Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Hương vườn cũ 11

Hương vườn cũ 11

61.

NHƯỢNG TỐNG, tên Hoàng Phạm Trân, là một yếu nhân trong hàng lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng, thời Nguyễn Thái Học. Nhưng sự nghiệp cách mạng của ông không rực rỡ bằng sự nghiệp văn chương.

Nhượng Tống là người có văn tài lỗi lạc.
Ông đã dịch nhiều bộ sách có giá trị của Trung Hoa: Nam Hoa Kinh, Tây Sương ký, Thơ Đỗ Phủ, Lý Tao… và đã sáng tác tập NGUYỄN THÁI HỌC cùng nhiều thơ Xuất Ngôn.
Những bộ sách dịch và tập Nguyễn Thái Học đã được xuất bản. Còn thơ thì chỉ thấy đăng rải rác ở các sách báo, và tôi chỉ nhớ được ít bài:
CẢM ĐỀ LỊCH SỬ
Ba xứ non sông một giải liền
Máu đào xương trắng điểm tô nên
Cơ trời dù đổi trò tang hải
Mặt đất chưa tàn nghiệp tổ tiên
Có nước có dân đừng rẻ rún
Muốn còn muốn sống phải đua chen
Giựt mình nhớ chuyện nghìn năm cũ
Chiêm Lạp xưa kia vốn chẳng hèn.
Tôi liên tưởng đến bài ĐỌC SỬ của Nguyễn Đỉnh Ngọc triều Tự Đức:
Giải bể ngàn đông bụi tít mù
Trải qua chớp mắt mấy nghìn thu
Thành Loa vừa thấy vây vua Thục
Ải Lạng quanh coi đuổi giặc Ngô
Giấc mộng chẳng lâu mà chẳng chóng
Cuộc cờ khi được lại khi thua
Còn non còn nước còn thư thả
Chén rượu Trung Sơn hãy gật gù.
Bài của cụ Nguyễn lời thơ già giặn khí những thơ mạnh mẽ hơn bài của cụ họ Hoàng. Nhưng cụ Nguyễn xem sử với con mắt khách quan với tấm lòng của con người đứng ra ngoài thế sự. Còn họ Hoàng lại nhìn cuộc thịnh suy của giống nòi qua lịch sử và trải niềm ưu ái lên nét chữ vần thơ. Cho nên đọc cụ Nguyễn Đỉnh Ngọc chúng ta thấy thơ thới trong lòng. Còn đọc Nhượng Tống thì tâm hồn chúng ta không khỏi rung cảm, không sao giữ được yên tĩnh. Mỗi bên có một ý riêng, hơn kém tùy quan niệm.
Cuối năm 1929, Tổng Bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng quyết định cử phái bộ ngoại giao sang Trung Hoa và Nhật Bổn. Nguyễn Thái Học và Nhượng Tống được ủy nhiệm vào Huế yêu cầu cụ Phan Sào Nam viết thư giới thiệu cùng các nhà cách mạng hải ngoại. Đến lúc khởi hành lại xảy ra vụ ám sát tên thực dân ác ôn Bazin (17/2/1929). Nguyễn Thái Học phải ở lại Hà Nội, một mình Nhượng Thống vào Huế. Đến Huế nhằm lúc cụ Phan đi vắng. Không tiện ở lại chờ, Nhượng Thống viết một bứt thư gởi cho người nhà cụ Phan và hẹn trở lại. 
Bức thư ấy là một bài thơ thất ngôn bát cú bằng Hán văn và bài thơ dịch ra Quốc âm. Tôi nhớ được bài dịch:
Tất tả đường trường dám kể công
Thành xưa ngoảnh lại giục đau lòng
Sống say chết mộng người bao kiếp
Bể đổi dâu thay đất mấy vòng
Nhục rửa sạch đâu sông lộn sóng
Uất còn chứa mãi gió gào thông
Cuối trời đâu tá coi người đẹp?
Thổn thức ngàn lau ánh nguyệt lồng.
Cụ Phan về thấy thơ vừa cảm động vừa vui mừng. Nhưng đợi mãi không thấy khách trở lại. Sau đó mới hay rằng Nhượng Tống đã bị bắt giải về Hà Nội. Cụ khóc:
- Con người có tâm huyết và tài bộ như thế này mà lọt vào nanh vút sài lang thì còn gì là tuổi trẻ!
Nhượng Tống bị đưa ra trước Hội Đồng Đế Hình và bị kết án 10 năm cấm cố đày ra Côn Lôn. 
Ở Côn Lôn được tin cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại và Nguyễn Thái Học tuẫn quốc (17/6/30) cùng mười hai liệt sĩ, Nhượng Tống làm thơ khóc:
Nhục mấy trùng cao ách mấy trùng
Thương đời không lẽ đứng mà trông
Quyết quăng nghiên bút xoáy gươm súng
Đâu chịu râu mày thẹn núi sông
Người dẫu chết đi lòng vẫn sống
Việc dù hỏng nữa tội là công.
Nhớ lời di huấn cơn lâm biệt [1]
Cười khóc canh khua chén rượu nồng [2]
Lời di huấn đây là lời Đảng Trưởng dặn riêng tác giả lúc vào Huế yết kiến cụ Sào Nam năm 1929, mà cũng có thể là lời Đảng Trưởng trối cùng những người Việt Nam có tâm huyết đêm mười sáu tháng sáu năm 1930, lúc từ giã ngục thất Hỏa Lò lên xe đi Yên Bái cùng mười hai liệt sĩ:
- Chúng tôi đi trả nợ nước đây. Các anh em còn sống cứ công vào việc ấy nhé. Cờ độc lập phải nhuộm bằng máu. Hoa tự do phải tưới bằng máu. Tổ Quốc còn cần đến sự hy sinh của con dân nhiều nữa, nhiều nữa. Rồi thế nào cách mạng cũng thành công. Thôi kính chào anh em ở lại. 
Lời của Đảng Trưởng rỏ ràng từng câu từng chữ. Tất cả người bị giam trong các trại, thường phạm cũng như cánh trị phạm, kẻ khóc người reo hô, lời kêu gọi của Đảng Trưởng, tiếng đáp ứng của những tấm lòng thành thực, trong cơn lâm biệt nảo nùng, vang rộng khắp khu hỏa lò và vang vọng mãi trong tâm hồn người Việt Nam Yêu giống nòi yêu đất nước.
Nhượng Tống ở Côn Lôn chưa mãn hạn mười năm thì được ân xá. Đó là thủ đoạn ban ơn của Mặt Trận Bình Dân Pháp khi lên cầm quyền quốc gia (1936). Cùng với Nhượng Tống gần có trăm đảng viên Việt Quốc được phóng thích. Tất cả đều đưa về nguyên quán quản thúc thay vì phải biệt xứ năm năm. Đến năm 1941 sau khi hết hạn quản thúc, Nhượng Tống cùng các đồng chí Việt Quốc hoạt động trở lại và năm 1948 được mời ra cố vấn chánh trị cho Tổng Trấn Bắc Hà Nghiêm Xuân Thiện. Được ít lâu thì bị ám sát (20/8/1949). Thọ 45 tuổi.
Ngoài những tác phẩm đã xuất bản thượng dẫn, Nhượng Tống còn để lại một số sách dịch nữa: Đạo Đức Kinh, Sử Ký Tư Mã Thiên, Hồng Lâu Mộng… [3] 
Về thơ, ngoài những bài trên đây, không thấy đăng trên sách báo, tôi được một vị lão nho đọc cho nghe ba bài HOÀI HỰU: 
I.       
Dứt tiếng ly ca ném chén vàng
Bồi hồi từ giã đất Tuyên Quang.
Biết tìm đâu thấy người trong mộng
Khéo não lòng thay cảnh dọc đường
Cây cỏ ba đông trời cô quốc
Nước non nghìn dặm bóng tà dương.
Xanh xanh sông nọ bao nhiêu khúc
Một khúc xa nhau một đoạn trường.
II.
Ta một phương trời bạn một phương
Đôi lòng ai dắt sợi tơ vương?
Không quen thuộc dễ thành dan díu
Có biệt ly đành phải nhớ thương
Ơn nặng chưa đền cho non nước
Tình riêng tạm gởi với văn chương
Thăm nhau muốn mượn đường trong mộng
Núi Tản sông Lô mấy dặm trường.
III.
Người bén sông Lô kẻ chợ Bờ
Nhìn nhau chẳng thấy ruột vò tơ
Chiếc thân đất khách ta buồn lắm
Giấc mộng canh trường bạn tỉnh chưa?
Lần trước đã đành ra thế ấy
Đường xa sớm liệu tự bây giờ
Mênh mông bốn mặt ai tri kỷ?!
Canh vắng đèn tàn tiếng gió mưa…
Văn chương êm đẹp, biểu thị một mối tình chân thật, thiết tha của một Kinh Kha, một Tiêu Sơn Tráng sĩ.
Không biết người trong nhớ là ai? Vì lão nho đọc cho nghe ba bài này bảo rằng đó là Nguyễn Thái Học và tác giả đã làm trong lúc vào Huế gặp cụ Sào Nam. Tôi không dám tin chắc, vì nỗi lòng buồn thương trong thơ không hợp với hoàn cảnh và con người ra đi với niềm hi vọng chứa chan, thời Đảng đang hoạt động mạnh. Có lẽ Nhượng Tống làm vào khoảng thời gian bị quản thúc hoặc khoảng thời gian hoạt động cách mạng trở lại. Và người trong nhớ ngờ rằng là một nữ đồng chí thân yêu. Vì tình của giai nhân thường làm cho văn chương thêm dịu dàng đằm thắm; ba bài này so với những bài trên thật trội hơn về mặt văn chương và sức truyền cảm.
Chú thích:

[1] Trong sách “Việt Nam Quốc Dân Đảng” của ông Hoàng Văn Đào chép: “Nhớ anh nhớ lúc khi lâm biệt”. Trong quyển hồn thơ Đất Việt thế kỷ XX của Lam Giang chép “nhớ lời di huấn cơn lâm biệt”. Có lẽ đúng nguyên tắc nên theo.
[2]  Bài này tôi chắc Nhượng Tống làm trong lúc viết quyển Nguyễn Thái Học, tức sau khi ở Côn Lôn về, chớ không phải lúc còn ở Lôn Côn như lời truyền. Vì ở Côn Lôn làm gì có rượu nồng.
[3] Dường như Nhượng Tống giao hết cho Tân Việt.
62.

Thơ và Cách Mạng đồng chủng mà không đồng tộc, đồng tánh mà không đồng tướng.

Bởi người làm thơ và người làm cách mạng đều mang chất tối tham trong lòng, kẻ tham làm cho cuộc đời bên trong, kẻ tham làm cho cuộc đời bên ngoài, đi đến chỗ toàn mỹ (perfection). Cả hai đều luôn luôn đi tới, đi tới cho đến chỗ Hóa công đã đi đến. Tức là luôn luôn đi tìm cái Đẹp hoàn toàn, cái đẹp của người giai nhân của Tống Ngọc. Hai bên chỉ  khác nhau ở cách thực hiện ý muốn, ở phương tiện dùng để đi tới đích, và chỉ khác nhau ở điểm một bên thiên về xã hội, một bên thiên về tâm hồn. [1] 
Nói một cách khác: Nhà cách mạng là một nhà thơ, mà nhà thơ là một nhà cách mạng. Và nhà cách mạng làm thơ bằng hành động bằng thiết huyết, còn nhà thơ làm cách mạng bằng bút mặc, bằng văn chương.
Bởi vậy trong con người nhà cách mạng chân chính có sẵn chất thơ, và trong con người nhà thơ chân chính có sẵn chất cách mạng.
Cho nên khi nhà thơ ra làm cách mạng, không đến nỗi cầm kiếm bằng tay trái, và khi nhà cách mạng hứng làm thơ, không đến nỗi cầm bút bằng tay trái. Không phải luôn luôn thành công, nhưng vẫn có điểm xuất chúng.
Sào Nam và Nhượng Tống là hai nhân vật điển hình.
Còn nhiều nhân vật khác nữa, như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Nguyễn Khoa Huân, Mai Xuân Thưởng, Trần Cao Vân, Tiểu La Nguyễn Thành… vân vân… 
Nhưng các nhà Cách mạng này đã nổi tiếng về thơ trước khi ra làm cách mạng. Có nhiều nhà bình sinh không hề ngâm vịnh mà những khi không dùng gươm súng được, phải mượn đến văn chương để giải tỏa nỗi u uất trong lòng, vẫn có nhiều câu giai tác. Như một số yếu nhân trong Việt Quốc: Phạm Tuấn Tài, Thẩm Chi, Nguyễn Thị Giang…
Lúc bị giam trong ngục thất Hỏa Lò (1929), Phạm Tuấn Tài có bài hát nói: 
MƯỠU
Trông người lại gẫm đến ta
Nín đi đứt ruột nói ra nghẹn lời
Than ôi! Cũng một kiếp người
Tủi thân trâu ngựa thiệt đời thông minh!
NÓI
Trâu cày ngựa cỡi
Nghĩ thân mình thêm tủi lại thêm thương
Cũng thông minh tai mắt một phường
Người mắc ách kẻ giong cương, kỳ quái chửa?!
Thà rằng thể phách như trâu ngựa
Khổ nỗi tâm hồn khác cỏ cây!
Nhìn giang san khi quắc mắt lúc cau mày
Tưởng nông nổi đắng cay lòng tráng sỹ
Nước đời cay đắng bao nhiêu vị
Giống ương hèn càng nghĩ lại càng thương
Bảo nhau ta phải tự cường. 
Và Thẩm Chi có bài Sà Lim Oán theo thể song thất Lục Bát: 
Đầy ám ngục hơi sầu ảm đạm
Nát tâm bào lửa hận cháy gan
Một mình lăn lóc trên sàn
Đắng cay nước mất nhà tan thân tù!
