Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021
Hoài Thanh, một sự nghiệp rộng lớn và sâu sắc
Hoài Thanh, một sự nghiệp
1. Nhắc đến Hoài Thanh, người ta nhắc đến một nhà văn hóa,
nhà phê bình văn học có thẩm quyền. Sinh trưởng trong một gia đình nho học giàu
truyền thống cách mạng, có kiến văn rộng rãi cả Đông và Tây, 19 tuổi Hoài Thanh
tham gia Tân Việt đảng, một lần bị đuổi học, hai lần bị bắt vì các hoạt động
yêu nước. Là một cây bút sắc sảo trên hầu hết các báo chí đương thời với các
bài viết về hàng loạt các lĩnh vực văn chương, xã hội, lịch sử, ngôn ngữ, văn
hóa... Hoài Thanh có đủ tư cách để tuyên bố: "Tìm cái đẹp trong tự nhiên
là nghệ thuật; Tìm cái đẹp trong nghệ thuật là phê bình". Nói theo cách
nói của Lỗ Tấn " đi mãi sẽ thành đường" thì với thiên tư ấy, với loạt
bài kia đã đủ hình thành một con đường riêng trong đoạn đầu đời của Hoài Thanh.
Không lâu lắm, con đường ấy đã được cắm mốc với Văn chương và hành động, một
tác phẩm có tính cách tuyên ngôn cho một văn phái do Hoài Thanh, Lê Tràng Kiều
và Lưu Trọng Lư là đồng tác giả. Trong Văn chương và hành động, các tác giả
triển khai hàng loạt các vấn đề về văn chương, về nội dung và hình thức, thành
thực và tự do, và đặc biệt là thiên chức nhà văn. Thật đáng kính trọng giữa một
xã hội ngột ngạt và oi bức sau các cuộc đàn áp đẫm máu, các tác giả đã công
khai lên tiếng tố cáo xã hội thực dân phong kiến với những cảnh khốn cùng của
dân mình quyết liệt đến thế, để đi đến một kết luận: "Trước tình thế như vậy,
vòng tay đứng nhìn là một tội ác". Cuốn sách đã bị bọn thống trị thực dân
cấm lưu hành vì tính chất phản kháng và tiến bộ của nó. Hoài Thanh cũng còn nổi
danh trong cuộc tranh luận nghệ thuật đầy ấn tượng những năm 1935-1936. Khi
tuyên bố "Văn chương trước hết là văn chương", Hoài Thanh đâu có thể
ngờ 50 năm sau, Tố Hữu khẳng định "trong văn học cuối cùng là một chữ
Hay"; khi quyết đoán "ở đời đáng quý nhất: Cái tài",
Hoài Thanh cũng không thể nghĩ đến ngày 16/3/2003, nghị quyết 23 của Bộ Chính
trị khẳng định: "Tài năng là vốn quý của dân tộc. Chăm sóc tài năng là
trách nhiệm của Đảng và của toàn xã hội". Hai cách tiếp cận không hoàn
toàn giống nhau về nội hàm nhưng rất gần nhau về quan niệm. Cuộc đời Hoài Thanh
là một hành trình tư tưởng. Mà tư tưởng thì luôn có những miền sâu thẳm, ngổn
ngang, tất bật và tươi sống sự đời. Và tư tưởng dẫu cao diệu và phức tạp đến
đâu cũng không thoát khỏi cái quy luật bổ sung, đào thải, phát triển vô cùng
bình thản và nghiêm trang. Chúng ta đã từng biết có những cuộc tranh
luận nảy lửa, nhưng bình tĩnh lại, ngẫm ra lại là cuộc: "chạm trán giữa
quân ta với quân mình". Cuộc tranh luận "Nghệ thuật vị nghệ thuật,
nghệ thuật vị nhân sinh" diễn ra rất sôi nổi, có lúc quyết liệt, nhưng lại
có một hồi kết có hậu. Các chủ soái của hai bên đều gặp nhau trên đại lộ của
Cách mạng tháng Tám.
Hoài Thanh sống trọn vẹn với thời đại của ông và trọn vẹn với
chính mình, theo nguyên tắc "thành thực và tự do" được xác định ngay
từ những buổi đầu. Trong cuộc sống bình thường để "thành thực và tự
do" đã khó, huống hồ với một thế kỷ nhiều giông bão và ngặt nghèo như thế
kỷ XX, để thành thực được và tự do được là muôn vàn thử thách. Hoài Thanh đã
chia sẻ với thời đại của mình và bây giờ đến lượt chúng ta chia sẻ với ông. Bởi
lẽ, dẫu là một thiên tài thì việc phóng xa những tiên cảm về phía trước là có
thể, nhưng đứng ra ngoài thời đại của mình là không thể. Di sản của Hoài Thanh
là một khối đồ sộ những ký thác và tin tưởng, thật đáng tự hào. Tài sản của
Hoài Thanh đã đi vào lịch sử. Một tài sản lấp lánh biết bao vẻ đẹp của một nhà
văn hóa và nhà phê bình văn học tiêu biểu. Một trăm năm rồi nhiều trăm năm,
Hoài Thanh tiếp tục so bước với tương lai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Cái còn lại hóa cái không
Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét