Với tôi, Angkor là một giấc mơ. Hai tiếng Angkor đến trong
tôi thời còn là một cậu học trò cấp hai, khi được đọc cuốn “Những kì quan thế
giới”. Kể từ đó, nó gieo vào lòng tôi một mơ mộng không khỏi có chút hão huyền.
Hão huyền thế, mà tôi vẫn mơ. Và, phải ba mươi năm sau, giấc mơ không tưởng đó
mới có thể dẫn dắt tôi bước trên mảnh đất thiêng của xứ sở chùa tháp, đưa đường
cho tôi đến trước Angkor. Tôi đã xem trên phim ảnh, đã có những dự cảm từ trước,
nhưng vẫn không khỏi bàng hoàng trước vẻ đẹp nguy nga siêu việt của kì quan
này.
Tôi đã thử ướm lời định tả lại những vẻ đẹp Angkor. Rồi lại
thôi. Làm sao có thể theo kịp các cuốn sách mình từng được đọc ? Chả dại. Thế
là tôi chỉ mải ngắm Angkor. Và cố lắng nghe lòng mình xem có cất lên tiếng nói
nào cho riêng mình trước mỗi ngôi đền, mỗi bức tượng chăng. Cảnh cứ cuốn người
đi miết. Trong khi say ngắm, tôi chợt nhận ra : có một cái đẹp được gọi là
Angkor. Dường như nó là sự hài hoà kì dị của những cặp đối cực riêng chỉ xứ sở
này mới có.
Con người và thần linh
Đứng trước những công trình vĩ đại thời cổ, người ta thường
không tin con người có thể làm nổi. Đến con người ngày nay được hỗ trợ bởi máy
móc hiện đại và công nghệ tối tân còn chưa chắc đã làm được nữa là. Trước
Angkor cũng thế. ít ai không bị ám ảnh bởi những câu hỏi lớn : Bằng cách nào mà
người xưa có thể vận chuyển được cả những quả núi đá từ xa thế về đây ? Làm sao
có thể nâng được từng ấy khối đá lên độ cao đến vậy chỉ bằng những công cụ thô
sơ tối giản? Triệu triệu phiến đá rời đã được gắn lại thành đền tháp bằng chất
kết dính bí mật nào mà tuyệt nhiên không có chút dấu vết gì ? Người xưa đã xây
dựng trước rồi điêu khắc sau, hay chạm trổ cho từng phiến đá trước rồi mới tiến
hành lắp rắp xây cất ?... Du khách cứ việc tra vấn. Còn Angkor thì vẫn lặng lẽ,
giấu sau những nụ cười Bayon mọi bí ẩn của mình. Vẻ lặng lẽ ta thường thấy ở mọi
tạo tác siêu phàm, nó ẩn chứa niềm kiêu hãnh rằng mình là hiện thân của sự kì
diệu. Ta dễ ngờ : đây hẳn phải là công trình của người ngoài hành tinh, thậm
chí, của thần linh !
Bấy giờ, giả thuyết khoa học dù có thuyết phục được đôi phần
vẫn không thoả mãn được con người. Nó vẫn cứ phải nhường lối cho tưởng tượng
huyền hoặc. Lý tính đành nhường lời cho tâm linh. Và thế là huyền thoại ra đời.
Huyền thoại Angkor kể rằng : sau khi buộc phải đưa con trai mình là hoàng tử về
lại vương quốc Khơmer, do thương xót con, chính thần Indra đã sai các thần kiến
trúc và xây dựng xây toà thành Angkor Wat dưới hạ giới cho hoàng tử theo đúng
hình mẫu nơi thần ngự trị ở thượng giới. Và thế là chỉ trong một đêm, ý chỉ của
thần đã thành hiện thực. Sáng ra, cả kinh đô đã ngỡ ngàng về toà thành hùng vĩ
sừng sững hiện ra trong nắng mai với những đền đài nguy nga tráng lệ, cứ y như
vừa được bứng xuống từ trời. Người ta vẫn còn thấy dấu vết những ngón tay khuân
đá của các thần, đó là các hàng lỗ sâu trên mỗi thớt đá của đền đài. Đầu óc duy
lí có thể bất đồng với huyền thuyết của tâm linh. Nhưng trong tâm linh chủ nhân
Angkor và du khách, làm sao thiếu được những màn sương khói huyền thoại ấy. Và
chắc chắn di sản Angkor sẽ nghèo đi biết bao, nếu như không được bao phủ bằng lớp
lớp huyền thoại như thế. Huyền thoại, đó là một phần của đời sống Angkor, một
phần của di sản Angkor.
