Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Đi tìm thể lục bát Việt Nam

Đi tìm thể lục bát Việt Nam

1. Khái niệm về thơ lục bát:
Lục bát là thể thơ dân tộc mang đậm bản sắc và phong vị quê hương. Thơ lục bát rất dễ thuộc và dễ nhớ vì lời thơ giản dị, mộc mạc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời thường. Câu thơ đọc lên mà cứ ngỡ là câu hát hay một bản nhạc, vừa có vần vừa có điệu nghe rất thanh thoát và êm tai. Có nhiều câu lục bát đã đi vào lòng người như một lời ru:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
(Ca dao) 
Đó còn là hình ảnh của đôi thanh niên nam nữ trong buổi đầu làm quen:
Gặp đây mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
(Ca dao) 
Ở đây, từng cặp câu 6/8 đã tạo nên sự hài hòa cân đối, uyển chuyển và mềm mại cùng với cách gieo vần "đào - vào", "thưa - chưa" mang lại cho người nghe cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng. Chính điều này đã tạo ra sự khác biệt giữa thơ lục bát với thể thơ tự do, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn…
Đề cập đến khái niệm thơ lục bát, có nhiều tác giả, xin trích dẫn một số khái niệm tiêu biểu sau đây: 
Trong quyển "Tìm hiểu thơ", Mã Giang Lân cho rằng: "thơ lục bát là thể tổ hợp giữa câu sáu và câu tám. Số câu trong thơ lục bát không cố định, ít thì hai câu thành một cặp (thường gặp trong ca dao, tục ngữ) chủ yếu mỗi bài bốn câu và nhiều câu. Ở những bài thơ nhiều câu, cách phân chia khổ thơ cũng rất linh hoạt" 
Theo ông, thơ lục bát có thể là hai câu, bốn câu hoặc nhiều câu.
Khi đề cập đến cấu trúc của thể loại lục bát, Mã Giang Lân nhấn mạnh đến yếu tố vần trong thơ lục bát: bao giờ cũng là vần bằng, tạo cho câu thơ có thế nhịp nhàng, uyển chuyển. Theo ông, cách gieo vần phổ biến nhất là: chữ thứ 6 câu lục vần với chữ thứ 6 câu bát và chữ thứ 8 câu bát vần với chữ thứ 6 câu lục kế tiếp:
1          2          3          4          5          6
1          2          3          4          5          6          7          8
1          2          3          4          5          6
1          2          3          4          5          6          7          8
Lối gieo vần này được thể hiện rõ nét trong những vần thơ lục bát trữ tình:
Chồng sang vợ được đi giày,
Vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông.
Trai khôn kén vợ chợ đông,
Gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân.
(Ca dao)
Hay:
Nhà em cách một quả đồi,
Cách ba ngọn núi, cách đôi cánh rừng.
Nhà em xa cách quá chừng,
Em van anh đấy anh đừng thương em.
(Nguyễn Bính) 
Vẫn là lối gieo vần quen thuộc nhưng đôi khi ta vẫn thấy một vài trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như chữ thứ 6 ở câu lục vần với chữ thứ 4 của câu bát theo sơ đồ sau:
1          2           3          4          5          6
1          2           3          4          5          6           7          8
Ta bắt gặp trường hợp ngoại lệ này trong câu ví:
Núi cao chi lắm núi ơi,
Che khuất mặt trời chẳng thấy người thương.
(Ca dao)
Hay:
Thằng Tây mà cứ vẫn vơ,
Có hố này chờ chôn sống mày đây.
(Phá đường - Tố Hữu) 
Vần trắc chỉ được xuất hiện ở một số bài ca dao nhưng không phổ biến bằng vần bằng:
Tò vò mà nuôi con nhện,
Ngày sau nó lớn, nó quện nhau đi"
(Ca dao)
Ông cho rằng, cách gieo vần ở câu 8 "tuy là thanh bằng cả nhưng không được trùng thanh mà phải là một thanh huyền, một thanh không. Nếu chữ thứ sáu là thanh huyền (\) thì chữ thứ tám phải là thanh không (0)"
Khi nói đến lục bát, có một yếu tố vô cùng quan trọng không thể bỏ qua, đó là cách ngắt nhịp. Nhờ vào lối ngắt nhịp mà câu thơ giàu cảm xúc, giàu tính nhạc hơn khi nó đến với người thưởng thức. Các tác giả Mã Giang Lân, Phương Lựu, Nguyễn Văn Hoàn đều cho rằng thơ lục bát theo cách ngắt nhịp sau: 
1          2          /           3          4          /            5          6
1          2          /           3          4          /            5          6          /           7          8
Nhưng cũng có khi ngắt nhịp một, nhịp ba,… hoặc ngắt nhịp hỗn hợp cho thích hợp với giọng điệu bài thơ:
Cái gì như thể nhớ mong,
Nhớ nàng/ Không/ Quyết là không nhớ nàng.
