Nhà thơ lãng mạn "đọc" văn học phương Đông
truyền thống: Xuân
Diệu với bài Mơ xưa
Trong di sản thơ mới của Xuân Diệu, Mơ xưa là một bài thơ khá đặc sắc.
Nét đặc sắc dễ thấy nhất là những văn liệu mang đến cho thi nhân cảm hứng sáng
tạo ở đây đều thuộc về văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc truyền thống - chúng tôi gọi chung là văn học phương Đông. Nhưng Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất
trong số các nhà thơ mới, và trong tư cách này nhà thơ đã xử lý văn liệu đó ra
sao?. Nói cách khác, điểm nhìn thơ mới đã chi phối như thế nào đối với
cách đọc văn học phương Đông? Nghiên cứu vấn đề đặt ra sẽ bộc lộ một phương diện
ít được chú ý trong thơ mới nói chung, thơ mới Xuân Diệu nói riêng. Vì giới
nghiên cứu đã bàn nhiều về ảnh hưởng của Đường Thi và thơ truyền thống đối với
Thơ mới nhưng thường chỉ liệt kê những ảnh hưởng trên cấp độ ngôn từ, thể thơ,
hình ảnh. Lý thuyết tiếp nhận chưa được chú ý vận dụng để cắt nghĩa sự tiếp nhận
văn học truyền thống của các nhà thơ mới.
Chúng ta đều biết từng có lúc các nhà Thơ mới, trong đó có Xuân Diệu, công kích thơ cũ. Nhưng đó là thứ thơ Đường luật mới do các tác giả đương thời
in tràn ngập trên Nam Phong hay một số báo tạp chí khác, như chính Xuân Diệu từng
nói năm 1939, chứ không phải là toàn bộ thơ truyền thống. Nghiên cứu việc đọc
thơ truyền thống của Xuân Diệu trong Mơ xưa chính là dịp để làm rõ vấn
đề này.
Để phân tích bài thơ theo hướng đã nói, chúng tôi sẽ dành một phần đầu tiên cho
việc chú thích bài thơ, không chỉ vì tính đến độc giả hiện đại có thể đã xa lạ
phần nào với những điển cố dẫn trong bài mà còn nhằm tạo cơ sở thực chứng cho sự
phân tích. Phần thứ hai sẽ trực tiếp phân tích, chủ yếu nhắm đến mục đích
chỉ ra tư tưởng mỹ học của thơ mới qua cách tác giả tiếp nhận văn học truyền thống.
I. Chú
giải bài Mơ xưa [1]
Quan
niệm và mục đích chú thích:
Một cách lý tưởng, tất cả các từ ngữ và hình ảnh trong bài thơ đều phải được chỉ
ra ngọn nguồn liên văn bản của chúng-tức là xác định được thực sự tác giả đã đọc
những văn bản đó. Điều này là cần thiết nhưng không đơn giản, ngay cả nếu tác
giả sống lại để chúng ta phỏng vấn. Trong bài Mơ xưa có những từ ngữ
hay hình ảnh quá quen thuộc và phổ biến, có nguồn gốc rõ ràng như “sen chung một
đế, chim so bay, cây cũng chắp liền cành” thì việc chú thích không gặp khó
khăn. Nhưng có những hình ảnh không xác định được nguồn gốc văn bản như thi sĩ
xưa “bụng để hở” thì đành phải để lại tiếp tục tra cứu.
Chúng tôi không rõ về trình độ chữ Hán của Xuân Diệu nên giả định rằng nhà thơ
đã đọc văn học phương Đông truyền thống (bằng chữ Hán) qua các bản dịch quốc ngữ,
