Các nhạc sĩ thiên tài
Âm nhạc khơi gợi những cảm xúc tinh tế nhất trong mỗi con người.
Nếu hiểu biết về cuộc đời cũng như phong cách sáng tác của các nhạc sĩ tài ba,
chúng ta sẽ cảm nhận được sâu sắc hơn những tinh hoa ẩn chứa sau mỗi nốt nhạc
trầm bổng.
Với thông thiệp ấy, bài viết này chúng tôi sẽ kể lại các câu
chuyện về những nhạc sĩ tài ba như Chopin, Beethoven, Mozart, Bach, Schubert,
Strauss, Vivaldi, Verdi, Handel, Haydn.1. Johann Sebastian Bach (1685-1750) - Chàng khổng lồ của nghệ
thuật âm nhạc phương Tây
Johann Sebastian Bach (1685-1750) là nhà soạn nhạc người Đức,
được hậu thế coi là một thiên tài âm nhạc lớn lao nhất trong thời đại Baroque.
Trong các sáng tác âm nhạc, J.S. Bach đã đưa các kỹ thuật âm nhạc như đối điểm
(counterpoint) và tẩu khúc (fugue) lên các trình độ cao nhất. Đối điểm là cách
trình diễn hai hay nhiều tiết điệu (melodies) đồng thời với nhau còn tẩu khúc
là cách sáng tác trong đó các nhạc cụ khác nhau lặp lại cùng một tiết điệu với
một chút biến đổi (variations). J.S. Bach là một nhạc sĩ kiêm nhạc trưởng, đã
sáng tác hàng trăm bản nhạc gồm cả 300 hợp khúc thanh nhạc có tính tôn giáo và
thế tục, được gọi tên là cantatas.
Không có một lĩnh vực nào của nghệ thuật sáng tác âm nhạc mà
Bach lại không cống hiến tài năng của mình và bất cứ ở đâu ông cũng đều vĩ đại
như nhau: Hoặc viết cho clavexanh hay Oocgan, cho dàn nhạc hay hợp xướng, những
bản nhạc chính biên, phát triển, biến tấu, chuyển biên trên giai điệu của chính
mình hoặc những người đương thời - tất cả đều là những mẫu mực, đều là những
viên ngọc quý giá.Con dấu của Bach, có chữ viết tắt các chữ cái đầu JSB - tên
nhà soạn nhạc thiên tài (Johann Sebastian Bach) - Ảnh internet. Trong tác phẩm của mình, Bach là người biết tổng kết những
thành tựu của nghệ thuật âm nhạc quá khứ và hiện tại, cả nhạc thế tục lẫn nhạc
giáo hội, từ nhạc dân gian đến nhạc chuyên nghiệp. Vì thế toàn bộ tác phẩm âm
nhạc của Bach là một cuốn từ điển sống về âm nhạc của Châu Âu các thế kỷ XVII-XVIII. Trong lĩnh vực nghệ thuật khi có một người biết tổng kết quá khứ thì đó
cũng chính là người đặt cơ sở nền móng cho sự phát triển của nó về tương lai. Chữ ký của Bach. Bach là nhạc sĩ của trường phái, của chủ nghĩa nào?
Sở dĩ có câu hỏi đó, là vì khi nghiên cứu lịch sử âm nhạc
châu Âu hoặc bất cứ loại lịch sử nào ở châu Âu người ta đã quen với phương pháp
chia gọn nó ra thành những thời đại, những chiều hướng dường như là thay thế dần
cho nhau theo các bậc thang ngày càng cao hơn. Sự thật thì không phải hoàn toàn
như vậy. Nếu cho Bach là tiền cổ điển với ý nghĩa là sự manh nha, là bước chập
chững trước khi vào âm nhạc của các nhạc sĩ cổ điển thì dĩ nhiên là hoàn toàn
sai lầm. Còn với ý nghĩa là đặt nền móng cho chủ nghĩa cổ điển thì lại chưa đầy
đủ, vì thật không quá phóng đại khi nói Bach đặt nền móng cho mọi thứ trường
phái, mọi loại chủ nghĩa trong âm nhạc.
Bach ngày nay được nhắc tới trong mọi lĩnh vực của âm nhạc,
là tác giả của tác phẩm đầu tiên trong chương trình thi cử từ lớp nhạc của trẻ
em tới phòng thi quốc tế của các nhạc sĩ biểu diễn tài ba khắp hoàn cầu, là
danh hiệu của nhiều viện nghiên cứu, nhiều tổ chức âm nhạc, là đối tượng thảo
luận của vô vàn sách báo và hội thảo, là sư tổ của các trường phái âm nhạc giọng
điệu, phi giọng điệu, ấn tượng và hiện thực… là cha đẻ của nhạc hiện đại, là
người sáng lập ra tất cả âm nhạc Châu Âu.Bach và 3 cậu con trai. (Ảnh: Internet)Beethoven nói: Bach không phải là con suối, Bach là đại
dương…
Người đầu tiên biết đánh giá âm nhạc của Bach là Mozart. Tính
chất sâu sắc trong âm nhạc của Bach đã ảnh hưởng tới những tác phẩm của Mozart
và đặc biệt tác phẩm “Requiem” nổi tiếng của ông xứng đáng được coi như là sự kế
tục của bản “Mass in B minor”.
Tiếp theo Mozart là Bethoven với câu nói nổi tiếng đã trở
thành châm ngôn “Erist kei Bach - er ist sin ozean” có nghĩa là: ”Bach không phải
là con suối, Bach là đại dương”. Trong tiếng Đức chữ “Bach” có nghĩa là “con suối”,
Bethoven đã chữa nghĩa của chữ đó để nói lên lòng hâm mộ vô bờ của mình đối với
âm nhạc Bach.
Bach là nguồn cổ vũ lớn lao đối với các nhạc sĩ ngày nay…
Tuy nhiên, tất cả những cái tất cả ấy về Bach, trừ một vài nhạc
sĩ lỗi lạc, còn thì mới được khám phá và đồng cảm từ đầu thế kỷ XIX, cụ thể hơn
là từ năm 1829 (gần 100 năm sau khi Bach viết Mass in B minor và 80 năm sau khi
Bach mất) nhờ Mendelson chạy vạy, trình diễn được Passio - “Khổ hạnh của Chúa
theo Matvay kể”.
Chỉ có từ các nhạc sĩ thời lãng mạn mới bắt đầu biết tuyên
truyền và nghiên cứu sâu sắc âm nhạc Bach. Hai tập “Bình quân” là những cuốn
sách gối đầu giường của Sô-Panh (Chopin). Âm nhạc Bach là tiết mục không thể
thiếu được trong chương trình biểu diễn của Su-man, của Liszt.
Ở thế kỷ của chúng ta âm nhạc Bach giữ một chỗ đứng chói lọi
nhất. Bach là nguồn cổ vũ lớn lao đối với các nhạc sĩ, các nhà biểu diễn âm nhạc
tiêu biểu nhất thời đại ngày nay.
Dưới đây là minh họa tác phẩm “Air” vĩ đại của Johann
Sebastian Bach.
Bach viết 4 bản Suite cho dàn nhạc, trong đó nổi tiếng nhất bản
số 3 (D-dur BWV.1068) nhờ sự hùng vĩ, sức mạnh và đặc biệt là vẻ đẹp phi
thường của chương II vẫn được biết đến với cái tên Air on G-string. Chương này
được chuyển biên cho các loại nhạc cụ khác nhau độc tấu, nhưng không có bản nào
có được âm thanh trọn vẹn đầy đặn bằng bản gốc cho dàn dây của chính tác giả:
Con dấu của Bach, có chữ viết tắt
các chữ cái đầu JSB - tên
nhà
soạn nhạc thiên tài
(Johann Sebastian Bach) - Ảnh internet.
Chữ ký của Bach.
Sinh thời, nhà soạn nhạc vĩ đại J.S. Bach chỉ được biết đến
như một nghệ sĩ organ có tài ngẫu hứng. Trong khi các đồng nghiệp sáng tác theo
phong cách mới, sáng tác opera thì ông vẫn sáng tác theo phong cách cũ, đó
là những bản prelude, fugue theo lối phức điệu và các
oratorio (thanh xướng kịch tôn giáo). Ngay cả các con ông cũng chê cha mình lạc
hậu dẫn đến nhiều bản thảo của ông suýt thất truyền. Oratorio tâm huyết nhất của
ông là Matthaus Passion cũng chỉ được dựng vài trích đoạn vì không được sự ủng
hộ của nhà thờ nơi ông làm việc. Sau khi qua đời vào năm 1750, các tác phẩm của
ông bị chìm vào quên lãng. Theo hồi ký của nghệ sĩ organ Đô lét, nhạc sĩ trong
nhà thời Thánh Phô ma, thiên tài Mozart đã từng đến dự lễ ở nhà thờ này vào năm
1788. Khi Đô lét chơi một bản Prelude của Buxtehude, Mozart đã lắng nghe một
cách trang trọng. Sau đó, dàn đồng ca bắt đầu hát một bản Motet (Hợp xướng nhiều
bè) của Bach. Mozart nghe chăm chú và hỏi người bên cạnh “họ đang hát tác phẩm
của ai vậy?”. Người kia bô bô “Nào ai biết. Tác phẩm cổ lỗ từ đời tám hoánh nào
rồi”.
Đầu thế kỷ 19, chàng nhạc sĩ 20 tuổi Felix Mendelssohn đã gặp
gỡ giáo sư Chenter, giám đốc viện hàn lâm thanh nhạc Berlin và đại thi hào
Goethe. Tuy khác xa nhau về tuổi tác nhưng họ lại có những điểm chung về âm nhạc.
Cả hai ông già đều tán đồng ý kiến của chàng trai khi anh cho rằng âm nhạc của
J.S. Bach “không hề cũ kỹ, thậm chí có những thủ pháp hòa âm, phối khí chưa từng
thấy, ngay cả trong âm nhạc của Beethoven”. Sau đó, theo lời mời của Goethe,
giáo sư Chenter và Mendelssohn đã đến chơi nhà thi sĩ ở Weima. Tại đây, chàng
nhạc sĩ trẻ đã tiếp xúc và với tổng phổ của vở Mathauss Passion. Một tuần sau
đó tại Berlin, chàng nhạc sĩ trẻ cùng với bạn của anh là ca sĩ Eduard Derien đã
đến gặp giáo sư với với vẻ mặt kỳ lạ. Sau một lúc yên lặng, Derien hỏi bạn
“Chúng ta bắt đầu chứ?”. Felix rút từ trong cặp tập nhạc Matthaus Passsion ra
và ngập ngừng nói: “Thưa giáo sư, chúng tôi thấy cần phải trình diễn đầy đủ tác
phẩm này”. Thoạt tiên, Chenter chưa hiểu ngay ý tưởng đó. Felix bình tĩnh trình
bày ý định của mình. Nếu giáo sư cho phép, anh sẽ dàn dựng để biểu diễn kỷ niệm
100 năm ngày ra mắt đầu tiên của tác phẩm. Sau một lúc bị sốc vì ý tưởng quá
táo bạo, giáo sư cũng đồng ý trước sự nhiệt huyết của hai chàng trai.
Felix quay lại Weima để nghiên cứu tổng phổ ở nhà Goethe.
Goethe thực sự là người bạn lớn với Felix trong âm nhạc. Sau một đêm nghiên cứu
tổng phổ, Goethe nói với Felix: ”Hình như tôi đã hiểu Bach đôi chút. Bach là
người lành mạnh cả về thể chất lẫn tâm hồn. - Goethe chỉ vào tổng phổ - Trong
này toát ra tình thương dạt dào song ít đa cảm. Âm nhạc của Bach không phải được
sáng tác trong lâu đài. Con người Bach đứng cao hơn thiên nhiên“.
Ngày 11 tháng Ba năm 1829, đúng 100 năm sau ngày dằn vặt của
Bach, vở Matthaus Passion được công diễn trong phòng hòa nhạc Berlin dưới sự chỉ
huy của Mendelssohn. Buổi diễn do 400 diễn viên tham gia, ngày Bach ra mắt tác
phẩm chỉ có 60 diễn viên, và hai dàn nhạc lớn.
Giây phút bắt đầu đã đến. Felix nhìn chân dung Bach treo trên
sân khấu: “Thưa bậc tiền bối, hôm nay Người tồn tại hay không một phần phụ thuộc
vào chúng con. Sự không hoàn thiện của chúng con chính chúng con sẽ hứng chịu.
Người vẫn ở trên cao và toả sáng đời đời. Sớm hay muộn, lớp hậu thế cũng sẽ hồi
sinh Người”.
Gần 3 giờ của vở diễn đã diễn ra trong sự im lặng tuyệt đối.
Felix giơ cao gậy chỉ huy, lặng đi trong giây lát rồi từ từ hạ xuống. Suốt thời gian biểu diễn anh đã khống chế mọi người trong im lặng. Giờ đây, tiếng vỗ tay
như sấm hoà cùng tiếng la hét đầy hứng khởi.
TỪ ĐÓ, J. S. BACH BẮT ĐẦU HỒI SINH.
Theo Xê ba xtian Bắc - Orgiegovskaya - Hồ Mộ La dịch.
Tại sao âm nhạc của Johann Sebastian Bach là âm nhạc trên
thiên đàng?
Cả cuộc đời, Bach phải trải qua nhiều bi kịch nhưng sau tất cả,
nhìn lại, ông vẫn cảm thấy hài lòng. Ông chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất,
đó là “soạn ra những bản nhạc tuyệt vời kính dâng lên Chúa”. Điều này ông
đã thực hiện được.Nhạc trưởng người Anh John Eliot Gardiner Nhạc trưởng người Anh John Eliot Gardiner (sinh năm 1943) là
một trong những tên tuổi nổi danh trong làng nhạc giao hưởng thính phòng Châu
Âu. Khi còn nhỏ, mỗi ngày cậu bé Gardiner đều được “gặp gỡ” nhà soạn nhạc thiên
tài người Đức Johann Sebastian Bach (1685-1750)… trên cầu thang.
Trong một dịp tình cờ, một người Do Thái đang chạy trốn quân
Phát-xít Đức đã nhờ cậy gia đình cậu bé Gardiner cất giữ một bức tranh chân
dung của nhà soạn nhạc lừng danh, cốt để bức tranh này không lọt vào tay quân
Phát-xít thời Thế chiến II. Bức tranh được họa sĩ người Đức Elias Gottlob
Haussmann thực hiện năm 1748, chỉ vài năm trước khi Bach qua đời.
Đó là một trong rất ít những tác phẩm mỹ thuật khắc họa chân
dung Bach khi ông còn sống. Khi được nhờ cậy, gia đình Gardiner cảm thấy khá lo
lắng nhưng họ vẫn quyết định nhận lời cất giữ bức tranh. Họ không hề biết rằng
quyết định này sẽ có vai trò làm thay đổi cuộc đời của cậu con trai nhỏ - John
Eliot.
Ngay từ nhỏ, John Eliot đã rất quan tâm tới bức tranh được
treo trên cầu thang nhà mình, cậu bé bắt đầu tìm hiểu về nhân vật trong tranh -
nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach.
Giờ đây, khi đã ở tuổi 70, cậu bé John Eliot ngày nào đã trở
thành một vị nhạc trưởng tài danh. Nhớ lại câu chuyện năm xưa, ông quyết định
thực hiện một cuốn sách tổng hợp lại những hiểu biết của mình về cuộc đời và sự
nghiệp của nhà soạn nhạc thiên tài.
Đã nghiên cứu sâu sắc về âm nhạc của Bach với tư cách một nhạc
công và một nhạc trưởng, John Eliot có những trải nghiệm về rung cảm của Bach
khi sáng tác và khi đứng trước các nhạc công để chỉ đạo biểu diễn.
Cuốn sách mới xuất bản này không chỉ là một cuốn tiểu sử, khắc
họa lại cuộc đời Bach mà còn là chuyến hành trình khám phá tâm hồn của một nhà
soạn nhạc qua chính những tác phẩm do ông sáng tạo ra.Cuốn sách mà nhạc trưởng người Anh John Eliot Gardiner vừa xuất
bản - “Bach - Âm nhạc trong tòa tháp thiên đàng” Cho đến nay, những gì người ta biết về cuộc sống riêng tư của
Bach khá ít ỏi. Cả cuộc đời, ông phải trải qua nhiều bi kịch gia đình. Bach trở
thành trẻ mồ côi năm 9 tuổi. Ông mất đi người vợ đầu tiên sau 13 năm chung sống.
Trong số 7 người con có được với người vợ đầu, 4 người con sớm qua đời. Kết hôn
với người vợ thứ hai, ông có 13 người con nhưng 7 người chết yểu.
Trong sự nghiệp, Bach cũng gặp nhiều khó khăn. Sinh ra trong
một gia đình có truyền thống về âm nhạc, Bach tìm được việc khá dễ dàng. Tuy vậy,
cơ hội việc làm khi đó không có nhiều đất cho ông sáng tạo, ông phải lựa chọn giữa
việc làm một nhân viên trong tòa án, một người chơi đàn organ trong nhà thờ, hoặc
một thầy giáo dạy nhạc. Những công việc này thực tế đều không thỏa mãn những kỳ
vọng của Bach.
Ban đầu, ông đồng ý làm việc trong tòa án, nhưng rồi quyết định
“nhảy việc”. Về sau, ông trở thành nhạc công kiêm người điều khiển đoàn ca
trong nhà thờ St. Thomas ở thành phố Leipzig, Đức. Ông đã gắn bó với công việc
này cho tới tận khi qua đời năm 1750.
Trong suốt sự nghiệp, Bach phải đối mặt với nhiều sự thất vọng.
Trước tiên, công việc không đem lại cho ông đồng lương hậu hĩnh. Điều kiện làm
việc cũng không lý tưởng do nhà thờ không có đủ tiền để mời cho ông những giọng
ca đẹp, những nhạc công giỏi hay mua về những nhạc cụ tốt để tương xứng với những
bản nhạc tinh tế do ông sáng tác ra.
Bach đương thời cũng rất tạo bạo trong âm nhạc, ông hy vọng sẽ
làm được nhiều điều mới mẻ, cách tân, nhưng mỗi khi ông muốn giới thiệu một sự
phá cách nào đó trong âm nhạc, người ta lại chặn đứng ông, bởi ở thời đó, âm nhạc
cũng được coi như một “mặt trận chính trị”. Sự táo bạo trong âm nhạc vì vậy bị
coi là một mầm mống nguy hiểm cần loại trừ.
Tuy vậy, làm việc trong nhà thờ vẫn là một nơi phù hợp với
Bach hơn cả, bởi một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với ông chính là
“soạn ra những bản nhạc tuyệt vời kính dâng lên Chúa”.Nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach Là một người có niềm tin tôn giáo sâu sắc, sau tất cả, Bach cảm
thấy hài lòng về những gì mình đã làm được cho nhà thờ St. Thomas nói riêng và
dòng nhạc Thiên Chúa giáo nói chung. Khi làm việc trong nhà thờ, ông mải mê
sáng tác những bản nhạc hay để đem phục vụ giáo dân trong các nghi lễ tôn giáo.
Có giai đoạn sung sức, cứ mỗi tuần, Bach lại sáng tác xong một
bản nhạc mới dài khoảng 20 phút để phục vụ trong những buổi lễ ngày Chủ Nhật,
những dịp lễ các Thánh, lễ Tạ ơn… Bach là một người làm việc “điên cuồng”.
Khi được hỏi về bí quyết để thành công trong sự nghiệp, ông từng
trả lời rằng: “Tôi bắt mình phải làm việc chăm chỉ, bất cứ ai làm việc chăm chỉ
rồi sẽ thành công”.
Thực tế, sự thành công của Bach khi sáng tác dòng nhạc tôn
giáo còn đến từ việc ông là một con chiên ngoan đạo, kính Chúa và có đức tin
sâu sắc.
Đối với nhiều nhà soạn nhạc lừng danh khác, họ thành công
theo những cách khác nhau, vì những lý do khác nhau, nhưng với Bach, ông thành
công vì luôn nghĩ tới Chúa và luôn trăn trở làm sao để có thể đưa Chúa đến gần
với các con chiên. Đối với Bach, cách duy nhất để ông có thể làm được điều đó,
chính là sáng tác âm nhạc.
2. Kể chuyện về Mô-da (1756-1791) - Thiên tài âm nhạc
siêu nhiênVôn-gang A-ma-đơ Mô-da (Wolfgang Amadeus Mozart) là nhạc sĩ
thiên tài, một ngôi sao chói lọi, một thần đồng trong lịch sử âm nhạc thế giới.
Tất cả những từ đẹp đẽ nhất để nói về tài năng âm nhạc đều xứng đáng có thể
dành cho ông. Mô-da được mệnh danh là “Mặt trời âm nhạc” do tài năng kiệt xuất,
độc nhất vô nhị, cũng như tính chất âm nhạc rất trong trẻo, rực rỡ, tươi sáng.
Ngay từ khi còn sống, cuộc đời của Mô-da đã có nhiều chi tiết đặc biệt. Vì thế,
theo dòng thời gian, cuộc đời ông được tô điểm bằng nhiều câu chuyện mang nét
huyền thoại, không rõ hư hay thực.
Mô-da sinh ngày 27/1/1756 trong một gia đình âm nhạc ở thị trấn
San-buốc, nước Áo. Cha là Lê-ô-pôn, một nghệ sĩ chơi đàn violon có tiếng trong
dàn nhạc của nhà quí tộc ở San-buốc, ông cũng là người dạy dỗ âm nhạc cho
Mô-da. Gia đình Mô-da có hai người con, đó là Nan-nếc, chị gái và Mô-da. Hai chị
em cùng tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Nan-nếc nhiều hơn em trai năm
tuổi, từ khi 4 tuổi, cô đã có biểu hiện của một tài năng âm nhạc, chỉ sau một
năm luyện tập đã đánh được những bản nhạc khá hóc búa. Tuy nhiên, tài năng của
người em còn vượt xa hơn. Sở dĩ, người ta gọi Mô-da là thần đồng âm nhạc vì tài
năng của ông đặc biệt và được bộc lộ từ lúc còn rất nhỏ.
Một buổi sáng mùa thu năm 1758, bà Anna Maria- mẹ của Môda ở
nhà cùng cậu con trai, ông Lê-ô-pôn đã đi làm, còn Nan-nếc thì đi học. Như lệ
thường, bà ngồi vào đàn clavơxanh (đàn piano cổ) và bắt đầu chơi những bản nhạc
mà hàng ngày Nan-nếc vẫn luyện tập. Trước đó, bà cẩn thận đặt Mô-da ngồi trên
chiếc ghế, phía bên phải cây đàn, để vừa đánh đàn vừa dễ dàng quay sang nói
chuyện và trông nom cậu bé.
Trong khi mẹ chơi đàn, Mô-da rất chăm chú nghe và quan sát những
ngón tay đang di chuyển của bà mẹ, có vẻ như những bản nhạc đang thu hút được sự
chú ý của cậu. Không lâu, sau khi đã chơi một số bản nhạc ngắn, bà Maria đứng
lên, đi vào bếp để lấy một cốc nước. Trước khi đi, bà đẩy chiếc ghế mà Mô-da
đang ngồi sát lại cây đàn, cho cậu bé bám vào thành đàn đề phòng cậu có thể bị
ngã.
Khi đang rót nước vào cốc, bà Maria chợt nghe thấy bản nhạc vừa
chơi vang lên từ phòng khách, thầm ngạc nhiên nghĩ rằng cô con gái hôm nay lại
đi học về sớm, bà hỏi vọng ra ngoài phòng khách: “Sao về học sớm vậy, Nan-nếc?”. Không có tiếng trả lời, bà liền nghiêng người nhìn ra phía ngoài. Bỗng nhiên
bà sững người, suýt đánh rơi cả chiếc cốc trên tay, khi nhìn thấy cậu con trai
bé nhỏ của mình đang mải miết đánh lại bản nhạc mà lúc trước bà đã tập. Tuy mức
độ thuần thục và tốc độ của bản nhạc chưa thật chính xác, nhưng đó chính là bản
nhạc mà bà vừa chơi. Không tin được ở mắt mình, sau giây lát định thần, bà
Maria tiến gần lại cây đàn, nơi cậu bé vẫn đang say sưa chơi nhạc, bà hỏi:
– Con trai của mẹ, tại sao con đánh được bài này? Chị Nan-nec
đã dạy con từ khi nào vậy?
– Không, chị đã dạy con đâu, vừa nghe mẹ chơi đàn, con chỉ
đánh lại thôi. Bà mẹ càng ngạc nhiên :
– Con nói gì? Vừa nghe mẹ chơi mà con đã đánh được như vậy
sao? Không thể tin nổi? Thấy cậu con trai tỏ vẻ chú ý và rất thích thú với cây
đàn, bà Maria hỏi:
– Nếu con muốn tiếp tục được đánh đàn, hãy nghe mẹ chơi đoạn
nhạc ngắn này, rồi con thử đánh lại xem.
Tay trái giữ vai Mô-da, còn tay phải bà chạy trên những phím
đàn một giai điệu ngắn. Ngay khi giai điệu vừa kết thúc, bàn tay bé xíu của cậu
bé đặt lên phím đàn, không hề có chút ngập ngừng, cậu đánh lại giai điệu vừa xuất
hiện. Cậu chơi chính xác cứ như đã từng tập nó nhiều lần. Bà Maria lại chuyển
sang một giai điệu khác, lần này đó là một câu nhạc do bà tự nghĩ ra, Mô-da
cũng đánh lại chính xác. Rồi những câu tiếp theo, ngày càng trở nên dài hơn,
khó nhớ hơn, cậu bé cũng đánh lại được gần như là hoàn hảo. Đi từ ngạc nhiên
này đến ngạc nhiên khác, càng thử, bà Maria càng thấy được khả năng đặc biệt của
con trai mình.
Đến trưa, khi ông Lê-ô-pôn về nhà, việc đầu tiên, bà Maria gọi
ông đến bên cây đàn để cho ông chứng kiến khả năng đặc biệt của cậu con trai.
Bây giờ đến lượt ông bố ngỡ ngàng khi thấy con trai mình, mọi ngày chỉ bình thường
như những cậu bé khác, bỗng nhiên có những biểu hiện đặc biệt của một thiên tài
âm nhạc. Sau khi kiểm tra kỹ năng khiếu của con trai bằng những đoạn nhạc khá
hóc búa, ông tự hào nói với vợ: “Đó là một tài năng đặc biệt, rồi em xem, mai
đây, mọi người sẽ nhắc đến thằng bé nhà mình nhiều đấy”.