(Người hàng xóm - Nguyễn Bính)
Anh đi đấy/ anh về đâu?
Cánh buồm nâu/… cánh buồm nâu/… cánh buồm…
(Cánh buồm nâu - Nguyễn Bính)
Ở thơ lục bát còn có lối ngắt nhịp linh hoạt và rất đa dạng ở một số bài lục bát biến thể:
Một chờ hai đợi ba trông,
Bốn thương/ năm nhớ/ bảy tám chín mong/ mười tìm.
Hay:
Giàu thì thịt cá cơm canh,
Khó thì lưng rau đĩa muối/ cúng anh/ tôi đi lấy chồng
Hỡi anh chồng cũ tôi ơi!
Anh có khôn thiêng/ thì xin anh/ trở dậy/ ăn xôi nghe kèn!
Còn trong quyển "Từ điển Thuật ngữ Văn học" thì định nghĩa về lục bát như sau: "Lục bát là thể thơ câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ". Riêng ở quyển "Từ điển Văn học" , tác giả Phương Lựu lại khẳng định như sau: "Đây là một thể thơ cách luật cổ điển thuần túy Việt Nam. Đơn vị cơ bản là một tổ hợp gồm hai câu sáu tiếng và tám tiếng. Số câu của nó không hạn định. Xét về lối gieo vần thì chủ yếu là vần bằng và cứ mỗi cặp hai câu mới đổi vần. Tiếng cuối câu 6 vần với tiếng 6 câu tám, rồi tiếng cuối câu 8 lại vần với tiếng cuối câu 6"
Theo đó, Phương Lựu đã đề cập đến vần chân ở câu sáu và câu tám, vần lưng ở câu tám. Lối gieo vần này thường bắt gặp trong cao dao Việt Nam và qua đó ta sẽ có được cách thức gieo vần của thể lục bát một cách đơn giản và dễ hiểu:
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Hay:
Rủ nhau lên núi đốt than,
Anh mang quang gánh, em mang nón Trình.
Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.
(Ca dao)
Ông còn cho rằng: cách phối thanh trong thơ lục bát thường bắt buộc các tiếng thứ 4 là trắc, các tiếng thứ 2,6,8 phải là bằng. Nhưng trong câu 8 thì hai tiếng thứ 6 và thứ 8 phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau đó phải là không dấu và ngược lại.
Thân em như củ ấu gai,
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
(Ca dao)
Hay:
Trải qua bao cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Có thể xem các ý kiến về thơ lục bát của Nguyễn Xuân Nam trong quyển "Cơ sở lý luận văn học" như một định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ "Lục bát là thể thơ cứ một dòng sáu chữ tiếp đến một dòng tám chữ. Thơ dài bao nhiêu cũng được miễn là dừng lại ở dòng tám. Đó là thể thơ quen thuộc của dân tộc. Nhiều câu ca dao, nhiều truyện nôm dân gian, nhiều thơ văn yêu nước và cách mạng viết theo thể này"
Nhìn chung, những khái niệm về thơ lục bát trên đây đã phần nào giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về thể thơ lục bát để từ đó góp phần nhận diện về lục bát một cách sâu sắc và rõ ràng hơn.
2. Các giai đoạn phát triển thơ lục bát:
Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc, xuất phát từ nhân dân nên rất gần gũi với đời sống sinh hoạt và mang đậm bản sắc dân tộc. Lục bát được hình thành và phát triển trong ca dao, dân ca, được thi hào Nguyễn Du nâng tới đỉnh cao qua "Truyện Kiều" và càng trở nên phong phú, đa dạng nhờ những đóng góp của các thế hệ nhà thơ, như: Tản Đà, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Duy… Nhìn lại quá trình phát triển của lục bát từ lục bát ca dao đến lục bát trong văn học hiện đại, có thể chia lục bát thành ba giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Lục bát ca dao.
