Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Vấn đề nghĩa của tục ngữ

Vấn đề nghĩa của tục ngữ

1- Một số quan niệm về nghĩa của tục ngữ:
1.1. Tục ngữ là một hiện tượng văn hóa đa diện, đa dạng. Tục ngữ là một hiện tượng ngôn ngữ, hiện tượng của tư duy và hiện tượng của văn học dân gian. Điều này giải thích vì sao sự diễn đạt của tục ngữ đã hấp dẫn, lôi cuốn các nhà ngôn ngữ, các triết gia và các nhà văn hóa dân gian. Điều đó cũng có nghĩa là tục ngữ, từ lâu đã được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhác nhau và ở góc độ nào cũng đem đến cho chúng ta những điều thú vị. Một trong những góc độ thu hút sự quan tâm và cả bàn cãi của thể loại này đó là nghĩa của tục ngữ. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng tục ngữ có hai loại nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Câu tục ngữ có nghĩa đen là những câu tục ngữ đơn thuần chỉ đúc kết những kinh nghiệm thuộc về các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, các hiện tượng tự nhiên hoặc đề cập đến sự tích lịch sử, đặc điểm địa phương.
Trong "Tục ngữ Việt Nam", khi đề cập về nghĩa của tục ngữ, Chu Xuân Diên viết: "Một câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng". Đây là quan niệm được nhiều người đồng tình. Các tác giả Lê Chí Quế, Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ trong giáo trình "Văn học dân gian Việt Nam" thì khẳng định rằng: " Tục ngữ bao giờ cũng có hai nghĩa: nghĩa đen (hay là nghĩa gốc) và nghĩa bóng (trường nghĩa)". [15,197] Quan niệm này chưa thật sự thuyết phục vì ta thấy có một bộ phận tục ngữ, như chúng tôi đề cập ở trên, chỉ có nghĩa đen mà thôi. Có lẽ khi khẳng định như thế, người ta chỉ chú ý đến bộ phận tục ngữ đúc kết những kinh nghiệm, những quan niệm về triết lý nhân sinh. Còn những câu tục ngữ đúc kết những quy luật của hiện tượng tự nhiên, những kinh nghiệm trong lao động, chăn nuôi, trồng trọt hay một số sự tích lịch sử và đặc điểm địa phương, vốn chỉ mang nghĩa đen đã không được đề cập. Một định nghĩa cần phải bao quát được hết tất cả các hiện tượng.
Có tác giả không dùng khái niệm "nghĩa đen", "nghĩa bóng" mà dùng khái niệm "đơn nghĩa", "nhiều nghĩa", "đa nghĩa" như Hoàng Tiến Tựu. Ông viết: "Có những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa (Ví dụ: "Khoai ưa lạ, mạ ưa quen", "Một búi cỏ, một giỏ phân",...). Nhưng bộ phận tục ngữ đa nghĩa chiếm tỉ lệ khá lớn, chất lượng khá cao và là bộ phận tiêu biểu nhất của thể loại này" [18,132]. Theo ông: "... tục ngữ có thể chia làm hai loại cơ bản: loại đơn nghĩa và loại đa nghĩa. Những câu tục ngữ thuộc loại đơn nghĩa là những câu chỉ có thể hiểu theo "nghĩa đen". Ví dụ:
- Mưa tháng bảy gãy cành trám
- Dao thử trầu héo, kéo thử lụa sô (...)
Những câu tục ngữ thuộc loại đa nghĩa có thể chia thành hai loại: loại thứ nhất gồm những câu vừa được hiểu theo "nghĩa đen", vừa có thể (và thường) được hiểu theo "nghĩa bóng"; ví dụ:
- Qua giêng hết năm, qua rằm hết tháng
- Qua chợ còn tiền, vô duyên càng khỏi nhẵn má (...)
loại thứ hai gồm những câu chỉ được dùng theo "nghĩa bóng"; ví dụ:
- Chết không muốn, muốn ăn xôi
- Có sừng thì đừng hàm trên.
Những câu tục ngữ thuộc loại đa nghĩa chiếm tỉ lệ lớn hơn hẳn so với những câu đơn nghĩa." [18, 378- 379]
Ta thấy, tuy có sự diễn đạt khác, nhưng về cơ bản, Hoàng Tiến Tựu cũng thống nhất tục ngữ có hai loại nghĩa và tục ngữ thuộc loại đa nghĩa thực ra là cách gọi khác của "nghĩa bóng" mà thôi. Khái niệm "nhiều nghĩa" cũng được Bùi Mạnh Nhị dùng trong bài viết "Tục ngữ" được in trong quyển "Văn học dân gian- những công trình nghiên cứu" do ông chủ biên: "Tục ngữ là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh và thường mang nhiều nghĩa..." [16,242] Trong "Từ điển văn học" (Bộ mới), Chu Xuân Diên cũng nói đến điều này và theo ông tính nhiều nghĩa của tục ngữ là do được "hình thành bằng cách liên tưởng loại suy." [10,1879]
Khảo sát các ý kiến trên ta thấy, các nhà nghiên cứu dù có sự diễn đạt khác nhau nhưng có điểm chung là đều cho đại bộ phận tục ngữ có hai nghĩa: Nghĩa đen và nghĩa bóng hay còn gọi là nghĩa biểu trưng.
1.2. Ngoài ra, còn có tác giả đề cập đến một loại nghĩa thứ ba của tục ngữ là nghĩa khái quát. Trong bài viết "Đạo lý trong tục ngữ", Nguyễn Đức Dân chỉ ra quá trình tạo nghĩa khái quát này trên cơ sở suy luận chặt chẽ. Ví dụ:
"Một người biết lo bằng kho người hay làm" (1)
một người + biết lo = kho người + hay làm
kho người > một người
---> biết lo > hay làm (a)
---> trí tuệ > sự cần cù (b)
(a) và (b) là hai nghĩa khái quát của (1), và bậc của (a) thấp hơn bậc của (b). [2, 64]
Nghĩa khái quát cũng được Phan Thị Đào đề cập trong công trình "Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam". Theo tác giả, tục ngữ có ba nghĩa: nghĩa đen, nghĩa bóng (nghĩa hình tượng) và nghĩa khái quát. Về nét nghĩa khái quát này, tác giả viết: "... ta có những câu tục ngữ mà ở đó mỗi vế tồn tại như một tiền đề mang ý nghĩa khái quát cao, còn kết đề là một phán đoán mang ý nghĩa khái quát cao hơn, nhưng không phải tồn tại trên văn bản mà được rút ra từ tư duy của người tiếp nhận":
Thợ may ăn giẻ,
TIỀN thợ vẽ ăn hồ
ĐỀ thợ bồ ăn nan
thợ hàn ăn thiếc
KẾT
LUẬN (Làm nghề gì ăn nghề ấy) [ 6, 122]
Triều Nguyên cũng thống nhất tục ngữ có ba loại nghĩa và theo ông: "nếu phân loại tục ngữ theo hình thức tạo nghĩa, thì có bảy dạng tục ngữ sau:
+ Những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa đen. VD: Tháng bảy nước nhảy lên bờ.
