). Sau trận Điện Biên Phủ và hoà hội Genève, thế nhị-nguyên ta-địch đó mất chỗ đứng rồi, tôi không còn nhìn người Pháp như kẻ thù nữa. Nhưng buồn thay, chuyện bên ni-bên tê bây giờ chuyển qua phía người Việt. Đã có mâu thuẫn giữa những người theo (!) ông Diệm và những người theo (!) ông Hồ rồi! Tôi là nạn nhân của thế nhị-nguyên Quốc-Cộng đó, khi tôi chơi với Võ Lăng và có anh ruột làm Đại Sứ của chính phủ miền Nam, dù qua bài Tình Ca sáng tác trước đây, tôi chỉ muốn có một nước Việt Nam độc lập thống nhất để xưng tụng cái bản sắc quốc gia của một dân tộc có chung lịch sử, điạ lý, tiếng nói từ bốn ngàn năm lẻ.
Ơ Paris lúc đó, tôi chứng kiến hoạt động của những sinh viên sau này sẽ là đám người nòng cốt trong Hội Việt Kiều yêu nước. Tôi thấy họ bị ông Hồ chinh phục khi ông này qua Pháp giám sát Hội Nghị Fontainebleau rồi trở về nước để điều khiển cuộc kháng chiến, đem lại chiến thắng cuối cùng ở Điện Biên Phủ. Những sinh viên ấy đi vào một huyền thoại rồi vô tình hay cố ý, theo đúng đường lối tuyên truyền của Hà Nội, vạch ra một ranh giới giữa người Việt với nhau. Họ nhìn tôi như một địch thủ vì tôi không theo (!) ông Hồ !!! May thay gần đây tôi qua Paris, sau khi ván bạc Cộng Sản Quốc Tế đã tàn canh, huyền thoại Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa đã tan tành, những sinh viên của 35 năm trước, nay là bác sĩ, giáo sư, trạng sư giầu sang cả rồi, dường như không còn bị chính trị chi phối tình cảm con người nữa.

Nhưng vào hai năm 54-55 này, không được giao thiệp với tất cả mọi người ở Paris thì tôi và Đặng Trần Vận vác đàn tới hát ở nhà mấy người bạn mới như Huỳnh Tấn Đốc, Phạm Gia Huỳnh. Một trong hai anh bạn giầu này có bạn gái Pháp và khi thấy các cô đầm mê mẩn hai anh nghệ sĩ nghèo thì phải đành lòng ban phát người tình cho chúng tôi vậy. Tôi đã có nhiều buổi hẹn hò với người tình tóc vàng Josiane ở quán café DUPONT gần vườn Luxembourg rồi dạo chơi trên vỉa hè khu Latinh hay ở rừng Boulogne trong những ngày hè sáng sủa.
Có ở Paris rồi mới thấy thèm nắng vô cùng. Vào mùa Đông, ngay chuyện mở cửa đi ăn tối (sinh viên tự túc, chỉ dám ăn self service) cũng đã ngại rồi, nói chi tới chuyện đi tự tình với người yêu da trắng. Vào những ngày chủ nhật có mưa hay có tuyết, nằm một mình trong gác hẹp, mới thấy bài Sombre Dimanche là hay. Tôi soạn lời ca tiếng Việt, theo đúng tinh thần của bài hát:
Sombre dimanche les bras tout chargés de fleurs
Je suis entré dans notre chambre, le coeur las...

Chủ nhật buồn đi lê thê cầm một vòng hoa đê mê
Bước chân về với gian nhà, với trái tim cùng nặng nề. . . 

Car je savais déjà que tu ne viendras pas
Je suis resté tout seul et j ai pleuré tout bas
En écoutant hurler la plainte des frimas...
Je mourrai un dimanche où j aurai trop souffert
Des cierges bruleront comme un ardent espoir
Et pour toi mes yeux seront ouverts.... .

Rồi một ngày tôi im hơi vì đợi chờ không nguôi ngoai
Bước chân người nhớ thương tôi tới với tôi thì muộn rồi
Trước quan tài khói hương mờ bốc lên như vạn ngàn lời
Dẫu qua đời mắt tôi cười vẫn đăm đăm nhìn về người
Hồn lìa rồi nhưng em ơi tình còn nồng đôi con ngươi
Nhắc cho ai biết cuối đời có một người yêu không thôi...

Sau gần hai năm ở Paris rồi xa Paris, tôi có nhiều phen trở lại nơi nên thơ nhất hoàn cầu này nhưng không bao giờ tôi thấy lại không khí êm đềm của thời tôi đi học. Lúc đó tại kinh đô nước Pháp còn rớt lại không khí le bon vieux temps của thời trước Thế Chiến Một. Những quán rượu ở dưới hầm hãy còn là nơi có tiếng đàn tiếng hát giúp cho ly rượu ngon hơn, cho người tình của mình đẹp hơn. Bây giờ, dù kính phục người Pháp không hề là người thủ cựu, tôi không thấy dẫy sườn sắt tối tân của khu Centre Pompidou hay cái lồng kính hình Kim Tự Tháp ở giữa sân Musée du Louvre làm tăng vẻ đẹp của Paris. Tôi càng buồn khi thấy những hầm rượu ở Quartier Latin đều biến thành nơi bán thịt cừu của dân Marocain, Algérien. Tôi không còn cái thú hẹn em quán nhỏ nữa. Bây giờ muốn gặp người tình phải vào quán phở mặn mùi dân tộc -- mùi nước mắm -- ở quận 13 và những đôi tình nhân ôm nhau đi trên hè phố là dễ dàng dẫm phải c... chó. Cả cái khu phố Joubert xinh xắn của tôi cũng biến dạng rồi. May thay tôi vẫn còn bờ sông Seine để ngồi khóc -- tôi có soạn một bài hát tị nạn nhan đề Bên Bờ Sông Seine Ta Ngồi Ta Khóc -- và vẫn còn những dẫy phố siêu vẹo (như Utrillo đã vẽ) ở Montmartre để thương nhớ những ngày sinh viên xa xưa...
Những ngày du học, thỉnh thoảng tôi rời Paris đi thăm miền sông Loire là nơi có ánh trời chiếu xuống lung linh để cho vua chúa thời xưa cho xây những lâu đài tráng lệ. Hay đi về vùng Bretagne để nhìn cảnh vực đá sương mù đã từng ám ảnh tôi suốt thời niên thiếu qua những tiểu thuyết của Victor Hugo, Pierre Loti. Có lần tôi qua Berlin để vào Viện Khảo Cổ xin ghi lại những điệu Chèo do ông Nguyễn Đình Nghị hát, đã được phái đoàn khảo cổ Đức tới Hà Nội để thu thanh vào những cái ống nhựa (chứ không phải đĩa hát) từ những năm đầu của thế kỷ.
Lúc bấy giờ chưa có bức tường ô nhục, tôi có thể đứng ở Tây Bá Linh bùi ngùi nhìn qua Đông Bá Linh với cảm quan của một người cũng ở trong hoàn cảnh một nước bị phân đôi như nước Đức. Không ngờ 35 năm sau, tôi còn sống để chứng kiến bức tường Berlin bị phá tan cùng với chủ nghĩa Mác-Lê Nin ở Đông Âu. Khi đó là mùa Đông 1989, tôi đang đi hát ở Đức Quốc.
Mùa Thu năm 1955. Ơ nhà vợ tôi đã sinh đứa con trai thứ ba từ hồi đầu năm, đặt tên là Hùng. Tôi được sống cuộc đời trai không vợ đã khá lâu rồi. Đã có dăm ba cuộc tình với những cô em xanh mắt bồ câu Josiane, Lucy, Gisèle... thứ tình dị chủng rất nhẹ, dễ vào dễ ra, dễ bén dễ tan. Tôi không ngờ những cuộc tình tạm bợ này, về sau, giúp tôi rất nhiều khi tôi phổ nhạc những bài thơ của Cung Trầm Tưởng. Tôi chỉ cần nhớ lại hình ảnh tôi và những mỹ nhân tóc vàng sợi nhỏ đó là có thể dễ dàng gợi ra cảnh Mùa Thu Paris, trời buốt ra đi, hẹn em quán nhỏ... hay cảnh tiễn em về xứ mẹ... tại nhà ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng...
Ơ trong nước, Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã vượt qua những khó khăn gây nên bởi các lực lượng chống đối, đã lăm le truất phế Quốc Trưởng, thành lập nền Cộng Hoà với ông Diệm là Tổng Thống. Bộ Thông Tin từ tay anh bạn thân Phạm Xuân Thái rơi về tay Trần Chánh Thành. Đài Phát Thanh do Đoàn Văn Cừu nắm. Tôi quen biết hai người này từ khi còn ở vùng kháng chiến. Rồi một ngày nọ, tôi nhận được thư của Đoàn Văn Cừu mời về cộng tác. Việc học của tôi đã coi như khá đầy đủ, không ngần ngừ, tôi thu xếp hành lý, đáp máy bay về Saigon với ý định làm việc với Đài Phát Thanh.
Chương Sáu
Nhà Bè nước chẩy chia hai
bà tú từ bi -- ta ở bờ bể Ai về Gia Định Đồng Nai thì về ...
Tiếng Hò Miền Nam 
Xa nhà, xa nước trong một thời gian không lâu lắm, nhưng khi về tới Tân Sơn Nhất sau 17 tiếng đồng hồ máy bay, cảm giác đầu tiên của tôi là thấy hơi lạ mắt lạ tai. Sau khi hoà hội Genève kết thúc, Pháp rút quân dần dần ra khỏi Việt Nam, đất nước tạm chia đôi chờ ngày hiệp thương, gần một triệu người miền Bắc bỏ nơi chôn rau cắt rốn di cư vào Nam, trước hết, làm thay đổi bộ mặt của miền ai ziề Gia Định, Đồng Nai thì ziề... Miền Nam không còn vẻ an nhàn, lười biếng của thời xưa nữa. Phong cảnh dọc đường từ Saigon về các tỉnh bị dân Nam Định, Bùi Chu, Phát Diệm làm thay đổi hoàn toàn. Họ ở trong hàng trăm cái lều vải lớn, dựng lên hai bên đường cái. Có những lều được dùng làm giáo đường với đông đảo các bà, các cô Bắc Kỳ di cư răng đen, khăn vuông mỏ quạ tới làm lễ, trước khi nhà thờ mọc lên như nấm ở những nơi được đặt tên là Hố Nai, Gia Kiệm.
Thành phố Saigon trước kia rộng rãi và thưa thớt nay như bị nhỏ lại và chật chội vì dân Hà Nội kéo vào quá đông. Những khu đất hoang biến thành những khu phố với những nhà gỗ mái tôn mọc lên chi chít như những con cờ, khiến cho một khu phố được gọi là Bàn Cờ từ trước nay lại càng có vẻ bàn cờ hơn. Ngoài đường, những người ăn mặc xuề xoà ít hơn những người mặc áo veston, đội mũ, thắt cravate, đi giầy với bít tất len. Giữa mùa nắng nóng, họ nhốn nháo đi quanh phố xá (nhất là quanh khu Catinat và chợ Bến Thành) cứ như là đi dạo bên Hồ Gươm vào một mùa Thu lãng mạn!
Trước cảnh tưng bừng của lớp người đang xây dựng một đời sống mới, tôi có đầy đủ cảm hứng để soạn bài Tiếng Hò Miền Nam mang hơi hướng của những đoản khúc nằm trong PHẦN III của Trường Ca Con Đường Cái Quan sau này:
Nhà Bè nước chẩy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về!
Ai li hò lờ ! Ai li hò lờ!
Ai nghe chăng tiếng hò bao la
Những tiếng lòng di cư vẫy vùng theo gió
Ai nghe chăng tiếng người công phu
Biết tìm tự do tránh xa ngục tù...