Trong cửa kín sớm khuya chẳng biết
Ngoài đồng bào sống chết không hay
Than ôi, nông nỗi nước này
Đòi phen hồn mất máu say vì thù
Lòng héo hắt cơm bơ nước gáo
Thân võ vàng xiêm áo tả tơi
Nghiến răng muốn đập tan trời
Tủi thân nô lệ căm loài dã man
Giận cho kẻ tham vàng phụ nghĩa
Đem anh em bán rẻ cho người
Bạc đen chi mấy thói đời?!
Nước non đành để cho người chủ trương
Cơ thành bại nát gan tráng sĩ
Cuộc hưng vong ráo lệ anh hùng
Thương thay con cháu Lạc Hồng
Vì đâu cá chậu chim lồng xót xa!
Hồn tinh vệ bao giờ lấp bể?
Công dã tràng thương kẻ đồng tâm
Giọt sầu lã chã khôn cầm
Dao oan nghiệt cắt ruột tằm đòi cơn
Ngoài song sắt mưa buồn gió thảm
Bên tường nghe tiếng bạn thở than
Vì đâu nên cuộc dở dang?!
Vì đâu sẩy nghé tan đàn thảm thương!
Lòng rầu rĩ canh trường khó nhắp
Đêm năm canh thổn thức đòi cơn
Hỡi ai dạ sắt gan vàng
Cùng nhau trong hội đoạn tràng là đây. 
Phạm Tuấn Tài bị cấm cố và đày ra Côn Lôn, không chịu nổi gian khổ, nên mắc bệnh lao phổi. Năm 1936 được phóng thích. Về quê được ít lâu thì tạ thế. 
Còn Thẩm Chi là biệt hiệu của vị nào chưa được rõ, chỉ biết là một đảng viên trọng yếu của Việt Quốc bị bọn phản đảng tố giác: 
Giận cho kẻ tham vàng phụ nghĩa
Đem anh em bán rẻ cho người
Bạc đen chi mấy thói đời
Nước non đành để cho người chủ trương! 
Thi phẩm của Nguyễn Thị Giang là bức thư tuyệt mệnh.
Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thất bại, Đảng trưởng và hầu hết các yếu nhân trong Đảng bị bắt. Nguyễn Thị Giang tránh khỏi nanh vút Thực Dân. Ngày 17 tháng 6 năm 1930, bà cùng hai đồng chí cải trang thành nông phu địa phương, lặng lẽ đến pháp trường Yên Bái, mưu phá pháp trường cứu Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ. Nhưng trước sức mạnh của thực dân, mục đích không thể đạt nổi, bà đành bấm bụng đứng nhìn cảnh thảm thương! Rồi về nhà trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh để lại cho cha mẹ và các đồng chí còn sống sót. Sáng hôm sau đến làng Thổ Lang thăm ông cụ bà cụ Nguyễn Thái Học. Đoạn đến dưới gốc cây đề Thổ Lang chừng một cây số dùng súng lục mà quyên sinh! Hưởng dương hai mươi hai tuổi!
Bức thư tuyệt mệnh viết bằng văn xuôi. Bức thứ hai viết bằng thơ Lục Bát. 
BỨC THỨ NHẤT
Thưa thầy mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh bó buộc con. Không báo được thù nhà rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm thân trinh bạch dân cho chồng con ở đền Hùng.
Giờ con tìm về chỗ quê cha đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con.
Đứa con dâu bất hiếu kính lạy 
Nguyễn Thị Giang
BỨC THỨ HAI 
Anh đã là người yêu nước,
Không làm tròn được nghĩa vụ cứu quốc,
Anh giữ lấy tâm linh hồn cao cả để về chiêu binh rèn lính ở dưới suối vàng!
Phải chịu đựng nhục nhã mới mong có ngày vẻ vang. Các bạn đồng chí phải sống lại sau anh để đánh đổ cường quyền mà cứu lấy đồng bào đau khổ.
Thân không giúp ích cho đời
Thù không trả được cho người tình chung
Dẫu rằng đương độ trẻ trung
Quyết vì dân chúng để lòng hy sinh
Con đường tiến bộ mông mênh
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết bao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên…
Chết đi dạ những buồn phiền
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình
Đảng kỳ phấp phới trên thành
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ!
Cực lòng lỡ bước sa cơ
Chết sầu chết thảm có thừa xót xa!
Thế ru?! Đời thế ru mà!
Đời mà ai biết! Người mà ai hay!
Đây không phải là văn chương của tay hàn mặc, mà cũng như hai bài của Phạm Tuấn Tài và Thẩm Chi, là tấc lòng gởi vào thiên cổ, tấc lòng viết bằng nước mắt và máu đào, não nùng nhưng khẳng khái. Trong gió mưa sùi sụt có tiếng sắt tiếng vàng rít lên từng cơn! 
Khi được tin NGUYỄN THÁI HỌC cùng mười hai liệt sĩ tuẫn quốc và NGUYỄN THỊ GIANG hy sinh theo chồng, cụ Sào Nam có những lời ký thác tâm sự: [2] 
CÔ KHÓC CẬU 
Thình lình một tiếng sét ngang lưng
Nuốt nghẹn tình tơ xiết nói năng
Mây mịt mù xanh trời vẫn hắc
Giọt chan chứa đỏ bể khôn bằng!
Thân vàng đành cậu liều theo cát
Dạ tuyết thôi em gởi với trăng.
May nữa duyên sau còn gặp gỡ,
Suối vàng cười nụ có ngày chăng. [3] 
HỒN CẬU TRẢ LỜI 
I.
Gặp mình mình lại thẹn cùng mình
Ai khiến em mà vội gặp anh?
Vẫn nghĩ hữu chung vì hữu thủy
Thôi thì đồng tử chẳng đồng sanh.
Trăm năm một bụi dâu hay bể…
Một tấm lòng son sắt với đinh.
Gió dữ mưa cuồn thây kệ nó
Dắt nhau ta tới tận thiên đình. 
II.
Dắt nhau ta tới tận thiên đình
Quyết dẹp cho yên sóng bất bình        .
Mặt nước em còn hồng giọt máu,
Nợ đời anh chửa trắng tay tanh.
Trăm năm thề với trời riêng đội
Bảy thước âu là mẹ chẳng sanh.
Mình hỡi mình đừng buồn bã quá
Hồn còn mạnh khỏe phách còn linh. 
CHỊ KHÓC EM [4] 
I.
Em ơi! Em vậy chị thì sao?!
Ghê gớm mà cùng tiếc biết bao!
Chung nợ cha sanh và mẹ dưỡng,
Rẽ đường vực thẳm với bờ cao!
Ngại ngùng gió yếu mây trơ mực,
Tức tối trời say máu úa đào! 
Hồn có thiêng liêng giùm tính nhé
Mẹ già em bé nghĩ thương nao! 
II.
Mẹ già em bé nghĩ thương nao!
Và nợ chồng con nặng biết bao!
Nổ đất thình lình tay vỗ kép
Nhuộm trời ghê gớm máu phun đào
Giữa trường tân khổ no cay đắng
Trước trận phong ba nổi gió trào
Chị có ngờ đâu em đặng thế
Biển ngần ấy rộng núi ngần cao. 