+ Những câu tục ngữ chỉ có nghĩa khái quát. VD: Cái sảy nảy cái ung.
+ Những câu tục ngữ chỉ có nghĩa bóng. VD: Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo.
+ Những câu tục ngữ vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa khái quát. VD: Trâu he hơn bò khỏe.
+ Những câu tục ngữ vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng. VD: Ngựa hay chạy đường dài mới biết.
+ Những câu tục ngữ vừa có nghĩa khái quát vừa có nghĩa bóng. VD: To thuyền thì to sóng.
+ Những câu tục ngữ vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa khái quát, lại vừa có nghĩa bóng. VD: Cá kể đầu, rau kể mớ. [lược trích 14,8-9]
Và theo tác giả, bảy dạng tục ngữ này có thể gộp làm hai nhóm lớn: nhóm những câu tục ngữ chỉ có một nghĩa (ba dạng đầu), và nhóm những câu tục ngữ có nhiều loại nghĩa (bốn dạng còn lại).
Việc nêu ra thêm nghĩa khái quát của tục ngữ cho thấy sự cố gắng của các nhà nghiên cứu trong việc "giải mã" tục ngữ. Ngoài ra, còn cho chúng ta thấy, cùng một tư duy logic, cùng một nội dung biểu đạt nhưng có nhiều cách diễn đạt khác nhau, những chất liệu tạo nghĩa khác nhau. Do vậy, dù đề cập đến một triết lý nhân sinh nào đó, vốn khô khan nếu được diễn đạt bằng cách nói thông thường, cách nói của tục ngữ vẫn tạo nên sự hấp dẫn đối với chúng ta là như thế. Tuy nhiên, sự phân giới giữa hai loại nghĩa: biểu trưng và khái quát vẫn chưa thật sự rõ ràng. Trong bài đã dẫn, Triều Nguyên cho rằng: "Nghĩa khái quát được rút ra trên cơ sở những hình ảnh, khái niệm cụ thể của câu tục ngữ, sao cho ý nghĩa được rút phải bao hàm ý nghĩa của câu tục ngữ" [14,11]. Điều đó cũng không khác gì với cơ chế tạo ra nghĩa biểu trưng. Và theo chúng tôi, nghĩa bóng và nghĩa khái quát mà tác giả đề cập cũng chỉ là nghĩa biểu trưng mà thôi. Có tục ngữ có nghĩa biểu trưng mang tính khái quát cao, có tục ngữ có nghĩa biểu trưng mang tính khái quát thấp.
1.3. Gần đây, Nguyễn Xuân Đức cho rằng tục ngữ chỉ có một nghĩa mà thôi và nghĩa đó do hoàn cảnh nói năng, do môi trường vận dụng quy định. Trong Tạp chí "Văn hóa dân gian" số 4 năm 2000, ông viết: "Tục ngữ nói riêng, văn học dân gian nói chung bao giờ cũng gắn với môi trường ứng dụng, cho nên chúng ta không thể xét nghĩa của nó trên văn bản chết như đối với tác phẩm truyền bằng chữ viết. Mỗi lần ứng dụng, như đã nói ở trên, mỗi câu tục ngữ chỉ được tiếp nhận một nghĩa cụ thể mà thôi. Chính vì lẽ đó, ngay cả ở những câu tục ngữ loại này nếu nói chỉ có một nghĩa- nghĩa đang ứng dụng- thì cũng không có gì là sai." (tr 52). Từ đó tác giả cho rằng: "Tóm lại, chúng ta không nên nói tục ngữ có nhiều nghĩa, lại càng không nên nói tục ngữ là đa nghĩa. Tục ngữ sinh ra để ứng dụng trong cuộc sống, nếu có nhiều nghĩa, hơn thế nữa lại là đa nghĩa thì thật khó vận dụng. (...) Tục ngữ xét trên văn bản có từ một đến hai nghĩa, nhưng xét trong môi trường ứng dụng, tức là môi trường lưu truyền và tồn tại đích thực thì với mỗi lần phát ngôn chỉ có một nghĩa (có thể là nghĩa đen hay nghĩa bóng)- tức là nghĩa đang được ứng dụng theo mục đích phát ngôn". [7,52]
Quan niệm của Nguyễn Xuân Đức không phải là không có cơ sở. Rõ ràng, khi vận dụng tục ngữ vào trong lời ăn tiếng nói của mình, chủ thể phát ngôn đã cấp cho tục ngữ một nghĩa mà anh ta đã tiếp nhận, đã hiểu và truyền cách hiểu đó, cách tiếp nhận đấy vào một trường hợp cụ thể để người thụ ngôn hiểu đúng. Tuy nhiên, nếu từ góc độ nghiên cứu ấy mà phủ nhận tính nhiều nghĩa của tục ngữ thì cũng khó chấp nhận. Tục ngữ, với tư cách là một thể loại văn học dân gian, từ lâu đã được khảo sát dưới góc độ văn bản và đã cung cấp cho nhiều thành quả cho sự hiểu biết thể loại này. Ở góc độ ngôn ngữ chúng ta thấy có hiện tượng từ nhiều nghĩa, từ đa nghĩa. Trong các từ điển, người ta cũng cố gắng ghi ra các nét nghĩa này, những nét nghĩa mà người ta khái quát và rút ra được từ trong thực tế vận dụng của ngôn ngữ. Và nói như Nguyễn Xuân Đức thì cũng không nên coi một đơn vị ngôn ngữ nào đó là nhiều nghĩa, đa nghĩa. Bởi vì cũng như tục ngữ, nó chỉ có một nghĩa, nghĩa vận dụng mà thôi! Thực ra, hiện tượng nhiều nghĩa trong ngôn ngữ là một hiện tượng mang tính phổ quát và một trong những phương thức rất quan trọng làm nên tính nhiều nghĩa trên đó là sự chuyển nghĩa. Tục ngữ cũng thế và càng hơn thế nhất là đối với tục ngữ Việt vì nghĩa biểu trưng của chúng là sự cộng hưởng của cả ba mặt: cấu trúc hình thức, cấu trúc hình ảnh và cấu trúc logic. Người dùng tục ngữ, do năng lực, trình độ đã thể hiện cách hiểu của mình về một câu tục ngữ cụ thể. Người nhận sẽ lựa chọn một cách hiểu cũng tùy vào khả năng, trình độ sự hiểu biết của mình về những quy ước mà câu tục ngữ chứa đựng. Và có thể sẽ xảy ra trường hợp, người nói (viết) và người nghe (đọc) có cách hiểu không giống nhau. Vì vậy, ngay trong sự vận dụng, chưa chắc tục ngữ chỉ có một nghĩa. Chúng tôi không phủ nhận quan điểm của Nguyễn Xuân Đức khi cho tục ngữ chỉ có một nghĩa, nghĩa ứng dụng. Thực ra, các nhà tục ngữ học không phải là không hiểu những điều mà Nguyễn Xuân Đức đặt ra, bởi đó là vấn đề không mới, vấn đề hiển nhiên không có gì bàn cãi. Nhưng nếu chúng ta coi tính "một nghĩa" của tục ngữ do một phát ngôn cụ thể mang lại và coi tính nhiều nghĩa là cái không tồn tại thì mọi định nghĩa về tục ngữ, các từ điển giải thích tục ngữ, việc phân loại tục ngữ trước đây đều hóa ra vô ích sao. Kho tàng tục ngữ rất lớn, môi trường ứng dụng lại vô vàn thế thì ta sẽ giải thích như thế nào về nghĩa của tục ngữ. Chúng ta không thể nói hãy tùy vào ngữ cảnh cụ thể thì mới xét đến nghĩa của chúng. Vì vậy, theo chúng tôi, để hiểu nghĩa của tục ngữ chúng ta cần phải xét đến cả khi nó ở dạng tỉnh (tức đã cố định hóa bằng văn bản) lẫn ở dạng động (tức khi nó được ứng dụng vào những phát ngôn cụ thể). Và một điều rất quan trọng là phải tìm hiểu cấu trúc của nó, mà như chúng ta biết rất đa dạng, thì mới có thể hiểu CÁI ĐƯỢC BIỂU ĐẠT.
2- Về cấu trúc và các loại phán đoán của tục ngữ:
2.1. Bản thân ký hiệu ngôn ngữ đã mang ý nghĩa biểu trưng. Và không dừng ở đó, những ký hiệu ngôn ngữ này khi được vận dụng trong văn cảnh nhất định lại có khả năng tạo ra một nét nghĩa mới. Quá trình tạo nghĩa ấy là quá trình đi từ cái cụ thể đến cái trừu tượng, từ nghĩa đen chuyển sang nghĩa bóng hay còn gọi là nghĩa biểu trưng. Điều này thể hiện rất rõ qua văn chương. Biểu trưng là một hiện tượng phổ biến ở các dân tộc. Đấy là hình thức dùng một hiện tượng, sự vật nào đó để biểu hiện một cách tượng trưng, ước lệ về một cái gì đó có tính chất khái quát, trừu tượng. Đối với tục ngữ Việt, không chỉ về mặt hình ảnh mà cả cấu trúc hình thức và cấu trúc logic cũng góp phần làm nên nghĩa biểu trưng của tục ngữ. Hay nói cách khác, cả nội dung và hình thức diễn đạt đều làm nên tính biểu trưng của tục ngữ. Điều này đã được Chu Xuân Diên bàn rất kĩ trong mục "tục ngữ" của "Từ điển văn học". Cụ thể như sau:
Về mặt nội dung "tục ngữ là những nhận xét, phán đoán, kết luận về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và đời sống con người. (...) Phần lớn nội dung tục ngữ đều là những kinh nghiệm được rút ra từ việc quan sát và thể nghiệm các hiện tượng xảy ra trong đời sống thực tiễn. Những kinh nghiệm sống ấy phần lớn là lối sống của nhân dân một dân tộc trong một thời đại nhất định, phản ánh những cơ sở lịch sử- xã hội cụ thể, tức những phương thức sản xuất, phương thức sinh hoạt và quan hệ xã hội của một thời kì lịch sử nhất định. Tuy nhiên, những kinh nghiệm sống ấy cũng có khá nhiều phần vượt ra khỏi phạm vi lối sống của một thời đại nhất định, ở các thời đại khác nhau vẫn phản ánh được những quan niệm sống tích cực, hoặc vẫn giúp người ta hiểu biết được sâu sắc các hiện tượng của đời sống. Giá trị lâu dài về tư tưởng và nhận thức ấy trong tục ngữ của một dân tộc chính là những truyền thống tốt đẹp trong lối sống và lối nghĩ của nhân dân dân tộc đó." [10,1879]
"Về hình thức diễn đạt, trừ một số câu có tính chất những lời khuyên răn ("Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo", "Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe"...) còn phần lớn tục ngữ dùng các hình thức phán đoán, suy lí- kết luận, tức là các hình thức của tư duy logic. Vì vậy tục ngữ là một thể loại sáng tác dân gian có phần gần gũi với hình thức nhận thức khoa học, nhận thức lí luận. Nhưng mặt khác, những phán đoán, suy lý - kết luận của tục ngữ lại thường có nhiều nghĩa, hình thành bằng phép liên tưởng loại suy. Thí dụ câu "Không có lửa sao có khói" không phải chỉ có ý nghĩa của một phán đoán về một trường hợp cụ thể, mà bằng sự liên tưởng loại suy, nó còn là một phán đoán về những trường hợp khác cùng loại, tất cả đều phù hợp với tư tưởng khẳng định tính tất yếu về nguyên nhân, lý do của mọi hiện tượng xảy ra trong cuộc sống. Do có tính nhiều nghĩa như vậy mà tục ngữ có thể trở thành một hình thức khái quát của sự truyền đạt tư tưởng, có khả năng được dùng để xác định các hiện tượng của đời sống theo một mục đích nhất định, với một cách đánh giá nhất định. Những phán đoán, suy lý - kết luận của tục ngữ không đơn thuần chỉ là những hình thức nhận thức duy lý mà còn là những hình thức đánh giá thẩm mỹ về các hiện tượng của cuộc sống." [10,1880]
2.2. Tục ngữ phản ánh hai loại kinh nghiệm: kinh nghiệm về thiên nhiên, kinh nghiệm về cuộc sống xã hội. Trong cuộc sống, nhận thức bằng kinh nghiệm có ý nghĩa quan trọng. Không có kinh nghiệm con người khó mà tồn tại trong xã hội. Nhưng kinh nghiệm nếu không được phát triển thành phạm trù nhận thức và khái quát thành quy luật thì chỉ dừng lại ở kinh nghiệm mà thôi. Hơn nữa, để được chấp nhận của một cộng đồng, những kinh nghiệm ấy, nhất là kinh nghiệm trong đời sống xã hội cần có giá trị như một chân lý, đạo lý để người ta hướng theo. Nó được coi như là những quy ước của xã hội. "Những quy ước ấy là nếp sống, có khi là nếp nghĩ, cách diễn đạt nói năng, tất cả tạo thành một áp lực vô hình, buộc con người phải làm theo như vậy mới hợp lẽ, hợp đạo lý." [11, 214]. Không chỉ về mặt nội dung, cách nói của tục ngữ cũng là một quy ước: "Nó sản sinh theo các khuôn hình nhất định, dần dần với thời gian và sự lưu truyền được quy ước thành cách diễn đạt tục ngữ hay là kiểu nói tục ngữ." [11,215]
Trong "Cơ sở văn hóa Việt Nam" (NXB Giáo dục- 1997), Trần Ngọc Thêm có viết: "... nghệ thuật ngôn từ Việt Nam có TÍNH BIỂU TRƯNG cao. Tính biểu trưng thể hiện ở xu hướng khái quát hóa, ước lệ hóa với những cấu trúc cân đối hài hòa" [tr. 158]. Có thể nói, cách nói, cách nghĩ của tục ngữ thể hiện rất rõ nghệ thuật ngôn từ của Việt Nam, đó là tính biểu trưng cả về nội dung biểu đạt và hình thức thể hiện.