bản phiên âm từ chữ Nôm (tác phẩm chữ Nôm). Theo hướng này, lại nảy sinh một
nhiệm vụ khác là xác định nguồn văn học dịch hay văn học truyền thống bằng quốc
ngữ in trên sách báo xuất bản nửa đầu thế kỷ XX [2] để
chắc chắn là những điều Xuân Diệu nhắc đến trong Mơ xưa là những điều
phổ biến bấy giờ, và trong hành trang tri thức của tất cả các văn sĩ hồi đó,
không chỉ có văn học Tây phương và còn có cả văn học Đông phương. Nhưng ngay cả
công việc này, vì lý do thời gian eo hẹp, chúng tôi cũng mới dừng lại ở một số
quan sát đối chiếu bước đầu
MƠ XƯA
1. Ai có nhớ những thời hương phảng phất,
2. Hạc theo trăng, tiên còn lẫn với người;
3. Những thời xa chim phượng xuống trần chơi,
4. Hoa cúc nở có người chờ đợi trước.
5. Người thuở ấy du dương từng kiểu bước,
6. Thân mình thơm khóa buộc giải hương la,
7. Son phấn dịu dàng. - Tay áo thướt tha
8. Chàng trai trẻ cũng xinh dường thiếu nữ.
9. Gió mây đến ở trong trường tình tự;
10. Trăng vàng xinh không bỏ giữa đêm khuya.
11. Có kẻ nhìn hứng lấy giọt pha lê.
12. Và phong cảnh đắm say mơ diễm lệ,
13. Cho đến nỗi sen còn chung một đế,
14. Chim so bay, cây cũng chắp liền cành.
15. Bức thư tình choàng ấp đêm năm canh;
16. Ngày sáu khắc tưởng mơ vàng đá nặng.
17. Thương là vậy, ai phụ thề cho đặng!
18. Hễ xa nhau thôi thương nhớ võ vàng.
19. Gió liễu chiều còn nhớ kẻ dương quan,
20. Đưa nước mắt hàng dương sang một phía.
21. Những Chiêu Dương, những Hậu Đình tráng lệ
22. Đẹp vì chưng xây với oán cung phi.
23. Cung nhà Tần trùng điệp mái lâm ly,
24. Hán Cao Tổ đốt chín ngày mới hết;
25. Tần cung nữ ba mươi trăm, chẳng biết
26. Gót sen vàng liễu yếu chạy về đâu?
27. Những thi sĩ xưa suốt tháng nghiêng bầu,
28. Bụng để hở, gặp cảnh gì cũng luyến;
29. Hồ ngọc một mùa sen luôn mấy chuyến;
30. Sương mới mùa thu giăng cửa song mờ,
31. Nắng cũ mùa vàng sa mặt sông thơ;
32. Tuyết bay mùa đông trắng phơ tựa biển;
33. Rồi xuân đến, dẫu ca oanh múa yến,
34. Cũng dịu dàng như thể một mùa thu!
35. Chúng ta nay trong cuộc thế ao tù
36. Đốt điếu thuốc chiêu hồn sương quá khứ
37. Mỗi khi thu đưa gió vàng lưỡng lự,
38. Có buồn chăng, lòng bận ở đâu xưa?
Gò Công 1942
Chú
giải:
Câu 2. Hạc là hình ảnh quen thuộc trong cả văn học dân gian và văn học bác học.
Hạc xuất hiện trong các công trình kiến trúc tôn giáo như đền miếu, đi vào ca
dao dân ca. Hạc tượng trưng cho sự trường thọ nên thường đi với tiên, hạc tượng
trưng cho ẩn sĩ cô độc, tượng trưng cho tinh thần phiêu diêu thoát
tục của các đạo sĩ. Trong bài hát nói Vịnh Hậu Xích Bích phú, Nguyễn Công Trứ
viết Thi thành nhất bức thiên sơn tịch/ Cô hạc hoành giang lược tiểu chu (Bài
thơ làm xong thì núi non đã im lặng/ Một cánh hạc cô lẻ bay ngang sông, qua con
thuyền nhỏ) [3].
Trong Hậu Xích Bích phú (Tô Đông Pha) - con hạc này chính là hiện thân của một đạo
sĩ. Nguyễn Khuyến: Đời loạn đi về như hạc độc/ Tuổi già hình bóng tựa mây côi.
Hai bài phú Tiền hậu Xích Bích phú đã được Phan Kế Bính dịch công bố trên Đông
Dương tạp chí và được Nguyễn văn Vĩnh dịch qua tiếng Pháp cũng công bố trên tạp
chí này. Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ) kể chuyện Từ Thức lấy vợ tiên nhờ một
chuyện ngẫu nhiên: tiên cô Giáng Hương từng hóa trang xuống trần xem hội hoa mẫu
đơn, không may bẻ gãy cành hoa, bị bắt giữ, nhờ có Từ Thức khi ấy đương làm
quan, lấy áo cừu gấm đền bù nên được tha, nay chàng phiêu du lạc vào tiên cảnh,
gặp lại Giáng Hương và kết duyên. Báo Nam phong s. 37, tháng 8/1920, mục
Văn uyển, Hồng Đức quốc âm thi tập có chép 6 bài thơ vịnh Lưu Nguyễn và tiên. Gần
Xuân Diệu hơn, có bài thơ Tống biệt của Tản Đà với câu Cái hạc bay lên vút tận
trời diễn tả không gian thần tiên mà Lưu Nguyễn nay phải từ biệt tiên nữ Thiên
Thai để trở lại thế giới trần gian (Tống biệt) - Bài này đã được Hoài Thanh dẫn ở
đầu Thi nhân Việt Nam. Tiên là nhân vật tưởng tượng của văn hóa cổ đại, là những
nhân vật trường thọ-bất tử, đồng thời cũng là biểu tượng của vẻ đẹp nữ
tính - tiên nữ.
Tiên và hạc là hai hình ảnh yêu thích của Thơ mới. Trong bài thơ Tiếng sáo
Thiên Thai Thế Lữ cũng viết về Thiên Thai và tiên nữ, về hai con hạc
trắng bay về Bồng lai. Chính Xuân Diệu (trong bài thơ Nhị hồ) cũng từng mơ
màng về chàng Lộng Ngọc và Tiêu Lang cưỡi hạc một đêm bay lên trời. Văn
hóa tiên, tiên thoại phổ biến lâu đời ở phương Đông, nhưng cần phân biệt những
ông tiên râu tóc bạc phơ tượng trưng cho khát vọng về trường thọ và tiêu dao
thoát tục với những tiên nữ tượng trưng cho vẻ đẹp - đẹp như tiên. Trong bài thơ
này, hẳn Xuân Diệu nghĩ đến các tiên nữ - giống như Tản Đà, Thế Lữ.
Câu 3. Chim phượng: một loài chim tưởng tượng, là thần điểu, là vua các loài
chim, con trống gọi là phượng, con mái là hoàng, gọi chung là phượng hoặc phượng
hoàng [4]. Long,
Ly, Quy, Phượng là tứ linh, bốn con vật thiêng theo quan niệm văn hóa
phương Đông xưa, phượng tượng trưng cho bậc thánh đức, cũng là chim báo điềm
lành. Theo Trung Quốc điển cố đại từ điển, loài chim phượng xuất hiện
khi thế gian có đạo lý, ngược lại thế gian vô đạo phượng sẽ ẩn mình. Trong ca
dao, dân ca, phượng thường sóng đôi với loan để ẩn dụ cho tình yêu đôi lứa.
Vùng Bình Trị Thiên có câu hò Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc/ Con
cá ngư ông móng nước ngoài khơi - Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời - Kẻo mai kia
con cá về sông vịnh, con chim nọ đổi dời về non xanh. Nguyễn Khoa Điềm có
câu thơ “liên văn bản” “đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”. Ca
dao: Ước gì anh được vô phòng/ Loan ôm lấy phượng, phượng bống lấy loan.
Câu 4. Hoa cúc rất quen thuộc với thi nhân xưa, đứng trong bộ tứ tùng cúc trúc
mai, cúc là biểu tượng của người quân tử thanh cao, khác tục. Trong Ly tao, để
diễn đạt tâm hồn cao khiết, Khuất Nguyên viết: tiết mùa xuân ta uống sương trong
rơi từ hoa mộc lan, tiết mùa thu ta nếm sương hồng từ hoa cúc (triệu ẩm mộc lan
chi trụy lộ/ tịch san thu cúc chi lạc anh). Đào Uyên Minh về ẩn dật có thơ Thái
cúc đông ly hạ/ Du nhiên kiến Nam sơn (Hái hoa cúc ở dậu phía đông/ Bỗng nhiên
thấy Nam Sơn - Bài Ẩm tửu). Theo nguyên lý thi pháp cổ “dĩ thần cầu hình”,
hoa cúc vốn tính đạm bạc, yên tĩnh, giúp trình hiện tâm chí đạm bạc, yên tĩnh,
không tham luyến cảnh công hầu xa mã của kẻ sĩ quy ẩn. Bản thân cử chỉ hái cúc,
yêu cúc giữa một xã hội mà phần đông bôn tẩu theo công hầu xa mã đã nói lên tâm
chí bất di bất dịch của con người yêu tự do, trọng nhân cách đạo đức. Hầu hết
các nhà thơ xưa ít nhiều đều có thơ vịnh cúc.
