Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Đọc "Tử sinh ca" của Trần Yên Thảo

Đọc "Tử sinh ca" của Trần Yên Thảo

Trần Yên Thảo (Trần Ngọc Minh) là người bạn thiết từ thuở thiếu thời của tôi ở Hàm Tân, La Gi, lúc chúng tôi mới lên 7 lên 8, cùng sống trong vùng tản cư Cù Mi, Láng Găng, Giếng Ngự, Láng Hàng, Bàu Mưa, Rừng Khỉ… cùng sốt rét rừng, cùng suy dinh dưỡng, và thiệt ngộ: cùng viết lách, thơ thẩn… sau này.
Trần Yên Thảo “chuyên trị” lục bát từ những ngày chúng tôi có những tập thơ chép tay truyền nhau. Anh sống như một Ông đạo, râu tóc lênh đênh như vừa ở Núi tuyết Hymalaya về.
Tử Sinh Ca là tập thơ mới của anh, gồm 351 bài thơ lục bát 4 câu, theo tôi là rất “đáng nể”.
Và bài viết của Ngô Nguyên Nghiễm cũng thiệt hay!.
Xin đa tạ.
Đỗ Hồng Ngọc
7.1.2021
Đọc TỬ SINH CA của TRẦN YÊN THẢO
Trên lộ vắng, bước di hành vòng quanh mịt mịt trên một không-thời gian hiu quạnh của một kiếp người. Dù muốn thoát thai trở về một bản ngã sáng láng trong một vòng tròn luân hồi, hành giả chắc chắn phải hiểu rằng: Bước đi đốn ngộ chỉ dành cho một bừng ngộ mà a tăng tỳ kiếp mới hạnh ngộ một lần trong sác na đạo pháp.
Thiện căn của thi tập Tử Sinh Ca cũng hy vọng khai hóa, không thể gọi là cơ bản thiền hành cho một căn cơ đạo hạnh, vì tâm thức cũng chỉ còn vướng víu trong hữu vi. Điều chắc chắn, hành giả có ý niệm rải từng đóa hoa vô ưu trên dọc lộ trình đã bước qua, hy vọng như ngọn mộc đăng le lói trong khu rừng tịch mịch, mà người đi sau có lối bước về.
Chính vậy, khách quen chỉ muốn vén màn trên một quan điểm cổ sơ, về ý niệm Sinh Ca và Tử Ca, trong 12 nhân duyên hẹn gặp, dù không biết đến bao giờ thoát được vòng luân chuyển hằng sa?
Khao khát trên lộ trình bước lên bản ngã, hành trang là yếu tính của người lữ hành trong giai đoạn cập nhập vào hướng đạo. Giai đoạn chập chững nhập thân trong những bước sơ khai, tâm trí còn mờ mịt chưa định tâm nhớ quên, thất lạc mảnh trăng cổ đại một thời hữu vi còn không trong rừng già nẻo quê!
Vô tình lạc đến phố hoa, chân còn vướng mê muội giữa thánh phàm, mong một tiếng gọi chân thành từ quá khứ, nhưng bước đường thưa dần, làm sao trở bước lui chân. Hóa ra:
Cầm canh nhịp mõ đều đều
Ban mai nắng đón về chiều gió đưa 
Khiến cho trăm cõi sơ khai còn loạn mù sương khói, nên bước đi của kẻ lữ hành giữa đất trời quang lạnh, phải hiểu vì:
Đèn le lói suốt canh khuya
Xới tung kinh kệ còn chưa vỡ lòng 
Lẫn trong tiếng gió đêm thâu, mà từ vô thủy đến hiện tại, lão tiều vẫn còn ngẩn ngơ dưới núi. Lạc lỏng giữa đêm về, khách thầm tự nghĩ đã đành Phật chẳng nói gì/ xưa nay báo nghiệp có trì hoãn đâu (?).
Chính vậy, chỉ vì cần ao ước giọt nước trên đồng khô, hành giả chợt hiểu và bước đi:
Sơn chưa tận thủy chưa cùng
Giấc Nam Kha đã cháy bùng ruột gan. 