Song, nghĩ cho cùng, những công trình thần kì do bàn tay các
đấng siêu nhiêu làm ra và cũng những công trình ấy lại được làm ra bằng bàn tay
trần thế của chính con người, thì đằng nào huyền thoại hơn ? Sáng tạo nên
Angkor, hẳn nhiên, không phải là thần thánh, mà là con người ! Nhưng, con người
đã sáng tạo bằng gì ? Bằng sức mạnh thần thánh của chính mình. Những con người
huyền thoại ấy đâu rồi ? Những kiến trúc sư siêu việt, những tổng công trình sư
phi thường, những nhà điêu khắc trác tuyệt ? Và muôn vạn nhân công ròng rã hàng
thế kỉ xẻ núi, bạt đồi, đào hồ, cất móng, dựng tháp, kê cầu… họ vận chuyển hàng
ngàn triệu tấn sa thạch, mang vác hàng tỉ phiến đá, đục đẽo, bào mài tỉ tỉ mặt
đá, cạnh đá bằng mồ hôi và bằng cả máu của mình… Họ đâu cả rồi ? Đời họ đã chìm
vào từng trụ đá, phận họ đã ngấm vào từng thớ đá. Họ để lại cuộc đời mình trong
đá. Họ đã gieo hồn mình vào đá, để cho đá có hồn. Có phải sự thác sinh của muôn
vạn con người ấy vào Angkor mới chính là chất keo kì bí gắn kết từng mảnh đá lại
với nhau thành toà kiến trúc kì vĩ, mà cho đến nay chất keo hoàn toàn vô hình ấy
vẫn còn làm ngẩn ngơ mọi nỗ lực khám phá của bao lớp hậu sinh ? Có phải rải rác
khắp 290 ngôi đền ở Siem Reap là hàng vạn hình Apsara bằng tượng tròn, bằng phù
điêu, bằng nét khắc chìm, mỗi hình Apsara chính là một đài kỉ niệm mà hàng vạn
con người không có quyền lưu lại tên tuổi ấy đã tự dựng cho mình để tưởng niệm
tài hoa và tâm huyết của bản thân mình ? Bằng cách ấy họ hiển hiện cùng Angkor,
bằng cách ấy họ bất tử cùng nghệ thuật ? Làm sao mà biết được. Chỉ biết rằng, họ
đã trút sự sống của mình vào đá để tạo nên sự sống cho Angkor. Angkor là đền thờ
thần linh. Angkor là đền thờ vương quyền. Nhưng trước hết, Angkor phải là đền
thờ Tài Hoa và Tâm Huyết của cả một dân tộc. Sự thiêng liêng của Angkor là bởi
oai linh của thần thánh, bởi anh linh của các đấng quân vương. Song, sâu xa nhất
vẫn là bởi vong linh của muôn vàn con người vô danh và những đấng tài hoa luôn
lẩn quất trong từng nét hoa văn, ẩn tàng trong từng nhát khắc, bảng lảng sau mỗi
bóng thâm u đây đó của đền đài. Xin thắp đủ ba nén tâm hương để tưởng niệm những
đấng thiêng liêng ấy.
Đứng trước Angkor, ta có dịp suy ngẫm về sự kì diệu. Kì diệu
? Chẳng phải nó là khả năng biến cái không thể thành có thể hay sao ! Có phải
kì diệu là quyền phép riêng của thần linh, là lẽ màu nhiệm chỉ thuộc về những đấng
siêu nhiên ? Hay kì diệu còn là quyền năng của con người ? Thì Angkor chính là
một câu trả lời sớm - câu trả lời bằng đá, không phải tạc vào đá, mà tạc vào
vĩnh hằng. Rằng : làm điều kì diệu không còn là độc quyền của thần linh. Khi bằng
bàn tay và khối óc, con người đã sáng tạo ra những công trình thần thánh, khi ấy
con người đã trở thành thần linh, con người chính là thần linh vậy ! Có lẽ, cái
gốc hiện thực làm nên sức mạnh huyền thoại giúp con người xây dựng được Angkor
là một tinh thần hướng thượng. Sự hướng thượng chính là sức mạnh thần linh của
cả một dân tộc. Vương triều nào khơi dậy được sức mạnh thần linh này thì sẽ làm
nên những điều thần thánh, làm nên những Angkor.