Phan Sào Nam mượn lời người để nói lòng mình trước cái chết vừa bi vừa hùng của đôi uyên ương hào kiệt. Văn chương hoành phóng! Và nỗi căm phẩn đối với thời thế tràn ngập ra bên ngoài, nhận chìm vào bên trong niềm đau thương đối vời cảnh từ biệt. Rõ là “Hoành trung tứ ngoại”.[5] 
Đó là tình riêng của Nguyễn Anh hùng và Nguyễn Nữ kiệt. Còn nghĩa chung đối với cuộc khởi nghĩa và chư liệt sĩ Việt Quốc thì cụ gởi vào những bài văn tế làm giùm cho các đoàn thể quốc gia đọc trong những buổi lễ truy điệu bí mật. Có nhiều câu hùng tráng nhưng thống thiết: 
Nhân dân chí sĩ sát thân vào luật dã man;
Nữ kiệt anh hùng thất thế đang hồi đen rủi.
Trường tuyên án chị chị anh anh cười tủm tỉm, tức nỗi xuất sự vị thiệp, vai bể non gánh nặng hãy trìu trìu;
Đoạn đầu đài sau sau trước trước bước thung dung, gớm gan thị tử như qui, mặt cây cỏ máu tươi thêm chói chói
Tuy kim cổ hữu tình hình thì hữu hoại, sóng Bạc Đằng mây Tam Đảo, hơi sầu cuồn cuộn, bóng rồng thiên đành ông Học xa xôi;
Như sơn còn phách ắt còn linh, voi bà Triệu ngựa bà Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình hạc gió hay cô Giang theo đuổi… Vân vân… 
Thời Pháp thuộc, những văn thơ thấm đượm tinh thần dân tộc, mang nặng niềm ưu ái của các nhà chiến sỹ, các nhà cánh mạng, như những bài trích dẫn trên đây, điều bị cường quyền cấm phổ biến và tàng trữ. Cho nên bị thất lạc dần… Kế Pháp ra khỏi Việt Nam, phần đông khách làng văn làng thơ chạy theo cái hay cái mới ở nước ngoài, không lưu tâm đến di sản tinh thần của ông cha để lại, mặc cho mất mất còn còn!
Không lẽ đứng nhìn cây văn học nghìn xưa của dân tộc Việt Nam bị phong trào hướng ngoại làm úa lá khô cành rồi đi đến cảnh trốc gốc, một số người thiện tâm thiện chí đã ra công vun vén chăm nom..
Thái Bạch vừa cho ra đời tập THI VĂN QUỐC CẤM.
Lam Giang, trong tập hồn Thơ Đất Việt Thế Kỷ XX, nhiệt tình cổ xúy cho loại thơ có khuynh hướng Quốc dân Cách mạng, hầu mong khôi phục chính đáng của ngày xưa.
Công việc làm của hai ông bạn thân đáng kinh phục.
Rất tiếc không gây được ảnh hưởng sâu rộng, đó là do hoàn cảnh xã hội một phần, một phần nữa là do vì không được làng văn thơ hưởng ứng và làng báo chí ủng hộ!
Nhưng không hề gì. Mầm đã gieo rồi thì chẳng kịp thời chầy thế nào cũng đâm chồi nảy lộc. Vì tinh thần dân tộc đã ăn sâu vào cốt tủy người Việt Nam, dù cho nắng lửa mưa băng cũng không dễ gì tiêu diệt nổi. Nghìn năm đô hộ của Tàu, tám mươi năm đô hộ của Pháp, là những bằng chứng hùng hồn.
Xin mượn bài CÔ ĐẢO TRUNG của cụ Dương Đình Thưởng, một chiến sĩ cách mạng đất Quảng Nam bị đày ra Côn Lôn vì việc khất sưu năm Mậu Thân (1908), để kết luận: 
Nhất trịch diêu diêu cô đảo trung
Khả liên nam bắc bệnh tương đồng
Viêm Bang văn hiến khan do tạc
Âu hóa phong triều vị tấn công
Thủy quốc đào thanh tao mộng điệp
Cố sơn vân ý luyến chinh hồng
Tạo gian mạc sái Tân đình lệ
Đa khủng Côn Lôn hải nhiễm hồng. 
Cụ Huỳnh Thúc Kháng dịch: 
Hòn đảo mồ côi giữa cõi cùng
Đày ra Nam Bắc kiếp tù chung
Nước nhà văn hiến còn in cũ
Âu hóa phong trào chửa trót công.
Tiếng sóng góc trời rầy giấc điệp
Luồng mây núi cũ mến chim hồng
Thôi đừng rưới lệ Tân Đình nữa
E nhuộm Côn Lôn nước biển hồng.
Lam Giang dịch:
Trùng dương hải đảo bơ vơ
Thương nhau Nam Bắc bây giờ gặp nhau
Gốc nền văn hiến còn sâu
Duy tân hội mới buổi đầu vô công
Trong mơ sóng dội não lòng
Non côi mây quyến cánh hồng bay xa
Tân Đình giọt lệ đường sa
Chỉ e Côn Đảo phong ba nhuốm hồng.
Chú thích:
[1] Trong bài phú Chiêu Hồn, Tống Ngọc tả giai nhân rất kiều diễm và rất tỉ mỉ. Tuyệt thế giai nhân tượng trưng cho cái Đẹp hoàn toàn (Perfection).
[2] Muốn rõ những sự kiện lịch sử về V.N.Q.D.Đ., những tiểu sử của các anh hùng liệt nữ  trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái chống thực dân Pháp năm 1930, xin xem V.N.Q.D.Đ. Của Việt Dân Hoàng Văn Đào là người ở trong cuộc sống còn sót.
[3] Cô và Cậu đây là trở Nguyễn Thị Giang và Nguyễn Thái Học.
[4] Chị đây là Cô Bắc và em là Cô Giang.
Phan Sào Nam thác lời cô Giang cô Bắc và Nguyễn Thái Học để phát tiết nối đau đớn căm thù và hoài bão của mình.
[5] Trích trong bài cụ soạn cho anh em thanh niên Huế. Cụ còn nhiều hoài văn tế mà các nhà sách đã sao lục: văn tế  cô Giang, văn tế đồng bào Bắc Việt bị liên can vào việc dung túng các nhà anh hùng của Việt quốc…

57.

ƯNG BÌNH THÚC GỊA THỊ là một thi nhân sống một phần ba thế kỷ trước và hơn nửa thế kỷ này.
Tiên sinh mất năm Tân Dậu (1961), thọ 85 tuổi. Để lại cho chúng ta hai tập thơ gồm 350 bài, phần nhiều là thơ Đường luật, nhan đề là:
- Tình Thúc Giạ (xuất bản năm 1942).
- Đời Thúc Giạ (xuất bản năm 1961).
Một bổn tuồng hát bội phỏng tác theo tuồng Le Cid của Corneille, nhan đề là Lộ Địch.
Và một tập nhan đề là Bán Buồn Mua Vui.