Chính quyền Ngô Đình Diệm mà tôi rất có cảm tình đã đứng vững sau cơn giông tố. Một gia tộc làm chính trị chuyên nghiệp vừa nắm được quyền lực thì bị những chống đối đến từ vị quốc trưởng đang lo bị truất phế tới những đảng phái chân chính hay những tổ chức tay sai của Pháp, để sống sót, chính quyền đó không thể làm gì hơn là tiêu diệt đối lập. Tôi ở Pháp hơn một năm nên không được chứng kiến những nỗ lực của anh em họ Ngô trong việc đấu tranh để nắm giữ quyền lực. Chỉ biết rằng tình hình chính trị ở trong nước đã hoàn toàn thay đổi.
Vào ngày 18 tháng 10 năm 55, Bảo Đại ở Pháp gửi công điện chấm dứt nhiệm vụ của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thì trong ngày 23 cùng tháng, có cuộc trưng cầu dân ý với kết quả là toàn dân truất phế Bảo Đại và suy tôn Ngô Đình Diệm lên chức vị quốc trưởng. Ngoài thắng lợi chính trị đó, vào thời điểm Đông Xuân 1955-56 này, về phương diện quân sự, nhà Ngô đã toàn thắng các phe đối lập vì được sự ủng hộ của một số tướng của hai giáo phái Hoà Hảo, Cao Đài như Nguyễn Giác Ngộ, Nguyễn Thành Phương, Trình Minh Thế và của nhiều sĩ quan cao cấp trong Quân Đội. Lực lượng Bình Xuyên của Bẩy Viễn, Lai Văn Sang, Lai Hữu Tài cùng lực lượng Bến Tre của cựu sĩ quan Tây lai Jean Léon Leroy bị đánh tan tành, phải theo chân quân đội Pháp mà ra đi, mấy người này đều bị xử tử hình khiếm diện. Hộ Pháp Phạm Công Tắc của Cao Đài lánh qua Cao Mên. Tướng Trần Văn Soái về đầu hàng. Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt bị bắt và bị xử tử hình. Đài Pháp A ngưng hoạt động, những toán quân cuối cùng của Pháp đã về nước.
Chủ quyền ở miền Nam nằm hoàn toàn trong tay họ Ngô. Từ ngày 29 tháng 10 năm 1955, nước Việt Nam Cộng Hoà được thành lập với Tổng Thống là Ngô Đình Diệm. Quốc Hội Lập Hiến khai mạc vào tháng 3 năm 1956 và có nhiệm vụ chọn quốc ca, quốc kỳ. Trong số bạn bè của tôi, Hồ Hán Sơn đã chết, Trần Văn Ân và Hồ Hữu Tường đã bị bắt rồi bị đầy ra Côn Đảo, chỉ có Nguyễn Đức Quỳnh không bị hề hấn gì vì không đi theo Bình Xuyên qua cầu chữ Y hay ra Rừng Sát.
Tôi ở Pháp về tới Saigon là theo ban Thăng Long tới hát tại Đài Phát Thanh Quốc Gia. Giám Đốc Đoàn Văn Cừu tiếp đãi tôi rất ân cần, cho tôi làm nhạc trưởng của một ban nhạc (về sau lấy tên là ban HOA XUÂN) và đề nghị tôi nên dự thi quốc ca. Tôi bèn soạn một bài có tính chất âu ca, bài Chào Mừng Việt Nam để tham dự cuộc thi:
Chào mừng nền Cộng Hoà Việt Nam
Chào Dân Chủ Mới chiếu nguồn ánh sáng mọi nơi.
Chào muôn năm bao anh hùng chiến sĩ,
Chào bao thanh niên anh dũng hi sinh.
Chào mừng anh em ! Chào mừng Đoàn Kết!
Lấy ý chí quốc gia xây đời văn minh.
Chào mừng nhân dân! Chào mừng thế giới!
Quyết chiến đấu xây đời tự do đẹp tươi.
Hoan hô Độc Lập! Hoan hô Hoà Bình!
Bông hoa A Châu, đây dân Việt Nam!
Hoan hô nụ cười! Hoan hô cuộc đời!
Vui tranh đấu không quên bao tình người.

Ngoài bài của tôi, Hùng Lân dự thi với 2 bài: Nhân Dân Cách Mạng Việt Nam và Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Ngô Duy Linh với bài Một Trời Sao, Ngọc Bích và Thanh Nam với bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống. Chao ôi, thật là khó khăn cho Ủy Ban chọn quốc ca trong Quốc Hội quá! Không chọn bài Suy Tôn Ngô Tổng Thống thì sợ Tổng Thống buồn, chọn bài đó thì chướng quá, cho nên kết cục Quốc Hội Lập Hiến duy trì bài quốc ca mà các chính phủ Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Văn Tâm đã chọn, nhưng Quốc Hội nhờ nhân viên của Đài Phát Thanh sửa lại lời ca. Chẳng hạn câu đầu:

Này thanh niên ơi!
Đứng lên đáp lời sông núi...
... nay được đổi thành:
Này công dân ơi!
Quốc gia đến ngày giải phóng...

Đã từng đi dạy sinh viên học sinh hát khi tham gia Phong trào THANH NIÊN TIỀN PHONG vào năm 1945, tôi thấy bài Tiếng Gọi Sinh Viên luôn luôn bị thay đổi. Lời ca nguyên thủy là:
Này sinh viên ơi!
Chúng ta kết đoàn hùng tráng
Đồng lòng cùng nhau ta đi kiếm nguồn tươi sáng...
... Khi trở thành Tiếng Gọi Thanh Niên, được đổi là:
Này thanh niên ơI!
Đứng lên đáp lời sông núi
Đồng lòng cùng đi, đi, đi mở đường khai lối...
Câu:
Thanh niên ơi! Ta quyết đi đến cùng...
... bây giờ được đổi là:
Công dân ơi! Mau hiến thân dưới cờ
Công dân ơi! Sao làm cho cõi bờ v.v...
Tôi không phải là người độc nhất có cảm tình với chính quyền này để hăng hái tham gia bất cứ phong trào văn nghệ nào. Sau ngày Pháp ký hiệp ước trao trả chủ quyền cho Việt Nam và rút quân về nước, với cuộc di cư ồ ạt của đồng bào miền Bắc, với việc truất phế Bảo Đại và việc thành lập chế độ Cộng Hoà, với sự tiến hành những công trình xây dựng qui mô... quả thực đã có một sự phấn khởi lớn lao trong dân chúng miền Nam. Nhất là trong giới làm văn học nghệ thuật. Đã thấy xuất hiện tại Saigon những khuôn mặt lớn của giới nhà văn, nhà báo như Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Hiếu Chân, Võ Phiến, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo... và những cơ sở báo chí, những nhà xuất bản mới mẻ như TƯ DO, VĂN HOA NGAY NAY, BACH KHOA, SANG TAO...
Được những người đã từng đi kháng chiến như Trần Chánh Thành (và Đổng Lý Văn Phòng là Lê Khải Trạch) chỉ huy, Bộ Thông Tin của chính phủ Ngô Đình Diệm thấy được khả năng tuyên truyền của văn nghệ cho nên đã thành lập một tổ chức đặt tên là VĂN HOA VU để làm công tác vận động văn nghệ sĩ tham gia đời sống chính trị. Người đầu tiên được giao cho nhiệm vụ điều khiển Văn Hoá Vụ là Đinh Sinh Pài, một cán bộ đã từng ở Khu IV, đã từng chứng kiến hoạt động của tướng Nguyễn Sơn và Đặng Thai Mai trong công tác này. Cùng với gia đình Thăng Long, tôi tham dự Đại Hội VĂN HOA TOAN QUC mà Văn Hoá Vụ đứng ra tổ chức. Đại Hội này treo giải thưởng cho nhiều bộ môn. Tôi đoạt giải nhất trong bộ môn âm nhạc với vở ca kịch ngắn Chim Lồng. Vở này nói tới những con chim bị mất tự do và phải được tháo cũi xổ lồng để bay đi muôn phương, nghìn hướng. Vở ca kịch này như báo trước sự ra đời của tổ khúc Bầy Chim Bỏ Xứ:
Chim, chim chim ơi! Chim, chim chim ơi!
Hãy cất cánh bay tung đầy trời!
Hãy cất cánh bay theo bụi đời!
Đời là nụ cười! Đời là nguồn vui!
Vì một đàn chim bay giữa gió
Và miệng thì líu líu lo lo...

Trong thời gian đi kháng chiến, tôi gần đồng ruộng nên đa số bài hát đều nhắc tới lúa: Tuổi xanh như lúa mai - Có nàng gánh lúa cho anh ra đi giết thù - Về đây với lúa với nàng... Bây giờ ở Saigon, 1955 -- nhất là khi sống ở Hoa Kỳ sau này -- không còn cơ hội gần với đồng lúa Việt Nam thì tôi bị ám ảnh bởi chim. Sau bản Chim Lồng soạn ra để dự thi trong Đại Hội VĂN HOA TOAN QUC, tôi nói tới những con chim trời qua một bài bé ca nhan đề Một Đàn Chim Nhỏ. Đàn chim nhỏ này từ trời bay về trần gian để trả lời lũ bé vì sao những nhân vật huyền thoại như Chị Hằng và Chú Cuội không còn ở cung trăng nữa. Trả lời rằng:
Từ ngày có hỏa tinh bay,
Bay có ba ngày lên tới mặt trăng
tang tình tang ố tang tình tình.
Cuội đành đem Chị Hằng Nga
Tìm xứ xây nhà không biết ở đâu
tang tình tang ố tang tình tình...

