Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Chặng đường thơ, Trần Hoàng Vy qua những bài thơ

Chặng đường thơ, Trần Hoàng Vy 
qua những bài thơ
Trong sự nghiệp sáng tác, nhà thơ Trần Hoàng Vy viết nhiều thể loại từ thơ, trường ca, bút ký, truyện ngắn, truyện vừa… Đề tài trong các tác phẩm của ông cũng thật phong phú từ tình yêu quê hương, đất nước con người, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Đối tượng của các sáng tác cũng hết sức đa dạng từ thiếu nhi, tuổi mới lớn, đến người đã trưởng thành. Rải rác trong các tác phẩm là những bài thơ tự sự về chính cuộc đời và bản thân tác giả như những “chuyện đời tự kể”. Khi viết tự truyện, một trong những yêu cầu nghiêm ngặt là câu chuyện phải bám sát các sự kiện diễn ra trong cuộc đời mình. Những bài thơ đầy chất tự sự mà Trần Hoàng Vy viết cho chính mình cũng không nằm ngoài quy định đó. Có điều qua lăng kính thơ, các sự kiện, câu chuyện trở nên thi vị hơn, màu sắc hơn và cũng da diết hơn.
Bài thơ “Châu Ổ” đưa chúng ta về Châu Ổ, quê hương của thi sĩ, của thời quá khứ những năm 50, 60 thế kỷ trước. Quê hương khi đó còn loang bóng chiến tranh.
Trong ký ức trẻ thơ thật non nớt ấy vẫn còn khắc sâu hình ảnh:
“Châu Ổ thưở tôi ngồi thúng mủng,
Cha dỗ tôi bằng cục đường màu cát trắng”
Tuổi thơ của nhà thơ trong thời tao loạn thật gian nan nhưng lại gắn với hình ảnh người cha rất đỗi yêu thương, dỗ con mình bằng cục đường phổi quê nhà. Châu Ổ- quê hương của ông- “trong những năm chiến tranh lùi xa, lùi xa” khi ấy đang trong:
“Mùa hoảng loạn…
Châu Ổ lụp sụp quán lều xiêu vẹo”
Ở khổ thơ thứ hai, có hình ảnh người mẹ:
“Mẹ cõng tôi về phía màu xanh
Phía của nước mắt
Phía của những người dân hiền lành
Run trong tiếng chớp đạn”
Từ những dòng thơ này chúng ta hiểu vì sao tác giả cũng cha mẹ phải ly hương. Và cuộc hành trình họ đi tới đầy nhọc nhằn và gần như vô định. “Phía màu xanh” ấy là đâu? Có phải là những nơi còn sót lại chưa bị tàn phá bởi chiến tranh. Không một từ mô tả sự mất mát nhưng những từ, những hình ảnh trong thơ đã khắc họa một vùng quê điêu tàn, đổ nát, người dân phải rời quê nhà tìm chốn nương thân.
Hành trình của gia đình và những người dân tản cư được Trần Hoàng Vy ví như:
“Hành trình của con kiến mùa nước lụt
Vòng vo, vòng veo
Một đầu quang gánh, nồi cơm treo…
Ở khổ thơ tiếp theo, nhà thơ viết:
“Xa thật rồi Châu Ổ”
Không có dấu chấm cảm ở câu thơ này nhưng chỉ một lần đọc sẽ thấy gợi lên cảm giác luyến tiếc và hoài nhớ về một vùng quê nghèo. Năm từ ngắn ngủi nhưng sức gợi không hề nhỏ.
Trong hành trang của cuộc hành trình ấy có gì: một hồn quê mộc mạc của những con người chân chất, dung dị của vùng quê nghèo miền Trung:
“Nào có châu báu gì mang theo, một hồn quê mộc mạc”
Bốn câu cuối khổ thơ thứ ba là chuỗi ngày sống xa quê hương. Thời gian ly hương không tính bằng đơn vị thời gian thông thường như ngày, tháng, năm mà là những đổi thay trên màu tóc cha, trên mắt mẹ và chất giọng địa phương của chính tác giả:
“Tôi đếm từng năm trôi dạt,
Trên tóc cha sợi đã bạc màu
Và đếm từng nếp nhăn mắt mẹ
Và tôi ngồi nói giọng Quảng phai phai?... “
Thời gian trôi dạt ấy khá lâu đã để lại “tóc cha sợi đã bạc màu”, là “nếp nhăn mắt mẹ” và ở chính bản thân nhà thơ “nói giọng Quảng phai phai?...”. Một chút ngậm ngùi của tác giả khi nghĩ về gia đình, ba mẹ, bản thân mà cũng là nỗi lòng của những phận người xa xứ.
