Đoàn Chuẩn - Tình nghệ sĩ
Trong cảnh phong trần của lịch
sử dân tộc, mỗi con người đều mang chút thân phận éo le, không cứ gì các bậc
tài danh. Nhưng tài danh thì nhiều người biết đến, và trở thành tiêu biểu,
như nhạc sĩ Đoàn Chuẩn (1924-2001) đã ra đi ngày 15 tháng 11, 2001
tại Hà Nội, mà những ngày se lạnh đang nhắc lại những khúc ca mùa thu tuyệt
diệu mà ông là tác giả.
Hôm nay là ngày giỗ của Đoàn
Chuẩn.
Từ hơn nửa thế kỷ nay, bao
nhiêu người đã nghe hát Gửi gió cho mây ngàn bay mà không biết tác giả
là ai, ở đâu, làm gì.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm
1924 tại Cát Hải, Hải Phòng, trong một gia đình tư sản, chủ hãng nước mắm Vạn
Vân lừng danh, đã đi vào tục ngữ:
Dưa La, cà Láng, nem
Báng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm
Sét.
Ông học tây ban cầm với Nguyễn
thiện Tơ, rồi hạ uy cầm với William Chấn. Tuổi trẻ hào hoa, chỉ thích ... xe
hơi! Ông có 6 "ô-tô", trong đó có chiếc Ford Frégate sang hơn Thủ Hiến. Kháng chiến bùng nổ, gia đình dời về Thanh Hoá, Đoàn Chuẩn gặp Tô Vũ, Tạ Phước,
cùng đi hát với Ngọc Bích, và sáng tác bàiTình nghệ sĩ (1948), Sông
Chu (chưa phổ biến). Sau đó, ông theo một đoàn cứu thương, lên Việt Bắc,
làm bài Đường về Việt Bắc.
Bỏ kháng chiến về thành khoảng
1950, ông tung ra một loạt ca khúc đã sáng tác từ trước, làm thêm nhiều bài mới,
được các đài phát thanh nồng nhiệt phát sóng và nhà Tinh Hoa xuất bản dưới tên
: Nhạc Đoàn Chuẩn - Lời Từ Linh. Đến năm 1954, Đoàn Chuẩn chọn ở lại Hà Nội, Từ
Linh di cư vào Nam, mất năm 1992. Dù có ký tên chung, Đoàn Chuẩn là tác giả duy
nhất cả nhạc và lời: chính ông tuyên bố như vậy mà không ai cải chính; ngay tại
miền Nam, cũng không ai hay biết gì về Từ Linh.
Năm 1956, hãng nước mắm Vạn
Vân bị tiếp quản và tài sản Đoàn Chuẩn bị tịch thu trong đợt cải tạo công
thương nghiệp tư bản, nhưng gia đình còn mua được căn nhà số 9 đường Cao bá
Quát, Hà Nội. Thời gian này, ông có làm bài Gửi người em gái đã di
cư vào Nam. Ông sống âm thầm, ngưng sáng tác, chỉ dạy nhạc tại nhà, được gọi là
Phân bộ 2 của Trường Âm nhạc dân lập. Đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu
não, nhạc sĩ Phạm Duy về nước, ghé đến thăm lúc ông còn hôn mê. Sau đó thì mất
tiếng nói, chỉ tỉnh trí để bút đàm cho đến lúc qua đời, 22 giờ, ngày
15.11.2001.
Đoàn Chuẩn sáng tác trong một
thời gian ngắn 1948-1956, mà chủ yếu là 3 hay 4 năm chung quanh thời điểm 1950,
được 10 bài nổi tiếng, còn 6 bài không phổ biến. Tại Miền Bắc, tác phẩm Đoàn
Chuẩn không đựợc hát, vì nội dung uỷ mỵ của ca khúc và lý lịch tác giả; khi đất
nước thống nhất, sau 1975, nhạc ông vẫn bị cấm hát cho đến khoảng 1990. Tại
Miền Nam trước 1975, ca khúc Đoàn Chuẩn được phổ biến sâu rộng với lớp người di
cư, vì đáp ứng với hoài niệm của giới văn nghệ sĩ gốc Bắc và nhu cầu của giới
trí thức, thanh niên, sinh viên Miền Nam.
Nhạc Đoàn Chuẩn được xếp vào
nhạc tiền chiến một cách võ đoán. Một mặt, chữ "tiền chiến" áp dụng
cho văn học nghệ thuật Việt Nam là một lối nói tuỳ tiện; mặt khác bài hát đầu
tiên của Đoàn Chuẩn là Tình Nghệ Sĩ làm năm 1948 thì không thể gọi là tiền
chiến.
Người viết lịch sử tân nhạc
cũng hờ hững với ông; ngoài những thành kiến, họ còn cho rằng những bài thu ca
của ông không mang lại gì mới, so với Đặng Thế Phong hay Văn Cao; đề tài mùa
thu cũng đã muôn đời, từ thơ Đường thơ Tống. Nói vậy thì không lý giải được
lòng yêu chuộng của thính giả, và của giới ca nhân, từ Anh Ngọc, Sĩ Phú trước
kia, đến ánh Tuyết, Lê Dung gần đây.
So sánh bao giờ cũng giản lược,
tôi đành giản lược, trong một bài báo.
Ba bài hát mùa thu của Đặng
Thế Phong là tiếng kêu thất thanh của niềm cô đơn tuyệt vọng, không cần hồi âm:
Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng
Biết bao buồn thương
Thuyền mơ buông suôi dòng
Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi! Đừng chờ
mong.
(Con thuyền không bến)
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn
lây
Lòng vắng muôn bề không liếp
che
(Giọt mưa thu)
Nhạc thu của Văn Cao là tiếng
khắc khoải của một nghệ sĩ đi tìm tâm hồn đồng điệu:
Đêm mùa thu chết
Nghe mùa thu rớt
Rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
(Buồn tàn thu)
Như vậy, chủ thể phát ngôn
và tinh thần phát ngôn đã có phần khác nhau. Phạm Duy thường phát ngôn với tư
cách công dân nghệ sĩ, trong một hoàn cảnh lịch sử và xã hội nhất định:
Chiều biên khu, vào mùa sang
thu
Ai chinh phu nghe mùa thu tới...
Thu ơi thu, ta vỗ súng ca
(Thu Chiến Trường) 1946
Người lạnh lùng nghe mưa thu
trên từng ba lô
(Đường về quê) 1947
Đoàn Chuẩn có tiếng nói khác: ông phát ngôn trên tư cách nghệ sĩ, đưa tác phẩm nghệ thuật đến một quần
chúng nghệ thuật, trên những tiêu chuẩn thẩm mỹ. Ca khúc đầu tiên, bài Tình
nghệ sĩ làm giữa những ngày kháng chiến - hay tản cư - gian nan, nói
lên điều đó, làm một thứ chìa khoá đi vào thế giới Đoàn Chuẩn.
Tung phấn hương yêu qua bao
lời hát
Bay tới bên em, tới em thầm
nhắc
Đây ý tơ xưa đâu duyên tình
cũ
Bóng anh phai dần ái ân tàn
theo
Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ
Chóng tàn vì vương vấn muôn
ý thơ ...
ý này còn rõ hơn nữa trong
bài Chuyển bến :
Thuyền cắm tay sào từ cuối thu
Ngoài kia sông nước như đón
chờ
Còn đêm nay nữa, ta ngồi với
nhau
Ngày mai anh đã xa rồi ...
Hình ảnh chìa khoá trong ca
khúc Đoàn Chuẩn không phải là những Lá thư, Tà áo xanh, Lá đổ muôn
chiều, như người ta thường nói, mà là con thuyền :thuyền rời xa bến
vắng người ơi. Con thuyền muôn đời, của ca dao, của Đường Thi, từ bến Tần
Hoài của Đỗ Mục, đến bến Phong Kiều của Trương Kế - hay gần hơn - trong Xuân Diệu
: tình du khách thuyền qua không buộc chặt...
Ca khúc Đoàn Chuẩn là thế giới
quy ước. Người phụ nữ tô quầng mắt, ngập ngừng trong chiếc áo nhung...,
đôi mắt như hồ thu..., bên cầu ngồi xoả tóc thề... là người đẹp trong
tranh Tố Nữ, tranh lụa, hay sơn dầu của Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị.
Trong thế giới quy ước và hư
ảo đó, Đoàn Chuẩn đã vẽ vời nên vẻ đẹp của Trần Gian qua những mùaThu quyến rũ:
Anh mong chờ mùa thu
Trời đất kia ngả màu xanh lơ
Đàn bướm kia đùa vui trên
muôn hoa
Bên những bông hồng đẹp
xinh…
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân dần vào chốn
Thiên Thai
Vài cánh chim ngập ngừng
không muốn bay
Cái sắc mạnh huy hoàng của
Đoàn Chuẩn là ở chỗ đó. Ông đã đưa Thiên Thaivề đây với thu trần gian,
trong khi Văn Cao phải lên tận cõi Đào Nguyên.Trong tình khúc Đoàn Chuẩn, Hoa
xuân (đã) gặp bướm trần gian, ánh trăng xanh (đã) tan thành
suối trần gian...
Mùa thu ở nông thôn Việt Nam
từ ngàn năm nay vẫn vậy, nhưng phải đợi đến Nguyễn Khuyến chúng ta mới có những
bức tranh thu tuyệt sắc. Và phải đợi đến Đoàn Chuẩn chúng ta mới được chơi vơi
cùngtừng mây lơ lửng trời xanh ngắt, trên âm giai dìu dặt của tân nhạc. Rồi
thương cho những:
Lá vàng từng cánh rơi từng
cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất
xưa
(Gửi gió cho mây ngày
bay).
Từ “ xưa” bất ngờ đậu lại cuối
câu hát, gây nên niềm xao xuyến, rồi đau đớn sâu xa.
Nghe lại nhiều lần mới thấm
thía.
Trong thâm tâm, có người xa
cách với Đoàn Chuẩn vì một lý do: ông là con nhà giàu, làm nhạc để màchơi.
Nhưng đây chính là tự do của con người, của kẻ làm nhạc, kẻ hát và người nghe
hát. Cuộc chơi, chính là tự do trong sáng tạo nghệ thuật.
Biết đâu, cuộc đời cũng chẳng
là một cuộc chơi, mà cuối cùng, khi nhận ra, con người thường thấy mình thua lỗ.
Tình trần ôi mong manh...
Trọng Thu 2001, viết lại cho
ngày giỗ Đoàn Chuẩn, 2014.
Nguồn: Đặng Tiến - VHNA
đặt vé eva airline
vé máy bay từ mỹ đi việt nam
korean airline vietnam
khuyến mãi vé máy bay đi mỹ
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Du Lich Tu Tuc
Tri Thuc Du Lich