Lối về không tìm thấy, chân hoang bất chợt mất dấu cội nguồn, nhân dạng thay đổi theo từng bước đi. Thì thôi:
Bèo duyên mấy kiếp lạc bờ
Gậy tre bình bát nương nhờ thập phương
Ngựa về tháo bỏ yên cương
Trên mê lộ hãy còn vương lụy phiền 
Bao nhiêu kiếp nạn vấn vương từ bên kia tả ngạn, nên hành nhân còn ngơ ngác trong mịt mùng bốn phương. Bởi vì, tâm hoang còn lãng đãng trên đường cố lý. Muốn vô tình quên bẵng không màng vướng bận hữu thể, cho quang niên soi rọi được đường đi lối về:
Trăm sông xé nát mạch nguồn...
Trải đời bất kể gai chông
Thịnh suy chưa tỏ hưng vong chưa tường...
Lê la áo rách giày mòn
Tới đây lụy những mối hờn con con
Khi về rủ áo đầu non
Ngoảnh trông dưới núi phấn son dập dìu 
Mê lộ cuộc tình trần của hành giả, còn trong giai thể ba vá của một tiều tăng. Trên bước hội nhập làm sao sàng lọc tình và lý, khiến cuộc nhập thể đường trường còn nhiều phân vân trước hữu thể:
Long đong mấy bận nổi chìm
Hết ham bước tới chẳng hiềm bước lui        
Vì rằng, trong cơn ảo giác của người ban sơ bước giữa đạo tràng:
Phụ phàng đâu phải chơi ngông
Đóa hoa vô sắc nở trong vườn trần      
Lành thay, chỉ là cơn mơ ảo diệu làm rối tung tâm thức khách du phương, vì hoa vô sắc cũng đâu bằng vô hoa. Nên, hành trình không thể là thi khúc tơ vương lộn mối, nên tử sinh thuyền đã ghé bờ/ hành nhân nấn ná còn chờ tiễn đưa. Tại sao vậy? Thế giới hằng sa, kẻ sơ đạo sao cứ ngoảnh lại nhìn về chân trời sau lưng. Khiến kỷ niệm vẫn là ảo giác hiện thực đã có, nhưng xòe tay ra xem, trong tay còn vướng đọng hình thể gì không? Nên ngồi chưa ấm chiếu vội vàng bỏ đi/ rạch ròi từng sợi lông mi/ cũng chưa thấu được lẽ nghi ngờ này. Chính vì vậy, hiển dụ rõ rằng:
Mất còn có cũng như không
Nên chi trời đất uổng công hẹn hò
Từ vô lượng kiếp đến giờ
Vượt sinh tử cũng tới bờ tử sinh 
Trong chương Gót Tục bước vào những thi khúc: 
Lang thang khắp cõi luân hồi 
Giữa cơn bĩ cực thấy đời đẹp hơn
Đâu cần lánh  ngụy tìm chơn
Thoát ly sinh tử nào hơn kém gì...
Cầm bằng công lực kỳ khu
Thách ai ép được lá thu đừng vàng...
Quanh đây chiếu lạnh gương mờ
Chuyến đò hóa nghiệp còn chờ đưa ai 
Ranh giới cõi tục, khiến miếu thiêng quạnh quẽ, quỷ thần đứng dưới mưa mà khóc òa. Sự hoang dại địa giới thổ cư của quỷ thần, lô nhô sắc đá, rơi nhào từng viên gạch rụng giữa thiên thu. Thì khác gì, mê trận đang bao quanh con người trong trận đồ đầy rẫy gót chân tục lụy còn quanh quẩn nhiều.
Gót chân sơ thiền như những bước chân sơ khai của trẻ mới lớn, chập chững bước đi tự tại trên từng vuông đất vô tâm, trên từng phiến đá vô tri… Người sơ đạo vẫn còn chập chờn trên gót tục. Từ giáp vòng cũng lộn về đây/dù xưa chẳng hẹn đến nay chẳng hò/ tử sinh cùng đốt một lò/ chòm ong lũ kiến dẹp trò quỷ ma. Quanh quẩn trong tư niệm, nên kẻ còn dạo gót tục trên một không gian tục lụy, ảo giác cho tư tưởng Vốn từ phiến đá vô tri/ dầy công điểm nhãn có khi nhập thần/chẳng qua nhân sự bày đàng/ đẫm mùi nhang khói dần dần hóa thiêng. Chính vì sơ hoang trên gót tục, nên người đi đối mặt kẻ về/ ngu ngơ thiện ác vụng bề cương nhu/ gót phàm lê lết cõi tu/ cần đâu tách bạch xuân thu hai mùa. Còn vương vấn trên bước du hành chưa tròn thiện ý, làm sao chẳng trầm tư hướng tới:
Đôi lần chùn bước tay du
Phân thân hành giả muốn thu gậy về
Trời tây hối đã gần kề
Nặng vai công đức khó bề thối lui
Chắc chắn là vậy, không thể dừng bước hay phải tìm phương hướng để hoàn tu qua núi khác:
Một giây chểnh mảng ơ thờ
Đò qua bến khác có chờ ai đâu
Ai còn tưởng vọng bến sau
Khó hơn núi dựng sông sâu mấy trùng. 