Những lời nói mò trong bài hát không ngờ lại đúng với sự thực: 10 năm sau đó, quả nhiên hỏa tiễn Hoa Kỳ chỉ mất có ba ngày lên tới mặt trăng và làm cho Chú Cuội và Cô Hằng phải bỏ ra đi. Tội nghiệp cho huyền thoại khi khoa học tiến bộ. Đối với Lý Bạch và Tản Đà, mặt trăng sẽ không còn là một nơi để các ngài cùng tôi trú ẩn nữa. Bé Ca Một Đàn Chim Nhỏ này còn là sự liên tục của bài Chú Cuội năm xưa của tôi.
Chính phủ Ngô Đình Diệm đã vượt qua một gay go lớn là sự chống đối của các lực lượng giáo phái hay đảng phái và coi như đã nắm chặt chính quyền. Nhưng vẫn còn một gay go khác đến từ Hà Nội mà Đệ Nhất Cộng Hoà cần phải khắc phục. Một mặt, sau hạn định 300 ngày để dân chúng hai miền chọn nơi sinh sống theo tinh thần của bản Hiệp Định Genève, Việt Nam tạm chia đôi để chờ ngày thống nhất bằng một cuộc Tổng Tuyển Cử, rồi bây giờ khi miền Bắc nêu vấn đề Hiệp Thương thì miền Nam cương quyết chống. Mặt khác, Phong Trào Tranh Thủ Hoà Bình vừa được thành lập tại miền Nam và có những hoạt động chống chính phủ cùng với sự nổi loạn của tù chính trị tại các trại Tam Hiệp (Hố Nai), Phú Lợi (Thủ Đầu Một) -- cả hai chính biến này đều do Hà Nội giật dây -- khiến cho chính quyền phải huy động toàn thể dân chúng miền Nam vào cuộc đấu tranh chính trị với miền Bắc. Lợi dụng hậu quả không tốt của cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc, Bộ Thông Tin của chính phủ Ngô Đình Diệm được giao cho trách nhiệm tạo nên một phong trào gọi là Tố Cộng. Nằm trong bộ Thông Tin, Văn Hoá Vụ tổ chức Đại Hội Văn Hoá rồi theo dõi sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ. Đài Phát Thanh là nơi thu hút hầu hết ca nhạc sĩ ở Saigon. Đài còn giúp họ sinh sống bằng cách tạo ra nhiều ban nhạc.
Cũng như các nghệ sĩ khác, dù rất bận trong việc sinh nhai ở phòng trà hay đại nhạc hội, tôi không hờ hững với mọi thứ công tác văn nghệ do bộ Thông Tin đề xướng. Từ Khu IV dinh tê vào Hà Nội rồi vào Saigon, anh Hoàng Văn Chí, soạn giả cuốn Trăm Hoa Đua Nở Trên Đất Bắc sau này, cũng hăng hái như tôi, xung phong vào làm việc trong Văn Hoá Vụ, nhưng anh sẽ sớm thất vọng và bỏ nước ra đi. Đó là bởi vì chính quyền khởi sự dùng ngay những công chức không có kinh nghiệm văn nghệ (nhưng là người cùng quê với Tổng Thống) như Nguyễn Duy Miễn ở Văn Hoá Vụ và Bửu Thọ ở Đài Phát Thanh để thay thế Đinh Sinh Pài và Đoàn Văn Cừu, những người tương đối biết tìm cách gần gũi với văn nghệ sĩ. Sự gắn bó giữa chính quyền và văn nghệ sĩ dần dần trở nên lỏng lẻo.
Sau này, trước khi bị lật đổ, chính phủ Diệm đưa ông Ngô Trọng Hiếu về cơ quan Công Dân Vụ (với sự giúp sức của Nguyễn Đức Quỳnh) để cố gắng thu phục văn nghệ sĩ một lần nữa, cũng như có những người trong các chính phủ kế tiếp định nắm đầu văn nghệ sĩ, phải kết luận là trong suốt mấy chục năm đấu tranh chính trị với miền Bắc, miền Nam chưa hề có một chính sách văn nghệ có hiệu quả, nghĩa là chưa bao giờ vận động được văn nghệ sĩ vào cuộc tranh đấu chính trị đó. Riêng về ngành nhạc, nhờ có Tham Vụ Nguyễn văn Huấn -- vốn là một tay chơi violon -- làm việc trong Phủ Tổng Thống và được lòng hai anh em ông Diệm, ông Nhu cho nên sau khi có trường Quốc Gia Âm Nhạc, một ban nhạc hoà tấu được thành lập ở Saigon.
Mấy đêm nhạc Mozart được tổ chức dưới quyền điều khiển của một nhạc sư già người Đức là Otto Soellner. Nhưng ban nhạc hoà tấu đó chỉ hoạt động trong một hai năm rồi tan rã ngay. Suốt trong 20 năm ở miền Nam, chỉ có vài buổi concert do Nguyễn Phụng hay Nghiêm Phú Phi điều khiển. Năm nào cũng có tổ chức giải thưởng VĂN CHƯƠNG TOAN QUC của Tổng Thống trong đó có giải thưởng cho nhạc hoà tấu. Người luôn luôn giật giải là nhạc sĩ Vũ Thành, nhưng không bao giờ bản nhạc trúng giải được trình tấu vì lẽ giản dị là miền Nam không có ban nhạc hoà tấu. Thật là tội nghiệp cho những nhạc sĩ Việt Nam của thời đại này.
Trong nửa thế kỷ loạn lạc, nước ta là một nước chưa giầu chưa mạnh cho nên dân chúng chưa có thể vui thú trong cảnh hoà bình thịnh vượng để tận hưởng cái hay cái đẹp của nhạc cổ điển. Tôi là kẻ biết thân biết phận, sau khi đi du học ở ngoại quốc về, nhìn thấy tình trạng đất nước nên không dám nghĩ tới chuyện soạn nhạc theo trường phái đại nhạc Tây Phương. Tôi chỉ xin nhũn nhặn làm kẻ hát rong suốt đời với một chục, một trăm hay một ngàn lời ca tầm thường. Ấy thế mà lại hay! Tôi không phải đau khổ như các nhạc sĩ nuôi mộng làm Mozart, Chopin hay Beethoven vì trong suốt đời mình, dù tôi chỉ dùng phương tiện tầm thường nhưng lại nói lên được khá nhiều điều. Và quan trọng nhất, có rất nhiều người nghe được những điều mình muốn nói.
Nói tới Đài Phát Thanh thì vào mấy năm đầu của Cộng Hoà thứ nhất, sau khi công chức Bửu Thọ thay thế Đoàn Văn Cừu, vì không biết cách sử dụng văn nghệ trong việc đấu tranh chính trị với miền Bắc, đài Saigon tràn ngập thinh không bằng những bài hát tuyên truyền. Nếu đó là những bài hát có giá trị thì cũng tốt thôi, nhưng trong 45 phút phát thanh của mỗi ban nhạc mà chỉ có toàn nhạc khẩu hiệu thì thật là khổ cho lỗ tai của thính giả. Đài còn làm một điều rất là cao quý: nhạc sĩ sáng tác được trả tác quyền để soạn nhạc tuyên truyền. Mối lợi này khiến cho ở trong Phòng Văn Nghệ của Đài có những nhạc sĩ (xin giấu tên) làm sẵn một số nhạc điệu rồi tùy theo các chiến dịch tuyên truyền mà soạn lời. Thế thì làm sao mà có nhạc hay được, hở Trời? Chúng tôi gọi đó là loại nhạc bốn bò vì Đài trả tiền tác giả cho mỗi bài hát đấu tranh là 400$. Vào năm 56, đó là một số tiền không nhỏ. Tuy nhiên, những đãi ngộ đối với nhạc sĩ và ca sĩ của Đài Phát Thanh không lúc nào đi đôi với thực tế. Trong suốt hai mươi năm, tiền thù lao cho ca sĩ, tiền tác quyền cho tác giả, lúc đầu mua được cả trăm tô phở, vì không bao giờ được tăng lên, sẽ không thể nào theo kịp giá sinh hoạt. Vào những năm cuối cùng của miền Nam, tiền tác quyền hay tiền thù lao đó chỉ đủ cho nhạc sĩ hay ca sĩ ăn một hai tô phở hay chỉ đủ trả một cuốc xe taxi đi hát radio. Đài Vô Tuyến Việt Nam viết tắt là VTVN được chúng tôi gọi là Đài Vô Tình Vô Nghĩa.

Nói đùa thế thôi, chứ những ngày làm việc ở Đài Phát Thanh là những ngày đầy tình nghĩa giữa đám nghệ sĩ chúng tôi và những người điều khiển tổ chức này, phần nhiều là những nhà văn nhà thơ như Thái Văn Kiểm, Huy Quang Vũ Đức Vinh, Nhất Tuấn Phạm Hậu, Hà Thượng Nhân Phạm Xuân Ninh.... Hàng ngày gặp nhau tại Đài hay tại quán Phở trước mặt Đài là truyện trò với nhauvui như Tết. Các ca sĩ hay nhạc sĩ có khi đánh đàn hay hát trong hai, ba ban nhạc khác nhau, vào trong studio rồi mà vẫn còn đấu láo huyên thuyên một hồi, rồi khi đèn đỏ bật lên mới nhào vào chỗ mình ngồi hay đứng. It khi chúng tôi phải tập hát hay tập đàn những bài bản ghi trong chương trình. Dù là bài mới, trông lời ca mà hát, trông nốt nhạc mà đàn.
Nhiều nghệ sĩ thành vợ thành chồng nhờ ở những năm tháng làm việc chung trong Đài Phát Thanh. Chúng tôi thân nhau đến độ gọi nhau bằng những biệt hiệu. Trưởng Phòng Văn Nghệ kiêm thi sĩ Thái Thủy đi chân chữ bát được gọi là Hoàng Tử Gù. Nguyễn Hữu Thiết mang biệt hiệu Khủng Long vì mặt mũi lúc nào cũng có vẻ đau khổ. Trưởng ban Tùng Lâm hay gắt gỏng được gọi là Tùm Lum...
Chương Bảy
Bể sầu không nhiều
Nhưng cũng đủ yêu...

