Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Thơ Nguyên Sa vẫn còn nguyên lụa trắng

Thơ Nguyên Sa vẫn còn nguyên lụa trắng

Nhà thơ Nguyên Sa không chỉ đem đến cho thơ ca miền Nam và thi ca tiếng Việt nói chung của nửa sau thế kỷ XX một giọng trữ tình mới mẻ, nồng hậu, thừa thãi xúc cảm và rúng động, không hề chủ trương chừng mực, mà còn là người sớm cách tân thơ từ tâm thức hiện sinh nóng bỏng nỗi lo âu của đời sống đương thời.
Nhà thơ Nguyên Sa
Rất ít tiếp nhận những ảnh hưởng thi ca tượng trưng hay siêu thực của thế giới kể từ cuối thế kỷ XIX tới nửa đầu thế kỷ XX, thơ Nguyên Sa là dòng chảy tự nhiên hướng tới sự nhuần nhị, từ một vài lối thi tứ Đông phương kết hợp với lối tạo hình ảnh trực quan, “vật thể hóa”, ý tưởng hóa, tiến xa khỏi ngôn ngữ ước lệ cổ thi hay cảm quan hiện đại khởi đầu của các nhà thơ tiền chiến, như một cách thức tự nhiên bộc lộ tâm thế trong trẻo hồn hậu và những tổn thương chưa từng có của con người Việt Nam trong thời cuộc mới.
Nguyên Sa chủ trương sáng tạo thi ca thoát khỏi đơn vị “âm vận” để đạt tới lối thơ tự do, bao hàm nhạc điệu nội tại tuôn chảy nhờ vào ám ảnh và những vận động riêng của tâm thức nhà thơ. Cũng trong quá trình này, sự đổi mới về mặt hình ảnh cũng như ý tưởng đồng thời xảy đến, phần nào ngoài tầm ý thức của nhà thơ, như một bước chuyển hóa tất yếu của thế giới thơ.
Bài thơ đầu tiên được công bố rộng rãi của Nguyên Sa, “Tiễn biệt”, viết năm 1953. “Paris” và “Paris có gì lạ không em” viết năm 1954, 1955. “Nga”, “Nga đầy ắp Paris là bài thơ tình đầu tiên” năm 1955. Nhưng có thể xem sự nghiệp thơ Nguyên Sa chính thức được khởi đi từ năm 1956, khi ông từ Paris trở về miền Nam Việt Nam. “Thơ tình của những ngày tháng hôn nhân đến trước thơ tình tuổi học trò”. “Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Tháng Sáu trời mưa, trình làng ở Sáng Tạo những năm 56-57” (Theo Hồi ký Nguyên Sa). Viết lại những bài thơ tình, kể từ thơ tình học trò hay những hồi ức ở thời điểm quan trọng khác, ít phụ thuộc vào thực trạng và tuổi tác người viết hiện tại, với một bút pháp nhuần nhị, tương đối ổn định, là biểu hiện sự trưởng thành về mặt ý thức nhà thơ [1].
Nguyên Sa là một trong những giọng thơ đầu tiên, sớm nhất khơi nguồn dòng chảy thơ miền Nam (thơ miền Nam như một cách định danh mang tính chất văn học sử chứ không thể hiện tính khu biệt về địa lý). Vừa tiếp nối những giá trị của thơ tiền chiến: giải phóng khỏi lối cảm xúc ước lệ, mô tả thế giới trong hiện thực trực quan, bước đầu khám phá thế giới của tiềm thức và giấc mơ, nhưng đồng thời cũng tạo ra khoảng cách đối với dòng thơ tiền chiến bằng những giá trị riêng biệt, ngay khi các vị chủ súy của dòng thơ ấy vẫn còn tiếp tục đồng hành trên thi đàn, như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng…
Thoát khỏi một kiểu chủ thể phiếm định nhân danh các giá trị tinh thần của đời sống Trung đại (nho phong, lãng tử, nhân nghĩa, chí khí, mệnh bạc, chinh an, viễn xứ…) các nhà thơ tiền chiến mặc lòng khơi ngỏ thế giới đầy hương sắc thi vị của xúc cảm và rúng động, nhất là trong luyến ái hay những lãnh địa phiêu bồng của giác quan: say, điên, mơ… Nhưng ngay cả khi để lại dấu tích cá nhân hay cố gắng cá nhân hóa con người trong thi ca, nhà thơ tiền chiến vẫn chưa dời xa khỏi việc bộc lộ con người thi ca căn bản bằng những biểu hiện ước lệ [2].
Con người thi ca được cá nhân hóa tối đa [3], gắn liền với thể trạng, tâm tính, biến cố, tri thức, vận mệnh của người làm thơ trong những mối liên hệ với thời đại, sớm xuất hiện trong thơ miền Nam từ những năm cuối thập kỷ 1950.
“Con người ấy” đem cả những hoang mang thời cuộc, dưới góc độ cá nhân, hay những sự kiện riêng tư vào thơ.
Vì thế, nói đời thơ Nguyên Sa trực tiếp gắn liền với thời kỳ ông sống và viết ở miền Nam, và từ sau 1975 trở đi, ở hải ngoại, là nói tới một tâm thức sáng tạo nảy nở từ chính miếng ăn, hơi thở, từ tồn tại bao gồm cả con người sinh vật, con người thời cuộc và con người tinh túy… để làm thành thi ca.