Tục ngữ có thể được coi như một tác phẩm nhỏ nhất trong các loại hình nghệ thuật ngôn từ. Tục ngữ còn là một hiện tượng ngôn ngữ có mối quan hệ rất gắn bó với tư duy của con người. Ngôn ngữ là toàn bộ những hệ thống âm thanh, từ ngữ và những quy tắc kết hợp chúng mà những người trong một cộng đồng tạo ra làm phương tiện giao tiếp. Ngôn ngữ có khả năng vật thể hóa tư duy và là công cụ, phương tiện của sự giao lưu, giao tiếp xã hội. Hay nói cách khác, ngôn ngữ vừa là tư duy, vừa là sự thể hiện tư duy, vừa là hành vi giao tiếp. Tư duy thế nào thì ngôn ngữ thế ấy. Tuy ngôn ngữ và tư duy thống nhất với nhau nhưng không hoàn toàn đồng nhất. Do đó, cấu trúc hình thức và cấu trúc logic không phải là một. Nói đến cấu trúc hình thức là chúng ta muốn nói đến quy tắc tổ chức câu, quan hệ cú pháp của câu. Đối với tục ngữ, không thể phân tích cú pháp đơn thuần mà cần phải gắn nó với cơ cấu ngữ nghĩa của chúng.
2.3. Có nhiều cấu trúc câu và do đó có nhiều hình thức phán đoán logic. Tuy nhiên, không phải bất kỳ một cấu trúc câu nào cũng tương hợp với phán đoán logic. Ví dụ, ta có thể nói "Cô ấy đẹp giống mẹ" mà không thể nói "Người mẹ đẹp giống cô ấy". Điều này do từ và khái niệm không trùng nhau. Một khái niệm có thể diễn đạt bằng một từ hay nhiều từ. Trong khi đó, từ còn chứa đựng những nét nghĩa mà khái niệm không có như: nghĩa tình thái, nghĩa biểu trưng, tiền giả định... Vì vậy mà phán đoán logic và phán đoán trong tục ngữ không hoàn toàn trùng nhau. Phán đoán logic trong lời nói thông thường và phán đoán logic trong tục ngữ cũng có khác.
Phán đoán logic của tục ngữ có tính chất độc lập, tự tại và thoát li những tình huống, mục đích và hành vi nói năng cụ thể. Điều này làm nên sự khác nhau giữa phán đoán logic và phán đoán tục ngữ. Ví dụ:
- Con trai anh tài giỏi hơn anh. (a)
- Con giống cha, nhà có phúc. (a')
- Khi nói năng ta phải suy nghĩ kĩ càng. (b)
- Ăn có nhai, nói có nghĩ. (b')
Ta thấy, các phán đoán (a) và (b) không phải là tục ngữ vì nó gắn liền với một tình huống, mục đích và hành vi nói năng cụ thể. Còn các phán đoán (a') và (b') là tục ngữ vì nó mang tính chất độc lập, tự tại, đã thoát ly những tình huống, mục đích và hành vi nói năng cụ thể và đặc biệt là nó thể hiện tính quy luật, tính tất yếu và tính phổ biến của những hiện tượng trên.
Những phán đoán tục ngữ xuất phát từ kinh nghiệm trực tiếp, được kiểm định trong đời sống hàng ngày và được chấp nhận như là quy ước chung của một cộng đồng. Chính vì vậy, những đơn vị làm nên các phán đoán này thường là những hình ảnh sinh động cụ thể, rất quen thuộc trong cuộc sống. Ví dụ:
- Gần sông quen tiếng cá, gần núi không lạ tiếng chim. (1)
- Tre non dễ uốn. (2)
- Nước chảy, đá mòn. (3)
- Qua cầu nào biết cầu ấy. (4)
Ở ví dụ (3) ta thấy nét nghĩa thông thường mà ai cũng hiểu là: dù công việc khó khăn nhưng nếu bền chí thì sẽ có ngày thành công. Sức thuyết phục của câu tục ngữ có được chính là từ thực tế mà con người nhận thức qua được thiên nhiên, từ cảm nhận trực quan. Sức thuyết phục của nó càng nhân lên từ chính hình ảnh đối lập giữa "nước" và "đá". "Nước" là chất lỏng; "đá" là "chất rắn". Ấy thế mà theo dòng chảy của thời gian, chất lỏng ấy lại có thể bào mòn đá cứng. Do phán đoán logic của tục ngữ như thế nên cấu trúc hình thức của tục ngữ có những đặc trưng riêng. Có những câu tục ngữ mà cấu trúc logic biểu hiện đầy đủ trong cấu trúc câu. Ví như những câu có quan hệ hạn định trực tiếp như: "Lời nói không cánh mà bay"; "Sứa không nhảy qua đăng"; "Nước suối có bao giờ đục"; "Ngựa khôn hay trái chứng"... Tuy nhiên, có rất nhiều tục ngữ mà cấu trúc hình thức và cấu trúc logic không có sự tương ứng với nhau. Điều này thể hiện rõ nhất trong những câu tục ngữ có cấu trúc tỉnh lược. Ví dụ: "Đực phệ, sề chõm", "Tay làm, hàm nhai", "Bút sa, gà chết", "Con cha, gà giống"... Điều quan trọng ở đây là cấu trúc hình thức ấy phải phản ánh được đúng cái logic của tục ngữ. Do đó, việc tìm hiểu ý nghĩa logic của các phán đoán trong tục ngữ là điều không thể thiếu.
2.4. Có rất nhiều dạng phán đoán. Điều này thể hiện khá rõ khuynh hướng muốn đi sâu vào bản chất của sự vật, muốn phát hiện và khẳng định tính quy luật của các hiện tượng tự nhiên, xã hội và đời sống con người. Ngoài ra, nó còn thể hiện tính chất linh hoạt, uyển chuyển về sự nhận thức của con người, phản ánh tính chất phức tạp, nhiều vẻ về mối quan hệ lẫn nhau của các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan. Chúng ta có thể phân các phán đoán trong tục ngữ thành các dạng như sau:
2.4.1. Phân loại theo tiêu chí chất lượng:
+ Phán đoán xác thực:
- Sứa không nhảy qua đăng.
- Tấc đất, tấc vàng.
- Lời nói, gói vàng.
Dạng phán đoán này nói lên xu hướng khẳng định tuyệt đối trong suy nghĩ của nhân dân về bản chất của các hiện tượng tự nhiên, xã hội và đời sống con người. Dạng phán đoán này chiếm tần số rất cao trong tục ngữ.
+ Ngoài ra, còn có dạng phán đoán xác suất và phán đoán bác bỏ. Hai dạng này có số lượng không nhiều nhưng cũng có một số đặc điểm riêng.
* Phán đoán xác suất:
- Những người lử khử lừ khừ, chẳng ở Đại Từ cũng ở Võ Nhai.
- Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, chẳng thanh lịch cũng người Thượng Kinh.
Thực chất, dạng phán đoán xác suất cũng là phán đoán xác thực bởi vì kiểu "Chẳng N cũng B" chính là một câu khẳng định dưới hình thức phủ định.