Chiều Về Trên Sông 
Trong khoảng 1955-56, anh bạn Hoàng Văn Chí (đang làm việc trong VĂN HOA VU) nhận được tài liệu báo chí ở Hà Nội đăng tải về vụ NHÂN VĂN GIAI PHẩM mà cơ quan tình báo trong Chính Phủ của Bác sĩ Trần Kim Tuyến, sở Thông Tin USIS của Mỹ ở Saigon, một tổ chức tuyên truyền ở Đài Loan do Linh mục Raymond De Jaegher chỉ huy và một ngoại kiều trong lãnh sự quán Ấn Độ trao cho để khai thác. Anh văn hoá vụ trưởng họ Hoàng đưa cho tôi coi để hỏi thêm tiểu sử của một số văn nghệ sĩ dính líu tới vụ NHÂN VĂN GIAI PHẨM. Do đó tôi được biết khá rõ ràng phong trào đòi tự do dân chủ của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc trong đó có những người bạn cũ như Văn Cao, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo...
Sau khi Kruschev hạ bệ Staline ở Đại Hội Đảng CS lần thứ XX, nhà cầm quyền Liên Xô tuyên bố áp dụng chính sách cởi mở, bãi bỏ quan niệm thần tượng hoá lãnh tụ. Bắc Kinh rập khuôn Liên Xô, đưa ra khẩu hiệu Trăm Hoa Đua Nởcho phép văn nghệ sĩ tự do sáng tác, phê phán lãnh đạo. Theo gót Bắc Kinh, Hà Nội cũng cởi trói văn nghệ: phong trào NHÂN VĂN GIAI PHẨM ra đời những năm 54, 55, 56 trong giai đoạn cuộc cải cách ruộng đất gây ra những sai lầm thảm khốc cho Việt Nam. NHÂN VĂN GIAI PHẨM là phong trào đầu tiên của văn nghệ sĩ và trí thức miền Bắc đòi tự do dân chủ cho đất nước. Họ bị thẳng tay đàn áp, kẻ đi tù, người bị bạc đãi. Trước sự kiện đó, tuy trong lòng thì xót thương các bạn cũ, tôi rất vui vì sự quá lỏng lẻo trong chính sách văn hoá, văn nghệ của chính phủ Ngô Đình Diệm (và của những chính quyền đi sau). Vui là vì nếu chính phủ Diệm chưa bao giờ được xưng tụng là một Nhà Nước tôn trọng tự do và dân chủ thực sự nhưng văn nghệ sĩ ít khi bị đàn áp, trừ trường hợp đó là nhà văn, nhà báo làm chính trị hẳn hòi, đi theo một đảng phái nào đó để chống chính quyền. So với miền Bắc, người làm văn học nghệ thuật thuần túy ở miền Nam có một sự tự do tương đối nào đó trong phạm vi sáng tác.
Nhưng vui thì vui đấy, thực ra tôi cũng nên buồn một phát! Buồn vì phe quốc gia không có một chính sách văn nghệ nào cho ra trò, chính phủ chỉ dùng những công chức để làm việc một cách rất máy móc với văn nghệ sĩ. Tổ chức kiểm duyệt nằm trong bộ Thông Tin là rất cần thiết để ngăn ngừa những người -- được gọi là ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản -- có ý định dùng văn hoá phẩm để tuyên truyền cho chế độ miền Bắc. Nhưng khi cần kiểm soát ngành nhạc, chính quyền đã rất lẩm cẩm khi làm khó dễ chúng tôi trong việc sáng tác nhạc tình. Trong cơn say mê lành mạnh hoá quốc gia, bài trừ thuốc phiện, đóng cửa vũ trường, chính quyền đóng luôn vai trò kiểm soát con tim trong phạm vi âm nhạc.
Tuy nhiên, chúng tôi đâu có chịu thua mụ kiểm duyệt. Vì sự lỏng tay của chính quyền, ngay trong thời ông Diệm, ngay khi phong trào Tố Cộng chưa dứt, ngoài loại nhạc tranh đấu mà chính quyền đề cao, chúng tôi vẫn rỉ rả đưa ra những bản nhạc tình. Rồi tới khi dòng nhạc tuyên truyền cho khu trù mật, ấp chiến lược... ra đời thì vẫn có những bản nhạc ướt át được phổ biến, tuy chẳng bao giờ được chính quyền ủng hộ nhưng cũng không bị ngăn cấm gắt gao và được tuổi trẻ hát như điên. Đó là loại nhạc với nội dung tình yêu của tuổi choai choai. Sau thời ông Diệm, nhạc ướt át ẩn thân vào những bài tôi gọi là lính ca. Khi các ông nhà binh lên cầm quyền và khi có tới ba bốn thế hệ thanh niên tiếp tục bị gọi lính -- khiến cho tôi cũng phải soạn ra một bản lính ca nhan đề Một Hai Ba Chúng Ta Đi Lính Cả Làng -- thì những ca khúc thiên về tình yêu với đề tài lính tiền tuyến và em gái hậu phương được tung ra và rất thành công.
Khi các khiêu vũ trường bị đóng cửa, những người của đêm tối bèn kéo nhau đi chơi ở phòng trà có âm nhạc sống. Gia Đình Thăng Long và giới nghệ sĩ sinh sống bằng nghề nhạc ở Saigon giờ, ngoài địa bàn hoạt động là Đài Phát Thanh, Hãng Đĩa Hát, Đại Nhạc Hội, có thêm chỗ dụng võ là những phòng trà. Tôi thường đến giúp vui cho Phòng Trà Đức Quỳnh ở đường Cao Thắng là nơi đào tạo ra các ca sĩ Thu Hương, Lệ Thanh, Thanh Thúy... Thấy phòng trà ăn khách và với sự khuyến khích của tôi, nhà văn Mặc Thu mở phòng trà Trúc Lâm ở đường Ngô Tùng Châu. Rồi tới khi kiến trúc sư Võ Đức Diên mở phòng trà Anh Vũ ở đường Bùi Viện thì tôi là người điều khiển chương trình văn nghệ.
Các khiêu vũ trường Văn Cảnh, Tabarin, Tự Do -- bây giờ đổi thành phòng trà -- cũng là nơi tôi lai vãng hằng đêm. Dù chính quyền đang chủ trương lành mạnh hoá xã hội, Saigon by night vẫn còn là không gian và thời gian để những người thích hủ hoá (!) như tôi đi tìm nguồn vui xác thịt. Phòng trà là nơi hò hẹn của những cuộc tình tạm bợ. Thế nhưng nhờ ở chủ trương lành mạnh hoá xã hội này mà có một số nữ ca sĩ trở thành những mệnh phụ phu nhân của nhiều vị quan to -- kể cả quan văn lẫn quan võ -- của hai thời Cộng Hoà.
Khung cảnh ăn chơi ở phòng trà trong thời điểm này cũng giúp tôi có vài người tình xác thịt như thời 45, 46. Dăm ba mối tình tạm bợ này làm tôi nghĩ tới vũ nữ Định với bài Tình Kỹ Nữ và bài ca xã hội tôi soạn cho Hanoi by night khi xưa, bài Tiếng Bước Trên Đường Khuya. Tôi bèn soạn bài Phố Buồn với một thể nhạc phù hợp với thế giới hộp đêm (boite de nuit) là thể tango. Nhờ giọng hát ma quái của Thanh Thúy, nhờ nhà xuất bản ở chợ trời âm nhạc -- tái bản tới 8 lần -- bài ca xã hội này phổ biến ra dân chúng rất nhanh, rất rộng mà không cần phải nhờ tới đài phát thanh:
Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm...

Với bài này, tôi nghịch ngợm với chữ nghĩa và vần điệu như mưa rơi tí tách, mưa tuôn dưới vách, mưa qua mái rách, mưa như muốn trách, mưa yêu áo rách... và mơ màng hộ những đôi tình nhân nghèo, phải sống trong những ngôi nhà gỗ mái tôn trong hẻm tối phố buồn (khu Bàn Cờ?) rồi nhìn ngôi nhà gạch mà họ mơ tưởng như chiếc bánh ngọt ngon!
Trong mấy năm liền, từ khi tôi bỏ vùng quê vào thành, được ra nước ngoài trong một thời gian rồi trở về nước, ở đâu tôi cũng phải sống quá nhiều với những đô thị. Nhất là bây giờ, vì việc công cũng như việc tư, tôi phải bó chân trong một Saigon với những đại lộ tuy rất vui nhưng cũng rất ồn ào, đầy khói xe và bụi bậm. Hay với những khu phố buồn, mùa mưa, ẩm ướt, lầy lội. Tôi nhớ đồng quê, tôi nhớ thiên nhiên vô cùng. Tôi tìm mọi cách để ra đi. Rồi tôi có những buổi chiều ngồi bên dòng sông Cửu Long:
Chiều buông trên dòng sông Cửu Long
Như một cơn ước mong ơi chiều...

... để mong được như hàng cây gỗ rong, nghiêng mình (trôi) trên sóng sông yêu kiều...Tôi còn muốn theo đò ngang quá giang, thương chiều... Rồi bởi vì tôi thương nhiều, nên tôi nhớ tình yêu. Vâng, tôi lại được lãng mạn như xưa rồi! Bài Chiều Về Trên Sông có lẽ là bài có nhiều tình cảm thiên nhiên nhất của tôi. Bài hát được soạn trên một âm giai mineure 6, coi như đó là sự thử thách của tôi trong việc dùng những âm giai khác với những âm giai tôi đã dùng từ trước tới nay.

Trong thời gian này, cuộc sống gia đình của tôi rất là hạnh phúc. Ra ngoài xã hội, tôi cũng như hầu hết dân chúng miền Nam đều thấy trong lòng phấn khởi vì thấy mỗi ngày chế độ quốc gia càng như thêm vững chắc, chính phủ đang tiến hành những công trình xây dựng qui mô. Một triệu người di cư đã gây một tác động mạnh mẽ vào tinh thần những người còn có cảm tình với "ngoài kia". Phong trào Tố Cộng cố gắng làm sáng tỏ hơn chính nghĩa quốc gia. Hơn thế nữa những biến cố ở trong và ngoài nước như vụ nổi loạn ở Quỳnh Lưu, vụ Nhân Văn Giai Phẩm ở Hà Nội, vụ nổi dậy ở Balan, Hung Gia Lợi... càng cho mọi người có cảm tưởng rằng miền Bắc có nhiều vấn đề hơn miền Nam. Khiến ai cũng thấy hân hoan. Ai cũng muốn hát lên những lời ca vui vẻ, đằm thắm. Tôi cũng thấy như vậy. Và tôi soạn ra một số bài hát, có thể được gọi là những bản xuân ca. Khởi đầu là bài Hoa Xuân:
Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung ròn...

Bài Xuân Thì nói rõ hơn sự yêu mến hoà bình của người miền Nam:
Tình Xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời
Ngày Xuân con én đưa thoi
Có người nhớ tới những lời yêu mến nha
Xa xa có tiếng kinh cầu
Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông
Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương....
Tình thương nhân thế bao la
Yêu người năm trước đã khiến cho ta giận hờn
Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa...
Bài Xuân Nồng sau đây ca tụng mùa Xuân ở miền Nam, nơi không gió lạnh mưa phùn như ở miền Bắc, chỉ có bụi và nắng, vậy mà vẫn nên thơ:
Trời xanh xanh quá, sáng soi bên nhà
Hương xuân la đà lọt cánh cửa qua.
Ngoài trời tự do, lũ bướm quanh co
Theo đường tơ, ra ngoài nẻo mơ.. . .
Một mùa Xuân nóng giữa nơi kinh kỳ
Mưa bay không về, chỉ có bụi xe
Mặt trời phương Nam trong lúc Xuân sang
Yêu người dân, Xuân nồng tình doan...
Nhưng bài xuân ca mà tôi đắc ý nhất là... Xuân Ca! Mùa Xuân của ta khởi nguồn từ khi cha mẹ ta gặp nhau:
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về!
Xuân âm u, lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ...