Tiên sinh là một vương tôn tài ba phong nhã. Tánh giản dị tự nhiên. Tuy sanh trưởng trong nơi đài các, bôn tẩu trong chốn quan trường, tiên sinh lúc nào cũng như lúc nào, không bao giờ có thái độ “con người kẻ cả”. Lời nói luôn luôn êm đềm. Nét mặt luôn luôn vui vẻ. Trong chỗ tri giao, lớn cũng như nhỏ, phú cũng như bần…, chưa hề nghe có lời phiền trách.
Tiên sinh rành đủ bốn thứ cầm, kỳ, thi, tửu. Nhưng thi và tửu mới thật là sở trường. Tiên sinh thường ngâm; 
Rượu có mùi hương nên uống mãi,
Thi là thuốc bổ cứ ngâm chơi.
Và trong bài tự thuật năm 80 tuổi, có câu:
Già hẳn kém duyên chưa kém nợ,
Nợ thi nợ tửu vướng nhiều nơi.
Sự thật quả là thế. Song không phải như Tản Đà “say túy lý bất lo mà bất kể”, tiên sinh chỉ uống vừa phải, chỉ “cạn bầu Ngũ Liễu nhấm say say” mà thôi. Tiên sinh uống rượu để mua vui, để lấy thú, chớ không phải để quên đời, để tiêu vạn cổ sầu như những nhà yểm thế.
Còn đối với thơ, tuy tiên sinh không rời, nhưng không coi “thơ là lẽ sống”, không dùng thơ để giải thoát tâm hồn. Mặc dù cho thơ là “thuốc bổ”, tiên sinh vẫn “ngâm chơi”, chớ không băn khoăn, không quằn quại, không “nhất ngâm song lệ lưu”. Tiên sinh làm thơ vì nợ, nhưng là nợ mắc cùng bạn bè, chớ không phải món “nợ dâu của con tằm” như Tản Đà:
Dâu xanh rút trả sợi tơ vàng,
Thân thế con tằm những vấn vương.
Tớ nghĩ thân tằm như tớ nhỉ,
Tơ tằm đòi đoạn mối tơ vương.
Nghĩa là tiên sinh dùng thơ cũng như rượu, cờ, đàn, hát, làm món tiêu khiển cho cuộc đời phong lưu của con người tài tử.
Cho nên thơ của tiên sinh, phần nhiều là thơ thù tạc vãng lai, tâm tư nhẹ hơn từ điệu.
Nhưng phong cách riêng biệt, tự tạo nên cơ trử của một nhà.
Lời thơ như lời nói chuyện, bình dị, tự nhiên: 
Miệng mời tay rót ly hoàng cúc,
Kẻ đọc người nghe sấm Bạch Vân.
(Ngẫu tác)
Hỏi bao nhiêu tết từng qua lại?
Thưa bốn nghìn năm có lẽ thừa.
(Thơ Tết)
Cơm nấu không sôi ngu có kẻ,
Nồi rang khi bể tội vì ai?
(Đưa Ông Táo)
Đường bộ đá mềm đi thẳng đó,
Cây da bến cũ lại ngồi đây.
(Đi chơi Mai Lãnh)
Sao mình cứ vác chòm râu bạc
Theo họ mà chen đám bụi hồng.
(Xem Hội chợ)
Mới đây thêm đặng một người thương,
Quê ở Cầm Sơn bạn giáo phường.
Trọ trẹ biết ca bài cổ bản,
Thanh thao khéo trổ giọng quỳnh tương.
Sông Lam trăng gió từng quen nẻo,
Đảnh Giáp mây mưa chửa thạo đường.
Nghe nói em Năm nhà cũng vậy,
Cũng làng quốc sắc với thiên hương.
(Lời khen cô đào Tứ)
Xa ngại nhau chi mấy dặm trường,
Gió mưa thêm chạnh tiết trùng dương.
Hoa lau trỗ bạc đầu phơi tuyết,
Đóa cúc phai vàng mặt giãi sương.
Trăm giận nghìn thương câu cảm tác,
Một say mười tỉnh chén tha hương.
Non Hồng thử dạo lên cho đến
Bẻ nhánh thù du giữ lấy hương.
(Tiết Trùng Dương năm Đinh Mão ở Hà Tịnh)
Phần nhiều thơ trong hai tập “Tình Thúc Giạ” và “Đời Thúc Giạ” đều nhẹ nhàng, trôi chảy như thế cả. Có người đã nói bỡn rằng: - Đó là giọng các Mệ.
Cũng có bài giọng thiết tha, tình não nuột. Như:
ĐI CHƠI THUYỀN
Đêm thu quạnh vắng giữa dòng khơi,
Ai hát ai nghe chạnh những lời:
“Để nhện giăng mùng thân thiếp chịu,
Bỏ đam vô thỏng tiếng chàng ơi!
Không cho gáo nước giùm công với,
Toan bẻ nhành hoa kiếm chuyện chơi!”
Lượng sóng luồng theo câu mái đẩy,
Mấy phen tan hiệp nỗi đầy vơi. 
Bài này cụ làm lúc năm mươi tuổi, nhân đi chơi thuyền với bạn trên sông Hương, nghe mấy câu hát mái đẩy của một ca nhi, bèn sắp lại thành thơ. 
Câu “Để nhện giăng mùng…” do câu:
Đi câu để nhện giăng mùng,
Năm canh thiếp chịu lạnh lùng cả năm.
Câu “Bỏ đam vô thỏng…” do câu:
Buổi mai lòng không dạ đói,
Em xách cái oi, em xuống dưới ao,
Bắt con đam, đem về bỏ vô thỏng,
Hắn kêu cái rỏng,
Hắn kêu cái rảnh,
Hắn kêu một tiếng: Chàng ơi!
Chàng đà an phận thời thôi,
Để em chích lứa lỡ đôi sao đành! 
Còn hai câu “Không cho gáo nước… Toan bẻ nhành hoa…” thời do câu:
Không cho gáo nước cho đỡ thương,
Đến bây chừ, chừ, cây xanh lá tốt, lại lập lường bẻ bông!
Tuy ý mượn ở ca dao, nhưng tình vốn đã đeo sẵn trong lòng của tác giả, cho nên dù trong nhất thời hứng hội, lời thơ vẫn chan chứa buồn thương. 
Sau mấy hôm tiên sinh lại dong thuyền lên chơi ngả Thiên Mụ, gặp một người đàn bà có phong thái, tuổi chừng bốn mươi, ngồi trong một chiếc thuyền con đàn một mình, bèn mượn cảnh Tầm Dương Tỳ Bà, theo vận bài trước, làm thêm bài thứ hai: 
Thuyền ai ríu rít ở ngoài khơi,
Chậm mái cho tôi ngỏ ít lời:
“Lạc lối Tầm Dương nên nỗi thế!
Đau lòng Tư Mã lắm ai ơi!
Gõ sanh hát lại vài câu thử,
Mở miệng cười qua một tiếng chơi.
Dâu bể cuộc đời thôi chớ tủi,
Khi đầy sao cũng có khi vơi”. 
Đó là khuyên người mà cũng vừa tự nhủ mình.
Nói thế không khỏi có bạn nghi hỏi:
- Cụ vốn con người trong nơi quyền quí, ơn vua lộc nước dồi dào. Con đường công danh luôn luôn bước tới, thì làm gì có tâm sự của quan Tư Mã đất Giang Châu?
Nghi ngờ như thế cũng phải. Nhưng tâm hồn của thi nhân đâu có giản dị. Nhiều khi ngó qua thì thiển lộ, nhưng nhìn kỹ thì ẩn áo, u thâm… 
Cuộc đời của tiên sinh thật quả phong lưu đài các, song tiên sinh vẫn che dấu một mối đau buồn đối với vận mệnh quốc gia. Tiên sinh giữ rất kín, nhưng đôi khi vẫn phát lộ nơi văn chương, hoặc kín đáo như bài “Tầm Dương Tỳ Bà” trên đây, như câu trích trong bài “Đưa ông Táo” trên kia, hoặc nửa mở nửa úp như bài “Mừng cháu đậu luật khoa cử nhân”:
Bác cử nhân Tàu cháu cử Tây,
Bút nghiên hai chữ học hai thầy.
Cũng vì việc võ xưa hờ hững
Nên nỗi nghề văn mới đổi thay
Con hát mẹ khen ừ cũng phải
Tre tàn măng mọc mãi càng hay
Gài đai đội mão ra sân khấu
Ngoảnh lại năm châu vận hội này. 
Có khi nỗi buồn trước cảnh đổi thay của giang san không nén nổi mà phải dạt dào trên nét chữ hàng thơ:
Mấy ai qua lại bãi sa trường
Mà chẳng bâng khuâng lối tịch dương
Tinh vệ lấp hờn đâu nõ thấy
Dã tràng xe cát mãi càng thương
Mây giăng lố nhố hình thương cẩu
Sóng vỗ lao xao tiếng đoạn trường
Trấn Hải đài xưa nay ngó lại
Tấm bia hòn đá vẻ tang thương. 
Đó là nỗi lòng của tiên sinh khi đứng trên bãi biển Thuận An, gần đài Trấn Hải, một buổi chiều năm Canh Thìn (1940), lúc tiên sinh làm Viện trưởng Dân biểu Trung kỳ. Bài thơ có ngụ ý về thời cuộc. Câu kết chứa chan niềm buồn thương tưởng tiếc cho cơ nghiệp của nhà Nguyễn nói riêng, cho Tổ quốc nói chung. 
Có nhiều bài ẩn chứa niềm u hận lẫn mỉa mai, như bài: 
CẢNH MỚI NHÀ THƯƠNG BẠC 
Thuở thầy Đại Pháp mới sang chơi
Thương Bạc là đây chỗ rước mời
Võng bác Thượng thư ra trước bến
Thuyền ông Nguyên soái đậu ngoài khơi.
Giảng hòa mực ký xong hai chữ
Bảo hộ cờ treo đã sáu đời!
Nhớ lại tích xưa vì cảnh mới
Vì hoa khoe thắm liễu khoe tươi. 
Nhà Thương Bạc làm từ đời vua Tự Đức để tiếp sứ ngoại quốc đến thương thuyết. Năm Giáp Thân (1884) ông Patenôtre, đại diện nước Pháp cùng các ông Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Phan, đại diện triều đình Huế, ký hoà ước tại nơi này. Nhưng sau khi nước Pháp đặt xong nền đô hộ trên toàn cõi lảnh thổ Việt Nam thì việc thương thuyết phải đem vào trong viện Cơ Mật. Nhà Thương Bạc bỏ hoang, bìm giăng lau mọc. Mãi đến năm 1936, chánh Phủ Pháp mới triệt hạ nhà cũ, cất lại một ngôi nhà thông phong kiểu mới, đắp bồn hoa, trồng cây kiểng chung quanh, sửa soạn thành một cảnh vườn thượng uyển chốn Thần Kinh, trên bờ sông Hương, trước thành Ngự. Gọi là vườn Thương Bạc, Tiên sinh cảm tác bài trên. 
Giọng văn ngó thản nhiên, nhưng ý thơ thật mỉa mai chua chát. Mỉa mai chua chát nhất là câu kết! Chửi đời quên cái nhục vong quốc, bằng lời thơ mềm như liễu dịu như hoa! Đó là những điểm sâu sắc, tế nhị trong thơ Thúc Giạ. Nhưng vì vẻ phong lưu của văn chương và cuộc đời của tác giả đã làm cho phần đông độc giả không nhận thấy được tâm sự thầm kính gởi gắm trong thơ. 
Thúc Giạ Tiên sinh là người có địa vị trong xã hội. Các tập thơ của tiên sinh cũng được phổ biến rộng rãi trong toàn quốc. Song thời Tuyền Chiến cũng như thời Hậu Chiến, các nhà soạn sách Thi Tuyển, các nhà phê bình Thi Ca, các nhà viết Văn Học, Sử…, ít nhà nhắc nhở đến Tiên Sinh, đến văn chương của Tiên Sinh. 
Tại sao vậy?
Nếu tôi không lầm thì Tiên Sinh dùng thơ làm món tiêu khiển trong nhất thời, chớ không dùng làm nơi gởi tâm sự vào thiên cổ. Vì nhắm mục đích gần, khi làm thơ Tiên sinh không cần chọn đề tài, không cần đi sâu vào cảnh vật vào nội tâm để tìm những nét độc đáo những niềm u ẩn, mà thường bằng lòng diễn tả những sự vật những tình ý phổ thông, miễn sao nghĩa nghe xuôi văn đối chỉnh đủ làm vui tai mắt bạn bằng là được. Do đó phần nhiều thơ của Tiên Sinh thiếu chất thơ thiếu sức truyền cảm, không đủ năng lực lôi cuốn lòng người và cầm giữ lòng người. Những bài giai tác như những bài thượng dẫn thuộc vào số ít. Chúng bị số đông những bài thù tạc vãng lai che khuất, khiến các nhà viết sách coi các tập Tình Thúc Giạ, đời Thúc Giạ là những tập vận văn chớ không phải là những thi phẩm, nên không đề cập đến.
Như vậy kể cũng có chỗ bất công và quá nghiêm khắc. 
Thúc Giạ Tiên sinh là một cây Gió cổ thụ có trầm hương. Trầm hương chỉ nằm một nơi nào đó trong thân cây, chớ đâu phải chạy khắp ngọn ngành lá rễ. Chúng ta nên cưa khúc nào có trầm mà lấy, còn bao nhiêu thì bỏ lại cho người làm nhan.
Thế là làng thơ đã khỏi mất những vần thơ hay, mà người làm thơ cũng được vui lòng nơi chín suối.
58.
Thơ của THÚC GIẠ tiên sinh tuy nhiều song không được truyền tụng bằng Ca của Tiên Sinh.
Ca của Tiên sinh đã in thành nhiều tập lấy tên là “Bán Buồn Mua Vui” xuất bản năm 1954 và gồm có:
- 30 bài ca Huế
- 40 bài ca Trù
- 36 câu Mái Nhì và Hò Khoan
- 6 đoạn nói lối và hát Nam. 