- Giai đoạn 2: Lục bát trung đại.
- Giai đoạn 3: Lục bát hiện đại.
2.1. Lục bát ca dao:
Trước "Truyện Kiều", thơ lục bát bắt nguồn từ trong ca dao Việt Nam, thể hiện thành công cả về nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng trong văn học dân gian với những câu thơ mang đậm tâm tư, tình cảm của người bình dân vốn chịu thương chịu khó. Đó là những bài hát ru con, những câu hò điệu lý, những lời ngâm vịnh ngân nga mà mọi người vẫn nghe thấy trong sinh hoạt hàng ngày, gắn liền với cuộc sống lao động của người bình dân. Cách gieo vần ở chữ thứ 6 của câu lục với chữ thứ 6 của câu bát, chữ thứ 8 của câu bát với chữ thứ 6 của câu lục và cách ngắt nhịp chẵn đã nói lên những tâm tư tình cảm của người dân, Vì lẽ đó, dân tộc ta có quyền tự hào về thể lục bát:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Bầu ơi ! thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
(Ca dao)
Với giọng điệu nhẹ nhàng khuyên nhủ, lục bát ca dao đã nói lên bao cung bậc tình cảm yêu thương giữa người với người. Cùng với giọng điệu khuyên nhủ, lục bát ca dao còn có giọng tâm tình kể chuyện, giọng triết lý, giọng hờn dỗi:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
(Ca dao)
Hay:
Cao su đi dễ khó về,
Khi đi trai tráng khi về bủng beo
(Ca dao)
Như vậy, ở thể lục bát ta thấy ngôn từ mộc mạc, giản dị được sử dụng nhằm tạo nên sự thanh thoát, êm tai. Bên cạnh đó, tổ hợp hai câu sáu - tám liên tiếp nhau cũng tạo nên một sắc thái riêng lúc trầm lúc bổng như tiếng đàn réo rắc bên tai. Ở lục bát ca dao, ta bắt gặp hầu hết là nhịp chẵn:
Râu tôm /nấu với ruột bầu,
Chồng chan/ vợ húp/ gật đầu/ khen ngon.
(Ca dao)
Hay:
Hôm qua/ tát nước/ đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo/ trên cành hoa sen.
(Tát nước đầu đình)
Tiếp theo sự phát triển của lục bát ca dao là sự phát triển của lục bát trong truyện thơ dân gian như truyện Song Tinh, Hoa Tiên ký. Có thể nói, đến lúc này lục bát đảm nhận vai trò kể chuyện là chính, làm phong phú thêm nền văn học dân gian.
Tóm lại, lục bát ca dao thời kỳ này đã có nội dung hấp dẫn người đọc. Tuy nhiên, để có được những giá trị hình thức thì còn có những hạn chế, lục bát ca dao sáng tác chủ yếu theo khuôn mẫu định sẵn và được xem là nền móng cho lục bát phát triển mạnh mẽ hơn ở những giai đoạn sau.
2.2. Lục bát trong văn học trung đại:
Kế thừa truyện thơ lục bát của thế kỷ XVIII, giữa thế kỷ XIX đã xuất hiện hàng loạt truyện thơ lục bát, như: truyện Thạch Sanh, Phạm Tải Cúc Hoa, truyện Phan Trần… được viết theo quy mô hàng trăm, hàng ngàn câu với những quy định nghiêm ngặt về niêm luật, về vần và nhịp điệu. Qua thời gian, lục bát có những bước tiến mới: có sự thay đổi trong cách ngắt nhịp, gieo vần. Điều này được thể hiện rõ nhất qua tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu.
Ở "Truyện Kiều", ta cảm nhận được những gì hài hòa, êm dịu nhất của lục bát ca dao bằng lối ngắt nhịp chẵn và lối gieo vần bằng, tạo cho câu thơ dáng dấp uyển chuyển, cân đối, dễ thuộc và dễ nhớ:
Trăm năm/ trong cõi/ người ta,
Chữ tài/ chữ mệnh/ khéo là/ ghét nhau.
Trải qua/ bao cuộc bể dâu,
Những điều/ trông thấy/ mà đau đớn lòng.
