Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Hương vườn cũ 8

Hương vườn cũ 8

40.

Bên cạnh thơ Châm Phúng và Trào Phúng, còn có thơ Hài Hước.

Thơ HÀI HƯỚC chỉ chuyên về trêu cợt bông đùa để mua vui, chớ không ngậm ý mỉa mai châm chích.
Như bài BỠN BÀ LANG KHÓC CHỒNG của Hồ Xuân Hương:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì?
Thương chồng nên nổi khóc hi hi…
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo,
Cay đắng chàng ơi vị quế chi!
Thạch nhũ trần bì sao để lại,
Qui thân liên nhục tẩm đem đi!
Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ?
Sanh ký chàng ơi tử tắc quy.
Trong bài có trộn nhiều vị thuốc Bắc nhưng chất thơ vẫn ngọt ngào dễ ưa. Bà lang đương buồn, nghe thơ cũng phải lau nước mắt mỉm cười.
Cùng một tánh chất với bài Bỡn Bà Lang, có bài  GIỄU CÔ ME TÂY LẬP ĐIỆN THỜ của Hiếu Khanh Phạm Ứng Thuần ở Nam Định:
Rứt cái mề đay ném xuống sông
Thôi thôi moa cũng mét xì ông! [1]
Âu đành chùa đó âu đành bụt,
Cũng chẳng con chi cũng chẳng chồng.
Chớ thấy câu kinh mà mặc kệ…
Nào ngờ chữ sắc hóa ra không!
Tôi đây cũng muốn như cô vậy,
Trót nợ trần hoàn gỡ chửa xong. 
Cô me tây đây là tình nhân của một quan công sứ, vì có góp phần vào việc chẩn tế nạn lụt năm Bính Ngọ (1906), nên được ân hưởng Kim Tiền. Khi quan công sứ về Pháp, cô buồn xin lập điện trong chùa Phù Long, sớm khuya hầu thánh.
Vì điện tuy lập ở trong chùa Phật, nhưng lại thờ Thánh Mẫu, nên tác giả mới có câu “chớ thấy câu kinh mà mặc kệ”.
Giọng văn có vẻ dí dỏm, song chỉ có tính cách đùa cợt chớ không ngậm ý chế nhạo. Cô Tây có gặp tác giả chắc chỉ nguýt và mắng yêu theo kiểu các Mệ:
- Con quỷ! Đã buồn thúi ruột mà còn trêu!
Hai bài thơ trên ngó thì dễ, nhưng làm nên không phải dễ. Phải có tấm lòng khoáng đạt, phải có ngòi bút lưu lợi và khiếu khôi hài, mới mong có được những bài như thế. 
Ở Bình Định có cụ tú NGUYỄN KHUÊ tánh tình hiền hậu mà tài hài hước, tài phúng thích, không mấy người theo bén chân. Cụ vốn là người trong phong trào Cần Vương chống Pháp còn sống sót. Viên tri huyện Bình Khê (Bình Định) đòi cụ lên trình diện, nghe nói cụ giỏi thơ, muốn trắc nghiệm bèn bảo cụ thích thực CỤC CỨT SẮT. Biết rằng viên tri huyện chê mình là đồ dư dụng và vô dụng, cụ bèn đá lại ngay:
Ủi lầm sợ nỗi heo trầy mũi
Cạp lỡ e khi chó gãy răng.
Nhưng đó thuộc về thơ châm phúng, bởi giáo đâm qua gươm phải chém lại, ăn miếng trả miếng mới vừa lòng nhau.
Nhiều khi người ta ra cho cụ nhiều đầu đề rất oái ăm hoặc tục tĩu. Nhận thấy người ra đề không có ác ý mà chỉ có mục đích bông đùa, thì cụ đáp lại bằng những lời cười cợt có thú và có duyên, nhưng không kém phần hóm hỉnh. Như một hôm cùng bạn ngồi uống trà nơi tây hiên, một người đàn bà hàng xóm vô ý ngồi tiểu nơi góc rào bên cạnh. Một ông bạn, thách cụ làm thi tức cảnh. Cụ đọc:
Quanh quất trông chừng thấy chúng xa
Hai tay khẽ trụt nửa quần là…
Gành ngao thấp thoáng rêu mờ đá,
Bãi hạc lao xao nước trổ hoa.
Kiến tưởng mưa dông tha trứng chạy,
Cóc ngờ lụt ói cõng con ra…
Cũng vì méo mó nên che đậy,
Sớm giữ hôm gìn của mẹ cha. 
Lại một lần các bạn lại ra cho cụ đầu đề “… LỚN TÀY MO” hạn vận “To so mo đò bò”. Đề bài đã khó xoay sở cho ra ý lại còn thêm những vận chỉ chực bóp chết tứ thơ! Ai nấy đều tưởng chắc cụ gác bút đầu hàng. Không ngờ chưa cháy hết cây nhang, cụ đã thôi xao đủ năm vận:
Tày cái bàn tay cũng đã to
Cái này cha chả lớn tày mo!
Xấp ba lá chóc không bì kịp,
Vạch một bồ đài mới xứng so.
Tắm giếng hãi hồn con gánh nước,
Lội sông mất vía lão chèo đò!
Gái mà như thế ai thèm ngó?
Lỏm lẻm dòm chơi họa có bò. 
Đề thì tục mà bài làm không một câu tục, không một chữ tục! Văn lại sát đề và thoát sáo. Người khó tánh đến đâu cũng phải công nhận là xảo tứ tinh công.
Hai bài thơ của họ Phạm họ Hồ ngậm ý trêu cợt. Hai bài của cụ tú Khuê hoàn toàn bông đùa, đọc nghe vui chớ không làm cho ai phải nhột nhạt.
Cụ Nguyễn Khuyến cũng có một bài đùa mà không cợt như thế. Đó là bài SUÔNG TÌNH[2]
Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa!
Ao sâu nước cả khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rún mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.
Khi cao hứng ngâm mấy vần trên đây, không biết cụ Tam Nguyên có thoáng nghĩ đến những câu ca dao:
Ao to ta thả cá chơi,
Hồ rộng nuôi vịt, vườn khơi nuôi gà.
Quanh năm khách khứa trong nhà,
Ao vườn sẵn đó lọ là tìm đâu.
Ca dao của ta rất phong phú. Nếu ra công sưu tầm và san định thì bộ ca dao Việt Nam chắc không nhượng bộ Kinh Thi của Trung Quốc. Ca dao của ta cũng như Kinh Thi của Tàu gồm đủ lối đủ thể. Riêng nói về loại phúng thích và hài hước, ca dao cũng là một kho tàng có nhiều vàng châu.
Phúng thích như:
+ Giương cung rắp bắn phượng hoàng
Chẳng may lại gặp một đàn chim di
Lấy sào mà đuổi nó đi
Nó kêu ríu rít kẻo thì điếc tai.
+ Canh khuya giấc điệp mơ màng
Thấy hòn gạch thắm ngỡ vàng nâng niu.
+ Cha đời con gái xứ Đông
Ăn trộm tiền chồng mua khố cho trai.
Cha đời con gái xứ Đoài
Yêu chồng thì ít yêu trai thì nhiều.
+ Trèo lên trên núi mà coi
Coi đàn Ngô khách mọc đuôi trên đầu. [3]
Em ơi, anh dạy em học tiếng Tàu:
Tỉu nhà ma nị sao lại đâm đầu lấy Ngô.
+ Tham giàu em lấy thằng bé tỉ ti
Làng trên trại dưới thiếu gì trai tơ.
Em đem thân cho thằng bé nó dày vò,
Mùa đông tháng giá nó nằm co trong lòng.
Cũng mang là gái có chồng,
Chín đêm trực tiết nằm không cả mười.
Nói ra sợ chị em cười,
Má hồng bỏ quá thiệt đời xuân xanh.
Em cũng liều mình về thằng bé trẻ ranh,
Đêm nằm rờ mó quẩn quanh cho đỡ buồn
Buồn tình em lại bế thằng bé nó lên,
Nó còn bé mọn đã nên cơm cháo gì!
Nó ngủ nó ngáy khì khì
Một giấc đến sáng còn gì là xuân!
Chị em ôi! hoa nở mấy lần?! [4]
+ Hỡi thằng cu lớn! Hỡi thằng cu bé!
Cu tí, cu tị, cu tỉ, cu tì ơi!
Con hãy dậy, con ăn con ở với bà,
Để mẹ đi kiếm một và con thêm.
Bố con chết đi, bụng mẹ nó hãy còn thèm,
Mẹ xem quẻ bói, còn một đàn em trong bụng này.
Con ra gọi chú nó vào đây,
Để mẹ giao trả cái cơ nghiệp này, mẹ bước đi. vân vân…
Lối phúng thích - châm phúng cũng như trào phúng trong ca dao, thường không sâu cay độc địa, mà chỉ tinh nghịch hóm hỉnh, và tất cả đều mang tánh chất chung là tánh chất phổ thông. Cho nên đọc có nhiều hứng thú, và người dù có thấy diện mục mình ở trong thơ thì cũng chỉ nhột chớ không xốn.
Lối hài hước trong ca dao cũng rất duyên dáng:
+ Giữa trời đốt một đống rơm.
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào.
Khói bay lên thấu Thiên Tào,
Ngọc Hoàng phán hỏi: - Đứa nào đốt rơm?
+ Bà già đi chợ Cầu Đông
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng.
Ông thầy xem quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn.
+ Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai?
Có đánh thì đánh ban mai
Đừng đánh chập tối chẳng ai cho nằm.
+ Gái chính chuyên lấy được chín chồng,
Vò viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi.
Giữa đường quang đứt lọ rơi,
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.
Thật là dí dỏm. Nhưng không phải luôn luôn ngọt ngào như thế. Nhiều khi cũng có gia vị chút ít ớt tỏi, chút ít hành tiêu:
+ Gái chín chuyên lấy được chín chồng,
Ba chồng thành Lạng ba chồng thành Cao,
Ba chồng để ngọn sông Đào,
Trở về đỏng đảnh làm cao chưa chồng.
+ Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Cô về sư ốm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu. vân vân…
Ca dao trước đây ông NGUYỄN VĂN NGỌC đã ra công sưu tập được trên dưới nghìn bài. Phần nhiều là ca dao miền Bắc. Miền Trung và miền Nam chưa thấy có người noi gương ông Ngọc, để bảo tồn nền văn học bình dân “Đàng Trong” và để góp phần vào bộ Ca Dao “Đàng Ngoài” của ông Ngọc, thành bộ Ca Dao Việt Nam.
Như trên đã nói, Ca Dao Việt Nam rất phong phú, phong phú về số lượng, về hình thức và về nội dung. Một ít câu về lối phúng thích và hài hước trích dẫn trên đây cũng đủ làm đôi làn hương báo cho khách du phương biết rằng có rừng hoa ngâu ở bên cạnh.
Về lối Hài Hước trong ca dao cũng như trong thơ, tuy chỉ nhằm mục đích vui cười đùa cợt, chớ không ngụ ý dạy dỗ khuyên răn như lối phúng thích.
Song không phải hoàn toàn cười cợt, không phải tất cả đều chỉ có công dụng vui đùa. Nhiều khi vui đùa mà khuyên răn, cười cợt mà sửa chữa. Có ích lợi hay chăng là ở chỗ biết dùng hay không biết.
Và làm được văn thơ khôi hài hay châm biếm, không phải nhà thơ nào cũng làm được, không phải nhà thơ nào làm được cũng đều làm được bài hay. Phải có trí thông minh, phải có tài hoạt bát… Bởi vậy từ xưa đến nay đâu có nhiều Hồ Xuân Hương, đâu có nhiều Nguyễn Khuyến, đâu có nhiều Nguyễn Văn Lạc, Trần Kế Xương…
Chú thích:
[1] Bài này nhiều sách chép là của Trần Tế Xương. Phạm Ứng Thuần cùng làng với ông Tú (làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) nhưng thuộc lớp hậu bối (Tú Xương sanh năm 1870, ông Phạm sanh năm 1885).
[2] Có sách chép là “Bạn đến chơi nhà”.
[3] Nước Trung Hoa bị người Mãn Thanh đô hộ. Vua quan Mãn Thanh buộc người Trung Hoa phải cạo tóc vóc bím theo phong tục Mãn Thanh. Cái bím tóc ấy người Việt Nam gọi là Đuôi Chệt.
[4] Ở Bắc Việt nhiều nơi thôn quê có tục lấy vợ sớm cho con. Để giúp đỡ việc nhà thường cưới những cô gái lớn tuổi.
41.

