Thứ Ba, 2 tháng 3, 2021

Trương Thị Thương Huyền và kết tinh từ tình yêu biển đảo

Trương Thị Thương Huyền và 
kết tinh từ tình yêu biển đảo

Những năm gần đây, đề tài biển đảo trong VHNT nở rộ. Tình yêu biển đảo được các văn nghệ sĩ gửi gắm trong nhiều loại hình tác phẩm. Và nhiều tác phẩm đã khẳng định được chất lượng của mình, được độc giả đánh giá cao. “Con của đảo”, tập tiểu thuyết của Trương Thị Thương Huyền (NXB Quân đội Nhân dân, 2020) mang đến sự thú vị rất riêng.
Nhà văn Trương Thị Thương Huyền
Viết về biển đảo đã có nhiều tác phẩm, nhưng viết về những “công dân tí hon”, những đứa trẻ là “con của đảo”, hoặc được sinh ra trên đảo, hoặc từ nhỏ xíu đã theo bố mẹ ra giữ đảo, thì đây là tác phẩm văn học đầu tiên tôi được đọc. Thông thường, nhắc đến những đảo nổi, đảo chìm của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, chúng ta thường nghĩ đến những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm chắc tay súng để bảo vệ lãnh hải thiêng liêng. Nhưng cuộc sống trên một số đảo, không chỉ có những người lính kiên cường mà còn có tiếng cười con trẻ, có tiếng đọc bài ê a loang trong gió, trong sóng biển. Bằng cách đó, đảo tưởng xa nhưng lại rất gần!.
Tiểu thuyết “Con của đảo” của Trương Thị Thương Huyền
Tiểu thuyết “Con của đảo” xinh xắn, gọn gàng, chưa đầy 200 trang in với 14 chương, mỗi chương cũng chỉ hơn chục trang ngắn ngủi. Tuy nhiên, sức lôi cuốn của tác phẩm có biên độ mở rất nhiều. Nhân vật chính của tiểu thuyết này là những đứa trẻ, gồm cả dân tộc Kinh và dân tộc Chăm, sống trên đảo Song Tử Tây. Là “con của đảo” nên cuộc sống của các em cũng nhiều điều khác biệt so với những đứa trẻ trên đất liền. Khác từ biệt hiệu đi kèm tên gọi: Phác nhà đèn, Thắng bò ngu... cho đến lớp học đặc biệt bên bờ sóng “năm học mới bao giờ cũng bắt đầu cùng với mùa có gió” (trang 61). Cả ngôi trường “khang trang ba tầng; khu nhà đẹp nhất trên đảo” nhưng “mới dùng có một phòng” với năm học trò: “Thắng bò ngu học lớp năm. Phác nhà đèn với Minh đen học lớp ba. Mai mèo học lớp hai. Con bé Bống xù mới học mẫu giáo lớn” (trang 64). Thầy giáo là các chú bộ đội trên đảo. Chương trình học linh hoạt không theo bất cứ giáo trình nào: “Thường thì buổi sáng, thầy Quyết dạy toán cho Thắng bò ngu học trò lớp năm, tiếng Việt cho Phác nhà đèn, Minh đen – hai trò lớp ba rồi quay sang dạy tiếng Việt, đạo đức cho Mai mèo đang học lớp hai trước khi dạy bé Bống xù lớp mẫu giáo tập tô màu. Buổi chiều thầy Mạnh đảm trách nhiệm vụ vừa dạy vừa dỗ tất cả các trò những môn học phụ khác như học buổi hai, quản lớp của các trường trong đất liền” (trang 67).
Tuy nhiên, ngoài những điểm vô cùng độc đáo, thì cuộc sống của lũ trẻ trên đảo cũng không khác gì đất liền. Chúng được sống trong tình yêu vô tận của người lớn; chúng gắn bó với nhau bằng thứ tình cảm trong vắt mà keo sơn, thiêng liêng. Có những lúc cùng nhau tâm tình, dạy nhau những điều kỳ thú của cuộc sống, vui đùa trong các trận đấu bóng nảy lửa; nhưng cũng có lúc cãi vã, giận hờn… Những điều ấy vô cùng thân thuộc, cho thấy đảo là một phần máu thịt của Tổ quốc, của đất liền. Vẫn màu xanh bình yên của vườn rau. Vẫn tiếng chuông chùa ngân nga trong gió. Vẫn tiếng chó sủa thân thương. Vẫn đàn gà ríu rít… Đảo đã thành quê hương máu thịt của các em!
Mỗi chương của tiểu thuyết này vừa kết nối với chủ đề chung, là một mắt xích trong mạch truyện, lại vừa là một truyện ngắn độc lập. Ngòi bút của Thương Huyền trong “con của đảo” thực sự chiếm được cảm tình của người đọc. Vừa linh hoạt, vừa ấm áp lại vừa tỉ mỉ, sắc sảo. Có những trang giàu chất thơ, đọc rất thích: “cuộc đời người thợ đèn như những người đi thắp lửa trong đêm. Mỗi khi nhìn ngọn hải đăng chớp sáng trên bầu trời đen kịt, mình như thấy đó là ánh sáng của Tổ quốc giữa biển trời. Từng nhịp đèn chớp nháy là nhịp thở và sự sống của lính thợ đèn. Âm thầm trầm mình trong gió giông, nắng lửa giữa đại dương, hải đăng Song Tử Tây cứ sừng sững trên đảo như người lính kiên gan canh gác, bảo vệ một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và báo hiệu cho các tàu cá tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa…” (trang 16). Lối kể chuyện linh hoạt, dí dỏm, có duyên đã tạo nên thần thái rất riêng của tác phẩm. Thêm nữa, những am hiểu của Thương Huyền về cuộc sống, con người trên đảo là điểm cộng lớn cho “Con của đảo”. Có cảm giác đây là mảnh đất màu mỡ, còn rất nhiều trầm tích chờ Thương Huyền khai phá. Những chuyến công tác biển đảo năm này qua năm khác của tác giả đã thực sự kết thành trái ngọt, mà “Con của đảo” chỉ là một trong những trái ngọt đầu mùa. Những kiến thức bạn đọc có được sau khi đọc “Con của đảo” thực sự thú vị, từ những ngọn hải đăng đến tấm bia chủ quyền trên đảo. Từ các loại cá phong phú đến những cách bắt cá độc đáo… Những kiến thức chỉ người trong cuộc, chỉ người đam mê biển đảo, yêu biển đảo bằng tình yêu máu thịt mới có được!
Đọc xong “Con của đảo”, điều tôi muốn nói với Thương Huyền là chị hãy tiếp tục mạch đề tài này. Và tôi mong chờ những tác phẩm tiếp theo!.
10/2/2021
Nguyễn Thị Việt Nga
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...