Thông thường, một tác phẩm văn chương hay phải đạt được hai yêu cầu: có sự đổi mới trong nội dung lẫn hình thức nghệ thuật, đồng thời phải kế thừa được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đã đáp ứng được hai yêu cầu đó. Ngoài việc sự dụng những yếu tố của lục bát ca dao, "Truyện Kiều" còn mang đến cho người đọc sự đổi mới đầy sáng tạo. Câu thơ lục bát giờ đây ngoài cách gieo vần bằng và cách ngắt nhịp chẵn còn có cách ngắt nhịp lẻ: câu thơ với nhịp: 3/3, 1/5, 2/1/3, 3/5, 3/3/2, 5/3, v.v… trên nên linh hoạt và sinh động hơn cùng với cách gieo vần đa dạng có thể thay đổi theo giới hạn cho phép, miễn sao giữ được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo, mượt mà thắm thiết riêng có của nó:
- Làn thu thủy/ nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm/ liễu hờn kém xanh.
- Hỏi tên/ rằng: Mã Giám Sinh,
Hỏi quê/ rằng: huyện Lâm Thanh cũng gần.
Mặt khác, so với lục bát ca dao, sự sáng tạo ở "Truyện Kiều" còn thể hiện trong việc đưa vào tác phẩm những từ láy, điệp từ, thành ngữ và cả những lời nói trong sinh hoạt hàng ngày của quần chúng lao động, xóa bỏ hoàn toàn sự đơn điệu và tẻ nhạt, góp phần làm thay đổi lục bát tạo sự hấp dẫn, nhưng không làm mất đi âm điệu vốn có của nó:
Nghĩ rằng bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng
Câu thơ của Nguyễn Du càng về sau càng uyển chuyển, đầy nhạc tính, nâng nghệ thuật thơ lục bát đến một giá trị độc đáo, làm nền tảng cho thơ lục bát Việt Nam tiếp tục phát triển đến đỉnh cao rực rỡ.
Tóm lại, ngoài việc kế thừa nền văn học dân gian, nhất là lục bát ca dao, Nguyễn Du đã có sự sáng tạo, góp phần đưa "Truyện Kiều" lên đỉnh cao thơ lục bát.
Sau "Truyện Kiều", nền văn học nước nhà còn ghi nhận nhiều tác phẩm có giá trị khác. "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu là một ví dụ điển hình. Những từ ngữ, hình ảnh được nhà thơ sáng tạo và đưa vào sử dụng rất đổi thân quen, giản dị, dễ hiểu và gần gũi với cuộc sống con người. Trong suốt chiều dài tác phẩm, ta thấy nhiều câu thơ mang dáng dấp văn học dân gian, những yếu tố của ca dao - dân ca được sử dụng rất thành công:
Xin đừng tham đó bỏ đăng,
Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.
Và những câu thơ lấy ý từ ca dao cổ:
Tới đây thì ở lại đây,
Cùng con gái lão xum vầy thất gia.
So với "Truyện Kiều", yếu tố ca dao - dân ca trong "Lục Vân Tiên" được khai thác và sử dụng với tầng số lớn hơn, âm điệu câu thơ nhẹ nhàng hơn, êm ái hơn. Bên cạnh đó, những cách xưng tên trong lối bạch, lối tuồng, những bài học nhân quả những triết lý sống không màng danh lợi là những dấu ấn mà lục bát ca dao đã để lại trong tác phẩm.
Mặt khác, tác phẩm cũng có những bước tiến mới. Những lời văn bóng bẩy, trau chuốt hầu như vắng bóng, thay vào đó là những lời nói mộc mạc, dân dã đậm đà phong vị quê hương của người Nam bộ:
Ai ai cũng ở trên đời,
Chính chuyên, trắc nết chết thời cũng ma.
Chính vì thế tác phẩm đã mang đến cho người đọc sự gần gũi khó quên, man mác tình người, tình nhân loại.
Đọc tác phẩm, người ta có thể thấy những cảnh đời, những kiếp người, những tư tưởng tình cảm và cuộc sống tinh thần của mình ở đó. Có thể nói, việc sử dụng sáng tạo những từ ngữ, hình ảnh trong ca dao - dân ca đã đưa lục bát tiến thêm một bước tiến mới trong việc hội nhập vào sự phát triển chung của nền văn học Việt Nam giai đoạn trung đại. Rõ ràng, lục bát đã thật sự đi vào lòng người, khẳng định sự lựa chọn của các tác giả là đúng đắn và phù hợp. Lục bát đã có một giá trị cao quý cho đến ngày nay và được nâng lên tầm vóc cao hơn qua các cây bút hiện đại.