Trong thời kỳ phong trào Thơ Mới đương lên (1932-1941) NGUYỄN VỸ có cho ra đời một bài thơ, mỗi câu chỉ có hai chữ, tục gọi là “Thơ Hai Chân”, nhan đề là SƯƠNG RƠI:

 

Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu…
Nhưng hơi
Gió bấc
Lạnh lùng
Hiu hắt
Thấm vào,
Em ơi!
Trong lòng
Hạt sương
Thành một
Vết thương!

 
 
Rồi hạt
Sương trong
Tan tác
Trong lòng
Tả tơi.
Em ơi!
Từng giọt
Thảnh thót,
Từng giọt
Điêu tàn
Trên nấm
Mồ hoang!

 
 
 
 
Rơi sương
Cành dương
Liễu ngã
Gió mưa
Tơi tả
Từng giọt
Thảnh thót,
Từng giọt
Tơi bời
Mưa rơi,
Gió rơi,
Lá rơi,
Em ơi!

Nhiều người cho rằng Nguyễn Vỹ lập dị, sáng chế ra lối thơ mười hai chân như thơ Alexandrin của Pháp chưa đủ kỳ, lại còn thêm lối thơ hai chân nữa.
Nhưng theo tôi không có gì là lập dị cả. Bởi vì “lập dị” là làm việc gì lạ lùng để cho khác với thiên hạ, chớ thơ mười hai chân rất thạnh hành ở Pháp. Còn thơ hai chân thì Pháp cũng có, Việt Nam cũng có.
Ở Pháp như bài của Victor Hugo:
On doute
La nuit:
J’ écoute
Tout fuit,
Tout passe;
L’ espace
Efface
Le bruit.
Khóc cái chết của một cô gái xuân, thi sĩ Jules de Rességuier lại làm cả thơ một chân: 
Fort
Belle
Elle
Dort…
Sort
Frêle
Quelle
Mort!
Và cùng một lúc với bài Sương Rơi của Nguyễn Vỹ, ở Nha Trang cũng sản xuất một bài thơ Nhị âm, tức hai chân, nhan đề là LÁ HỒNG:

Gió thu
Vi vu
Thổi rụng
Lá hồng
Trên dòng
Sông rộng

 
 
Lá hồng
Mãi trôi
Theo cùng
Dòng sông
Mênh mông
Về nơi
Xa xôi,

 
 
Gieo trong
Cõi lòng
Nữ lang
Mơ màng
Bên sông
Nỗi buồn
Miên man…

Bài này của nhà thơ trẻ tuổi quê quán Khánh Hòa tên là PHẠM ĐÌNH NGUYÊN, cũng học trò trường trung học Quy Nhơn, sau Nguyễn Vỹ hai lớp. Họ Phạm mất năm 1940, tuổi mới chừng 27, 28!
Bài thơ của họ Phạm chỉ truyền miệng trong các bạn thân, chớ không đăng báo, nên không có tiếng vang như bài của họ Nguyễn. Thời bấy giờ, ở Nha Trang có nhiều người cho rằng họ Phạm đã bắt chước họ Nguyễn. Sự thật thì không ai bắt chước ai cả. Tôi là một nhân chứng. Nguyễn Vỹ là bạn học trên tôi một lớp, Phạm Đình Nguyên học dưới tôi một lớp. Nguyễn Vỹ lúc bấy giờ ở Hà Nội. Tôi ở Nha Trang thường qua lại cùng Phạm Đình Nguyên. Khi bài Sương Rơi xuất hiện trên tuần báo Đông Tây ở Hà Nội (1937) thì ở Nha Trang, bài Lá Hồng đã được phổ biến trong hàng bạn thân rồi.
Có người lại khen họ Nguyễn và họ Phạm đã sáng chế ra một thể thơ mới.
Sáng chế là chưa có mà làm cho có trước tiên, chớ thơ hai chân, ở Pháp có rồi, ở Việt Nam cũng đã có từ nghìn xưa kia mà. Ở nhà quê, các em thường làm mèo, lấy hai ngón tay trỏ kéo chằn hai khóe miệng cho rộng ra và lấy hai ngón tay cái vạch mí con mắt phía dưới cho rộng ra, rồi kêu ngao ngao. Để cho cuộc chơi thêm linh động và thích thú, một em đứng trong rào làm mèo cái, một em đứng ngoài rào làm mèo đực. Miệng chằn, mắt vạch, mèo đực “nói” một câu, mèo cái “nói” một câu, đem chắp lại thành một bài thơ nhị âm liên vận:

- Ngao…             "

- Tao.                  "
- Ngõ nào?         "
- Gai quào.         "

- Đứa nào?

- Hãy vào.
- Hàng rào.
- Không sao.

Đó không phải thơ hai chân là gì?
Còn một bài nữa cũng rất được các em ở thôn quê dùng trong những trò vui:

Sú hột

Sú hạt

Gió tạt

Nồi cơm

Lửa thổi

Bằng rơm

Nồi cơm

Hóa nhão

Lấy chảo

Nấu canh

Dĩa sành

Đựng cá

Cá sơn

Cá liệc

Cá giếc

Cá tràu

Ăn hối cho mau

Cầm hòn mà chạy.

Chạy u

Chạy quạ,

Chạy ngả vườn sau,

Bẻ một buồng cau,

Chạy về mà nghỉ.

Như vậy thể thơ nhị âm, tức hai chân, không phải mới có. Nhưng chỉ dùng làm những bài ca nho nhỏ cho trẻ em hát trẻ em chơi mà thôi. Nguyễn Vỹ và Phạm Đình Nguyên đã có công làm cho làng văn làng thơ để ý đến thể thơ ấy.
Và thể thơ nhị âm một khi đã vào tay một nhà thơ có tài thì giá trị có kém gì những thể thơ được các thi nhân yêu chuộng. Phê bình bài “Sương Rơi”, tác giả tập Thi Nhân Việt Nam nói rằng:
- Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ, hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ.
Bài “Lá Hồng” của Phạm Đình Nguyên cũng là một bài có giá trị. Đọc lên chúng ta cảm thấy buồn buồn, một nỗi buồn vô cớ, nhè nhẹ đều đều như dư âm tiếng quay tơ dưới bóng trăng khuya lạnh lẽo.
Tuy không gây được ảnh hưởng như Nguyễn Vỹ nhưng cũng như Nguyễn Vỹ, Phạm Đình Nguyên đã đưa thể thơ nhị âm của Việt Nam, từ địa vị thấp kém (dùng cho trẻ em mua vui, không có văn chương chỉ cần nói bắt vần cho dễ nghe là được), lên địa vị ngang với các thể thơ khác trên nền văn học. Rất tiếc là ít người hưởng ứng, nên ngoài hai bài trên, chưa thấy ai có bài nào khác được truyền tụng.
Thể thơ nhị âm làm cho hay không phải dễ. Không khéo sẽ thành những bài vè dùng để vui đùa, hoặc những bài thơ tứ ngôn. Hai bài trích dẫn của Nguyễn Vỹ và Phạm Đình Nguyên là hai bài Nhị âm thành công.
Ngoài bài Sương Rơi, Nguyễn Vỹ còn nhiều bài nhị âm khác cũng rất có giá trị. Nhưng phần nhiều có lẫn câu ba chữ hoặc, bốn, năm, sáu… chữ. Hoàn toàn hai chữ, còn có bài sau đây:
HOÀNG HÔN

Một đàn
Cò con
Trắng nỏn
Trắng non
Bay về
Sườn non.
Gió dục,
Mây dồn,

 
Tiếng gọi
Hoàng hôn
Buồn bã
Nỉ non.
Từ giã
Cô thôn…

 
 
Còn con
Cò con
Trắng nỏn
Nào kia,
Lạc bầy
Lại bay
Vào mây,
Ô kìa!