Kì vĩ và tinh xảo
Đến Angkor tôi mới chợt nhận thấy rằng núi ở Cămpuchia rất ít
và rất thấp. Không phải địa hình ở đây chỉ thuần đồng bằng. Mà lí do là người
ta đã dời núi đá trên lãnh thổ này về hết Angkor. Các ngọn núi Siem Reap đã đầu
thai thành những ngọn tháp Angkor. Đúng hơn, những đỉnh núi đã hoá thân thành đỉnh
tháp. Các quả núi đã chịu thu bớt chiều cao của nó để nhường tầm vóc cho đền
đài. 290 ngôi đền từ thế kỉ này qua thế kỉ khác đã lần lượt ngốn sạch toàn bộ
những đỉnh đá của các rặng núi quanh vùng. Đá núi đã sống đời sống khác : đời sống
đền đài. Có lẽ vì thế mà đền tháp đã có thêm sứ mệnh là phải kì vĩ thay cho tất
cả núi non của xứ mình. Cái kì vĩ của Cămpuchia từ đó thuộc về đền tháp.
Bước tới đền tháp nào ta cũng sững người trước sự khổng lồ.
Ngôn ngữ của Angkor là ngôn ngữ của người khổng lồ. Tôi đã ngẩn ngơ bởi mỗi cổng
thành Angkor Thom đều có một cây cầu đá mênh mông, đủ cho hàng đàn voi chiến có
thể dàn ngang diễu hành. Cây cầu nào cũng đều dựng hai hàng lan can vô cùng độc
đáo : mỗi dãy lan can đều làm bởi 54 pho tượng đá lớn, đằng 54 con quỷ, đằng 54
vị thần, song hành nhau, đều tăm tắp. Từng pho đều đang vòng tay ôm ngang con rắn
thần Naga chín đầu, mình rắn to tầm một thân cây lớn dài suốt cả thân cầu. Vị
nào cũng xoạc chân bặm miệng co kéo mình rắn như trò kéo co của những gã khổng
lồ, vừa chỉnh tề lại vừa vui vẻ. Không biết có cây cầu nào trên thế giới này lại
có giải pháp lan can kì vĩ và kì thú đến thế không ? Tôi cũng không khỏi lạ
lùng vì ở Siem Reap có tới 216 tượng Bayon. Chỉ riêng đền tháp Bayon- công
trình cuối cùng được xây dựng trong lãnh thổ Angkor - đã có tới 54 toà tháp mỗi
toà 4 mặt, vị chi là 216 gương mặt 216 nụ cười đá huyền bí, khiến du khách ở bất
cứ góc nào cũng được chiêm ngưỡng một nụ cười hùng vĩ mà mỗi khoé đá đều hàm ẩn
vẻ từ bi hỉ xả của Bayon. Và, tôi đã hết sức bất ngờ trước điều thú vị này : đỉnh
của Cămpuchia là Siem Reap, mà đỉnh của Siem Reap là Angkor Wat, đỉnh của
Angkor Wat lại chính là 5 ngọn tháp như 5 tráng sĩ khổng lồ ngực choàng thạch
giáp, đầu đội thiết trụ, bình thản chọc trời… Angkor quả là nơi ngự trị của cái
kì vĩ. Có phải cái kì vĩ là biểu trưng của một đế chế hùng mạnh, một siêu cường
ở mọi thời ? Và một dân tộc chỉ có thể kì vĩ khi nó làm được những điều kỳ vĩ ?
Angkor còn là thế giới của sự tỉ mẩn tinh xảo. Hàng vạn cây số
vuông mặt tường thành và cột đá, nhưng không có một tấc vuông nào là không được
chạm trổ. Nghệ nhân xưa đã cẩn trọng đến từng nhát khắc nhỏ nhất, tỉ mỉ đến từng
nét hoa văn tế vi nhất. Muôn vàn bông sen cách điệu, muôn vàn ngọn lửa cách điệu
được khắc lên đá mà sao lại có thể tinh vi như thêu thùa trên gấm, tinh xảo như
dệt trên các tấm thảm len ta thường gặp của Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ. Còn gì tinh tế
hơn vũ điệu Apsara uốn éo nhịp nhàng trên sa thạch ! Những nét khắc cứ thung
dung đi lại trên cái ranh giới mong manh giữa tả thực và cách điệu. Khiến cho mỗi
nàng vũ nữ từ dáng điệu đến cử chỉ, từ khoé môi đến khoé mắt, từ cánh tay trần,
đôi chân trần, đến bộ ngực trần, nét nào cũng chắt lọc súc tích mà vẻ mềm mại của
cơ thể vẫn gợi cảm làm sao, đến nỗi khi sờ tay vào, ta vẫn cứ run lên như chạm
vào da thịt. Nếu cái kì vĩ chiếm ngự không gian bằng toàn bộ vẻ hoành tráng của
khối và mảng, thì cái tỉ mẩn lại phủ suốt thời gian bằng tất cả điệu hoa mỹ của
nét và dáng. Không còn nghi ngờ gì nữa, điêu khắc Khơmer thời cổ đã đạt đến chỗ
tinh diệu bậc nhất của những tìm tòi về nghệ thuật chạm khắc.