Con người trong thơ miền Nam không chỉ có luyến ái và những rúng động tinh khiết hay đau thương cao quý như thời kỳ thơ tiền chiến, mà còn là con người yếu lòng, thất bại, bi thảm hay hàm chứa bản năng sinh vật. Nghĩa là con người với “tính người” rộng lớn hơn.
Ngay từ những bài thơ tình của thời kỳ đầu thơ Nguyên Sa, như “Áo lụa Hà Đông” ra đời vào tháng 5/1957, “Mưa tháng Sáu”…, nhà thơ đã bộc lộ con người cá nhân yêu đương và chứng nghiệm một cách dốc lòng, cuồng phóng, không hề ý thức về bất cứ một giới định nào, đan xen không phân biệt với con người luôn thảng thốt, hồ nghi, tự vấn về tồn tại. Đó là hai mặt của cùng một bản thể đã bị tước mất nơi trú ẩn về tâm tưởng, tước mất cảm giác hài hòa yên ổn của lòng tin vào cái bền vững, có thực, bản thể chênh vênh, vô hướng, bị đe dọa và dồn đuổi đến những giới hạn.
Khởi đầu là không gian tâm tưởng thuần khiết mang những dấu ấn thực tại:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng…
Thoạt tiên câu thơ tưởng như chỉ là lời xưng tụng thi vị hóa.
Nhưng chưa ai thực hiện cú ẩn dụ lạ lùng bằng địa danh như Nguyên Sa. Không phải địa danh phiếm chỉ, nhằm nói sự chia cách trong luyến ái (Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào - Nguyễn Bính), ý nghĩa địa - văn hóa có thực của “Sài Gòn” hay “Hà Đông” khiến cho câu thơ không còn là những liên tưởng đơn thuần, hay sự tương đồng về cảm giác. Nó đặt người đọc trước một hiện tại rõ ràng chứ không nệ vào khả năng làm đầy những gì thiếu hụt, xóa nhòa ranh giới địa vật lý vốn dồi dào của tâm tưởng để tùy thích tạo ra mộng ảo.
Hình bóng người tình trong thơ Nguyên Sa hết sức lạ thường:
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/ Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh…
Mượn lối hình ảnh đăng đối trong thơ cổ, Nguyên Sa tạo nên một thực tại khác lạ, không còn ranh giới giữa hiện hữu với ý niệm trừu tượng. Cái mơ hồ của ý niệm được thay thế bằng cảm giác vật chất có thực để trở nên gần gũi, mang đậm những dấu ấn giác quan.
Em không nói đã nghe lừng giai điệu/ Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Một lối liên tưởng quen thuộc, nhưng vẫn đậm vẻ cực đoan, không tưởng, tạo ra thực tại khả thể của tâm trí [4].
Sau này, ý tưởng ít nhiều hiện sinh đó tương đồng và trở lại trong cảm quan siêu hình Đông phương nhuần nhị với ca từ Trịnh Công Sơn những năm 1960:
… Dù em khẽ bước không thành tiếng/ cõi đời bao la vẫn ngân dài
(“Vẫn có em bên đời”)
… Người đi vẫn đi/ chiều qua vẫn qua
(“Hành hương trên đồi cao”)
Con người trong thơ Nguyên Sa vừa bị đẩy vào tình thế phải hồ nghi tồn tại và nhận biết của bản thân, vừa chủ động tạo ra những tồn tại mới:
Người về đêm nay hay đêm mai/ Người sắp đi chưa hay đi rồi… Sao người đi sâu vào không gian trong/ Bức tường vô hình nên bức tường dầy mênh mông/ Và sao lòng tôi không là vô tận/ Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song… Người về, lòng tôi buồn, hay lòng tôi vui/ Áo không có màu nên áo cũng chưa phai/ Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ/ Tôi đưa người hay tôi đưa tôi?
Không còn cảm giác chắc chắn về tồn tại, Nguyên Sa biến cái mênh mông vô định mà ông khát khao chứng nghiệm, cầm nắm, thành những sự vật vừa cụ thể vừa mơ hồ, đứng ngoài luật định của cả hiện hữu lẫn vô hình: bức tường dày mênh mông, áo không có màu…
Ông tạo ra cho con người những khả thể tồn tại để tương xứng với cái mênh mông của cõi đời:
… Và hãy nói năng những lời vô nghĩa/ Hãy cười bằng mắt ngủ bằng vai/ Hãy để môi rót rượu vào môi/ Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn… Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt/ Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan/ Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn/ Nếu em sợ thời gian dài vô tận …
… Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng/ Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân…
Nỗi “bấn loạn” của kẻ đang yêu tới mức không còn tự chủ, hoặc là trước hạnh phúc ngoài sức tưởng tượng, hoặc trước một nguy cơ chưa biết, bộc lộ chính trạng thái bản năng, bị dồn đuổi bởi những khao khát và bất ổn của tồn tại. Sự hoán đổi trạng thái và các giác quan đem lại một thực tại rạn vỡ khỏi nhận biết thông thường, một thế giới phải chấp nhận xáo trộn và bất ổn, đến từ xáo trộn của tâm can.
Dừng ở ngưỡng cửa cảm xúc nhục thể mà không bận tâm hơn đến những biểu hiện của nó, nhà thơ muốn khắc họa tình yêu và con người ở trạng thái ham muốn, khao khát chứ không phải đã chứng nghiệm hay được thỏa mãn [5]. Tình yêu ở dạng “ẩn ức” mới là khoảnh khắc hiệu nghiệm để con người giác ngộ cùng lúc ý nghĩa tuyệt vọng, không bao giờ có thể viên mãn của tồn tại, ý nghĩa chớp thoáng của hiện hữu trong vô cùng không gian và lớp lớp thời gian.
Tuy nhiên, khoảnh khắc khám phá bùng nổ về cảm giác hiện sinh có sức mạnh đẩy lùi xóa nhòa những ám ảnh trừu tượng, vô biên như “cuộc đời”, “thời gian dài vô tận”, “ánh sáng”, “mùa xuân”…
Con người trong thơ Nguyên Sa coi những hệ lụy, phiền não, thậm chí cả đọa đày về tinh thần lẫn thể xác là điều bình thường của tình yêu cũng như cõi sống, chứ không hi vọng một cõi của lạc thú hay thống khổ đều thanh cao như quan niệm trước đây:
… Em đã khóc, anh đã khóc và chúng mình đã khóc/ Bước chân lê trên những hè phố không quen/ Chúng mình đã khóc vì không được gần nhau như hai con chim/ Chúng mình đã khóc vì không có tiền làm lễ cưới lễ xin…
(“Nga”)
Để cuộc nghênh đón ta được thêm phần trọng thể: những người con gái ngây thơ hãy trở về nhà đi ngủ sau khi đánh răng rửa mặt chải đầu và đọc kinh cầu nguyện ban đêm/ Những nhà phê bình văn nghệ rẻ tiền, những thầy giáo chạy điểm trong kỳ thi trốn ngay vào bóng tối…
(“Hịch”)
Đam mê luyến ái là nguồn động lực, xung năng sống quan trọng. Trong thơ Nguyên Sa, nó trở thành biểu hiện huy hoàng nhất mà cũng bao hàm khía cạnh thống khổ, sầu lụy, với những đen tối chưa lường trước của tồn tại, bởi nó là thứ tình yêu được báo động bằng kết cuộc bi thảm tất yếu.
Con người luyến ái và con người bàng hoàng, âu lo về tồn tại trong thơ Nguyên Sa không phân biệt, bởi cùng xuất phát từ một bản thể với hai mặt, một mặt là khao khát sống trong lành, tráng kiện, mặt kia là cảm thức về nguy cơ, cái chết, sự đày ải điếm nhục.
Thơ Nguyên Sa tràn đầy những sự kiện cá nhân.
Mùa xuân buồn lắm em ơi/ Anh vẫn đạp xe từ Sài Gòn lên trường đua Phú Thọ/ Đạp xe qua nhà em/ Nhìn vào ngưỡng cửa/ Nhà số 20/ Anh nhớ má em hồng…
… Bởi vì từ Sài Gòn lên tận trường đua Phú Thọ/ Hết cả tiền uống một ly nước mía/ Mà cũng không gặp em/ Nên khát đắng linh hồn…
(“Mùa xuân buồn lắm em ơi”)
… Tôi mời em vứt bỏ lại đằng sau những kinh thành buồn bã với phong tục, thói lề, bạc vàng giả dối: muốn làm người yêu thì phải đỗ Tú tài…
… Em có thể đến đây với đôi giày cao gót để tưởng mình em vóc hạc/ Nhưng nếu em vội vã thì em cứ đi chân không? Tôi sẽ bọc mười đầu ngón chân với tất cả linh hồn say đắm yêu em…
(“Mời”)
Tôi đợi em ở một góc công trường… Tôi đợi em từ 8 giờ, bây giờ đã 9/ Có lẽ đã 9 giờ 5 phút …
(“Đêm mưa”)
Không bị ràng buộc phải tạo ra văn cảnh ít nhiều “giống cái thực có” như văn xuôi, ngôn ngữ thơ trước đó mượn lối nói ước lệ, hình ảnh, để truyền đạt nhanh và hiệu quả nhất tới người đọc tâm hồn, trạng thái “nội tại” của nhà thơ. “Sự kiện hóa” đồng nghĩa với việc gia tăng tính tự sự (khác với kể chuyện bằng thơ) nhằm từng bước thoát khỏi hệ thống ngôn ngữ thơ ước lệ, hướng tới những cách thức mang đậm dấu ấn sáng tạo cá nhân.
Những sự kiện - riêng tư công nhiên đẩy lùi nội dung, thẩm mỹ ước lệ, trả lại cho thơ ý nghĩa chân xác từ những thông tin gắn liền với cá nhân người viết. Nó xác định tâm hồn một nhà thơ bằng hiện hữu riêng tư, duy nhất của chính nhà thơ đó, chứ không phải những giá trị chung chung mà nhà thơ tự nguyện hóa thân, đại diện.