Xuân ta ra đời từ đêm động phòng của cha mẹ, rồi Xuân ta lẽo đẽo trên đường đời cho tới khi ta cũng như mọi ai, chết trong địa cầu. Nhưng đừng lo, vì ta cũng như Xuân, sẽ tái sinh, sẽ sống thêm vài lần, như trong bài Xuân Ca vậy!
Tôi vốn là một kẻ tham lam. Cho nên soạn ra những bài hát mùa Xuân rồi thì tôi muốn trở thành một kẻ hát rong quanh năm ca hát. Tôi muốn soạn ra những "ca khúc bốn mùa". Vì sinh ra vào một mùa Thu nên tôi rất yêu mùa lá rụng. Trong kháng chiến tôi soạn bài hát về một mùa Thu chiến tranh nhưng đích thực ra tôi đã xưng tụng mùa Thu muôn năm hoà bình. Lúc này tôi đang tập toẹ đánh đàn tranh. Tôi bèn soạn một ca khúc hát với tiếng đệm đàn tranh lấy tên là Tơ Tình. Bởi vì bài hát nói tới mùa Thu, tôi đổi tên là Tình Ca Mùa Thu. Bài này, cũng như những xuân ca, là một bài hát trong xu hướng hoà mình vào thiên nhiên của tôi:
Đêm nay sương mờ bao phủ u ú như lòng thương nữ
Nhớ mấy cung đàn, thương đường tơ, mơ hiền hoà
Đêm nay sương mờ bay toả a á như hồn câu thơ
Ngát khúc tình ca, trong mùa Thu...

Rồi trong không khí ca hát bốn mùa đó, tôi viết thêm những ca khúc mùa hè như Hạ Hồng:
Mùa hè đi qua như làn gió
Mùa hè trong ta đã đỏ hoe
Mùa hè đôi ta bốc lửa cháy
Lửa thiêu trái đất này
Mùa hè thiên nhiên như tỉnh giấc
Mùa hè đưa ta tới hồng hoang
Trần truồng yêu nhau trong trời đất
Mùa hè của uyên ương
Đôi ta chỉ có một mùa mà thôi
Đôi ta chỉ có một lần đời vui
Mùa hè ngày tháng chưa già
Mùa hè hạnh phúc đôi ta...

Hạ Hồng là một bài ca đầy nhục tính. Đây là lúc tôi tới tuổi sung sức nhất của người đàn ông, tôi không giữ nổi tôi những khi trượt chân và ngã vào lòng những người nữ miền Nam nóng như lửa đốt. Rồi sau cuộc giao hoan, tôi lười biếng nằm chết trong giường tình và soạn bài Ngày Tháng Hạ:
Ngày tháng Hạ, mênh mông buồn
Lòng vắng vẻ như sân trường
Hàng phượng vĩ cũng khác thường
Nhỏ tia máu trên con đường...

Bài Hạ Hồng rất nóng bỏng, bài Ngày Tháng Hạ thật là oi ả, bài Gió Thoảng Đêm Hè sau đây có vẻ mát mẻ hơn, nhưng cả ba bài hạ ca này đều xưng tụng dục tình:
Gió thoảng đêm hè
Gió thoảng về khuya
Gió gặp cô bé
Lúc tuổi xuân thì
Giấc ngủ không mơ
Cô bé học trò
Đến tuổi học trò...
Gió thổi căng tròn
Dưới lồng ngực son
Gió rồn tim xuống
Gió lạnh tâm hồn
Gió là nụ hôn
Làm cho cô bé
Nức nở nhiều hơn...

Chủ trương soạnca khúc bốn mùa nhưng tôi không yêu mùa Đông cho lắm, nên ngoài bài Mùa Đông Chiến Sĩ soạn trong kháng chiến hay bài Mùa Đông Paris (tức Tiễn Em, thơ Cung Trầm Tưởng do tôi phổ nhạc), hồi tôi còn trẻ, tôi không soạn thêm một ca khúc mùa Đông nào khác. Về già, trong tổ khúc BẦY CHIM BỎ XƯ, tôi mới đả động tới mùa Đông xứ lạnh quê người, có những con chim phải thổ huyết và cấu cổ tự vẫn vì buồn!
Cho tới năm 1956, nghĩa là gần hai năm sau thời gian đi học ở Pháp, những ngày tháng sống tại miền quốc gia đầy hứng khởi này là những ngày hoàn toàn hạnh phúc của tôi. Trong gia đình, tôi sống an nhiên bên vợ hiền con ngoan. Ngoài xã hội tôi là người được ưu đãi. Trong sáng tác, tôi tìm được đường đi. Rồi tôi buông thả tình cảm ra, trước hết với thiên nhiên, sau tới với xã hội và con người. Không bao giờ tôi nghĩ rằng sự buông thả không kìm chế của tôi sẽ đưa tôi đến những đổ vỡ không tránh được.
Chương Tám
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng...

Thương Tình Ca
Như đã tâm sự trong Chương 9 của cuốn Hồi Ký THƠI THƠ ẤU, tôi biết yêu rất sớm -- vào khoảng 12 tuổi -- chỉ vì tôi mê đọc truyện lãng mạn và thường được người lớn kể cho nghe những truyện tình. Dục tính trong tôi còn được khêu gợi sớm hơn nữa, ngay từ khi mới lên bẩy lên tám. Được biết những bài học về tình từ lúc còn thơ rồi lớn lên với những cuộc tình quá dễ dãi, tôi luôn luôn đi trên con đường tình ái rất đỗi bình yên. Trong cuộc nội tình đã trở thành duyên thành nghĩa với vợ hiền hay trong những cuộc ngoại tình hoa bướm nào đó, bão tố chưa bao giờ đến với tôi cả.
Nhưng vào năm 1956 này, đổ vỡ đã đến qua một tai nạn ái tình xẩy ra giữa tôi và người vợ của em vợ. Đây là lúc chúng tôi bị lôi cuốn vào một ngành nghệ thuật rất mới mẻ là điện ảnh. Tôi vừa ở Pháp về và cộng tác chặt chẽ với anh bạn Đỗ Bá Thế mà tôi đã quen khi còn ở Paris và hứa sẽ cùng anh đi vào công việc thực hiện phim Việt Nam. Lúc đó hai hãng phim lớn ở Saigon là ĐÔNG PHƯƠNG của Đỗ Bá Thế và TÂN VIÊT của Bùi Diễm đang thi đua làm phim tố Cộng với hai cuốn phim Đất Lành và Chúng Tôi Muốn Sống. Đây cũng là lúc tôi rất hung hăng (!) với những thành công quá dễ dãi của mình -- trong cả hai địa hạt âm nhạc và điện ảnh -- quên hẳn bài học bị bắt giam ở bót Catinat và cái chết của Hồ Hán Sơn, tất cả những chuyện đó xẩy ra cũng vì cái tính háo thắng của tuổi trẻ.
Sự buông thả không kìm chế trong sáng tác cũng như trong đời sống hàng ngày đẩy tôi vào một cuộc tình đáng lẽ tôi nên tránh. Thành thực mà nói, tôi muốn tránh cũng không được. Vì nhu cầu của công tác điện ảnh, tôi sống quá gần gũi với người vợ của em vợ, đôi khi còn phải sống chung ở Hồng Kông hay Manila để hoàn tất cuốn phim. Hơn nữa trong đời sống hằng ngày, lẽ ra vợ chồng tôi nên đi ở riêng sau ngày em vợ lấy vợ nhưng khi dọn tới căn nhà rất lớn đường Bà Huyện Thanh Quan, chúng tôi vẫn cứ ở gần nhau. Thế là vụ ngoại tình xẩy ra. Nếu tôi sống trong một xã hội Âu Mỹ thì tai nạn ái tình này cũng dễ giải quyết, nhưng vì gia đình nhà vợ -- trừ vợ tôi -- đã không bình tĩnh lại còn bị hai nhà văn (!) T.N. và T.K.N. xúi giục nên đem vụ này ra chốn công khai và vì tôi đã nổi tiếng rồi cho nên, khác với câu châm ngôn tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại, chuyện không đẹp này trở thành một sì căng đan rất lớn. Báo chí ở Saigon làm ầm lên đã đành, báo chí Hà Nội còn mỉa mai: Cam ở đất Bố Hạ mà đem vào trồng ở nơi không hợp với thủy thổ là hư ngay (!) Dù chưa đến độ lúc nào cũng đấm ngực thùm thụp để nhận cái tội gốc của những người mang số kiếp nòi tình, tôi luôn luôn buồn rầu khi phải nhắc lại mối tình cấm (amour défendu) mà tôi cả gan đi vào khi tôi mới ngoài 30 tuổi. Tôi chỉ buồn vì đã làm buồn lòng người vợ, người em. Buồn vì biết rằng những đổ vỡ này sẽ không bao giờ có thể hàn gắn được.