Du khách vừa phải lùi thật xa, trèo thật cao mới có thể
bao quát được cái hùng vĩ trong toàn cảnh nếu không muốn bị ngợp trước đền tháp
Angkor. Lại vừa phải ghé sát xuống từng cm vuông sa thạch để cảm nhận những nét
hoa văn biến hiện như đường vân tay mờ tỏ của Angkor. Tôi đã leo lên toà tháp
cao ngất của Angkor Wat để phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh vương quốc chùa. Tôi
cũng đã tìm vào nội cung, lần theo những cột đền, tỉ mẩn ghi lại hình vài nàng
Apsara khắc chìm trên mặt đá mấy thế kỉ rồi vẫn đang thầm múa sau làn rêu xanh
lục và địa y xám - không hiểu các loài thực vật hiền lành mà tàn nhẫn ấy đang
làm phong hoá các hình tượng hay đang muốn niêm phong cái đẹp trần thế vào vĩnh
cửu đây ? Sức chinh phục của cái đẹp Angkor là thế, nó bay lượn trong một
biên độ mênh mông : từ đầu này của cái vĩ mô đến đầu kia của cái vi mô.
Đến Angkor vài ngày, giỏi lắm chỉ lướt ánh mắt qua vài chóp
tháp cao, qua dăm mảng tường rộng, lưu được đôi ba ấn tượng về cái khổng lồ.
Làm sao có đủ thời lượng để đánh thức dậy hơi thở sâu đằm trong những nét chạm
tuyệt kỹ nơi mỗi hình hoạ khiêm nhường. Mà Angkor chỉ là Angkor chính bởi sự
hài hoà giữa hai chiều kích ấy. Hẳn những nghệ sĩ xưa khi trút hồn vào từng nét
khắc tinh vi, từng khối hình đồ sộ, không thể biết rằng Angkor của họ vượt qua
ngàn năm sau lại được xếp vào ngôi vị đệ nhất kì quan về điêu khắc đá. Có lẽ,
nghệ thuật của muôn đời vẫn thế, khi sinh thành cái đẹp, nó chỉ biết kí thác trọn
vẹn tinh hoa và tinh huyết của mình, nó đâu cần biết đến sự định giá của thời
gian. Song, đó lại chính là cách duy nhất để nghệ thuật vượt thời gian!
Trên vách tường khắp tứ bề Angkor Wat, vẫn còn nguyên những bức
chạm liên hoàn mà độ dài có lẽ đạt kỉ lục thế giới. Trong đó, bằng nét khắc của
mình, các nghệ nhân xưa đã tái hiện lại trọn vẹn nội dung hai pho sử thi lớn
Ramayana và Mahabharata. Đó là những cuộc chiến tranh khốc liệt. Ngổn ngang những
chiến xa, hừng hực những chiến mã, tua tủa những rừng gươm giáo, nườm nượp những
đoàn người ngợm lính tráng đang xô đẩy mình vào cơn tao loạn. Và khói lửa. Và
máu xương… Angkor quả là một thiên sử thi bằng đá với tất cả các nghĩa của nó.
Nhưng kế bên mỗi mét tranh cuộc chiến khắc chìm, bao giờ cũng
là hình những Apsara chạm nổi. Các nàng nhô ra từ mỗi góc tường với điệu múa
yêu kiều làm dậy lên những đợt sóng tỏ mờ trong vân thạch. Ta không khỏi nghĩ
suy về chiến tranh và hoà bình, về binh lửa và nghệ thuật, về huỷ diệt và sáng
tạo, về bạo tàn và hạnh phúc, về ý chí của các thế lực thù nghịch và thân phận
bèo bọt của con người… Angkor tôn vinh chiến tranh ? Angkor tôn vinh cái đẹp ?
Khi những nghệ nhân nhỏ từng giọt mồ hôi xuống từng nét chạm, kí thác tâm tư của
mình vào mỗi vết tạc để làm bất tử cuộc chiến trước công nguyên vào đá Angkor,
họ có biết chăng, chỉ sau đó không lâu, những cuộc chiến tranh như từ chính các
bức tranh khắc kia đã bùng lên, nhấn chìm Angkor vào máu lửa ? Angkor đã chìm đắm
điêu linh trước gươm giáo của ngoại bang. Cái đẹp không có khả năng tự vệ. Cái
ác đã lợi dụng cái hùng để tàn sát cái đẹp, trong chốc lát chúng đã biến cái đẹp
thành cái bi. Bao nàng Apsara đã phải mang điệu múa nghìn đời trốn chạy khỏi sự
truy sát của gươm giáo. Những điệu múa bị tàn sát. Những điệu múa từng làm xao
lòng bất kì phiến đá nào không được sinh ra ở Angkor giờ đang bị chém giết !
Bao nàng vũ nữ không kịp hoá thành đá khi giáo gươm vung lên chém lìa vũ điệu
ra khỏi thân hình. Cả kinh thành bầm giập. Một Angkor đầy vết thương. Thế là, đế
chế Khơmer bị tiêu diệt ngay sau khi cả dân tộc đã kiệt sức bởi vừa dốc toàn bộ
tâm lực vào công trình thần thánh của mình. Giặc ngoại bang đã dùng giáo gươm để
xóa sổ một đế chế kiêu hùng và lãng mạn vào đúng cái lúc hồn lãng mạn của nó vừa
mới thăng hoa thành những đền đài hùng vĩ. Sao mà ngang trái vậy ? Có phải, làm
điều ngang trái vẫn luôn là trò chơi mù quáng của lịch sử không?
Cuối cùng, cái đẹp Angkor đã nương nhờ vào chính cái hùng của
đá để lê tấm thân đầy thương tích của nó vượt qua mấy thế kỉ binh đao đến ngày
nay. Những đế chế qua đi, những cuộc chiến tàn khốc qua đi. Angkor còn lại, dù
chẳng vẹn nguyên. Điệu múa Apsara còn lại, dù truân chuyên dâu bể. Điệu múa đã
náu mình vào đá, nhập mình vào đá, giờ lại dậy lên từ đá để sống trong những
thân hình nuột nà kiêu sa của bao thiếu nữ Apsara bây giờ. Điệu múa vẫn sống
qua những kiếp người kiếp đá. Rồi đây, giáo gươm có thể gãy. Đền đài có thể
điêu linh. Đá có thể mòn. Liệu điệu múa có thể sống mãi không? Cái đẹp nghệ
thuật có thể tồn tại mãi không? Cái đẹp cần được con người cứu sống hay chính
cái đẹp cần cứu sống con người?.
Khi giặc Xiêmla tràn sang, từ bàn tay nâng niu của người chủ,
Angkor bị rơi vào bàn tay huỷ diệt của ngoại bang. Mấy thế kỉ bị bỏ hoang, Ang
kor lại rơi vào bàn tay lạnh lùng của một thế lực khác, đó là Hư vô. Victo Hugo
nói : Vắng con người có con tạo. Bộ mặt huỷ hoại của con tạo chính là Hư
vô. Thế là cả một kinh đô nguy nga đã bị hoang phế. Đội quân đầu tiên của Hư vô
là rêu cỏ. Rêu lan tràn, cỏ lấn tới, từ chân thềm cho đến tận lầu gác. Trước đội
quân này, đá Angkor vẫn có thể điềm nhiên nở nụ cười Bayon nguyên vẹn. Bởi cuối
cùng, nỗ lực của rêu, dù kiên trì đến mấy cũng chẳng vùi được Angkor, trái lại,
chúng như phủ lên đền đài một lớp kem phấn màu xanh lục, làm cho gương mặt
Angkor có thêm nét quyến rũ tựa vẻ xanh xao của một nàng sương phụ. Và sự hùng
hổ của cỏ cũng chỉ làm toà kiến trúc đá vốn đầy những khối chắc khoẻ, những góc
sắc cạnh, lại có thêm vẻ xanh mát dịu dàng mà thôi. Cỏ rêu định đồng hoá đá, cuối
cùng đã bị đá khuất phục, thành trang sức của đá. Vẻ đẹp Angkor càng cổ kính
huyền bí hơn.
Bị bẽ mặt, Hư vô quyết giở ngón đòn hiểm : tung đội quân tinh
nhuệ nhất để chinh phạt Angkor, đó là loài quái thụ. Hư vô đã đem gieo chúng
trên nóc các ngôi đền. Và chúng đã vùn vụt lớn lên với thân hình khủng long và
da thịt bạch tuộc. Loài cây cổ quái này thực sự là đội thập tự chinh tàn bạo,
hè nhau kéo đến dày xéo Angkor. Cuộc chiến bấy giờ mới thực sự khốc liệt. Biết
bao tên mộc tặc đã đè đầu cưỡi cổ các ngôi đền hiền lành. Bộ rễ bành trướng sục
vào từng thớt đá, cắm vào mạng sườn đền đài, ghì riết từng mô đá để cho thân
cây ngất ngưởng vươn vào khoảng không đầy đắc thắng. Đám vòi bạch tuộc khổng lồ
của rễ cây bóp nghẹt những lồng ngực đền, làm vỡ vụn những đôi vai đền, hút lấy
dưỡng chất từ sinh lực đá. Thân quái thụ no nê ngất ngểu ngồi trên đỉnh đầu,
trên bờ vai các đền thiêng, thế kỉ này qua thế kỉ khác. Nhiều ngôi đền dần dần
kiệt sức, không còn chống chọi được nữa, lưng oằn xuống, vai gãy gập, tiều tụy,
sập sệ. Từng mảnh thân thể đền đá cứ rụng rời, cứ lăn lóc xuống những thế kỉ
điêu linh… Vào hùa với lũ ác mộc còn có cả những cơn mưa axit miền nhiệt đới.
Chúng xối xuống mái đền, xả xuống chân thềm làm phù nề những làn da đền tháp,
làm tróc lở những thân thể tháp. Chúng quất xuống những phù điêu phập phồng sự
sống, bào mòn những hoa văn tươi ròng trên sa thạch. Làm vẹt tai, sứt mũi, lõm
má mọi bức tượng khắc trên đền. Cứ thế, như bầy nai yếu ớt chịu khuỵu gối bất lực
trước nanh vuốt tàn bạo của loài thú dữ, bao ngôi đền đành gục đổ trong tuyệt vọng.
Tiếng kêu cứu dẫu có thành lời cũng chìm nghỉm vào quên lãng của hàng hàng thế
kỉ qua. Hôm nay cầm bất cứ mảnh đá nào lên tay và lắng nghe, thì trong mỗi thớ
đá vẫn âm âm u u những tiếng nghẹn ngào rên rỉ.
Đội thập tự chinh quái thụ vẫn chưa chịu dừng cuộc chinh phạt
thâm hiểm của nó. Chúng còn muốn truất bỏ vị thế kì quan của đền tháp
Angkor. Chúng dậm bàn chân thoán đoạt lên đầu, lên ngực đền, mà ngạo mạn bảo với
bàn dân thiên hạ rằng: “Không phải đám đền tháp! Mà ta, chính ta mới là kì
quan ở vương quốc này”. Đá đã viết những trang huy hoàng, giờ đến cây viết những
trang rùng rợn. Xem ra, đó sẽ là cuộc chiến đời đời không có hồi kết.
Nhưng kì quặc thay! Cuộc xâm lăng của thảo mộc đã
thành một phần không thể thiếu của lịch sử chốn này. Hiện trạng trớ trêu của cuộc
tương tàn giữa đền đá và quái thụ lại làm nên một nét kì thú cho di sản Angkor.
Bởi vì, tương tranh và hoà giải đã chồng chéo lên nhau. Tương quan của chúng giờ
đây đâu chỉ là tội nhân với nạn nhân. Tự lúc nào, tội nhân bỗng trở thành ân
nhân rồi. Nếu đền đá hất được cây ra khỏi mình, nếu dỡ bỏ những chùm rễ phũ
phàng của cây ra khỏi đền, thì đền cũng hoàn toàn sụp đổ. Cây dữ và đền thiêng
đành hoà hoãn mà ràng níu nhau trong quan hệ cộng sinh. Chính sự oái oăm này đã
khiến Angkor thành kì quan kép : kì quan đá và kì quan cây. Trước cảnh tượng
nghịch dị ấy, lòng ai nấy đều dậy lên những cảm xúc trái chiều: vừa đau xót vừa
thích thú! Càng thích thú càng đau xót thế nào!
Tôi đã đứng trước đền Preah Khan (thờ cha) và đền Ta Prohm
(thờ mẹ), nơi Hollywood chọn làm trường quay cho bộ phim “Bí mật ngôi mộ
cổ”, nơi mà những tên mộc tặc thuộc đội thập tự chinh của Hư vô đang được du
khách chiêm ngưỡng như những kì quan, và không thể chấn an được những cảm xúc lẫn
lộn trong mình. Trong tự nhiên, liệu có ranh giới thật không giữa cái thiện và
cái ác, cái đẹp và cái xấu, sáng tạo và huỷ diệt? Làm sao bảo được rằng những
cây Tung kia (tên của loài cây quái dị đó) chỉ đơn thuần là đang hành nghiệp ác? Làm sao có thể bảo những bộ rễ quái đản của nó không đem lại cho con người một
cảm xúc bi hùng? Và khi đang huỷ diệt những đền đài thì nó cũng đang sáng tạo
ra chính nó - một dạng kì quan có khi còn hiếm hơn cả những đền đài? Có phải
Hư vô đang thực hiện cái sứ mệnh luân phiên bất định giữa Sáng tạo và Huỷ diệt
từ quyền phép không gì có thể cưỡng được của thần Shiva? Có phải con người cứ
phải chấp nhận một tự nhiên lạnh lùng như thế?.