Đọc lên chúng ta thấy bóng cò bay đôi cánh nhịp nhàng theo tiết điệu của câu thơ. Cũng thì hai chữ, cũng đồng một tác giả, mà nhạc điệu của hai bài thơ khác hẳn nhau. Mỗi bài một vẻ, mà mười phân vẹn mười.
Vậy thơ hay hay dở là do tác giả có tài hay không có tài chớ nào phải tại thể thơ?
42.

THƠ BA CHỮ tức là Tạm Tự thi hay Tam Ngôn thi, cũng như thơ hai chữ là một thể thơ cổ ở Á Đông, Việt Nam cũng như Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, bài thơ tam tự xưa nhất có lẽ là bài ca tụng đức độ của hai vị tướng quốc là Mạnh Thường Quân Điền Văn và Bình Nguyên Quân Triệu Thắng:
Tự ngã bão,
Y ngã ôn
Du lỳ quán
Tức kỳ môn
Tề Mạnh Thường,
Triệu Bình Ngươn,
Giai công tử,
Hiền chữ nhân.
Nghĩa là:
Cơm ăn no
Áo mặc ấm
Chơi sẵn nơi
Ngủ sẵn chốn
Tề: Mạnh Thường
Triệu: Bình Nguyên
Công tử tốt
Chủ nhân hiền.
Bài này sản xuất từ thời Chiến Quốc (403-221 trước TC). Các đời sau này ít hay dùng. Về đời Đường (618-907). Mặc dù thể thơ Thất Ngôn thịnh hành, thể thơ tam tự vẫn không bị các thi gia có tài khinh bỏ. Trương Kiến có bài VỊNH VỌNG PHU THẠCH rằng:
Vọng phu xứ
Giang du du.
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu.
Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ,
Hành nhân quy lai thạch ưng ngữ!
Nghĩa là:
Trong nơi trông chồng
Lòng sông mênh mông,
Hóa thân thành đá,
Đầu không ngoảnh trông.
Non cao mưa tạt gió lồng,
Người đi có lại đá mong ngỏ lời.
Ở Việt Nam ngày xưa tiền nhân đã dùng thể Tam Ngôn soạn sách giáo khoa cho trẻ em học. Một bộ sách rất được lưu hành trong quảng đại quần chúng. Người mới được khai tâm, học dễ nhớ, đến khi học đã thông rồi, ôn lại càng thấy ý nghĩa sâu xa. Đó là bộ “Tam Tự kinh”, mà đoạn mở đầu như thế này:

Nhơn chi sơ
Tánh bổn thiện.
Tánh tương cận
Tập tương viễn
Cẩu bất giáo
Tánh nãi khiên.
Giáo chi đạo.
Quý dĩ chuyên.

Tích Mạnh Mẫu
Trạch lân xử,
Tử bất học
Đoạn cơ trử.
Đậu Yên Sơn
Hữu Nghĩ phương,
Giáo ngũ tử
Danh cu dương…
 

Nghĩa là:
Người sanh đầu tánh vốn lành
Tánh cùng gần gũi tập tành xa khơi.
Nếu chẳng dạy tánh bèn dời
Quý chưng đạo dạy chớ chầy phải chuyên.
Xưa Mạnh Mẫu chọn láng giềng,
Giận con chẳng học dứt liền cửi đi.
Đậu Yên Sơn nghĩa thường ghi,
Dạy năm con học đồng thì đăng khoa.
(Người xưa dịch) vân vân...
Còn về bên Quốc âm thì thể tam ngôn không thấy có trong các tác phẩm còn lưu truyền của các danh gia. Chúng ta chỉ tìm thấy trong những áng văn bình dân ở nơi hang cùng ngõ hẻm, trên miệng các em bé nô đùa. Nhiều khi bài ca chỉ gồm những câu bắt vần, ý nghĩa rời rạc, có khi lại không có nghĩa gì hết. Ví dụ:
Chập chuồn chuồn
Luồn rau muống.
Con cà cuống
Lội đáy ao
Con chớp mào
Đầu đội mũ.
Con sáo sậu
Đậu lưng trâu… vân vân…
Hoặc:
Chập chành chành
Đanh thổi lửa,
Ngựa ba chân vân vân…
Hoặc:
Xỉa cá mè
Đè cá chép
Chân nào đẹp
Đi giao men vân vân…
Thỉnh thoảng cũng có đôi bài hài hước, lời lẽ ý tứ rất khả ái. Như:
Con se sẻ
Đẻ mái tranh.
Vác miểng sành
Quăng chết giãy
Nấu một bảy
Dọn một mâm
Đem về dâng ông.
Ông hỏi thịt gì?
Thưa thịt se sẻ!
Chỉ có một con se sẻ mà nấu được một nồi bảy!
“Một con se sẻ nấu ngọt một nồi bảy canh” mới nghe như trái với ý “ba voi nấu không ngọt bát xáo”. Nhưng xét lại thì ra cũng là “khoét láo một phường”. Một phường “quyền hạn hạt cải” nhưng để lòe đời, tuyên bố huênh hoang toàn những chuyện “lật trời dời đất”.
Một bài ca bị người lớn xem khinh, một thể thơ bị các bậc đại gia văn chương không để ý đến, có ngờ đâu lại chứa đựng ý nghĩa sâu sắc như thế, có ngờ đâu lại có thể dùng để sáng tác những bài ca bài thi có ý nghĩa sâu sắc như thế. 
Bởi vậy chúng ta không nên xem thường đám “dân ngu khu đen” đương sống ngoi ngóp trong những nơi nhà tranh vách nát kia, cũng như đừng nên khinh thường những bài ca “trẻ em” nhị âm, tam tự… kia vậy. Và nếu chúng ta - những người yêu Quốc âm - ra công khai thác những áng văn chương bình dân ấy, những thể thơ bị bở quên ấy, thì chúng ta cũng có thể góp phần vào công việc xây dựng nền văn học cho dân tộc. 
Thời Tiền Chiến, có một ít nhà thơ đã sử dụng thể tam ngôn một cách hữu hiệu. Nguyễn Vỹ và Lưu Trọng Lư là hai nhà thơ có công phát huy và có nhiều giai tác. Nhưng thể tam ngôn không được hai nhà dùng toàn vẹn trong một bài nào, mà thường hợp cùng những thể khác, hoặc nhiều hoặc ít.
Ví dụ bài Hoàng Hôn và Xuân Về của Lưu Trọng Lư. 
HOÀNG HÔN
Bên thành con chim con
Hót nỉ non
Giục lòng em bồn chồn
Buổi hoàng hôn.
Em trách gì con chim con,
Em oán gì con chim con?
Em chỉ hận:
Đã để tình lang em lận đận
Chốn xa xôi
Nơi tuyệt vời,
Trong lúc con chim trời
Bên mư nó hót những lời
Nước non… 
XUÂN VỀ
Nằm vừa rồi
Chàng cùng tôi
Nơi vùng giáp mộ
Trong gian nhà cỏ,
Tôi quay tơ,
Chàng ngâm thơ.
Vườn sau oanh giục giã.
Nhìn ra hoa đua nở,
Dừng tay tôi kêu chàng:
- Này, này! Bạn! Xuân sang!
Chàng nhìn xuân mặt hớn hở.
Tôi nhìn chàng lòng vồn vã…
Rồi ngày lại ngày
Sắc màu: Phai!
Lá cành: Rụng!
Ba gian: Trống!
Xuân đi,
Chàng cũng đi!
Năm nay xuân còn trở lại,
Người xưa không thấy tới! 
Đó là những “khúc đàn lòng” bình dị, phảng phất hương vị hoa cau hoa bưởi lúc canh khuya.
Nhạc điệu của thơ tam ngôn mà chúng ta thấy trong các bài Hán tự, các bài đồng dao trích dẫn trên đây, đã đổi khác trong các bài của họ Lưu. Họ Lưu đã tạo riêng cho thơ mình một nhạc điệu mới thích hợp với nhịp lòng rạo rực, thổn thức… trước bóng hoàng hôn, trước cảnh xuân sang… và những nhạc điệu ấy rất Á Đông. Những bạn ưa tân nhạc chắc là không thích mấy.
Bài HAI NGƯỜI ĐIÊN trong tập HOANG VU của Nguyễn Vỹ, nhiều câu tam ngôn chen với những câu nhị âm và tứ tự, tạo nên một nhạc điệu “bất thường” biểu diễn được thái độ và hành động của con người “bất thường”. Người điên nhưng không điên:
Một xó Sài Gòn
Một căn phố con
Hoang vu thanh vắng,
Bốn về phẳng lặng.
Nàng, tôi, hai người,
Chỉ ôm nhau cười,
Không nói.
Ôm nhau nằm lăn,
Cả ngày không ăn,
Không đói.
Không ăn,
Không nói.
Chỉ hôn nhau
Thật lâu
Từng sợi tóc.
Và cắn nhau
Thật đau
Để cho khóc.
Rồi hai người
Ôm nhau cười
Lăn lóc.
Nàng và tôi,
Hai đứa,
Thật xứng đôi,
Vừa lứa.
Nàng với tôi
Đều mồ côi,
Gặp nhau.
Rồi yêu,
Rồi nhớ,
Rồi mớ,
Suốt đêm suốt ngày,
Như dại như ngây.
Trưa hôm nay
Chúng tôi say,
Nằm thiêm thiếp
Vừa một chặp,
Hai nàng Tiên
Bay qua đấy,
Trông thấy,
Sẽ nhủ:
- Để yên
Hai người điên
Đang ngủ! 
Đó nếu biết sử dụng, thì thể thơ nhị âm, tam ngôn cũng có thể sản xuất được những giai tác. Trong khi đi tìm thể thơ mới, nếu các thi nhân hiện đại nghĩ đến các thể thơ có sẵn của nước nhà, như thể nhị âm, tam ngôn… (hầu như đã bị quên lãng), thì tưởng vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho việc phát huy tinh thần dân tộc.
43.

THƠ TỨ NGÔN là một thể thơ cổ nhất, ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam.

Những thơ trong Kinh Thi hầu hết đều dùng thể tứ ngôn. Ví dụ:
Yêu yêu thảo trùng,
Địch địch phụ chung.
Vị kiến quân tử,
Ưu tâm xung xung.
Diệc ký kiến chỉ,
Diệc ký cấu chỉ,
Ngã tâm tắc giáng.
Trắc bỉ Nam san,
Ngôn thể kỳ khuyết,
Vị kiến quân tử,
Ưu tâm chiết chiết!
Diệc ký kiến chỉ,
Diệc ký cấu chỉ,
Ngã tâm tắc duyệt.
Trắc bỉ Nam san,
Ngôn thể kỳ vi,
Vị kiến quân tử,
Ngã tâm thương bi.
Diệc ký kiến chỉ,
Diệc ký cấu chỉ,
Ngã tâm tắc di. 
Tản Đà tiên sinh dịch là: 
Con thảo trùng nó kêu,
Con phụ chung nó nhảy.
Mong chàng chẳng thấy,
Áy náy nguồn cơn.
Trèo lên trái núi Nam sơn,
Ta hái rau khuyết,
Lòng lo khôn xiết!
Ta hái rau vi,
Lòng ta thương bi!
Mong chàng chàng hãy còn đi,
Mong chàng chẳng thấy ta thì nhớ thương!
Bao giờ cho thấy mặt chàng,
Cho ta vui vẻ nở nang tấm lòng. 
Bài trên trừ những nhà nho, những nhà văn tân học ưa thích cổ văn cổ thi, phần đông người hiện thời ít ai thuộc. Nhưng có lắm bài mãi đến nay vẫn còn phổ biến, vì trong văn chương Việt Nam từ xưa đến nay thường nhắc nhở đến. Như bài:
QUAN THƯ
Quan quan tư cưu
Tại hà chi châu.
Yếu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.
Nghĩa là:
Chim cưu kìa lứa kìa đôi,
Quan quan tiếng gọi trên doi nhộn nhàng
Người xinh nết lại dịu dàng,
Lòng quân tử ước cùng nàng kết duyên.
Và bài: 
ĐÀO YÊU
Đào chi yêu yêu,
Chước chước kỳ hoa.
Nhi tử vu quy,
Nghi kỳ thất gia. 
Tản Đà dịch:
Đào non rỡ rỡ kìa hoa,
Cô về hòa thuận cửa nhà chồng cô. 
Những bài Kinh Thi thượng dẫn, cũng như những bài khác trong Kinh, đọc lên dù không hiểu nghĩa như sao, chúng ta cũng thấy êm đềm thích thú. Đó là nhờ âm điệu nhẹ nhàng dịu dàng.
Còn thơ Tứ ngôn ở Việt Nam, chúng ta thường gặp trong các câu ca dao: 
+ Trời mưa trời gió,
Xách đó đi đơm.
Chạy về ăn cơm,
Chạy ra mất đó.
Từ ngày mất đó, đó ơi!
Đây không nghe được một lời nước non! 
+ Con chim chiền chiện
Nó liệng trên cao
Nó kêu làm sao
Tằng lăng tiu líu!
Còn em lịu địu
Không nỡ dứt tình.
Chờ khi thanh vắng một mình,
Đón anh em hỏi phụ tình tại ai? 
+ Lác đác mưa ngâu,
Sình sịch mưa ngâu,
Lá ngâu rụng xuống,
Bông lau phất cờ…
Nước trong xanh, lặng ngắt như tờ,
Một đàn cá lớn nhấp nhô chân ghềnh…
Kìa ai thấp thoáng đầu ghềnh? 
+ Một bộ áo gấm,
Ba tấm nhiễu vuông,
Ngựa ô yên khấu bằng vàng,
Chân nạm bằng bạc,
Thiếp sắm cho chàng
Kinh lại hồi Kinh. 
Vì bốn chữ khó hát cho nên trong ca dao ở đoạn cuối thường nối bằng những câu lục bát. Toàn bài bốn chữ chỉ thấy trong những câu nói lối, hoặc trong các bài vè: 
+ Con chuột mắc bẫy
Vì gốc tre già
Đẽo gốc tre ra
Làm cây đòn xóc. 
+ Con chim sáo sậu
Ăn cơm nhà cậu
Uống nước nhà cô
Đánh vỡ bát ngô
Cô đền hay cậu? 
+ Sao hôm lấp lánh
Sao mai long lanh
Cuốc đã sang canh
Gà kia gáy rộ
Chích chòe lìa tổ
Trời đà rạng đông. vân vân… 
Và như:
Cái vẻ cái ve,
Cái vè đánh bạc
Đầu hôm xao xác,
Mặt tốt như tiên,
Canh khuya hết tiền,
Mặt như chim cú.
Cái đầu sù sụ,
Con mắt trõm lơ.
Bộ đi thất thơ,
Như hình chó đói.
Chân đi cà khói,
Dạo xóm dạo làng.
Quần rách lang thang,
Lấy tay mà túm. 
Thể tứ ngôn ở Trung Hoa thịnh hành từ đời nhà Hán trở về trước. Trong đời nhà Hán, nổi tiếng về thể thơ này nhất là cha con họ Tào. Sau họ Tào không còn ai chuyện dùng nữa, thể Tứ Ngôn nhường chỗ cho thể Ngũ Ngôn và Thất Ngôn.
Ở Việt Nam ta, như trên đã nói, thể Tứ Ngôn thường thấy trong ca dao và vè. Thể tứ ngôn, âm điệu ngắn, khó ngâm khó hát, nhưng nhịp giòn, hơi gấp, đọc lên có vẻ nhí nhảnh, nên trong ca dao thỉnh thoảng mới dùng, trái lại trong lối vè thì thể tứ ngôn chiếm gần hết ưu thế. Lối vè lại rất thông dụng trong đại chúng, nên thể tứ ngôn Việt Nam thường gọi là “Thể Vè”, cũng như thể lục bát gọi là “Thể Ca”, thể song thất lục bát gọi là “Thể Ngâm” vậy.
Thể Vè thường dùng trong văn chương hài hước, châm biếm. Còn thể tứ ngôn Trung Hoa, người Việt Nam ít thấy dùng đến.
Tuy cũng là “Tứ Ngôn” song thể của Ta và của Tàu có nhiều điểm khác nhau.
Trước hết khác ở vần.
Tứ Ngôn Tàu vần cách. Trừ câu thứ nhất ra, vần luôn luôn nằm ở câu chẵn và luôn luôn là vận chân (cước vận).
Còn Tứ Ngôn của ta thì thường dùng vần liền, liên vận và vần ở lưng (yêu vận) hoặc vần ở chân (cước vận). Vần lại cứ luôn luôn thay đổi bằng trắc.
Xem những bài trên thì rõ. 
Điểm thứ hai, hai bên khác nhau vì điệu.
Điệu của Tàu hoãn, điệu của ta cấp. Điệu Tàu đi thẳng, điệu ta đi kiểu chữ CHI.
Cho nên thể Tứ Ngôn của Tàu đọc nghe nghiêm trang, yểu điệu. Thể Tứ Ngôn của ta đọc nghe linh hoạt nhanh nhảu. Thể Tứ Ngôn của Tàu trong trường hợp vui, buồn… đều dùng được. Thể Tứ Ngôn của ta chỉ dùng trong trường hợp vui vẻ nghịch ngợm mà thôi. Gặp trường hợp này, thể Tứ Ngôn Tàu thua ta nhất định.