Khác với người A Đông, thường cho rằng phước bất trùng lai hoạ vô đơn chí, người Pháp có câu à quelque chose malheur est bon, tai hoạ tôi gây nên và nhận lấy không ngờ đem về cho tôi hạnh phước. Cuộc tình không đẹp vừa kết thúc dẫn tôi tới một cuộc tình khác. Nhưng vì kinh qua việc gây khổ đau cho mình và cho người nên tôi rất thận trọng, tự nguyện phải nâng niu cuộc tình này.
Trong Chương 25 của cuốn Hồi Ký THƠI VAO ĐƠI, tôi nói tới những ngày rất đẹp khi ghé lại tỉnh Phan Thiết vào năm 1944. Tại thành phố sáng sủa và ấm áp này, nhờ bài hát Buồn Tàn Thu của Văn Cao, tôi làm quen với một goá phụ rất trẻ có hai dòng máu Việt-Anh tên là Hélène. Nàng ở với mẹ già và hai đứa con, một gái là Alice, một trai là Roger, tại một đồn điền ở Suốt Kiết, cách tỉnh lỵ không xa. Giữa chàng du ca và người cô phụ trẻ tuổi có một cuộc tình rất nhẹ nhàng và trong sạch. Mối tình nửa kín nửa hở được hiểu ngầm là khá say sưa. Hai người đều biết có sự yêu mến lẫn nhau nhưng không ai dám lên tiếng yêu đương cả, chẳng khác chi trong những mối tình câm lặng khi tôi mới 16 tuổi. Mối tình thốt lên qua những lời ca tôi mượn của Đặng Thế Phong, Lê Thương, hay Văn Cao và qua những lời thơ nàng mượn của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu hay Huy Cận. Rất có thể vào lúc đó, tôi mang mặc cảm tự ti của anh hát rong trong gánh Cải Lương và nàng chưa ra thoát lối sống goá phụ thầm lặng, chúng tôi chỉ được coi đang ở mấp mé một cuộc tình. Suốt một tháng trời, hai người dạo chơi trên phố xá đông đảo hay trên bãi cát vắng vẻ, nói với nhau những chuyện trên trời dưới bể, chuyện con dế con giun nhưng không bao giờ dám nắm tay nhau hay nói những lời ân ái như trong tiểu thuyết hay trên màn ảnh cinéma.
Khi tôi giã từ Phan Thiết và Hélène để theo gánh hát vào Nam, nàng tiễn tôi trên sân ga xe lửa. Trên bước đường giang hồ, tôi nhận nhiều bức thư (và cả những bài thơ) của Hélène. Tôi cũng luôn luôn gửi thư cho nàng. Tất cả những chuyện gặp gỡ, gần nhau, hát và đọc cho nhau nghe những lời ca, lời thơ rồi chia tay nhau, gửi cho nhau những lá thư mầu xanh mầu tím... chao ôi, sao mà giống như những gì bao quanh một mối tình huyền diệu. Thực tế, đó chỉ là một mối tình suông! Cho nên khi xẩy ra Cách Mạng và kháng chiến ở miền Nam khiến tôi phải chạy khỏi Saigon, leo lên xe lửa trở về miền Bắc, tàu hoả ngừng tại ga Suốt Kiết mà tôi cũng không ghé thăm Hélène. Rồi kể từ đó, tôi quên nàng goá phụ trẻ tuổi.
Trở lại Saigon vào năm 1951, tôi chẳng có lúc nào nhớ tới người đẹp Phan Thiết cả. Năm tháng trôi qua với những sinh động và xuẩn động trong nghề nghiệp cũng như trong đời tư, sau tai nạn ái tình kể trên, một hôm tôi đang lang thang trước chợ Bến Thành, đột nhiên Hélène hiện ra trước mắt. Mừng mừng, tủi tủi, chúng tôi đứng nói chuyện rất lâu, biết rằng đôi bên đã có gia đình, tôi đã có bốn đứa con, nàng có thêm ba đứa con nữa. Alice và Roger đã lớn...
-- Nếu "ông" rảnh rỗi, xin mời lại chơi. Nhà ở ngay đầu đường Trần Hưng Đạo kia kià !
Tôi vội vàng đi theo Hélène về nhà. Hai cháu Alice và Roger chạy ra nắm tay chú. Tôi ngỡ ngàng khi thấy Alice. Cô bé giống mẹ như đúc. Cũng như các nữ sinh khác, cô bé đã biết tới những bài hát của tôi như Tình Kỹ Nữ, Bên Cầu Biên Giới, Tình Ca, Tình Hoài Hương... Có lẽ trong tiềm thức của cô thiếu nữ 16 tuổi này đã có dư hương vòng tay bế bồng của tôi lúc cô mới lên bốn cho nên cô quấn quít tôi như người quen biết từ lâu.
Đang có một thảm kịch trong lòng sau vụ ái tình được cả nước biết, tôi đi tìm an ủi ở người bạn cũ Hélène. Nhất là ở người con gái giống mẹ như đúc. Trong lúc đang có cảm giác bị mọi người chung quanh khinh khi, ghét bỏ, tôi thấy nguôi ngoai trong lòng khi nghe cả hai mẹ con nói rằng tôi chẳng có tội gì cả! Họ nói thế vì họ muốn kéo tôi ra khỏi một sự nhục nhằn, tôi biết vậy! Để ghi lại cuộc gặp gỡ này, tôi phổ nhạc một câu ca dao thành một tình khúc nhan đề Nụ Tầm Xuân, khi in ra có đề tặng Hệ Liên (về sau nàng lấy tên là Huệ Liên, cũng do ở tên Hélène mà ra):
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay!

Trong suốt một năm, hằng tuần, tôi lái xe hơi tới đón Alice đi chơi. Cô bé có vẻ không yêu người cha ghẻ. Hình như tất cả những cô bé sớm mồ côi cha đều không ưa người chồng mới của mẹ mình. Đã không ưa dượng thì chắc chắn cũng ít khi tâm sự với mẹ. Tôi là người có may mắn được nghe Alice trút bầu tâm sự của một thiếu nữ vào tuổi dậy thì. Càng nhìn mặt, càng nghe chuyện cô bé, tôi càng thấy Alice giống Hélène. Cũng vẫn giọng nói đó, cũng vẫn những chuyện tôi đã nghe nơi người mẹ, nói về cuộc đời, nói về mình, nói về người và nhất là nói về nền thi ca Việt Nam.
Thế là cái lưới ái tình chật hẹp tung lên vào năm 1944 mà không chụp vào đầu tôi, hơn mười năm sau, vì không tránh né nên tôi chui tọt vào lưới. Một chiều mùa Thu 1957, tôi tỏ tình với Alice và được nàng ban cho một cái ừ lặng lẽ. Lúc đó, tôi có ngay quyết định là mối tình này cũng phải cao thượng như mối tình giữa tôi và Hélène. Tôi bỏ ra 10 năm để xây dựng một cuộc tình mà kết quả là một số bản tình ca soạn ra để riêng tặng nàng, từ Thương Tình Ca (1956) cho tới Chỉ Chừng Đó Thôi (1975). Nàng cũng viết ra khoảng 300 bài thơ để tặng tôi, trong đó có bài tôi phóng tác thành ca khúc:
Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh...

Kể từ năm 1948 cho tới khi xẩy ra vụ sì căng đan về tình, tính ra đã gần một thập niên, sau khi lấy vợ và lánh xa chính trị để sống với bản thân và gia đình, rồi đi học xa, rồi trở về "phụng sự" (!) quốc gia, vì quá mải mê soạn nhạc xã hội, những bài tình tự quê hương, tôi không soạn một bản nhạc tình nào cả. Vả lại, trong 10 năm trời, tôi không gặp một cuộc tình nào gọi là đáng kể. Tới khi một chuyện tình không đẹp xẩy ra, trong muôn vàn đổ vỡ do tôi gây cho những người trong cuộc, có sự đổ vỡ của riêng tôi. Dù có người vợ hiền lành đại lượng, sẵn sàng tha thứ cho mình nhưng tôi vẫn chưa ngoi ra khỏi cái vực thẳm mà tôi đẩy tôi xuống. Nằm trong đáy cô đơn, tôi ngóc đầu vươn lên để soạn bài Tìm Nhau:
Tìm nhau trong hoa nở, tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ, tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ...

Khi quá đau khổ, người ta dễ dàng đi vào Đạo:
Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong nhân tình đầy bác ái, ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông...

Tôi không ngờ trong một thời gian ngắn, tôi lại gặp được tình yêu. Tôi không lẩn tránh nó dù biết không giữ nó được suốt đời. Cuộc tình khởi sự bằng bài Thương Tình Ca:
Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương...

Biết rằng có ngày phải chia xa nhau nhưng vẫn hứa:
Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu...

Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở. Tôi không cần phải chiếm đoạt ai cả, nhất là chiếm đoạt một người con gái còn ít tuổi. Giữa chúng tôi, không có ràng buộc, trói chặt nhau. Mỗi cuối tuần gặp nhau, thế là quá đủ. Tôi nói lên điều này qua ca khúc Cho Nhau:
Cho nhau chẳng tiếc gì nhau.
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu
Đưa tuổi thơ đến về đâu...
Cho nhau làn tóc làn tơ
Cho nhau cả mắt trời cho
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi, cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do...

Vì yêu nhau nhưng không muốn chiếm đoạt nhau cho nên có thể cho nhau cả dãy Trường Sơn, cho nhau cả bốn trùng dương, quê hương xin vẫn cho nhau như thường... để rồi khi cần phải dứt tay chia đôi đường, đã giữ lại sự "tự do cho nhau" rồi thì sẽ chẳng còn gì để đôi người tình phải vương vấn hay oán trách nhau.
Tôi muốn nói qua về những tính chất nhạc tình trong Tân Nhạc Việt Nam. Khi mới thành hình, nhạc tình trong âm nhạc cải cách mang nhiều tính chất lãng mạn với những tác phẩm của Đặng Thế Phong, Lê Thương, Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn v.v... Tình nhân trong những ca khúc đó bao giờ cũng phải có mùa Thu, gió heo may, sông nước, trời mây, hoa cỏ... đến để làm đẹp cho cuộc tình.

Rồi theo với thời gian, nhạc tình tiến tới giai đoạn phát triển của Tân Nhạc, nó rời khỏi khung cảnh lãng mạn (romantique) để tiến tới nhạc tình cảm tính (sentimental). Bây giờ đôi lứa yêu nhau không còn cần đến bối cảnh chung quanh nữa. Trong loại nhạc tình này, chỉ có anh với em mà thôi, nghĩa là chỉ có người nam, người nữ dìu nhau đi trên đường tình. Rồi nhạc tình Việt Nam sẽ tiến tới giai đoạn não tính (cérébral) với Trịnh Công Sơn, nhục tính (sensuel) với Lê Uyên Phương, ảo tính (psychedelique) với Nguyễn Trung Cang... Nhạc tình của tôi ra đời trong giai đoạn 58-68 nằm trong loại nhạc tình cảm tính vậy.
Sau khi dìu nhau trong Thương Tình Ca để đi vào tình tôi soạn những bài Ngày Đó Chúng Mình, Đừng Xa Nhau, Kiếp Nào Có Yêu Nhau, tất cả nhấn mạnh vào chữ "nhau":
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối.
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi...

Georges Etienne Gauthier, trong một bài báo đăng trên BACH KHOA vào năm 1972 đã ví giai điệu của những bài nhạc tình này như sự vươn lên của cánh thiên nga:
Ngày đôi ta ca vui tiếng hát vói đường dài
Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi (ý y y)
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
Ôi những cánh tay đan vòng tình ái (ớ ơ ờ)
Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi...

Nhưng dù nét nhạc, lời ca có đẹp đến mấy tôi cũng biết rằng không thể nào giữ được người tình suốt đời. Cho nên:
Ngày đó có em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối
Ngày đó có anh mê mải tìm lời
Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi?
Rồi tiên đoán ngày xa nhau:
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi! Có sót sa cũng hoài mà thôi...
Mới yêu nhau mà đã lo sợ ngày xa nhau. Chúng tôi đã khuyên nhau:
Đừng xa nhau!
Đừng quên nhau
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui, niềm đau
Đừng buông mau
Đừng dứt áo
Đừng thoát giấc mộng đầu
Dù cho đêm có không bền lâu
Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu
Đừng xa nhau nhé
Đừng quên nhau nhé
Đừng chia nhau núi cao vực sâu
Đừng xa nhau
Đừng quên nhau
Đừng dứt tiếng ngậm sầu
Đừng im hơi đắng cay rời nhau
Đừng đi mau, để mãi mãi
Là chiếc bóng đậm mầu
Còn theo nhau tới muôn đời sau...
Trong lúc này, một người bạn gái cũ là Hoài Trinh ở Paris gửi về cho tôi nhiều bài thơ hay trong đó có bài Kiếp Nào Có Yêu Nhau mà tôi thấy rất phù hợp với thứ tình xanh vẫn còn lo sợ của tôi. Cho nên tôi vội vàng phổ nhạc ngay:
Đừng nhìn em nữa anh ơi!
Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông suôi, môi nhăn đã quên cười
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ
Gặp người chăng
Gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ, đêm sâu gối ơ thờ
Kiếp nào có yêu nhau, thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã quên rồi
Còn nhìn chi
Còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông suôi, theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa... anh ơi...

