Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Cây mai vàng trổ một bông trắng

Cây mai vàng trổ một bông trắng

Cả vùng bán sơn địa này ai cũng biết lão Hạnh. Lão Hạnh chuyên nghề sưu tầm, trồng, uốn mai kiểng bán vào dịp tết đến xuân về. Lão làm cái nghề tìm, trồng mai rừng từ thời còn để ba chỏm tóc trên đầu, đúng hơn là lão theo cha, rồi được truyền nghề.

Đam mê, cứ theo năm tháng, người mua nhớ lão, chứ thực tình lão ít nhớ khách hàng. Hàng năm, đúng vào ngày ông Táo về Trời tấu trình cớ sự trần gian, là ngày lão Hạnh đem những chậu mai kiểng ra góc phố chợ bày bán. Đã thành lệ, không ai tranh giành nơi lão bày những chậu mai, nơi ấy còn được mang tên “góc mai lão Hạnh”.
Thấy lão Hạnh bán mai kiểng đắt khách, mấy gã buôn mai cũng bày bán sát bên những chậu mai của lão. Mai của họ gốc to, tàn rộng, nhiều bông hàm tiếu, đủ thứ thế cây rất đẹp, nhưng thật lạ, rất ít người hỏi mua, họ chỉ đứng ngó nghiêng ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi, rồi bước sang phía lão Hạnh. Có năm, lão Hạnh mới bày ra vài chục chậu, loáng cái đã bán hết ngay trong ngày đầu tiên. Nhiều người đến trễ, không mua được cây mai của lão Hạnh về chưng ba ngày tết, tiếc hùi hụi, buồn ra mặt. Họ rủ nhau tìm đến nhà lão Hạnh đặt mua mai từ rất sớm, nhưng lão không nhận lời, không nhận tiền đặt cọc của bất cứ người nào.
Thành thông lệ, đúng ngày 16 tháng Riêng là lão Hạnh xuất hành lên núi tìm mai. Ngày đầu tiên lão dành riêng cho việc đi thăm viếng, từ động Kim Quang lão đi lòng vòng qua tất cả các di tích, chùa, miếu quanh núi, nơi nào lão cũng trịnh trọng dâng hương, tỏ bày lòng thành kính. Hết tháng Riêng lão Hạnh mới trở về với một ba lô đầy nhóc những cây mai con mọc trên núi từ những hạt nảy mầm trên khe đá trong đống phân chim. Nhiều khi, lão Hạnh còn ôm khư khư trước ngực một bọc vải mủ hoen ố, ai hỏi mắt lão cũng rân rấn, ngậm ngùi “bạn tui, hắn nằm trên núi từ đận kháng chiến, nay tui mới tìm gặp được hắn đưa hắn về”.
Mai của lão Hạnh thật mai rừng, bông mai chỉ có năm cánh, màu vàng óng ánh, hương thơm dìu dịu thanh khiết. Lão không lai ghép, cứ để y nguyên từ cây mai con mọc trên khe đá đem về trồng vào chậu, lão chỉ việc chăm sóc và uốn cho cây theo đúng một thế. Thế trực. Tuyệt nhiên không uốn cây sang một thế nào khác. Vườn mai của lão Hạnh được sắp xếp ngay hàng, thẳng lối, tất cả mọi cây đều giống y chang nhau, nhìn từ xa như một đội hình vũ nữ đồng diễn màn vũ điệu mùa xuân. Người mua mai của lão Hạnh không phải mất công lựa chọn, không phải mặc cả trả giá, cứ lần lượt nhấc từng chậu mai ra khỏi hàng. Chậu trồng mai của lão Hạnh mỏng, thanh thoát như chiếc dĩa, cây mai trong chậu bám những cọng rễ xù xì vào một hòn đá đặt giữa chậu, vươn cành hướng thiên. Đá lão Hạnh cũng lựa từng viên từ trên núi Bà Đen, mỗi khi tìm thấy hài cốt bạn, lão lựa lấy 7 viên đá ở quanh nơi hài cốt nằm, đem về chia ra từng chậu để trồng những cây mai núi vào. Những cây mai đâm chồi, nảy lộc, bám rễ vào đá mà lên. Mỗi cây mai lão Hạnh chỉ để hai nhánh lớn, trên mỗi nhánh có 5 nhánh nhỏ, các nhánh nhỏ bung nở xum xuê, lão uốn cho các nhánh mang hình hai cánh tay vũ nữ đang thể hiện một vũ điệu “chào đón mùa xuân”. Lão thầm nghĩ, đàn ông có 7 vía, ứng với 7 viên đá, mỗi viên đá làm thế đứng cho một cây mai, thế là vong linh bạn lão sẽ hóa thân vào những bông mai vàng 5 cánh rực rỡ mỗi dịp xuân về, bạn lão sẽ luôn tươi trẻ như tuổi thanh xuân khi họ ngã xuống.
Mấy gã buôn mai hăm he cự nự, chúng nói lão Hạnh bán mai phá giá. Lão cười khì. Có buôn bán gì đâu mà phá, lão chỉ làm cho vui. “Mua vui cho chính lão và cho bà con nghèo thôi hè, mấy em nghĩ thế là oan cho lão”. Mấy gã buôn mai nhìn nhau, chúng nheo nheo con mắt ý bảo nhau “lão già khùng, thôi bỏ qua không chấp”. Mà mai của lãi Hạnh bán rẻ thật, có người đến trễ mua không được, nài nỉ mua lại của người mua trước với giá gấp bốn năm lần. Tiền bán mai lão Hạnh chỉ để lại đúng phần mua chậu, lão lý sự: “Chậu mình không làm được phải mua”, còn được bao nhiêu tiền lão mua nào gạo, nào đường, bột ngọt, bánh tráng… về làm quà tết cho bà con nghèo trong khu dân cư.
Tin đồn từ chuyện một gia đình nghèo may mắn mua được cây mai của lão Hạnh, cây mai trổ một bông bạch mai, một bông duy nhất vào đúng ngày Mồng một Tết Nguyên đán. Năm ấy, gia đình nọ làm đâu trúng đó, cứ y như có người từ “cõi trên” cầm tay chỉ việc cho làm ăn phát đạt, hết nghèo dần trở nên giàu có, mua thêm đất, xây nhà, tậu xe hơi, máy cày. Bà Hai củ mì, nhớ lại khoe “Năm trước chậu mai nhà tui cũng trổ một bông mai trắng, năm ấy đứa con gái út thi đậu một lượt 3 trường đại học, được nhận học bổng quá đã”. Ông Ba cuối xóm giật mình lẩm bẩm chỉ đủ cho người bạn ngồi gần ông nghe “Năm kia nhà tui cũng mua một chậu mai của lão Hạnh, mấy hôm tết cây mai trổ một bông trắng, thằng con tui thấy lạ ngắt bỏ, bữa sau nó nhậu xỉn chạy xe tông vào trụ đèn gẫy tay, quả là linh ứng, tiếc quá”. Tin đồn về những cây mai của lão Hạnh mỗi năm trổ một bông bạch mai được thổi phồng, thêu dệt thật lâm ly, kỳ bí.
Chuyện kể. Thấy lão Hạnh sống đức độ, thật thà, không tham lam lại thương người, lão lên núi kiếm cây mai con về trồng, Vía Bà Đen linh thiêng độ vào những cây mai của lão để mỗi năm giúp cho một người nghèo khó. Ai may mắn mua được cây mai vàng của lão Hạnh, đúng ngày Mồng một Tết cây mai trổ một bông bạch mai thì năm ấy nhà có nhiều chuyện vui mừng.