* Phán đoán bác bỏ:
- Thề cá trê chui ống.
- Thật thà cũng thể lái trâu, thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.
Chúng ta thấy những phán đoán bác bỏ ở đây không biểu thị bằng hình thức phủ định với các từ "không", "chẳng", "không phải"... mà lại có hình thức so sánh.
2.4.2. Phân loại theo tiêu chí tầng bậc:
Con người không thể ngay từ đầu nắm bắt và diễn tả đúng bản chất của sự vật và hiện tượng. Nhận thức bắt đầu từ những sự vật, hiện tượng đơn nhất, từ sự quan sát những mối quan hệ riêng lẻ, từ đó chuyển sang phân tích những sự vật, hiện tượng trong tính phổ biến của chúng, trong tính tất yếu và tính quy luật của chúng. Đấy là mục đích chủ yếu của quá trình nhận thức. Quá trình này đã được phản ánh vào các hình thức phán đoán của tục ngữ. Có ba dạng phán đoán theo tiêu chí tầng bậc:
+ Phán đoán đơn nhất:
Ví dụ: - Người ta là hoa đất.
- Nước mưa là cưa trời.
- Dân như cây gỗ tròn.
+ Phán đoán bộ phận:
Ví dụ: - Có bát, mát mặt.
- Chồng bát còn có khi xô.
- Nốt tiền ở cổ có lỗ tiền chôn.
+ Phán đoán toàn thể:
Ví dụ: - Nguồn đục thì dòng cũng đục
- Chim khôn ai nỡ bắn, Người khôn ai nỡ nói nặng.
- Bà chúa đứt tay, ăn mày sổ ruột.
3. Quan hệ giữa các loại phán đoán và nghĩa biểu trưng của tục ngữ:
3.1. Nội dung biểu đạt của tục ngữ gắn liền với việc miêu tả những điều quan sát trực tiếp hiện thực khách quan và sự nhận thức cảm tính về các sự vật muôn màu, muôn vẻ đó. Nội dung biểu đạt của tục ngữ cũng đồng thời phản ánh kinh nghiệm và quan niệm của nhân dân ta trong nhận thức cuộc sống. Mọi phán đoán đều dựa vào kinh nghiệm sống nhưng có những phán đoán gắn liền với một mục đích, một tình huống và hành vi nói năng cụ thể và có những phán đoán thể hiện tính quy luật, tính tất yếu và tính phổ biến. Chỉ có những phán đoán thể hiện tính quy luật, tính tất yếu và tính phổ biến mới là những phán đoán của tục ngữ. Phán đoán tục ngữ thể hiện tính quy luật, tính tất yếu và tính phổ biến nhưng căn bản lại dựa vào kinh nghiệm, dựa vào sự quan sát trực tiếp. Cho dù đấy là những kinh nghiệm của tập thể và đã được thực tế kiểm chứng nhưng những kinh nghiệm ấy vẫn mang tính cá biệt ở những mức độ nhất định.
Các dạng phán đoán của tục ngữ đều phản ánh tri thức và kinh nghiệm dân gian của nhân dân ta. Tục ngữ là những sản phẩm kết tinh trong lời nói do nhu cầu truyền đạt và lưu giữ kinh nghiệm, do đó tục ngữ là kho tàng chứa đựng các kinh nghiệm đó. Trong cuộc sống, không có kinh nghiệm khó mà tồn tại. Tuy nhiên, kinh nghiệm không được tư duy khái quát lại, không phát triển thành phạm trù nhận thức và khái quát thành quy luật thì chỉ dừng lại ở kinh nghiệm mà thôi. Có thể nói, mỗi câu tục ngữ là một kinh nghiệm nhất định. Song cho dù đấy là những kinh nghiệm của một cộng đồng nhưng vì ở trạng thái tách biệt nhau nên những tri thức ấy vẫn mang tính chất cá biệt ở những mức độ nhất định. Thế nhưng, nếu dừng ở đây, nếu tìm hiểu tục ngữ ở từng câu riêng lẻ thì việc "giải mã" tục ngữ vẫn còn là khoảng cách xa vời. Cần phải nhận thấy, không phải bất kì đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, mục đích giao tiếp nào, nội dung kinh nghiệm của tục ngữ cũng ở trạng thái bất biến. "Ở rất nhiều câu tục ngữ, trong quá trình được vận dụng, nội dung kinh nghiệm mà chúng diễn đạt thường mở rộng ra, khiến cho ý nghĩa của những kinh nghiệm ấy có khả năng bao hàm được cả nhận thức về bản chất và tính quy luật của nhiều hiện tượng của thế giới khách quan."[3, 135]
3.2. Như đã nói ở trên, phần lớn tục ngữ có hai nghĩa mà theo truyền thống người ta gọi là nghĩa đen và nghĩa bóng. "Nghĩa bóng" được hình thành theo theo phương pháp biểu trưng và làm nên nghĩa biểu trưng của tục ngữ. "Nghĩa bóng" này được hình thành do cách nói chuyển nghĩa và do quá trình vận dụng đã tạo nên khả năng mở rộng nghĩa. Ví dụ như câu "Tre già, măng mọc". Trước hết, câu này phản ánh sự nhận thức về một hiện tượng cụ thể, sinh động trong giới tự nhiên. Đây là một hiện tượng khách quan phản ánh sự sinh sôi của một loài cây có sức sống bền bỉ, mạnh mẽ và rất gắn bó với quê hương đất Việt. Và, từ hình ảnh khách quan này dần dần nó được dùng để biểu trưng cho quy luật của tự nhiên, quy luật của muôn đời và quy luật của con người. Cái làm ta liên tưởng đến sự nối tiếp nhau giữa các thế hệ với hình ảnh "tre già" và "măng mọc" đó chính là mối quan hệ liên tưởng về nét tương đồng. Thực ra, hình ảnh "tre già" và "măng mọc" được dùng để tạo nên tục ngữ trên không phải nhằm miêu tả một hiện tượng sinh học. Người ta chỉ mượn hình ảnh đó để dùng làm dấu hiệu biểu trưng dựa theo quy tắc chuyển nghĩa. Trừ những câu tục ngữ phản ánh những nhận thức của nhân dân ta về thế giới tự nhiên, về lao động sản xuất như: "Mống vàng thời nắng, mống trắng thời mưa"; "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống"... còn lại thường được cấu tạo theo phương pháp biểu trưng. Nói một cách chính xác, nghĩa biểu trưng của tục ngữ vừa phản ánh quá trình tạo nghĩa của tục ngữ vừa phản ánh tư duy logic của tục ngữ. Lối suy nghĩ của tục ngữ ban đầu là lối suy nghĩ dựa vào kinh nghiệm, dựa vào quan sát trực tiếp sự vật cụ thể. Có nghĩa là ban đầu nó được dùng với nghĩa đen, nghĩa trực tiếp để phản ánh một sự vật hoặc một hiện tượng cụ thể nào đó. Nhưng dần dần tục ngữ lại được dùng với nghĩa bóng, nghĩa gián tiếp. Đấy là kết quả của sự mở rộng nghĩa của tục ngữ trong quá trình vận dụng, lưu truyền. Sự mở rộng nghĩa này thực chất là sự mở rộng nội dung kinh nghiệm được đúc kết trong tục ngữ.
3.3. Tục ngữ là một câu, là một phán đoán để truyền đạt một kinh nghiệm làm ăn, một kinh nghiệm sống, một lời khuyên bảo. Những kinh nghiệm này nếu được diễn đạt bằng lời nói hàng ngày thì hiệu quả giao tiếp của nó tác động không lâu và sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng. Do đó, ngoài một cấu trúc lời nói thích hợp, hình ảnh được lựa chọn phải là những hình ảnh phù hợp với điều cần nói, phù hợp với bối cảnh nói năng. Nói cách khác, tùy theo nội dung tục ngữ, tùy theo kinh nghiệm muốn truyền đạt mà người ta lựa chọn hoặc tưởng tượng một bối cảnh nào đó. Những bối cảnh này có khả năng phù hợp với những bối cảnh xã hội khác nhau mà trong đó tục ngữ được vận dụng. Điều này yêu cầu một khả năng liên tưởng dồi dào nhưng được xuất phát từ những trải nghiệm trong đời sống. Đấy là những điều mắt thấy tai nghe được nhận thức và phản ánh lại bằng chính sự vật hoặc bằng những hình tượng về sự vật nhằm nói lên chân lý của tục ngữ ở mức khái quát nhất. Quá trình này nói theo triết học đó là quá trình trừu tượng hóa. Chính quá trình trừu tượng hóa đã tạo nên nghĩa biểu trưng mà hình ảnh sử dụng chính là phương tiện. Ví dụ câu tục ngữ "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Câu này nói về một việc làm, một hoạt động cụ thể và một kết quả cụ thể. Kết quả này là kết quả thực tế đã diễn ra như một kinh nghiệm sống. Thế nhưng hình ảnh "đi một ngày đàng" không nói về một hoạt động đi cụ thể cùng một thời gian xác định mà nó biểu trưng cho một "quá trình hoạt động thực tế trong cuộc sống". Hình ảnh "sàng khôn" thì dùng biểu trưng cho "sự hiểu biết và kinh nghiệm sống ở đời". Hoặc như câu "Tre non dễ uốn". Câu này trước hết là kết quả từ nhận thức một hình ảnh có thực, cụ thể về một loài cây quen thuộc ở Việt Nam. Tre già thì cứng, giòn. Tre non thì mềm, dẻo. Vì vậy, muốn cho cây suôn, thẳng hoặc uốn lượn tùy thích thì phải tạo dáng lúc ban đầu. Và, từ hình ảnh có thực này mà người ta mượn hình ảnh "tre non dễ uốn" làm cái vỏ vật chất, làm phương tiện biểu trưng cho một sự thực, nếu không nói là tính quy luật trong đời sống xã hội con người. Mọi việc phải sửa chữa, uốn nắn ngay từ buổi ban đầu, đặc biệt là trong việc giáo dục con người.
Chức năng biểu trưng này tạo nên nghĩa khái quát và do đó câu tục ngữ có thể được vận dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, tùy theo đối tượng. Mặt khác, ý nghĩa biểu trưng ấy lại có khả năng tác động sâu sắc đến cả lí trí và tình cảm con người vì nó được thể hiện bằng những hình ảnh thực tế được nhận thức từ chính cuộc sống và của cả một cộng cồng. Người ta coi nó là chân lý, là quy luật, là những quy ước bất thành văn nếu ai làm trái thì coi như không hợp lẽ, hợp đạo lí. Tất nhiên, không phải tất cả các câu tục ngữ đều đúng, đều tích cực trong mọi trường hợp nhất là trong việc vận dụng nó trong giao tiếp ngày nay. Nhưng, đàng sau mỗi câu tục ngữ, đằng sau những hình ảnh, những kinh nghiệm được khái quát từ chính cuộc sống ấy là cả bản sắc văn hóa dân tộc, là phong cách sống là lối tư duy logic riêng của tục ngữ Việt Nam.
3.4. Như vậy, từ lối suy nghĩ dựa vào kinh nghiệm trong đời sống hàng ngày được cố định hóa bằng các hình thức phán đoán, tục ngữ trong quá trình vận dụng đã ngày càng mở rộng nghĩa và trở thành một thứ quy ước xã hội: "Những quy ước ấy là những nếp sống, có khi là nếp nghĩ, cách diễn đạt nói năng, tất cả đã tạo thành một áp lực vô hình, buộc con người phải làm như vậy mới hợp lẽ, hợp đạo lý." [11,214]. Sự mở rộng nghĩa của tục ngữ là kết quả của quá trình trừu tượng hóa "Quá trình trừu tượng hóa là một quá trình tách những mặt riêng rẽ, căn bản nhất nào đó của cái cụ thể muôn vẻ. Ở tục ngữ, quá trình trừu tượng hóa ấy chính là quá trình tạo ra nghĩa bóng." [3,138]. Nghĩa của tục ngữ là nghĩa biểu trưng. Chính vì đại bộ phận tục ngữ được cấu tạo bằng phương pháp biểu trưng nên chúng ta cho rằng cách nói của tục ngữ là cách nói ví von, cách nói có hình ảnh dựa trên những mối quan hệ liên tưởng tương đồng hoặc logic khách quan. Do đó, tiếp cận cấu trúc logic của tục ngữ không thể không tìm đến phương pháp biểu trưng của tục ngữ. Từ cách tiếp cận này ta có thể hiểu rõ thêm tư duy logic của tục ngữ. Điều này đã được Nguyễn Đức Dân khẳng định như sau: " Dùng phương pháp trên, chúng ta giải thích được vì sao hai tục ngữ dưới đây cùng một ý nghĩa:
- Không có trâu bắt chó đi cày.
- Không có chó bắt mèo ăn cứt.
Không thể dùng chó kéo cày cũng không thể bắt mèo ăn cứt. Vậy tại sao trong hai tục ngữ trên bao chứa những điều không thể ấy? Vì chúng chỉ là cách dùng biểu trưng theo cùng một phương pháp: "Khi không có cái tốt thì phải lấy cái kém để thay thế". Hai tục ngữ trên đồng nghĩa là vì thế. Hiểu theo phương pháp biểu trưng như vậy, chúng ta dễ dàng nhận ra nghĩa của những tục ngữ tương tự của các dân tộc khác dù mới gặp lần đầu, chẳng hạn "Không có ngựa thì cưỡi lừa" (Tục ngữ Acmêni). Ngựa dùng để cưỡi mà cũng có thể dùng để kéo xe, trong khi đó gà thì không thể kéo xe. Thế mà câu dưới đây cùng nghĩa với câu trên, và cũng có dáng dấp của một tục ngữ: "Không có ngựa bắt gà trống kéo xe" (...)
Việc nhìn nhận nghĩa của tục ngữ được hình thành theo phương pháp biểu trưng sẽ cho phép chúng ta dễ dàng phát hiện và giải thích đạo lí của một tục ngữ" [ 1,359]
Từ cách nói theo phương pháp biểu trưng này ta thấy logic trong tục ngữ đã có những biểu hiện của tư duy khoa học, tư duy lý luận. Nét độc đáo của logic trong tục ngữ là khi diễn đạt sự suy nghĩ trừu tượng không bằng những thuyết lý khô khan, đầy rẫy những khái niệm mà bằng những hình ảnh sinh động, cụ thể. Những hình ảnh sinh động cụ thể là sản phẩm của lối quan sát trực tiếp, của tư duy kinh nghiệm và trong quá trình vận dụng nó dần dần mở rộng nghĩa. Những hình ảnh sinh động, cụ thể ấy dần dần trở thành một tín hiệu, một phương tiện, một "mã nghệ thuật". Cái "mã nghệ thuật" này tạo nên cấu trúc logic của tục ngữ. Cấu trúc logic trong tục ngữ cũng tạo nên sự khu biệt giữa tục ngữ với các loại hình văn học dân gian khác. Cũng cần phải nói thêm là sự mở rộng nghĩa của tục ngữ không phải là vô tận. Sự mở rộng nghĩa này giới hạn trong một trường liên tưởng và tuy có thể được vận dụng trong vô vàn những trường hợp khác nhau nó vẫn có một số nét nghĩa chung. Ví dụ câu tục ngữ "Tre già, măng mọc". 12 trường hợp vận dụng sau đây mà chúng tôi thống kê được không phải là 12 nghĩa khác nhau mà chỉ có cùng trường nghĩa biểu trưng chung và đã được vận dụng sáng tạo trong nhiều hoàn cảnh.
a) "Đội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ trước mặt bao nhiêu người: "Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn". Ai chả hiểu "người ta" đó là chính ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ :"Thằng mọt già ấy chết, anh em mình nên ăn mừng". Những người biết điều thì hay ngờ vực; họ chép miệng nói: "Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu".
(Nam Cao - Chí Phèo)
b) "- Nhưng thói đời, tre già măng mọc, có bao giờ hết những thằng du côn? Năm Thọ vừa đi, lại có Bình Chức ở đâu lần về."
(Nam Cao - Chí Phèo)
c) "Tổ nữ chúng cháu tập cày là để đỡ vất vả cho các ông, các bác. Tre già măng mọc, nhưng măng có mọc được cũng nhờ có bụi".
(Chu Văn - Hương cau - Hoa lim)
d) "... Họ quyết gây được một cơ sở vững mạnh ở Sa Ngọc, những thanh niên nam nữ có sức khỏe, hăng hái. Tre già thì măng phải mọc".
(Chu Văn - Bão biển (tập 1), NXB Văn học, HN 1982, tr 273)
e) "... Nhưng anh ạ, chúng ta cũng cần phải nghĩ đến việc bổ sung ngay lực lượng mới cho hàng ngũ đảng viên. Chúng mình trăm công ngàn việc, tuổi đời cũng chẳng trẻ trung gì. Tre già cần có măng mọc."
(Chu Văn - Tuyển tập ( Bão biển - tập 2) - tr. 659)
f) "... Tấm lòng ông rồi sẽ được đền bù. Sự nghiệp một đời sẽ còn mãi trong thằng cháu trưởng thành, nên người đó thôi. Ông bạn hãy nhìn đàng sau cội tùng kia đi. Tuổi trẻ là đó, hi vọng là đó chứ đâu nữa. "Tre già măng mọc mà". Đừng buồn ông bạn già!"
(Nguyễn Ngọc Tuyết - Chiếc độc bình cổ -, "Truyện ngắn miền Tây", tr 288)
g) "Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ "cha chú" với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là "trứng khôn hơn vịt", "măng mọc quá tre".
(Hồ Chí Minh - Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ...)
h) "Mình thì nghĩ: tre già măng mọc, mình đi tất sẽ có người khác lên thay, chưa ai dám nói chắc người sau nhất định phải non hơn người trước".
(Nguyễn Khải - Chiến sĩ)
i) " Có một thực tế đáng báo động là ở cả 12 hội VHNT trong khu vực ĐBSCL hiện đang hụt hẫng những cây viết trẻ. Hội nào cũng già nua quá. Lớp người giữ cương vị nòng cốt ở các Hội địa phương nhưng đều ngấp nghé ở lứa tuổi 50 cả rồi. Những cây viết chủ lực trong hội thường cũng từ 40 tuổi trở lên. Tre tàn nhiều rồi mà măng chưa mọc..." (Phương Huy - Bàn tròn Thơ ĐBSCL)
k) "Tôi chỉ kiến nghị làm sao ta trở lại với truyền thống xưa, vừa trọng xỉ (tuổi tác) vừa lo vun đắp cho lớp trẻ, mà ở thời phấn đấu chống tụt hậu này tre chưa già măng đã phải mọc thì mới theo kịp thiên hạ được."
(Dương Trung Quốc - TTCN số 12, 28-3-2004, tr. 9)
l) "Tre già măng mọc, một thế hệ mới đang ngoi lên trên bực thang lãnh đạo. Các gia đình doanh nhân giàu có nhất Châu Á đang cố gắng chuyển mình hòng tiếp tục phát triển cơ ngơi mà cha ông của họ đã khai phá."
(Anh Nguyễn - Những đại gia Châu Á chuyển mình hội nhập - KTTN số 491,tr. 22)
m) "Trong quá khứ, Thể Công rất giỏi tạo dựng một nền tảng vững chắc. Tre chưa già măng đã mọc, Thể Công không bao giờ rơi vào cảnh thiếu hụt lực lượng, vá víu nhặt nhạnh từ nơi này nơi kia".
(Thanh Niên chủ nhật, 25-4-2004, tr. 20)
3.5. Những câu tục ngữ có khả năng mở rộng nghĩa là những câu nói về những quan niệm về xã hội, nhân sinh. Khi mở rộng nghĩa, nghĩa của tục ngữ không còn mang tính cố định khi chỉ về một hiện tượng, sự vật cụ thể nữa mà có thể đề cập đến nhiều sự vật, hiện tượng mà người ta có thể đồng nhất hóa. Đến lúc này, nghĩa biểu trưng của tục ngữ không chỉ phản ánh một sự vật, hiện tượng mà đã tiến đến khái quát hóa, trừu tượng hóa tức đến gần tư duy khoa học. Nghĩa biểu trưng của tục ngữ được dùng để phản ánh những quy luật chung nhất của thế giới khách quan, quy luật vận động và phát triển của xã hội. "Nội dung của nhiều câu tục ngữ ấy có thể coi như là những phạm trù nhận thức, những phạm trù triết học, được nhân dân dùng để nhận thức thế giới trong bản chất, trong tính quy luật của nó" [3,144]. Chính điều này nên khi tìm hiểu nội dung của tục ngữ ta cần tìm hiểu nghĩa biểu trưng. Việc tìm hiểu nghĩa biểu trưng của tục ngữ sẽ giúp ta nhận biết những phạm trù mà tục ngữ đề cập. Ví dụ như câu tục ngữ "Đẹp nết hơn đẹp người". Trong câu tục ngữ này "đẹp nết" dùng để biểu trưng cho phẩm hạnh, đạo đức của con người; "đẹp người" dùng để biểu trưng cho bề ngoài hoặc sắc đẹp. Nghĩa của câu tục ngữ trên là "phẩm hạnh, tư cách đạo đức của con người hơn cái vẻ bề ngoài hay sắc đẹp". Như vậy, câu tục ngữ trên có sự so sánh giữa hai phạm trù "đạo đức" và "sắc đẹp" và khái quát hơn đó là sự so sánh giữa hai phạm trù "nội dung" và "hình thức".