Những bạn bè yêu nhạc thường hỏi tôi về cái gọi là bí quyết phổ nhạc. Âu là tôi xin phép nữ sĩ Hoài Trinh cho tôi được in ra sau đây nguyên bản của bài thơ để bạn so sánh:
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Sót lòng nhau mà thôi.
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ?
Trăng mùa thu gẫy đôi
Chim nào bay về xứ?
Chim ơi có gặp người
Nhắn dùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở.
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ.
Lệ nhoà trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi!
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi !

Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chắp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vận đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu đừng nhìn em, nữa anh ơi chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai nhẩy bực quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu đừng nhìn em làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát.
Đây cũng là lúc mà những bài thơ rất hay như Vần Thơ Sầu Rụng, Hoa Rụng Ven Sông, Thú Đau Thương của Lưu Trọng Lư, Ngậm Ngùi của Huy Cận, Mộ Khúc của Xuân Diệu, Tình Quê của Hàn Mặc Tử và Tỳ Bà của Bích Khê... được tôi biến thành những ca khúc để mỗi cuối tuần gặp người yêu-thi sĩ thì tôi hát tặng Nàng. Lại có thêm Cung Trầm Tưởng, một thi sĩ trẻ vừa ở Paris về, đưa cho tôi mấy bài thơ để phổ nhạc như Tiễn Em, Mùa Thu Paris, Chiều Đông, Kiếp Sau, Về Đây, Bên Ni Bên Nớ... trong đó, có hai bài hát về Paris do các nữ ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương, Lệ Thanh trình bày hằng đêm tại các phòng trà và được khán giả hoan nghênh. Những bài thơ phổ nhạc đó trở thành những tình khúc của một thời, thi tứ chắc chắn là của các thi sĩ nhưng động lực khiến tôi phổ nhạc, chính là Nàng Thơ của tôi.
Trong số bài thơ phổ nhạc vào lúc này, bài Ngậm Ngùi thành công nhất. Bài thơ của Huy Cận cũng đã được đàn anh Lê Thương phổ nhạc từ năm 1943 hay 44 gì đó. Tiếc thay, thiên hạ không có dịp hát nó. Tôi may mắn hơn chàng Lê, vừa tung bài thơ phổ nhạc ra là mọi người biết ngay. Được Anh Ngọc hát lần đầu tiên rồi được Lệ Thu làm nó trở thành bất hủ, bài thơ của Huy Cận do tôi phổ thành ca khúc là một thứ giao lưu văn nghệ xẩy ra ngay từ lúc này. Nguyên bài thơ đã là một giao lưu giữa thơ Đường và thơ lục bát Việt Nam rồi.
Thơ hiện diện từ mấy chục năm trước, được trở thành nhạc vào lúc Việt Nam bị phân chia, ca khúc Ngậm Ngùi của Huy Cận-Phạm Duy giao tiếp hai thời thanh bình và khói lửa, giao hoà hai nghệ sĩ ở hai miền đối nghịch. Về phương diện thẩm âm, thẩm mỹ, bài đó xưng tụng một cái đẹp sắp sửa mất, đang mất hay sẽ mất, với lời thơ êm ả, bùi ngùi, thương tiếc, với nhạc điệu ôm ấp, vỗ về, an ủi. Hãy trả lại chúng tôi mộng bình thường mà có lẽ chúng tôi đã, đang hay sẽ mất. Tôi cố tình dùng hơi "oán" trong bài ca: Phải nhấn giọng ở chữ "bãi" trong câu nắng chia nửa bãi chiều rồi, như ta hát Vọng Cổ, nghe không ca sĩ...
Suốt mấy chục năm liền, Ngậm Ngùi được hát liên miên. Ca sĩ mới ra lò ở Mỹ hiện nay (1991) dù đã ngọng tiếng Việt, cũng vẫn hát Ngậm Ngùi như thường. Dường như chưa hề ra thoát một u buồn triền miên, chúng ta không ngưng nghỉ ru nhau vào giấc mộng bình thường:
Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ
Ngủ đi em! Ngủ đi em!
Chương Chín
Mang ơn đời nâng đỡ, dâng nấm mồ thô sơ
Với dâng hương hồn thương nhớ
Còn vấn vương trong chiều tà...

Ta Ơn Đời
Sau khi đất nước chia đôi, chỉ trong vòng vài ba năm, TÂN NHAC tiến từ thời thành lập tới thời phảt triển. Ơ miền Bắc nó nằm trong tay Nhà Nước, nhạc sĩ, ca sĩ đều trở thành văn công. Ơ miền Nam, nằm trong tay tư nhân, ngành nhạc đi tới chỗ loạn phát. Dưới thời thịnh của ông Diệm, trong phạm vi văn nghệ, xã hội miền Nam -- mệnh danh là tự do -- là một xã hội có kiểm duyệt, dù lỏng lẻo. Hệ thống thông tin quần chúng như nhật báo, radio phải qua kiểm duyệt. Âm nhạc, muốn phổ biến rộng rãi, phải qua Đài Phát Thanh và chịu sự kiểm soát của Phòng Văn Nghệ. Muốn phát hành bản nhạc, dĩa hát, băng nhạc cũng phải qua kiểm duyệt. Nhưng bên cạnh bộ máy kiểm duyệt này, Nhà Nước cũng có một hệ thống sản xuất riêng. Các Đài Phát Thanh Quốc Gia hay Quân Đội có hàng chục các ban nhạc và hàng trăm các bản nhạc phục vụ thông tin tuyên truyền. Trong sinh hoạt chung, có một nền nếp rõ ràng: Những bản nhạc đánh vào lý trí hay vào xúc cảm (một cách gượng ép) của dân chúng thì có guồng máy thông tin của Nhà Nước. Về phía tư nhân, nhạc sĩ độc lập cứ việc soạn nhạc tình cảm dù vẫn phải qua kiểm duyệt. Dần dần nó bị cơ cấu hoá và người ta cho rằng đánh vào lý trí, để Nhà Nước làm là đúng lắm. Vô hình trung có sự phân công rõ rệt giữa dân chúng và chính quyền. Nhà Nước làm chuyện thông tin tuyên truyền, tư nhân làm chuyện văn nghệ thuần túy, như thế là rất quân bình, đôi bên bổ túc cho nhau.
Do đó, dù là cơ quan Nhà Nước, các Đài Phát Thanh cũng giúp nghệ sĩ tư nhân địa bàn hoạt động. Đó là lúc những Tổng Giám Đốc và Trưởng Phòng Chương Trình hay Phòng Văn Nghệ là những văn nghệ sĩ có tâm và có tài như Vũ Đức Vinh (văn sĩ Huy Quang), Phạm Hậu (thi sĩ Nhất Tuấn), Phạm Xuân Ninh (thi sĩ Hà Thượng Nhân), nhạc sĩ Vũ Thành, Nguyễn Hiền, văn sĩ Văn Quang. Vũ Thành còn lợi dụng phòng kiểm soát của Đài để bắt các trưởng ban nhạc phải soạn hoà âm đứng đắn cho từng bản nhạc trong chương trình.
Đài Quốc Gia còn có hẳn những chương trình giúp cho tân nhạc phát huy một cách lộng lẫy do các nhà văn, nhà báo Phan Lạc Phúc, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quang Hiện, Trần Dạ Từ phụ trách. Rồi có lúc loại nhạc vàng lên cao vùn vụt. Như đã nói ở trên, vì ngành nhạc ở miền Nam nằm trong tay tư nhân với những phương tiện phổ biến dồi dào như việc ấn hành những bản nhạc rời, việc lăng xê bài hát trên đài phát thanh, việc thu đĩa, thu băng nên nó trở thành món hàng tiêu thụ, tức là nhạc thương phẩm với những ca khúc rất dung tục, ít thi tứ vì chạy theo thị hiếu thấp của quần chúng (*). Nếu không có các nhà văn, nhà báo với những chương trình phát thanh kể trên hết lòng giới thiệu thì những nhạc phẩm đứng đắn không được dân chúng biết. Tôi mang ơn những người phụ trách các chương trình phát thanh đó. Họ giúp tôi trần tình với thính giả mỗi khi tôi tung ra một loại ca mới nào. Tôi luôn luôn được phỏng vấn. Trả lời câu hỏi của Nguyễn Đình Toàn trong chương trình nhạc chủ đề của Đài Saigon, tôi nói vào lúc đó -- khoảng cuối thập niên 50 -- đối với tôi, chỉ có ba điều quan trọng: tình yêu, sự đau khổ và cái chết.
Với cuộc tình vừa kể ở chương trước, tôi đã soạn ra những bài hát xưng tụng tình yêu của chính tôi, trong đó biết bao nhiêu điều hạnh phúc được nói lên. Còn hạnh phúc nào hơn sự dìu nhau đi trên phố vắng nhỉ? Bạn đọc còn nhớ chứ, mỗi năm Saigon đều có những ngày mưa rất đẹp. Mưa ào ào trên đầu của những tình nhân rồi lại tạnh ngay. Mưa từng là vạn cổ sầu của Đặng Thế Phong, là sầu thiên thu nhưng cũng là mưa hạnh phúc của những tình nhân Saigon:
Mưa đi từ tuổi thơ,
Mưa theo cuộc tình tơ
Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa...
Mưa rơi vào lòng ta
Mưa rơi vào tình ta
Có hay chăng là mưa rơi vì chúng ta
Mưa rơi, và còn rơi
Không bao giờ mưa ngơi
Không bao giờ ta nguôi yêu người ơi...
Đã nhiều lần, như một sinh viên 18 tuổi, tôi đưa em về nhà em khi mưa rơi ngoài đường đêm (đường phố Saigon) và mưa vui mừng quấn quýt dưới chân êm...
Mưa rơi lạnh trời đen
Mưa trong lòng lên men
Mưa cho lửa tình thêm chút yếu mềm...
Đối với tôi, mưa rơi ngoài hè đêm, như đôi bàn tay tiên, ru nhe nhẹ một ca khúc không tên. Và tôi xin mưa cứ rơi đi, rơi mãi nhé, ôi những giọt mưa to nhỏ triền miên, mưa trên đầu vô biên, mưa ấp ủ tình duyên thêm vững bền. Xin mưa cứ rơi trên đầu những kẻ đang dìu nhau đi trên phố vắng!
Xưng tụng bước đi trên phố mưa, phố vắng của người tình qua bài Mưa Rơi vưa rồi, tôi còn có thêm một bài hát Đường Em Đi:
Đường em có đi
Hằng đêm gót hoa
Nở những đoá thơ ôi dị kỳ
Đường êm có khi
Chờ em bước qua
Là nghiêng giấc mơ ước thề
Ngàn sao sáng xa nhìn em thướt tha
Rụng rơi vướng mây tóc ngà
Đường thơm bóng gầy, nhạc run lá bay
Hàng cây thiết tha đắm say...
Đây cũng là lúc tôi hoàn tất trường ca CON ĐƯƠNG CAI QUAN. Trong khi tôi rảo bước trên con đường tử sinh của dân tộc, tôi cũng không quên con đường tình của mình:
Đường em cứ đi
Tình ta cứ xây
Chờ em thoát thai quay đường về.
Đường quanh khúc co
Nhịp chân trói vo
Đường duyên ấm vui, đường mơ...
Hạnh phúc trong cuộc tình này khiến cho tôi như sống trong cơn Mộng Du:
Đêm đêm người mở lòng ra
Ôm ta trong cõi mơ hồ.
Giã từ đời bằng hơi gió
Hoá hồn theo cánh mây xa...
Êm êm người dệt bài thơ
Nâng ta trong lưới mơ hồ
Ta về lòng người bỡ ngỡ
Khóc cười như bé bơ vơ
Ta theo đường mộng còn lưa
Hương đưa vào nẻo ngàn thu
Người về tay ngà thương nhớ
Kêu ta bẵng một lời ru...
Nhưng trong hạnh phúc của cuộc tình đã thấy le lói sự khổ đau. Tôi tự biết không giữ được cuộc tình nên tôi than:
Nếu một mai em sẽ qua đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơi, xa xôi...
Với bài Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Đời này, tôi nghĩ tới ngày xa nhau. Với hoa phủ đầy người, người yêu lên xe hoa. Xe hoa là xe tang hay xe cưới? Chỉ biết em sẽ qua cầu, em sẽ xa anh:
Nếu một mai không còn ai
Đứng bên kia đời trông vòi vói
Không còn ai ! Đâu còn ai?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là giăng giối mà thôi
Nếu về sau em có qua cầu
Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu?
Mà nói chuyện quên nhau
Nếu vì sao, quay gót cuốn mau
Dấu chân sâu in vết không lâu
Chẳng nợ gì nhau...
Xa nhau rồi hết nợ nhau nhé! Rồi còn gì nữa đâu mà tưởng nhớ nhau? Mà oán trách nhau? Mà phải khóc nhau? Mà gọi mãi nhau? Bài Còn Gì Nữa Đâu được soạn ra ngay từ lúc này, nghĩa là sáu, bẩy năm trước khi xa nhau:
Còn gì nữa đâu?
Mà kể với nhau
Vết thương đầu ngày nào
Có sống bao đời sau
Thì đà mất nhau
Còn gì nữa đâu?. . .
Còn gì nữa đâu?
Mà gọi mãi nhau...