Ở khổ thơ cuối là sự trở về của tác giả sau ngày chiến tranh chấm dứt, cuộc sống ở Châu Ổ đã khởi sắc:
“Tôi về Châu Ổ ngày hồi sinh phố chợ
Lòng vòng ngựa xe,
Nhìn tôi khách lạ…”
Một nỗi buồn len nhẹ khi đọc đến câu thơ này, nhà thơ trở về quê xưa, cảnh vật đã có nhiều thay đổi và người ở quê cũng không còn nhận ra người con của quê hương bởi thời gian cách xa thật đằng đẵng.
“Có ai hỏi
Boác mua gì không…boác?”
Nhà thơ nghe giọng Quảng trên chính quê hương của mình, giọng Quảng đặc trưng không phải là “giọng Quảng phai phai” của người con xa xứ. Một cảm giác rưng rưng, một nỗi niềm xúc động:
“Rưng rưng màu nắng vàng
Tôi ngỡ kẹo mạch nha”.
Trên bước đường phiêu bạt cùng với những năm tháng đi dạy xa nhà, Trần Hoàng Vy đã đi qua các vùng miền từ xứ hoa vàng dã quỳ bạt ngàn Kontum, cho đến tận vùng biển mặn Bình Thuận với những tháp Chăm cổ… Bằng tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ những gì gần gụi nhất, mộc mạc nhất của cuộc sống thường ngày mà chúng ta hay vô tình lướt qua hoặc quá đỗi thân quen sẽ thấy thường qua lăng kính thơ của Trần Hoàng Vy bỗng trở nên thi vị đến không ngờ.
Đọc bài thơ “Dạ thưa cỏ” sẽ thấy những bất ngờ thú vị. Cỏ từ xưa đến nay vẫn bị xem là loài mọc hoang thì qua cái nhìn nhân văn của nhà thơ, cỏ cũng như con người có cha, mẹ, có quê hương.
“Dạ thưa mẹ đất, quê sương…
Cha mưa nắng. Cõi vô thường lập thân”
Cỏ cũng có nỗi niềm riêng như con người và không phải ai cũng có thể cảm:
“Thức đêm biết cỏ, khóc cười
Trưa chang chang nắng hát lời hiu hiu”
Con người đủ mọi thành phần, mọi giai tầng trong xã hội cũng đều cần đến cỏ. Đó là người nông dân từng “cuốc, dao phạt cỏ, quang bờ”, rồi sẽ có lúc:
“Lại khi nằm ngủ dựa nhờ cỏ non”
Đến những nơi giàu có:
“Có khi gác tía lầu son
Một sân xanh cỏ vuông tròn chiêm bao?”
Cỏ có mặt từ ngàn xưa trong tận chốn hoàng thành:
“Dạ thưa cỏ, thú tiêu dao
Ngàn xưa thành quách, xanh hào cỏ rêu.”
Và dù có là ai thì con người cuối đời cũng trở về với cỏ:
“Dạ thưa bóng cỏ xanh chiều
Một hôm mộ địa người liêu xiêu về”
Cái hay trong thơ Trần Hoàng Vy là vậy. Ông luôn quan sát cuộc sống một cách tinh tế để mang đến cho người đọc những ý thơ, tứ thơ mới đầy bất ngờ.
Thể thơ lục bát trong bài “Dạ thưa cỏ” và các bài thơ khác của thi sĩ không gây cho đọc giả cảm giác cũ kĩ của thể thơ cổ. Vẫn là thơ lục bát với đúng vần điệu, niêm luật khắt khe nhưng đong đầy tâm tư tình cảm và hơi thở cuộc sống hôm nay. Chính vì vậy những bài thơ ấy tự nó có sức lan tỏa đến người đọc.
Hay trong bài “Những quả sấu”, nhà thơ như hiểu được những tình cảm ẩn sâu trong từng trái sấu. Từ “những quả sấu lăn tròn trên mẹt nhà quê” “và lặng yên kiếp đời nơi lỗ chỗ lỗ thủng đến những quả sấu “lỡ buổi chợ chiều, thưa vắng người mua”.
Những quả sấu ấy qua cái nhìn đa cảm của nhà thơ như cũng có thân phận riêng hệt con người.
Khi còn là quả xanh mướt, sấu cũng mơ về một tương lai sáng đẹp:
“Quả xanh thế có nằm mơ hy vọng
Ai đón?Ai đưa? Ai bế em về?