Điều đó đã sớm xảy ra, chỉ ít lâu sau, dưới sự hướng dẫn của
ông Lê-ô-pôn, hai đứa con của ông đã cùng nhau luyện tập đồng thời hai loại nhạc
cụ là violon và clavơxanh, chúng có thể biểu diễn độc tấu cũng như hòa tấu một
cách khá thuần thục. Trong khi người khác phải mất nhiều năm mới có thể học để
hoàn thiện kỹ thuật chơi một trong hai nhạc cụ này, thì chỉ trong hai năm, những
đứa con ông đã nắm được kỹ thuật trình diễn thành thạo, đặc biệt là Mô-da. Cậu
vừa có kỹ thuật tốt, có nhạc cảm và tỏ ra có tâm lý vững vàng trong khi biểu diễn.
Chính vì thế Mô-da thường được ông Lê-ô-pôn giới thiệu trong các cuộc trình diễn
âm nhạc ở San-buốc, sau đó là thành phố Viên - thủ đô nước Áo, và khắp các thành
phố lớn của Châu Âu.
Một buổi sáng trước khi đi làm, ông Lê-ô-pôn gọi Mô-da đến và
trao cho cậu một bản nhạc. Ông muốn con trai mang bản nhạc tới nhà ông chủ rạp
hát, đó là món quà của ông Lê-ô-pôn tặng con gái ông chủ rạp hát nhân dịp sinh
nhật cô bé.
Mô-da hiếm khi được ra khỏi nhà một mình, mọi cảnh vật trên
đường đều rất mới lạ với cậu bé. Trên đường tới nhà ông chủ rạp hát phải qua
dòng kênh nhỏ, Mô-da dừng lại trên thành cầu và ngắm nhìn không chán mắt cảnh
những chiếc thuyền trôi dưới dòng kênh. Bỗng làn gió mạnh thổi tới, bản nhạc rời
khỏi tay Mô-da và bay nhanh xuống dòng kênh.
Mô-da buồn bã quay về nhà, cậu chưa biết sẽ nói gì với cha về
chuyện vừa xảy ra. Ông Lê-ô-pôn đi làm chưa về. Mô-da ngồi vào đàn và chơi những
khúc nhạc ngắn, trong đầu cậu chợt lóe lên một suy nghĩ. Mô-da liền sáng tác một
bản nhạc và mang nó đến nhà ông chủ rạp hát, thay cho bản nhạc đã rơi xuống
dòng nước.
Hôm sau, ông Lê-ô-pôn tới chơi nhà ông chủ rạp. Trước khách mời,
ông này tươi cười nói với ông Lê-ô-pôn:
– Bản nhạc của bác hay tuyệt. Bác có muốn nghe lại không?
Lê-ô-pôn nhã nhặn cảm ơn. Con gái ông chủ rạp đàn những nốt
nhạc đầu tiên. Ông Lê-ô-pôn thoáng giật mình vì thấy đó không phải là khúc nhạc
của mình. Ông tiến lại gần cây đàn và nhìn vào bản nhạc. Quả thật như vậy, đó
không phải là bản nhạc của ông sáng tác, ông nhận ra những nốt nhạc được viết bởi
cậu con trai mình.
Bản nhạc kết thúc, những tiếng vỗ tay vang lên. Ông chủ rạp hồ
hởi nói:
– Đó là một khúc nhạc thật trong sáng và đáng yêu. Tôi và con
gái rất hài lòng khi nhận được món quà này của bác.
Khi về tới nhà, ông Lê-ô-pôn gọi Mô-da tới và hỏi xem chuyện
gì đã xảy ra. Cậu bé kể lại câu chuyện về bản nhạc rơi xuống dòng nước. Ông
Lê-ô-pôn không mắng cậu bé, ông chỉ xoa đầu con trai và nói:
– Con đã viết được khúc nhạc thật hay, cha tự hào vì điều đó.
Cha tin sau này con sẽ trở thành một nhạc sĩ lớn.
Lời tiên đoán của ông Lê-ô-pôn đã sớm trở thành sự thật. Ít
năm sau, Mô-da đã trở thành nhạc sĩ nổi tiếng khắp châu Âu và thế giới.
Câu chuyện trên xảy ra khi Mô-da mới 6 tuổi.
Vào thời kỳ đó, thành Viên là nơi tập trung của những nhạc sĩ
giỏi nhất thế giới, họ tìm đến đây để học tập, sáng tác âm nhạc và muốn khẳng định
khả năng, danh tiếng của mình. Vì thế Viên được coi là thủ đô của nền âm nhạc
Châu Âu, ở đây người dân rất yêu âm nhạc, thành phố có nhiều nhà hát, nhiều dàn
nhạc xuất sắc và các nhạc sĩ tài ba. Tuy nhiên nhờ tiếng tăm nổi như cồn của thần
đồng âm nhạc San-buốc, khi mới sáu tuổi, Mô-da đã cùng với chị gái được biểu diễn
âm nhạc trong hoàng cung của nước Áo. Buổi diễn này có mặt rất đông cận thần, đại
sứ các nước, có hoàng tử và công chúa tham dự và đặc biệt là sự có mặt của nữ
hoàng của nước Áo thời bấy giờ là Ma-ri-a Tê-rê-da. Phần đầu của buổi hòa nhạc
do hai chị em cùng chơi, hòa tấu bốn tay trên cây đàn clavơxanh, trình độ biểu
diễn của hai chị em đã đạt tới trình độ xuất sắc và nhận được sự tán thưởng rất
nhiệt tình của giới thượng lưu nước. Điều này không hề đơn giản, vì những người
ở đó đều có sự am hiểu về âm nhạc. Phần tiếp theo, Mô-da biểu diễn một mình những
khúc nhạc tùy hứng mà cậu ưa thích. Những âm thanh vang lên, một làn âm thanh
hòa quyện nhau như một dòng suối ùa ra tưởng chừng như bất tận, cung điện như
tràn ngập ánh sáng, tràn ngập hương thơm và màu sắc của vô vàn loài hoa trên thế
gian.
Khi tiếng đàn cuối cùng của Mô-da vừa tắt, nữ hoàng Tê-rê-da
giơ cao hai bàn tay lên, cả cung điện như thừa lệnh của nữ hoàng, cùng rền lên
những đợt vỗ tay tưng bừng, những lời ngợi khen ùa ra, tưởng như không thể dứt.
Một nhạc sĩ già, vóc người nhỏ nhắn, ăn mặc trang trọng, bước đến gần cậu, đặt
tay lên vai, nhìn thật lâu vào đôi mắt đang tập trung và gương mặt hơi tái đi
vì cảm xúc của cậu bé. Ông khẽ kêu lên:
– Không thể ngờ được! Thật là siêu phàm!
Nữ hoàng quay lại phía ông, nói gần như đáp lại lời ông:
– Đúng thế, ông Hay-đơn! Đây thật sự là một hiện tượng siêu
phàm!
Người đàn ông đứng đó, chính là nhạc sĩ Hay-đơn nổi tiếng và
vĩ đại của thành Viên, Ông cúi đầu, nói với Mô-da bằng một giọng trầm, như nói
với một người bạn tâm tình:
– Ta ngày xưa cũng đã sáng tác âm nhạc từ năm lên sáu đấy,
cháu ạ. Nhưng ta khổ cực lắm! Ta là đứa trẻ mồ côi, cháu hiểu không, tức là
không còn cha mẹ nữa ấy mà! Cháu giỏi lắm, nhất định cháu còn có khả năng tiến
rất xa.
Đúng lúc đó, hoàng tử Giô-dép, là con trai cả của Tê-rê-da, một
người cũng có nhiều năm học tập âm nhạc, tiến lại trao cho Mô-da một cây violon
và nói giọng thách thức:
– Cậu bé quê mùa, còn đủ sức chơi thêm một bản nữa không?
Mô-da nhìn thẳng vào mắt Giô-dép và đỡ lấy cây đàn. Sau khi
biểu diễn nhiều, cậu đã rất mệt. Lướt nhìn quanh như muốn tìm một hình ảnh nào
đó quen thuộc, ánh mắt cậu dừng lại trước công chúa út đang ngồi ngoan ngoãn
trên chiếc đệm gần nữ hoàng. Cô bé mặc áo xa-tanh mầu hồng, thêu thùa rất đẹp.
Cô có đôi mắt đầy thiện cảm, đang mở to nhìn Mô-da, trông cô giống như Lu-i-da,
người bạn thân thiết nhất của Mô-da đang sống ở San-buốc. Cảm giác đó làm Mô-da
vui hẳn lên, cậu nhắm mắt lại, nghiêng người, đưa chiếc ác-sê lướt trên dây
đàn, một dòng âm thanh óng mượt và trong vắt như từ trên trời buông xuống, trong
giây lát, căn phòng bỗng trở nên lặng tờ. Mô-da đã ứng tác bản nhạc thật hay,
thật bất ngờ mà không hề chuẩn bị trước. Khi tiếng nhạc dứt, cậu phải nghiêng
mình đáp lễ đến bốn năm lần mà tiếng hoan hô vẫn vang lên. Quay người lại phía
nữ hoàng định chào lần cuối, bỗng nhiên, Mô-da thấy choáng váng, mọi vật chao đảo,
cậu bước thêm một bước và ngã nhào xuống tấm thảm trên sàn.
Viên quan hầu đứng ở gần cửa kêu lên, vội bước tới, nhưng
công chúa út đã nhanh hơn, cô vụt nhảy khỏi chỗ ngồi, chạy lại đỡ Mô-da dậy.
Mô-da ngẩng đầu lên và nhìn thấy ánh mắt đầy ân cần, trìu mến đang nhìn mình
tha thiết.
– Lu-i-da!- Mô-da buột miệng kêu lên.
– Không phải Lu-i-da đâu! Tôi là Tô-ni! Mà thôi, cậu đừng xấu
hổ nhé! Cái sàn này trơn lắm. Mọi ngày chơi ở đây, tôi vẫn bị ngã luôn ấy mà!
Những lời an ủi giản dị, thân tình ấy làm Mô-da muốn khóc lên
vì cảm động. Cậu lập cập đứng thẳng dậy, không biết nói gì, nước mắt cứ định
trào ra. Công chúa nắm tay Mô-da dắt cậu lại gần chiếc ghế của Tê-rê-da, nữ
hoàng hỏi:
– Con có đau không?
Mô-da nhìn công chúa Tô-ni với ánh mắt biết ơn, trả lời:
– Con không sao ạ! Công chúa thật tốt bụng! Khi lớn lên, lệnh
bà cho cô ấy kết bạn với con được không ạ? Con thích sẽ được chơi thân với cô ấy!
Tô-ni nói ngay:
– Sao lại không? Thưa mẫu hậu, con cũng thích được chơi với cậu
nhạc sĩ này. Mẫu hậu sẽ đồng ý chứ?
Nữ hoàng Tê-rê-da trong lúc đang có tâm trạng phấn chấn liền
cười và nói vui:
– Để sau này ta nhận nó vào cung dạy nhạc cho con nhé! Sẽ tha
hồ mà kết thân với nhau!
Tức thì, công chúa Tô-ni vòng tay ôm hôn mẹ, trông cô bé có vẻ
rất sung sướng, còn Mô-da thì đứng ngây người không biết sao.
Nhưng về sau, tình bạn ấy chẳng bao giờ diễn ra, Mô-da không
thể hình dung nổi, công chúa Tô-ni xinh đẹp và tốt bụng ngày ấy, sau này lại trở
thành một hoàng hậu hết sức thâm hiểm của nước Pháp. Công chúa Tô-ni lớn lên,
trở thành hoàng hậu Ma-ri Ăng-toan-nét, một người có nhiều tham vọng, đầy quyền
hành và những mưu mô ghê gớm. Hai năm sau khi Mô-da qua đời, hoàng hậu Ma-ri
Ăng-toan-nét bị Tòa án Cách mạng Pháp xử tử vào năm 1793, cùng với chồng là nhà
vua Lu-y thứ 16.
Những ngày tháng Hai năm 1790 ở Viên rất lạnh giá. Gió rét
căm căm. Buổi tối, một làn sương mỏng bao trùm lên thành phố, càng tăng vẻ u
ám. Một cỗ xe ngựa mang biểu trưng hoàng gia nước Áo dừng lại trước cửa nhà
Mô-da, trong xe không thắp đèn, hai vị quan hầu của hoàng cung vội vã bước xuống,
chạy vội vào phòng Mô-da, gõ cửa. Mô-da đang ngồi sáng tác bên cây đàn dương cầm,
một ngọn nến lớn tỏa sáng trước mặt.
-Thưa nhạc sư- Viên quan hầu nói- Thánh thượng mệt nặng, Người
sai chúng tôi đến triệu ngài, xin hãy đi ngay cùng chúng tôi.
Mô-da ngạc nhiên đứng dậy, vội vàng mặc áo khoác, trở vào dặn
vợ- Công-xtăng mấy câu, rồi bước ra xe. Anh được đưa tới Suên-brun, lâu đài của
hoàng gia nước Áo.
Đêm lạnh lẽo mù mịt. Lối sỏi quen thuộc như đưa anh trở về
quá khứ của mình. Lòng buồn vui lẫn lộn, xen cả chút mệt mỏi, lo âu. Giô-dép cần
gì đến anh, một nhạc sĩ nghèo nàn, quẫn bách, trong đêm giá rét buồn bã này?
Mô-da được đưa tới một căn phòng lớn, có thắp những ngọn nến
to. Một chiếc giường rộng trải đệm màu trắng, trên đó là một người đàn ông khổ
người to lớn nhưng gầy guộc, khuôn mặt lúc thì đỏ vì sốt cao, lúc lại tái vì những
cơn đau. Mấy vị ngự y chăm sóc sức khỏe cho nhà vua, đang ngồi trên những chiếc
ghế nhỏ ở một góc, thì thầm trao đổi gì với nhau. Thấy Mô-da bước vào, họ đứng
dậy chào. Một người đến bên hoàng đế, thông báo, Mô-da được lệnh cho tiến lại gần.
Hướng về phía Mô-da, vua Giô-dép nói thều thào:
– Ta muốn anh đánh cho ta nghe những bản nhạc của anh, bản nhạc
nào thật ấm áp, yêu đời, bởi vì lúc này, ta đang phải đơn độc chiến đấu với thần
chết!
Mô-da cúi thấp người, tỏ ý tuân lệnh, những người hầu cận đẩy
chiếc đàn piano vào phòng. Ngồi xuống ghế, anh đặt tay lên phím đàn, nhớ lại
khúc nhạc tuổi thơ ấu mình hay dạo. Ngẩng mặt lên, anh thấy những bức chân dung
rất lớn treo trên tường. Có cả chân dung nữ hoàng Tê-rê-da và công chúa út
Tô-ni thời con gái. Anh bỗng quên đi không khí bệnh tật xung quanh, vẻ mặt khắc
khổ của nhà vua, quên đi những ánh nến lung linh như ma quái trên tường, quên
đi cả bao điều cay cực, bất công mà đời anh đã phải gánh chịu. Anh chìm vào
khúc nhạc tuyệt vời của mình. Âm thanh tràn khắp phòng như những tia lửa rực
sáng, ấm áp. Khúc nhạc tươi rói, mạnh mẽ, tuôn trào từ trong tâm hồn, lướt trên
những ngón tay, chứa đầy sức sống tuổi thanh xuân. Mô-da như đang nhìn thấy mùa
xuân đã xa rồi ở Viên, hoa táo và hoa mận nở trắng trong các khu vườn xanh mát,
màu nắng mai trên những ngọn tùng cao óng ánh, như những ngọn tháp nhọn dát đầy
vàng. Anh nhớ lại tuổi thơ kỳ diệu của mình, một thần đồng âm nhạc, khi ấy
Giô-dép đang còn là một thái tử đầy hiếu thắng, đã thách thức đưa cho anh cây
đàn violon để thử tài. Anh đã thắng cuộc, nhưng rồi chóng mặt ngã nhào xuống thảm,
và cô bé Tô-ni dịu dàng hồi ấy chưa là hoàng hậu nước Pháp, đã chạy đến nâng
anh dậy. Trí tưởng tượng và âm nhạc đưa anh đi mãi. Mô-da thấy lại mẹ anh, vẻ mặt
hiền hậu, thường thích ủ tay cho con bằng những củ khoai tây nướng nóng, trước
khi anh dạo đàn. Anh thấy lại chị Nan-nếc, hồi đó còn xinh đẹp, thông minh, còn
tài năng biết bao nhiêu! Và ông bố anh, ngày ấy đang tràn đầy nghị lực, vui vẻ
tự tin, dắt tay anh, đưa anh đi tới những ngả đường rộng mở trước ngưỡng cửa cuộc
đời.
Mô-da chợt choàng tỉnh khi nghe tiếng thở mạnh của vua
Giô-dép. Anh quay sang và nhìn thấy những giọt nước mắt đang lăn trên khuôn mặt
gầy guộc của đức vua.
– Hãy dừng lại, Mô-da, ta xin cảm ơn anh - Nhà vua nói chậm
rãi, nhưng rõ ràng, ngừng một lát, ông nói tiếp - Anh là người đã biết sống xứng
đáng, vì cái đẹp của cuộc đời! Còn ta, ta chỉ biết sống vì trật tự của nó! Ta
đã làm hết sức, nhưng tới phút này, trước khi nằm xuống, ta cũng chưa rõ đã đạt
tới mục đích hay chưa? Ta có tất cả, quyền lực, triều đình, quân đội, đất đai.
Còn anh, anh có trái tim và đôi tay như bao người khác. Nhưng biết đâu, những
thế kỷ sau, dân tộc áo sẽ đánh giá anh hơn cả ta! Ta chưa bao giờ có cảm giác
nhỏ bé trước quyền lực, những có những giây phút, ta thấy mình thật nhỏ bé trước
cái đẹp vĩnh cửu của cuộc đời.
Mô-da giữ yên đôi tay trên phím đàn, xung quanh là một sự im
lặng thiêng liêng. Anh hiểu là nhà vua đang thốt ra những lời tự thú của một
người đang hấp hối, không còn là lời nói của một ông vua, với kẻ thần dân nghèo
hèn. Trong thâm tâm anh vẫn kính trọng Giô-dép, đó là một ông vua có ý chí, có
hiểu biết và khao khát làm được những công việc vĩ đại. Ông muốn trở thành minh
quân, những có lẽ đã không đạt được. Hơn bao giờ hết, anh cảm thấy buồn rầu sâu
sắc, thậm chí còn thương hại ông ta, mặc dù đối với anh, đó là con người đang
có địa vị cao sang tột đỉnh.
Nhà vua Giô-dép qua đời ngày 20/2/1790. Những lời nói của
Giô-dép ngày ấy, đến nay đã trở thành sự thật, lịch sử đánh giá rất cao vai trò
của Mô-da. Mô-da là con người của cả nhân loại, trong khi Giô-dép chỉ là một
ông vua của nước Áo.
Vào một đêm tháng Năm, năm 1791, có một cơn mưa giông dữ dội
đổ xuống thành Viên. Ngôi nhà của Mô-da chìm trong im lặng khi mọi người đều đã
đi ngủ, anh bước xuống phòng khách để tắt ngọn nến cuối cùng. Chợt nghe thấy tiếng
gõ cửa khá mạnh, Mô-da thầm ngạc nhiên vì không hiểu trong đêm mưa to, gió lớn
lại rất khuya khuắt như thế này, người nào có việc gì mà tìm đến anh. Dừng ở giữa
phòng, nghe tiếng gõ vẫn vang lên, Mô-da do dự bước đến gần cánh cửa, tay cầm
ngọn nến, anh cất tiếng:
– Ai thế?
Lẫn trong tiếng mưa rơi, Mô-da vẫn nghe rõ tiếng người rành rọt:
– Xin hãy mở cửa? Tôi muốn gặp ngài Mô-da.
– Tôi đây, nhưng xin ông đi cho, đã khuya rồi lắm. Nếu có việc
gì, ngày mai mời ông quay lại.
– Thưa ngài, việc của tôi rất gấp, chỉ xin gặp ngài ít phút
thôi, tôi hứa sẽ không dám làm phiền ngài lâu.
Mô-da rất do dự những nghe lời nói khẩn thiết của người lạ,
anh kéo then cài, hé cánh cửa, nhìn ra bên ngoài. Đúng lúc ấy, một ánh chớp lóe lên, làm Mô-da nhìn rõ hình dáng người lạ mặt, khiến anh rùng mình lùi lại. Đó
là một người cao lớn, chắc phải là đàn ông, ông ta đội chiếc mũ che mưa rộng
vành, mặc trang phục toàn bộ bằng vải mầu đen. Ghê gớm hơn, nhờ ngọn nến và ánh
chớp lóe sáng, Mô-da còn thấy ông ta che mặt bằng chiếc khăn đen, dáng vẻ thật
lạ lùng, đặc biệt. Định khép cửa lại, nhưng không kịp, người lạ mặt đã giơ tay
giữ lấy cánh cửa, giọng nói của ông ta trầm xuống:
– Thưa ngài, xin đừng sợ, tôi có lý do để mang trang phục như
thế này. Nhưng đảm bảo với ngài, tôi sẽ không làm điều gì khiến ngài phải phật
ý. Hãy để tôi vào phòng, xin ngài hãy nghe tôi nói.
Nghe những lời này, Mô-da đã bình tâm lại đôi chút, khép cánh
cửa lại. Mô-da quay vào phòng và đối mặt với con người lạ lùng đó.
– Tôi xin được trao đổi với ngài câu chuyện của tôi trong
phòng riêng được không? Tôi muốn được giữ kín chuyện này.
– Tôi không có phòng riêng, vả lại mọi người trong nhà đã ngủ
hết rồi, có chuyện gì, xin ông nói ngay cho - Ngập ngừng rồi Mô-da hỏi- Ông có
muốn ngồi không?
Người lạ mặt quay người nhìn xung quanh, những giọt nước mưa
từ chiếc mũ rộng vành của ông ta bắn ra thành một vòng. Tiến lại gần hơn một bước,
ông ta nói khẽ:
– Tôi xin được vào ngay câu chuyện của tôi. - Dừng lại, ông ta
nói tiếp - Để giữ bí mật cho việc này, xin ngài đừng để ý đến cách ăn mặc của
tôi. Thưa nhạc sĩ, tôi cũng làm nghề sáng tác âm nhạc, tôi làm việc đó cho một
nhà thờ ở cách xa vùng này. Thưa ngài, tôi có một gia tài lớn, nhưng tôi mới mắc
phải một căn bệnh nguy hiểm, căn bệnh đã đến giai đoạn cuối và thời đại này
chưa có cách chữa. Bác sĩ nói, có thể tôi chỉ sống được ít ngày nữa. Vậy là tôi
sẽ chết mà không để lại dấu ấn gì cho cuộc đời, những bản nhạc tôi viết, chưa
bao giờ gây được tiếng vang nào cả. Xin hãy nhận lời cho tôi việc này. Hãy viết
một bản nhạc và bán nó cho tôi, tôi biết ngài đang rất khó khăn, nhưng với số
tiền của tôi, ngài sẽ vượt qua được những khó khăn đó.
– Tại sao ông lại chọn tôi? Ông cần bản nhạc như thế nào?
– Bởi vì ngài đang là người giỏi nhất? Tôi cần một Khúc cầu hồn
(Requiem). Hãy viết một bản cầu hồn thật đặc biệt, có 12 chương. Làm nhanh cho
tôi, đừng để bất kỳ ai biết và ngài sẽ nhận được những gì xứng đáng.
Trên bàn tay đi găng tay mẫu đen của người đàn ông kia, từ
lúc nào đã xuất hiện một túi tiền, bước thêm vài bước, ông ta đặt nó lên bàn. Rồi
ông ta đi ra cửa, quay lại, nói bằng giọng nhẹ nhàng, nhưng rất rõ:
– Xin hãy giữ kín cho. Một bản cầu hồn có 12 chương. Ông ta
kéo cửa và bước vào màn đêm.
Gió lạnh thổi ùa vào, Mô-da vội bước lại, đóng cánh cửa, anh
nhìn ra ngoài, thấy cỗ xe ngựa đang lăn bánh rất nhanh giữa trời mưa, anh ngạc
nhiên vì chẳng nghe thấy cả tiếng vó ngựa.
Mô-da quay vào và ngồi xuống ghế, im lặng hồi lâu, anh bỗng cảm
thấy mệt mỏi rã rời, mọi việc diễn ra như một giấc mơ, Mô-da thầm nghĩ. Nhưng
nhìn thấy túi tiền nằm nghiêng trên bàn, anh thở dài, vì hiểu rằng đó không phải
là giấc mơ mà là sự thật.
Với khoản tiền 50 đuy-ca đó, gia đình Mô-da đã có điều kiện
trang trải, mua sắm những vật dụng cần thiết. Nhưng kể từ hôm đó, hình ảnh về
con người lạ mặt và yêu cầu lạ lùng của ông ta cứ ám ảnh Mô-da mãi. Vội vàng
hoàn thành xong những bản nhạc khác đang viết dở, Mô-da suy nghĩ và bắt đầu viết
khúc nhạc cầu hồn, với cảm giác như mình đang mắc vào một món nợ rất lớn. Hình ảnh
người đàn ông lạ mặt thường xuyên xuất hiện trong tâm trí của Mô-da và anh liên
tưởng đến ông ta giống như thần chết đang đến đòi nợ mình. Rồi có những khi anh
tự hỏi, mình đang viết khúc cầu hồn này cho ai, cho con người lạ lùng đó hay để
cầu hồn cho chính mình. Sức khỏe của anh trước đây đã rất yếu, lại càng suy sụp
đi từ đó.
Người lạ mặt còn quay lại thêm hai lần nữa, vẫn vào những lúc
đêm rất khuya, và vẫn với bộ trang phục kỳ quái của mình. Ông ta tỏ vẻ hài lòng
với những ý tưởng và những khúc nhạc Mô-da đã viết xong, nhưng vẫn hối thúc anh
phải làm nhanh hơn nữa. Mô-da nhận được số tiền lớn hơn so với lần trước, và nhờ
thế, vợ anh là Công-xtăng có điều kiện đi chữa bệnh.
Những ngày cuối đời, Mô-da đã làm việc với mức độ phi thường,
anh dồn sức vào việc hoàn thành bản cầu hồn, anh muốn đó sẽ là một bản nhạc vĩ
đại. Tuy mang tính chất cầu hồn, nhưng bản nhạc phải toát lên tấm lòng yêu cuộc
sống, yêu con người bi thiết, bản nhạc mà Mô-da có dự cảm là đang đang dành cho
chính bản thân mình.
Đêm 19/11/1791, khi Mô-da mới chỉ viết hết chương thứ tám
trong bản cầu hồn, một cơn sốt nặng ập đến, tay và chân anh cứng lại, cử động rất
khó khăn, nhưng trí tuệ vẫn rất minh mẫn. Ý nghĩ đau khổ và bất lực vì phải bỏ
lại trên đời một gia đình nghèo túng, bơ vơ, làm Mô-da day dứt không nguôi.