Trường hợp “sự kiện cá nhân” vẫn là tưởng tượng hư cấu cũng có thể xảy ra, thậm chí phổ biến; tương tự như trường hợp sự kiện “có thực”, quan trọng, nó được xem như một nỗ lực của tâm trí người viết thoát khỏi phạm vi những hình dung có sẵn, hướng tới những bản chất khác của đối tượng mô tả.
Sự xuất hiện sự kiện cá nhân đồng thời bộc lộ lòng tự tin của con người vào bản chất duy nhất, riêng lẻ, nhỏ bé của mình trước thế giới vốn được xem là cao siêu trừu tượng bao quát của thơ ca.
Khi tham dự phần riêng mình vào thơ như một cá thể, rất tự nhiên con người khó lòng gạt bỏ phần vận mệnh trong vận mệnh thời cuộc, dân tộc, quê hương. Vận mệnh trong thời cuộc, của dân tộc, là phần không thể xóa trắng, là tấm hộ chiếu không thể tẩy rửa của người viết, ngay cả với những nhà văn lưu vong, để bước ra với khái niệm chung nhân loại. Không có một khái niệm “loài người” chung chung nào nhất thiết loại trừ một hay một số bản sắc riêng lẻ.
Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn thái độ “làm người” trong sáng tạo của nhà văn với việc cố ý sử dụng văn học như một phương tiện cho những mục tiêu chính trị xã hội ngoài văn chương.
Thơ ca trung đại cũng đã có truyền thống bộc lộ con người thời cuộc, con người công dân của người viết, thông qua những “chí làm trai”, “tấc lòng ưu ái”, “tấc son”, hay phê phán “thói đời” đen bạc xảo trá, sự xói mòn đạo đức… tuy nhiên vẫn dừng ở nhân danh những giá trị tinh thần của cộng đồng. Văn xuôi tiền chiến đã xuất hiện cái nhìn phê phán mạnh mẽ với cái ác và bất công xã hội, xuất phát từ giá trị nhân đạo và bênh vực quyền sống, (cũng có cái nhìn “phê phán” xuất phát từ sự bảo thủ)… thể hiện ý thức xã hội rõ rệt của người viết. Nhưng với thơ ca hiện thời, khi sự thể hiện con người cá nhân riêng tư được xem như phẩm chất trước tiên, thì con người thời cuộc trong sự thể hiện riêng tư này là điều tinh tế và đặc biệt.
Con người cá nhân trong thời cuộc của Nguyên Sa là con người phê phán một cách sòng phẳng, nghĩa khí:
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta… Sợi vu oan dưới gáy/ Sợi bè phái đâm ngang/ Sợi ghen tuông đứng dọc/ Sợi xích chiến xa, sợi dây thòng lọng/ Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt/ Sợi nấp trong hầm/ Sợi ngồi trong hố/ Sợi đau xót như dây dù chẳng mở/ Sợi treo cổ tình yêu, sợi trói tay hy vọng/ Cắt cho ta…/ Cắt cho ta, hãy cắt cho ta/ Sợi Hà Nội khóc trong mưa/ Sợi Sài Gòn buồn trong nắng/ Sợi dậy học chán phè/ Sợi làm thơ thiểu não/ Sợi đặc như dùi cui/ Sợi rỗng như khẩu hiệu… Sợi cắt đứt tim chồng/ Sợi chặt đôi ruột vợ/ Sợi nhố nhăng như cuộc đời/ Sợi ngu si như lịch sử/ Sợi đợi những ngón tay đi qua/ Sợi đợi những ngón tay chẳng đến… Hãy cắt… Cho cả những thằng sa đích phê bình văn nghệ rẻ tiền/ Cho cả những thằng xẻo thịt non sông/ Cho cả những thằng băm vằm tổ quốc/… Cho chính bản thân ta bơi trong tội lỗi… Hãy cắt tóc và nhìn/ Mặt quê hương đổi mới
(“Cắt tóc ăn Tết” - phần II, Nhìn em Nhìn thành phố Nhìn quê hương, trong Thơ Nguyên Sa, tập II)
Gần như không có dụng ý “cách tân” nào trong những dòng viết bộc phát, tuôn trào theo mạch cảm thức đau thương, u uất. Trong ẩn dụ bao quát toàn bài thơ “Hãy cắt tóc và nhìn/ Mặt quê hương đổi mới” là những cặp so sánh tương xứng chính xác và nghiêm khắc không khoan thứ. Ẩn sau những hình ảnh so sánh, ẩn dụ là dòng ý tưởng sắc bén được bộc lộ trong thái độ cương liệt và độ lượng sâu sắc, làm lay động tâm can:
Vu oan/ bè phái/ ghen tuông/ xích chiến xa/ dây thòng lọng/ hưu chiến mỏng manh/ hận thù buộc chặt/ đau xót dây dù chẳng mở/ treo cổ tình yêu/ trói tay hy vọng/ nhố nhăng cuộc đời/ ngu si lịch sử… Không miêu tả những sự kiện riêng lẻ, cụ thể, không “bên này” hay “bên kia” chiến tuyến, thơ Nguyên Sa đứng trên góc độ những đau đớn, tổn thương của nhân tính và nhân phẩm con người để lên án chiến tranh, sự đầu độc hủy hoại đời sống bình thường đang lan nhanh từng ngày từng giờ khắp mọi nơi, và tính chất đen tối của lịch sử.
Những bài thơ được viết trong khoảng năm 1966 đến 1975, thời điểm mà cuộc chiến tranh lan rộng với chạy đua cao trào, chết chóc, đau thương nhiễm độc không khí từ thành thị tới nông thôn, cũng là thời điểm bùng nổ phong trào phản chiến ở miền Nam Việt nam. Những bài thơ, truyện ngắn mô tả hiện thực chiến tranh phi lý, tàn khốc ghê rợn, những tiếng nói văn chương, âm nhạc giãi bày nỗi đau khổ thống thiết và khát vọng hòa bình cháy bỏng. Nhưng dám lên án trực diện kẻ gây ra tội ác hủy diệt đời sống và con người, nhận định đúng động cơ chiến cuộc (xẻo thịt non sông, băm vằm tổ quốc), dám đường hoàng chỉ ra và lên án đoạn đường tăm tối mê muội của lịch sử, là dũng khí và tầm nhìn mà không phải người viết văn làm thơ nào cũng có được.
Nhà thơ cảm nhận về cái mất mát, bị hủy diệt của đời sống bằng chính những xói mòn, rời rã, tê liệt của tâm trạng và cảm thức riêng mình.
Đau buồn trong thơ Nguyên Sa cũng là những ám ảnh vật thể, bằng xương thịt:
Gặp em không thể chào bằng tay/ Em sẽ chê là năm cành cây/ Em sẽ chê là năm nòng súng lạnh/ Bởi vì đau hai mươi năm nay… Gặp em không thể chào bằng mắt/ Em sẽ không thể ngủ được ban đêm/ Em sẽ nằm trong cơn thù hận/ Em sẽ chìm sâu trong cơn điên… Gặp em ta sẽ chào như loài kiến/ Chào như loài dế chào như loài giun? Chạm tóc vào nhau ta gục đầu xuống/ Như đồng bào ta nằm trong đất đen…
Sáng tạo những hình ảnh đậm tính trực cảm, khơi dậy trực giác vật thể ở người đọc cũng là một cách thức cá nhân hóa cao độ trong viết thơ, ở thời điểm hiện tại (thời điểm nhà thơ Nguyên Sa viết thơ) cũng như trong dòng chảy thơ sau này, tùy thuộc tài năng của người viết.
“Tôi mơ hồ cảm thấy tôi không muốn trở thành một nhà thơ dấn thân. Tôi cũng mơ hồ cảm thấy tôi không phải một đệ tử trung thành của nghệ thuật vị nghệ thuật. Tôi là người làm thơ, thơ tình, mà vẫn xúc động trước những khổ đau của quê hương, dân tộc tôi” (Hồi ký Nguyên Sa)
Một cảm thức thi ca gắn liền với rúng động và thăng trầm của đời sống, vận mệnh lịch sử của dân tộc, là hệ thẩm mỹ gắn liền với giá trị nhân sinh, với thông tin và ý nghĩa có thực, duy nhất của một thời đại. Nó có thể bị “ràng buộc” bởi tính chất lịch sử nhưng không vì thế mà trở thành một kiểu giá trị thời sự, khép kín. Nó vẫn bao hàm những tín hiệu của không gian thơ ca và thẩm mỹ rộng lớn.
“Khi chân lý không ở ngoài tầm những gương mặt hóa trang/… Khi ngực hai mươi ở trong tầm viên đạn”, tiên cảm về cái chết trong thơ Nguyên Sa như vận mệnh chung cuộc đến sớm, có báo trước, cái chết như một khả thể của đời sống.
Không phải “một mai tôi chết bên khe Ngọc tuyền” (Hàn Mặc Tử) - Cái chết còn cho con người cơ hội, “chết” với Nguyên Sa là một thực tại bỗng nhiên chuyển thành cõi chết:
Anh cúi mặt hôn lên lòng đất/ Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng/ Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không/ Đôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh…
… Lúc ra đi hai chân anh đằng trước/ Mắt đi sau còn vương vất cuộc đời…
… Anh chợt ngứa nơi bàn chân cỏ mọc/ Anh chợt đau vầng trán nặng đêm khuya…
(“Lúc chết”)
Cõi chết không phải nơi được giải thoát khỏi gánh nặng sự sống, mà nó là một dạng “sự sống” khác đau buồn phiền lụy theo cách khác. Chết chính là một hình dung lạ thường của thực tại, một nỗi khổ lụy lạ lùng mà con người tình nguyện nếm trải, còn hơn chấp nhận những gì đang diễn ra.
Viết tưởng niệm một người bạn, “Đám tang Nguyễn Duy Diễn”, không phải tiếc thương:
… Chúng tôi nhảy múa hò reo/ Thế là nó thoát, thế là nó thoát/… Thoát khỏi ngủ, thoát khỏi ăn, khỏi thở/ Khỏi đêm, khỏi ngày, khỏi tháng, khỏi năm/ Khỏi chờ, khỏi đợi/ Khỏi nhìn tình ái đội nón ra đi/… Khỏi bốn mươi giờ dạy học mỗi tuần/ Khỏi viết ban đêm, khỏi đến nhà in buổi sáng/ Khỏi phải nhìn, khỏi phải nghe, phải thấy… Sự thật có phải bao giờ cũng tối như đêm/ Tình ái có phải suốt đời là canh bạc lận/ Lịch sử, rút lại có phải là thằng mù sờ soạng…
Sự giải thoát ở đây chỉ có nghĩa mỉa mai. Chết nghĩa là hối thúc đặt lại những câu hỏi nghi ngờ đời sống, chết như một ngã ngũ, một phương án thay thế cho tất cả những gì tâm trí nhận thức không thể giải đáp nổi, một hy vọng theo nghĩa mỉa mai đối với những vô vọng của sự sống.