Những động từ “đón”, “đưa”, “bế” đầy trân trọng mà quả sấu mong chờ mình sẽ nhận được. Sấu sẽ về đâu?
Khi sẽ là thứ quà vặt yêu thích của các cô gái:
“Những quả sấu ngọt chua môi hồng thiếu nữ”
Hay trong một món ăn bình dị mà rất đỗi thân thương gợi nhớ rất đặc trưng:
“Thảo thơm trong bát canh rau muống của người”
Hoặc là những ô mai sấu, sấu ngào đường:
“Trong lọ pha lê, ngủ say men đường rất ngọt”
Số phận của những quả sấu run rủi sau khi thuận người mua, vừa người bán:
“Số phận đẩy đưa sau mỗi môi cười”
Đó là những quả sấu được đón nhận, còn những quả sấu mà người mua không chọn:
“Những quả sấu sau những bon chen
Thâm dần…bầm dập
Vàng hiu giọt nắng cuối mùa”
Và cả nỗi buồn của những quả sấu bị vứt đi:
“Những quả sấu lăn lóc vệ đường kia,
Làm tôi chua cả buổi chiều…”
Quả sấu lăn lóc vệ đường gợi lòng trắc ẩn của nhà thơ. Từ quả sấu, thi sĩ có chạnh nghĩ đến một kiếp nhân sinh? Câu trả lời nằm ở dấu chấm lửng cuối bài thơ để những đọc giả tự tìm cho mình.
Như một duyên phận, Trần Hoàng Vy đã đến sống và làm việc ở Tây Ninh, một tỉnh miền Đông Nam Bộ, nơi có dòng sông Vàm thơ mộng đã bao lần đi vào thơ nhạc. Nhờ có cuộc hội ngộ này, sông Vàm một lần nữa được bước vào thơ và cả một trường ca “Khúc hát dòng sông”.
Dòng sông thơ là thi hứng để Trần Hoàng Vy có nhiều sáng tác hay. Một trong những bài thơ đặc sắc đó là bài “Trăng trên sông Vàm Cỏ”
“Nghiêng một dải lụa mềm màu lý lơi
Để nguyệt rằm chơi vơi”
Sông hiện ra như một dải lụa. Dải lụa màu lý lơi chắc chỉ có riêng trong thơ Trần Hoàng Vy. Sắc màu đó chỉ có thể cảm không thể nào xác định rõ. Dòng sông thơ mộng và lung linh ấy làm cho nhà thơ “đắm đuối”, “mộng mị”.
Yêu làm sao những tên bến, tên làng gắn với con sông uốn lượn suốt chiều dài của quê nhà.
“Người về qua bến Tầm Long”
Hay 
“Nước sông trong vắt, nước sông xanh
Bến Đổi, Bến Trường, Bến Mương, Rạch Chiếc…”
Hoặc
“Sông vắt dài hông thị xã
Qua mùa hoa tím
Hờ ơ hơ
Líu ríu lục bình”
Người đang sống trên đất Tây Ninh còn nao nao trong dạ, huống gì những người con xa quê
“Ghe xuồng qua sông chạm ngõ
Cô gái lấy chồng Bàu Gõ. Xa quê
Chiều chiều thôi tựa cửa
Gởi hồn trong sóng cầm tay!”
Nếu ví người thầy như những người lái đò đưa khách sang sông thì có lần nhà thơ đã tự trào “mình gác mái lâu rồi”. Những năm sau khi giã từ “bảng đen”, “phấn trắng” Trần Hoàng Vy vẫn tiếp tục miệt mài bên trang viết và những sáng tác của ông vẫn xuất hiện đều đặn trên các báo địa phương, trung ương. Những người Tây Ninh yêu mến, tự hào gọi ông là nhà thơ của tỉnh nhà dù ông xuất thân từ xứ Quảng xa xôi bởi những sáng tác và tâm huyết ông dành cho vùng đất mà có lẽ ông xem là quê hương thứ hai. Ngày ngày, trong ngôi nhà đầy hoa cỏ ông làm thơ, viết truyện. Những sáng tác còn được ông đăng trên facebook để những người yêu thơ ông có thể thưởng lãm. Dù đi đâu, làm gì tâm hồn người thi sĩ ấy vẫn yêu thơ và dù đã có những thành công nhất định Trần Hoàng Vy vẫn trên đường đi tìm những vần điệu mới. Tin rằng từ tài năng và sự dày công sáng tạo ông sẽ có thêm nhiều sáng tác hay và nhiều đọc giả tri âm.
TRƯƠNG QUỐC TOÀN
Theo http://www.lengoctrac.com/

1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...