Ngày 3/12, biết mình đã đi đến chặng cuối của cuộc đời, nằm
trên giường bệnh trong nhà, Mô-da cho gọi Đuy-xmay-ê là người học trò thông
minh và đáng tin cậy nhất đến. Đưa Đuy-xmay-ê tập bản thảo khúc cầu hồn, anh đã
kể lại cho người học trò nghe toàn bộ câu chuyện về sự ra đời của bản nhạc này.
Mô-da nhờ Đuy-xmay-ê viết nốt bốn chương còn lại để hoàn tất bản nhạc, anh hướng
dẫn Đuy-xmay-ê viết theo phác thảo và ý đồ của mình và dặn, nếu người lạ mặt đó
tìm đến, hãy đưa trả bản nhạc và không nhận thêm tiền của ông ta nữa.
Mô-da qua đời vào ngày 5/12/1791. Nhớ lời thầy dặn, sau đó
Đuy-xmay-ê đã viết tiếp bốn chương còn lại của bản nhạc này một cách khá xuất sắc.
Giữ bản nhạc này một thời gian, Đuy-xmay-ê dặn vợ Mô-da rằng, nếu thấy người
đàn ông nào đến đòi bản cầu hồn, hãy chỉ ông ta tới gặp Đuy-xmay-ê. Chờ đợi
mãi, nhưng con người bí ẩn đó đã không xuất hiện, có thể ông ta sợ câu chuyện bị
vỡ lở, hoặc có thể ông ta đã chết trước Mô-da. Cuối cùng, Đuy-xmay-ê đưa trả bản
nhạc cho vợ Mô-da là Công-xtăng, và kể lại tất cả. Về sau, bản nhạc được gửi tới
nhà in và vẫn giữ tên tác giả là Mô-da. Câu chuyện từ đó lan rộng ra và người
ta thường đặt câu hỏi. Trong cuộc đời mình, Mô-da đã bán bản nhạc nào chưa, hay
Khúc cầu hồn là bản duy nhất Mô-da định bán và chưa thực hiện được. Dù sao, bản
Khúc cầu hồn vẫn là sáng tác cuối cùng của nhạc sĩ vĩ đại, và nó xứng đáng là một
kiệt tác trong nền âm nhạc thế giới.
Đến những phút cuối trong đời, Mô-da vẫn khăng khăng từ chối
không để thầy tu đến rửa tội. Trái lại ông chỉ ao ước: “Trời ơi! Giá có ai kịp
đánh cho tôi được nghe một đoạn nhạc trong vở Cây sáo thần của tôi, thì hay
quá!“.
Nhạc trưởng Rô-xne là bạn của Mô-da, đêm ấy, mới ở buổi biểu
diễn vở nhạc kịch Cây sáo thần, từ nhà hát trở về, rẽ vào thăm Mô-da và kể cho
ông nghe kết quả của đêm biểu diễn. Mô-da nhắc lại đề nghị và Rô-xne ngồi ngay
xuống chiếc piano, đánh cho ông nghe bản tình ca của chàng Pa-pa-ghê-nô, chàng
nông dân hiền lành và vui tính. Tiếng đàn vang lên, những âm thanh ríu rít, vui
vẻ như nhảy nhót trong thinh không, và Mô-da hài lòng thiếp đi trong nụ cười.
Đêm ấy, ông mê sảng trong cơn sốt cao và không tỉnh lại được nữa. Lúc mười hai
giờ đêm, khi tiếng chuông nhà thờ Xanh Ê-chiên vẳng lại, ông bừng tỉnh, mở mắt,
nhưng cái nhìn đã trở nên trống rỗng, như nhìn vào cõi hư vô. Ông nhắm mắt lại
như ngủ, yên lặng, không kêu rên một lời, và lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng vào
rạng sáng ngày 5/12/1791.
Cái chết của Mô-da là một tổn thất nặng nề với nền âm nhạc của
nước Áo và với thành Viên, nhạc sĩ vĩ đại này qua đời khi đang trong giai đoạn
sung sức nhất của sự nghiệp sáng tác âm nhạc. Tuy nhiên, do không cộng tác và
có những bất đồng với giáo hội lúc còn sống, vị tổng giám mục nhất định không
cho phép chôn thi hài của Mô-da ở nghĩa trang chính trong thành phố. Gia đình
buộc phải an táng thi hài của ông ở nghĩa trang Xanh Mac, một nghĩa trang dành
cho người nghèo, nôi chôn cất những kẻ lang thang, cơ nhỡ. Đó lại là một sự bất
công nữa dành cho Mô-da, sau bao nhiêu điều tốt đẹp ông đã để lại cho cuộc sống.
Buổi chiều ngày 6/12, mây đen và giá lạnh bao phủ khắp bầu trời,
không khí u tối và ảm đạm lạ lùng. Vì rất yếu, nên vợ Mô-da không thể đi đưa
tang chồng. Bà phải nhờ những người bạn và học trò của Mô-da lo liệu giúp. Lúc
đầu, khi đám tang rời khỏi ngôi nhà của Mô-da, chầm chậm đi trên các đường phố,
có rất đông người đi theo linh cữu, họ muốn được tiễn biệt người nhạc sĩ tài
năng nhất của thành Viên, con người mà họ mến mộ, yêu quí. Nhưng thời tiết hôm
đó quá khắc nghiệt, trước khi cỗ xe bắt đầu chuyển bánh, bão tuyết đã nổi lên.
Vì thế, cỗ xe tang do ngựa kéo, càng tiến về phía ngoại ô, số người đi theo
ngày càng thưa dần. Khi chiếc xe vượt qua chiếc cầu, ranh giới giữa nội thành
và ngoại thành, Đuy-xmay-ê và những học trò khác của Mô-da quay đầu nhìn lại, họ
thấy số người đi theo chỉ còn rất ít. Sang tới ngoại ô, cỗ xe phải tiếp tục lăn
bánh trên con đường lầy lội, gập ghềnh, hai bên đường chỉ có những cánh đồng
hoang, hiu quạnh. Giông bão ở đây còn dữ dội hơn nhiều so với trong thành phố,
tuyết bay mù mịt khắp nơi, đến nỗi chỉ đứng cách nhau vài mét đã không nhìn rõ
mặt. Chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa là vào tới nghĩa trang, bỗng nhiên chiếc
xe sa xuống vũng lầy, không thể đi tiếp được nữa. Người thì đẩy, người thì kéo,
người thì thúc ngựa, nhưng đường quá trơn nên cỗ xe chẳng hề nhúc nhích. Có ai
đó chợt nghĩ ra, đề nghị mọi người tạm tìm chỗ trú mưa, đợi mưa gió ngớt đi, sẽ
mang thi hài của Mô-da vào trong nghĩa trang chôn cất.
Tất cả nhanh chóng tản ra tìm chỗ trú mưa, để lại cỗ xe nằm
giữa đường, nhưng quanh đó chẳng có chỗ nào có thể dừng chân được. Trời bắt đầu
sâm sẩm tối, tiếng gió rít và tiếng tru của những con chó hoang vẳng lại nghe
ghê rợn, ngay cả những cái cây mà mọi người chạy đến để trú chân cũng bị vặn vẹo,
nghiêng ngả. Không thể tiếp tục đứng như thế được nữa, họ bảo nhau chuyển thi
hài Mô-da vào trong nghĩa trang chôn cất, để có thể sớm quay về thành phố. Mọi
người cất tiếng gọi nhau và cùng chạy lại cỗ xe ngựa. Đến nơi, họ vô cùng ngạc
nhiên vì không hiểu bằng cách nào, cỗ xe đã vượt qua vũng lầy và để tới cổng
nghĩa trang, nhưng trên xe ngựa, thi hài của Mô-da không còn nữa. Chỉ thấy đôi
ngựa đang dậm chân, vùng vẫy, có vẻ rất bồn chồn, sợ sệt. Những người phu đào
huyệt hỏi nhau, xem ai mang quan tài vào nghĩa trang hay chưa. Nhưng tất cả
cùng quả quyết, không ai làm việc đó, vả lại trong lúc mưa bão dữ dội như thế
thì chẳng ai có thể làm nổi. Hai người học trò của Mô-da chạy vào trong nghĩa
trang để tìm kiếm, sau ít phút họ quay ra và nói, không phát hiện ra điều gì
trong đó.
Cuối cùng thì mọi người cũng chẳng muốn ở lại, để tìm hiểu
xem chuyện gì đã xảy ra. Họ giục nhau mau chóng quay trở về, giống như tháo chạy
khỏi nơi mưa gió, quạnh hiu và bí ẩn này. Những ngày tiếp theo, bão tuyết và
giông tố liên miên, chẳng ai lai vãng đến nghĩa địa nữa. ít lâu sau, vài học
trò thân tín của Mô-da cùng vợ ông có quay lại nghĩa trang để tìm hiểu thêm, họ
có hỏi những người phu đào huyệt, những tất cả đều lắc đầu, không thể giải
thích được điều gì đã xảy ra.
Từ đó đến nay, đã có bao nhiêu cuộc tìm kiếm ngôi mộ của
Mô-da, nhưng không đạt được kết quả. Thi hài của Mô-da có thể đã được trả về với
đất, hòa lẫn với cát bụi, hoàn toàn vô danh, vô tăm tích, giống như bao nhiêu
người chết nằm trong nghĩa địa này.
Sau này, khi tên tuổi Mô-da ngày càng trở nên nổi tiếng, tại
nghĩa trang Xanh Mac, người ta đã xây dựng một ngôi mộ rất đẹp để tỏ lòng biết
ơn nhạc sĩ tài năng này. Ngày ngày, những người từ khắp nơi trên thế giới đến
đây, họ đặt lên mộ ông những bó hoa tươi thắm và cùng im lặng, như muốn để nghe
thấy những điệu nhạc tuyệt vời của ông. Tuy nhiên, trong ngôi mộ trang trọng đó
không có thi hài của Mô-da. Ngôi mộ đặc biệt đó cũng giống như bao nhiêu điều đặc
biệt khác trong cuộc đời Mô-da, mãi nhắc nhở chúng ta không quên được một tài
năng âm nhạc kiệt xuất trong lịch sử nhân loại.
3. Kể chuyện về Bét-tô-ven (1770-1827) - Thần sấm bất tử
của cảm xúc và sức mạnh
Lút-vích van Bét-tô-ven (Ludwig van Beethoven) là nhạc sĩ
thiên tài người Đức, người được mệnh danh ”Vị đại tướng của các nhạc sĩ”. Ông
là người kết thúc chủ nghĩa âm nhạc Cổ điển Viên bằng một dấu chấm tròn chĩnh,
đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời chủ nghĩa Lãng mạn. Những tác phẩm âm nhạc
của Bét-tô-ven được V. I. Lê-nin yêu thích hơn so với sáng tác của nhiều nhạc
sĩ khác, bởi vì âm nhạc của Bét-tô-ven mang tính chiến đấu rất cao. Bét-tô-ven
cũng đã nói rõ về mục đích âm nhạc của mình: “Âm nhạc cần phải làm cho ngọn lửa
trong tâm hồn kiên cường bùng cháy!”. Mỗi lần khi nghe nhạc Bét-tô-ven, Lê-nin
thường nhận xét “Có lẽ không thể nói vào đâu được nữa!”, Người thường khuyên vợ
là Kơ-rúp-xcai-a và những người thân cận nên dành thời gian để nghe nhạc của
ông. Trong toàn bộ sáng tác âm nhạc của Bét-tô-ven, Lê-nin đặc biệt yêu thích bản
Sô-nát số 23 viết cho đàn piano được gọi là Áp-pa-si-ô-na-ta. Bản nhạc là thiên
trường ca diễn tả hoàn hảo và sâu sắc về lòng dũng cảm của con người vươn tới
chiến thắng vinh quang qua cuộc đấu tranh gian khổ. Một lần khi nghe bản nhạc
này, Lê-nin xúc động nói: “Tôi không biết còn tác phẩm nào có thể hay hơn
Áp-pa-si-ô-na-ta, tôi sẵn sàng nghe lại bản nhạc này bất cứ lúc nào. Âm nhạc thật
là tuyệt vời, quá sức người. Tôi luôn tự hào và có lẽ hơi ngây thơ khi nghĩ rằng,
đấy, con người có thể làm nên được những điều kỳ diệu biết bao!”. Câu nói trên
được M. Goóc-ki ghi lại và trở thành câu nói bất hủ, một lời nhận xét mẫu mực về
những tác phẩm âm nhạc của thiên tài Bét-tô-ven.
Bét-tô-ven sinh ngày 17 tháng 12 năm 1770 tại thành Bon ở nước
Đức, trong gia đình có truyền thống âm nhạc. Từ nhỏ, Bét-tô-ven tỏ ra có tài
trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Song vì không được học hành có hệ
thống và sớm phải tự lo liệu cho cuộc sống, cuộc đời gặp nhiều khó khăn và bất
hạnh, về sau lại phải đảm đương cả gánh nặng gia đình. Mặc dù rất tài năng
nhưng đến năm 28 tuổi, ông mới là nhạc sĩ nổi tiếng châu Âu.Nhà soạn nhạc sinh ra từ lửa Vào tháng Năm 1787, chàng thanh niên Bét-tô-ven lần đầu rời
xa quê hương sang thành Viên (nước Áo) với mục đích tìm gặp Mô-da để xin học
sáng tác âm nhạc. Bét-tô-ven mang theo lá thư của Van-stai, ông này là thầy dạy
Bét-tô-ven đồng thời cũng là nhạc sĩ quen biết với Mô-da.
Khi đến Viên và tìm được nơi ở ổn định, một buổi sáng
Bét-tô-ven tìm đường đến nhà Mô-da và gõ cửa (người Đức và Áo đều dùng chung
ngôn ngữ). May là hôm đó Mô-da đang ở nhà. Mô-da mở cửa và trông thấy một chàng
thanh niên dáng người khỏe mạnh, ánh mắt sáng đầy nhiệt tình. Bét-tô-ven khiêm
tốn hỏi:
– Thưa ông, tôi xin được gặp nhạc sĩ Mô-da.
– Chào anh, tôi là Mô-da, có việc gì vậy?
– Thưa nhạc sư- Bét-tô-ven rút ra lá thư từ trong túi - Tôi đến
từ thành Bon và mang theo thư giới thiệu của nhạc sĩ Van-stai.
Mô-da mời Bét-tô-ven vào nhà, anh ngồi xuống ghế, im lặng
quan sát căn phòng lúc Mô-da đọc thư của Van-stai. Trong phòng, ngoài Mô-da và
Bét-tô-ven lúc đó còn có hai chàng thanh niên, họ là học trò của Mô-da và đang
chăm chú làm những bài tập hoà âm.
Mô-da quay lại chỗ Bét-tô-ven khi đọc xong bức thư.
– Chàng trai, vậy là anh theo học với Van-stai đã lâu, như lời
ông ấy nói, anh rất có năng khiếu âm nhạc. Có thể cho tôi biết anh đã học được
những gì không?
Vào thời đó, Mô-da là nhạc sĩ nổi tiếng bậc nhất thành Viên.
Mặc dù cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về tài chính, nhưng không phải
ai xin học âm nhạc, Mô-da đều đồng ý. Trước khi nhận học trò, Mô-da luôn kiểm
tra năng khiếu âm nhạc rồi mới quyết định có đồng ý dạy hay không. Mô-da từng
chứng kiến, những ông bố dẫn con đến xin học, đều khẳng định con họ có tài năng
về âm nhạc, nếu được Mô-da hướng dẫn chắc chắn sẽ trở thành những nhạc sĩ danh
tiếng. Nhiều lần Mô-da phải từ chối vì thất vọng khi chứng kiến những khả năng
nghèo nàn của các cậu bé tự nhận là thần đồng đó.
Cũng với sự nghi hoặc đó, Mô-da mời Bét-tô-ven lại cây đàn
piano, mở nắp đàn và nói:
– Chàng trai, hãy lựa chọn và chơi bản nhạc nào mà cậu thích
nhất!
Hồi hộp ngồi xuống ghế, rụt rè để đôi tay lên phím đàn,
Bét-tô-ven bắt đầu chơi bản nhạc mà anh đã chuẩn bị kỹ càng, bản nhạc đòi hỏi kỹ
thuật trình diễn công phu, phức tạp. Qua sự lúng túng ban đầu, Bét-tô-ven chơi
nhạc say sưa và đầy cảm hứng, anh thầm hy vọng Mô-da sẽ đánh giá cao về kỹ thuật
của mình. Nhưng ngược lại, Mô-da tỏ ra không chú ý tới điều đó. Sau một lúc đứng
bên cây đàn, Mô-da nhanh chóng nhận ra khả năng và kỹ thuật trình diễn của người
thanh niên. Điều đó chưa đủ sức thuyết phục Mô-da vì từ khi còn bé, ông đã thực
hiện thành thạo những kỹ thuật này. Trong khi Bét-tô-ven mải miết đánh đàn, thậm
chí Mô-da còn bước lại phía người học trò và hướng dẫn anh ta điều gì đó.
Vẫn tiếp tục chơi đàn nhưng Bét-tô-ven cảm thấy tủi thân khi
Mô-da không thật sự quan tâm đến mình. Bản nhạc kết thúc, Bét-tô-ven vẫn ngồi
yên lặng, lo ngại chờ Mô-da đưa ra lời nhận xét.
– Được đấy chàng trai, anh có nhạc cảm và kỹ thuật tốt, hãy
kiên nhẫn luyện tập, có thể anh sẽ trở thành một nhạc công piano giỏi đấy.
Nhạc công ư? Bét-tô-ven lặn lội từ Bon sang đây đâu phải với
mục đích trở thành một nhạc công, anh muốn Mô-da hướng dẫn sáng tác âm nhạc.
Tâm hồn Bét-tô-ven đầy ắp khát vọng, bao nhiêu cảm xúc và những điều muốn nói,
nhưng có lẽ chỉ âm nhạc mới giúp anh diễn tả được điều đó. Thoáng thất vọng,
nhưng Bét-tô-ven vẫn kiên trì:
– Thưa nhạc sư, tôi mong muốn được ngài hướng dẫn về cách thức
sáng tác âm nhạc. Ngài có thể ra một chủ đề để tôi ứng tác được không?
Thấy vẻ nhiệt tình của Bét-tô-ven, Mô-da suy nghĩ giây lát rồi
nói:
– Được chứ, anh hãy phát triển chủ đề này xem!
Vào thời gian đó, một nhạc sĩ giỏi phải thể hiện được ba yêu
cầu. Thứ nhất, phải biểu diễn xuất sắc những bản nhạc đang thịnh hành, thứ hai,
phải sáng tác và biểu diễn thuần thục bản nhạc của mình. Thứ ba, người nhạc sĩ
phải có khả năng ứng tác trên nhạc cụ, đây là yêu cầu rất khó với người sáng tạo
nghệ thuật. Ứng tác âm nhạc là khi nghe một câu nhạc bất kỳ, người nhạc sĩ phải
lập tức sáng tác trên cây đàn thành bản nhạc được trình bày hoàn chỉnh.
Mô-da đánh trên đàn piano một câu nhạc ngắn, nét nhạc mềm mại,
tươi sáng thể hiện tính cách và đặc điểm âm nhạc của ông.
Khi tay Mô-da rời khỏi phím đàn, Bét-tô-ven có một thoáng suy
nghĩ, liền đó anh đàn lại chủ đề âm nhạc vừa nghe và tự tin ứng tác các câu nhạc
kế tiếp, đây là thế mạnh của Bét-tô-ven. Hàng ngày ở Bon, Bét-tô-ven thường hay
ứng tác các chủ đề âm nhạc và thật sự có năng khiếu về lĩnh vực này. Anh thể hiện
đầy cảm hứng chủ đề âm nhạc của Mô-da và không ngờ, bản nhạc gây nên sự ngạc
nhiên với nhạc sĩ nổi tiếng. Bây giờ thì Mô-da không còn lơ đãng như lúc trước
nữa mà đang bị cuốn hút bởi khả năng của chàng trai. Từ chủ đề âm nhạc của
Mô-da với sự hồn nhiên, tươi tắn, được tâm hồn cháy bỏng của Bét-tô-ven biểu hiện
qua tiếng đàn, bản nhạc đã chuyển dần sang một hướng đi mới, rất táo bạo và mới
lạ. Ngôn ngữ âm nhạc lúc này khác nhiều so với câu mở đầu, bản nhạc mà
Bét-tô-ven đang chơi thể hiện một sự bùng nổ đến mức chói sáng. Mô-da bất ngờ
vì khả năng ứng tác tuyệt vời cũng như ngôn ngữ âm nhạc táo bạo của Bét-tô-ven.
Cả những học trò của Mô-da từ lúc nào đã không còn ngồi yên nữa, họ bước lại gần
cây đàn và chứng kiến nhạc sĩ bậc thầy Mô-da thử tài chàng thanh niên mới xuất
hiện, họ sửng sốt và im lặng. Một chàng trai khoảng mười bảy tuổi vừa tới thành
Viên, đang chinh phục nhạc sĩ giỏi nhất thế giới. Khi đoạn nhạc lên đến cao
trào, dòng âm thanh bùng nổ, không dấu được cảm xúc, Mô-da bất giác đưa bàn tay
vỗ nhẹ lên trán như khám phá ra điều gì, nét mặt ông dãn ra biểu lộ sự mãn nguyện.
Bản nhạc kết thúc hồi lâu mà sự ngạc nhiên vẫn chưa hết, mọi
người dường như vẫn đang chìm trong dòng chảy của âm thanh, chưa thoát ra để trở
về với thực tại. Cả Bét-tô-ven cũng lặng yên như đang chờ đợi lời phán xét của
Mô-da. Giây phút đó kéo dài khá lâu vì Mô-da chưa tìm được lời nói để diễn tả
tâm trạng của mình, ông đặt nhẹ bàn tay lên vai Bét-tô-ven:
– Chàng trai, hãy nhắc lại tên anh lần nữa.
– Thưa nhạc sư, tôi là Lút-vích Van Bét-tô-ven.
– Bét-tô-ven ư? Hãy nghe lời tôi- Mô-da nói rành rọt tựa như
đang nói với chính mình- Có lẽ anh chẳng phải học thêm gì nữa. Hãy vững tin đi
theo con đường mà anh chọn, tôi thấy một ngày không xa, lịch sử âm nhạc sẽ nhắc
đến tên anh với cả lòng kính trọng.
Bàng hoàng vì lời nói tốt đẹp đó, Bét-tô-ven cảm thấy tự hào,
không còn sự e dè nữa, anh hỏi:
– Thưa nhạc sư, vậy ngài sẽ hướng dẫn tôi cách sáng tác âm nhạc
chứ ạ?
– Chúng ta sẽ nói chuyện đó sau - Mô-da trả lời nhũn nhặn.
Thế là trong lần gặp gỡ đầu tiên đó, Mô-da đã nhận thấy một
thiên tài âm nhạc đang tiềm ẩn trong con người Bét-tô-ven. Vì sắp có chuyến đi
biểu diễn xa, Mô-da hẹn gặp Bét-tô-ven khi ông quay lại thành Viên. Điều đó làm
Bét-tô-ven thấy rất vui lúc anh trên đường trở về nhà trọ.
Tiếc rằng, đó là lần gặp gỡ duy nhất giữa hai nhạc sĩ thiên
tài trong lịch sử âm nhạc. Không thể ở lại thành Viên khi Bét-tô-ven nghe tin mẹ
ốm nặng, anh vội trở về quê hương nhưng người mẹ thân yêu đã qua đời. Vẫn thiết
tha mong được Mô-da dạy bảo, Bét-tô-ven lại sang Viên lần nữa, nhưng lần này
Mô-da không có mặt, ông về quê hương để chịu tang cha. Cứ như vậy, khi người
này đến Viên thì người kia lại vắng mặt, điều đó làm Bét-tô-ven cảm thấy hối tiếc
khi chưa được Mô-da trực tiếp dạy bảo.
Sau đó ít lâu, một tin dữ làm giới nghệ thuật thành Viên sửng
sốt. Mô-da đã qua đời ngày 5 tháng 12 năm 1791, trong lúc đang viết dở bản
Requiem, Bét-tô-ven đau buồn khôn xiết và luôn than phiền về nỗi bất hạnh của
mình là đã không được học người thầy vĩ đại ấy.
– Không bao giờ, không bao giờ tôi lại có thể thấy một nhạc
sĩ thiên tài đến vậy!
Bét-tô-ven đau buồn thốt lên khi anh được tin về cái chết của
Mô-da.
Sau khi không có điều kiện được học với Mô-da, Bét-tô-ven có
dịp làm quen và được Hay-đơn, một nhạc sĩ nổi tiếng người Áo hướng dẫn. Nhạc sĩ
này đã có thời gian dạy âm nhạc cho Mô-da, ông được coi là cha đẻ của nhạc giao
hưởng vì trong cuộc đời mình, Hay-đơn đã viết được 104 bản giao hưởng. Tuy
nhiên do khác biệt về tính cách cũng như quan điểm âm nhạc, Bét-tô-ven không tiếp
thu được nhiều kiến thức từ Hay-đơn.
Một buổi tối năm 1794, tại nhà hoàng thân Lích-nốp-xki, một
người bảo trợ của Bét-tô-ven, tác phẩm đầu tiên có giá trị được trình diễn. Gọi
là đầu tiên bởi vì nó mang ký hiệu “Ô-pút số 1”. Điều đó chứng tỏ Bét-tô-ven
coi những gì anh viết trước đó không đặc sắc lắm.
Trong phòng hòa nhạc lộng lẫy của dinh thự, Bét-tô-ven ngồi
trước cây đàn piano, với dáng vẻ xúc động. Mặc dù đã được những thính giả quen
thuộc ấy hâm mộ, nhưng lần này anh đến với họ không phải ở cương vị một người
chơi đàn giỏi, mà với tư cách một nhà sáng tác âm nhạc. Biết bao nhiêu lần, giới
quý tộc ở đây đã từng nghe nhạc của Mô-da và Gơ-luých rồi. Trong căn phòng này,
những kỷ niệm về hai bậc thiên tài ấy như còn đang phảng phất đâu đây. Cả
Hay-đơn nữa, nhạc sĩ bậc thầy mà ai cũng thừa nhận, đang ngồi bên cạnh nhạc sĩ
Xa-lia-ri. Hai người dù lớn tuổi và ăn mặc theo lối cổ, vẫn có dáng điệu trẻ
trung. Với sự hiếu kỳ, họ đang chờ nghe tác phẩm của chàng trai, có tài thật đấy
nhưng kỳ quái làm sao!