Khoảnh khắc và vĩnh cửu
Đến bất cứ kì quan nào, dù có lưu lại lâu lâu, cũng chỉ là
thoáng chốc trước vĩnh cửu. Nhưng đâu dễ có được thoáng chốc như thế. Phải có
duyên may nào đấy đẩy đưa.
Chừng hai mươi năm về trước, trong một khoảnh khắc bi cảm về
những hữu hạn của kiếp người, tôi đã viết bài thơ nhỏ Biết bao điều cứ ở
ngoài ta, câu chữ xoàng xĩnh thôi, nhưng có vài điều trong ấy tôi đã tâm niệm
suốt đời. Chẳng hạn Có danh lam ta chẳng đến bao giờ /Phong cảnh thần tiên
đẹp âm thầm nơi ấy/ Không đến được nên lại càng lộng lẫy/ Đến phút chót đời
mình vẫn đâu đó nơi xa. Hay Có bông hoa như không nở cho ta / Cứ thầm
nở một đời hoa tinh khiết/ Cứ đâu đó giữa trần gian tuyệt đẹp/ Đến tận phút
lìa đời ta vẫn cách xa hoa…Khi viết những dòng ấy, lòng tôi nghĩ đến những
Kim Tự tháp Ai Cập, Tháp Eiffel Paris, Tháp nghiêng Pisa Italia, Đền Parthenon
Hy Lạp, Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc, Thác Niagara Canada …bao kì quan có lẽ
đời mình chẳng bao giờ đến được. Và, tất nhiên, tôi nghĩ đến Angkor. Tuy ở ngay
nước láng giềng, nhưng liệu có cơ duyên nào đưa đẩy mình đến đó không? Khi viết
những dòng ấy, tôi làm sao biết được hai mươi năm sau, lại có một ngày khoa Văn
chúng tôi rồng rắn đến Angkor, riêng mình lại được ngao du Angkor trong một
tour thật lí tưởng : cùng cậu con trai đang học kiến trúc năm cuối, với một cô
giảng viên dạy môn mỹ thuật Đông Dương cho Mỹ thuật Sài Gòn, và một tour guide
đặc biệt là Trần Công Khanh, giám đốc “Caravan tours”, người có biệt hiệu là
“Khanh Angkor”? Khanh thực sự là một nhịp cầu cho những người Việt yêu mến nền
văn minh Angkor đến với đất Siem Reap. Có phải Khanh là duyên may của tôi? Anh
dẫn chúng tôi đi vào những lối mà du khách bình thường không thể biết. Theo bước
chân của con người đã phải lòng Angkor ấy, chúng tôi đi sâu mãi vào cố đô nằm
giữa rừng già. Cả bốn chúng tôi đều mải mê ngắm nghía, đến đâu cũng muốn được
nhìn thật sâu, chụp thật nhiều để lưu lại cho riêng mình từng vẻ đẹp Angkor. Những
tấm ảnh được chụp bằng con mắt nhà nghề kiến trúc và mỹ thuật liên tiếp được
khoe trên màn hình máy số. Được một tấm ưng ý, cả bốn cái đầu chụm lại xuýt
xoa. Thật là một bữa đại tiệc cho những đôi mắt tạo hình. Chúng tôi cứ đi ngược
mãi về mấy thế kỉ trước, cái bóng của quá vãng hãy còn bảng lảng nơi đây luôn mời
gọi người bước tiếp. Trong khi đó, hiện tại cứ muốn cầm chân chúng tôi bằng cặp
kim trên mặt đồng hồ. Nó luôn nhắc về quỹ thời gian tour đang dần cạn. Còn biết
bao nhiêu bí ẩn vẫn náu mình đây đó, biết bao nhiêu vẻ đẹp vẫn lẳng lặng khuất
dưới ngàn ngàn tán cổ thụ, chìm dưới muôn lớp rêu phong xanh rì mà mình chưa được
tỏ tường.