Sống, là chung sống với cái chết, là ngạc nhiên khi bản thân còn tồn tại những năng lực sống:
… Mùa xuân đã trôi qua/ mùa hạ đã trôi qua/ mùa thu đã trôi qua/ bây giờ là mùa đông/… Lá chết ở trên cành/ cành chết ở trên cây/ cây chết ở trên đường thành phố/… thành phố trống vắng/ quê hương trống vắng/ con giun xéo đã quằn/ anh vẫn đi ở đó/ mà vẫn còn yêu em…
(Nhìn em Nhìn thành phố Nhìn quê hương)
Nguyên Sa từng nói tới cái chết “bình thường”, tự nhiên:
… Có bao giờ thèm khát vô biên/ Có bao giờ anh mong đừng chết - dù để làm thơ/ Nên tất cả chỉ là yêu em và làm thơ cho đến chết…
Cảm nhận bất thường về cái chết thực chất là cảm nhận về một đời sống trái với tự nhiên, không còn gì biện hộ, không còn cơ may, cả cái chết cũng trở nên tuyệt vọng.
Từ những cảm nhận trực quan, vật thể, thơ Nguyên Sa tiến gần tới lối bộc lộ ý tưởng, nói cách khác, lối viết sự vật và sự kiện hóa trong thơ là tiến trình hiện thực hóa ý tưởng.
Chim đã bay/ Đã tới/ Nàng có đi cùng không/ Đã tới/ Chắc nàng phải mặc áo nhẹ/ Đã tới/ Chắc ta phải mặc áo nhẹ/ Chắc ta phải để lại tất cả/ Để lại đầu/ Để lại tay/ Không chừng để lại nàng/ Để lại mắt/ Để lại vai/ Ôi đôi vai/ Nàng có nhớ…
(“Chim” - Nhìn em nhìn thành phố nhìn quê hương)
Từ cảm thức đan xen chuyển hóa trừu tượng và vật thể, nhà thơ đã tiến xa tới việc khai thác toàn bộ sự vật và tiến trình sự kiện như một cách mô tả khách quan trực quan, cấu tứ lại không gian trực quan ấy để nó hiện lên như một ý tưởng, một tâm trạng.
Cuộc du hành tưởng tượng cùng cánh chim, du hành của mất mát, tan vỡ, lìa bỏ, hủy diệt được hình dung như một chuyến lên đường thực thụ, có “bay”, có “tới”, nhưng thay vì mang theo là “để lại” “đầu, tay, không chừng… nàng, mắt, vai…”, một hành trình không tưởng đến cõi “âm” của các sự kiện và giá trị. Cái nhìn từ quan sát vật thể sang ý tưởng không tưởng là một bước vừa liền kề vừa táo bạo, đẩy người ta đi hết ranh giới những hình dung có sẵn.
Giống như sự quan sát và mô tả hành động một cách cơ giới, bề ngoài, loại trừ toàn bộ những hình dung từ, tính từ mà thường chỉ dừng ở việc gợi lại sự vật trong mối quan hệ khá hời hợt với nội tâm người viết, cố ý tạo ra nội dung thông báo khô khan, cộc lốc, viết thơ đồng thời là phơi bày một tiến trình cô đọng của hiện thực và ý tưởng. Vì chủ yếu nhằm tới ý nghĩa thông báo chứ không biểu đạt (lý giải, phân tích theo những hình dung sẵn có về đời sống), mô tả “trực quan hóa sự kiện” có thể bao hàm nhiều nội dung thông tin khác nhau, nhiều hệ hình (tầng lớp) giá trị khác nhau.
Năm ngón tay/ Trên bàn tay năm ngón/ Có ngón dài ngón ngắn/ Có ngón chỉ đường đi/ Có ngón tay đeo nhẫn/ Ngón tay tô môi/ Ngón tay đánh phấn/ Ngón tay chải đầu/ Ngón tay đếm tiền/ Ngón tay lái xe/ Ngón tay thử coorse/ Ngón tay cài khuy áo/ Em còn ngón tay nào/ Để giữ lấy tay anh
(“Năm ngón tay” - Thơ Nguyên Sa, tập 1)
Chưa hoàn toàn thoát khỏi lối liên tưởng tương đồng theo thi pháp cũ, nhưng nhà thơ Nguyên Sa đã ý thức được sức nặng nhiều tầng lớp của lối mô tả trực quan, tính chất biểu tượng tràn đầy thông tin nhiều chiều của nó để thay thế ngoạn mục cho hình ảnh ẩn dụ một chiều.