Về ca Huế phải rành điệu nghệ thì mới thưởng thức được cái hay cuả bài ca, riêng nói về mặt Văn chương thì “miễn sao vần cho thuận, câu cho xuôi, ý nghĩa cho rõ ràng, mạch lạc cho thông suốt, ấy là bản ca dễ ca, mà dễ lưu truyền vào nhạc phủ”, nghĩa là khi soạn bài ca, tác giả chú trọng đến điệu nhiều hơn văn.
Ví dụ bài Nam Bình “Nói chuyện với tri âm”
Ai là người tri âm như mình,
Vẹn tình sau trước, trọn chữ ba sinh,
Chung tình,
Xe sợi tơ mành,
Sợi tơ mành, khư khư, ai đem buộc cho mình
Say lời trăng gió,
Đá vàng đôi đàng khắn vó,
Đừng phụ tất thành.
Tính tình tình,
Tiếng đàn lỗi nhịp sao đành.
Nhớ khi trò truyện đêm thanh,
Lầu trăng xế, gió đưa lay mành.
Cũng vì lời chưa duyên,
Duyên nợ dường như nợ,
Nợ trời xây,
Trả trả vay vay,
Bạn mình đây,
Lứa đôi ai tày.
Ca lên thì nghe hay, mà đọc nghe ngường ngượng. Cho nên người đọc không rành điệu, không thích đọc.
Và mặc dù bài Ca Huế của Tiên sinh rất được phổ biến trong làng cầm ca, vẫn không được khách làng văn để ý. Đó cũng là lệ chung xưa nay, chớ không riêng gì Tiên sinh vậy. 
Còn về ca trù thì hễ được hoan nghênh ở giáo phường, thì thế nào cũng được tán thưởng ở văn học. Vì ca Trù chẳng những chú trọng về tiết điệu mà còn phải sửa soạn câu văn cho được óng chuốt, đẹp đẽ…, thì mới có giá trị. Thêm nữa điệu ca Trù, ca nghe hay đã đành, mà đọc nghe cũng thích. Bởi vậy những bài ca trù của Thúc Gia tiên sinh, cũng như những bài cổ nhân của các văn gia đương thời, phần nhiều điều có vang có bóng ở nơi văn đàn.
Ca trù của Tiên sinh tuy không sánh nổi những giai tác của Nguyễn Công Trứ, Cáo Bá Quát… Tản Đà…, nhưng điều là những án văn chương có giá trị. Xin trích dẫn một bài tiêu biểu: 
MÃI NHÀN 
Thiên địa Trang Sinh mã
Giang hồ Phạm Lãi châu.
Dẫu đong đầy muôn hộc minh châu, mua lấy một chữ nhàn âu cũng khó.
Cái nợ đa tình mang sẵn đó,
Của kho vô tận biết làm sao!?
Gặp gió trăng bỡ ngỡ miệng chào,
Trông thấy vẻ thanh cao mà những thẹn.
Men danh lợi cũng khùng khằng đôi chén,
Cũng cho khuây cái hẹn phù sinh.
Hỏi ai ai cũng như mình. 
Được tất cả mọi tầng lớp nhân dân, từ cô chèo đò cho đến những người nơi lầu cao nhà thẳm, ưa thích là những bài “Mái Nhì” của Tiên sinh. Không một ai không biết, ít nhất cũng đã nghe qua một lần, như bài “Trước Phú Văn Lâu”: 
Chiều chiều trước Phú Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ái nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông?
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non! 
Bài này trở thành phổ thông như một bài ca dao, đến nỗi có nhiều, bạn lầm tưởng là một bài hát cổ. Nếu tập “Bán Buồn Mua Vui” không ra đời, thì chắc có bạn không thể tin được rằng là tác phẩm của Tiên sinh, vì văn chương của người còn sống, dù hay đến đâu cũng không được nhiều người thuộc, nhiều người ưa, Bắc cũng như Nam, cũ cũng như mới, đến thế. 
Tuy không được truyền bá sâu rộng bằng câu trên, các câu sau đây suốt mấy mươi năm nay, luôn luôn vang vọng trên dòng Sông Hương những đêm trăng trong gió mát: 
I.
Nước đầu cầu, khúc sâu khúc cạn,
Chèo qua Ngọc Trảng đến vạn Kim Long;
Sương sa gió thổi lạnh lùng,
Sóng xao trăng lặn gây lòng nhớ thương .                                              
II.
Bến chợ Đông Ba, tiếng gà gáy sáng,
Bến làng Thọ Lộc, tiếng trống sang canh;
Giữa sông Hương lượn sóng khuynh thành,
Đêm khua một chiếc thuyền tình ngửa nghiêng. 
III.
Tiếng hát Ngư ông, giữa sông Bành Lệ,
Tiếng kêu hàn nhạn, giữa áng Hoành Dương;
Một mình em đứng giữa  sông Hương,
Tiếng ca du nữ đoạn trường ai nghe?
IV.
Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược,
Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang.
Thuyền em xuống bến Thuận An,
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn, anh ôi! 
V.
Ướt áo xanh, lệ tình Tư Mã!
Khách thiên nhai vẫn lạ mà quen.
Nước non ai kẻ bạn hiền,
Biết ai ly phụ giữa miền sông Hương! vân vân… 
Những khách xa nhà, ra đứng bờ sông Hương, đêm nghe hát những câu mái nhì trên đây, thì dù không phải Giang châu Tư Mã, lệ tình vẫn không dễ gì ngăn. 
Những bài trích dẫn trên đây thuộc về loại hát huê tình. Có những câu tình ý rộng rãi hơn, mà văn chương cũng rất du dương uyển chuyển, như: 
I.
Một vũng nước trong,
Mười dòng nước đục,
Một trăm người tục,
Một chục người thanh.
Biết đâu gan ruột gởi mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên Quân.                                   
II.
Núi Đâu Mâu cao bao nhiêu trượng,
Sông Linh thủy sâu bấy nhiêu tầm.
Dừng thuyền đợi khách tri âm,
Lệ Sơn với giải Minh cầm không xa. 
III.
Cánh chuồn chuồn nhởn nhơ trên mặt nước,
Tiếng ve ve vang dậy cả phương trời.
Con còng còng dại lắm ai ơi,
Cong lưng xe cát, sóng dồi lại tan! 
Xét sự nghiệp văn chương của Thúc Giạ tiên sinh còn để lại, tôi nhận thấy những bài hát Mái Nhì của tiên sinh xuất sắc hơn những bài ca trù và thơ Đường Luật. Hai tập Tình Thúc Giạ và đời Thúc Gia, cũng như quá nửa tập Bán Buồn Mua Vui, không có sức hấp dẫn bằng những bài hò “Mái Nhì”. Đem ra giữa chợ văn chương muôn hồng, nghìn tía, những bài hò Mái Nhì của Tiên Sinh, như bài “chiều chiều trước Phú Văn Lâu..”, bài “Một vũng nước trong…” vẫn trường tồn, vĩnh cửu.
59. 
PHAN KHÔI là một nhà Nho tiến bộ, là một nhà văn nổi tiếng trong phái cựu học.