Có cảm tưởng, nhặt bất cứ mảnh đá nào lên, cũng sẽ thấy ngay những nét chạm hoa mĩ. Lật bất kì phiến đá nào lên cũng sẽ gặp một nàng Apsara, dù thân có bị vùi giữa cát, mặt có bị ngập giữa cỏ, nàng vẫn cứ múa mãi không thôi điệu múa tiền kiếp đẹp mê hồn mà chịu bao oan trái của mình. Mỗi mảnh đá là một mảnh thân phận của Angkor. Mỗi mảnh vỡ lăn lóc đó đây là một tế bào của nền văn minh dù đã lùi xa vẫn không chịu tiêu trầm, đang nhẫn nại chờ mong ngày hồi sinh tái tạo…
Có cảm tưởng, nhặt bất cứ mảnh đá nào lên, cũng sẽ thấy ngay những nét chạm hoa mĩ. Lật bất kì phiến đá nào lên cũng sẽ gặp một nàng Apsara, dù thân có bị vùi giữa cát, mặt có bị ngập giữa cỏ, nàng vẫn cứ múa mãi không thôi điệu múa tiền kiếp đẹp mê hồn mà chịu bao oan trái của mình. Mỗi mảnh đá là một mảnh thân phận của Angkor. Mỗi mảnh vỡ lăn lóc đó đây là một tế bào của nền văn minh dù đã lùi xa vẫn không chịu tiêu trầm, đang nhẫn nại chờ mong ngày hồi sinh tái tạo…
Đến bao giờ thần Shiva mới chịu vung cánh tay sáng tạo cho sự
đổ vỡ được tái sinh? Vừa đi bên những mảnh vỡ lăn lóc của Angkor, chúng tôi vừa
kể cho nhau về một vị thần cũng có quyền phép độc đáo trong truyện dân gian người
Việt. Phải, chỉ cần vị thần ấy làm lính tình nguyện, thì sau câu thần chú “khắc
nhập! khắc nhập!”, hết thảy những mảnh vỡ Angkor vương vãi từ Cămpuchia ra khắp
toàn cầu đều tìm được về đây, tìm thấy nhau mà liền da thịt lại! Được thế quả
là kì diệu! Cái vĩnh cửu sẽ hoàn nguyên trong khoảnh khắc ! Trong khi chờ đợi
một lời niệm chú, con người vẫn cứ phải làm thay thần linh, nghĩa là phải cần mẫn
bảo tồn từng chút, từng chút vậy thôi ! Có thể hi vọng được chăng, rằng việc bảo
tồn chậm chạp ấy có cơ tiến gần tới sự hoàn nguyên? Nhìn mấy đội nhân công
đang dựng vài ba giàn giáo chênh vênh, dăm vị phụ trách dự án đang căng thước
dây đo đo đạc đạc đôi ba chỗ quá lèo tèo giữa chốn phế đô mênh mông này, lòng
tôi không tránh khỏi bồn chồn lo lắng. Sự ra tay của con người hôm nay liệu có
kịp đua với sự huỷ hoại khắc nghiệt mà cũng đầy nhẫn nại của thời gian không?
Có phải đó cũng vĩnh viễn là một cuộc chiến không cân sức? Chẳng biết có phải
bởi lo âu đè nặng, mà cất bước đi, tôi cứ nghe văng vẳng đâu đây tiếng
gặm nhấm của thời gian, tiếng “khắc xuất! khắc xuất!” vô thanh của các thế lực
huỷ diệt.
Thật may, tới ngôi đền Tasom, bên lề những tháp cổ, tôi
được thấy một kì quan khác: một cây cổ thụ đã bị xoáy lốc làm bật gốc, cây bị
bẻ gãy ngang lưng nằm sóng xoài trên mặt đất tự thế kỉ nào, toàn bộ rễ bị bật
lên đã mủn hết cả, chỉ còn vài cọng rễ con con nối với đất, ấy thế mà, từ khúc
thân ngã vật xuống đó, nhiều cành đã đâm lên, và kì lạ thay, có cành đã kịp
thành cổ thụ! Chao ôi! Liệu nó có thể cho tôi một niềm tin sâu vào sự mãnh liệt
của Angkor được không? Và có lẽ không chỉ riêng tôi cần đến niềm tin ấy.
Đến được Angkor, đối với tôi khác nào điều không thể đã thành
có thể. Tôi đã có được cái thoáng chốc đó rồi! Trong thoáng chốc, tôi đã được
ngất ngây trước tuyệt tác của muôn đời. Và tôi cũng đã có được những khoảnh khắc
đồng điệu cùng vĩnh cửu. Dầu sao, vẫn là không thoả. Vẫn còn hàng trăm khu đền
tôi đã kịp tới đâu! Hàng ngàn đỉnh tháp tôi đã kịp thấy đâu! Mà ở chốn này đến
một chiếc rễ cây cũng hứa hẹn lắm điều kì bí, một mảnh đá mẻ cũng mách bảo bao
chuyện về kì quan. Thoáng chốc vẫn chỉ là thoáng chốc. Phút từ giã Angkor, tôi
mới thấm lời nhắn gửi du khách trên các tấm pano của xứ sở chùa tháp: See
Angkor and not die yet. Vâng, đã một lần đến Angkor rồi, bạn đừng có chết, bởi,
mới một lần, thì làm sao đủ!
Trả lờiXóađại lý vé eva air
đặt vé máy bay đi mỹ ở đâu
mua vé máy bay korean air
vé máy bay đi mỹ là bao nhiêu
giá vé máy bay đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngau Hung Du Lich
Kien Thuc Du Lich