Lòng tham của những kẻ buôn mai nổi lên, chúng bàn nhau chiếm đoạt vườn mai của lão Hạnh. Gần tết một nhóm người lạ hoắc từ đâu đến hỏi mua tất cả những chậu mai trong vườn nhà lão Hạnh với giá cao ngất ngưởng, một người trong nhóm nói giọng kẻ cả: “Lão già cả rồi, với số tiền tỉ này lão đủ sống trọn đời sung sướng không hết, tội gì mà giữ mấy chậu mai còm cho cực thân”. Lão Hạnh cười khà khà, rồi lắc đầu quả quyết “Không, lão không cần nhiều tiền đâu, lão trồng để mua vui cho chính lão và cho bà con nghèo trong xóm, chứ bán buôn gì đâu, các ông đi chỗ khác mà mua”. Nhóm người lấm lét, hậm hực bỏ đi.
Vài ngày sau, vào một đêm trời trở mưa lất phất, gió thổi hù hù, lũ chó trong xóm sủa rân rân, lão Hạnh mở cửa bước ra thì một luồng khí có mùi hôi sốc vào mũi. Lão Hạnh chới với, ngã lăn ra hiên nhà bất tỉnh. Sáng ra, cả vườn mai gần trăm cây trồng trong chậu không cánh mà bay, biến đâu mất hết không để lại dấu vết nào, chỉ còn sót duy nhất hai cây èo uột ở một góc khuất.
Ngày 23 tháng Chạp “góc mai lão Hạnh” ở phố chợ vắng hoe, nhiều người ngơ ngác, họ hỏi thăm nhau về lão Hạnh, về những chậu mai rừng. Vài người rủ nhau tìm đến nhà lão Hạnh, người đầu tiên đến cũng là người lớn tuổi nhất trong nhóm, được lão “chia” cho một trong hai cây mai còn sót lại, còn một cây lão phải để lại chưng cho vui cửa vui nhà. Người mua được cây mai của lão Hạnh mừng ra mặt, ông ta không hỏi giá cả, rút trong ví ra đưa cho lão Hạnh tờ giấy bạc mệnh giá 500 nghìn đồng. Lão Hạnh nhìn tờ giấy bạc lắc đầu, nhiều quá không có tiền thối lại. Người mua được cây mai của lão Hạnh cũng lắc đầu, không cần, không cần thối lại tiền, tui mua được cây mai của lão là quý lắm rồi.
Chị bán vé số dạo cũng tìm đến nhà lão Hạnh tính mua một chậu mai, biết chuyện chị buồn rười rượi. Lão Hạnh an ủi “thôi để năm sau vậy cô ơi”, rồi lão dùng tiền bán chậu mai mua hết số vé xổ số của chị bán vé xổ số dạo.
Năm nay không có tiền mua quà tặng bà con nghèo trong xóm, lão Hạnh tặng mỗi người một tờ vé xổ số. Thật là chuyện lạ, kể ra bạn đọc lại cho rằng tác giả chỉ giỏi nói dóc, nhưng cứ phải kể, ai không tin thì mất quyền lợi ráng chịu. Chiều ấy cả xóm nghèo nhà nào cũng trúng thưởng vé xổ số kiến thiết, mọi người vui vẻ, hồ hởi rủ nhau đi xắm đồ tết như đi hội. Riêng lão Hạnh thì không, vì lão đã tặng hết số vé xổ số kiến thiết lão mua cho mọi người, nhưng lão lại vui hơn, khỏe hơn. Tết năm ấy, cây mai còn xót lại của lão Hạnh trổ một bông bạch mai lạ thường, nhị vàng ươm, nhiều cánh trắng như tuyết phát ra ánh sáng lấp lánh, chói ngời. Chính lão Hạnh cũng thấy làm lạ, gần cả đời sưu tầm, trồng, uốn tỉa hàng ngàn cây mai rừng, giờ lão mới thấy bạch mai. Thưởng thức cốt cách hồn mai, tay lão vuốt chòm râu bạc trắng, miệng lão cười ha hả.
Tết xong lão Hạnh lại lên núi tìm mai, còn vài người bạn của lão trên ấy, lão chưa tìm gặp được họ, lão còn phải đi…
13/02/2012
Núi Bà Đen, Tây Ninh tiết Xuân
Hiền Lương
Nguồn: vanchuongviet.org/
Theo http://hanamtv.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...