Căn phòng lặng đi khi Bét-tô ven chơi đàn, hai bản nhạc nối
tiếp nhau vang lên. Chúng chịu ảnh hưởng của Hay-đơn và được sáng tác theo
khuôn mẫu quen thuộc, hai bản này được hoan nghênh nhiệt liệt. Bản thứ ba, ngược
lại, đã toát ra phong cách mới lạ đối với người nghe. Lần này, thính giả chia
làm hai phái, những người nhiều tuổi chau mày, quay sang nhìn nhau thăm dò,
trong khi giới trẻ tỏ ra rất thích thú. Mọi người im lặng chờ xem, Hay-đơn sẽ
nói gì?
Hay-đơn đến bên người học trò và hết lời khen ngợi hai bản nhạc
đầu tiên. Sau đó ông cúi xuống và nói nhỏ:
– Anh bạn trẻ, nếu anh tin tôi thì hãy từ từ, chưa nên xuất bản
bài thứ ba vội. Hơi đột ngột quá đối với thính giả!
Một người khác đã đến và cắt ngang câu chuyện và cả câu trả lời
của Bét-tô-ven. Nhưng qua ánh mắt ngỡ ngàng mà anh đang ngước nhìn theo người
thầy cao tuổi, người ta đã hiểu được ý nghĩa của chúng.
– Ông già ghen tỵ! Anh làu bàu một mình.
Sau đó ít lâu, cũng tại nhà Lích-nốp-xky, Bét-tô-ven đã kính tặng
vị nhạc sư của mình ba bản Sô-nát viết cho đàn piano. Đó là bản Sô-nát mang ký
hiệu “Ô-pút số 2” để tặng Hay-đơn. Hay-đơn nhận sự đề cao ấy, nhưng phật ý vì
Bét-tô-ven không chịu chú thêm dưới chữ ký “ Học trò của Hay-đơn”, ông mỉm cười
nói với anh:
– Anh không thiếu tài năng, nhưng còn phải học thêm!
– Nhưng không phải lúc nào cũng học với ông ấy. Bét-tô-ven đi
lại gần và nói với một người bạn đang đứng trong góc phòng- Bởi vì ông ấy đã
bao giờ dạy cho mình điều gì đâu!
Tuy vậy, va chạm nhỏ ấy không dẫn đến những xích mích nghiêm
trọng. Chỉ ít lâu sau, những bản nhạc này của Bét-tô-ven đã được nhà xuất bản
in và công bố rộng rãi. Chúng không chỉ đem đến cho Bét-tô-ven những khoản tiền
cần thiết mà còn mang lại cho anh danh tiếng và niềm vui sáng tác. Một nhạc sĩ
có tiếng người Đức là Cram-mơ đánh giá rất cao những sáng tạo này của
Bét-tô-ven, ông mang các bản Sô-nát này sang Luân-đôn và tuyên bố:
– Các bạn, đây là người bù đắp cho chúng ta niềm tin sau cái
chết của Mô-da!
Năm 1798, Bét-tô-ven làm quen với Béc-na-đô là đại sứ Pháp ở
áo, lúc này Bét-tô-ven là nhạc sĩ sáng tác bắt đầu có danh tiếng ở thành Viên.
Tại nhà của ông đại sứ, Bét-tô-ven gặp gỡ với nghệ sĩ chơi violon rất tài năng
người Pháp là Krây-xe. Mến tính tình giản dị, tự nhiên của Krây-xe nên
Bét-tô-ven thường hay có các buổi hòa nhạc với ông ta, ông chơi piano còn
Krây-xe chơi violon. Bê-tô-ven đã viết tặng Krây-xe bản Sô-nát cho đàn violon
và piano, về sau được gọi là Sô-nát Krây-xe, một bản nhạc rất nổi tiếng.
Khi tiếp xúc với Bét-tô-ven, vị đại sứ người Pháp đã đánh giá
rất cao về tài năng âm nhạc của ông. Béc-na-đô đề nghị ông viết một bản giao hưởng
hoành tráng về người anh hùng của nước Pháp, đó là Na-pô-lê-ông Bô-na-pác - một
vị tướng trẻ, đầy tài năng, chỉ huy quân đội hùng mạnh của nước Pháp - Qua những
chiến công hiển hách của Na-pô-lê-ông trước các đế chế phong kiến già cỗi,
trong suy nghĩ của Bét-tô-ven thì đó là người anh hùng đứng lên đấu tranh vì tự
do, bình đẳng, bác ái. Béc-na-đô thuyết phục rằng chỉ có âm nhạc đầy nhiệt huyết
của Bét-tô-ven mới diễn tả được sự vĩ đại của Na-pô-lê-ông. Bét-tô-ven đã nhận
lời.
Mùa thu năm 1799, Béc-na-đô mời Bét-tô-ven cùng đi nghỉ ở lâu
đài Ngọc trai, thời đó là một tòa lâu đài nổi tiếng vì sự sang trọng, thuộc miền
tây nam nước Áo. Tại đây Béc-na-đô muốn tạo điều kiện để Bét-tô-ven có cảm hứng
và bắt đầu sáng tác bản giao hưởng vĩ đại về Na-pô-lê-ông.
Cỗ xe ngựa sang trọng mang quốc huy của sứ quán Pháp đưa đại
sứ Béc-na-đô và Bét-tô-ven về lâu đài Ngọc trai. Trời đã về chiều. Con đường
hoàn toàn vắng lặng. Cỗ xe chạy qua khu rừng thưa sát với một hồ nước trong
xanh. Trên mặt hồ, những tia nắng vàng lấp lánh, những gợn sóng lăn tăn ngời
lên như được dát vàng. Chỉ một đoạn ngắn nữa là tới lâu đài. Khi cỗ xe chạy gần
tới một chiếc cầu nhỏ, chợt Bét-tô-ven nhìn ra ngoài và thoáng trông thấy bóng
một cô gái đứng ven hồ nước. Dường như giật mình vì bất ngờ thấy người lạ, cô
gái vội quay đi. Tuy chỉ thoáng qua nhưng Bét-tô-ven cảm thấy đó là một cô gái
trẻ, xinh đẹp và quí phái. Bét-tô-ven quay sang phía Béc-na-đô: “Ông có nhìn thấy
cô gái vừa rồi không? Một cô gái tuyệt đẹp, nhưng sao cô ta lại ở bên hồ nước một
mình nhỉ?”
Vị đại sứ nghiêng người nhìn ra ngoài nhưng không thấy gì,
lúc đó cỗ xe đang chạy lên cầu, cô gái bị những tán lá ven đường che khuất.
Ít phút sau, cỗ xe dừng lại trong khoảng sân rộng trước tòa nhà, Bét-tô-ven bước vào lâu đài nhưng hình ảnh cô gái xinh đẹp bên hồ vẫn hiện
lên trong tâm trí ông.
Buổi tối hôm ấy trong lâu đài không khí thật sôi động, viên đại
sứ tổ chức một dạ tiệc linh đình chiêu đãi Bét-tô-ven. Mọi người tha thiết đề
nghị Bét-tô-ven chơi đàn. Ông nhiệt tình đáp lại bằng cách đàn và hát rất say
sưa. Sau đó họ còn cùng nhau khiêu vũ đến tận khuya. Quá nửa đêm, Bét-tô-ven mới
trở về căn phòng sang trọng dành cho mình. Ông ngả lưng xuống giường, hi vọng sẽ
nhanh chóng chìm vào giấc ngủ để xua tan những mệt mỏi trong ngày. Tuy nhiên,
Bét-tô-ven nằm khá lâu mà không thể ngủ được. Căn phòng oi bức, bầu không khí
ngột ngạt, ông ngồi dậy và lại bên cửa sổ. Bét-tô-ven vươn người ra ngoài hít
thở làn khí mát rượi từ vườn cây. Chà, đứng đây thật là dễ chịu.
Ban đêm khu vườn rất yên tĩnh. Qua khung cửa sổ mở rộng,
Bét-tô-ven thấy hiện ra trước mắt một bức tranh tuyệt diệu, khu vườn tràn ngập
ánh trăng, ánh sáng mờ mờ huyền ảo trải trên những lùm cây. Vẳng đâu đây vọng lại
lúc gần lúc xa những âm thanh mơ hồ hòa với tiếng côn trùng run rẩy. Không khí
ngát hương, một mùi hương tinh khiết của cỏ cây hoa lá. Hít một hơi dài,
Bét-tô-ven thấy trong lòng thật nhẹ nhõm.
Như có điều gì thôi thúc, Bét-tô-ven mở cửa phòng và nhẹ bước
xuống những bậc thang dẫn tới vườn cây. Mọi người trong lâu đài dường như đã ngủ
say, các ô cửa sổ đều không còn ánh sáng, một sự yên lặng tuyệt đối bao quanh
ông giữa đêm khuya thanh vắng. Bét-tô-ven dừng lại trên thảm cỏ, ông chợt nhớ tới
hồ nước trong vắt mà chiều nay cỗ xe đi qua, hình ảnh cô gái xinh đẹp hiện lên
trong tâm trí. Nảy ý định tò mò, Bét-tô-ven muốn quay lại hồ nước. Ông nhìn
xung quanh và lắng nghe, vẫn yên lặng hoàn toàn, dường như sự tĩnh lặng đang
thôi thúc ý định của Bét-tô-ven. Tòa lâu đài như chìm dưới ánh trăng đầy mê hoặc.
Yên tâm, Bét-tô-ven rảo bước rời lâu đài và đi trên con đường mát rượi ánh
trăng. Chẳng bao lâu, ông đã nghe thấy tiếng nước chảy, tiếng sóng vỗ nhè nhẹ
dưới chân cầu. Đây rồi, đây chính là nơi mà cô gái ban chiều đã đứng,
Bét-tô-ven thầm nghĩ. Ông tiến lại gần một cây sồi già, cách hồ nước không xa. Ở
chỗ này, Bét-tô-ven có thể ngắm toàn bộ phong cảnh của hồ nước. Dưới ánh trăng,
mặt hồ như rộng thêm ra và đẹp lên gấp bội. Mặt nước phản chiếu ánh trăng long
lanh gợn sóng. Ven bờ, một con chim đi ăn đêm đột nhiên vỗ cánh, cỏ cây tỏa hương ngạt ngào. Dựa vào cây sồi và đưa mắt nhìn ra xa, Bét-tô-ven muốn dứt bỏ
những ý nghĩ về cô gái xa lạ nhưng không được. Lạ thật, cô gái là ai nhỉ? Tại
sao lại ở một mình bên hồ nước, cô ta từ đâu tới đây? Một ảo ảnh chăng? Hay đó
là một nàng tiên cá khao khát cuộc sống trần gian đã hóa thân thành nàng thiếu
nữ?
Cứ vẩn vơ trong dòng suy nghĩ, Bét-tô-ven ngả lưng xuống bãi
cỏ ven hồ, gối đầu lên nhánh gốc sồi. Trong tư thế thoải mái, ông ngửa mặt nhìn
bầu trời, mặt trăng đang mờ dần, chỉ còn vài vì sao lấp lánh, cây cối lao xao.
Bét-tô-ven hít thật sâu và nhắm mắt lại, ông nhanh chóng thiếp đi.
Bét-tô-ven chợt giật mình tỉnh dậy khi thấy những giọt nước
đang rơi xuống người. Thì ra trời đã đổ mưa, bầu không khí ngột ngạt lúc trước
là dấu hiệu một cơn giông. Rất nhanh nước mưa đổ xuống xối xả. Bét-tô-ven nhỏm
dậy và vội cất bước trở về lâu đài. Nhưng đã muộn, cơn mưa to đã làm ông ướt hết
áo quần. Chỉ có mưa tuôn và những tiếng sấm rền vang dữ dội khi Bét-tô-ven một
mình hối hả trở về lâu đài.
Trong đêm khuya, Bét-tô-ven không muốn phiền ai. Ông cởi bỏ bộ
quần áo ướt sũng và hong lên cửa sổ rồi nằm xuống giường. Nước lạnh ngấm vào
người làm Bét-tô-ven run rẩy, ông trằn trọc tới gần sáng mới ngủ thiếp đi. Ông
đã qua đêm đầu tiên ở lâu đài Ngọc trai như vậy.
Sáng hôm sau, viên đại sứ Pháp ngạc nhiên khi không thấy
Bét-tô-ven trong phòng khách. Ông ta lên phòng và thấy Bét-tô-ven nằm trên giường,
người sốt cao, bộ quần áo ướt treo bên cửa sổ. Lập tức, viên đại sứ cho gọi bác
sĩ tới. Đợt ốm kéo dài hơn mười ngày đã ảnh hưởng nặng đến sức khỏe của
Bét-tô-ven. Sự kiện này làm bản nhạc viết về Na-pô-lê-ông không hoàn thành như
dự kiến. Trận ốm dữ dội đó còn mãi ảnh hưởng tới sức khỏe của Bét-tô-ven cũng
như với đôi tai nhạc sĩ về sau này.
Tới năm 1804 bản giao hưởng mới được viết xong, nó là bản số
ba trong số chín giao hưởng của Bét-tô-ven. Nhưng khi bản nhạc hoàn thành, thế
sự có nhiều thay đổi. Lúc này, Na-pô-lê-ông đã lật đổ dòng họ Buốc-bông để lên
ngôi hoàng đế. Thất vọng vì người anh hùng của mình giờ đây cũng chỉ là một kẻ
đầy tham vọng và ham muốn quyền lực, Bét-tô-ven liền xóa lời tựa ghi ở đầu bản
nhạc “Tặng Na-pô-lê-ông” và thay bằng “Tặng những người anh hùng”. Bản nhạc về
sau được gọi là Giao hưởng Anh hùng, một trong những tác phẩm xuất sắc của
Bét-tô-ven.
Về sau, Bét-tô-ven cũng không tìm hiểu thêm về tung tích cô
gái ven hồ nước. Đến cuối đời, ông vẫn sống độc thân và phải chăng cô gái là định
mệnh trong cuộc đời người nhạc sĩ vĩ đại.
Còn có một sự tình cờ, lâu đài Ngọc trai mà Bét-tô-ven đã từng
ở, ngày nay không còn nữa. Tòa lâu đài sang trọng ấy đã bị thiêu cháy bởi chính
quân lính của Na-pô-lê-ông khi đội quân này tràn vào nước Áo. Chuyện đó xảy ra
vào năm 1809, trong cuộc chiến tranh giữa Pháp và các nước Châu Âu.
Một đêm trăng đẹp giữa mùa thu, tại một thị trấn ở nước Đức,
nhạc sĩ Bét-tô-ven dạo bước trên hè phố. Các tháp chuông nhà thờ nhọn hoắt vươn
lên nền trời. Cả thị trấn đã chìm trong tĩnh mịch.
Bét-tô-ven nghe vẳng ra từ một ngõ hẻm có ai chơi piano bản
Mơ-nuy-ết của mình. Ngạc nhiên, ông rẽ vào ngõ nhỏ và dừng chân trước cửa một
ngôi nhà cũ kĩ. Sau một lát lắng nghe, tiếng đàn yên lặng và Bét-tô-ven nghe thấy
tiếng nói của người con gái:
– Cha ơi, liệu có đủ tiền mua vé đi nghe hòa nhạc tối mai
không?
– Cha đã chữa năm đôi giầy rồi mà chưa đủ tiền. May ra chỉ
mua được một vé cho con thôi.
Trong nhà lại im lặng sau tiếng thở dài của người con gái.
Như có điều gì thôi thúc, Bét-tô-ven khẽ gõ cửa. Người đàn ông đứng tuổi bước
ra mở cửa, còn cô gái vẫn ngồi yên lặng trước đàn.
– Thưa ông, tôi đi qua đây, nghe tiếng dương cầm nên xin phép
vào thăm.
– Mời ông vào. Con gái tôi ham thích âm nhạc, nhưng cháu chơi
đàn còn kém cỏi lắm!
Bét-tô-ven mạnh dạn:
– Thưa ông, tôi có biết qua âm nhạc, nếu ông và cô cho phép,
tôi xin đàn một khúc.
– Ồ thưa ông, xin ông cứ tự nhiên.
Người con gái vội đứng dậy để nhường đàn cho khách, tay cô lần
theo thành cây đàn, ánh mắt như nhìn vào vô định. Lúc đó, Bét-tô-ven mới nhận
ra đó là một cô gái mù. Niềm thương cảm trào lên trong lòng, Bét-tô-ven chơi
đàn với sự xúc động mãnh liệt và tình cảm chân thành, day dứt… Người thợ giầy
ngừng tay từ lúc nào và đang đứng cạnh cây đàn.
– Thưa ông, chắc hẳn ông là nhạc sĩ Bét-tô-ven nổi tiếng?- Cô
gái mù ngập ngừng hỏi khẽ, chưa thấy câu trả lời, cô chậm bước đến cửa sổ đẩy
nhẹ cánh cửa. Ánh trăng vàng tràn vào gian phòng nhỏ. Trên nền trời xanh thẳm có
những ngôi sao lấp lánh. Hàng cây dương liễu và những nóc nhà thờ cổ kính hiện
ra trước mắt Bét-tô-ven. Nhạc sĩ lướt nhẹ hai tay trên hàng phím đàn, một giai
điệu vừa xuất hiện trong đầu. Những âm thanh vang lên bởi cảm xúc chợt đến khi
ông chơi đàn trong căn phòng lạ, giữa không gian huyền ảo của ánh trăng và trước
sự ngạc nhiên của cô gái mù. Hiếm khi Bét-tô-ven chơi đàn say sưa đến thế, âm
thanh bay lên như hòa tan trong ánh trăng, theo làn gió tỏa khắp màn đêm. Tiếng
đàn đã im từ lâu, hai cha con người thợ giầy mới chợt tỉnh.
– Thưa nhạc sĩ Bét-tô-ven, xin cảm ơn ông đã mang ánh sáng đến
cho chúng tôi.- Người thợ run run chào vị khách đang bước ra cửa.
– Thưa ông, chính tôi mới là người chịu ơn ông và cô. Tôi xin
phép được mời ông và cô tối mai đi nghe hòa nhạc tại nhà hát.
Rời khỏi xóm lao động nghèo, Bét-tô-ven rảo bước về nhà, ông
muốn ghi lại nét nhạc vừa xuất hiện. Ngay đêm ấy, nhà soạn nhạc thiên tài đã
hoàn thành tác phẩm tuyệt vời: Bản Sô-nát Ánh trăng.
Khi nhà hát trình diễn vở nhạc kịch Phi-đê-li-ô của
Bét-tô-ven, đây là vở nhạc kịch duy nhất của ông. Một nhạc sĩ trẻ vì mến mộ tài
năng của Bét-tô-ven đã bán đi tài sản cuối cùng của mình là những quyển sách để
mua vé vào xem vở nhạc kịch. Đó là Phrăng Su-be, một người áo còn trẻ và chưa
có tiếng tăm gì trong giới âm nhạc thành Viên.
Theo lệ thường, khoảng một tuần Bét-tô-ven ghé qua nhà xuất bản
âm nhạc Stay-nơ, là nhà xuất bản lớn ở thành Viên. Ông muốn xem những bản nhạc
mới được in và tìm hiểu về giá trị của chúng. Giống như nhiều nhạc sĩ tài năng
khác, có thể dễ dàng chơi bản nhạc dù mới được nghe một lần, hoặc chỉ đọc bản
nhạc đã cảm nhận được dòng chảy âm thanh, ông thường đọc các bản nhạc một cách
chăm chú nhưng ít khi cảm thấy hài lòng. Bét-tô-ven thường hay lẩm bẩm: “Sao lại
nghèo nàn thế! Cũng may mà mình điếc!”
Nhưng không phải Bét-tô-ven chỉ đề cao bản thân mình, với những
tác phẩm có giá trị, ông rất trân trọng. Có lần khi cầm tập bài hát của tác giả
Phrăng Su-be, nhạc sĩ này phổ nhạc cho những bài thơ của nhà thơ nổi tiếng người
Đức là Sin-le. Bét-tô-ven ngạc nhiên về phong cách và ngôn ngữ âm nhạc độc đáo
của nhạc sĩ này. Cầm cuốn sách trên tay, Bét-tô-ven vội lại gần ông chủ nhà xuất
bản hỏi xem Phrăng Su-be là người như thế nào. Ông ta liền giới thiệu
Bét-tô-ven với một chàng thanh niên còn trẻ, đeo kính cận và đứng gần đó. Khi bắt
tay Su-be, Bét-tô-ven giữ nhẹ bàn tay anh rồi ôn tồn nói:
– Anh cũng không phải là một người bình thường đâu!
Cảm động, Phrăng Su-be lúng túng:
– Nhạc sư kính mến, tôi đã xem vở nhạc kịch Phi-đê-li-ô của
ngài và rất yêu thích nó. Tôi vẫn mong có dịp nào đó được đi theo nhạc sư, dù ở
phía sau đằng xa…
– Đừng tự đánh giá thấp mình, chàng trai trẻ. Anh sẽ đi sát
tôi! Bét-tô-ven khuyến khích.
Còn nhớ mấy chục năm trước, Mô-da không nhầm khi nhận định về
tương lai của Bét-tô-ven. Lần này Bét-tô-ven cũng đúng khi đánh giá về tài năng
âm nhạc của Su-be. Chỉ ít lâu sau, những tác phẩm âm nhạc của Su-be cũng được
giới yêu nhạc thành Viên mến mộ. Đây là một người có đầy tài năng trong số các
nhạc sĩ nổi tiếng ở thành Viên, được mệnh danh là ông vua của ca khúc. Phrăng
Su-be là nhạc sĩ mở đầu cho trường phái âm nhạc mới- chủ nghĩa Lãng mạn trong
âm nhạc.
Trong những tài năng lớn của nền âm nhạc thế giới, Su-be là
nhạc sĩ có cuộc sống rất ngắn ngủi, một năm sau cái chết của Bét-tô-ven, Phrăng
Su-be cũng qua đời, khi nhạc sĩ này mới chỉ 31 tuổi (1797-1828).
Bét-tô-ven từ trần ngày 26 tháng 3 năm 1827 tại Viên. Đám
tang của ông có hàng chục ngàn người đưa tiễn, âm nhạc của ông có hàng triệu
người ngưỡng mộ, những người biết nắm tay nhau đấu tranh với định mệnh, đấu
tranh với những bất công để vươn tới cuộc sống hạnh phúc.
4. Franz Schubert (1797-1828) - Thiên tài về giai điệu và
piano trữ tình, lãng mạn và cổ điển; “Vua ca khúc Đức”Franz Schubert là một nhà soạn nhạc người Áo. Ông đã
sáng tác 600 Lieder, 9 bản giao hưởng trong đó có bản giao hưởng nổi tiếng
“Unfinished Symphony” cùng các thể loại nhạc nghi lễ, nhạc thính phòng và solo
piano. Ông được biết đến với các tác phẩm có giai điệu nhẹ nhàng và du dương.
Schubert là người đầu tiên đưa bài hát đến tầm khái quát cao, đồng thời giữ được
vẻ tự nhiên ban đầu của nó. Ngày nay, Schubert được ngưỡng mộ như là một trong
số những nhà soạn nhạc của thời kỳ đầu lãng mạn trong âm nhạc và ông vẫn là một
trong những nhà soạn nhạc biểu diễn thường xuyên nhất.
5. Johannes Brahms (1833-1897) - Nhà soạn nhạc giao hưởng thuần
khiết nhất và nhạc sĩ viết ca khúc hàng đầu của Đức
Johannes Brahms là một nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm và chỉ
huy dàn nhạc người Đức. Các sáng tác của Brahms bao hàm cả những chất liệu truyền
thống lẫn những chất liệu mới đầy sáng tạo. Âm nhạc của Brahms có cấu trúc và kỹ
thuật vững chắc với vẻ đẹp hình thức hoàn hảo và sự dung dị sâu sắc của tâm hồn.
Brahms sáng tác cho Piano, nhạc thính phòng, dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch và
hợp xướng. Các tác phẩm nổi tiếng của ông bao gồm: String Sextet in B-flat
Major, Piano Concerto No 1 in D Minor, Một bản nhạc cầu hồn Đức, Vũ khúc
Hungary…
Johannes Brahms (7 tháng 5 năm 1833 tại Hamburg - 3 tháng 4
năm 1897 tại Viên) là một nhà soạn nhạc, chơi đàn piano và chỉ huy dàn nhạc người
Đức. Các tác phẩm của ông được xếp vào chủ nghĩa lãng mạn (romanticism).
Năm 1890, ở 57 tuổi Brahms đã quyết định ngừng sáng tác. Tuy
nhiên, khi những ý nhạc bật ra, ông không thể thực hiện được quyết định của
mình, và trong những năm trước khi qua đời ông đã sáng tác thêm một số kiệt tác
được ghi nhận. Sự ngưỡng mộ của ông đối với Richard Mühlfeld, một nghệ sĩ
clarinet ở dàn nhạc Meiningen, đã gợi ý cho ông sáng tác các tam tấu Clarinet,
Op. 114, tứ tấu clarinet, Op. 115 (1891), và bản sonata dành cho clarinet thứ
2, Op. 120 (1894). Ông cũng viết Vier ernste Gesänge, Op. 121 (1896), và Eleven
Chorale Preludes dành cho organ, Op. 122 (1896).
Sau khi hoàn thành tác phẩm Op.121, Brahms đã bị bệnh
ung thư (theo nhiều nguồn khác nhau thì là ung thư gan hoặc tuyến tụy). Bệnh dần
trở nặng và ông qua đời vào ngày 03 tháng 4 năm 1897, thọ 63 tuổi. Brahms được
chôn trong Zentralfriedhof (nghĩa trang trung tâm) ở Vienna.
Là một nghệ sĩ dương cầm điêu luyện, ông thực hiện các buổi
diễn ra mắt nhiều tác phẩm của chính mình, ông cũng đã từng làm việc với một số
nghệ sĩ hàng đầu vào thời bấy giờ, kể cả với nghệ sĩ dương cầm Clara Schumann
và nghệ sĩ vĩ cầm Joseph Joachim. Brahms là một người kiên quyết theo chủ nghĩa
cầu toàn, cho nên ông đã tự hủy và không công bố rất nhiều tác phẩm của mình.
Các sáng tác của Brahms bao hàm cả những chất liệu truyền thống
lẫn sáng tạo. Âm nhạc của ông có cấu trúc và kỹ thuật bắt nguồn từ các bậc thầy
Baroque và nhạc cổ điển. Âm nhạc của Johannes Brahms, với vẻ đẹp hình thức hoàn
hảo và sự dung dị sâu sắc của tâm hồn. Ông là người tiếp nối các truyền thống
hiện thực cổ điển và “làm giàu” chúng bằng những thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn
Đức. Âm nhạc của Johannes Brahms vừa đầy chất triết học trữ tình đặc trưng của
Bach vừa mang những hình tượng âm nhạc hoành tráng và bạo liệt theo tinh thần
Beethoven, nhưng cũng đậm nỗi lo âu về số phận của con người hiện đại.