Chuyển bước trong chương Những Vì Sao Bỏ Ngôi, bước qua thời dù đã xa bờ người khách lữ dù rằng âm thanh đời trước bây giờ còn nghe, khiến rách y sờn bát hình như mươi năm kinh sách đã trở thành hư vọng:
Cam lòng nhện đứt dây tơ
Từ niên thiếu đã bạc phơ mái đầu...
Ta nằm chờ đá đơm bông
Chờ cơn gió núi cảm thông mây trời...
Nản lòng tiếng vạc kêu sương
Còn đôi ba khách hành hương lạc loài
Trăng thì soi suốt dặm dài
Hiềm vì khách đã đi ngoài ánh trăng...
Chập chờn bóng quế hồn ma
Lẫn trong tiếng khóc vài ba giọng cười
Miếu thiêng quạnh quẽ lâu rồi
Thần linh chừng cũng kén người khói nhang 
Bước đi thầm lặng trên bến đời, khác gì con thuyền dộc mộc tiền kiếp, vật vã di hành qua các nẻo không gian nhiều thế hệ. Bước tới thế hệ, là bước tới miền tương lai, có một cuộc sống chưa biết rõ. Bước lùi về quá khứ, là trở về với bản lai, thành tụ hoại diệt đã trải qua như một tiền kiếp. Vậy, có thay đổi được gì trong quá khứ hay thành đạt được gì ở vị lai? Vì vậy, những vì sao bỏ ngôi chung quy phải tan biến thế nào vào lỗ đen vũ trụ, để quá khứ vị lai là một thế giới không ngày tháng, cho người hành giả? Vậy là, dễ gì tính sổ ngàn năm/ nợ từ bao kiếp đã thâm hụt nhiều/ chợ tan còn quán với lều/ đời tan, vắng cả cánh bèo trôi sông. Hay là, ước chừng cách chẳng bao xa/ tới khi rạc gót, thì ra ngàn trùng. Nợ từ bao kiếp (quá khứ), rạc gót thì ra ngàn trùng (vị lai)… Tất cả, thời không bất biến trong cái tụ thành hư hoại có ý nghĩa gì với vô vi. Chính vậy, hành giả có vội gì vượt núi qua đồi/ dựng cao vách đá tạc lời vô ngôn: 
Nghiêng vai trút gánh quan hoài
Bỏ nơi mắt thấy bỏ ngoài tai nghe 
Đội trời bỏ lớp khăn che 
Bỏ luôn tích trượng bên khe hữu tình 
Để lắng nghe, có muộn gì trăm năm:
Ngại gì tóc trắng hơn xưa 
Trong vườn diệu pháp mai chưa kịp vàng 
Trăm năm đâu đã muộn màng 
Còn kiên gan đợi đến ngàn năm sau. 
Hành trình bước sang giai đoạn mặc cho sức ngựa đường trường/ cổ lai vạn vật có thường hằng đâu/ bạt ngàn đồng thấp nương cao/ chừng nghe đất dậy lao xao sóng dồn. Chương Lớp Lớp Sóng Đùa, tất cả đều động và người sơ đạo chớp nhoáng nhìn ra cảnh tượng biến dịch trong cuộc sống:
Từng bước lạ giữa đường quen
Trần ai trót đã mấy phen lỗi thề
Vai bao tay gậy cặp kề
Chuyến đò cuối bến biết về nơi đâu...
Miệng đời khó tỏ nông sâu
Vần xoay ác thiện lấy đâu nghĩ bàn
Ác nhân trừ kẻ bạo tàn
Thiện nhân cứu kẻ lăng loàn nhớp nhơ...
