Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

Tùng Thiện Vương và thi phủ bên dòng An Cựu

Tùng Thiện Vương và thi phủ 
bên dòng An Cựu
“Nhất cân thị, nhị cân giang” (nhất gần chợ, nhì gần sông) – phủ Tùng Thiện Vương hướng mặt ra dòng sông “nắng đục mưa trong” và chợ An Cựu như là chốn lý tưởng cho việc lựa chọn để xây dựng nhà cửa như lời của tiền nhân.
Xứ Huế xưa nay đẹp, một vẻ đẹp “đài các”, thâm nghiêm của chốn kinh kỳ nhưng lại cũng hết sức bình dị, hiền hòa, hữu tình với thiên nhiên rợp một màu xanh mát, tốt tươi – hệ quả của kiểu thời tiết hai mùa mưa nắng. Nằm giữa hai thái cực đó, hệ thống các phủ đệ trên đất Huế như một sự dung hòa cho tất cả.
Bến Phủ Tùng bên dòng sông An Cựu.
Phủ đệ thực ra là tên gọi chỉ những ngôi nhà được dựng lên (theo tiêu chuẩn Hoàng gia triều Nguyễn, dưới mỗi triều vua lại có những quy định riêng) khi các hoàng tử, công chúa đến tuổi trưởng thành, cho ra ở riêng. Phủ là nơi dành cho các hoàng tử, đệ thì dành cho các công chúa. Trải qua 13 đời vua, riêng vua Minh Mạng có tới 142 người con đủ để lại cho đời sau một hệ thống phủ, đệ với lớp lang những công trình đặc sắc.
Không giống với các quần thể di tích kiến trúc khác, thường tập trung ở một vùng nhất định, như quần thể kiến trúc lăng mộ các vua Nguyễn (nằm trong một khu vực tách biệt về phía tây, tây nam thành phố), hệ thống di tích cung điện cố đô Huế (chủ yếu tập trung trong khu vực Kinh thành Huế)… Theo Nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An, trong cuốn 690 năm kiến trúc Nguyễn có viết “Các dinh thự quan lại, phủ đệ các ông hoàng bà chúa, nhà cửa các thế gia vọng tộc phần lớn được tập trung ở các phường xóm ven kinh thành như Vỹ Dạ, Kim Long, An Cựu…”.

Mang nét hoàng gia, cung cấm len lỏi vào giữa đời sống dân gian, tùy vào tính cách, lối sống và địa vị của mỗi ông hoàng, bà chúa mà có “cơ ngơi” ít hoặc nhiều. Theo một thống kê chưa đầy đủ, có 10,5% số phủ có diện tích trên 4000m2, 3,5% có diện tích từ 3000 – 4000m2, 17,5% từ 2000 – 3000m2, 24,9% từ 1000 – 2000m2… và 10,5% có diện tích dưới 500m2 (Bước đầu khảo sát một số phủ đệ thời phong kiến trên đất Huế, khóa luận khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế). Tùng Thiện Vương cùng với biệt phủ bên dòng sông An Cựu đã góp thêm một nét Huế trong sự tổng hòa vẻ đẹp đất Thần kinh.
Ông hoàng thi ca

Trong cuốn Chuyện các bà hoàng trong cung Nguyễn của tác giả Nguyễn Đắc Xuân ghi rõ: Tùng Thiện Vương (1819 – 1870), tên thật là Miên Thẩm, tự là Trọng Uyên và Thận Minh, hiệu là Thương Sơn và Bạch Hào Tử. Ông được sinh ra ở cung Thanh Hòa trong Hoàng Thành, ban đầu vua Gia Long đặt tên là Yến, sau ban Kim sách và đế hiệu đổi tên là Miên Thẩm. Là con thứ 10 của vua Minh Mạng và bà Thục Tần Nguyễn Thị Bảo.

Di ảnh của Tùng Thiện Vương hiện nay vẫn được người đời biết đến qua nét vẽ chân dung của Dương Tê (danh hoạ người Trung Quốc) và Hồng Khẳng (con út Tùng Thiện Vương).
Là một người nổi tiếng giỏi thơ, hay chữ, từ năm 7 tuổi, Tùng Thiện Vương đã theo học thơ, 12 tuổi đã hay thơ, làm gần 2000 bài, có bài dài đến 162 vần (Tùng Thiện Vương, tiểu sử và thơ văn, Ưng Trình, Nhà in Nam Việt, 1944, tr.21). Ông là người thông minh ham học, ngoài sách vở không thích gì. Nghe có sách gì hay bỏ tiền ra mua hết, học rộng hiểu sâu, lời nói điển nhã càng giỏi về thơ (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.104). Đặc biệt, như nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, ông là người trọng nghề nông. “Thơ ông mấy ngàn bài đều chan chứa tình đồng ruộng và nỗi thông cảm sâu sắc với số phận khổ ải của người dân lao động”. Cũng chính bởi những điều đó, vì mến tài đức của Đoàn Hữu Trưng nên dù gia cảnh nghèo khó, lại chưa đỗ đạt gì, Tùng Thiện Vương vẫn gả con gái cho.
Là hoàng thân quốc thích nên lúc sinh thời Tùng Thiện Vương không đi thi như các Nho sĩ khác, tuy nhiên về tài năng, nhất là tài làm thơ phú thì khó ai bì kịp và được gọi thân mật là Thi Ông. Vua Tự Đức, một tay cự súy nổi tiếng uyên thâm về thơ ca đã từng khen tặng ông và Tuy Lý Vương rằng: “Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường” (Thơ đến Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương thì thơ thời thịnh Đường không còn đáng kể nữa). Tuy Lý Vương lại có nhận xét: “Thi văn của Tùng Thiện Vương như có hoa giữa núi, như mây mỏng trên trời. Vẻ đẹp ở tinh thần, mỗi câu có một họa ý, mỗi chữ có một nhạc âm”; còn nhà nghiên cứu Ưng Trình thì tổng kết: “Chưa đầy 30 tuổi, cây bút đã rung động rừng Nho, chẳng những đã khuất phục được danh sĩ nhà Thanh mà còn truy chiếm được địa vị tối cao đời thịnh Đường nữa… Văn chương ấy đúng là quốc hóa tinh tường”.
Trước tác của Tùng Thiện vương rất đồ sộ, với các tác phẩm nổi tiếng như: Thương Sơn thi tập, Thương Sơn từ tập, Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn ngoại tập, Thương Sơn văn di, Tịnh y ký, Thức Cốc biên, Lão sinh thường đàm, Lịch đại đế vương thống hệ… Những trước tác của ông đều được khắc in bằng mộc bản. Hiện nay, tại phủ thờ Tùng Thiện Vương còn lưu giữ gần 1.000 mộc bản khắc in các tác phẩm của Thi Ông, được hậu duệ của ông xem là vật gia bảo, giữ gìn rất cẩn trọng.
Nét thơ nơi vương phủ
Di tích phủ Tùng Thiện Vương nằm vào tọa độ 16°21’ vĩ độ Bắc, 107°78’ độ kinh Đông, cách trung tâm thành phố khoảng 2km về phía Tây – Tây Nam, số 91 Phan Đình Phùng, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Trước mặt là dòng sông An Cựu hiền hòa, xung quanh là nhà dân và chỉ được giới hạn bởi la thành thấp (phía sau mới được tu bổ vào tháng 3/1996) đã tạo nên diện mạo nên thơ, hữu tình và hòa hợp với mọi người như chính chủ nhân của nó.

Phủ Tùng Thiện Vương tọa lạc tại địa chỉ 
91 đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế.
Từ ngày 8/10/1993, phủ Tùng Thiện Vương nằm trong danh sách kèm theo Quyết định 1046 của UBND tỉnh về việc bảo vệ đợt 1 các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh với diện tích khuôn viên tổng thể 76m*21m = 1596m2, trong đó diện tích di tích kiến trúc gần 300m2.
Quá trình thành lập phủ Tùng Thiện Vương có thể kể bắt đầu năm Kỷ Hợi (1838) sau khi được phong tước Tùng Quốc Công, ông được lập phủ đệ ở ngang phủ đệ Tuy Lý Vương tại phường Liêm Năng trong Kinh thành, phía đông Lục Bộ (nay thuộc phường Thuận Thành). Tuy nhiên vì thích thú với cảnh đẹp của sông Lợi Nông (tên gọi trước kia của sông An Cựu), ông cho dời phủ đệ từ phường Liêm Năng đến bờ Bắc con sông ấy, đắp núi, đào hồ, dựng phủ mới đặt tên là “Ký Thưởng Viên”. Trước khi xây dựng Ký Thưởng Viên, ông cho dựng Tiêu Viên trong vòng 3 năm (1846 – 1849). Sau khi xây dựng xong, ông rước mẹ về phụng dưỡng. Năm 1851, bà Thục Tần mất, Tiêu Viên trở thành từ đường thờ tự mẹ ông, còn Ký Thưởng Viên thành ra nhà dạy học. Từ năm 1870, sau khi Tùng Thiện Vương mất, phủ đệ lại thành ra từ đường thờ tự ông và con cháu. Đây cũng chính là hai công trình kiến trúc quan trọng nhất trong cấu trúc tổng thể của phủ Tùng Thiện Vương, tạo thành hai nếp nhà nằm song song, với bố cục mặt bằng nhà hình chữ nhị.

Phủ Tùng Thiện Vương là một vương phủ bề thế và quy mô, cả trong lẫn ngoài có đến 16 công trình kiến trúc, như: Thương Hà Bạch Lộ đường (nơi tiếp đãi sĩ phu, cũng là nơi tiếp nhận các bản thảo thi văn của vua Tự Đức do Thị vệ chuyển từ Đại Nội sang để Tùng Quốc công nhuận sắc giúp vua), Mô trường (nơi Tùng Quốc công cùng các huynh đệ, bằng hữu, con cháu, học trò ngâm vịnh thi phú), Bạch Bí (nơi ở của các bà vợ của Tùng Quốc công), Tùng Vân (thư phòng để thơ văn và bút nghiên), Cổ Cầm đình (nơi Tùng Quốc công đàn hát, đánh cờ, chơi mạt chược với gia nhân và bằng hữu), Mặc Vân sào (nơi lưu trữ và tra cứu kinh, sử, tử, truyện của Nho giáo), Xuy Tiêu ủy (nơi Tùng Quốc công thường thổi sáo trúc cùng các nghệ nhân), Sở Tụng đình (vườn trồng cam, quýt, bưởi, phật thủ…), Hàn Lục hiên (vườn trồng hoa), Vô Phi tân tạ (nhà tắm nằm bên cạnh hồ nước có dựng giả sơn), Nhất Quyên thạch (cầu đá được bắc qua hồ nước để ngắm cảnh), Không Minh bộ (đường đi dạo quanh Ký Thưởng viên), Thanh Tịnh thối (cửa đi vào phủ, về sau đổi gọi là Tùng Thiện vương từ môn), Bến phủ (bến nước trước phủ, dân gian vẫn gọi là “bến phủ Tùng”, nơi có chiếc thuyền buồm nhỏ để Tùng Quốc Công dạo chơi trên sông Lợi Nông và sông Hương)... Bởi vậy, nếu như các phủ đệ khác đều được xem như biệt phủ của các ông hoàng, bà chúa thì phủ Tùng Thiện Vương là nơi lui tới đàm đạo thơ văn giữa các Nho sĩ đương thời, các tao nhân mặc khách, trong đó phải kể đến Khâm sứ triều đình mãn Thanh Lao Sùng Quang cũng vì mến mộ tài năng của chủ nhân mà tới đây đàm đạo văn chương, thế sự.
Ký Thưởng Viên (Từ đường Tùng Thiện Vương) là một ngôi nhà rường một gian hai chái đơn giản, tọa lạc trên nền cao 0,3m, với diện tích dài rộng (11,2*10,3m)= 115,365m2. Phía trước là một cửa bảng khoa và hai cửa lá sách, ba phía còn lại là tường xây kín, mái lợp ngói liệt không men, khung nhà gồm 4 cột cái (cột nhất) và 12 cột biên (cột hai).

Cổng chính, Bình phong, Ký Thưởng Viên và Tiêu Viên 
nằm trên một trục đường thẳng, bao quanh là khoảng 
2000 viên gạch Bát Tràng được sử dụng để lót sân.
Bốn cột cái mỗi cột cao 4,6m, 12 cột biên mỗi cột cao 2,5m, bốn cột hiên mỗi cột cao 1,8m (chưa kể đá tảng kè chân cao 0,2m). hai cặp kèo nóc đỡ mái được đặt trên những trụ tiêu dạng chày cối, giống như bộ vì kèo cánh ác trong kiến trúc truyền thống ở các tỉnh phía Bắc. Các trụ tiêu được vuốt thon tỉa rãnh như những đài bao của bắp chuối, dựng ngược lên trên giữa hai cột hàng nhất của mỗi vì kèo. Cái kèo gác đuôi lên đầu nhau liên kết giữa cột biên và cột cái. Ngoài ra còn có hệ thống bộ ba kèo xó trong góc mái, chái (đấm, quyết) để nối các cột biên hai chái với 4 cột cái.
Khác với vì kèo truyền thống của xứ Huế trong các di tích đều có 6 cột, vì kèo tại Phủ Tùng Thiên Vương chỉ có 4 cột (2 cột cái và hai cột biên), cộng thêm một cột biên nữa mới chỉ là 5. Điều này chứng tỏ sự đơn giản trong cấu trúc phủ đệ ông hoàng thi ca một thửa của triều Nguyễn. Lúc sinh thời, Tùng Thiện Vương không chỉ nổi danh với tài thi phú mà lối sống đạm bạc, kiệm cần của ông cũng được đời sau nhắc lại.
  (Ảnh: Internet)
Tiêu Viên (hay còn gọi là từ đường của bà Thục Tần) được xem là phiên bản và đặt song song ngay phía sau từ đường của Tùng Thiện Vương, tọa lạc trên nền cao 0,3m với diện tích 115,53m2. Điểm khác biệt ở đây chỉ là tỉ lệ kích thước giữa gian và chái. Nếu như tại từ đường của Tùng Thiện Vương có khoảng cách giữa các cột từ sau ra trước là 2.6m:3m:2,6m và hiên cao 1,5m tạo nên sự cân xứng, khoáng đạt với từng bước rộng 2,6m (chái) và 3m (gian giữa) thì tại Tiêu Viên khoảng cách đó là đều nhau 3m:3m:3m và hiên cao 1,3m tạo nên sự hài hòa, đẹp mắt.
Từ ngoài đi vào phủ là hệ thống cổng bao gồm cổng chính và hai cửa phụ. Cổng chính nằm trên nền dài 0,5m, dài 4m, rộng 3m. Đây là loại cổng già cổ lâu, phía dưới trổ một lối vào rộng 2m, cao 2,5m, được đóng kín bởi hai cánh cửa gỗ. Phía trên đắp giá lâu, có mái nhỏ lợp bằng ngói lưu ly tạo nên những đường rãnh lớn, dạng cổ lâu này cũng có thể bắt gặp ở các phủ Gia Hưng Quận Vương, Hoằng Hóa Quận Vương, Thiệu Hóa Quận Vương… Phía hai bên cổng chính, hai cửa nhỏ dạng cửa vòm rộng 1,2m, cao 2m luôn được đóng kín bởi hai cửa gỗ.

Bình phong "lưỡng long triều phúc"  
một biểu tượng với ý nghĩa cát tường.
Đứng giữa Từ đường sinh mẫu Tùng Thiện Vương và cổng chính là bình phong. Bình phong tọa lạc giữa một sân rộng 30*15m, dáng cao, thanh mảnh (cao 2m, rộng 3m). Ngoài ra trong khuôn viên của phủ còn có vết tích của Tả Vu nhưng hiện nay tại nên móng cũ là một ngôi nhà được xây dựng theo kiểu dáng hiện đại.
Về mặt trang trí, phủ Tùng Thiện Vương được đánh giá là một công trình tương đối đơn giản, tuy nhiên vẫn không thể thiếu những hình ảnh gắn với vương quyền và đa ngôn như lưỡng long triều nguyệt, long mã hà đồ, rùa đội thư sách, hổ phù nhả chữ Hỷ, hoa lá cách điệu thành rồng, chữ Vạn, hổ vồ mồi, hoa sen… Nóc mái của từ đường có hình ảnh trang trí “lưỡng long triều nguyệt” được đắp nổi bằng vôi vữa, bốn mặt cổ lâu là họa tiết tứ thời (mai, lan, cúc, trúc) và cửa vòm với hình ảnh hai con dơi ngậm chữ Phúc – biểu tượng cho sự may mắn...Tất cả đều được đặt những vị trí quan trọng, nổi bật tạo nên điểm nhấn cầu kỳ trong một tổng thể giản đơn.
Trở lại với phủ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương hôm nay, một không gian vườn tược luôn xanh tươi, hai bên lối đi là dãy cau cao chót vót dẫn vào phủ. Không chỉ là vương quốc của cây hoa phấn, bí quyết làm đẹp giới nữ xưa và lưu giữ hơn 1.000 văn bản Hán - Nôm, phủ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương còn tồn tại một cây mai hơn 130 năm tuổi, do chính bàn tay Tùng Thiện Vương trồng trước khi ông qua đời. Hương sắc thi ca và tấm lòng sáng trong của một con người vẫn xanh tươi cùng năm tháng.
 Theo http://khamphahue.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  David Diop – Nhà văn Pháp đầu tiên giành giải Booker Quốc tế 9 Tháng Sáu, 2021 Giải Booker Quốc tế 2021 được trao cho cuốn tiểu thuyết...