- Các câu 5-6-7-8: Chưa rõ Xuân Diệu đã đọc những tác phẩm nào để có ấn tượng về
các chàng trai thời xưa “thơm”, “dịu dàng”, “xinh” như thiếu nữ. Trong các truyện
thơ Nôm theo mô thức tài tử giai nhân như Truyện Kiều, Truyện
Hoa Tiên, Sơ kính tân trang …nhân vật nam là các chàng trai tài tử có những
nét hào hoa phong nhã na ná như kiểu nhân vật mà các câu thơ này nói đến.
- Các câu 9-10-11: Gió, mây, trăng là những hình ảnh rất phổ biến trong thơ xưa.
Hình ảnh đêm trăng trong như pha lê (thủy tinh) thì Xuân Diệu đã hơn
một lần nói đến Mây vắng trời trong đêm thủy tinh/ Lung linh bóng sáng bỗng
rùng mình… [5]
- Các câu 12-13-14: đến mấy câu này thì ta có thể hiểu được logic cả đoạn thơ
trên. Xuân Diệu thu hẹp dần thi hứng vào tình yêu đầy màu sắc lãng mạn của Đường
Minh Hoàng và Dương Quý Phi vốn đã được nhiều thi nhân cổ đại diễn tả. Đặc biệt
những hình ảnh sen còn chung một đế, chim so bay cây cũng chắp liền
cành đã được gợi ý từ bài Trường hận ca nổi tiếng của Bạch Cư Dị
và cũng không ít lần được dùng làm văn liệu trong thi văn trung đại Việt Nam.
Trên báo Nam phong ở đầu thế kỷ XX, bài Trường hận ca đã
được dịch giới thiệu nhiều lần, kể cả gợi hứng cho cả các sáng tác [6].
- Các câu từ 15 đến 20: Những nỗi nhớ nhung giữa đôi lứa trai tài gái sắc cũng
không phải là phổ biến nhưng cũng không quá hiếm trong văn học truyền thống.
Khó xác định chính xác là Xuân Diệu lấy cảm hứng từ tác phẩm nào nhưng nếu chỉ
ra ngẫu nhiên thì có thể liên hệ đến nỗi tương tư về nàng Kiều của Kim Trọng vốn
được Nguyễn Du tả rất thấm thía. Còn cành dương (dương liễu) hay hàng dương liễu
là một hình ảnh ước lệ thường gặp trong thơ văn xưa viết về những cuộc tiễn đưa
đẫm lệ hay nỗi nhớ thương vô bờ người đi xa của người chinh phụ. Chinh phụ
ngâm, Truyện Kiều đã sử dụng “mẫu gốc” này (Chinh phụ ngâm: Liễu
dương biết thiếp đoạn trường này chăng hay Lúc ngoảnh lại ngắm màu
dương liễu/ Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong; Truyện Kiều: Sông Tần một dải
xanh xanh/ Loi thoi bờ liễu mấy cành dương quan).
- Từ câu 21 đến câu 26: đoạn này ghi lại ấn tượng về thân phận cung nữ từ thi ca
Trung Quốc. Chiêu Dương là tên cung điện đời Hán, nơi ở của nàng Triệu Phi Yến
nổi tiếng. Điện Chiêu Dương được nói đến trong nhiều bài thơ đời Đường
như Trường tín thu từ (Vương Xương Linh), Trường hận ca (Bạch
Cư Dị) - cả hai bài này đều có bản dịch thơ đăng trên Nam Phong (Chiêu Dương điện
lý ân ái tuyệt). Hậu Đình là cung điện đời Trần Hậu Chủ, Trần Hậu Chủ ăn chơi
phóng đãng, có soạn bài từ khúc Ngọc thụ Hậu Đình hoa, gọi tắt
là Hậu Đình hoa, nổi tiếng nhờ bài thơ Bạc Tần Hoài của Đỗ
Mục đời Đường có câu Thương nữ bất tri vong quốc hận/ Cách giang do xướng
Hậu Đình hoa (Các ca nữ không biết hận mất nước/ Cách sông nghe tiếng ca
bài Hậu Đình). Cung nhà Tần đây chắc chỉ cung A Phòng nổi tiếng - nơi Tần Thủy
Hoàng chứa hàng ngàn hàng vạn cung nữ, được nhắc nhiều trong sử sách, thi văn (Sử
ký của Tư Mã Thiên đời Hán và A phòng cung phú của Đỗ Mục đời Đường).