2.3. Lục bát trong văn học hiện đại:
Lịch sử văn học Việt Nam đã chứng minh một sự thật hiển nhiên là thể thơ lục bát - một thể thức thơ ca dân tộc - đã có vị trí xứng đáng của nó trong văn học dân gian, văn học trung đại và thơ ca hiện đại. Điểm qua các tác giả tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại, ta có thể khẳng định một điều  rằng "ở đâu cũng có thơ lục bát".
Ở những mức độ khác nhau, các nhà thơ đã tỏ ra hấp thụ được những cảm xúc và phô diễn lại bằng thể lục bát, cố gắng tìm đến cách xử lý thích hợp trong khi sử dụng thể thơ dân tộc để đạt tới hiệu quả nghệ thuật trong sáng tác thơ ca của mình. Tiêu biểu ở thể loại này có các nhà thơ: Tản Đà, Tố Hữu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Nguyễn Duy… Trong khuôn khổ bài viết này, người viết chỉ đề cập đến một vài nhà thơ trong số rất nhiều nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam.
Có thể nói, trong số những nhà thơ hồi đầu thế kỷ XX - thời kỳ bắt đầu sáng tác bằng chữ quốc ngữ theo mẫu tự La tinh chứ không phải bằng chữ Hán hay chữ Nôm - nổi lên tên tuổi Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) với những vần điệu quả thực đã làm rung động lòng người, đã ăn sâu, thấm khắp giai tầng xã hội và được truyền tụng trong đông đảo tầng lớp nhân dân lao động. Bởi ngoài sự kế thừa văn học dân gian, Tản Đà còn có những bước tiến mới so với ca dao.
Trước hết, ảnh hưởng của văn học dân gian có thể nói là rất đậm trong thơ lục bát của Tản Đà. "Trong số các nhà thơ cận hiện đại, Tản Đà là nhà thơ được dân gian hóa mạnh và sâu hơn cả". Trong đó phải kể đến ảnh hưởng của các câu hát lý giao duyên theo quy tắc hiệp vần bằng trắc cùng với cách gieo nhịp chẵn và ngôn ngữ đã có trong ca dao như đại từ ai, mình, ta… rất uyển chuyển và duyên dáng:
Ai làm cho khói lên trời,
Cho mưa xuống đất cho người biệt ly.
Ai làm Nam Bắc phân kỳ,
Cho sa hàng lệ đầm đìa tấm thương.
Bên cạnh việc kế thừa lục bát ca dao, trong thơ lục bát của Tản Đà ta còn bắt gặp những nét mới ở việc sử dụng những từ mới rất đắt nghĩa, giàu giá trị gợi tả, gần gũi với lời ăn tiếng nói trong sinh hoạt của người bình dân:
Von vót cái cần câu tre,
Để câu ở bến sông Kỳ ta chơi.
Với từ ngữ không văn hoa, trao chuốt, gọt giũa, ấy thế mà các bài lục bát trên đã ăn sâu vào lòng người đọc. Đó là hình ảnh gợi cảm, mang đậm tính sáng tạo:
Hỡi anh mà đi ô thâm,
Ô nhiễu, ô vóc hay là ô em.
Và những câu lục bát biến thể giàu âm điệu gây hiệu quả bất ngờ, góp phần đưa lục bát hội nhập vào nền văn học dân tộc:
Một con sông, ba bảy con sông Đà,
Trăm công nghìn nợ trông vào một em.
Bao giờ sạch nợ giàu thêm,
Để anh đi kéo gỗ lim làm nhà.
Đôi ta trăm tuổi cùng già,
Con tằm khác kén cùng là chung nong.
Chữ đồng tạc núi ghi sông…
Như vậy, Tản Đà đã xây dựng cho mình một phong cách nghệ thuật độc đáo và cũng là một cống hiến không kém phần quan trọng làm biến chất thơ cổ điển, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ văn học bác học và ngôn ngữ văn học dân gian, sự chuyển hoá các hình thức thức thơ ca cổ điển để cho có chất dân gian sâu đậm từ ngôn ngữ bác học với những luật lệ nghiêm ngặt trở thành ngôn ngữ dân gian thanh thoát, giản dị và phóng túng.
Sau Tản Đà, giai đoạn 1932-1945, Thơ Mới xuất hiện với hầu hết những bài thơ mang tâm trạng u buồn man mác của số đông công chúng lúc bấy giờ. Nguyễn Bính xuất hiện ở thời khắc đó, người ta biết đến Nguyễn Bính với một hồn thơ lai láng nét đẹp chân quê, thơ ông thường rất mộc mạc, bình dị chứa đựng tình cảm thiết tha sâu lắng. Nguyễn Bính có nhiều sáng tác thành công ở thể lục bát, hình ảnh ca dao - dân ca được vận dụng rất nhiều, nhịp chẵn được phát huy một cách triệt để
Sáng trăng/ chín nửa vườn chè,
Một gian nhà nhỏ/ đi về có nhau.
Vì tằm/ tôi phải/ chạy dâu,
Vì chồng/ tôi phải/ qua cầu đắng cay.
(Thời trước - Nguyễn Bính)
Vẫn là những câu lục bát cổ truyền nhưng ở Nguyễn Bính cách sáng tạo biến thể khác nhau khi gieo vần cộng với việc khéo léo dùng những từ ngữ giản dị và cách ngắt nhịp lẻ nhiều đến mức khác thường gây sự hấp dẫn với người đọc:
Từ ngày/ cô đi lấy chồng,
Gớm/ sao có một cánh đồng mà xa.
Bờ vào/ cây bưởi không hoa,
Qua bên nhà/ thấy bên nhà/ vắng teo.
(Qua nhà - Nguyễn Bính)
Như vậy, tuy chịu ảnh hưởng của ca dao nhưng thơ Nguyễn Bính vẫn có một bản sắc riêng: Nguyễn Bính sử dụng thể thơ lục bát một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo. Sẽ rất cá biệt nếu trong thơ lục bát xuất hiện những nhịp lẻ và sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính đã làm được chuyện đó, ông không bị lẫn với các nhà thơ dân gian là nhờ ở điểm ấy. Có thể nói, thơ lục bát của Nguyễn Bính được sáng tạo trên cái nền của ca dao xưa và phát triển thêm để nâng nó lên tầm cao thời đại .
Ở một phương diện khác, so với lục bát ca dao, dấu ấn của cái "Tôi"-phong cách cá nhân - được xem như một đòi hỏi không thể thiếu khi các nhà thơ vận dụng thi pháp ca dao để sáng tác. Thực tế đã chứng minh, sau sự vang vọng của thơ lục bát Huy Cận, ít ai được thành công như Nguyễn Duy. Xuất hiện từ năm 1972-1973 khi đang mặc áo lính với: Tre Việt Nam, Bầu trời vuông, Đàn bầu… Nguyễn Duy đã tạo ấn tượng bởi lối suy nghĩ táo bạo, sắc sảo, tinh tế. Tình cảm đậm đà được thể hiện trong hình thức thơ dân tộc giản dị, tự nhiên rất gần các mô tuýp ca dao:
Thôi ta về với mình thôi,
Chân trời dành để chim trời nó bay.
(Bài thơ áo trắng)
Cũng giống như các nhà thơ trước đây, Nguyễn Duy dùng nhiều ca dao một cách rất tự nhiên, đúng chỗ, ca dao đọng rất sâu trong thơ ông, tạo nên tiếng nói vừa thắm thiết vừa hồn nhiên, vừa thân thiết gần gũi, vừa mơ hồ xa xăm. Nguyễn Duy sử dụng ca dao nhưng không phải sử dụng một cách hững hờ làm duyên mà thường đẩy đến tận cùng ý tứ, buộc người đọc phải hiểu sâu sắc thêm, chú ý thêm đến một góc hiểu mới. Cũng sử dụng nhiều yếu tố ca dao như Nguyễn Bính nhưng ở Nguyễn Duy có những đột phá, những bước tiến mới. Đó là khi tác giả viết thường ở đầu câu, đó là khi tác giả chia câu lục thành nhiều dòng:
Tre xanh
Xanh tự bao giờ
chuyện ngày xưa, đã có bờ tre xanh?
(Tre Việt Nam)
Không những thế, kết cấu trùng điệp và ngôn ngữ đậm màu sắc hiện đại được Nguyễn Duy sử dụng rất thành công:
… Cái lưng em sụm bất ngờ,
Tứ chi anh lỏng thõng quơ rụng rời. 
Điều đáng chú ý hơn nữa là Nguyễn Duy đã kế thừa việc ngắt nhịp lẻ trong thơ lục bát, nhưng ở ông, nhịp lẻ không phải dùng để diễn tả những cảnh ngộ ngang trái mà được dùng chủ yếu để thể hiện sự khỏe khoắn, trẻ trung:
Thức là ngày/ ngủ là đêm,
Vẫn xin em/ chớ làm sao giữa trời. 
Tóm lại, cũng tiếp thu lục bát ca dao nhưng Nguyễn Duy không rập khuôn mà có sáng tạo, bộc lộ bản sắc riêng của mình - ảnh hưởng của ca dao nhưng không bị hòa tan mà trái lại ông càng tỏ rõ tính sáng tạo của mình.
Thơ lục bát Việt Nam là một trong những thể thơ mang đậm tính dân tộc, tồn tại từ đời này sang đời khác. Thơ lục bát không giống với bất kỳ thể thơ nào khác bởi ở lục bát người ta có thể vừa cảm nhận được tính truyền thống dân dã, vừa cảm nhận được những nét hiện đại.
Thơ ca Việt Nam từ xưa đến nay luôn là phương tiện tuyền đạt nội dung tốt nhất, đem lại những giá trị nhận thức, giá trị thẩm mỹ cho con người. Thơ lục bát Việt Nam đã làm được điều đó trong suốt chặng đường từ lục bát ca dao đến lục bát hiện đại. 
Tùy từng thời kỳ mà lục bát phát triển nhiều hay ít. Trải qua các thời kỳ có thể nhận thấy lục bát có mặt ở hầu hết các giai đoạn quan trọng, chứng tỏ sức sống bền bỉ cùng thời gian. Trong thể thơ lục bát, thường thì các tác giả sử dụng thi pháp ca dao làm nền tảng. Tuy nhiên, ở mỗi bài thơ, lục bát có thêm một "bộ cánh" mới, hợp thời, hợp với thị hiếu và tư duy người đọc.
Lục bát ca dao chưa có những đặc sắc riêng, nó là những khuôn mẫu, những nền tảng cho lục bát giai đoạn sau phát triển. Lục bát trung đại là sự kế thừa lục bát ca dao đồng thời sáng tạo thêm lối gieo vần, ngắt nhịp. Sau Nguyễn Du, Tản Đà, Nguyễn Bính,… nhà thơ Tố Hữu lại nâng lục bát lên thêm một bậc với những âm điệu, ngôn từ, hình tượng phong phú góp thêm cho dòng thơ Việt Nam nhiều tác phẩm có giá trị cao, được người đọc hôm nay và mãi đến sau này yêu thích và mến mộ.
Có được những thành tựu đó là do lục bát mang những nét đặc sắc nghệ thuật riêng: gần gũi với ca dao - dân ca, ngôn ngữ lời nói đọc lên như là câu hát, lời ru… làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm sinh động và sảng khoái. Khó có một thể thơ nào có được những điểm riêng độc đáo như lục bát. "Bởi vậy, cái âm hưởng lục bát từ bao đời dường như trở thành một âm hưởng ít nhiều mang tính chất tượng trưng cho xóm làng dân dã, cho tâm tình người nông dân Việt Nam". Câu thơ 6/8 mượt mà, êm ái như lời ru cùng với niêm luật chặt chẽ, phối thanh hài hòa, vần vè nhịp nhàng v,v… là tất cả những nét riêng, độc đáo mà qua lao động, qua sáng tác, người Việt Nam đã tạo dựng được. Bên cạnh đó, "bản thân thơ lục bát là thơ cách luật, nhưng nó lại cho phép linh hoạt chấp nhận mọi sự tìm tòi, sáng tạo về âm luật trong hoạt động sáng tạo nên các bài thơ cụ thể. Mặt khác, khả năng biểu đạt nội dung của nó khá linh hoạt, vừa trung tính vừa có thể chuyên biệt hóa tùy thuộc vào những trường hợp vận dụng cụ thể". Lục bát Việt Nam xứng đáng với danh xưng thể thơ truyền thống của dân tộc là như vây.
20/10/2006
Tăng Tấn Lộc
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...