Nhưng ngoài những câu ca dao và vè, các nhà thơ tiền bối, từ đầu thế kỷ XX trở về trước không thấy để lại cho văn học Việt Nam những vần thơ Tứ Ngôn đáng giá. 
Gần đây cụ cử PHAN ĐÌNH CHI cho ra đời tập “Văn chương Tập Kiều” của cụ soạn thời Tiền Chiến. Trong tập có những câu đối tứ tự trích trong các câu Kiều, đối rất sít sao cân xứng:
Một niềm vì nước,
Bốn bể không nhà.
Đi đời nhà ma,
Ở đây cửa Phật.
Cỏ lan mặt đất,
Sét đánh lưng trời.
Cằm én mày ngài,
Đầu trâu mặt ngựa.
Nửa năm hương lửa,
Bốn mùa gió trăng.
Chưa dám hở răng,
Còn toan mở mặt.
Càng treo giá ngọc,
Dẫu đúc nhà vàng.
Vâng biết ý chàng,
Bởi nghe lời thiếp.
Hãy còn nặng nghiệp,
Mà đã ngứa nghề!
Tìm đường thăm quê,
Chạnh niềm nhớ cảnh.
Hoa chào ngõ hạnh,
Tiệc mở nhà lan.
Sửa chốn thanh nhàn,
Tìm nơi xứng đáng.
Một thiên bạc mạng,
Hai chữ đồng tâm.
Khi gặp chàng Kim,
Sớm đưa Tống Ngọc.
Dẫu thay mái tóc,
Hư vày mối tơ.
Mặc nường nằm trơ,
Khiến người ngồi đó… vân vân… 
Thật là tài! Nhưng có người bảo:
- Có gì là tài. Chỉ thuộc Kiều là làm được.
Cũng đúng. Song làm được sao lâu nay không ai làm?. Thật chẳng khác lời dèm chê Kha Luân Bố (Christophe Colomb). 
Trong các tập thơ của các nhà thơ hiện đại xuất bản thời Tiền Chiến, thấy có nhiều bài làm theo thể tứ tự. Theo thể tứ tự song không phải theo hẳn cách điệu xưa, mà có nhiều thay đổi mới, hoặc ở cách gieo vần, hoặc ở cách nghỉ hơi, hoặc ở cách phân đoạn…
Như trong tập VÀNG SAO của Chế Lan Viên, có bài: 
CHIỀU TIN TƯỞNG 
Xoan ngưng suối đỏ
Lầu cây bước vàng
Bóng Hè đã ngã
Bên đường Thu sang
Cánh đan mối gió
Thuyền chim rộn ràng
Tường nhà ai đó
Cửa ngơ ngẩn buồn
Trên lòng bé nhỏ
Một trời mây sang
Giọt đồng tan vỡ
Dư thanh ngỡ ngàng
Có ai thương nhớ
Trong miền vương sương
Thấp như hơi thở
(Màn buông nhẹ nhàng)
Bây giờ gục ngã
Những hình mến thương
Xin đưa thánh giá
Về trong hồn buồn
Đêm đà bỡ ngỡ
Rưng rưng sao vàng
Lòng tằm khôn gỡ
Nỗi niềm vấn vương [1] 
Như bài CHỊ EM trong tập Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư: 
Em bước vào đây,
Gió hôm nay lạnh,
Chị đốt than lên,
Để em ngồi cạnh.
Mai chị lấy chồng,
Ở mãi Giang Đông,
Dưới làng mây trắng,
Cách mấy con sông.
Chăn lụa gối bông,
Chị mang theo chồng.
Mai phòng chị lạnh,
Đốt giùm nén hương.
Chồng chị là ai,
Chị nào có biết!
Đợi đến ngày mai,
Nhìn qua kẽ liếp.
Sao em thổn thức?
Buồn nỗi gì em?
Nay em khóc chị,
Mai ai khóc em?
Em đưa củi vào,
Lửa hồng thêm đượm.
Rót chén rượu đào,
Cho lòng thêm thắm.
Uống thêm chén nữa,
Mừng buổi chia ly.
Tiễn ngày vui hết,
Tiễn thời xuân đi… 
Bài này và bài Chiều Tin Tưởng làm theo thể Kinh Thi. Cũng theo thể Kinh Thi, Huy Cận có bài ĐIỆU BUỒN: 
Mưa rơi trên sân.
Mái nhà nghiêng dần…
Ôi buồn trời mưa!
Nhìn trăm sao buồn
Của mưa trên sân…
Ôi lòng buồn chưa!
Đêm sa xuống gần.
Biết sao nói năng.
Nhớ chi bâng khuâng.
Cửa theo gió rình;
Vườn cau nước dâng.
Mưa rơi đều đều
Trên từng ngói kêu,
Trên tầng ngói vang…
Lệ rơi muôn hàng. 
Còn về thể Vè thì rất hiếm. Chỉ tìm thấy một bài của Lưu Trọng Lư: 
LẠI NHỚ 
Hôm nay lại nhớ bần thần,
Nhìn đám mây chiều lại nhớ Vân.
Này mây hỡi! Mây chiều hỡi!
Dừng lại đây, chờ ta với,
Theo dấu chim xanh
Rẽ lối trời tình
Cậy cùng làn gió
Tìm nơi Vân ở,
Vượt mấy rừng cây,
Bay qua chùa Thầy
Đến nơi thôn nhỏ,
Ngừng bên cửa sổ
Chờ lúc nàng vén mành thưa
Ngang trời ta đổ trận mưa… 
Nhưng bài thơ không thuần một thể.
Thời Hậu Chiến, trên báo chí thấy thường đăng nhiều bài tứ ngôn đáng yêu. Như bài TRĂNG VÀNG của C.T. làm theo thể Kinh Thi: 
Trăng vàng long lanh
Ngủ trong hồ xanh,
Em liền vốc nước
Gởi vào tay anh,
Cho đêm thêm mộng,
Cho xuân thêm tình.
Anh nắm tay lại,
Mong cầm trăng mãi
Trong niềm yêu đương,
Trong đời văn chương.
Cho thơ thêm trái,
Cho lòng thêm hương…
Nước bỗng rời ta,
Trăng liền theo nước,
Trăng liền theo mây…
Nhìn trăng nhìn nước,
Nhớ thương vơi đầy.
Bùi ngùi mây nước
Cỏ sương xuân gầy.
Ôi! Lòng cỏ sương,
Đừng sầu đừng thương.
Dù trong mây nước,
Trăng vàng còn gương,
Trăng vàng còn rạng,
Trong niềm yêu đương,
Trong đời văn chương.
Và bài DẠ LÝ HƯƠNG của M.H. làm theo thể vè: 
Ngập ngừng dưới nguyệt,
Khép nép trong sương,
Cành Dạ lý hương,
Nở dần cánh tuyết.
Long lanh ánh nguyệt
Xuống đọng cùng sương,
Thành giọt kim cương…
Bồi hồi ý gió:
Từng giọt trăng nhỏ
Từng giọt thiên hương
Thành giọt văn chương
Ngát lòng thi sĩ
Ôm thu nằm nghỉ
Dưới cành Dạ hương.
Những bài này cũng những bài của các bậc đàn anh thời Tiền Chiến chứng tỏ rằng thể thơ tứ ngôn, nếu ra công trau dồi sẽ sản xuất ra nhiều giai phẩm như các thể thơ khác.
Chú thích:
[1] Vàng Sao là một tập văn xuôi. Bài này nằm trên bài văn xuôi, và bài văn xuôi gián tiếp giải nghĩa bài thơ.
Trong sách không để dấu chấm câu, cũng không có ngang nối. Thơ Chế Lan Viên rất phức tạp. Lời thơ ngó giản dị song nếu thấy dễ đọc qua thì không thấy được chân tướng của tác giả.
44.

Cũng như thơ Nhị Âm, Tam Ngôn, Tứ Ngôn, thơ LỤC NGÔN là một thể thơ cổ.

Thể thơ này gốc của Trung Hoa đưa vào Việt Nam, và thịnh hành trong làng thơ Quốc âm dưới thời Lê, Mạc. Đời nhà Trần, từ lúc Hàn Thuyên dùng luật Đường làm thơ Việt, thể lục ngôn dường như không được đề cập đến, nên trong số thơ còn truyền tụng, không thấy bài Lục Ngôn nào. Hoặc giả thi nhân đương thời có dùng, song tác phẩm bị thất truyền chăng.
Hiện nay chúng ta thường gặp thơ lục ngôn trong các tác phẩm đời Lê và đời Mạc, như Ức Trai Di Tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập triều Lê Thánh Tông, Lê Triều Ngự Chế Quốc Âm Thi, Bạch Vân Quốc Ngữ Tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thể Lục Ngôn, niêm luật cũng tương tợ như thể Thất Ngôn, duy mỗi câu chỉ sáu chữ. Vần cũng ở cuối câu chẵn (trừ câu nhất có vần cũng được không cũng được) và khi thì dùng vần bằng khi thì dùng vần trắc.
Xin trích một bài, vần bằng, trong Lê Triều Ngự Chế Quốc Âm Thi:
BỒ ĐỀ THẮNG CẢNH THI
Tịnh Kiền khôn kẽ một bầu
Bao hình thế bốn bề thâu.
Phong lưu hậu xây nền hậu,
Thú vị mầu ngụ ý mầu.
Quán nguyệt trông in đáy nước,
Chày kình vang nện bên lầu.
Yên vui bởi dân thuần cổ,
Ấy xưa sau sở thích cầu.
Và đây một bài vần trắc trích trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập: 
VỊNH CHÙA NON NƯỚC
Này hiệu Bồng này hiệu Nhược
Hai bên góp làm Non Nước.
Đá chồng hòn thấp hòn cao,
Sóng trục lớp sau lớp trước.
Phật hư vô cảnh thiếu thừa,
Khách danh lợi buồm xuôi ngược.
Vẳng nghe trên gác boong boong,
Lẩn thẩn dưới chiền lần bước. 
Điệu thơ Lục Ngôn đều đặn, không biến hóa, đọc nghe trầm trầm, ít thích thú. Để bớt vẻ bằng phẳng, cổ nhân thường chen những câu bảy chữ vào trong các câu sáu chữ. Số lượng không nhất định, vị trí cũng không nhất định.
Có bài chỉ chen một câu bảy mà thôi. Ví dụ bài TỰ THUẬT của Nguyễn Trãi: 
Ngọ thời nằm đói thời ăn,
Việc vàn ai hỏi, áo bô cần.
Tranh treo vách nài chi bức,
Đình thưởng sen năng có gian.
Vườn quỳnh dầu chim kêu hót,
Cõi trần có trúc đón ngăn.
Già vẫn lấy rượu phù khỏe,
Họa lại quên lòng khó khăn. 
Câu bảy lẻ loi như thế không bao giờ nằm giữa bài, tức ở trạng hoặc luận, mà chỉ nằm ở câu đầu, câu hai, câu bảy, câu tám, tức nằm ở khởi, thừa, chuyển, kết. 
Xin trích thêm một bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà câu bảy nằm sau rốt: 
Chiếm tự nhiên một tấm lều,
Qua ngày tháng lấy đâu nhiều.
Gió tiễn rèm thay chổi quét,
Trăng kề cửa kẻo đèn khêu.
Cơm ăn chẳng quản dưa muối,
Áo mặc chi nài gấm thêu.
Tựa gốc cây ngồi hóng mát,
Đìu hiu ta hãy một đìu hiu.
Vì thơ Lục Ngôn bát cú cũng như Thất Ngôn bát cú, trạng và luận, đều theo phép đối, nên nếu muốn chen câu bảy chữ vào bài thơ Lục Ngôn, thì phải chen đủ cặp đối nhau, và hai câu bảy chữ chen vào đó phải nằm ở vị trí câu trạng hoặc câu luận, chớ không thể ở trạng một vế, luận một vế.
Ví dụ trong bài TIÊU TƯƠNG DẠ VŨ trích ở Hồng Đức Quốc Am Thi Tập, hai câu bảy chữ nằm ở câu luận: 
Ngàn Tương thuở rụng hạt mưa,
Lã chã thâu đêm gió đưa.
Giọt tiếng vàng cao lại thấp,
Rung cành ngọc nhặt thì thưa.
Đành hanh tai khách nằm khôn nhắp,
Lai láng lòng thơ hứng có thừa.
Sớm dậy xem rồng mọc cháu
Nghìn hàng đổng lạ hơn xưa.
Vì số câu bảy chữ chen vào thơ Lục Ngôn không nhất định là bao nhiêu, nên có khi một, có khi hai, có khi ba, có khi bốn, có khi đến năm, sáu. Nếu những câu bảy nằm ở khoảng giữa bài thì nhất định phải đối nhau. Còn nếu nằm ở khởi, thừa, chuyển, kết thì không phải đối. Và nằm ở những câu này thường là những câu lẻ. Những câu bảy chữ nằm chung với nhau một chỗ, hoặc nằm cách nhau, câu trên đầu câu ở cuối, hay vài câu ở giữa, vài câu ở đầu có cuối có.
Đây một bài Lục Ngôn mà ba câu bảy chữ nằm một chỗ: 
Góc thành Nam lều một gian
No nước uống thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn dễ ai quyến,
Bầy ngựa gầy thiếu kẻ chăn.
Ao bởi hẹp hòi không thả cá,
Nhà quen xuế xóa ngại nuôi vằn.
Triều quan chẳng phải ẩn chẳng phải
Góc thành Nam lều một gian. 
Đó là bài “Tự trào” của Nguyễn Trãi làm lúc quân nhà Minh bắt an trí ở Thăng Long [1]. Bài sau đây cũng của Nguyễn Trãi, làm lúc đã về náu ở Côn Sơn: 
Lánh trần náu thú sơn lâm
Lá thông đàn tiếng trúc cầm.
Sách cũ ngày tìm người hữu đạo,
Trì thanh đêm quyến nguyệt vô tâm.
Suy hết tấc lòng hồng hộc
Hỏi làm chi sự cổ câm.
Thế sự dù ai hay buộc bện,
Sen nào có bén cùng lầm. 
Ba câu bảy mà hai câu nằm chung một câu nằm riêng như thế rất thường gặp.
Trong những bài Lục Ngôn bát cú, mà số câu bảy và số câu sáu ngang nhau, nghĩa là mỗi thứ bốn câu, thì có bốn câu bảy nằm giữa, khi bốn câu sáu nằm giữa, khi thì nằm xen kẽ lẫn nhau.
Đây một bài của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà bốn câu sáu nằm giữa: 
Chưa dễ ai là bụt Thích Ca,
Mọi niềm Nhân Ngã nhẫn thì qua.
Lòng vô sự trăng in nước,
Của thảng lai gió thổi qua.
Những khách xuân xanh khi trẻ,
Mấy người đầu bạc tuổi già,
Thanh nhàn ấy là tiên khách,
Biết thú ta là có thú ta. 
Đây một bài mà bốn câu sáu bốn câu bảy nằm xen kẽ lẫn nhau, trích ở Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, nhan đề là Vịnh Canh Năm: 
Canh chầy đèn hạnh lâm dâm,
Xao xác lầu canh trống điểm năm.
Nguyệt đầu non treo chếch chếch,
Sương mặt đất ứa dầm dầm.
Rừng kia bồ cốc còn khuya gióng,
Làng nọ nông phu đã thức nằm.
Bóng ác đông trời đã rạng,
Tiếng gà thôi trổi tiếng hàn châm.
Gọi là thơ Lục Ngôn mà cây bảy chữ chiếm hết phân nửa! Kể cũng đã hơi lạm. Thế mà còn có lắm bài câu bảy lại nhiều hơn câu sáu!
Đây một bài có đến năm câu bảy và chỉ ba câu sáu trích trong Quốc Âm Thi tập của Nguyễn Trãi: 
Lộc trời cho đã có ngần
Tua hay thửa phận chớ phàn nàn.
Giàu nhiều của con chẳng có
Sống hơn người mệnh khó khăn.
Hễ kẻ danh thơm hay được phúc,
Mấy người má đỏ phải nhiều lần.
Vắn dài được mất dù thiên mệnh,
Trải quái làm chi cho nhọc nhằn.
Vua Lê Thánh Tông cũng rất ưa dùng thể Lục Ngôn, và có lắm bài số câu bảy lấn số câu sáu, như Nguyễn
Trãi:
TỰ THUẬT
Lòng vì thiên hạ những lo âu,
Thay việc Trời dám trễ đâu.
Trống dời canh còn đọc sách,
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.
Nhân khi cơ biến xem người biết,
Chờ thuở kinh quyền xét lẽ mầu.
Mỡ ểu áo vàng chăng có việc,
Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có lắm bài như thế. Ví dụ: 
Làm người chen chúc nhọc đua hơi,
Chẳng khác nhân sinh ở gởi chơi.
Thoa nhật nguyệt đưa thấm thoát,
Áng phồn hoa khá nhạt phai.
Hoa càng khoe nở hoa nên rữa,
Nước chứa cho đầy nước ắt vơi.
Mới biết doanh hư là có số,
Ai từng dời được đạo trời. 
Xem ba bài trích dẫn, chúng ta nhận thấy số câu bảy chữ tuy lấn nhưng vị trí quan trọng trong bài thơ bát cú là cặp trạng vẫn dành cho câu sáu chữ, và những cây bảy chữ không có vị trí nhất định, như trên đã nói.
Gọi là Lục Ngôn mà những câu bảy chữ lấn những câu sáu chữ như thế là khách lấn chủ, theo thường tình mà xét, thì cũng đã “khó coi” lắm rồi. Vậy mà còn thấy lắm bài gồm đến sáu câu bảy chữ, và chỉ có hai câu sáu chữ, như: 
Bài VIÊN PHỐ QUY PHÀM của Nguyễn Xung Ý đời Thịnh Lê:
Bãi tạnh thuyền ai bến liễu đời,
Buồm về nơm nớp mé bên trời.
Lèo ăn gió dầu dùi thẳng,
Cánh bíu mây mặc lộng khơi.
Thuyền tếch thênh thênh chèo nhẹ nhẹ,
Khói tan thức thức lục ơi ơi.
Có người tác hứng chưng khi ấy,
Nước Sở sông Ngô mặc vẽ vời.
Trong bài tuy khách lấn chủ, nhưng vẫn còn dành cho chủ một địa vị xứng đáng. Chủ nhân còn được ngồi nơi “ghế danh dự”. Có nhiều khi Chủ nhân trở thành Thượng khách mời tới để hoặc “ban huấn từ”, hoặc “phát biểu cảm tưởng” thay thế cho lời “tuyên bố bế mạc”. Ví dụ: 
VỊNH MỸ Ê
Thờ chúa thờ chồng hết tấc thương,
Một mình lọn đạo việc cương thường.
Non thiêng dễ hóa hồn Tinh Vệ
Nước biếc khôn nhìn mặt Phạn Vương.
Dòng bạc thề cùng thu có nguyệt,
Sử xanh chép để bút còn hương.
Rày mừng thấy tin rồng đến,
Phủ mưa rào khắp bốn phương. 
Thậm chí có bài chỉ có vỏn vẹn một câu sáu chữ nằm hoặc ở khởi hoặc thừa, hoặc chuyển, hoặc kết. Ví dụ:
Bài NGƯ THÔN TỊCH CHIẾU của Nguyễn Xung Ý: 
Lúp xúp bên giang bảy tám nhà,
Trời xoay bóng ác giải tha la.
Chan chan thuyền đỗ đầu doi liễu,
Sát sát chài bơi cuối vũng hoa.
Pha khói chim về cây điểm phấn,
Quáng dòng cá đớp nước tuôn la.
Có người đợi nguyệt chèo khoan vẩy
Trổi Thương lang một tiếng ca. 
Chỉ có một câu sáu chữ mà cũng gọi là thơ Lục Ngôn. Xem thế thì đối với thơ, DANH không cần phải CHÍNH như đối với Đạo Đức Luân Lý. Cổ nhân đặt ra LUẬT THƠ, đặt ra nguyên tắc, qui củ này nọ chỉ để hướng dẫn tứ thơ đi cho khỏi lộn xộn mà thôi, chớ không coi đó là “khuôn vàng thước ngọc bất khả di dịch”, nghĩa là không cố chấp. Nhà thơ tùy nghi thay đổi cho hợp với nguồn cảm xúc, luồn tư tưởng… của mình. Trong thơ Lục Ngôn có chen thơ Thất Ngôn vào là do lòng không câu nệ của cổ nhân vậy. Nhiều bạn thanh niên chưa có dịp nghiên cứu, đọc những bài Lục Ngôn có chen nhiều câu thất ngôn, nhất là những bài chỉ có một câu lục ngôn, thì tưởng là người sao lục chép sai.
Thơ Lục Ngôn thịnh hành thời Thịnh Lê và thời Mạc.
Đó là vì thời Lê Mạc hàng sĩ phu trong nước chịu ảnh hưởng Nho Giáo rất sâu đậm, bởi thời buổi ấy Nho giáo độc tôn. Con người sống về lý trí nhiều hơn tình cảm. Mà lý trí ưa những gì rõ ràng gãy gọn. Thể Lục Ngôn âm điệu ngắn gọn, giống như những tiếng săn tiếng đá, nghe khô khan cứng rắn, phù hợp với nhịp lòng của người đương thời, nhất là hàng trí thức học vấn. Cho nên được thịnh hành là lẽ tất nhiên.
Rồi sang thời Lê Trung Hưng, thời thế đổi thay, xã hội có một sắc thái đặc biệt. Tâm hồn con người bị hoàn cảnh chi phối. Những bức thành đạo lý bị rung rinh rồi lần lần tan vỡ. Phạm vi cảm hứng mở rộng. Giá trị văn chương không còn bó hẹp trong vòng đạo đức luân lý nữa, mà mỗi ngày sức tác động về tình cảm mỗi phong phú thêm. Cho nên thể Lục Ngôn không còn thích hợp, bị các thi nhân bỏ rơi. Đến triều nhà Nguyễn thì bị quên hẳn, đến nỗi có người không ngờ rằng có thể LỤC NGÔN.
Chú thích:
[1] Đó là theo bài tựa của Trần Khắc Kiệm đề ở Ức Trai di tập. Song có người bàn rằng đây là tình cảnh lúc tác giả bị Lê Thái Tổ bắt bỏ ngục về vụ án Trần Nguyễn Hạn, được ít lâu rồi được tha ra ở tạm nơi góc thành Nam.
45.

Cũng như sông biển, văn chương có chiều sâu và chiều rộng. Chiều rộng dễ thấy. Muốn thấy rõ chiều sâu, người đọc phải có một tâm hồn sâu sắc, tế nhị.

Có nhiều bài văn bài thơ, vừa nhìn vào liền biết là sâu xa. Nhưng có những bài trông dường cạn cợt, mà xét lại thì thấy ngậm chứa không biết bao nhiêu là ý, không biết bao nhiêu là tình. Đó là trường hợp những áng văn chương bình dân phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, ai đọc ai nghe cũng tưởng mình đã hiểu hết ý nghĩa, nhưng đọc hoài không thấy chán, mỗi lần đọc mỗi lần thấy hay.
Ví dụ bài sau đây:
Sớm mai ních một bụng cơm no,
Chạy thẳng ra gò
Đào được con kỳ nhông…
Đem về cho ông,
Ông cho quả thị.
Đem về cho chị,
Chị cho bánh khô.
Đêm về cho cô,
Cô cho bánh ú.
Đem về cho chú,
Chú cho buồng cau.
Từ ngày gây lộn với nhau,
Trả buồng cau cho chú,
Trả bánh ú cho cô,
Trả bánh khô cho chị,
Trả quả thị cho ông…
Ông! Trả con kỳ nhông cho tôi!
Lời văn thật dễ hiểu, giọng văn đọc lên dễ tức cười. Những gẫm lại mà xem: tình đời thật mỏng hơn mây thu, chuyện đời thật ngắn hơn mộng xuân ngày nắng xế! Thật có khác gì:
Khi thương thương hết cả nhà,
Ghét thời ghét trụm cả bà cả con…
Mà khi đã ghét thì tình trăm năm, nghĩa nghìn thu, đều đổ xuống sông xuống biển! Tất cả những gì êm đềm, tốt đẹp đã tặng cho nhau từ trước đều lấy lại hết, từ buồng cau cho cháu cho đến con kỳ nhông cho ông! Đòi tuốt! Trả tuốt! Chỉ giận nhau có một lúc mà vất cả tình nghĩa muôn đời!
Ghê gớm thay lòng giận ghét! Thật là một đóm lửa đốt cháy cả vạn mẫu rừng!
Bài ca thật khéo! Những đặt ra bài ca, lập ý thật tài thật vững! Trước khi lòng giận ghét nổi dậy, tình đời đẹp đẽ làm sao! Nhưng đến khi lòng giận ghét nổi lên, thì tất cả đều sụp đổ, tình đời đi đến chỗ “thù vặt” và kẻ hằn học nhất lại là kẻ khơi ra nguồn thương yêu. Lòng hằn học, giận dữ thể hiện một cách rõ ràng ở câu:
- Ông! Trả con kỳ nhông cho tôi!
Lời nói cộc lốc, biểu lộ được lòng tức giận và chí cương quyết “đòi cho kỳ được” của người cho! Ai bảo mình cho. Có ai xin mình đâu? Thế thì sao khi đòi lại tỏ ra khó chịu đến thế?
Thái độ đẹp đẽ khi cho và thái độ “kém mỹ thuật” khi đòi khác nhau như viên kim cương và mẻ chậu đất! Bên nào là chân tướng? Nhất định là thái độ khi đòi, còn thái độ khi cho là phấn son trang sức cho bộ mặt “Uất Trì Cung” bị lên trái rạ! Son phấn lợt rồi thì bộ mặt vừa rỗ vừa đen lộ!
Bài ca chẳng những dạy chúng ta đừng nên giận ghét một cách nông nổi, nhỏ mọn… mà lại còn bảo thầm chúng ta rằng kẻ xử sự tốt với chúng ta chưa chắc đã là thật lòng tốt, đã thật lòng vô tư…, phải đợi thời gian để phê phán.
Chúng ta hãy đọc thêm một bài ca bình dân nữa. Một bài mà mọi người nếu không thuộc, ít ra cũng đã nghe qua. Bài Thằng Bờm và Phú Ông:
Thằng Bờm cầm cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng bờm chẳng muốn trâu,
Phú ông xin đổi con hầu cầm roi.
Bờm rằng bờm chẳng muốn roi,
Phú ông xin đổi con voi chín ngà.
Bờm rằng bờm chẳng muốn ngà,
Phú ông xin đổi tòa nhà gỗ lim.
Bờm rằng bờm chẳng muốn lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng bờm chẳng muốn mồi,
Phú ông xin đổi cục xôi bờm cười…
Nghe đọc ai cũng cười, và phần đông cho là một bài làm cho con nít đọc mua vui!
Để cho con nít mua vui, cũng có. song không phải đó là mục đích chính của tác giả. Tác giả làm ra bài ca này vốn có ngụ ý.
Ý ngụ trong bài ca là gì?
Đã có nhiều người giải thích theo quan điểm của mình.
Thời khách chiến chống Pháp, ở Bình Định có một giáo sư Việt văn trường trung học phổ thông Đệ Nhị cấp, giảng rằng:
“Phú ông tượng trưng cho giai cấp địa chủ, tư bản. Thằng Bờm đại biểu cho giai cấp bần cố nông, vô sản. Giai cấp vô sản, bần cố nông, đã bị giai cấp tư bản, địa chủ bóc lột cho đến xương tủy. Mồ hôi nước mắt của giới vô sản, bần cố nông đã đổ ra để xây đắp cơ nghiệp cho giới tư bản địa chủ. Thế mà chúng chẳng nghĩ đến công lao của kẻ nghèo, mà hễ thấy kẻ nghèo có được chút đỉnh gì trong tay thì tìm đủ cách bóc lột cho hết.
Thằng Bờm có của cải gì ngoài cái quạt mo. Thế mà phú ông còn tìm đủ cách phỉnh phờ để đoạt cho kỳ được. Hết phỉnh đổi trâu, đổi gái, đến phỉnh đổi voi, đổi nhà… Hễ thằng Bờm nghe bùi tai mà trao cây quạt cho phú ông thì phú ông giựt cất, chớ đời nào chịu đưa trao những vật đã hứa nơi lỗ mồm kia. Đó chẳng khác vua Tần muốn đoạt viên ngọc bích của nước Triệu, mới phỉnh vua Triệu đem ngọc sang Tần để đổi lấy mười thành liền vậy.
Nhưng thằng Bờm vốn là người thực tế và lại biết rõ thủ đoạn gian ác của phú ông, nên bát bỏ cả những đề nghị viễn vông và phỉnh gạt. Chỉ chấp nhận đề nghị thiết thực có thể thực hiện được một cách chắc chắn.”
Mới nghe thì cũng xuôi tai lắm. Và để cho luận điệu của mình thêm phần vững chắc, giáo sư đổi “xin đổi” ra “đòi đổi” và nhấn mạnh chữ “đòi” là có ý bắt buộc, là cậy quyền cậy thế.
Đó là cưỡng giải. Giải để làm vừa lòng kẻ cầm quyền đương thời - thời vô sản chuyên chế.
Chớ sự thật thì bài này chỉ ngụ ý nói rằng “ở đời, sự cũng như vật, tất cả đều có một giá trị tương đối, chớ không phải tuyệt đối”.
Lúc bình thường ai lại không quí ngọc hơn chà là. Nhưng đối với một người đi lạc đường trong bãi sa mạc mênh mông, lương thực cạn hết, thần chết đương lẽo đẽo theo sau lưng, thì một nắm chà là quí hơn muôn ngàn viên ngọc.
Đó là giá trị của vật theo trường hợp, theo hoàn cảnh.
Vua Đường Minh Hoàng phụ hoa mai, mê hoa hải đường. Còn Lâm Bô mê mai và xem khinh tất cả các giống hoa khác.
Đó là giá trị của vật tùy sở thích của mỗi người.
Đối với Cha Cu Mẹ Đĩ, bức tranh gà bán chợ Tết đẹp mắt khoái lòng gấp vạn lần bức tranh của Picasso lập thể.
Đó là giá trị của vật tùy trình độ hiểu biết của người. vân vân…
Cái quạt mo đối với chúng ta không có giá trị. Nhưng vì ưa thích, hay vì một nguyên nhân nào đó, nhà phú hộ trị giá đến ba bò chín trâu… Còn đối với thằng Bờm vì không biết dùng ba bò chín trâu làm việc gì, nghĩa là không biết giá trị trên đời của số trâu bò kia như sao, nên không chịu đổi cây quạt mo mà y viên biết dùng để quạt cho mát.
Phú ông không nhận thức được điều ấy, tưởng rằng thằng Bờm chê cảnh giàu, nên mới đem cảnh sang, cảnh phong lưu, là con hầu cầm roi, ra mà đổi. Thằng Bờm vốn không biết con hầu cầm roi dùng để làm gì, nên không chịu đổi cây quạt. Phú ông tưởng rằng thằng Bờm không thích cảnh phong lưu, nên đem vật kỳ hiếm có, là con voi chín ngà, ra đổi. Thằng Bờm không biết dùng con voi chín ngà để làm gì, nên không chịu đổi cây quạt. Hết đem giàu, sang, kỳ ra đổi từng cái một, phú ông dồn cả ba vào tòa nhà gỗ lim. Tất cả gỗ làm nhà đều bằng lim rõ là hiếm, tức là kỳ. Một tòa nhà bằng gỗ lim phải nhiều tiền làm mới được, tức là giàu. Những kẻ trọc phú không bao giờ muốn làm một tòa nhà toàn bằng gỗ lim để cho cảnh nhà thêm sang trọng. Người đã biết làm một tòa nhà như thế để ở, thì phải là người sang. Khi đã đem cả ba cái quí ở đời ra đổi mà thằng Bờm vẫn không chịu đổi, phú ông tự nghĩ:
- Hay là con mèo nhỏ không dám bắt con chuột lớn chăng?
Bèn hạ thấp lần lần giá trị của vật định đem ra đổi, thì vừa qua khỏi con chim đồi mồi, đến cục xôi, liền được thằng Bờm chấp thuận!
Đó là do thằng Bờm chỉ có trình độ đủ biết giá trị của cục xôi, nên cho cục xôi có giá trị vậy.
Bài ca thật là mỉa mai, thật là sâu sắc. Nhưng cũng như bài “Con kỳ nhông”, bài Thằng Bờm xưa nay thường bị nhiều người xem khinh, cho là “loại văn nôm na để cho con nít đọc”.
Nhưng áng văn như thế, trong kho tàng văn chương bình dân còn có rất nhiều. Bà con chịu khó khai thác thì sẽ tìm thấy nhiều ngà nhiều ngọc ở dưới bộ áo nâu quần vải.
46.

Thời Thực Dân Phong Kiến, ngôn luận không được tự do, nghề in không được thịnh hành, sách báo ra đời rất khó. Muốn phổ biến một tin gì, tuyên truyền một điều gì, cổ động một việc gì…, các sĩ phu thường dùng lối vận văn. Vì vận văn có vần có điệu, lại ngắn gọn, dễ đọc dễ nhớ, dễ truyền miệng cho nhau. Và khẩu thuyết vô bằng, bọn cường quyền có biết cũng chịu.

Những bài văn bài thơ “tuyên truyền” đó, trải nhiều dâu bể, mà hiện nay vẫn còn nhiều người thuộc làu làu, như bài hịch của Văn Thân thời Pháp mới đặt nền đô hộ lên đất nước Việt Nam, nghĩa là đã trên tám chín mươi năm rồi.
Trong bài hịch có nhiều câu thật hay, như: 
Lỗ Trọng Liên nghĩa bất đế Tần, phận nho giả mà lòng lo thổ võ;
Văn thừa tướng trung phò chúa Tống, bước lưu ly mà vai gánh cương thường...
Trong Tây Cống trông tin điếu phạt, mười sáu năm bức rức, ôm tấm lòng Tô Võ chăn dê;
Ngoài Bắc kỳ mấy lúc nhiễu nhương, ba mươi tỉnh bồi hồi, toan những dạ Dương Hương đánh cọp. vân vân… 
Nhưng lối văn biền ngẫu này không có tánh cách bình dân, chỉ để cổ động trong hàng trí thức. Phổ biến trong dân chúng, là lối lục bát, song thất lục bát, vè, thơ Đường luật.
Như những bức thư máu của cụ Phan Sào Nam ở hải ngoại gởi về, như bài “Đề tỉnh quốc dân” của cụ Tăng Bạt Hổ ở Nhật Bản, v.v… Những áng văn này đã gây một ảnh hưởng lớn trong nước. Thật chẳng khác những tiếng chuông khua, tiếng trống gióng, vang dội lúc canh khuya, khiến quốc dân đương bị bọn Thực Dân Phong Kiến ru ngủ say mê, vùng tỉnh dậy… 
Đây thử trích đôi đoạn trong bài “Đề tỉnh quốc dân” của cụ Tằng Bạt Hổ:
Á Tế Á năm châu là bậc nhất,
Người đã nhiều, đất đai lại rộng hơn.
Cuộc đời mở hội doanh hoàn,
Anh hùng bốn bể giang san một nhà.
Gẫm từ thuở Âu Ba tìm đến,
Việc chiến tranh qua Nhật đến Triều Tiên
Xiêm La Miến Điện gần liền,
An Nam, Chân Lạp thẳng miền Ai Lao.
Thịt một tấm trăm dao cắt xé,
Chiếc Kim âu chẳng mẻ cũng không lành 1
Tôi con Pháp, tớ thầy Anh,
Nín hơi Đại Đức, nép mình Cường Nga!
Gương Ấn Độ có xa chi đó,
Chẳng máu đào cũng họ da vàng.
Mênh mông một giải Đông Dương,
Nước non quanh quất trông càng thêm đau.
Đó là khúc đầu nói đại lược về cảnh sống chung hòa bình của dân tộc cõi Á Đông trước khi người  La Ba, tức người Âu Châu đến, và cảnh chiến tranh do người Âu gieo vào Đông Á.
Đoạn thứ hai, nói đến nước Nhật đứng dậy đánh Nga và thắng một cách vẻ vang. Trong đoạn này có nhiều câu rất hay. Như: 
Trận thứ nhất Cao Ly lừng tiếng,
Khắp hoàn cầu muôn miệng đều khen.
Sa trường xung đột mấy phen,
Ngọn cờ Áp Lục tiếng kèn Liêu Đông.
Cửa Lữ Thuận trập trùng sóng bạc,
Thành Phụng Tiên ngơ ngác khói xanh.
Hải quân một trận tan tành,
Thái Hòa cắt nẻo, Đông Kinh rẽ đường. vân vân…
Sau khi ca tụng chí quật cường và tinh thần chiến đấu của người Nhật Bản, tác giả ngoảnh lại cảnh đất nước Việt Nam:
Càng nghĩ lại thấm lâu càng tủi,
Nước Nam nhà gặp buổi truân chuyên.
Trăm quan quen thói ngu hèn,
Vua là tượng gỗ, dân là thân trâu…
Đó là người nước… Vì người nước như thế nên việc nước đều ở trong tay Thực Dân Pháp. Chúng muốn làm gì thì làm. Từ vua quan chí dân đều là đầy tớ của chúng, “Kẻ chức Bồi, người chức cu ly”. Chúng lại đánh nhiều thứ thuế lạ lùng:
Nhiều hạng thuế kể sao cho xiết,
Thuế “xi” kia mới thiệt lạ lùng!
Thuế xi là thuế nhà xí! Không món gì sản xuất ra mà không đánh thuế, không việc gì làm ra mà không chịu thuế! Cho đến cái thứ hôi thúi kia mà cũng đánh thuế. Chánh sách của Thực Dân cay nghiệt biết bao nhiêu!
Bởi vậy tác giả mới kêu gọi đồng bào mau tỉnh dậy:
Thật lắm lúc bầm gan tím ruột,
Vạch trời kêu mà tuốt gươm ra.
Cũng xương cũng thịt cũng da,
Cũng hòn máu đỏ, con nhà Lạc Long.
Thế mà chịu trong vòng trói buộc,
Mấy mươi năm nhơ nhuốc lầm than
Than ôi! Bách Việt hà san
Thông minh đã sẵn khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mộng tỉnh chưa? Chưa tỉnh!
Anh em mình phải tính sao đây?
Tác giả khuyên phải học cái hay cái giỏi của nước ngoài, phải chú trọng kỹ nghệ, thương mãi…, phải lập liên đoàn để bênh vực quyền lợi cho nhau…, phải mở mang việc học hành, lấy Nhật Bản và Lang Sa làm gương, chớ không cần tìm kiếm đâu xa. Nếu chúng ta kết một lòng lo với nhau, thì:
Đường học thức dân đà mở rộng,
Người Lang Sa rồi cũng nể nang.
May ra được chữ bình hàng,
Trời Nam đứng vững phương đông một mình.
Bài văn kết thúc bằng mấy câu nói qua thân thế tác giả từ lúc xa quê hương, và nỗi lòng lúc được vua Nhật thưởng công đã giúp Nhật Bổn đánh Nga:
Thân phiêu bạt đã đành vô lại,
Mấy năm nay Thượng Hải Hoành Tân.
Chinh Nga những lúc tùng quân,
Chút thân bồ bá theo chân khải hoàn.
Nâng chén rượu ơn ban hạ thiệp,
Gạt hàng châu khép nép quì tâu:
Trời Nam mù mịt ngàn dâu
Gió thu như thổi dạ sầu năm canh!
Biết bao nỗi bất bình chứa mãi,
Mượn bút hoa mà giải quốc âm,
Tấm thân bao quản cát lầm,
Khuyên ai đúc chữ đồng tâm sau này…
Đoạn kết văn chương cảm động nhất, và dư vị làm cho những ý tứ ở các đoạn trên thêm thấm thía vào lòng người.
Như trên đã nói, bài này cũng như những bài “Hải ngoại huyết thư” của cụ Phan Sào Nam đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong đám sĩ phu và một số đông công dân, nông dân. Lòng yêu nước yêu nòi bị khích động, và bầu không khí Cách Mạng lần lần lan rộng từ Bắc vào Nam…
Gây được ảnh hưởng lớn như vậy là nhờ văn chương một phần. Một phần nữa, có lẽ là phần lớn hơn, là do người viết ra những áng văn chương ấy. Người viết vốn là người có thành tâm nhiệt huyết. Nguồn nhiệt thành của tác giả trào sang văn chương, tạo nên những lời nồng nàn thành thật, đủ sức truyền cảm, rung cảm người đọc người nghe. Phan Sào Nam, Nguyễn Thiện Thuật… là những bậc chí sĩ suốt đời hy sinh cho dân cho nước, một lời nói ra là xuất tự đáy lòng, mang từng giọt lệ, từng giọt máu, chớ đâu phải lời nói đầu môi. Bởi vậy những lời các cụ nói ra thường thường được đại đa số đồng bào hưởng ứng.
Chứ những lời nói của những kẻ chứa đầy tham vọng cá nhân, đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi Tổ Quốc, vì một chút hư danh một chút quyền lợi, có thể bán cả Dân Tộc cho kẻ thù…, thì dù có hay đến đâu, có khéo đến đâu, cũng không làm cho người tin tưởng được.
Cho nên văn chương tuyên truyền, muốn gây được ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, thì trước hết phải chân thật. Nghĩa là không có ý phỉnh phờ lừa dối, và nhất là người viết ra nói ra phải là người có đạo đức để khỏi bị phạm điều “xảo ngôn lịnh sắc” làm giảm hiệu lực của văn chương.

14/4/1971
Quách Tấn
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...