Có điều không rõ Xuân Diệu đã đọc tài liệu nào để nói Hán Cao Tổ đã đốt cung A
Phòng, mà thực ra Hạng Vũ mới là người đốt cung thất nhà Tần [7].
- Từ câu 27 đến 34: rất khó để xác định Xuân Diệu đã đọc những tác phẩm văn học
hay lịch sử nào truyền cho ông cảm hứng trong các câu này. Văn hóa rượu - tửu văn
hóa của người xưa có thể dễ dàng bắt gặp trong sáng tác của nhiều văn - thi nhân
Trung Quốc và Việt Nam [8].
Nhưng chưa rõ hình ảnh bụng để hở gặp cảnh gì cũng luyến đến từ đâu,
cũng có thể là một cách giải thích riêng của nhà thơ về những nhân vật yêu rượu. Hồ
ngọc một mùa sen luôn mấy chuyến phải chăng bắt nguồn từ câu thơ nhất
phiến băng tâm tại ngọc hồ [9]?. Mấy câu tiếp theo dường như là cách cảm nhận vẻ đẹp của bốn mùa trong thơ xưa.
Sau này, trong tập phê bình Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Xuân Diệu tỏ
rõ là người rất am hiểu về thơ bốn mùa, nhất là sự vận động của cảnh thu trong
nền thơ trung đại Việt Nam đến Nguyễn Khuyến.
- Khổ thơ cuối
cùng, từ câu 35 đến 38: Cảm hứng vang bóng một thời.
II.
Nhận xét:
- Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới có một vốn hiểu biết văn học phương
Đông truyền thống đáng kể. Trong hành trang tri thức của Xuân Diệu không chỉ có
thi ca và văn học Pháp mà cả thi ca, văn học Việt Nam, Trung Quốc.
- Nguyễn Tuân không hề đơn độc khi viết Vang bóng một thời. Bài Mơ
xưa của Xuân Diệu đã giúp chúng ta hiểu thêm tâm thế của các nhà văn lãng
mạn. Việc mỹ hóa con người quá khứ là một trong những cách thể hiện thái độ phê
phán đối với hiện thực đương thời.
- Mỹ học của Xuân Diệu: Nguồn tài liệu tạo cảm hứng cho Xuân Diệu về con người
phương Đông chủ yếu là thi ca. Khổ thơ thứ nhất (8 câu) dựng không gian xưa đầy
huyền ảo bằng những khái niệm tiên, trần hòa trộn. Hoa cúc vốn là một
hình tượng quen thuộc diễn tả lý tưởng người quân tử ở đây lại gợi lên một ấn
tượng về cái đẹp duy mỹ (có người chờ đợi trước). Trong không khí mà cái đẹp được
làm nên từ vẻ đẹp thiêng liêng, thanh cao, và nhà thơ thiên về vẻ đẹp nữ tính,
khi mà hình ảnh nam nhân được dựng lại bằng không gian tràn ngập hương thơm,
son phấn, dáng điệu thướt tha: chàng trai trẻ cũng xinh dường thiếu nữ, Tình
trai thế là đã hơn một lần xuất hiện trong thơ Xuân Diệu. Những nam nhi,
quân tử, anh hùng hào kiệt hay hảo hán giang hồ đầy chất nam tính vốn không hiếm
hoi trong văn học truyền thống của cả Việt Nam và Trung Quốc lại đứng ngoài tầm
quan tâm của ông. Nếu dùng thuật ngữ của mỹ học phương Đông truyền thống, ông
quan tâm cái đẹp âm nhu hơn là cái đẹp dương cương.