Suối còn róc rách qua khe
Có ngờ đâu núi đã xê dịch rồi
Chuông khua động dấu chân người
Hồn tu mấy kiếp đã rời đất tu 
Người du phương bỗng dưng tâm thức hiển hiện, trùng trùng những hình bóng của bản ngã cổ sơ. Một giai đoạn còn khai nguồn trong ý niệm, qua đò trong tiếng réo gọi của thiện nghiệp. Vì vậy, làm sao thoát ra khỏi vòng vây của hữu vi, nên mọi phán đoán thể hiện một thường hằng của thế sự. Ý niệm chơn phương của bước sơ khởi còn mong manh giữa lối đi nẻo về, nên mọi tư hướng còn vắt trên vai một vùng sương muối thế nhân. Phán đoán mặc cho sức ngựa đường trường/ cổ lai vạn vật có thường hằng đâu. Có chứ, nhưng đồng hóa vạn vật hữu vi và vạn vật vô vi, cũng như phân biệt hai thái cực hoàn toàn khác biệt, nhưng cũng chìm đắm trong vạn vật đồng nhất thể. Sự ngổn ngang thế sự nghiêng bầu với ai, hoặc cung tên bỏ mặc bên bờ/ mải mê nhác khỉ với trò rung cây. Thì bản lai không còn diện mục, mà thuyền giác đang xoay vòng trong vùng nước xoáy đa mang. Thì ra, một kiếp người du sĩ giữa cánh hạc chân mây trùng trùng bóng núi, tưởng chừng lạ hoắc chưa hề đi qua …
Thoáng đó, ảo giác vẫn bám bụi trần trên gót chân du phương. Trăm bề chụp xuống dầy đặc che kín không gian của kẻ đang đối bóng với vạch mây tìm lửa chân như… Xác xơ trong cuộc nổi chìm/ sóng trùng khơi quét sạch niềm riêng tư.
Cơn nổi chìm xơ xác như thế, có phải chăng ý niệm cho cơn sóng quy hồi:
Lũng sâu giờ đã thành đồi
Tận cùng qui hợp tới hồi phân ly
Dù sung mãn lúc ra đi
Chớ hoang sức ngựa phòng khi trở về
Dù vậy, chương Nước Động Bóng Rung có lời thầy dặn, lấy nhiêu khê làm thường. Khổ hạnh của  khách du phương, trong thế sự trăm đường oan nghiệt nên ý và lời nhiều khi đùa cợt lẫn nhau: lên non được ý quên lời/ kể gì khổ hạnh một đời chơn tu…
Một hòn đá cuội đánh võng trên mặt nước dòng sông, từng vòng chu luân hiện lên dầy đặc, rồi từng vòng tròn như luân xa dần dần tan biến trong từng khoảnh khắc hư vô. Chính vậy,
quanh năm thờ thẩn đi tìm/ bóng hình tại chỗ sao nhìn không ra/ càng mỏi mắt tận phương xa/ thì càng không thấy trong ta có mình. Câu hỏi nghiệm thể từ những tưởng như bất thường trong cuộc đời, thực chất vẫn còn sắp lớp như một thực thể bất biến mà người vô tình không thấy rõ:
Người người nương tựa bóng nhau 
Chen chân lối cỏ vượt bao núi đồi
Đâu đây tiếng vọng không lời
Pháp âm chuyển động lòng người thập phương 
Và như vậy, là:
Dăm đăm vào cõi không hư
Cố hình dung lại chỗ Như Lai ngồi 
Tòa sen bỏ trống lâu rồi 
Trang kinh còn hiện rõ thời lập ngôn 
Du sĩ bước vào chánh pháp, mọi tư hướng vật thể buông xã một cách không thương tiếc. Tất cả vay mượn như là chiếc bóng lung linh giữa thiên thu, chập chờn theo ngọn lửa phù hư.
Có không trong nghiệp chứng, là nước động bóng rung hằng sa ảo giác. Vì vậy, đâu còn rào giậu cách ngăn/ chẳng còn thiện ác không phân chánh tà/ khoanh tay đứng giữa ta bà/ thản nhiên như cụm tre già bên sông.