Hạnh phúc gắn liền với đau khổ trong vấn đề tình yêu được thể hiện trong một số bản nhạc tình, đúng như tôi trả lời người phỏng vấn Nguyễn Đình Toàn trong chương trình văn học nghệ thuật vào cuối năm 1959. Thế cái chết thì sao? Xin thưa ngay rằng tôi rất sợ chết. Luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Tôi từng chứng kiến, lúc còn bé hay khi bước vào đời những cái chết đáng sợ: xác người treo cổ hay trầm mình ở Hồ Gươm, cái chết của thằng bạn nhỏ phố Hàng Dầu, của chị Sâm, xác bạn đồng ngũ ở chiến khu Baria, của người dân quân ở huyện Gio Linh v.v... Tôi còn bị ám ảnh bởi cái chết của chính tôi nữa. Sinh ra khi người cha đã mang trọng bệnh, tôi là đứa bé không đến nỗi quá gầy ốm nhưng cũng chẳng béo tốt gì. Khi lớn lên, ham mê điền kinh rồi được làm nghề lao động chân tay, còn được về sống trong không khí đồng quê trong sạch nữa nên ít khi tôi bị đau ốm. Nhưng khi lâm bệnh thì toàn là bệnh nặng.

Con người sống mạnh khoẻ là nhờ con tim và bộ phổi tốt. Trong chuyến vượt Trường Sơn vào Bình-Trị-Thiên, phải đi bộ và leo núi quá sức mình, quả tim của tôi bị nở ra khiến tôi khổ sở ở chiến khu Ba Lòng và phải trở ra Thanh Hoá bằng đường biển. Vào Saigon, thỉnh thoảng thấy có sự trục trặc trong quả tim hơi to của mình, cuối cùng tôi nhờ ông lang người Tầu Chợ Lớn bốc cho khoảng 100 thang thuốc trong đó có thứ quế Việt Nam (theo ông ta nói) có khả năng làm cho quả tim không nở to ra nữa. Những ngày làm thợ ở Moncay, phải sống quá nhiều với thán khí của lò rèn và của nhà máy phát điện, tôi bị đau phổi phải vào nhà thương để chữa bệnh thổ huyết. Từ đó, trên đầu cuống phổi của tôi, có một bướu nhỏ. Những khi làm việc quá sức, vết thương nhỏ lại ứa máu ra, thường thường là vào khoảng một hay hai giờ sáng. Tôi lo sợ vì trong gia đình tôi có hai người chết vì ung thư là mẹ tôi và anh Nhượng. Hơn nữa, ở chung với gia đình nhà vợ, tôi được một người thân tặng những vi trùng mang tên bacille de Kock nhờ tôi là công chức và phải khám sức khoẻ nên bệnh lao được phát giác và chữa chạy trong hai năm. Cũng may tôi không hút thuốc lá và uống rượu nên hai bệnh tim và phổi này không có cơ hội phát triển dù nhịp độ mệt tim và thổ huyết tăng lên với tháng năm. Chỉ mãi gần đây, sau một cơn thổ huyết quá nặng, được đưa vào bệnh viện Hoa Kỳ để đốt vết sẹo đó bằng tia laser rồi được phòng thí nghiệm cho biết tumeur không có ác tính. Từ đó (tháng 4 năm 1990) tôi mới hết sợ chết. Trước đó, quả rằng trong những ca khúc của tôi, cái chết luôn luôn được đề cập.
Những cái chết trong kháng chiến tôi đã nói lên rồi. Bây giờ trong nhạc tình có phảng phất bóng dáng của Nữ Thần vác lưỡi liềm dài. Trong bài Nước Mắt Rơi soạn năm 1961 chẳng hạn, tôi nói tới cuộc đời ngắn ngủi của giọt lệ. Giọt nước mắt ra đi từ bờ mi rồi về chết trên bờ môi. Trong hành trình rất là ngắn ngủi đó, nước mắt là ngọt bùi của đôi lứa, là mặn đắng của khổ đau, là tình trinh nữ, là hồn thơ, là đời hoa sớm nở tối tàn, là suối lệ nhỏ nhoi hay là biển nước mắt bao la của chúng ta. Là nước mắt không mùi và còn là giọt nước mắt khô nữa:
Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt theo duyên về xa vời
Mùa Xuân ngời trôi dòng lệ vui nhỏ bé xanh tươi
Nước mắt suôi cho người gặp người
Nước mắt len sau từng nụ cười
Lệ ngọt bùi say đời rủ nhau tìm lối ra khơi
Nước mắt rơi trên đường đã dài
Nước mắt đưa chân về cội đời
Giọt lệ vàng không mùi ngược trôi về với đơn côi
Nước mắt êm đi vào tuổi trời
Nước mắt khô âm thầm không lời
Vài giọt sầu lững lờ dựa nhau về chết trên môi..

Rồi tôi nói tới cái chết của chiếc lá trên đường chiều. Lá đang như chiếc thuyền rung rinh trong gió, bỗng nghe tiếng đất gọi về, lá rụng để trở thành những ngôi mộ úa trên đường chiều, nơi đó có tôi và người yêu đang đi trong cuộc tình:
Chiều rơi trên đường vắng có ta rơi giữa chiều.
Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu...

Tôi nhìn chiếc lá vàng bay giống như dĩ vãng gầy, tóc buông dài, bước ra khỏi tình phai. Tôi nhìn chiếc lá vàng rơi giống như chút hơi người giã ơn đời trên nẻo đường hấp hối. Chiếc lá vàng êm, như mũi kim mềm sẽ khâu liền kín khung cửa tình duyên. Chiếc lá vàng khô, như nét môi già đã nhăn chờ lên nẻo đường băng giá. Để chiều không chiều nữa, và đêm lần lữa, chẳng thương chẳng nhớ. Để những lệ buồn cánh khô, rơi rớt từ một cõi mơ, nghe đất gọi về tiếng ru hững hờ...
... Còn rơi rụng nữa,
Cành khô và lá
Thành ngôi mộ úa
Chờ đến một trận gió mưa
Cho rũa tình già xác xơ
Cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ. . . .
Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai....

Dù sao, vào lúc này - đầu thập niên 1960 - tôi đang sống một cuộc đời rất phỉ nguyện. Tôi có đầy đủ vinh quang và tủi nhục, hạnh phúc và khổ đau dù tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Sống được quá nửa đời mình rồi, tôi gẫm thân:
Ôi một lần nương náu!
Đi trên đời chẳng lâu
Trong trăm mùa Xuân héo
Tay hái biết bao niềm yêu
Dăm eo sèo nhân thế
Chưa phai lòng say mê
Với đôi ba lần gian dối
Đời vẫn ban cho ngọt bùi...
Rồi nghĩ tới một ngày sẽ phải xa đời vĩnh viễn, tôi soạn bài Tạ Ơn Đời:
Dâng cho người yêu goá
Dâng cây đàn bơ vơ
Dâng biết bao ân tình xưa
Mang ơn đời nâng đỡ
Dâng nấm mồ thô sơ
Với dâng hương hồn thương nhớ
Còn vấn vương trong chiều tà...
Trong những Chương tới, bạn đọc thân mến sẽ còn thấy, trong những xu hướng khác với xu hướng nhạc tình của tôi, ba vấn đề Tình Yêu, Sự Đau Khổ và Cái Chết vẫn còn ám ảnh tôi hoài...
(*) Có lẽ vì bài Tiễn Em được hoan nghênh nên đã có các bản nhạc khác ra đời cũng lấy chủ đề là sự tiễn đưa nhau ở sân ga như: Ga Chiều, Buồn Ga Nhỏ, Ga Chiều Phố Nhỏ, Tầu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tầu Đêm, Chuyến Tầu Hoàng Hôn, Chuyến Tầu Về Quê Ngoại, Chuyến Tầu Tiễn Biệt v.v... Nên biết rằng vào thời điểm này, chỉ còn rất ít nhà ga hoạt động vì đường xe lửa ở miền Nam luôn luôn bị Việt Cộng phá hoại.

Nguồn: http://vnthuquan.org/
Theo  http://4phuong.net/



1 nhận xét:

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...