Đã thế
thì dễ hiểu là thi sĩ của chúng ta đặc biệt quan tâm đến người phụ nữ trong văn
học truyền thống. Nhưng ngay cả đối với người phụ nữ thì nhà thơ cũng có thiên
hướng cảm khái trước vẻ đẹp u sầu, mang tính bi kịch. Đó là những thiếu nữ cô
đơn dưới trăng trong đêm khuya vắng, suốt năm canh cô đơn ôm ấp bức thư tình, hết
sáu khắc tưởng mơ tình vàng đá. Đặc biệt xúc động là mối tình đầy oan trái Đường
Minh Hoàng - Dương Quý Phi. Họ chỉ có thể nguyện ước sang kiếp sau tiếp tục gắn
bó, chắp cánh liền cành. Đó là những cuộc biệt ly đẫm lệ bên những hàng dương
liễu hàng ngàn đời đã thành biểu tượng chia ly. Cái buồn, nỗi u sầu là vẻ đẹp
mà thi sĩ của chúng ta nâng niu.
Hơn hết cả những phụ nữ có nỗi u buồn trĩu nặng là kiểu người phụ nữ bất hạnh
- cung nữ. Cung nữ đều là những giai nhân tuyệt sắc nhưng sao kiếp sống của họ bất
hạnh và bi đát. Chủ đề khuê oán nổi trội trong dòng văn học cảm thương
thời cổ trung đại. Cái đẹp ở đây được gắn liền với oán thực sự
đã tạo nên cách đọc đề tài cung oán rất riêng của nhà thơ lãng mạn. Oán được gợi
lên từ hình ảnh những cung điện chứa hàng ngàn vạn cung nữ đã lừng danh nhờ nhiều
sáng tác thơ phú nhiều thế kỷ, cả ở Trung Quốc và Việt Nam - đẹp vì chưng
xây với oán cung phi. Thương cảm biết bao cảnh cung A Phòng bị đốt cháy đã được
sử sách ghi lại. Nếu các sử gia và văn nhân xưa thường khai thác câu chuyện
cung A Phòng bị đốt cháy để gửi gắm bài học về sự thất bại của nền bạo chính của
Tần Thủy Hoàng (ví dụ A Phòng cung phú của Đỗ Mục) thì Xuân Diệu lại
rung cảm trước cảnh tượng tan tác của các cung nữ khi cung điện này bị đốt do
ông mường tượng ra gót sen vàng liễu yếu chạy về đâu. Bỏ mặc các sử gia với
những bài học lịch sử khô khan của họ, nhà thơ Mới hướng về niềm thương cảm cho
thân phận của những mỹ nhân.
Kiểu
người cuối cùng được Xuân Diệu chú ý là thi nhân xưa. Không phải kiểu thi nhân
quen làm thơ nói chí tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ mà là những thi
sĩ suốt tháng nghiêng bầu và bụng để hở. Hai chi tiết miêu
tả mang tính tạo hình này có thể được lấy từ những nguồn văn bản và nghệ thuật khác nhau, song tựa hồ như phảng phất bóng dáng của những nhân vật trong Trúc
lâm thất hiền đời Ngụy Tấn (Lưu Linh, Nguyễn Tịch) hay Lý Bạch (đời Đường).
Song việc lý giải thi nhân xưa gặp cảnh gì cũng luyến lại hàm chứa
quan niệm mỹ học thơ mới nhiều hơn là của quan niệm thơ xưa. Các văn thi nhân cổ
đại ca ngợi rượu thì thường là để bày tỏ thái độ phê phán sự tỉnh táo, duy lý đến
giả tạo của các học thuyết triết học tôn giáo khác thường khuyên người đời kiểm
soát và tiết chế cảm xúc. Còn Xuân Diệu tôn sùng thế giới cảm xúc muôn màu muôn
vẻ, mang vẻ đẹp vô tư, không vụ lợi, không mang tính chất công lợi chủ
nghĩa. Đó chính là tinh thần mà Thế Lữ (bài Cây đàn muôn điệu)
và Xuân Diệu (bài Cảm xúc) đã phát biểu [10].
Dường như để minh họa cho ấn tượng và cảm xúc của mình về tinh thần mỹ học vô
tư, không vụ lợi, Xuân Diệu tái hiện lại những cảnh sắc đáng lưu luyến mà ông
hình dung cho người xưa: những không gian bốn mùa đầy âm thanh, màu sắc, hình
khối và cảm giác được miêu tả trong thế tương giao quen thuộc của thi pháp Xuân
Diệu. Những cảnh sắc đem lại những xúc cảm đẹp nhưng không gợi lên bất cứ một
chủ nghĩa công lợi nào. Nhà thơ dường như mê say hơn cả những rung cảm mơ hồ,
vơ vẩn khi đất trời sang thu như đã từng viết nhiều nơi mơ theo trăng và
vơ vẩn cùng mây (bài Cảm xúc), Ít nhiều thiếu nữ buồn không
nói/ Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì (Đây mùa thu tới). Vì thế ông gán
cách tiếp nhận của mình cho các thi sĩ cổ đại. Mà thực ra, cảnh đẹp chỉ là
phương tiện để các thi nhân xưa diễn tả con người đạo lý, con người cộng đồng của
mình. Đào Tiềm nói Hái cúc dưới dậu đông là nhấn mạnh việc hái cúc có
ý nghĩa hơn nhiều chuyện bon chen trong trường danh lợi. Nhân hứng cũng vừa
toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào: Nguyễn Khuyến đã kịp thời ngưng
cây bút mà ông cất lên định ghi lại xúc cảm thẩm mỹ trước cảnh đất trời tuyệt mỹ
khi thu sang thì tức là có cho rằng những xúc cảm và ưu tư trĩu nặng về đất
nước còn quan trọng hơn là cảm xúc trước vẻ đẹp vô tư của mùa thu.
Là thi nhân, tất nhiên Xuân Diệu có cách đọc riêng đối với hình tượng con người
trong văn hóa và văn học cổ trung đại phương Đông so với nhà văn Nguyễn Tuân.
Trong Vang bóng một thời Nguyễn Tuân thiên về khắc họa những chân
dung nhân vật văn hóa độc đáo mà ông muốn đem đối lập với thời buổi xô bồ, hỗn
độn mà làn sóng văn minh Âu hóa đem lại. Còn Xuân Diệu lại nhân việc diễn tả cảm
xúc của mình để phát biểu lý tưởng về cái đẹp, một lý tưởng thẩm mỹ thật tiêu
biểu cho chủ nghĩa lãng mạn.
Chú thích:
[1] Văn bản lấy theo sách Thơ mới 1932-1945, NXB Hội
Nhà văn, Hà Nội, 2004. Chúng tôi đánh số từng câu để tiện chú thích.
[2] Trên báo chí hồi này, nhất là báo ra hàng ngày, hàng tuần thường in
thơ, truyện dịch từ chữ Hán (văn học Việt Nam trung đại, văn học Trung Quốc).
Chúng tôi đã khảo sát các bài thơ dịch trên Nam Phong có khả năng
liên hệ đến những ngôn từ, hình ảnh của Mơ xưa. Tất nhiên không ai lại
ngây thơ khẳng định Xuân Diệu đã lấy cảm hứng từ chính các bản dịch ấy - việc
làm này chỉ có ý nghĩa xác nhận là Xuân Diệu và các văn sĩ đương thời - nếu không
đủ vốn Hán học - có đủ điều kiện tiếp xúc với văn học truyền thống. Về các tiểu
thuyết bình dân Trung Quốc được dịch ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, Nhan Bảo
đã thống kê một danh sách 360 cuốn (xem Nhan Bảo, Ảnh hưởng của tiểu thuyết
Trung Quốc đối với văn học Việt Nam, in trong Tiểu thuyết truyền thống
Trung Quốc ở châu Á (từ thế kỷ XVII - thế kỷ XX), Trần Hải Yến dịch, NXB
Khoa học xã hội, 2004). Một nguồn tác phẩm văn học Việt Nam khác cũng rất quan
trọng có khả năng ảnh hưởng đến Mơ xưa là các sáng tác thơ Hán/
Nôm của các tác giả Việt Nam được dịch/ phiên âm trong giai đoạn như Chinh
phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, Truyện Kiều… đã được in và chú giải trong nhiều lần
xuất bản trước 1945, không chỉ vì bản thân ngôn từ và hình ảnh của các tác phẩm
này mà còn những điển cố, văn liệu. Tóm lại, nguồn văn bản tác phẩm văn học
truyền thống bằng tiếng Việt có thể có ảnh hưởng đến Mơ xưa là rất rộng.
Sự tìm kiếm liên văn bản chỉ có ý nghĩa hết sức tương đối.
[3] Văn bản thơ văn Nguyễn Công Trứ đã được phiên âm, chú giải và giới
thiệu từ năm 1928. Xem Lê Thước Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn Tướng
công Nguyễn Công Trứ, Nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, 1928.
[4] Có thuyết cho rằng hình ảnh phượng được tưởng tượng trên cơ sở kết
hợp giữa gà lôi và công (xem W. Perceval Yetts, Symbolism in Chinese Art,
Yale University, 1923, tr. 24).
[5] Có thể nghĩ đến câu Khước há thủy tinh liêm của Lý Bạch
trong bài Ngọc giai oán, một bài thơ thuộc dòng thơ cung
oán.
[6] Trong bài Trường hận ca có hai câu Tại thiên nguyện
tác tỵ dực điểu/ Tại địa nguyện tác liên lý chi - (Trên trời nguyện làm đôi
chim liền cánh/ Ở mặt đất nguyện làm cây liền cành). Về mối tình Đường Minh
Hoàng và Dương Quý Phi, chỉ tính riêng trên báo Nam Phong đã có nhiều
tác phẩm thơ do người Việt dịch hoặc sáng tác. Ví dụ, Nam Phong số 9 tháng 3/1918,
có bài Vịnh Dương Quý Phi và Vịnh Đường Minh Hoàng của
Dương Bội Kha. Số 12 có bài của Ngô Thúc Tử họa lại bài vịnh Đường Minh Hoàng
có dùng chữ liền cành. Nhưng hai chữ liền cành đã được dùng
trong nhiều tác phẩm văn học truyền thống của Việt Nam như Chinh phụ ngâm,
Truyện Kiều… nên chỉ có thể nói chúng đã nhập vào văn hóa và văn học Việt Nam từ
lâu, khó xác định bắt đầu từ ai, từ khi nào. Về dịch, bài Trường
hận ca của Bạch Cư Dị trên Nam phong cũng xuất hiện nhiều bản dịch khác
nhau. Nghĩa là trước Xuân Diệu đã có cả một ngữ cảnh văn học tạo xúc cảm lãng mạn
về mối tình này.
[7] Sử ký Tư Mã Thiên, Hạng Vũ bản kỷ chỉ chép “Hạng Vũ
phóng hỏa đốt cung thất (của nhà Tần) lửa cháy ba tháng không dứt”. Vậy không
thấy nói rõ việc cung A Phòng có thuộc số này không. Các nhà khảo cổ hiện nay
cho rằng cung A Phòng không phải là một công trình xây dựng đã thực sự hoàn
thành mà chỉ mới xây dựng dang dở. (Xem bài Khảo cổ phát hiện: Hạng Vũ hỏa
thiêu A Phòng cung thị lịch sử ngộ truyện - Phát hiện Khảo cổ học: chuyện Hạng Vũ
đốt cung A Phòng là một câu chuyện sai lầm.
Nhưng chúng ta đang bàn đến cách tiếp nhận thân phận cung nữ
của Xuân Diệu theo nguồn văn liệu truyền thống.
[8] Trong số khoảng 1000 bài thơ Lý Bạch để lại, có đến 170 bài nhắc đến
rượu. Khoảng 1400 bài thơ của Đỗ Phủ, có hơn 300 bài nói về tửu.
[9] Câu thơ này trong bài thơ thuộc thể tống biệt của thi nhân đời Đường
Vương Xương Linh Phù Dung lâu tống Tân Chiết. Toàn bài: Hàn vũ liên
giang dạ nhập Ngô/ Bình minh tống khách Sở sơn cô/ Lạc Dương thân hữu như tương
vấn/ Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ. Đây là bài thơ tả tâm tình khi chia tay với
bè bạn và tấm lòng cao khiết trong sáng của thi nhân. “Ngọc hồ” là hồ rượu bằng
ngọc. Băng và Ngọc đều ngụ ý cho phẩm cách cao khiết, thanh bạch.
[10] Thế Lữ viết Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân/ Ánh tưng
bừng linh hoạt nắng trời xuân/ Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió/ Cảnh vĩ đại
sóng nghiêng trời thác ngàn đổ/ Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay/ Cảnh cơ
hàn nơi nước đọng bùn lầy/ Thú xán lạn mơ hồ trong ảo mộng/ Chí hăng hái đua
tranh đời náo động/ Tôi đều say đều kiếm đều say mê… Còn Xuân Diệu viết Tôi
chỉ là một cây kim bé nhỏ/ Mà vạn vật là muôn đá nam châm.
21/6/2012Trần Nho Thìn Nguồn: Tạp chí nghiên cứu văn học, 6/2012
Trần Nho Thìn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét