Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Kế thừa và sáng tạo trong thi ca

Kế thừa và sáng tạo trong thi ca

Kế thừa và sáng tạo là vấn đề xưa nay đã từng được nhiều người quan tâm bàn luận. Tôi chỉ xin nói thêm đôi điều về mối quan hệ giữa kế thừa và sáng tạo trong sáng tác thi ca.
Tùng Thiện Vương Miên Thẩm khẳng định: “Phàm một cái gì đó chẳng luận hay dở, đều có người trước dẫn đường”. Tuy nhiên, đối với Miên Thẩm, kế thừa phải có sáng tạo: “Cái mới của thơ, có khi là do dùng lại lời của cổ nhân có sửa đổi đi một hai chữ mà càng mới”. Ông phê phán gay gắt việc kế thừa mà không sáng tạo. Ông gọi đó là hiện tượng “hư ngôn” (bắt chước một cách máy móc, vụng về). Theo ông: “Nhạn và tuyết nước Nam ta không hề có. Mọi người cho rằng đó là hai chữ hay nên phần lớn thường dùng. Không biết rằng hư ngôn rốt cuộc chẳng có ích gì?” (Thương Sơn thi sao). 
Nhà thơ Xuân Diệu thì nói một cách hết sức dí dỏm: “Ăn cắp cái hay của người khác, nhưng phải biết phi tang để không ai biết, thì nó sẽ là của mình". “Ăn cắp” là nhà thơ muốn nói đến kế thừa, còn “phi tang” là sáng tạo. Trong bài tiểu luận Sự uyên bác với việc làm thơ, Xuân Diệu  thật thà “khai báo” mình đã “ăn cắp” và “phi tang” như thế nào: "Tháng mười năm 1981, khi nói chuyện tại Đại học Soóc-bon Pa-ri về đề tài tình yêu trong thơ Xuân Diệu, bài thơ tình mà tôi dẫn đầu tiên là bài Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì trong bài thơ ấy tôi vay mượn của thi sĩ Pháp.
Tôi muốn người Pháp thấy một thi sĩ Việt Nam chân thực đền ơn trả nghĩa và cũng uyên bác, họ sẽ vui, và tôi sẽ đắc nhân tâm, mà đắc nhân tâm tức là được chính trị. Nhà thơ Pháp Ê-mông có bài thơ ngắn rất nổi tiếng Đi là chết ở trong lòng một ít. Đúng quá, những lứa đôi muôn đời đứt gan đứt ruột phải biệt xa nhau. Khoảng 1934-1935, tôi đang yêu, bèn vận vào mình và chuyển sang Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu/ Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu. Câu thứ ba tôi lấy dáng dấp một câu trong bài thơ tình duy nhất của A-rơ-vét (1806-1850).
Tất cả sự nghiệp sáng tác của ông đã vào trong lãng quên, duy có bài Lòng ta chôn một mối tình là sống mãi. Trong đó, câu: Dù anh có đi trọn con đường trần thế/ Chẳng dám xin và chưa hề nhận được gì, tôi chuyển thành Cho rất nhiều, nhưng nhận chẳng bao nhiêu". Mà đâu chỉ có Xuân Diệu, nếu tỉ mẫn đối chiếu, so sánh ta sẽ phát hiện không ít những trường hợp “ăn cắp” và “phi tang” một cách khá tài tình như thế trong kho tàng văn học nước nhà.
Chẳng hạn đoạn thơ sau đây: Ly khách! Ly khách con đường nhỏ/ Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại/ Ba năm mẹ già cũng đừng mong (Tống biệt hành) của Thâm Tâm phảng phất hơi hướng giọng Kinh Kha: Phong tiêu tiêu hề Dịch thủy hàn/ Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn. Hai câu thơ: Một chiếc linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu (Huy Cận) ảnh hưởng ít nhiều bốn câu thơ của Trần Tử Ngang trong Đăng U Đài ca: Tiền bất kiến cổ nhân. Hậu bất kiến lai giã/ Niệm thiện địa chi du du/ Độc thương nhiên như thế hạ. Câu: Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa (Huy Cận) và Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên (Hồ Chí Minh) gợi nhớ hai câu thơ nổi tiếng của Vương Bột: Lạc hà dữ cô lộ tề phi/ Thủy thủy cộng trường thiên nhất sắc… Xét cho cùng, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đều là những tác phẩm kế thừa trên cơ sở tầm hiểu biết sâu rộng nền văn học cổ Trung Quốc. Chẳng hạn, muốn viết được câu: Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông, thi hào Nguyễn Du phải nằm lòng hai câu thơ nổi tiếng của Thôi Hộ: Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Như vậy, muốn kế thừa thì phải có hiểu biết, có kiến thức. Mà muốn có hiểu biết, có kiến thức thì không thể không học, không đọc tiền nhân. Vấn đề là đối với người làm thơ phải đọc và học như thế nào? Bàn về sự học, Khổng Tử cho rằng: “Đã gọi là thầy thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn nửa chữ là có thể làm thầy. Chung quy chia làm hai hạng tiên sư và tục sư. Hạng tiên sư vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền. Hạng tiên sư kéo kiến thức trong bụng học trò ra. Hạng tục sư nhét kiến thức từ ngoài vào. Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo tục sư thì con người là cái thùng chứa sách…”.