Nhìn lại, quả nhiên tất cả hình dáng, âm thanh huyền hoặc giữa không gian cũng thể hiện lòng người, từ tâm ẩn hiện. Chính thế, kẻ du hành trong sơ nguyện cũng có nhiều khi ngơ ngẩn giữa thực hư:
Đắm nhìn trăng nước vu vơ
Lạc trong giấc ngủ bâng quơ đầu hè
Sáng ra chợt thấy e dè
Hình như mới bị bóng đè hôm qua
Ngôn từ phát khởi, cũng là tư hướng của tâm niệm duyên khởi ôn cố từ chương Góp Nhặt Lời Quê:      
Khắc ghi lời tổ trong tâm
Trước giờ rũ áo về thăm cõi người
Cần đâu mắt biếc môi cười
Cái duyên thầm lặng chết người như chơi
Chắc phải như thế:
Lá rơi vào cõi vô tình  
Thì đâu cần biết phận mình nông sâu 
Người về hỏi lá phương nao  
Lá không nghe được làm sao đáp lời...
Vòng sinh tử khéo bông đùa
Hết cơn nắng hạ tới mùa mưa ngâu
Trải từng cội thóc nương dâu 
Lời quê góp nhặt dám đâu dông dài. 
Tư hướng của kẻ du sinh trên bước đường dài hoàn chỉnh bản thể, nhiều lúc cũng thấy thấp thoáng mở rộng vài chiêu thức rao truyền. Trong ngôn ngữ lập thể của mấy ngàn ký tự, dù thế nào cũng chỉ hóa hợp với thiện căn của từng bộ lạc có duyên phần. Vì vậy, ở mỗi không phận đạo pháp chỉ hành xử huyền đạo theo căn cơ phong thổ và tâm linh. Vượt thoát ra ngoại vi đó, chắc chắn là bóng ma ngày trước rập rình/ hình như có vạn bóng hình trong ta/ vẫy chào ngày tháng đi qua/ thản nhiên như một bông hoa lìa cành.
Thấy gì và nghĩ gì, cũng phiêu du trong vòng hữu hạn có sẵn giữa trời đất cũng thân tứ đại như mình vậy thôi.
Cái hữu hạn của chính bản ngã đã đưa hành giả bước vào vòng quay rao truyền một cách hoang sơ, tưởng tượng hình thái đầy mê tưởng sẵn có giăng đầy ngập trong giả tướng chung quanh. Dĩ nhiên, cái thực vẫn chồng lấp trong cái hư, khiến tâm thức u hoài trông ngóng vô minh:
Có nhà sư trẻ ngẩn ngơ
Tay vin tích trượng mắt lơ láo nhìn
Phấn son ở cõi nhơn tình
Cũng thân tứ đại như mình vậy thôi 
Vì vậy, nghiệp vẫn được hồi báo như một bản thể sinh tồn vun quén từ vạn cổ kéo dài hàng ngàn kiếp sẽ tới. Nhắc nhở như tự thầm nhủ chính bản thể, người du sĩ chậm bước lê thầm trên hướng bước về nguồn cội của vô vi, gởi lại vài chiếc lá ngôn từ trong cơn gió lạnh phiêu bạt thiên thu:
Chim xanh đáp xuống vườn lê
Hót rằng vạn vật còn xê dịch nhiều
Nhắn ai sầu sớm lo chiều
Thuyền vô ngạn cũng có nhiều bến sông 
Cố nhân có hồi báo hay không, chắc cũng phải chờ duyên nghiệp. Căn cơ cội nguồn xuyên suốt kéo dài vô tận, là kết quả của nhân quả của vạn thể sinh ra. Người hành giả mang theo trong hành trang, những ý niệm sơ đẳng, gọn nhẹ vài ký hiệu rao truyền. Từ sơ khởi đó, ngôn ngữ phát huy âm điệu, cho ca khúc tử sinh vời vợi thấm sâu vào tư chất người thừa nghiệp sẽ nắm bắt… Chính vậy, đối nhân lời lẽ chưa cùng/ hoang mang cái thị ngại ngùng cái phi/ nghi ngờ đến cả lương tri/ khiến cho tâm sự thường khi nặng nề…Chương Nước Tìm Chỗ Thấp nói lên điều tự nhiên hoằng hóa trong vô niệm: Thái sơn rồi cũng lạc loài/ ích gì mơ tưởng đến nòi trâm anh/ tìm người tri kỷ trong tranh… Muốn thành quả như vậy, người du sĩ cũng phải vạch trước một khung trời hoằng hóa ban đầu là: đến từ thăm thẳm tầng cao/ đường vô ngại biết nói sao cạn lời/ phất tay biệt cả núi đồi/ tìm về chỗ thấp vui đời bể dâu…
Tạo gióng gánh hành trang bước vội trên lộ trình chiêu hóa, dẫn nhập dung nhan cho tròn thị phi, hòa hợp nơi trở về … Đó là những bước tiến hóa độ trì theo cơ địa phong thổ nhân gian lưu xứ, người du sĩ cũng hiểu thâm sâu rằng:    
Hóa ra về chẳng phùng thời
Sinh cơ lỡ hội lòng người đa đoan
Ngại đời lem luốc dung nhan
Ta bôi bùn đất tự trang điểm mình...