Nguyên Sa viết thơ bằng nhịp điệu và cấu tứ câu văn xuôi từ rất sớm:
Khi xứ sở mùa xuân ở ngoài tầm cánh chim bay/ Khi những đám mây hy vọng ở ngoài tầm những giờ thao thức ban đêm/ Khi con tàu tương lai ở ngoài tầm ngọn hải đăng chờ đợi/ Khi hình ảnh đôi giày đầu tiên, thầy giáo trường làng chân thực, những cánh đồng tuổi trẻ ở ngoài tầm kỷ niệm…
(“Ngoài tầm”)
Rồi trong ngôi nhà ký ức em sẽ đặt anh ở vị trí nào? Bên cạnh lớp học ngày xưa hay khu vườn tuổi nhỏ? Bên cạnh hình ảnh đôi guốc cao gót đầu tiên hay con búp bê gẫy tay trên gác bếp?…
… Em dư biết giá trị liều thuốc an thần của những bài thơ nói về tình yêu kiếp khác, sao còn bắt anh chèo thuyền trong ảo tưởng? 
Anh từ chối chiếc bánh còn thừa, tự do hứa hẹn, chân lý lưỡi lê và những lời an ủi…
Tuổi ba mươi và bấy nhiêu lần lũy thừa đau khổ/ Nhân danh cánh tay mọc trái nghi ngờ/ Nhân danh vầng trán quê hương lo ngại/ Nhân danh mái tóc chờ mưa sa mạc…
(“Bài giã biệt mới”)
Sự kéo dài kích thước câu thơ đến câu văn xuôi, nhịp điệu văn xuôi uyển chuyển linh hoạt thay thế nhịp điệu thơ ngắt quãng ngắn, theo một vài lối cố định, đã tạo ra ở người đọc một tâm thức đọc khác với tâm thức đọc thơ thông thường. Không phải chờ đón cái du dương, nhịp nhàng, đều đặn (kể cả với thơ không vần) có tác dụng dẫn dắt vào tâm thái và cảm xúc quen thuộc, mà là sự tỉnh thức khách quan để nhận biết, theo dõi, liên kết, chờ đợi “cú sốc” (nếu có) và hình thành phán đoán suy lý. Câu thơ văn xuôi chuyên chở nhiều sự kiện và tạo điều kiện đặt ra những vấn đề suy tưởng, ý tưởng, gia tăng ý nghĩa suy lý và tri thức cho sáng tạo thơ.
Ý tưởng trong thơ Nguyên Sa nhiều lúc còn nảy sinh từ tâm trạng nung nấu bộc phát:
Thằng Chúc bây giờ nằm trong nhà tù/ Thằng Thịnh bị mang đi làm nông trường/ Thằng Văn lang thang những bờ biển xa/ Em nó ở nhà bán báo vỉa hè… Niềm đau đất nước mỗi ngày một đau/ Câu hỏi đã lớn mỗi ngày một lớn/ Những đứa sát nhân vu oan giá họa/ Những đứa chụp mũ, chụp mũ, chụp mũ/ Mỗi ngày một tăng theo cấp số nhân/ bạn bè dần hết theo tỉ lệ nghịch…/… Chỉ còn câu hỏi, chỉ còn câu hỏi/ Trong óc, trong mắt, trong tay, trên môi/ Bao giờ thằng Chúc ra khỏi nhà tù/ Và những thằng Chúc ra khỏi nhà tù/ Bao giờ thằng Thịnh ở nông trường về/ Và những thằng Thịnh ở nông trường về/ Bao giờ thằng Văn cầm tay quê hương/ Và những thằng Văn cầm tay quê hương/ Bao giờ, bao giờ, bao giờ?
(“Bao giờ”)
Câu thơ chuyển thành dạng thức lời nói thường không chút làm đẹp với toàn bộ nội dung thông báo cũng như ý tưởng, không hề còn lại một hình ảnh. Nó cho thấy một thẩm mỹ khác xuất hiện trong quan niệm và nghệ thuật thơ, sẽ bị bỏ quãng và tái xuất hiện, bùng nổ vào những năm thơ ca tiếng Việt “đuổi kịp” hành trình đương đại. Đó là thẩm mỹ hướng về cái bé mọn, “tầm thường”, xấu xí, cái bị kỳ thị và rẻ rúng, áp chế.
Hành trình thơ Nguyên Sa là hành trình tự nhiên của con người kiếm tìm tình yêu và chân lý của cái đẹp cũng như của cuộc đời, chân lý như một khát vọng không bao giờ đứng lại, chứ không phải một nội dung nhất định. Sống giữa cuộc đời hệ lụy, mệt nhọc, bị tước đoạt dần những thụ cảm tự nhiên, bình thường vốn dĩ, trong lòng một dân tộc đau khổ, bất hạnh, với những bi kịch mù lòa, Nguyên Sa là một nhà thơ đắm đuối và hết lòng với thi ca như với cuộc đời, để đi qua cuộc đời, cất trọn chén sống một cách an nhiên, đường hoàng và can đảm.
Ghi chú:
– Bài viết chỉ khảo sát thơ Nguyên Sa trong phạm vi trước tác chủ yếu từ năm 1953 cho đến 1975, tập hợp trong 2 thi tuyển, Thơ Nguyên Sa, tập I; Thơ Nguyên Sa, tập II, phần II, Nhìn em Nhìn thành phố Nhìn quê hương, NXB Đời, 2000. Đây là phần trước tác của nhà thơ thuộc về dòng chảy cảm hứng và thi pháp thơ miền Nam.