Văn phẩm của ông đã được đăng tải trên các báo chí như Lục Tỉnh Tân Văn, Đồng Tháp Thời Báo, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập, xuất bản ở Sài Gòn, Nam Phong, Thực Nghiệp Dân Giáo, Phụ Nữ Thời Đàm, xuất bản ở Hà Nội, và Tràng An, sông Hương xuất bản ở Huế, thời Pháp thuộc.
Ông là người có văn tài mà lại có khí tiết. Cho nên người đương thời đối với ông rất là trọng vọng. Khi đất nước chia đôi ông ở miền Bắc gây nên phong trào Nhân Văn làm cho Chánh Quyền phải một phen nao núng.
Nay tuy ông đã ra người thiên cổ, nhưng đám trí thức trong nước vẫn thường nhắc nhở đến tên ông 
PHAN KHÔI là một nhà văn. Nhưng rất sành thi pháp và thỉnh thoảng cũng có làm thơ. Ông rất ít làm thơ. Nhưng một khi  cao hứng thì những thi làm ra đều đặc sắc. Như bài “Viếng Mộ Lê Chất” sau đây là một:
Bình Tây trấn Bắc sử nghìn thu,
Áy cỏ mờ rêu đất một u!
Ấy dũng ấy trung là thế thế!
Mà ân mà nghĩa ở mô mô?
Chim gào hờn sót xuân ầm ỹ,
Hùm thét oai lưu gió vụt vù.
Cái chuyện anh hùng ai giở đến,
Hồ Tây còn vẳng tiếng chuông bu. 
Để có thể nhận thức được hết ý nghĩa của bài thơ, tưởng cũng nên kể sơ qua thân thế của Lê Chất. 
LÊ CHẤT là một công thần của nhà Nguyễn. Sau khi nhà Nguyễn cầm quyền trong toàn cõi Việt Nam, thì Lê Chất được cử làm trấn thủ Bắc Hà. Sau vua Minh Mạng nghe lời dèm pha của bọn gian thần, kết án “bất trung bất chính, đại ác đại gian…” và xử lăng trì. Song lúc kết án thì Lê Chất đã chết rồi. Triều thần đình nghị nên “bổ áo quan lục thây, khiêu thủ để thị giới”. Vua Minh Mạng giảm việc quật mả, giết thây mà chỉ san bằng mộ và khắc bia dựng lên trên với những hàng chữ lớn “chỗ này là nơi Lê Chất phục pháp!”  
Chỗ ấy gần vườn Bách Thú Hà Nội. Người đời sau thương tình dắp một nấm nhỏ, lâu ngày đã “áy cỏ mờ rêu” 
Bài này có gọng cảm khái, bất bình. Ý tứ dồi dào chặt chẽ. Lời văn lại cứng cáp mạnh mẽ. Thật là một bài thơ hay trong những bài thơ hay còn truyền tụng.
Cặp luận vừa tả được cảnh tượng trước mắt, vừa nói lên được cái khí tượng của người dưới mồ. Câu này trước kia được nhiều người ca tụng. Có nhiều lời ca tụng thái quá khiến tác giả phải lên tiếng rằng “Chỉ tả cảnh trước mắt (gần mộ có chuồng cọp trên cây có nhiều chim) chớ không có ngụ ý gì khác”. Đó là vì “bị ca tụng quá mức”, tức mình phủ nhận “cho vui” vậy thôi. Chớ sự thật thì nhà thơ có bao giờ tả cảnh vì cảnh.
Thơ Lục Bát và song thất lục bát của ông rất hay. Nhưng đương thời có nhiều sách hay hành thế, nên thơ ông ít được nhiều người lưu tâm.
Mùa thu năm 1927, vào Cà Mau chơi. Một hôm nhân bơi thuyền du ngoạn trên thuyền Tân Trào, ông làm một bài song thất lục bát tả cảnh ghê rợn trên rạch và tỏ chút tâm sự của mình lúc bấy giờ. Bài ấy dài. Đây là đoạn kết: 
Tâm ưu bước đã quá xa,
Cảnh khuya, sương nặng liệu mà về đi.    
Xoàng hơi cúc khì khì cười mãi,
Tóc phất phơ dưới trải bóng trăng.
Giữa dòng chiếc lá thung thăng,
Lần dò lối cũ bâng khuâng chạnh niềm:
Gẫm thân thế ba chìm bảy nổi,
Lại phen này lạc lối tới đây.
Một đêm cảnh vật đổi thay,
Rồi ra sao nữa sau này trăm năm!
Ngâm mấy vận tạm làm du ký,
Chép gởi người tri kỷ đường xa.
Người như rõ biết ý ta,
Thì nâng chén rượu mà ca khúc này. 
Lời văn tao nhã phong lưu. Ý thơ buồn man mác dễ khiến người đọc bị buồn lây.
Tuy là một nhà “thơ cũ”, nhưng ông không chịu nổi những qui luật khắc khe của luật thơ Đường. Ông muốn phá bỏ tất cả những gì ràng buộc để cho nguồn hứng tự do lưu hành. Do đó ông đứng ra khởi xướng việc đập vỡ khuôn khổ thơ cũ và gây nên phong trào “Thơ Mới” 
Bài TÌNH GIÀ sau đây là một trong những bài Thơ Mới đầu tiên của ông:
Hai mươi bốn năm xưa,
Một đêm vừa gió lại vừa mưa,
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ,
Hai cái đầu xanh kề nhau than thở:
- Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng
Mà lấy nhau hẳn là không đặng,
Để đến nỗi tình trước phụ sau,
Chi bằng sớm liệu mà buông nhau.
- Hay! mới bạc làm sao chớ!
Buông nhau sao cho nỡ?
Thương được chừng nào hay chừng nấy,
Chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy.
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng,
Mà tính cuộc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau,
Tình cờ đất khách gặp nhau.
Nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.
Ôn chuyện cũ mà thôi.
Liếc đưa nhau đi rồi,
Con mắt còn có đuôi.
Vì là một bài “tiên phong” nên được nhiều người đọc, nhiều người thuộc nhờ giá trị văn chương không cao lắm. Tuy thế chúng ta vẫn tìm thấy trong bài, một thứ âm điệu mới lạ, không có trong thơ cũ, cũng không có trong các loại thơ mới thời tiền chiến và hiện kim. Chúng ta nghe nó “quê quê, thật thật” lắm lúc lại nhí nhảnh, có lúc lại ngập ngừng như e như thẹn… thật là “độc đáo” vậy. Với giọng điệu này, trong làng thơ Việt Nam không có bài thứ hai. 
Ở đời cái gì ít cũng quí. Bởi vậy trong làng thơ đã trải nhiều dâu bể, mà bài “Tình Già” vẫn không chìm mất theo thời gian. 
Nói tóm lại là Thơ của Phan Khôi, cũ cũng như mới, đều mang một sắc thái riêng biệt. Nhưng vì sự nghiệp bên tản văn của ông làm lu mờ sự nghiệp thi ca, nên từ trước đến nay ít ai để ý thi tài của ông vậy.
Nay xin có mấy lời để tưởng niệm một bậc tiền bối rất có công trong công việc xây dựng nền văn học nước nhà, mà nắm xương còn gởi ngoài đất khách.

14/4/1971
Quách Tấn
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...