Thuận đường về lại chốn xưa
Bến chưa kịp đón đò chưa kịp mời
Lòng mừng rơm rả với đời
Đất xưa dù đã vắng người ngàn xưa 
Nước tìm chỗ thấp, trở thành một cảnh ngộ trở thành người hôm nay tìm tri độ người hôm qua. Người của tiền kiếp đã bước qua thời gian nên không còn duyên ngộ, thuyền qua tả ngạn lâu rồi/ ở đây còn nuối tiếc thời chưa xa. Trần duyên như gió thoảng, chỉ ngoái lại thời gian mà nương dấu về: 
Lênh đênh lời nổi ý chìm
Khuất mờ nhân diện càng tìm càng xa
Dấu người lạnh ngắt tha ma
Khổ bao năm, tạc chưa ra hình hài...
Tạc chưa ra hình hài, có thể đã bước qua hai phong cách. Một, là người xưa huyễn hóa theo duyên ngộ từ sơ khởi của một kiếp người, từ hạt bụi ngàn thu mà phủi qua cõi sống mà vọng tu cõi thiền. Hai, là hoại hóa theo luật thừa trừ của tạo hóa tử sinh.
Chương Trăng Tỏ Đường Về, báo hiệu sự huyễn hóa như cây khô trốc gốc bao đời/ sớm nay chợt thốt mấy lời an cư…
Tâm nguyện của khách xưa, bản thể mịt mờ, soi trong trăm ánh đuốc. Giữa truông sâu, bao lần nguyệt khuyết, nguyệt tròn… dò dẫm ngỡ ngàng bên lối mòn hành hương. Giữa cái hư và cái thực mờ nhạt trong khuôn sáo của vô thường. Chốn đến và nơi về cũng mờ nhạt dấu tích, phương này mai kia còn tìm lại được chút gì hài cốt xưa?
Phàm trần đến cũng như đi 
Rừng hương dệt gấm sá chi vân đài
Chỉ xin tạc dấu phương này
Mai kia tìm lại chút hài cốt xưa...
Biết mình lạc giữa truông sâu 
Hoa bao độ nở nguyệt bao lần tròn 
Kẻ đi dấu tích đâu còn  
Phí công dọ dẫm lối mòn hành hương...
Khắc giờ đảo lộn tháng năm 
Đêm đi, bóng tối còn xâm lấn ngày 
Núi xưa biến đổi hình hài 
Thềm xưa rêu đã phủ dầy hơn xưa 
Từ cái hữu hạn bỗng nhiên phải thầm bước vào mệnh số. Chính thể vô hạn mênh mông, mọi phương hướng đều trôi lạc, như trở về cái hoang vắng tận cùng.
Quay theo trời đất quay cuồng 
Thần xiêu phách lạc rẫy ruồng đôi nơi 
Cũng vì mộng mị xa xôi 
Đem thân hữu hạn vào nơi vô cùng...
Ngại gì trời đất mênh mông
Sông không cách trở núi không bủa rào
Trớ trêu lòng vẫn héo sầu
Đường trăm ngả biết ngả nào cố hương 
Suốt đoạn đường chính lộ của ngày ra đi, từng ngỏ vắng băng qua, từng vườn hoang đón lối, người du sĩ vẫn bâng khuâng mịt mờ giữa lộ trình hướng tới chân như. Giai đoạn này, hình như cũng gieo rắc nhiều nỗi nghi ngờ trong tâm thức của người đang đo phương hướng.
Lối về đích vẫn như ảo giác, mờ mịt vô cùng. Nên dù sao, cũng nhiều phen gầy dựng trong lòng khách xưa, cảm thấy cô độc hoang mang bên hướng tới.
Hồ đồ bất kể tây đông
Rẽ bao lối tắt cũng không thấy gần
Hốt nhiên tâm trí bần thần...
Ngón đàn chừng đã mất thần
Hoang vu phách tấu lạc dần cung thương
Trông ra trời đã mù sương
Muốn tìm lại bóng thì gương đã mờ 
Quả thật vậy, thánh phàm khi đã tương thông/ cõi viên dung có cần mong đợi gì. Đường về trăng đã tỏ, bước viên thông cũng mở được lối thoát ngàn xưa. Người trí không cần khuếch đại tri thức, mà bản thể cũng nhiều phen tương ứng hoạt mở cánh cửa không…
Vì vậy, đâu còn ngỡ ngàng gì khi đã mà phải quanh co khi Bước Qua Cầu Sinh Tử, bởi:
Khúc sông eo hẹp đã đành/ lòng người eo hẹp mới thành trái ngang:     
Lang thang một góc trời mờ
Trót ham phiêu lãng bây giờ nhớ nhau
Cựa mình từ giấc chiêm bao
Kịp khi tỉnh thức thì mau quay về 
Giữa dòng gác mái buông câu
Nước mây tự tại cần đâu cõi bờ
Chẳng mong tìm cõi nương nhờ
Không theo lối tục, phớt lờ nẻo tu 
Bỏ lại tất cả bụi hồng trên khoảnh khắc bước lên cầu sinh tử, là chính du sĩ bất chợt cũng hiểu rõ, tứ đại bất chợt lóe sáng như hư không. Những tạo vật chung quanh lối đi như hằng sa cát đá, lót giữa đường cho thực hư hỗn mang tụ thành thế giới ta bà. Chân dung ngày xưa sẽ rơi rớt từng mảng vụn trên nẻo đường hiu quạnh bước qua.
Lối đi đã chạm chân tường    
Thì trăm sự cũng hết đường mưu toan
Nổi chìm trong cuộc bi hoan
Làm sao thấy được dung nhan chính mình
Tắt đèn, gởi lại kinh thư
Đêm vô tận, đã hầu như canh tàn
Hành trang gói ghém lìa ngàn
Câu kinh vô tự tiếng đàn vô âm 
Dù muốn dù không, đã bước lên lộ trình tìm cứu cánh giải thoát, thì cầu sinh tử mờ ảo hoa sắc dị hương. Đã thông thấu, nhìn ra trăm cõi hư phù, hư ảnh phù du dù lung linh réo gọi, người khách lữ hành như đã đạt được chút căn cơ. Căn cơ bồi đắp bằng ánh trăng huyền đạo trên đường giao tiếp giữa vạn vật và hư vô. Chiếc cầu ngũ sắc vắt ngang hai bến bờ hữu hình và vô vi, luôn thông thấu một tìm năng cho kẻ đạo hữu phần.
Nhờ vào cung bậc tri âm
Cũng còn chỗ gởi chút tâm sự thừa
Nắng mưa chẳng đợi giao mùa
Hiềm vì phàm thánh mãi đùa cợt nhau
Bận lòng chi chút hẹn xưa
Gió đem ly biệt, gió đưa trùng phùng
Từ vô thỉ đến vô cùng
Hóa thân với gió chưa từng hoài nghi 
Tuy bước lên cầu sinh tử,  thiện giả vẫn còn đôi tâm thức bâng khuâng bởi chẳng qua thói tục được đuôi quên đầu nên cõi người vẫn vấn vương như gió thoảng trên lớp y lam còn vương chút phấn bụi sơ nguyên. Vì vậy, quanh đây gió bãi sương đồng/ và ta với một cõi lòng quạnh hiu. Phải chăng, giữa phân thể vật chất hiện hữu vướng nỗi băn khoăn vật lý, là sự cô lẻ trong vũ trụ lưỡng nghi, khiến thiện giả bay phiêu hốt trong chân không hư tưởng? Giây phút trên cầu sinh tử, lành thay chợt thức ngộ được rằng:
Tử sinh đương lúc cận cùng
Ngọn tây phong thổi qua vùng si mê
Đạp phăng xiềng xích ta đi
Ngoài vòng ngoảnh lại nhiều khi giật mình… 
Trên cầu lặng lẽ ngọn gió tử sinh, phủ đạo cho hàng hàng lớp lớp thiện giả. Dù nước vẫn lưu chảy mãi thế này, nhưng vẫn cuốn không trôi khỏi không-thời gian chiếc bóng ảo diệu của phi thường đạo. Chiếc Bóng Ngàn Trùng khơi lại nỗi chiêm nghiệm lặng lẽ trong suốt quá trình trôi nổi trên đường sinh diệt. Vì vậy, thiện giả vẫn băn khoăn trong tư hướng của trần tục chưa diệt thoát nẻo phù sinh:
Đành liều thuyền dạt sóng trôi
Con quay hóa chuyển còn vô số lần
Thác thân chưa phú đã bần
Chưa sinh đã diệt chưa gần đã xa...