Cuối năm 1897, sau khi Brahms vừa mất, nhà soạn nhạc người
Anh Hubert Parry đã viết một bản giao hưởng ngắn Elegy for Brahms (tiếng Việt: Bi
khúc dành cho Brahms) để tưởng nhớ đến ông. Đối với Parry thì Brahms mãi mãi là
nghệ sĩ vĩ đại nhất. Tuy nhiên bản giao hưởng này lại không được trình diễn vào
lúc Parry còn sống, lần đầu tiên nó được trình diễn trước công chúng là vào năm
1918 trong một chương trình tưởng niệm cho chính Parry.
Brahms đã soạn một số công trình lớn cho dàn nhạc giao hưởng,
bao gồm hai bản mộ khúc (serenade), bốn bản giao hưởng (symphony), bản concerto
dành cho đàn piano số 2 (số 1 là viết trên cung Rê thứ, số 2 là viết trên cung
Si giáng trưởng), một concerto cho đàn violon, một concerto đôi dành cho đàn
violin và cello, và hai concerto overture: Academic Festival Overture và Tragic
Overture.
Ein deutsches Requiem, nach Worten der heiligen Schrift, op.
45 (bản cầu siêu bằng tiếng Đức, ca từ trích từ Thánh kinh) là bản hợp xướng lớn
của ông, tuy nhiên lời ca trong đó không phải được lấy trong nghi thức thánh lễ
Missa pro defunctis (lễ cầu siêu), mà ông trích từ cuốn kinh thánh tiếng Đức do
Martin Luther dịch. Công trình này được viết trong ba giai đoạn chính của cuộc đời
Brahms. Phiên bản đầu tiên của phần hai được sáng tác vào năm 1854, không lâu sau
lần tự tử hụt của Schumann, phần sáng tác này sau đó được Brahms sử dụng để viết
concerto đầu tiên của ông dành cho đàn piano. Phần lớn bản Requiem này được ông
viết sau cái chết của mẹ ông vào năm 1865. Phần 5 được bổ sung sau khi công bố
chính thức vào năm 1868, tác phẩm được xuất bản vào năm 1869.
6. Richard Wagner (1813-1883) - Nhà soạn nhạc bi kịch vĩ đại
nhấtRichard Wagner không chỉ biết đến với tư cách là một nhà soạn
nhạc với 13 vở opera nổi tiếng, có ảnh hưởng sâu sắc đối với âm nhạc hiện đại
mà còn là một nhân vật lớn của văn hóa và lịch sử Đức thế kỷ 19 và 20. Wilhelm
Richard Wagner là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, đạo diễn kịch và nhà lý luận
âm nhạc người Đức nổi tiếng bởi các tác phẩm Nhạc kịch. Không như nhiều soạn
gia lớn khác, ông tự viết lời lẫn phân cảnh cho các tác phẩm của mình. Ông là
người tiên phong dùng những kỹ thuật rất khó trong âm nhạc như chất nửa cung
nghiêm ngặt, chuyển đổi âm vực rất nhanh và do đó đã tạo ảnh hưởng sâu rộng đến
sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển tại châu Âu. Các tác phẩm tiêu biểu của
ông bao gồm: Der fliegende Hollander, Tannhãuser, Lohengrin…
Tình yêu như trái phá
Trong lúc Minna đang chuẩn bị làm cỏ cho luống bắp cải Bỉ,
Wagner lại biến đi đâu mất hút. Có lẽ ông lại vào thành Zurich và như thường lệ,
chẳng buồn báo trước cho vợ một tiếng?
Thực ra, bằng cả trí tuệ lẫn trái tim, Minna đã thầm đoán được
nơi ông đang ở, nhưng bà cứ hy vọng rằng, niềm say mê đó của chồng chỉ là nhất
thời và chẳng mấy chốc ông lại quay trở về với vợ… Thế nhưng, đã mấy giờ đồng hồ
trôi qua, Minna đã làm được bao nhiêu việc trên mảnh vườn nhà mà vẫn chưa thấy
bóng Wagner đâu.
Biết là khi về, chồng sẽ đói bụng và trở nên cáu bẳn, Minna rửa
tay đi nấu ăn. Vốn là một nữ nghệ sĩ, con gái của một gia đình có của ăn của để,
bà không hề thích việc bếp núc hay làm vườn. Thế nhưng, nhà bà lại không có người
giúp việc. Hai mươi năm trước, khi bà đã “xuất giá tòng phu” theo nhà soạn nhạc
còn ít ai biết tới tên tuổi Richard Wagner, Minna đã bắt buộc phải làm luôn cả
phần việc của osin.
Và ở bất cứ đâu mà số phận đã đưa đẩy vợ chồng họ tới, từ
Madgeburg, Riga đến Paris, chỗ nào bà cũng phải gặp đắng cay trong vai trò này.
Richard thì suốt ngày đêm say mê viết nhạc, nhưng các chương trình biểu diễn
các tác phẩm của ông thường bị công chúng la ó.
Các nhà phê bình âm nhạc không tiếc lời châm chọc ông, so
sánh thứ nhạc mà ông sáng tác lúc thì với tiếng mèo hen, lúc với âm chó sủa.
Các ông chủ nhà xuất bản thường xuyên trả lại bản thảo cho Wagner mà không buồn
lý giải một câu nào về nguyên nhân từ chối.
Đã có quá nhiều ngày vì túng thiếu, khi mà Minna không biết
ném gì vào cái nồi nước đang sôi để nấu ăn cho người chồng có lúc tới cả mấy tuần
không mang được về nhà một xu nào cả. Nhưng mỗi khi Minna tấm tắc về những khoản
tiền thù lao mà các đồng nghiệp của chồng như Mendelson, Berlioz hay Shuman vẫn
được nhận, là ngay lập tức Wagner nổi khùng lên.
– Họ chỉ là những tài năng, còn tôi là thiên tài! Cô phải biết
điều này chứ!- ông la hét ầm ĩ. - Và cô phải nhớ rằng, tôi sẽ không bao giờ kiếm
sống bằng âm nhạc vì âm nhạc của tôi là vô giá! Họ phải đưa tiền cho tôi chỉ vì
có tôi trên đời này. Và nghĩa vụ của tôi là phải làm sao tiêu cho thật nhanh những
món tiền đó để có lợi nhất cho nghệ thuật!
Kết cục là Wagner lúc nào cũng nợ đầm đìa như chúa chổm. Ông
coi trả nợ là việc thấp hơn nhân phẩm của mình nên hai vợ chồng thường xuyên phải
tránh mặt các chủ nợ. Richard thậm chí đã có lần phải ngồi tù vì thiếu nợ. Quá
tuyệt vọng, lắm bận Minna đã bỏ chồng để về ở với bố mẹ đẻ nhưng rồi bà đều lại
quay trở về với Richard. Người bà yêu hơn tất cả trên đời chính là nhà soạn nhạc
kiêu ngạo, bẳn tính, đồng bóng với bộ mặt khắc khổ đến khắc nghiệt này. Thôi
thì, “chồng em áo rách em thương…”.
Giai đoạn đỡ khổ hơn cả đối với Minna chính là những năm hai
vợ chồng bà sống ởDresden, thủ phủ của vương quốc Sachsen. Tại đó, Richard, sau
những vở opera như “Tannhauser” và “Lohengrin”, phần nào gây được tiếng vang,
đã được chính nhà vua sủng ái, cho vào cương vị nhạc trưởng cung đình có mức
lương hậu hĩnh.
Thế nhưng, ngày vui với Minna ngắn chẳng tày gang. Trong những
năm 1848-1849, cả châu Âu, trong đó có xứ Sachsen, đã bị lôi cuốn vào các đợt
sóng cách mạng. Ai đó thậm chí còn nhìn thấy Richard tham gia các vụ việc náo
loạn đường phố. Thế là chính quyền quân chủ đã trục xuất Bacunin về Nga và quyết
định tống giam vị nhạc trưởng cung đình.
Chỉ nhờ một vận may tình cờ mà nhà soạn nhạc mới trốn thoát
khỏi Sachsen sang đất nước Thụy Sĩ còn tương đối yên bình vì chưa bị nhấn chìm
vào các bạo loạn xã hội như những khu vực khác của châu Âu thời đó. Khi ổn định
tại Zurich rồi, Wagner đã bí mật gọi vợ sang sống cùng…
Minna đã chuẩn bị xong bữa trưa nhưng chồng bà vẫn biệt vô âm
tín. Rồi khi bất ngờ tiếng chuông gắn trên cánh cửa vang lên, Minna, quá mệt mỏi
vì chờ đợi, định thấy chồng là lên tiếng trách móc ngay, đã mạnh tay mở cửa ra.
Thế nhưng, ở ngưỡng cửa không phải là Richard mà là ông Otto Wesendonck, chủ
nhân của tòa biệt thự đối diện với nhà của gia đình Wagner.Từ trái qua: Mathilde, Minna và Cosima. – Xin lỗi vì đã làm phiền, thưa bà Wagner! - Tôi muốn được gặp
ông nhà.
– Nhà tôi đi vắng rồi,
– Liệu bà có thể cho tôi biết ông ấy đang ở đâu được không?
– Theo ông thì nhà tôi có thể ở đâu được lúc này? Tôi không
tiện nói lắm nhưng nhà tôi bây giờ đang ở chỗ mà vợ ông đang ở!
Ông Otto dán mắt vào ống nhòm:
– Phải rồi, từ sáng tới giờ ông nhà và Mathilde, vợ tôi, đã
đi dạo trong khu vườn gần biệt thự. Nhưng tới gần trưa thì tôi lại không nhìn
thấy họ đâu cả… Quả thật là họ đã biến đi lâu quá thật. Đối với tôi quan trọng
nhất là Mathilde không bị hề hấn gì. Sức khỏe cô ấy dạo này không được tốt lắm.
Nghe vậy Minna lại càng nổi cơn tam bành:
– Ông Otto ơi, những gì đang xảy ra cho thấy, nhà tôi và vợ
ông đang có chuyện tằng tịu với nhau!
– Bà nghĩ thế ư? - Thế mà khi nói chuyện với tôi, Mathilde
không bao giờ nói thế cả. Cô ấy chỉ bảo giữa ông nhà với cô ấy chỉ là một tình
cảm yêu đương thanh tịnh, không dính gì tới thể xác.
– Ông vẫn còn trẻ nhưng đâu còn trẻ con nữa. Ông phải hiểu rằng,
vợ chồng mấy khi nói với nhau hết sự thật về những chuyện như thế này. Nhưng
tôi với ông thì còn có gì mà phải giấu nhau. Hai người ấy đã đi quá xa trong
quan hệ của họ. Tôi thực sự không hiểu là tại sao một người chồng như ông lại
không làm gì để chấm dứt chuyện đó!
– Bà phải thông cảm, trong việc này hành xử thô bạo chẳng ích
gì. Tôi với bà đành phải nén lòng hy vọng vào một kết cục khả quan hơn thôi…
Thực ra lúc đầu đã có vẻ như không thể có sự cố gì xảy ra được
nữa. Chạy lánh nạn sang Thụy Sĩ, hai vợ chồng Wagner lắm lúc đã phải tá túc
trong các khách sạn rẻ tiền. Richard, vốn quen với các tiện nghi, đã rất khổ sở
vì việc này. Ông trở nên đặc biệt bẳn tính, cãi cọ với tất cả mọi người. Thế
nhưng, ông cũng không chịu tới Weimar theo lời kêu gọi của Franz Liszt, người hứa
sẽ tạo cho ông đủ mọi điều kiện thuận lợi để sáng tác ở đó. Bản tính kiêu hãnh,
ông không muốn ở nơi mà người đời còn khâm phục một nhà soạn nhạc nào đó khác
ngoài ông, dù đấy là bạn thân của ông như Liszt!
Rồi vận may cũng mỉm cười. Rốt cuộc là Thụy Sĩ cũng dần dà hiểu
ra thiên tài âm nhạc của Wagner. Trong một buổi biểu diễn, Richard đã làm quen
được với ông Otto Wesendonck, một doanh nhân giàu có và vợ của ông ta,
Mathilde, một nữ sĩ mới bước vào con đường làm thơ. Cặp vợ chồng này rất thích
các tác phẩm của Wagner.
Một lần, vợ chồng Wesendonck mời nhà soạn nhạc và vợ đến chơi
ở biệt thự của họ, nằm trên một quả đồi xanh mướt rừng cây gần Zurich. Khi ăn
tiệc, Mathilde đã đọc một bài thơ mà bà vừa sáng tác. Wagner rất thích bài thơ
đó và ông ngồi luôn vào đàn dương cầm ngẫu hứng phổ nhạc cho nó. Mathilde cực kỳ
sung sướng. Chị hôn lên nắp cây đàn với vẻ biết ơn, rồi tới hôn lên má nhà soạn
nhạc và úp mặt vào lòng chồng náo nức:
– Anh Otto ơi, em nghe nói là vua Brazil, Don Pedro, cũng rất
thích nhạc của Wagner và có thể sẽ quyến rũ ông ấy sang đó. Nhưng vợ chồng mình
sẽ không được để việc này xảy ra. Đúng không anh?
– Thế em muốn gì nào? Em muốn gì thì anh cũng chiều em…
– Chúng ta hãy xây cho Wagner một ngôi nhà cạnh biệt thự của
chúng ta. Hãy để cho ông ấy viết những tuyệt tác ở đây!
– Được thôi, - ông Otto nói. - Nhưng anh chỉ sợ bà Wagner sẽ
cảm thấy buồn khi phải sống xa nội thành đến thế…
– Không đâu, ông Otto ạ, - Wagner nói cướp lời vợ mình. - Nếu
ông cho chúng tôi thêm một mảnh vườn thì vợ tôi sẽ không buồn chán đâu, vì bà ấy
rất thích làm vườn…
– Được rồi, mai tôi sẽ mời kiến trúc sư về, - ông Otto nói.
Thế là chẳng bao lâu sau trên quả đồi xanh rợp bóng cây đã có
thêm một ngôi nhà hai tầng khang trang cạnh khu biệt thự hoành tráng của gia
đình cự phú Wesendonck. Richard rất hài lòng gọi đó là “Tổ ấm”. Nhà soạn nhạc
chọn cho mình tầng hai với cửa sổ nhìn về hướng thành phố, mảnh hồ Zurich xanh
thẳm và đỉnh núi Alpes sáng láng màu băng tuyết. Minna ở tầng một. Bà muốn
phòng ngủ ở tầng hai nhưng chồng bà lại không đồng ý. Nhà soạn nhạc cấm vợ đặt
chân lên tầng hai khi không có việc cần thiết. Bà chỉ được lên đó để dọn dẹp mà
thôi…
Thế nhưng, vợ chồng Wesendonck lúc nào muốn cũng đều có thể
lên tầng hai gặp Wagner. Ông Otto hay bận công việc ở thành phố nên lên đó chủ
yếu là một mình Mathilde. Những lúc như thế Minna cảm thấy cực kỳ nặng nề. Khi
từ trên đó vang lên tiếng đàn dương cầm, Minna còn cảm thấy bình thường: hãy để
cho cô nữ sĩ ấy thưởng thức âm nhạc của Wagner, vợ ông ấy không vì thế mà thiệt
thòi gì. Nhưng khi trên tầng hai yên lặng bao trùm, Minna cảm thấy lòng mình
như lửa đốt. “Không rõ hai người ấy đang làm gì trên đó?” - bà bực bội tự hỏi
thầm và rất muốn leo lên không báo trước. Nhưng bà lại sợ chồng nổi khùng lên.
Thế là bà đành làm rơi xoong nồi, cặp lồng hay làm đổ ghế, để trong ngôi nhà
không yên lặng như một ngôi mồ…
Minna không tin rằng Richard và Mathilde đã vượt qua ranh giới
cấm kỵ. Cặp tình nhân này đang xử sự rất công khai và mạnh bạo. Họ cùng nhau đi
dạo hàng giờ trong khu rừng trên đồi, cùng đi vào Zurich dự triển lãm và hòa nhạc.
Khi Minna còn là nghệ sĩ ở nhà hát, bà đã thấy vô số người nghệ sĩ không hẳn đã
yêu nhau nhưng rất thích làm ra vẻ yêu nhau. Có thể, Richard và Mathilde cũng
đang là như thế?…
Buổi sáng mùa xuân hôm đó, Richard và Mathilde lại đi dạo ở
khu rừng gần biệt thự. Họ mời cả ông Otto cùng đi nhưng ông từ chối, viện cớ có
công việc phải lo. Trời rất đẹp, nắng ấm áp. Hoa đào nở rộ. Hơi gió từ dãy
Alpes thổi về thanh mát. Nhưng Richard như bị điều gì đó ám ảnh làm cho mất hứng.
Thỉnh thoảng ông lại đưa tay lên vỗ gáy như tự trấn tĩnh mình. Rồi ông quay lại
sau nhìn và thấy ông Otto đang ngồi trên gian áp mái của biệt thự soi ống nhòm
về phía họ.
– Thực tệ! - Richahrd cầm tay người bạn gái kéo đi rẽ vào một
con đường nhỏ trong rừng, dẫn lên đỉnh núi. - Mathilde này, người ta đang theo
dõi chúng ta qua ống nhòm như nhìn những côn trùng.
– Ai đang theo dõi cơ? - Mathilde không hiểu.
– Người chồng chung thủy của em!
– Anh nghĩ là anh ấy ghen à? Nếu đúng thế thì anh ấy thực ngốc.
Em từ lâu đã nói với anh ấy rằng em yêu anh và sẽ tự làm mọi việc theo ý của
mình… Sao anh ấy lại nhìn trộm chúng ta? Việc gì mà lại làm khó cho đời nhau?
Chuyện gì cần xảy ra thì sẽ phải xảy ra cơ mà.
– Đúng thế! - Wagner nói. - Chúng ta đã biết nhau đâu mới chỉ
một ngày. - Càng đi lên cao, nhà soạn nhạc càng trở nên bình tĩnh hơn. - Lúc
nào về, em hãy nói với chồng em rằng, ông ấy không phải lo gì cho danh tiếng của
mình cả. Nếu chúng ta muốn chính thức hóa quan hệ thì ông ấy sẽ là người đầu
tiên được biết về việc đó…
Mathilde sững sờ nhìn Richard:
– Sao anh lại vội quá thế?
Wagner bước chậm lại nhưng ngay lập tức hiểu rằng Mathilde định
nói tới một việc khác.
– Phải, anh đang vội, anh có lý do để vội. Anh luôn cho rằng
số phận đã chơi xấu anh khi để cho anh gặp em muộn màng đến vậy. Anh đã phải sống
bao nhiêu năm tháng trong cô đơn, bất hạnh, không được ai cần tới. Đã bao nhiêu
lần anh ngồi vào đàn nhưng không lôi được ra từ tâm hồn mình những nốt nhạc xứng
đáng. Nhưng giờ em xuất hiện và mọi sự đã thay đổi hoàn toàn. Anh yêu em, yêu bản
thân mình, yêu tất cả mọi người trên thế giới. Từng tế bao trong cơ thể anh
đang gào thét: cuộc sống muôn năm, âm nhạc muôn năm! Làm thế nào sau tất cả những
chuyện này anh lại không lao tới niềm hạnh phúc vẹn đầy của cuộc đời mình!
– Richard ơi, - Mathilde thốt lên. - Khác với anh, em không
thể phàn nàn gì về quãng đời em đã sống. Otto hơi tẻ nhạt nhưng anh ấy tốt bụng,
trung thực và rộng rãi. Sống với anh ấy em cảm thấy an toàn và an tâm. Nhưng em
chỉ hạnh phúc thực sự khi ở bên cạnh anh. Và điều này làm cho em đau đớn. Tại
sao chúng ta chỉ được hạnh phúc khi làm cho một ai đó bất hạnh! Mà anh ơi, - chị
đổi chủ đề câu chuyện để đỡ căng thẳng. - Anh đã viết xong vở “Tristan và
Isolde” chưa?
– Chưa, nhưng anh đang viết rất hào hứng. Anh tin rằng đó sẽ
là một vở opera vĩ đại. Những Meyerbeer, Gounod, Verdi sẽ tức nổ đom đóm mắt vì
ghen thôi…
– Anh dừng lại một chút đi, - Mathilde nói trên đường leo
núi. Richard nhanh nhẹn nên đi bao nhiêu cũng không thấy mệt, còn nữ thi sĩ vóc
liễu nên mới đi một lúc đã cảm thất nhọc lắm rồi. - Tristan và Isolde thoạt
tiên căm thù nhau nhưng rồi lại yêu nhau say đắm. Rồi cả hai đều phải hy sinh.
Tại sao anh lại chọn cốt truyện đó?
– Anh từ lâu đã bị câu chuyện này ám ảnh. Nhưng anh không thể
nào hiểu được ý nghĩa của nó là ở đâu?
– Tình yêu mạnh hơn cái chết? - Mathilde nêu thử.
– Không chỉ thế, - Wagner trầm ngâm lắc đầu. - Ý nghĩa là,
tình yêu mạnh hơn mọi sự trên đời. Mạnh hơn cái chết, mạnh hơn sự sống, mạnh
hơn lý trí, mạnh hơn ân oán… Tình yêu biến cải thế giới khác với nó thực hiện hữu.
Và cái thế giới siêu thực nhưng tuyệt vời đó đáng quý với những tình nhân hơn mọi
sự. Để được lọt vào cái thế giới siêu thực đó, các cặp tình nhân không có gì là
không dám làm. Anh cảm thấy điều đó bằng chính kinh nghiệm sống của anh. Anh tất
nhiên không giết hại ai cả nhưng anh đã bước qua quá nhiều ranh giới để rồi sau
đó tự hỏi mình mà không sao hiểu nổi, tại sao ta đã làm như thế? Anh chẳng
thích thú với cái gì trên đời cả, luôn kêu ca phàn nàn, làm khổ vợ mình… Chỉ có
tình yêu mới khiến anh vui. - Richard kéo Mathilde lại gần ông và nhìn vào mắt
chị. - Anh tin rằng em đã hiểu, em chính là Isolde của anh, còn anh chính là
Tristan của em, sẵn sàng sống và chết vì em!
Mathilde làm thinh - chị không ngờ rằng cuộc đi dạo chơi lên
núi lần này lại trở nên “nghiêm trọng” thế. Chị cảm thấy chân run rẩy, nhưng
không chỉ vì mệt…
Hai người lên tới một đinh đèo. Dưới chân họ, phong cảnh thật
trữ tình.
– Đẹp thật, nghỉ chút nữa rồi chúng ta tiếp tục lên cao hơn,
em nhé! - Richard nói.
– Không, em sẽ không lên thêm đâu, - Mathilde thét lên rồi
quay xuống dưới.
Richard thẫn thờ nhìn theo Mathilde rồi cũng từ từ xuống theo
sau…
…Hy vọng rằng chồng đã để lại cho mình tờ thư giải thích vì
sao ông lại đi vắng lâu tới thế, Minna lên tầng hai, lại gần bàn làm việc của
Wagner. Khắp nơi chỉ là những tờ bản thảo vở opera “Tristan và Isolde”. Minna
nhìn qua và chẳng thấy gì thú vị cả. Tới gần cây đàn dương cầm, bà nhấc nắp đàn
lên và chợt nhìn thấy trên phím đàn một lá thư. Nhưng lá thư đó không phải viết
cho bà mà là cho Mathilde.
“Anh đã hoàn thành vở opera và đưa cho em bản thảo màn cuối
cùng. Khi chúng ta tới gần đi văng, em đã ôm lấy anh và nói: “Giờ mọi ước muốn
của em đã được thực hiện”. Ngày hôm đó, giờ hôm đó, anh đã được tái sinh cho một
cuộc sống mới. Tất cả những gì đã xảy ra trước đó chỉ là “tiền vận”. Anh chỉ bắt
đầu được sống một đời sống thật kể từ khoảnh khắc đó. Em ơi, em đừng tiếc nhé
những ngọt ngào mà em đã ban tặng cho cảnh sống nghèo nàn buồn tẻ của anh…”.
– Cô làm gì ở đây thế? - bỗng vang lên giọng nói đầy uy lực của
Wagner.
– Tốt hơn là anh hãy nói anh đã làm gì với bà hàng xóm của
chúng ta! Mà anh cũng chẳng cần nói. Thế là tôi đã biết hết cả rồi… - Minna vừa
nói vừa giơ tờ thư ra.
– Cô muốn nghĩ gì thì nghĩ, - Richard thản nhiên đáp và nhanh
tay giật lại tờ giấy. - Cô không có quyền đọc thư được viết ra cho người khác.
– Thế anh có quyền gì mà quyến rũ vợ của người đã bảo trợ cho
anh! - Minna cay đắng lắc đầu. - Giá mà thiên hạ biết được cái người đã viết
nên những tác phẩm âm nhạc khiến người ta thán phục, thực ra lại là kẻ hạ tiện
như thế nào!
– Này, nếu cô đã nói thế thì tôi cũng nói luôn cho cô biết, -
gương mặt vốn khắc khổ của Vagner trở nên càng cay nghiệt hơn. - Ngày trước tôi
cưới cô chẳng qua là vì nông nổi. Theo dòng thời gian, ngoài thói quen ra tôi
chẳng còn gì gắn bó với cô cả. Tôi nghĩ rằng, cô cũng có cảm giác tương tự như
thế đối với tôi… Phải, tôi không cố tình nhưng đã trót phải lòng Mathilde. Và
trước đó tôi cũng đã từng phải lòng nhiều người phụ nữ khác nữa. Nhưng lên án
tôi vì chuyện này thì cũng vô nghĩa như lên án một con hổ vì chuyện nó là kẻ
săn mồi. Giời đã tạo ra tôi như thế rồi. Tôi chỉ có thể sáng tác khi tôi yêu. -
Giọng ông bỗng trở nên mềm lại. - Sai lầm của em là ở chỗ em chỉ muốn nhìn thấy
trong anh một đức ông chồng chung thủy, chỉn chu, thành đạt. Nhưng nếu anh là một
người như thế thì anh cũng chỉ là một trong vô số những nhạc sĩ bất tài vô dụng
vốn đã tràn ngập khắp thế gian này. Nếu anh như thế thì thế giới này không bao
giờ có được những “Tannhauser” và “Lohengrin”! Nếu anh như thế thì anh sẽ chẳng
bao giờ bắt tay vào viết “Tristan và Isolde”!
– Anh lúc nào cũng chỉ nghĩ về mình và âm nhạc của mình! - Minna gắt gỏng. - Thế còn cuộc sống của tôi thì sao? Nó đã biến mất đi đâu rồi?
Tôi biết, anh không yêu tôi nhưng điều này đã không ngăn anh lợi dụng tôi như một
mụ làm bếp. Trong âm nhạc của anh cái thiện luôn chống lại cái ác. Nhưng tôi
không thấy trong đó những thanh âm của những cặp lồng, nồi xoong của tôi! Anh
đã uổng công khi so sánh mình với hổ. Anh không xứng đáng được so sánh với hổ.
Anh tồi tệ hơn nhiều. Hổ đớp một miếng là xong đời nạn nhân, còn anh đã hơn hai
mươi năm nay nhai đi nhại lại trái tim tôi…
– Em hãy công bằng đi nào. Em đã bỏ anh bao nhiêu lần, nhưng
rồi em đều quay trở lại…
– Thế thì lần này tôi sẽ đi. Và sẽ không bao giờ quay trở lại
nữa…
Minna chạy như bay xuống tầng một, rời khỏi nhà và hối hả tiến
tới khu biệt thự hàng xóm, nơi vợ chồng ông Wesendonck đang ăn trưa với vô số
các món ăn mà gia nhân đang tới tấp bưng lên.
– Bà Wagner đấy ư? - gương mặt ông Otto biến sắc. - Có việc
gì thế hả bà?
– Hãy để gia nhân ra ngoài cái đã, – Mathilde nói.
Và sau khi gia nhân đã ra ngoài, Minna đã làm một thôi một hồi
cho ông Otto nghe về những gì bà nghĩ về ông, về Mathilde. Và không đợi cả ông
Otto lẫn Mathilde đáp lại, bà bỏ đi ngay.
Ngay trong ngày hôm đó, Minna đã thuê một cỗ xe ngựa để về Đức
với cha mẹ mình. Vài ngày sau, Wagner cũng bỏ ngọn đồi xanh để ra đi. Chỉ có
mình Mathilde đưa tiễn nhà soạn nhạc. Khi ông ngồi lên xe, Mathilde nói rằng chị
cũng muốn bỏ đi cùng ông nhưng lại sợ ông Otto.
– Em lo vì khẩu súng ngắn vẫn để trong ngăn bàn làm việc của
anh ấy bỗng biến đi đâu mất, - Mathilde nói rồi tay bưng lấy mặt, chạy đi…
Tại Zurich đang chờ sẵn Wagner là một món tiền lớn do Liszt gửi
tới. Biết bạn mình rất vụng trong việc kiếm tìm sinh kế, Liszt thường xuyên gửi
tiền sang Thụy Sĩ cho Wagner. Để có thể mau chóng quên đi những chuyện đã xảy
ra trên quả đồi xanh, Wagner đã quyết định tới Venice. Ông tá túc trong một lâu
đài ở đó để trong cảnh cô đơn hoàn thành vở opera “Tristan và Isolde”.
Một tối, ông đi ra ngoài phố. Dàn nhạc trên quảng trường
trung tâm đang chơi một tác phẩm của ông. Thẫn thờ, Wagner chạy lại vào phòng rồi
úp mặt xuống gối bật khóc. Tuy nhiên, ông không được sống ở Venice lâu. Chính
quyền thành phố, vì không muốn gây sự với triều đình Sachsen, vốn vẫn coi
Wagner là tội phạm quốc gia, đã yêu cầu ông rời khỏi đây càng nhanh càng tốt…
Ông đã có thể tới Weimar với Liszt, nhưng thay vì làm thế,
ông đã quay về với vợ chồng Wesendonck. Điều đầu tiên ông nhìn thấy trên quả đồi
xanh là cánh cửa bị chặn gỗ kín của “Tổ ấm”. Không cảm thấy mình có bất cứ một
điều sai quấy gì, Wagner đã chạy sang bên khu biệt thự giật chuông trên cửa.
Ông Otto đứng tiếp nhà soạn nhạc trong phòng làm việc và không hề mời khách ngồi.
– Tôi có thể nói chuyện với chị Mathilde được không?
– Không, - ông Otto lạnh nhạt đáp. - Nhà tôi đang bị ốm. Và
có lẽ sẽ còn ốm lâu…
Và để vị khách không mời không có ý định ở lại trên quả đồi
xanh, ông Otto hỏi:
– Ông định sẽ đi đâu hả ông Wagner?
– Tới Paris, - nhà soạn nhạc đáp. - Và trong lúc chờ tiền từ
Weimar gửi tới, tôi sẽ ở tạm Zurich.
– Zurich? - Ông Otto có vẻ không thích điều này. - Thế ông chờ
số tiền có lớn không?
– Không. Chưa tới hai mươi nghìn quan.
Ông Otto rút tập séc từ trong túi ra, ghi vào rồi xé một tờ
ra đưa cho Wagner:
– Đây là hai mươi tư nghìn quan. Chúc ông thượng lộ bình an!
Rời khỏi Thụy Sĩ rồi, Wagner còn trao đổi thư từ với Mathilde
trong một thời gian nhưng cả hai đều không đả động gì tới việc khôi phục lại
các mối quan hệ cũ. Sau “Tristan và Isolde”, Wagner còn viết thêm một số vở
opera tuyệt tác nữa, đã mang lại cho ông danh tiếng trên tầm thế giới.
Trong những năm đó, trái tim Wagner đã thuộc về một người phụ
nữ khác - đó là Cosima Von Bulov, con gái của Liszt. Kém Wagner 24 tuổi, Cosima
đã bỏ người chồng đầu để tới với ông và sau khi Minna qua đời, năm 1870, cô đã
chính thức làm lễ kết hôn với nhà soạn nhạc. Cosima đã sinh cho Wagner hai người
con. Cosima đã là người phụ nữ đủ quyền năng và nghệ thuật làm cho đời sống gia
đình của thiên tài âm nhạc duyên số long đong này trở nên hạnh phúc tới phút cuối
cùng.
Ngày 13/2/1883, Wagner đột quỵ khi đang chơi dương cầm.
Cosima đã ôm xác chồng cả một ngày đêm đầy đau đớn. Rồi sau đó, cô đã cắt mớ
tóc của mình ra và đặt vào quan tài, đúng chỗ trái tim Wagner.
7. Robert Schumann (1810-1856) - Tinh hoa của nền âm nhạc
lãng mạn, bậc thầy của ca khúc, nhạc cho piano, và giao hưởngRobert Schumann, nhà soạn và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức,
một trong những đại diện thuần khiết nhất của âm nhạc lãng mạn thế kỷ 19. Là một
nhạc sĩ cách tân, Schumann kế tục khuynh hướng dân chủ của âm nhạc lãng mạn Đức.
Những đặc tính của âm nhạc Schumann là tác phẩm có tiêu đề, sự bộc bạch tâm lý
sâu sắc những tình cảm con người kết hợp với sự say mê sôi nổi, bồng bột và mơ
mộng lãng mạn. Trong các tác phẩm của ông, nổi bật nhất là các bài ca, đặc
trưng cho âm nhạc thời lãng mạn và các tiểu phẩm cho dương cầm, trong đó nổi bật
nhất là sonat và etudes. Ông còn sáng tác nhiều giao hưởng, concerto, oratoria
và cả opera. Schumann còn là một nhà phê bình âm nhạc lớn. Các bài viết của ông
về âm nhạc xuất hiện chủ yếu trên “Die neue Zeitschrift für Musik” (Tạp chí mới
cho âm nhạc), một tạp chí ở Leipzig mà Schumann đồng sáng lập năm 1836.
Là người kế thừa tinh thần của Bach và Beethoven, người tiên
đoán về Chopin và Brahms, một nhà phê bình tận tâm và sắc sảo và một trí thức
dòng dõi quý tộc cởi mở với bất cứ cái gì liên quan đến văn chương thơ phú,
Robert Schumann trong hình thức âm nhạc là hiện thân của sự thăng trầm tình cảm
và trí tuệ của toàn bộ trào lưu Lãng mạn Đức.
Robert Schumann sinh ra tại Zwickau ở Saxony ngày 8/6/1810,
là con út trong số năm người con của gia đình. Cha ông, một nhà xuất bản và
buôn bán sách, rất yêu âm nhạc và văn chương. Mẹ ông, là một nhạc sĩ nghiệp dư
có tài, đã dạy cho ông những bài cơ bản về piano, vậy nên khi 11 tuổi, ông đã cố
gắng để biến giấc mơ thời niên thiếu thành một tác phẩm nhỏ dành cho giọng hát
và nhạc cụ dựa trên bài thánh ca thứ 150.
Ông đọc rất nhiều, và nhà văn làm ông có cảm giác ngây ngất
như chính Schumann đánh giá là Friedrich Richter, nhà văn người Đức mới quá cố
(1825), người lấy bút danh bằng một cái tên Pháp là Jean Paul Richter. Mặc dù rất
mê âm nhạc, Schumann lại được ghi danh vào khoa Luật của trường Đại học Leipzig
năm 1828. Ông đã không phản đối nhưng lại bị rơi vào một tình trạng lãnh đạm
sâu sắc. Để vượt qua cú sốc đầu tiên, ông đã phải rất nỗ lực để thích nghi với
nó. Ông tới các sàn đấu kiếm, thám hiểm các vùng quê xung quanh Leipzig, du lịch
tới Munich và Bayreuth với bạn mình là Rosen, bắt đầu nghiên cứu về triết học của
Kant, Fichte, Schelling và Hegel, học đấu kiếm, chơi piano và viết những lá thư
tinh tế quen thuộc kiểu Proust.
Chuyến đi đến Leipzig của bác sĩ Carus, một người quen cũ ở
Zwickau đã giúp kết thúc thời kì băn khoăn, không phương hướng này trong cuộc đời
ông. Được đón chào tại ngôi nhà thân thiện, Schumann rốt cuộc cũng có thể nghỉ
ngơi và nói chuyện thẳng thắn, không còn bị hạn chế bởi sự e ngại mà ông luôn cảm
thấy khi có mặt những người xa lạ. Bạn bè của Carus gồm cả hai con người rất
tuyệt vời là giáo sư Wieck và con gái của ông, họ đồng thời là thầy và trò.
Clara Wieck, người mà Schumann sẽ gắn bó trong phần đời còn lại mình, là một cô
gái rất thông minh và có tài năng âm nhạc bẩm sinh (cô đã có một buổi biểu diễn
piano rất thành công khi chưa đến 10 tuổi). Schumann và Wieck ngay lập tức đã rất
hiểu nhau và mối quan hệ thầy trò giữa họ không thể mặn nồng hơn thế. Dưới sự dạy
dỗ nghiêm khắc của Wieck, ông đã được củng cố thêm về kỹ thuật piano mà cho đến
tận lúc đó vẫn chỉ là những mảng chắp vá, và mặc dầu nghiên cứu âm nhạc chiếm gần
trọn thời giờ của ông, ông vẫn tiếp tục học luật để làm vui lòng mẹ mình.
Đến cuối tháng 8/1829 Schumann khởi hành tới Italy và trở về
sau hai tháng đi thăm Brescia, Milan và Venice. Rồi ông chuyển từ Leipzig tới
Heidelberg, ông lại cảm thấy sự căng thẳng trước đó. Sự mặc cảm, bản năng dịch
chuyển của ông không ngừng khao khát tình yêu, cái đẹp và âm nhạc và sự khủng
hoảng mà đôi khi xảy ra trong ông đã đột ngột bắt đầu tại một buổi hòa nhạc Phục
sinh ngoài trời ở Frankfurt ngày 11/4/1830, khi ông nghe Paganini chơi lần đầu
tiên. Buổi biểu diễn đó đã làm ông lóa mắt, như thể Paganini đã lột bỏ lớp mạng
che của một sự thật cổ xưa, bị che giấu trong con người ông. Cho đến mùa hè năm
1830 đó, lần đầu tiên ông đã hiểu được sức mạnh ma thuật của âm nhạc.
Với sự khuyến khích của mẹ và sự tán thành của Wieck,
Schumann đã dùng phần tài sản trong gia đình mà mình được hưởng để đầu tư đầy đủ
vào việc học nhạc. 1831 là một năm quan trọng trong cuộc đời âm nhạc của ông.
Khi ông làm tinh tế hơn khiếu thẩm mỹ phê bình của mình trong một bầu không khí
âm nhạc luôn được trau dồi của Leipzig, một cách vô thức, ông đã tự trang bị thứ
rồi đây sẽ trở thành nghề nghiệp nghệ thuật lớn thứ hai và mang tính chuyên
nghiệp trong cuộc đời mình, nghề phê bình âm nhạc. Với các hiệp hội âm nhạc,
các buổi hòa nhạc Gewandhaus, viện hàn lâm, và rất nhiều buổi hòa nhạc thính
phòng bậc thầy của nó, Leipzig là một trong những kinh đô âm nhạc vào thời
Schumann. Thông tin âm nhạc tại đó đến từ sự trải nghiệm âm nhạc trực tiếp, các
bản nhạc mới liên tục được chơi và được bàn luận. Bài báo đầu tiên của Schumann
được xuất bản trong số tháng 12 của một tạp chí phê bình âm nhạc mới có tên là
Allêgmeine musikalische zeitung (universal musical gazette - Báo âm nhạc đại
chúng).
Một trong những bài báo được xem là quan trọng đối với sự
nghiệp cầm bút của Schumann sau này, một bài bình luận sắc sảo, thấu hiểu và rất
xuất sắc, giới thiệu cho giới âm nhạc của Leipzig một nhạc sĩ mà cho đến tận
lúc đó vẫn hoàn toàn chưa được biết tới, Frédric Chopin, với một câu nói đầy ấn
tượng: “hãy ngả mũ thưa quý bà quý ông, con người này là một thiên tài!”. Ây vậy
mà Schumann cũng có thể nói về chính mình như thế. Khả năng sáng tạo mà ông có
chỉ được nhận biết một cách mơ hồ trước đó, giờ đây đã bắt đầu thành hình cụ thể,
các bản phác thảo ngắn của ông trở nên mạch lạc hơn, thanh nhã hơn, và một
piano concerto, những chương giao hưởng riêng lẻ, và hơn hết là các bản nhạc
cho piano đã bắt đầu hình thành. Cuối cùng, vào năm 1831, tác phẩm đầu tiên của
ông được xuất bản - Theme and variations on the name Abegg, op.1 cho piano. Ông
cũng viết Papillons, op.2 cho piano vào thời gian này, nhưng đến năm 1832 nó mới
được xuất bản. Kết cấu bởi 2 hồi vũ khúc, 12 tiểu khúc tạo thành Papillons đã
khẳng định tài năng của ông với tư cách một nhà soạn nhạc. Một loạt các bản nhạc
ngắn vẫn còn dở dang cho chúng ta thấy sự sáng tạo tuyệt vời của ông trong việc
tạo ra một bầu không khí hay một miêu tả một trạng thái cảm xúc mà lại sử dụng
những chất liệu âm nhạc ngắn gọn nhất có thể.
Đầu năm 1832, ông bị cuốn theo một ám ảnh “tuyệt vọng và điên
cuồng” đã giữ ông hàng giờ mỗi ngày bên phím đàn, đến mức Schumann đã làm cho
ngón thứ tư của bàn tay phải bị căng cứng do làm việc quá độ, rồi sau này ảnh
hưởng đến cả bàn tay. Mặc dù chữa theo phương pháp “vi lượng đồng căn”, ông vẫn
không bao giờ chữa khỏi hoàn toàn được bàn tay đó và buộc phải chấm dứt sự nghiệp
pianist của mình. Giờ đây, khi không còn khả năng chơi piano nữa, cảm xúc sáng
tác của ông theo bản năng lại phát triển lên, và đến năm 1833 ông đã xuất bản một
số lượng lớn các tác phẩm quan trọng. Studies on caprices by Paganini op.3 và
Six concer studies on caprices by Paganini op.10, là hai tác phẩm ông bày
tỏ sự ngưỡng mộ của mình với violinist người Italy này, người đã mở rộng tầm mắt
cho ông về sức mạnh huyền bí của âm nhạc, cũng như là một sự tái tạo bằng ngôn
ngữ piano trình độ violin bậc thầy mà ông đã nghe được từ Paganini. Virtuosity
cũng là một điểm nổi bật đáng chú ý của một số bản nhạc khác ít quan trọng hơn
của thời kỳ này như 6 intermezzi op.4 và Impromptu op.54, trên chủ đề của
Clara Wieck, nhưng nó đã đạt được một ý nghĩa mới trong bản Toccata “Huy hoàng”
op.7, một tác phẩm tuyệt vời không thể phủ nhận ngay cả khi Papillons vẫn là kiệt
tác của ông thời kỳ này. Những kỹ thuật khô khan nhất đã được Schumann biến đổi
thành một dòng chảy tuyệt vời trong vắt như pha lê, “moto perpetuo”, đầy màu sắc
và giai điệu.
Tháng 10/1833 bị bóng đen bao phủ bởi cái chết trẻ đột ngột của
hai người là Julian- anh trai ông và vợ của Carl - một người anh trai khác.
Schumann thực sự bị sốc và rơi vào một sự phiền muộn sâu sắc, dấu hiệu đầu tiên
của sự điên loạn huỷ hoại ông trong quãng đời sau này. Bệnh trầm cảm đã ngăn cản
luồng sáng tạo trong sáng tác của ông, nhưng ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ.
Tác phẩm đòi hỏi nỗ lực tình cảm lớn nhất của ông, với ý
nghĩa rằng nó được ông viết khi tâm trạng đang dao động giữa sự lạc quan hân
hoan và sự bi quan sâu sắc nhất, là Grande sonata giọng Fa thăng thứ op.11,
được ông hoàn thành năm 1835. Sau đó ít lâu cũng vào năm 1835 là tác phẩm dành
cho piano được xem là vĩ đại nhất của ông Carnaval op.9, một tập hợp gồm 20 bản
nhạc ngắn cho 4 nốt.
Cảm thấy cần phải sáng tác trên một hệ thống thang âm rộng lớn
hơn, Schumann quay trở lại với thể loại sonata và viết ra Fantasie op.17,
thực chất là một sonata không phải như tên của nó mặc dầu nó cũng có đầy đủ yếu
tố “fantasy” của Schumann. Fantasie là một tác phẩm đầy chín chắn trong đó
Schumann đã xử lý các cấu trúc kiến trúc lớn với một sự thuận lợi và dễ dàng mà
ông hiếm khi đạt được trong các tác phẩm sau này. Tuy nhiên, ông cũng có những
mối quan tâm khác ngoài sáng tác nhạc. Sự khởi đầu xuất sắc của ông với cương vị
là một nhà phê bình âm nhạc đã được chú ý và triển vọng ban đầu này chỉ được khẳng
định bằng những bài viết sau này của ông. Một nhóm những nhạc sĩ và nhà văn
tiên phong dần dần hình thành xung quanh ông. Các cuộc gặp gỡ sôi nổi của họ tại
quán rượu ở Fleichergasse là những dịp hâm nóng các tranh luận trong đó tác phẩm
của Beethoven, Bach, Weber và Schubert được đề cao, và những nỗ lực của những
nhạc sĩ mới, đặc biệt là Chopin và Mendelssohn, được nhìn nhận như sự đại diện
của tính độc đáo âm nhạc đặc trưng Đức mà các nhà phê bình bàn giấy đã khá lâu
không để ý. Một liên minh mới được thành lập mà như Schumann nói: “Còn hơn cả
điều bí mật vì nó chỉ tồn tại trong đầu của những nhà sáng lập”, “League of the
Brothers of David” (Liên minh những người anh em của David) chống lại những định
kiến tư sản và chủ nghĩa tầm thường trong âm nhạc trên danh nghĩa tiến bộ và cảm
hứng tự do của thời kỳ lãng mạn.
Với cái chết của người bạn thân nhất, Schunke, và sự thờ ơ của
Hartmann, ông chủ của tạp chí mà Schumann đang viết bài cho, tờ Neue
Zeitschrift fur Musik, những lý tưởng của Liên minh dường như tất bị thất bại,
nhưng Schumann vẫn tự mình làm tất cả công việc xuất bản lẫn biên tập cho tờ tạp
chí, và kết quả là nó đã trở thành một sự sáng tạo của riêng ông (tên của ông
luôn đi cùng với nó trong giới phê bình âm nhạc từ đó). Mặc dù giọng viết trẻ
trung và nhiệt tình, tờ tạp chí cũng rất đáng chú ý bởi trình độ cao của tranh
luận mà nó đưa ra và sự rõ ràng của các lập trường đầy tính trí tuệ và lý thuyết,
và nó nhanh chóng trở thành một trong những tạp chí âm nhạc hàng đầu thời kỳ
này.
Thời kỳ sáng tạo ban đầu mà piano chiếm ưu thế gần như hoàn
toàn đã đi đến kết thúc vào khoảng những năm 1838-1839 với một loạt các tác phẩm
quan trọng rất ấn tượng, cho dù là hầu hết các tác phẩm nguyên gốc cho piano của
ông đã được viết ra đến thời điểm đó: Kriesleriana, Op.16, một tập hợp những
bản nhạc dựa trên những câu chuyện hư cấu của Hoffmann, Kapellmeister Kriesler
đi từ những điều kỳ quái nhất cho đến những điều siêu phàm nhất; 8 Novelletten,
Op.2; sonata giọng Son thứ, op.22; Kinderszenen (Những hoạt cảnh từ thuở ấu
thơ), Op.15, một kiệt tác về sự thấu hiểu tâm lý; và Humoresque Op.20 đầy
màu sắc biến ảo.
Sau bao khó khăn không thể kể hết, Schumann cũng cưới được
Clara Wieck vào năm 1840 khi ông đã ở đỉnh cao của danh vọng. Khi còn trẻ,
Clara luôn luôn có mặt trong các cuộc gặp gỡ sôi nổi của liên minh, và kết quả
là, đã nhanh chóng trở nên có một ảnh hưởng lớn lao tới nó bằng sự quyến rũ và
tính nhạy cảm đầy sắc bén của một nghệ sĩ, nhưng khi Schumann đặt vấn đề với
cha cô năm 1836, ông đã không đồng ý cho họ lấy nhau với lý do cô còn trẻ, và
trên hết, khả năng tài chính bấp bênh của một nhạc sĩ cộng với sức khỏe vốn đã
không lấy gì làm tốt của Schumann. Ông còn làm mọi việc càng trở nên tệ hơn khi
bắt Clara đi xa bằng những tour diễn kiệt sức tới các thủ đô của Châu Âu, với
hy vọng rằng sự xa cách lâu ngày sẽ làm cho cô phai nhạt dần tình cảm với
Schumann.
Năm 1840, Clara dến tuổi được tự do kết hôn mà không cần có sự
ưng thuận của cha mẹ, và mặc cho bao sự phản đối, đôi uyên ương vẫn quyết định
tới tòa án hoàng gia Leipzig ở Appeal để xin cưới được nhau, và đám cưới đã diễn
ra vào 12/9/1840 mà không có sự tham dự của người cha nghiêm khắc của cô.
Đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, cả hai đều mang trong mình
nghệ sĩ tính và đầy xúc cảm. Nhiều tháng trước đám cưới của mình, Schumann đã
viết một loạt các bài hát thể hiện một cách rõ ràng đỉnh cao trong cuộc đời
sáng tạo của ông. Với vai trò một người viết ca khúc, ông đã tiếp tục cái truyền
thống tuyệt vời đã được thiết lập bởi Schubert, mặc dù ông không bao giờ đạt được
hoàn toàn cái xúc cảm mãnh liệt đến sung sướng vô ngần của sức tưởng tượng như
Schubert. Điều này có thể là vì Schubert có thiên tài bẩm sinh hơn về giai điệu
ca từ và khả năng của giọng hát, và có ít cách biểu đạt gián tiếp hơn, nhưng sức
mạnh biểu đạt một cách khác thường của Schumann và sự phát triển tâm lý bên
trong nó ít ra cũng sánh được và trong nhiều trường hợp còn trội hơn Schubert.
Piano cũng được đưa vào những bài hát của Schumann với một niêm luật mới: có lẽ
là đầy nghịch lý, có thể nói rằng những bản nhạc dành cho piano của ông đã đạt
tới sự tinh tế nhất của nó và cái độc đáo trong các bản nhạc đệm cho các bài
hát của ông, nơi mà tài năng piano bẩm sinh của ông được thử thách tới mức cực
điểm bởi chất thơ trong lời của các bài hát. Thế nên chúng ta mới có những
Liederkreise Op.24 dựa trên những bài thơ của Heine; The myrthen
cycle, Op.25 từ Goethe, Ruckert, Byron, Heine và nhiều người khác;
Liederkriese Op.39 dựa trên thơ của Eichendorff; tập liên khúc
Frauenliebe und leben (Cuộc sống và tình yêu của một người phụ nữ) Op.42 tuyệt
vời dựa trên lời của Adelbert von Chamisso và có lẽ là kiệt tác ca khúc lớn nhất
của ông; và cuối cùng là Diechterliebe (Tình yêu của thi nhân) Op.48 cũng
dựa vào những bài thơ của Heine.
Trong lĩnh vực nhạc thính phòng, 3 tứ tấu cho đàn dây Op.42 (1842)
rất hay, nhất là bản giọng La trưởng, và piano đã góp phần làm nên một ngũ tấu op.47 thật
huyền ảo (1842); tam tấu, op.63 (1847). Hai sonata cho violon, Op.105 (1851)
và Op.121 (1851), mặc dầu có lẽ ít nhất quán hơn, nhưng vẫn có những
chương tràn đầy cảm xúc khác thường và sức mạnh bên trong.
Bốn giao hưởng của Schumann, dù có hơi yếu về mặt cấu trúc,
nhưng ấn tượng về mặt âm nhạc cùng hoà âm độc đáo của chúng, vẫn ở vị trí trung
tâm của truyền thống giao hưởng Đức. Piano concerto, Op.54 (1846),
Introduction and Allegro, Op.92 (1849) cho piano và dàn nhạc và Cello
concerto, Op.129 (1850) cũng rất được yêu thích vì chúng có cảm giác
lôi cuốn, đầy ngẫu hứng khi biểu diễn.
Genoveva, Op.81 (1847), vở opera duy nhất của
Schumann, không bao giờ được diễn lại từ sau lần đầu công diễn đầy thảm hoạ của
nó vào năm 1850 (mặc dù nó nên được nhớ tới vì xuất hiện cùng năm với vở
Lohengrin của Wagner) và có lẽ cũng đáng xem xét lại một cách tỉ mỉ vì có yếu tố
Wagner trong đó. Ba oratorio phi tôn giáo của ông, Das Paradies und die Peri
(Paradise and the Peri), Op.50 (1843); Scenes from Goethe’s Faust (1847
– 1853) và câu chuyện ngụ ngôn Der rose Pilgerfahrt (Cuộc hành hương của đóa hồng) Op.112 (1851)
thành công hơn, và đều có liên quan tới giao hưởng hợp xướng Requiem fur
Mignon, Op.98b (1849) với sự ứng khẩu trong lời nói rất đặc trưng của
Schumann.
Mặc dầu Schumann vẫn tiếp tục soạn nhạc, song dường như có
cái gì đó trong tính cách của ông bị sụp đổ. Clara đã có những buổi biểu diễn
thắng lợi ở nước ngoài tại Copenhagen, Hamburg và Bohemia, đôi vợ chồng đã cư xử
thật gần gũi và khéo léo trong suốt chuyến thăm Nga của mình, nhưng Schumann
ngày càng khó chịu. Năm 1844 ông đã phải từ bỏ cây đàn piano của mình cũng như
vị trí giảng dạy ở Leipzig Conservatory (được Mendelssohn thành lập), và bác sĩ
khuyên ông nên chuyển đến một thành phố khác. Hậu quả giờ đây là chứng mất trí
nhớ và khó khăn trong đi lại, ám ảnh bởi một nỗi sợ chết mãnh liệt và bị giày
vò bởi sự thay đổi tâm tính khắc nghiệt, ông đã chuyển đến Dresden năm 1846, ở
đó ông bị một cơn suy sụp nặng hơn mà từ đó đã sản sinh ra một sự bùng nổ khác
trong soạn nhạc. Chuyển từ Dresden tới Dusseldorf năm 1850, ông chấp nhận vị
trí chỉ huy trong dàn nhạc của thành phố, nhưng lại bị buộc phải từ chức vì sự
không ổn định về tinh thần ngày càng tăng. Bài báo cuối cùng của ông với vai
trò nhà nhà phê bình xuất hiện năm 1853. trong đó ông đã chỉ ra những nét tiêu
biểu của một người trẻ tuổi Johannes Brahms (mà ông chỉ vừa mới gặp), đánh giá
anh ta như một người kế vị thực thụ của Beethoven trong thể loại nhạc giao hưởng,
một sự biệt đãi mà trước đến giờ ông luôn từ chối.
Khi trở lại Dussendorf từ chuyến thăm Hà Lan, Schumann gần
như đã cạn hết nguồn năng lượng trong mình, bị hành hạ bởi chứng mất ngủ vì ông
sợ rằng sẽ chết trong giấc ngủ. Tin chắc rằng mình đang bị theo đuổi, ông đã bỏ
trốn khỏi nhà mình một đêm giá rét vào tháng 2 năm 1854 và nhảy xuống sông
Rhine. Ông đã được những người đi thuyền cứu sống và mang về nhà, nhưng giờ đây
ông gần như đã điên hoàn toàn. Ông được đưa đến một bệnh viện ở Endenich gần
Bonn, và từ chối không tiếp khách. Ông qua đời vào ngày 29/7/1856. Clara vẫn sống
rất lâu sau đó và trình diễn các bản nhạc giúp tạo nên sự vĩ đại của chồng mình
trên khắp thế giới này.
8. Kể chuyện về Frê-đê-rích Sô-panh (1810 -1849) - “Ngài
Piano”Frê-đê-rích Sô-panh (Frédéric François Chopin) - nhạc sĩ thiên tài người Ba lan -
sinh ngày 22.8.1810 ở ngoại ô thành phố Vác-sa-va và mất ngày 17.10.1849 tại
Paris, nước Pháp. Cuộc đời Sô-panh tuy ngắn ngủi nhưng luôn tràn đầy những ước
mơ và hoài bão nồng nhiệt.
Cha Sô-panh - giáo sư Ni-cô-la Sô-panh và người mẹ của cậu đều
chơi đàn piano rất tốt. Ông Ni-cô-la Sô-panh sinh ra tại vùng Lo-ren ở nước
Pháp nhưng đã sống nhiều năm tại Ba-lan. Trong tám năm làm gia sư dạy tiếng
Pháp cho gia đình bá tước Xkác-bếch, ông cưới cô Guýt-xtin Ksy-da-nốp-xka, người
chị em họ của gia đình này. Gia đình ông Ni-cô-la có bốn người con, Frê-đê-rích
Sô-panh có hai người chị là Lu-i-dơ và I-da-ben và em gái- cô bé Ê-mi-ly.
Sô-panh bộc lộ tài năng âm nhạc từ lúc còn nhỏ, lên ba tuổi
đã nhớ và đàn được những bản nhạc mà người mẹ thường chơi. Tám tuổi, Sô-panh có
khả năng biểu diễn xuất sắc trước công chúng và sáng tác những bản nhạc nổi tiếng.
Từ đó cậu được coi là thần đồng âm nhạc.
Bắt đầu học piano từ lúc ba tuổi, lên sáu, gia đình mời thày
giỏi nhất đến dạy đàn cho Sô-panh. Đó là ông Dip-ny, khi ấy đã gần sáu mươi tuổi.
Chỉ sau vài năm học tập, 12 tuổi, Sô-panh đã chơi đàn vượt tài thày. Ông
Dip-ny, rất có thiện chí, đã xác nhận cậu học trò thiên tài không còn gì phải học
trong những bài dạy của ông nữa. Ông nói “Muốn theo dõi những năng khiếu kỳ
lạ của Sô-panh hơn là uốn nắn chúng”. Ông còn khuyên bố mẹ Sô-panh “Hãy để
mặc cậu bé cho tài năng tự nhiên được nảy nở”.
Lúc còn nhỏ, cậu bé Sô-panh rất buồn vì bàn tay trẻ con của
mình không thể bấm được một quãng tám trên đàn piano, cậu bèn nghĩ ra một mẹo.
Sô-panh cố làm rộng mu bàn tay bằng cách đặt giữa kẽ ngón tay những cái nêm.
Trước khi đi ngủ, cậu bí mật băng chặt bàn tay và cả những cái nêm lại, ước rằng
ngày mai có thể bấm tới mười phím. Nhà soạn nhạc tí hon cần đến một quãng mười
cho bản nhạc mà cậu đang soạn.
Sống trong ngôi nhà rộng rãi nên gia đình Sô-panh cho một số
học sinh ở trọ. Bọn trẻ đến từ các vùng lân cận và theo học ở thủ đô Vác-sa-va.
Các buổi tối, Sô-panh hay cùng mẹ chơi đàn cho bọn trẻ này thưởng thức. Nhiều
buổi cậu đàn các bản dân vũ để chúng nhảy múa, lần khác, cậu lại kể những câu
chuyện tự sáng tác rồi ngồi xuống đàn piano, dùng âm nhạc diễn tả nội dung câu
chuyện.
Một hôm, bọn trẻ nô đùa, nghịch ngợm, làm xáo động căn nhà vốn
yên tĩnh. Muốn bọn trẻ lặng yên, Sô-panh kể cho chúng nghe câu chuyện về một bọn
cướp hung ác. Chọn một ngôi làng yên bình, chúng tấn công và cướp phá rất tàn bạo.
Những thanh niên trong làng dũng cảm chiến đấu chống lại, bọn cướp thua và phải
tháo chạy. Chúng chỉ còn con đường duy nhất là trốn vào một hang sâu dưới chân
núi. Trong hang tối tăm, lạnh lẽo, đó đây ẩn hiện những hình thù kỳ dị. Bọn cướp
vừa đói vừa mệt, lăn ra đất rồi nhanh chóng ngủ thiếp đi. Đến cao trào câu chuyện,
Sô-panh ngồi vào đàn và miêu tả khung cảnh dưới hang sâu bằng những âm thanh
run rẩy. Thính giả như thấy tiếng thầm thì của khu rừng đại ngàn, làn gió rì
rào xao động thổi ngoài cửa hang, tiếng kêu rả rích của côn trùng và tiếng ngáy
đều đều của bọn cướp. Cuối cùng thì không chỉ bọn cướp mà những người nghe chuyện
cũng bị tiếng đàn ru ngủ lúc nào không hay. Đến đây, Sô-panh rón rén ra khỏi
phòng tìm bố mẹ rồi chỉ cho họ thấy cảnh tượng khác thường ấy. Cậu trở lại bên
cây đàn và bấm mạnh hai tay xuống hàng phím. Âm thanh vang lên chói tai, đám
thính giả giật mình tỉnh giấc. Trước những khuôn mặt còn ngơ ngác, Sô-panh nhẹ
nhàng kể tiếp, cậu nói đó là tiếng sét đánh xuống cây cổ thụ, làm nó gẫy gục, lấp
kín cửa hang. Rồi trận mưa dữ dội đổ xuống, nước ngập đầy hang, bọn cướp không
còn đường ra nên bị chết đuối hết.
Về sau, câu chuyện này và cách kể độc đáo của Sô-panh đã in
sâu vào trí nhớ của nhiều người từng sống trong ngôi nhà đó.
Năm 1824, khi Sô-panh vào trường Trung học, bố mẹ đã giao cậu
bé cho ông giám đốc nhạc viện thành phố Vác-sa-va tên là Giô-dép En-xne để ông
này dạy hòa âm và phức điệu cho cậu thiếu niên. Trong con mắt tinh tường của
En-xne, ông đã nhận ra một khả năng âm nhạc kỳ lạ của cậu bé. Những bài tập hoà
âm và phức điệu của Sô-panh luôn thể hiện sự sáng tạo đặc biệt so với học sinh
khác, cậu không làm bài theo cách thông thường như mọi người. En-xne có lần nói
với Sô-panh: “Có hai loại người không chịu tuân theo luật lệ. Loại thứ nhất
là không biết gì luật lệ, còn loại thứ hai lại nắm quá vững về nó. Em thuộc loại
thứ hai này”. En-xne nói với những người e ngại việc không gò Sô-panh đi vào
khuôn khổ: “Hãy để cho cậu bé mảnh đất tự do. Cậu ta đi theo con đường kỳ
lạ bởi vì thiên tư của cậu ta cũng kỳ lạ”. Trong báo cáo hàng năm ở nhạc viện,
sau tên Sô-panh, ông giám đốc nhạc viện đã viết những dòng chữ: “Khả năng
làm mọi người kinh ngạc, thiên tài âm nhạc”.
Những sự kiện chính trị đã làm hai năm học cuối tại trường
Trung học của Sô-panh trôi trong buồn bã. Đất nước Ba-lan ngày đó còn nằm dưới
sự cai trị của Sa Hoàng- Hoàng đế Nga. Sa hoàng ra lệnh đàn áp mọi cuộc biểu
tình của nhân dân Ba-lan. Khi mới 15 tuổi, Sô-panh đã nhiệt tình tham gia các
cuộc biểu tình phản đối sự chiếm đóng hà khắc này. Nhiều năm sau, khi phải rời
xa quê hương Sô-panh không bao giờ nguôi ngoai trong lòng nỗi nhớ da diết về Tổ
quốc Ba-lan yêu dấu.
Sô-panh - nghệ sĩ piano vĩ đại
Tháng 9 năm 1826, khi vào học tại nhạc viện Vác-sa-va,
Sô-panh đã có ba tác phẩm âm nhạc được in là bản Pô-lô-ne giọng La thứ, bản
hành khúc quân đội và bản Rông-đô. Đó là những tác phẩm có giá trị, chúng nhanh
chóng nhận được sự tán thưởng của những người yêu nhạc và đưa Sô-panh trở thành
niềm hy vọng của nền âm nhạc Ba-lan.
Trong thời gian ấy, để hoàn chỉnh việc học tập, Sô-panh thường
chơi tác phẩm của các nhạc sĩ thời trước và xem chương trình biểu diễn của các
nhạc sĩ nước ngoài. Một lần khi được xem “Nhà phù thủy của cây đàn violon” người
Italia tên là Pa-ga-ni-ni trình diễn, khả năng đặc biệt của Pa-ga-ni-ni đã làm
Sô-panh kinh ngạc. Kỹ thuật biểu diễn tuyệt mỹ của nghệ sĩ đã thôi thúc anh phải
mau chóng khổ luyện để đạt tới sự hoàn thiện trong cách chơi của mình, không với
mục đích làm người nghe ngạc nhiên mà để có khả năng thể hiện tình cảm của mình
được trọn vẹn nhất. Sô-panh bắt tay vào viết một số bài luyện tập cho đàn
piano, nhưng khác với nhiều nhạc sĩ, bài tập của Sô-panh rất giàu tính nghệ thuật.
Ngày nay, người chơi những bài tập của Sô-panh không chỉ để chơi cho đúng mà phải
chơi thành một tác phẩm âm nhạc hoàn hảo.
Năm 1828, trong một chuyến đi từ Béc-lin (Đức) sang nước
Pháp, cỗ xe chở Sô-panh phải dừng lại ở gần trạm bưu điện Da-lin để thay ngựa.
Cũng như những hành khách khác, Sô-panh đi vào phòng chờ để nghỉ ngơi. Hầu hết
mọi người trong căn phòng đều có vẻ mệt nhọc trong chuyến đi dài. Họ đứng ngồi
lộn xộn. Căn phòng đầy những âm thanh hỗn độn. Chợt thấy ở góc phòng có một cây
đàn piano, Sô-panh tò mò tiến lại gần để thử xem. Chiếc đàn tuy đã cũ nhưng vẫn
còn dùng được.
Quên cả mệt nhọc và quên rằng mình đang ở đâu, Sô-panh dạo
tay trên phím đàn những bản nhạc mà ông tự sáng tác. Tiếng đàn vang lên nhẹ
nhàng trong khung cảnh hỗn độn và náo nhiệt. Trong giây lát, căn phòng chợt
tĩnh lặng, dường như có một luồng khí mát vừa tràn tới. Mọi người nhanh chóng bị
tiếng đàn mê hoặc, họ quên mệt nhọc, quên ăn uống và nghỉ ngơi để vây quanh cây
đàn. Một thoáng, Sô-panh định dừng tay, nhưng thấy mọi người chăm chú lắng
nghe, ông lại tiếp tục chơi những bản nhạc khác. Vừa dừng tay, giữa những tiếng
kêu ngạc nhiên đầy thán phục, một người đàn ông có tuổi tiến lại gần Sô-panh và
nói: “Thưa ngài, tôi là nhạc sĩ sống ở vùng này, tôi hiểu công việc của mình. Nếu
Mô-da nghe ngài chơi đàn, ông ta sẽ bắt tay ngài, còn tôi, tôi không dám…”.
Vừa lúc đó, người phu trạm bước vào, thông báo rằng ngựa đã
thay xong, mời mọi người ra xe tiếp tục chuyến đi. Tất cả đều luyến tiếc, dường
như họ vừa trải qua một giấc mơ đẹp và không muốn giấc mơ đó sớm kết thúc. Ông
trưởng trạm bưu điện tha thiết mời Sô-panh ở lại tiếp tục chơi đàn, sau đó bưu
điện sẽ cấp riêng cho ông một cỗ xe khác. Sô-panh lễ phép từ chối và muốn tiếp
tục cuộc hành trình cùng mọi người. Kính trọng vì tài năng âm nhạc và sự khiêm
nhường đó, mọi người đã không dấu được cảm xúc của mình. Nhiều người đàn ông đến
xin bắt tay ông, một số khác tìm cách chạm vào người ông và cuối cùng họ tung
Sô-panh lên để hoan hô.
Sau khi rời quê hương tới nước Pháp, tại đây Sô-panh đã tìm đến
một số nghệ sĩ chơi piano nổi tiếng để được học tập và trau dồi kiến thức. Một
nghệ sĩ chơi piano bậc thầy lúc bấy giờ tên là Kác-bren-ne, khi chưa được chứng
kiến tài năng của Sô-panh, đã tự tin tuyên bố: “Có thể tôi sẽ dành ba năm để
giúp chàng thanh niên Ba-lan này hoàn thiện về kỹ thuật chơi đàn”. Khi đó
Kác-bren-ne hơn Sô-panh đến 25 tuổi, nhưng khi được nghe tiếng đàn của Sô-panh
trong một buổi hoà nhạc lớn, ông ta đã kêu lên trong niềm phấn khích với sự
khiêm tốn rất đẹp: “Một người khổng lồ! Anh ta đã dẹp tất cả mọi người và cả
tôi!”.
Có thể nói rằng, về nghệ thuật chơi đàn piano, chỉ có một người
có thể sánh được với Sô-panh, đó là Frăng List, nhạc sĩ người Hung-ga-ri và họ
cũng là bạn tốt của nhau. Tuy nhiên, cách chơi đàn của hai nghệ sĩ lại khác
nhau rất nhiều. List thể hiện sự nhiệt tình, hăng hái của người Hung-ga-ri, ông
thường chơi đàn với cảm hứng nẩy lửa, những đoạn nhạc cao trào, ngón tay của
List làm bật lên những tiếng sét nổ trên phím đàn. Trong phòng hoà nhạc lớn, nhạc
của ông làm cho tất cả đám đông rung lên. Trái lại lối chơi của Sô-panh lại mềm
mại, tế nhị hơn diễn tả sự sâu sắc về nội tâm của một người rất giàu tình cảm.
Nhạc sĩ nổi tiếng người Đức là Men-đen-sơn vào năm 1834 đã
tuyên bố, Sô-panh là người đứng đầu các nhà chơi dương cầm. Nhà văn nổi tiếng
người Pháp là Ban-dắc nói: “Người ta chỉ đánh giá được List khi đã nghe Sô-panh
chơi đàn, đó đều là những bậc thầy, List chơi đàn như ma quỷ, còn Sô-panh chơi
đàn như thiên thần…”
Có người đã nhận xét về tài năng chơi đàn của Sô-panh: “Cách
đánh đàn của ông đẹp đến nỗi, ông chỉ chơi một hợp âm thôi đã đủ sức làm mê hoặc
khán giả”.Sô-panh - nhà sáng tác âm nhạc thiên tàiSô-panh chủ yếu sáng tác âm nhạc cho đàn piano ở các thể loại
nhỏ như Ma-duốc-ca, Pô-lô-ne, Van-xơ, Sô-nát, Dạ khúc (Notude), Khúc mở đầu
(Uvectuya), Bài tập luyện ngón (Etude)… Ông không viết những tác phẩm mang hình
thức lớn như giao hưởng, nhạc kịch… Âm nhạc của Sô-panh được sáng tác rất công
phu, mang đậm tính cách dân tộc Ba-lan, nảy sinh từ một thiên tài kiệt xuất và
đem đến cho thính giả lòng tin tưởng mạnh mẽ vào sự lớn lao của con người.
Số lượng tác phẩm âm nhạc của Sô-panh theo những thống kê
chưa đầy đủ, bao gồm 10 bản Pô-lô-ne, bản đầu tiên viết khi lên tám tuổi, 4 bản
Sô-nát, 2 Công-xéc-tô, 1 tam tấu, 4 Xkéc-dô, 4 Rông-đô, 19 Dạ khúc, 25 Bài tập
(Etude), 15 bản Van-xơ, 1 Ta-răng-ten, 24 khúc mở đầu (U-véc-tuya), 3 hành
khúc, 4 thơ ứng khẩu, 4 Ba-lát, 1 Phăng-tê-di, 51 Ma-duốc-ca, một khúc ru, một
Bác-ca-rôn, 1 Bô-lê-rô, 1 hành khúc tang lễ, 3 Ê-cốt-xơ và nhiều ca khúc phổ
thơ…
Những nhạc sĩ thời trước mà Sô-panh rất yêu thích là Mô-da và
Bach, ông đánh giá những chủ đề âm nhạc của họ được hình thành và phát triển từ
những xúc cảm nhạy bén, đôi khi từ một tiếng chim vẫy cánh, một hơi gió thổi, một
nét vẽ thuần tuý. Đã nhiều lần, ông khẳng định và thán phục tài năng của họ.
Theo Sô-panh, một tác phẩm âm nhạc phải có vài trò khác với một
bức tượng, một bức tranh hay một bài thơ, bởi ở chúng tình cảm được diễn tả một
cách trực tiếp. Âm nhạc chỉ nên dùng để gợi nên, nhắc lại, đánh thức những tình
cảm khi lời nói không thể diễn tả được nữa.
Năm 1831, nhạc sĩ người đức là Rô-be Su-man là người nước
ngoài đầu tiên nhận thấy tài năng sáng tác âm nhạc của Sô-panh, Su-man không chỉ
là một nhà soạn nhạc lớn mà còn là một nhà phê bình âm nhạc tài năng. Qua những
tác phẩm âm nhạc của Sô-panh được in và gửi tới Lai-xích, Su-man đã đăng những
bài giới thiệu về nhạc sĩ này rất chân thực trên tạp chí âm nhạc mà ông phụ
trách. Đến khi được biết Sô-panh hoàn thành biến tấu trên giai điệu vở nhạc kịch
Đông-Gioăng của Mô-da, Su-man đã viết trong tạp chí âm nhạc: “Thưa các ngài,
hãy hạ mũ xuống: Một thiên tài!”
Tác phẩm của Sô-panh không có vẻ trống rỗng và hoa mĩ rườm
rà. Nó chứa đựng tất cả những cảm xúc chân thực của ông trong cuộc sống, niềm
vui và nỗi đau, sự êm ái và dữ dội, tế nhị và cay đắng, tình yêu và lòng căm
ghét. Sô-panh là một nhà soạn nhạc vô song, ngay thẳng và tinh tế. Chỉ có ông mới
nhận được từ List- tay đàn piano cự phách bậc nhất thời bấy giờ- lời ca ngợi mà
rất ít người xứng đáng được hưởng: “Mỗi nốt nhạc là một vần, mỗi nhịp là một chữ
và mỗi câu là một tư tưởng”.
Tình yêu của Sô-panh
Ba người phụ nữ đã đi qua cuộc đời Sô-panh, để lại dấu ấn
trong tinh thần cũng như tác phẩm âm nhạc của ông. Khác nhau bởi hoàn cảnh xã hội,
địa vị, tuổi tác, họ không đến với Sô-panh bằng tình yêu say mê, chân thành như
ông hằng mong đợi để vượt qua những dày vò của bệnh tật và cay đắng của cuộc đời.
Hai người đầu tiên, là những cô gái trẻ, họ không hiểu được tâm hồn thanh cao
và tài năng đặc biệt của ông. Người phụ nữ thứ ba, có tài năng và nhiều kinh
nghiệm, đã che chở và giữ gìn ông bên cạnh như một thần tượng quí giá hơn là một
người yêu thực sự. Sô-panh là một người độc thân và không gặp may mắn trong
tình yêu.
Ngoại hình của Sô-panh, được người bạn của ông, nhạc sĩ
Phrăng List miêu tả như sau: “Toàn bộ con người anh rất hài hòa, ánh mắt thông
minh hơn là mơ màng, nụ cười hiền lành và tinh khiết không bao giờ trở nên cay
đắng. Sô-panh có nước da trắng mịn, làn tóc màu hung, mũi hơi khoằm, dáng người
cao dong dỏng, nhã nhặn như một quí tộc”.
Năm 17 tuổi, với những rung động đầu đời, Sô-panh say mê một
nữ sinh nhạc viện Vác-sa-va, tên là Công-xtăng-xơ Glát-cốp-xka. Cô gái học khoa
thanh nhạc và có giọng hát rất hay. Đây là mối tình đầu trong sáng và tươi trẻ,
hồn nhiên. Sô-panh sáng tác một số bản nhạc tặng cô gái, đó là một bản
Công-xéc-tô và một bài Van-xơ. Mối tình này đã kéo dài không lâu, khi Sô-panh
buộc phải rời khỏi đất nước, ông không còn liên lạc được với Glát-cốp-xka nữa,
ít lâu sau Sô-panh rất đau lòng khi nhận được tin cô đã lấy chồng, một người
thuộc tầng lớp quí tộc nông thôn Ba-lan.
Năm 1835, nhận được lời mời từ một gia đình họ hàng xa,
Sô-panh đã tới Đrét-xđơ. Tại đây, ông gặp lại người chị họ đã quen biết từ thuở
còn nhỏ tên là Ma-ri, giờ đây là một cô gái đáng yêu, thông minh và am hiểu âm
nhạc. Cùng nhau trải qua những kỷ niệm sâu sắc thời thơ ấu, giữa Sô-panh và
Ma-ri nhanh chóng hình thành một mối tình đằm thắm và tế nhị, người mẹ của
Ma-ri cũng ủng hộ tình yêu của họ. Với những cảm xúc ngọt ngào của mối tình
này, khi chia tay nhau, Sô-panh đã tặng Ma-ri một bản nhạc Van-xơ từ biệt, đó
là một trong những kiệt tác bất hủ của ông.
Tuy nhiên cha và chú của Ma-ri lại không tán thành việc kết
hôn giữa cô gái và Sô-panh. Là những người mang nặng thành kiến về tước hiệu và
của cải, họ cho rằng đây là một cuộc hôn nhân không cân xứng. Một năm sau đó,
Sô-panh và Ma-ri tìm cách gặp nhau, tình cảm giữa họ vẫn sâu nặng, thậm chí hai
người đã bí mật đính hôn nhưng bất lực bởi những khó khăn và cách trở, Ma-ri yếu
đuối đành buông xuôi tình cảm của mình. Sô-panh rất đau lòng vì mối tình tan vỡ
và người yêu nhanh chóng lãng quên, ông gói bông hồng Ma-ri đã tặng vào trong một
bản nhạc, đóng xi lại và viết bên ngoài “Những nỗi đau của tôi”. Gói hoa hồng
này, người ta còn thấy nguyên vẹn sau khi Sô-panh qua đời.
Người phụ nữ có ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời và sáng
tác âm nhạc của Sô-panh là nữ văn sĩ người Pháp: Giooc-giơ Xăng (George Sand).
Sô-panh gặp và yêu bà từ năm 1838, khi ông 28 tuổi. Giooc-giơ Xăng hơn Sô-panh
sáu tuổi (1804-1876), là một trong số ít phụ nữ Pháp viết tiểu thuyết thành
công. Cuộc đời của Xăng cũng có nhiều điểm đáng nói. Bà là con hoang của một
người có dòng dõi hoàng tộc, là cháu vua Ba-lan. Năm 18 tuổi, Xăng kết hôn cùng
nam tước Đuy-đơ-văng (Casimir Dudevant). Tám năm sau, bà bỏ đi Paris với nhà
văn Xăng-đô, bắt đầu cuộc đời viết văn, sống phóng túng. Xăng nổi tiếng khắp
thành Paris thời bấy giờ vì tài viết văn cũng như được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng
theo đuổi, đó là nhà thơ Muýt-xê (Alfred de Musset), nhà văn Xăng-đô (Jules
Sandeau), nhạc sĩ Sô-panh…
Nhà của Giooc-giơ Xăng là nơi lui tới của rất nhiều nhân vật
nổi tiếng thời bấy giờ. Sô-panh sống trong lâu đài của nữ văn sĩ này và yêu bà
trong thời gian từ năm 1838 đến năm 1846. Khi đó hai đứa con riêng của Xăng còn
nhỏ. Độ lượng và hết lòng, bà chú ý đến nghệ sĩ trẻ thiên tài mà bệnh tật đã bắt
đầu tàn phá. Bà nhận Sô-panh vào cuộc đời mình và với tình thương trước hết như
một người mẹ, nữ văn sĩ này coi Sô-panh như người con thứ ba của mình. Tám năm
Sô-panh sống cạnh bà, trong lâu đài nhỏ Nô-hăng gần Paris, Sô-panh viết nên nhiều
tuyệt tác âm nhạc. Nhưng cuối cùng thì hai người cũng chia tay. Trong cuốn Câu
chuyện đời tôi, Xăng đã kể lại các sự kiện dẫn đến việc hai người phải đau khổ
xa nhau. Bà cho rằng có những nguyên nhân dẫn đến sự chia tay. Thứ nhất,
Sô-panh đã không thể sống hoà hợp với hai người con riêng của bà. Thứ hai, tình
yêu Sô-panh dành cho Xăng chỉ được xếp sau những tình cảm ông dành cho Tổ quốc
Ba-lan và đặc biệt là người mẹ yêu dấu của ông.