– Vì điều kiện trích dẫn phục vụ ý tưởng đọc liền mạch của bài viết nên một số phần dẫn chứng thơ Nguyên Sa không giữ được trình bày nguyên gốc của tác giả, xin thành thật cáo lỗi cùng bạn đọc.
– Bài viết có tham khảo một số tư liệu về lý luận văn học và bài viết, khảo cứu về văn học miền Nam của các tác giả, bạn bè…
[1] Sáng tạo, khi chủ thể chưa có ý thức tự “giãn cách” đối với bản thân, ít nhiều mang tính chất tự phát. Khi chủ thể có sự “lùi xa” đối với bản thân, phải vượt qua khoảng cách thời gian, vận dụng năng lực hồi ức, tưởng tượng, suy tưởng để khôi phục “cái tôi quá vãng” hoặc kiến tạo hình tượng “vị lai”, đó là thể hiện nỗ lực sáng tạo lại thực tại và con người. Trong khi thơ ca được lý luận văn học hiện đại xem như thể loại ràng buộc mật thiết hơn cả với thân thế, thực trạng người viết, thì ý thức tự giãn cách và năng lực vươn tới giá trị tri thức của nhà thơ vẫn phải được kể đến như là ý nghĩa cơ bản của sáng tạo, đây là hai mặt của vấn đề. Con người cá thể, đơn nhất, “được quyền” song hành, chuyển hóa với con người tri thức phổ quát, tạo ra những giá trị mới.
[2] Thơ ca trung đại dù mang những thông tin cá nhân vẫn là những cá thể ước lệ:
Ới thị Bằng ơi đã mất rồi
Ới tình ới nghĩa ới duyên ơi
(“Khóc thị Bằng” - Vua Tự Đức)
Chưa bao giờ có sự hình dung trực quan cụ thể như trong thơ tiền chiến:
“Trong trẻo như Nguyễn Nhược Pháp” (theo Hoài Thanh - Hoài Chân):
Khăn nhỏ, đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao
(“Đi chùa Hương”)
Nhưng là khai thác chất thơ trong thể loại “kể chuyện bằng thơ”.
Tái hiện sống động như Vũ Hoàng Chương:
Âm ba gờn gợn nhỏ/ Ánh sáng phai phai dần/ Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân/ Lui đôi vai, tiến đôi thân/ Riết đôi tay, ngả đôi thân/ Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió…
Nhưng vẫn trong vòng những giá trị ước lệ:
Đất trời nghiêng ngửa/ Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ/ Đất trời nghiêng ngửa/ Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
(“Say đi em”)
Men khói đêm nay sầu dựng mộ/ Bia đề tháng sáu ghi mười hai/ Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc/ Tố của Hoàng nay Tố của ai.
(“Mười hai tháng Sáu”)
[3] Vấn đề “cá nhân hóa tối đa” có sự trùng hợp và có điểm khác với vấn đề phong cách cá nhân. Nếu như phong cách cá nhân được hiểu là tập hợp những thành quả sáng tạo về mặt nghệ thuật của một cá nhân, tạo thành những điểm khác biệt đặc thù, đóng góp, làm mới cho đặc trưng thể loại, thì sự cá nhân hóa được nhìn nhận về mặt ý thức và tâm thức sáng tạo. Con người trong thơ ca càng được cá nhân hóa bao nhiêu, thì những đặc điểm phong cách càng đậm nét bấy nhiêu. Thơ ca trung đại không đa dạng, không đậm nét những đặc thù phong cách cá nhân. Nếu không có những chú dẫn về thân thế, thì thơ thiền của các tác giả khác nhau, thơ “thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão, hay Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Trãi, Nguyễn Siêu… rất khó phân biệt. Trong khi đó, để đạt tới phong cách mẫu mực sách vở như Bà Huyện Thanh Quan hay sự phá cách theo thẩm mỹ dân gian như Hồ Xuân Hương (?) là trường hợp vô cùng hiếm hoi. Đường thi cũng có thể quy tập về một hệ thống thi pháp đặc thù, nhưng những phong cách cá nhân nổi trội nhờ dấu ấn cá nhân hóa ở mức độ rõ rệt, không nhiều.
[4]
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi
(Vua Tự Đức)
trong cổ thi, hay:
Rồi khi khúc nhạc đã ngừng im/ hãy vẫn ngừng hơi nghe trái tim/ Còn cứ run hoài trong chiếc lá/ sau khi trận gió đã im lìm (Xuân Diệu)
Ta quá say rồi!/ Sắc ngã màu trôi…/ Gian phòng không đứng vững/ Có ai ghì hư ảnh sát kề môi? (Vũ Hoàng Chương) của thơ tiền chiến chưa xuất hiện cái không tưởng như trong thơ Nguyên Sa. Không tưởng bỏ cách quãng cái thực có, cao hơn liên tưởng, biến cái không hình bóng thành khả thể.
[5] Khảo sát một số bài thơ khác của Nguyên Sa công bố trong khoảng những năm 1956-1975, biểu hiện tương tự.
20/10/2019
Khánh Phương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...