Quản gì đầu núi chân mây
Đôi bờ phúc họa từ đây nối liền
Ta ôm một nửa buồn phiền
Nửa kia đem vãi khắp miền vô ưu...
Du tăng cất bước qua cầu
Bỗng dưng sực nhớ mái đầu xuân thu
Từ ngày nương bóng chân sư
Tóc xanh chẳng biết phiêu du cõi nào...
Tạm thời quán trọ qua đêm
Bầy chim én cũ không đem xuân về
Không hành trang, cũng nặng nề
Biết ai mách lối ta về cõi ta 
Như thế, tư thế hướng ngoại vẫn còn như sương mù giăng mắc rải rác trong không gian tiềm thức. Chân như dù bàng bạc trên lộ trình đi tìm chân thể, thì sự phân cách khốc liệt giữa bản thể và hiện tượng vẫn giằng co hỗn loạn giữa hữu vi và vô vi. Minh chứng, trước ngưỡng cửa qua cầu sinh tử, thiện giả vẫn nhìn chiếc bóng ngàn trùng, mà rằng:
Chiều nay đứng trước ba đào
Hốt nghe tiếng sóng vỗ vào tâm cang
Ý lòng chưa kịp giải phân
Dư âm ngọn sóng đã tan vào chiều 
Trước dư âm ngọn sóng đã tan vào chiều, dư âm mang nhiều tâm thức rao truyền mà thiện giả phủ dầy đặc trên Tử Sinh Ca. Chương Sóng Lòng Chưa Lặng, kết thúc 12 phân khúc Tử Sinh Ca. Nhìn xem tư hướng cuối cùng của một tư tưởng lặng thầm, đành lòng trút hết cho người đến sau: 
Sóng xô lớp lớp xa bờ
Còn nghe từng đợt reo hò trong ta
Sóng trùng dương sóng đi xa
Thanh âm réo gọi thì ra sóng lòng...
Tình nhà xé nát tim gan
Từ sơ sinh đã lang thang đến giờ
Tóc xanh rẽ sóng tìm bờ
Bạc đầu còn mãi vật vờ giữa khơi...
Về đây mất dấu quê làng
Trải dài cảnh lạ ngút ngàn chân mây
Nhủ lòng thềm cũ đâu đây
Chẳng qua tâm địa bấy nay lạc loài...
Đường trần lắm ngả phân ly
Lòng không an định biết đi hướng nào
Thác thân nhầm cõi ba đào
Liệu đem sinh tử cấy vào tay ai. 
Trong lớp y quan của thi phẩm Tử Sinh Ca, hình thể lục bát là một tiêu biểu năng lực phù ảo trong thơ của Trần Yên Thảo. Yếu tính phát huy chân tướng thực thể sáng tạo cổ phong, chứa đựng mênh mông bản thể sáng láng huyền nhiệm trong thơ…
* Thi phẩm TỬ SINH CA của Trần Yên Thảo gồm 12 chương:
Giọt Nước Trên Đồng Khô - Du Phương Khúc - Gót Tục - Những Vì Sao Bỏ Ngôi - Lớp Lớp Sóng Đùa - Nước Động Bóng Rung - Góp Nhặt Lời Quê - Nước Tìm Chỗ Thấp - Trăng Tỏ Đường Về - Bước Qua Cầu Sinh Tử - Chiếc Bóng Ngàn Trùng - Sóng Lòng Chưa Lặng.
Thư trang Quang Hạnh
Viết xong tháng 6/2019
Ngô Nguyên Nghiễm
Theo https://www.dohongngoc.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...