Điều này thể hiện quan niệm của dân tộc ta là trọng đạo đức hơn sắc đẹp; xem nội dung quan trọng hơn hình thức. Nhiều câu tục ngữ cũng phản ánh quan niệm trên:
- Đẹp chẳng mài mà uống.
- Đẹp chẳng độn đàng mà đi.
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.
Thậm chí có những câu tục ngữ như "Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối" dù không thuộc phạm trù "xấu - đẹp" nhưng lại cùng phạm trù "nội dung- hình thức". Như vậy, việc tìm hiểu nghĩa biểu trưng cho ta thấy các phạm trù được đề cập trong tục ngữ. Và như thế, nó không chỉ giúp ta hiểu đúng ý nghĩa câu tục ngữ mà còn giúp ta nắm được cấu trúc logic của chúng.
Cái cốt lõi của tục ngữ là tư tưởng. Tư tưởng trong tục ngữ được thể hiện bằng các phán đoán. Phán đoán logic của tục ngữ không giống như các phán đoán logic thông thường. Phán đoán logic thông thường gắn với một tình huống, mục đích và hành vi nói năng cụ thể. Phán đoán logic của tục ngữ thì lại thể hiện tính quy luật, tính tất yếu và tính phổ biến của những hiện tượng trên. Hay nói cách khác, chỉ có những phán đoán thể hiện tính quy luật, tính tất yếu và tính phổ biến mới có thể trở thành phán đoán logic của tục ngữ. Cũng vì phản ánh tính quy luật, tính tất yếu và tính phổ biến về hiện thực khách quan mà ý nghĩa của câu tục ngữ đã ngày càng mở rộng. Do đó, nghĩa của đại bộ phận tục ngữ là nghĩa biểu trưng. Việc tìm hiểu nghĩa biểu trưng của tục ngữ giúp cho ta hiểu đúng nội dung ý nghĩa và cũng giải thích vì sao một câu tục ngữ được vận dụng trong nhiều tình huống khác nhau mà vẫn hợp. Do mang nghĩa biểu trưng nên có những câu tục ngữ đề cập đến nhiều phạm trù khác nhau. Tuy nhiên, sự mở rộng nghĩa của tục ngữ, như chúng tôi đã đề cập ở trên, không phải là vô tận mà nó nằm trong trường liên tưởng nhất định phụ thuộc vào từng cấu trúc logic, cấu trúc hình thức và cấu trúc hình ảnh của chúng. Tóm lại, theo chúng tôi, tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa biểu trưng. Chính nghĩa biểu trưng tạo nên hiện tượng nhiều nghĩa của tục ngữ. Hiện tượng nhiều nghĩa của tục ngữ là hiện tượng mang tính phổ quát và cũng chính vì thế mà nó có thể được vận dụng trong những những hoàn cảnh khác nhau, đối tượng khác nhau, mục đích khác nhau. Việc giải thích nghĩa của tục ngữ là điều không dễ dàng. Điều này do những nguyên nhân về ngữ nghĩa, ngữ pháp và tri thức về văn hóa của một cộng đồng. Nghĩa của tục ngữ chỉ được cụ thể hóa trong môi trường ứng dụng. Nhưng cũng chính môi trường ứng dụng này cũng lại cho ta biết những cách hiểu khác nhau về tục ngữ, do trình độ tiếp nhận và tái hiện của cả người thụ ngôn lẫn phát ngôn.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đức Dân (1996), Logic và tiếng Việt, Giáo dục. Hà Nội.
2. Nguyễn Đức Dân (1987), "Đạo lý trong tục ngữ" Văn học, 5, tr. 57- 66.
3. Chu Xuân Diện - Lương Văn Đang - Phương Tri (1975), Tục ngữ Việt Nam, Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Đức Dương (2001), "Về những nguyên nhân khiến giải nghĩa sai tục ngữ", Ngôn ngữ, 15 (146), tr. 68-73.
5. Phan Thị Đào (1997), "Tỉnh lược như là một yếu tố cấu thành thi pháp tục ngữ", Văn hóa Dân gian, 3 (59), tr. 88-90.
6. Phan Thị Đào (1997), Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam, Thuận Hóa, Huế.
7. Nguyễn Xuân Đức (2000), "Về nghĩa của tục ngữ", Văn hóa Dân gian, 4 (72), tr. 48-52.
8. Nguyễn Xuân Đức (2002), "Về tính nhiều nghĩa của tục ngữ", Văn hoá Dân gian, 3 (81), tr. 55- 58.
9. Nguyễn Xuân Đức (2003), "Trở lại với vấn đề tính một nghĩa trong phát ngôn của tục ngữ", Văn hoá Dân Gian, 5 (89), tr. 78- 82.
10. Đỗ Đức Hiểu - Nguyễn Huệ Chi - Phùng Văn Tửu - Trần Hữu Tá (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Thế Giới, Hà Nội.
11. Nguyễn Thái Hòa (1997), Tục ngữ Việt Nam - cấu trúc và thi pháp, Khoa học Xã hội, Hà Nội.
12. Phan Trọng Hòa (2003), "Tính nhiều nghĩa hay đa nghĩa của tục ngữ", Văn hóa Dân gian, 3 (87), tr. 68- 70.
13. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1997), Lịch sử văn học Việt Nam- Văn học dân gian, tập II - Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
14. Triều Nguyên, (2004), "Nghĩa của tục ngữ", Văn hóa Dân gian, 5 (95), tr. 08 - 17.
15. Lê Chí Quế (chủ biên), Võ Quang Nhơn, Nguyễn Hùng Vĩ (1999), Văn học dân gian Việt Nam, Đại học Quốc Gia, Hà Nội.
16. Bùi Mạnh Nhị (1999), "Tục ngữ", Văn hóa dân gian những công trình nghiên cứu, Giáo dục, tr. 242 - 248.
17. Đỗ Bình Trị (2000), "Những đặc điểm thi pháp của tục ngữ", Góp phần nâng cao chất lượng sưu tầm nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, tr. 352- 379.
18. Hoàng Tiến Tựu (1999), Văn học dân gian Việt Nam (Giáo trình đào tạo giáo viên Trung học cơ sở hệ Cao đẳng Sư phạm), Giáo dục, Hà Nội.
3/6/2016
Nguyễn Văn Nở
Nguồn: tạp chí Nguồn sáng 
Dân gian, số 4 (17), 2005, tr. 11- 24
Theo http://llc.tdu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...