Thiết nghĩ, những lời này của Khổng Tử đáng cho chúng ta tham khảo trong việc cải cách dạy và học hiện nay. Đối với người làm thơ những lời này cũng phần nào định hướng cho việc lựa chọn tác giả, tác phẩm để đọc, để học, để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong sáng tác. Người làm thơ có thể vay mượn (trường hợp Nguyễn Du viết Truyện Kiều, có thể ảnh hưởng (trường hợp nhiều bài Thơ Mới ảnh hưởng các nhà thơ lãng mạn phương Tây), có thể cải biên tác phẩm của tiền nhân (trường hợp bài thơ Thanh minh của Hồ Chí Minh)… nhưng với điều kiện là phải biến hóa thành cái của mình một cách tự nhiên, không gò ép, không sống sượng, không sao chép lộ liễu, thô thiển.
Như vậy là sáng tạo trên cơ sở kế thừa. Ở bài Thanh minh, Hồ Chí Minh chỉ thay mấy chữ (hành nhân thành tù nhân, tửu gia thành tự do, Hạnh Hoa thôn thành công đường…) mà chuyển hẳn nội dung tư tưởng bài thơ của Đỗ Mục. Kế thừa và sáng tạo thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hiếm thấy sự sáng tạo nào mà không có ít nhiều sự kế thừa. Cái câu văn chương phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” trong tác phẩm Đời thừa, lâu nay không ít người cho rằng nhà văn Nam Cao mượn nhân vật Hộ để bày tỏ quan niệm sáng tác của mình là chưa thật đúng. Hộ là một anh chàng thiếu bản lĩnh nhưng đầy ảo tưởng (hoàn toàn khác với Nam Cao) nên mới quan niệm về sự sáng tạo trong văn chương một cách không tưởng như thế. Bởi đâu dễ “khơi những nguồn chưa ai khơi”.
Riêng cái việc thăm dò cho được “những nguồn chưa ai khơi” đã mất hết cả đời người rồi còn thời gian đâu mà viết với lách. Lại còn “sáng tạo những gì chưa có” thì quả là bậc thiên tài! Bi kịch của Hộ chính là chỗ đó: tài năng có hạn nhưng tham vọng thì vô cùng. Nam Cao không phải là hạng người như vậy nên không nên gán ghép quan niệm ấy cho Nam Cao. Sáng tạo trên cơ sở kế thừa là một sự sáng tạo phù hợp với quy luật phát triển không chỉ với thơ ca mà đối với văn học nghệ thuật nói chung. Tôi làm thơ cũng đã ngót nghét mấy chục năm.
Mấy chục năm qua, nếu có bài nào được bạn đọc yêu thích, lưu giữ thì cũng nhờ học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Trong rất nhiều quan niệm về thi ca của cổ nhân, tôi đặc biệt tâm đắc câu nói của Lục Du (nhà thơ nổi tiếng đời Tống): “Công phu thâm xứ thi bình dị” (thơ đạt đến độ thâm hậu, công phu hay nhất vẫn là loại thơ bình dị). Phải thật thâm hậu, công phu mới làm được thứ thơ bình dị ấy. Cái tạng của tôi không hợp với loại thơ cầu kỳ, rắc rối, bí hiểm.
Cần phân biệt giản dị với đơn giản. Đơn giản là sơ sài, giản lược, thiếu sự lao động công phu, thâm hậu. Còn giản dị là tuy nói những chuyện bình thường trong cuộc sống bằng những hình ảnh gần gũi, thân quen nhưng sức gợi lại sâu xa, rộng lớn.
Hồ Xuân Hương tả chiếc bánh trôi nước như mọi người vẫn nhìn thấy: Thân em vừa trắng lại vừa tròn/ Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son. Nhưng đằng những từ ngữ, hình ảnh bình dị ấy ấy hàm chứa bao nhiêu tầng nghĩa. Người xưa nói “thi tại ngôn ngoại” chắc là nói đến loại thơ này chăng? Thơ của các bậc tài danh: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà… đều như thế cả. Một số bài thơ mới đây như Sóng của Xuân Quỳnh, Biển của Xuân Diệu, Ánh trăng của Nguyễn Duy, Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm... hay dở chưa bàn nhưng nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy các nhà thơ đã kế thừa một cách sáng tạo di sản thi ca của các bậc tiền bối.
Tất nhiên, người làm thơ không chỉ học cổ nhân mà còn học trong cuộc sống. Nói theo cách Khổng Tử thì cuộc sống cũng là “tiên sư” của người làm thơ. Thơ ca xa rời cuộc sống chẳng khác gì tách cá ra khỏi nước. Bởi vậy, phải học, “học nữa, học mãi” (Lê nin) mới có thể kế thừa và sáng tạo một cách thành công.
26/10/2011
Mai Văn Hoan
Theo https://baoquangbinh.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...