Đã bị tàn phá bởi bệnh tật, lại chịu nỗi đau vì mất tình yêu
của Giooc-giơ Xăng. Một người bạn của ông, nghệ sĩ chơi đàn Xen-lô là Phrăng-om
kể lại, trong ngày cuối đời, Sô-panh đã lẩm bẩm: “Thế mà bà ấy nói với tôi rằng
tôi chỉ chết trong tay bà”. Sô-panh là con người như vậy, không quên và luôn
trung thành trong tình yêu của mình.
Cuộc sống của Sô-panh
Vào năm 1830, cha mẹ của Sô-panh đã bí mật được tin tại
Vác-sa-va sắp nổ ra cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ba-lan chống lại sự chiếm đóng
của Sa hoàng. Họ liền thu xếp để đưa Sô-panh rời khỏi Tổ quốc, tránh ảnh hưởng
tới cuộc sống của con trai mình- một thiên tài âm nhạc. Nếu ở lại, chắc chắn
Sô-panh sẽ tham gia cuộc chiến và tương lai của anh sẽ không thể định trước được.
Sau cái chết của cô em út Ê-mi-ly khi mới 14 tuổi, Sô-panh rất
đau lòng. Ông rời xa Tổ quốc Ba-lan vào ngày 2.9.1830 với linh cảm sẽ không được
quay trở lại. Ông mang theo một nắm đất của quê hương và chẳng bao giờ rời xa
nó. Chuyến đi bằng xe trạm bưu điện đã đưa Sô-panh qua nhiều nước châu Âu như
Séc, Áo, Đức. Khi tới thành Viên, Sô-panh được tin tại Ba-lan đã nổ ra cuộc khởi
nghĩa nhân dân. Đắm chìm trong lo lắng, không nhận được tin tức của bạn bè và
gia đình, Sô-panh rất đau khổ. Ông định dừng chân ở Đức nhưng đất nước này từ
chối cấp thị thực cho ông. Từ đây, ông đi tiếp sang Pháp và sống ở đó tới khi
chết. Suốt cuộc đời ngắn ngủi- ông chết năm 39 tuổi- mang trong người từ tuổi
25 một căn bệnh đau ngực vì chứng viêm phổi làm ông từ giã cõi đời.
Khi mới tới Paris, cuộc sống của Sô-panh có nhiều khó khăn,
người nghệ sĩ trẻ quyết định tự kiếm sống bằng cách dạy đàn piano. Phải rất cực
nhọc, ông mới kiếm đủ ăn qua ngày, vì thế có nhiều lúc ông nghĩ cách đến châu Mỹ,
để thử cầu may như một người chơi dương cầm kỳ tài ở lục địa mới.
Sau sự tiếp xúc và giới thiệu của bạn bè, Sô-panh đến chơi
đàn tại nhà triệu phú Rốt-sin. Buổi trình diễn tối hôm đó, bằng lối chơi đặc biệt
của mình, Sô-panh đã làm mê ly thính giả và từ đó đánh dấu một bước ngoặt trong
cuộc đời của ông. Rất nhiều người tìm cách làm quen với Sô-panh, họ mời ông đến
chơi đàn tại nhà hay ông đến dạy đàn cho họ. Nhờ thế, điều kiện sống của ông được
cải thiện. Trong hai buổi hòa nhạc tiếp theo, Sô-panh thành công đến nỗi nhà
vua Lu-i Phi-líp đã mời ông đến chơi tại cung điện Xanh Cơ-lu và tặng ông nhiều
tặng phẩm quí giá. Những nhạc sĩ tên tuổi thời kỳ đó tại Paris như Men-đen-sơn,
Ben-li-ni và Béc-li-ô cũng phải cúi chào trước vẻ đẹp trong lối chơi của ông và
trở thành những người bạn khâm phục tài năng của ông. Từ đây, cuộc đời
Frê-đê-rích Sô-panh mở ra một thời kỳ đầy vẻ vang.
Sau những thành công tốt đẹp đó là những ngày làm việc quá sức.
Sức khỏe của Sô-panh dần dần giảm sút. Những buổi hòa nhạc, nhiều dạ hội kéo
dài rất khuya, những bài dạy âm nhạc hàng ngày không tiếc sức, bắt đầu hủy hoại
sức khỏe vốn đã tồi tệ của ông. Bệnh viêm phổi không có cách chữa triệt để đã gặm
nhấm hết sức khỏe của Sô-panh.
Lúc hấp hối, Sô-panh gọi tên người mẹ yêu dấu, nhưng vô ích.
Tuy nhiên bà đã hiện ra như một ảo ảnh cuối cùng, một niềm tin cuối cùng của
Sô-panh. Trái tim Sô-panh ngừng đập vào ngày 17.10.1849. Theo ý nguyện của
mình, Sô-panh muốn tro tàn của trái tim ông sẽ được gắn vào cây thánh giá tại
nhà thờ lớn của Vác-sa-va. Nhưng sau đó, theo nguyện vọng của những người thân,
trái tim ông được giữ lại. Nhiều năm sau, trái tim của Sô-panh được đưa về
Ba-lan cùng với nắm đất quê hương ông mang theo từ thời trai trẻ. Sô-panh yên
nghỉ tại nghĩa trang Pe-rơ La-se-dơ ở Paris.
Nhà thơ người Đức là Hen-ríc Hai-nơ đã nói về ông: “Ảnh hưởng
của ba dân tộc đã hợp thành nơi ông một con người đáng trân trọng. Ba-lan đã
cho ông tình cảm nghĩa hiệp và nỗi đau đớn lịch sử. Nước Pháp, sự thanh lịch dễ
gần và duyên dáng, nước Đức, sự sâu sắc mơ màng. Thiên nhiên đã cho ông một
khuông mặt thon, đỏm dáng hơi bệnh tật và một trái tim cao quý của thiên tài.
Ta phải thừa nhận ở Sô-panh cái thiên tài với tất cả ý nghĩa của từ đó: ông
không chỉ là một nhạc sĩ kỳ tài, mà còn là thi sĩ. Ông có thể diễn đạt cho
chúng ta biết chất thơ ở trong tâm hồn ông. Đây là một nhạc sĩ, thi sĩ và không
có gì so sánh được với sự hoàn mỹ khi ông tùy hứng trên dương cầm. Lúc đó, ông
không còn là người Ba-lan, Pháp hay Đức nữa. Ông đi ra từ một nguồn gốc sâu xa
hơn: từ xứ sở của Mô-da, của Ra-pha-en, của Gớt, tổ quốc thực sự của ông là xứ
sở của nghệ thuật âm nhạc và thơ ca”.
9. Franz Liszt (1811-1886) - Nghệ sĩ piano hay nhất, người
sáng tạo ra thể loại “Thơ giao hưởng”Trong thế giới âm nhạc cổ điển, Franz Liszt được coi là một
trường hợp độc nhất vô nhị. Không chỉ là một trong những nhân vật quan trọng của
thời kỳ Lãng mạn, Liszt còn ảnh hưởng tới thời kỳ hậu lãng mạn, ấn tượng và cả
âm nhạc vô điệu thức. Một số đóng góp đáng chú ý nhất của ông là phát minh của
các thơ giao hưởng, phát triển các khái niệm về chuyển đổi chuyên đề như là một
phần của thí nghiệm của ông trong hình thức âm nhạc, và làm cho khởi hành căn bản
trong sự hài hòa.
Khi Liszt lên 11 tuổi, có lần Liszt chơi fugue Đô thứ của
Bach cho Beethoven nghe. Beethoven hỏi liệu cậu bé có chơi được bản nhạc đó,
nhưng ở gamme khác không. Liszt trả lời là được và chơi đổi gamme luôn. Nhiều
năm sau, mắt rưng rưng lệ, Liszt đã kể lại câu chuyện này cho các học trò của
mình.
Khi Liszt lên 14 tuổi, có lần người ta nhờ ông đệm cho một
nghệ sĩ thổi flute, nhưng flute của ông này bi chênh lên nửa cung so với piano.
Liszt đã đọc toàn bộ bản nhạc tại chỗ và dịch lên một nửa cung trong khi đệm
cho ông ta.
Trong khi nghe Liszt thị tấu etudes của Chopin từ bản thảo viết
tay của Chopin, chính Chopin đã viết: “Tôi ước gì mình có thể thuổng được cách
Liszt chơi các etudes của tôi”.
Edvard Grieg kể lại Liszt đã thị tấu Sonata cho violin và
piano của Grieg như thế nào. “Các vị phải nhớ rằng, trước hết, Liszt chưa từng
được nhìn thấy hay được nghe bản sonata này. Sau đó, đây là một bản sonata cho
violin và piano, với hai phần viết riêng cho violin và piano. Liszt đã làm gì?
Ông ta đã chơi tất, cả gốc lẫn ngọn, violin và piano. Còn hơn thế, ông chơi đầy
đủ hơn, rộng rãi hơn, toàn bộ bằng piano, không mất một note. Và ông ta chơi mới
kinh chứ, với sự hùng vĩ, vẻ đẹp, thiên tài, sự hiểu biết sâu sắc có một không
hai. Tôi nhớ là tôi đã bò ra cười, cười như một thằng ngốc.”
Nghệ sĩ violin người Hungary Joseph Joachim [1] không bao giờ
quên lần Liszt đệm cho ông chơi chương kết của concerto cho violin của
Mendelssohn: Liszt thị tấu trong khi bàn tay phải vẫn kẹp một điếu xì-gà bằng
ngón tay trỏ và ngón tay giữa. Linda Raman có lần nói với Liszt rằng L.
Boehner, tuy hai ngón tay bị què, vẫn chơi fugues trên đàn orgue. Liszt nghĩ một
lát rồi ngồi vào piano chơi một fugue khó của Bach mà chỉ dùng mỗi bàn tay 3
ngón tay.
Có lần, trước khi trình diễn một sáng tác rất khó của mình,
Liszt nói với thính giả: “Trên thế giới chỉ có hai người có thể chơi bản nhạc
này. Đó là Hans von Bülow và tôi.” Georges Bizet, khi đó cũng ngồi nghe, bèn đứng
lên, tiến tới piano, ngồi xuống và thị tấu toàn bộ bản nhạc của Liszt. Liszt
không hề ngạc nhiên, nói: “Như vậy chúng tôi có ba người”.
Nhà soạn nhạc người Mỹ Otis Boise mang tổng phổ giao hưởng của
mình đến Weimar (Đức) cho Liszt xem. Boise kể lại: “Liszt liếc nhìn kết cấu các
nhạc cụ, lật từng trang để nắm bắt các chủ đề và quá trình, sau đó chơi toàn bộ
giao hưởng bằng piano với một cách trình bày kinh ngạc mà tôi chưa từng được
nghe từ trước tới giờ, cũng không bao giờ được nghe sau này từ những nghệ sĩ
khác. Những người từng thử sức trong việc này hiểu rằng mười ngón tay không thể
nào diễn tả được tất cả các chi tiết, mà phải biết lựa ra những nét chính và giọng
rõ ràng từ một đống các bè phức tạp. Liszt đạt được điều đó ngay lập tức. Mọi đặc
tính về tài nghệ của tác giả, của đối âm, của nhạc cụ đều được ông để ý tới.
Ngoài ra ông còn vừa chơi vừa nhận xét bằng lời”.
Khi về già, Liszt hầu như bị lòa, và ông bỏ hết các trò diễn
thị tấu. Mẹ của thủ tướng Anh Winston Churchill kể lại có lần bà đã được ngồi cạnh
Liszt tại một dạ tiệc và bà đã phải giúp Liszt định vị đồ ăn trên đĩa.
Giai thoại về Liszt và Chopin
Sinh thời Chopin và Liszt là hai người bạn thân vừa là hai đối
thủ trong âm nhạc.
Có lần Liszt thách Chopin biểu diễn trước công chúng trong
phòng tối om như chính mình đã từng diễn trước đó. Chopin nhận lời. Sau khi đã
kêu tắt hết nến, hạ tất cả các rèm cửa, và Chopin đã bắt đầu chơi, Liszt lại gần
Chopin, thì thầm gì đó vào tai Chopin, rồi ngồi xuống chơi tiếp bản nhạc Chopin
vừa bắt đầu.
Sau khi kết thúc, Liszt cho thắp nến lên, và cho khán giả biết
đó là mình vừa chơi chứ không phải Chopin như tất cả mọi người lầm tưởng khi
nghe trong bóng tối. Khán giả mắt tròn mặt dẹt vỗ tay khâm phục.
Liszt quay sang hỏi Chopin: “Ông thấy thế nào?”
– “Tôi cũng tưởng đó là Chopin”, Chopin trả lời.
– “Ông đã thấy chưa?” - List nói - “Liszt có thể chơi như
Chopin khi nào hắn muốn, nhưng liệu Chopin có chơi được như Liszt không?”. Một lần khác, Liszt chơi một nocturne của Chopin, và tự ý
thay đổi vài chỗ. Chopin ngồi nghe trong khán phòng, không chịu nổi, bèn nói:
– “Bạn thân mến của tôi, tôi van ông, khi ông hạ cố chơi nhạc
của tôi thì xin ông chơi đúng như tổng phổ, hoặc không thì thôi, chứ đừng thêm
bớt gì cả”.
Liszt đứng phắt dậy khỏi piano và nói với Chopin: “Thế thì
ông tự mình chơi đi”.
– “Sẵn lòng thôi”, Chopin trả lời.
Đúng lúc đó, một con bướm đêm rơi vào làm tắt ngọn đèn. Những
người hầu định thắp đèn lên, thì Chopin ngăn lại: “Không, tất hết đèn đi. Ánh
trăng là đủ rồi”.
Sau đó ông chơi khoảng một giờ. Khi ông đứng lên, tất cả
thính giả đều đẫm nước mắt. Liszt ôm lấy Chopin và nói:
– “Ông nói rất đúng. Những tác phẩm như của ông cần phải được
giữ nguyên, không ai được can thiệp vào. Những thay đổi bởi người khác chỉ làm
hỏng chúng. Ông là một thi sĩ đích thực.”.
– “Ồ có gì đâu,” Chopin trả lời “Mỗi chúng ta đều có phong
cách riêng của mình”.
Nhà bình luận Ernest Legouvé kể lại rằng có lần Chopin nhờ
ông viết một bài báo về một buổi biểu diễn hiếm hoi trước công chúng của Chopin.
Legouvé chưa kịp viết thì Liszt đã làm việc đó. Legouvé hớn hở chạy đến nhà
Chopin để thông báo tin vui này. Chopin nói:
– “Tôi thích ông làm việc đó hơn”.
– “Ông nói giỡn đấy à? Một bài báo do chính tay Liszt viết là
may mắn cho cả công chúng lẫn cả ông đấy. Ông có thể yên tâm với sự ngưỡng mộ của
Liszt trước tài năng của ông. Tôi thấy Liszt đã tôn vinh ông trong một vương quốc
lộng lẫy rồi đấy.” - Legouvé thảng thốt.
– “Phải, một vương quốc lộng lẫy thuộc đế chế của ông ta” -
Chopin mỉm cười trả lời.
Những mối tình của Franz Liszt
Với tài năng của mình, bằng những ngón tay “ma quỷ” nhảy nhót
trên phím dương cầm, Liszt từng chinh phục hàng triệu con tim của các thiếu nữ,
nhưng cho đến cuối đời, Liszt vẫn chưa một lần kết hôn.
Tình đầu ngắn ngủi
Franz Liszt sinh ra ở Doborjan, Hungary. Liszt được học những
bài học piano đầu tiên từ cha mình, ông Adam Liszt - một người chơi đàn piano
nghiệp dư và lúc bấy giờ đang giúp việc cho hoàng tử Esterhazy ở Doborjan. Mới
9 tuổi, tài năng của Liszt đã sớm bộc lộ, đặc biệt là sau những buổi biểu diễn ở
Cung điện hoàng tử Esterhazy. Năm 1822, nhờ sự hỗ trợ tài chính của một gia
đình quý tộc Hungary, Liszt sang Vienna (Áo) học piano với Karl Czerny và học
sáng tác với Antonio Salieri. Phát hiện năng khiếu của cậu học trò mới, Czerny
và Salieri đã dạy mà không lấy thù lao. Sau những buổi biểu diễn được báo giới
đánh giá khá cao, Liszt lại cùng cha rời Vienna sang Paris với hy vọng phát triển
tài năng. Năm 14 tuổi, Liszt được nhà hát Paris Opera mời biểu diễn trong vở
Don Sanche. Chẳng bao lâu sau đó, phiên bản đầu tiên Etudes cho piano của ông
ra đời vào năm 1826. Trong những năm từ 1824 đến 1827, Liszt liên tục lưu diễn
khắp nước Pháp và nhiều lần là khách mời danh dự của vua nước Anh George IV, trở
thành một nhạc sĩ có tiếng tăm.
Năm 1827, sau khi người cha qua đời vì bệnh thương hàn, Liszt
phải trở về quê hương dạy piano, kiếm tiền trả những khoản nợ đã vay trong quá
trình đi học. Trong những buổi dạy học này, tiếng đàn lãng mạn của chàng trai
trẻ đã mê hoặc một cô học trò nhỏ tuổi. Họ yêu nhau say đắm. Tuy nhiên, mối
tình đầu thơ mộng của Liszt và cô học trò sớm chấm dứt khi bị cha cô gái ngăn cấm.
Vẫn chưa lấy lại tinh thần sau khi cha qua đời, nay lại bị hụt hẫng trong tình
duyên, Liszt gần như suy sụp hẳn.
Mối tình đẹp… vụng trộm
Sống ẩn dật, Liszt lao đầu vào đọc sách để tìm hiểu về mối
quan hệ giữa âm nhạc và những nghệ thuật khác, cũng như lý thuyết tôn giáo của
Saint-Simon và Abbe de Lamennais. Sau khi có được vốn tiếng Pháp, Liszt tiếp tục
tôi luyện những tác phẩm văn học và gặp nữ nhà văn Pháp Marie DAgoult, người viết
nhiều tiểu thuyết dưới cái tên Daniel Stern. Marie DAgoult đã có chồng, nhưng
trái tim cô vẫn rung động trước tài năng, sự lãng mạn của Liszt. Thế là họ bắt
đầu một cuộc tình bí mật. Sau hai năm hẹn hò, thư đi tin lại, Marie DAgoult bất
ngờ mang thai với Liszt và cô con gái Blandine ra đời vào tháng 12.1835 buộc nữ
nhà văn phải từ bỏ gia đình để theo người tình đến Geneva (Thụy Sĩ), rồi Ý. Sau
này họ còn có thêm hai người con (một gái, một trai) là Cosima và Daniel. Không
thể giữ bí mật mãi, Liszt đứng ra công khai mối quan hệ và thừa nhận con của
mình. Chuyện này khiến nhiều người sững sờ và gây xôn xao dư luận một thời
gian. Marie DAgoult chính là nguồn cảm hứng trong sự nghiệp sáng tác của Liszt,
đặc biệt là sự ra đời của những bản giao hưởng thơ.
Tưởng như cuộc sống giữa chàng giáo viên piano và nữ nhà văn
sẽ mãi mãi êm đẹp, nhưng đến một ngày, niềm đam mê chơi piano và sáng tác lại
trỗi dậy trong chàng trai trẻ khi Liszt nhận lời tỉ thí với một nghệ sĩ piano bậc
thầy khác là Sigismund Thalberg. Không có thước đo để biết người thắng kẻ thua,
nhưng kể từ cuộc tỉ thí đó, Liszt quyết định trở lại Paris vào mùa thu năm 1837
để khẳng định “quyền tối cao” của mình như là một nghệ sĩ dương cầm bậc thầy.
Tiếng đàn của Liszt trở thành một cơn sốt đối với người yêu
nhạc, đặc biệt là các cô gái trẻ khi ông luôn đem đến những sự sáng tạo ở kỹ
thuật chơi piano trong các tác phẩm “lạ đời” của mình. Nhà soạn nhạc Robert
Schumann từng ví những Grandes études de Paganini và Etudes dexécution
transcendante của Liszt khó đến mức nhiều nghệ sĩ dương cầm phải… “giả vờ” mới
thực hiện được. Những tác phẩm của Liszt luôn có tốc độ nhanh chóng mặt, liên tục
xuất hiện những bước nhảy vọt các quãng âm rất rộng và đặc biệt ông là người đầu
tiên sử dụng hết những phím đàn trên cây đàn piano thời điểm ấy bằng kỹ thuật
glissandi - dùng ngón tay lướt trên các phím trắng của đàn piano. Có lẽ vì vậy
mà sau này, nhiều người nói rằng, dù chỉ chơi đàn piano, nhưng Franz Liszt là
ngôi sao nhạc rock đầu tiên trên thế giới.
Trong khoảng thời gian ở Pháp, với tài năng xuất chúng, những
chuyến lưu diễn của Liszt đã trở thành những giai thoại của lịch sử biểu diễn
sân khấu. Đó là mỗi khi những ngón tay của Liszt vuốt ve bàn phím, làm ảo thuật
với cây đàn piano, và thường tạo ra những âm thanh trầm nặng như sấm, thì ở
phía dưới sân khấu, cánh phụ nữ cuồng loạn đến ngất xỉu. Họ rít thuốc lá liên hồi
đến cháy xém cả tay, và xé khăn tay của mình thành từng mảnh…
Tuy nhiên, khi Liszt dần khẳng định được vị thế trong giới nhạc
thì cũng là lúc mối quan hệ giữa ông và Marie DAgoult xấu đi. Marie DAgoult cho
rằng Liszt đã không trung thực vì ông từng tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại
sân khấu. Một đôi lần hành xử thiếu thận trọng của ông đã khiến danh tiếng của
nữ nhà văn bị ảnh hưởng. Năm 1839, Marie DAgoult từ Ý trở lại Paris để xin gia
đình tha thứ và chấm dứt mối tình với Liszt. Trong lá thư cuối cùng gửi người
tình, Marie DAgoult đau khổ viết: “Em sẵn sàng trở thành tình nhân của anh,
nhưng không bao giờ là tình nhân của anh”.
Nàng công chúa và mối tình ngang trái
Khoảng thời gian từ năm 1837-1847, Liszt đã khẳng định tài
năng như một bậc thầy chơi đàn piano và được ngưỡng mộ khắp mọi nơi, trong số
những khán giả của ông có cả nhiều vị vua, hoàng hậu ở châu u. Trong thời gian
lưu diễn ở Ukraine, Liszt có 3 tháng biểu diễn ở tòa lâu đài của công chúa
Carolyn Sayn-Wittgenstein. Tiếng đàn du dương đôi khi xốc nổi của Liszt đã làm
mê hoặc trái tim của nàng công chúa 28 tuổi, nên dù đã kết hôn nhưng Carolyn
Sayn-Wittgenstein sau đó vẫn “khăn gói” theo Liszt sang Weimar (Đức) chung sống.
Sau năm 1842, cả hai dần ổn định cuộc sống với một dàn nhạc của mình trong
thành phố và Liszt bắt đầu dành nhiều thời gian để cho ra đời những công trình
lớn trong âm nhạc nổi tiếng sau này. Ở Weimar, ông đã viết 12 bản giao hưởng
thơ (symphonie poem), giao hưởng Faust và Dante cùng nhiều tác phẩm cho đàn
piano như concerto, sonata và những phiên bản cuối của Etudes và Hungarian
Rhapsodies… Tuy nhiên, những rắc rối xung quanh thân phận của công chúa Carolyn
và công việc đã khiến đôi tình nhân phải rời bỏ Weimar để tìm đến Roma nhờ cậy
Đức Giáo hoàng.
Đến năm 1861, Carolyn cuối cùng cũng thành công trong việc hủy
bỏ cuộc hôn nhân với người chồng cũ. Một đám cưới giữa công chúa và “hoàng tử”
âm nhạc dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm đó. Thế nhưng, cuối cùng, hôn lễ
không thể tiến hành do sự ngăn cản từ phía gia đình Carolyn vì lo ngại công
chúa sẽ mất quyền hưởng tài sản nếu tái hôn. Chuyện tình đẹp chấm dứt trong lặng
lẽ.
Những năm cuối đời, khi những nỗi sầu muộn dần vơi đi, Liszt
liên tục đi đây đi đó. Trong năm 1886, khi đã 75 tuổi và gần như bị mù, ông được
mời tham dự nhiều lễ hội tôn vinh tài năng của mình ở một số quốc gia, trong đó
có quê hương Hungary.
Frank Liszt bị viêm phổi và qua đời vào ngày 31.7.1886 trong
sự tiếc thương của những người yêu nhạc trên thế giới.
10. Giuseppe Verdi (1813-1901) - Nhà soạn opera được yêu
mến nhấtGiuseppe Verdi, nhà soạn nhạc opera vĩ đại nhất Italia đồng
thời là một trong những nhà soạn nhạc có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Trong sự
nghiệp của mình, Verdi đã cho ra đời 29 tác phẩm opera, phần lớn trong số đó vẫn
được trình diễn thường xuyên tại các nhà hát opera khắp thế giới. Vượt qua mọi
ranh giới của thể loại opera, một số chủ đề trong các tác phẩm của ông còn giữ
những chỗ đứng nhất định trong văn hóa đại chúng. Ông xuất hiện vào cuối
giai đoạn lãng mạn với các vở opera nổi tiếng như Rigoletto, Otello hay Aida.
9/11/2017Sưu tầm
Nhạc trưởng người Anh John Eliot Gardiner
Cuốn sách mà nhạc trưởng người Anh John Eliot Gardiner
vừa xuất
bản - “Bach - Âm nhạc trong tòa tháp thiên đàng”
Nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach
Nhà soạn nhạc sinh ra từ lửa
Từ trái qua: Mathilde, Minna và Cosima.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét