Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Trà đạo trong đời sống người Nhật - Lịch sử và hiện tại

Trà đạo trong đời sống người Nhật - Lịch sử và hiện tại
Văn hoá truyền thống là di sản tinh thần của một dân tộc, là dấu gạch nối lịch sử và là mạch nguồn không bao giờ đứt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là cái mà người ta dựa vào đó để phân định bản sắc của dân tộc này với dân tộc khác.
Nhìn vào đất nước Nhật Bản ngày nay, ta thấy hiện lên hình ảnh của một xã hội công nghiệp hiện đại với những toà nhà cao tầng, những công sở chọc trời, lối sống vội vã và thực dụng, xã hội tiện nghi cao độ... không thua kém gì các xã hội phát triển của phương Tây. Lớp văn hoá giao lưu với phương Tây bề ngoài có thể nói đã đem lại hình ảnh một xã hội Nhật Bản bị Âu hoá sâu sắc. Thế nhưng khi ta để tâm nhìn sâu vào cơ tầng bên trong của xã hội ấy ta sẽ thấy lung linh một truyền thống quá khứ mạnh mẽ vẫn đang tồn tại như những gì thiêng liêng và bất diệt nhất trong tâm hồn của người dân xứ sở Phù Tang, như một phần chìm không bao giờ mất của thế giới tính duy tinh thần phương Đông. Nhắc đến nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, người ta không thể không nói đến những danh xưng đã quá quen thuộc như nghệ thật cắm hoa Ikebana, kịch Kabuki, kịch No, Bunraku... và đặc biệt là nghi thức trà đạo đã vượt qua bao không gian, bao ranh giới để đến với từng quốc gia, từng dân tộc bạn bè trên thế giới, mang đến nụ cười và tình hữu nghị của người dân xứ hoa anh đào. Nhưng để có thể cảm nhận hết sự tinh tế và vẻ đẹp thẩm mỹ mà nghệ thuật độc đáo này mang lại, xin hãy một lần đắm mình vào trong không gian nghệ thuật thực sự của chén trà Nhật Bản, vứt bỏ hết mọi ưu tư lo toan thường nhật hàng ngày để trở về với thế giới tự nhiên nguyên sơ mà những ngôi vườn cảnh Nhật Bản bao quanh những trà thất mang lại. Không biết tự khi nào chén trà đã trở nên một phần vô cùng quan trọng không thể thiếu được trong đời sống thường nhật của người Nhật và chính từ nơi đây chứ không phải từ cái nôi nguyên thuỷ đầu tiên là văn minh Trung Hoa mà thú uống trà đã trở thành một nghệ thật được cả thế giới biết đến dưới cái tên Trà đạo.
Phác thảo lịch sử ra đời và phát triển của Trà đạo
Khởi phát từ miền nam Trung Hoa, cây trà được người ta biết đến từ rất lâu đời như một vị thuốc trong y khoa và thảo mộc học, có tác dụng bồi dưỡng lúc ta mệt mỏi, làm sảng khoái tinh thần, tăng cường ý chí và đem lại sự minh mẫn cho thị giác. Khoảng giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 5, trà đã trở thành một thứ thức uống thông dụng và phổ biến trong dân chúng thuộc lưu vực sông Dương Tử. Những tìm tòi, phát minh về thú uống trà dần dần được ra đời và thăng hoa nhờ ở một vị thánh sư về trà đó là Lục Vũ (thế kỷ 8). Cuốn Trà kinh của ông đã trở thành một thứ kim chỉ nam cho tất cả những ai muốn nâng việc uống trà từ một thứ thức uống phàm tục trở thành một thú tiêu khiển nên thơ của các bậc tao nhân mặc khách. Trong cuốn sách của mình, Lục Vũ đã trình bày hết sức cặn kẽ về lịch sử cây trà, giải thích về tính chất cây trà, và đi từ những cái nhỏ nhặt nhất như dụng cụ hái trà, cách lựa chọn lá trà, bộ đồ trà gồm 24 bộ phận cho đến công phu tỉ mỉ nhất là phương pháp pha trà với những nguyên tắc mẫu mực về chọn nước pha và nhiệt độ nước sôi... Đến thời nhà Tống, thuật uống trà đã có những thay đổi về quan niệm, không còn là một thú tiêu khiển nữa mà đã trở nên một phương pháp tu luyện cá nhân nhằm để di dưỡng tính tình. Đã có sự kết hợp tư tưởng Phật giáo với tư tưởng của đạo Lão để tạo nên những quy tắc cho một nghi lễ đầy đủ về trà. Các nhà sư lúc bấy giờ trước một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đã chuyền tay nhau một chiếc bát độc nhất với tất cả thể thức trầm lặng của một buổi thánh lễ. Do ở nghi lễ Thiền đạo đó mà sinh ra và phát triển về sau này nghi lễ trà ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 15.
Nhưng vào khoảng thé kỷ thứ 13, lịch sử trà đạo Trung Quốc đã bị gián đoạn bởi những cuộc xâm lăng của người Mông Cổ. Tuy sau này có được phục hồi nhưng đã không còn huy hoàng như trước nữa đồng thời cũng đã du nhập vào đó những yếu tố tinh thần của thời đại mới. Trong khoảng thời gian đó thế giới đã kịp biết đến sự ra đời của một nền nghệ thuật mới - nghệ thuật trà đạo Nhật Bản với những tinh hoa kế thừa từ nghệ thuật trà đạo Trung Hoa và hơn tất cả là hơi thở của một tâm hồn Phù Tang đặc sắc.
Những hạt giống trà đầu tiên tại Nhật Bản đã được nhà sư Saicho sau khi đi sứ Trung Hoa mang về từ thế kỷ thứ 9 và được trồng ở vùng núi Iesan. Nhưng như một thức uống quý tộc, nó chỉ phổ biến trong triều đình và ở đẳng cấp tăng lữ. Chính các nhà sư đã có công đưa việc uống trà lên trở thành một thứ lễ thức (ban đầu còn đơn giản) và từ đó được lan rộng ra trong dân chúng dù mới chỉ dừng lại ở mức sử dụng như một thức uống dưỡng sinh. Năm 1191, những hạt giống trà ngon nhất như ngày nay chúng ta được thấy đã theo bước chân của Thiền sư Eisai đi du học Thiền đạo ở miền nam nước Tống mang về. Người ta đem những hạt giống đó gieo ra làm ba nơi và chúng mọc lên rất tốt, nhất là ở vùng Ugi gần Tây kinh. Trà đạo dần dần trở thành môn nghệ thuật truyền thống, không ngừng củng cố, phát triển và hoàn thiện qua các thời kỳ lịch sử với tên tuổi của các bậc trà sư tài danh. Lịch sử trà đạo có thể tóm tắt qua ba giai đoạn và tương ứng với đó là các môn phái trà với những tên gọi khác nhau: trà sắc lên, trà tán ra và pha trà với nuớc sôi tương đương với các môn phái cổ điển, lãng mạn và tự nhiên về trà. Ngau từ trung kỳ thời đại Muromachi (1336-1573), trà sư Noami đã định ra những nghi thức chuẩn mực đầu tiên trên cơ sở nghiên cứu cách thức tiến hành trà đạo của các trường phái khác mà đặc biệt là của Thiền tông. Đó là hệ thống nghi lễ được tiến hành trong trà thất có liên quan đến việc sử dụng các dụng cụ trà đạo, phương pháp trưng bày, sắp xếp các trà cụ, cách thức ngồi, trang phục... Người tiếp theo là Shiuko đã tiến hành một số cải cách về nghi lễ dựa trên những luật định mà Noami đã đặt ra. Nhưng phải đợi đến thế kỷ 16 với sự xuất hiện của trà sư vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản là Sen Rikyu (1522-1591), thuật uống trà mới hoàn toàn trở thành một thứ nghi thức được chuẩn hoá cao độ cho đến ngày nay. Ông đã thổi vào nghệ thuật này một hơi thở vĩnh cửu của sự sống, đồng thời mang thêm vào đó những cái gì được gọi là đặc trưng của tâm hồn Nhật Bản. Cùng với sự lên ngôi của trà đạo, những hình thức nghệ thuật khác cũng được nảy sinh hoặc được làm đẹp thêm lên, đóng góp vào kho tàng văn hoá truyền thống của đất nước Mặt trời mọc. Đó là nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật đình viên, nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật vẽ tranh thuỷ mặc, nghề làm gốm...Tất cả đều có vị trí xứng đáng của mình trong một ngôi trà thất và một nghi lễ trà đạo chuẩn mực, giản mặc mà thiêng liêng. Pha trà với nước sôi đó là ý nghĩa và cách hình dung giản dị nhất về tên gọi của nghi thức trà đạo như ngày nay chúng ta thường thấy: Chanoyu.
Nhật Bản hiện nay có khoảng 10 trường phái trà đạo khác nhau, trong đó ba phái Urasenke, Musanokoehi, Omotesanke là nổi tiếng nhất. Chỉ riêng Urasenke đã có tới một triệu hội viên với 40 văn phòng đặt tại 29 quốc gia trên thế giới. Trà đạo Urasenke đã trải qua 15 đời tính từ ông tổ Sen Rikyu. Di sản mà Urasenke để lại rất phong phú bao gồm một ngôi nhà chính với rất nhiều phòng thưởng thức trà luôn mang đậm hơi hướng tinh thần của vị Trà sư danh tiếng. Ngày nay, cùng với Trà đạo, nó trở thành tài sản quốc gia quan trọng của nước Nhật và là niềm tự hào của người dân xứ sở Phù Tang.
Trà đạo với những đặc trưng nghệ thuật
Cội nguồn tinh thần của nghi thức trà đạo
Thật khó có thể nói hết trong một vài câu cái tinh thần nghệ thuật của Trà đạo. Nhưng một điều không thể phủ nhận là ngay từ đầu nghệ thuật này đã thấm nhuần tinh thần của Thiền tông với vai trò của các vị Thiền sư. Họ không chỉ đơn thuần mang về những hạt giống trà mà đã nhân giống lên một loại hình nghệ thuật truyền thống, trải qua bao thăng trầm và biến động của lịch sử vẫn vẹn nguyên một triết lý Thiền hay chính là triết lý nhân sinh cao đẹp. Tất cả những trà sư danh tiếng sau này trước hết đều là những Thiền giả, những người có hiểu biết sâu sắc và tuân thủ một cách tuyệt đối những chuẩn tắc tu luyện Thiền. Có thể xem Thiền là kết tinh của những gì tuyệt diệu nhất hay nói cách khác nó là sự kết hợp tài tình tuyệt vời của tư tưởng ấn Độ và tinh hoa hai nền văn hoá Viễn Đông: Trung Quốc và Nhật Bản. Thiền khởi nguuyên từ Trung Hoa với vai trò của vị sư tổ Bồ Đề Đạt Ma và được truyền vào Nhật Bản từ khoảng thế kỷ thứ 6, nhưng ngày nay thế giới biết đến Thiền như là con đẻ của nền văn minh Phù Tang. Thiền không đưa ta đến một điểm nào cả, không không gian và không thời gian để cho Thiền đi tới. Nó giản dị kéo ta về với chính ta, về với bản tâm thanh tịnh, về với đời sống quanh ta, về với ánh sáng trí huệ. Là một tôn giáo, nhưng Thiền hàm chứa trong mình nhiều cái hấp dẫn và có sức thuyết phục lớn đối với mọi giai tầng trong xã hội. Thiền xem nhẹ tri thức và kinh sách, xem nhẹ những giáo lý sâu sắc một cách phức tạp, mà chỉ chú trọng đến trực giác, đến cách luyện tập giản đơn, đạt ngộ trực tiếp bằng cách tâm truyền tâm, lĩnh hội lập tức mà không cần phải tốn bao thời gian và công sức tu luyện. Thiền cũng có nghĩa là “sự suy tưởng”, nó đòi hỏi người tu luyện theo nó phải luôn tự xem xét bản thân mình, làm chủ bản thân mình và tìm thấy chỗ của mình trong thế giới tinh thần bằng nỗ lực của bản thân, đạt tới sự thống nhất và hài hoà với tự nhiên và vũ trụ. Chính ở đây, Thiền đã hội hợp được với tinh thần bản địa sơ khai của người dân Nhật Bản, yếu tố tôn giáo đã phải lùi xuống hàng thứ yếu, nhường chỗ cho quy tắc về xử thế và phương thức tư duy. Thiền tông, với giáo lý giản dị nhưng ẩn dấu một triết thuyết cao sâu đã thực sự làm nên một tâm hồn người Nhật mẫn cảm, tinh tế, đồng thời thổi vào đó một hơi thở sinh động và bất diệt cho nghệ thuật Nhật Bản. Dưới lăng kính của Thiền, thú uống trà đã được nâng lên trở thành một đạo giáo nghệ thuật, một nghi lễ căn cứ vào sự tôn thời vẻ đẹp thô sơ của cuộc sống thường nhật. “Nó gây cho các tín đồ nguồn cảm hứng về sự thanh khiết, sự nhịp nhàng, sự huyền bí của lòng từ ái tương thân, sự cảm thông chủ nghĩa lãng mạn của trật tự xã hội. Nó chỉ là sự sùng ái cái “chưa viên mãn” bởi nó là một cố gắng để làm tròn cái có thể được, trong cái không thể được, tức là sự đời”.
Không có ở nơi nào trên thế giới mà nỗi buồn và sự mộc mạc lại được coi như là chuẩn mực của cái đẹp và cũng không có ở đâu người ta cử hành một nghi thức trà đạo với cả một sự sùng kính thiêng liêng như đang được hành hương về đất Phật như ở Nhật Bản. Triết lý của trà hay triết lý của Thiền không đơn thuần là sự thẩm mỹ giản dị như ý nghĩa thông thường của nó mà ẩn chứa trong đó một sự sâu sắc thâm trầm nó giúp cho ta được giãi bầy, cùng phụ hoạ với luân lý và tôn giáo cái ý niệm toàn diện của ta về con người và về vạn vật. Phòng trà có thể nói là nơi du khoái giữa sa mạc của kiếp nhân sinh, là nơi mà người ta có thể vất bỏ đi những lo toan bộn bề của đời sống thường nhật hàng ngày để dành chỗ cho sự tôn thờ cái thanh sạch của tâm hồn, cái tinh tế của nghệ thuật. Trà trở thành một tôn giáo trong nghệ thuật sống mà các trà đồ phải tham gia với một sự thành kính thiêng liêng. Trên ý nghĩa đó, trà làm biến đổi tâm tính, làm êm dịu sự cương cứng, làm mềm lòng đi sự nhẫn tâm. Trà xoá bỏ đi mọi khoảng cách mọi giới hạn, trước trà mọi chúng sinh đều bình đẳng như nhau, con người chỉ là một phần nhỏ bé trong cái giao hoà giữa trời đất, thiên nhiên và vạn vật.
Thiên nhiên đã dành cho đảo quốc Nhật Bản những điều nghịch lý. Về mặt địa lý, Nhật Bản nằm ở khu vực yếu nhất của vỏ trái đất nên thường xuyên phải đối mặt với động đất, núi lửa, sóng thần. Thiên nhiên khắc nghiệt không ưu đãi cho Nhật Bản những nguồn tài nguyên khoáng sản vô tận nhưng lại đem đến cho Nhật Bản những cảnh quan tự nhiên kỳ thú thay đổi rõ rệt theo từng mùa. Chính điều này đã một phần tác động và làm hình thành nên sự nhạy cảm đối với cái đẹp trong tâm hồn người Nhật, và được thể hiện ra trong tài hoa nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Có thể nói đó là một khiếu thẩm mỹ đi tìm sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên, yêu chuộng những gì tự nhiên, độc đáo, nhỏ bé và đơn giản, tuân theo những chuẩn mực nghệ thuật như u - đạm - nhã - tịch.., tương phản với những gì là nhân tạo, chú trọng đến bản chất hơn là hình thức bề ngoài. Một trong những tiêu chuẩn về cái đẹp đối với người Nhật Bản đó là Sabi, có nghĩa là sự đồng nhất giữa cái đẹp với sự tự nhiên. Họ có thể để cho bị lôi cuốn bởi màu đen sạm của cây cổ thụ, hay hòn đá phủ rêu phong, họ tìm thấy và quí trọng cái đẹp ở những gì chung quanh con người trong cuộc sống thường ngày, ở mọi vật dụng sinh hoạt, tất cả đều có thể là những tác phẩm nghệ thuật và là sự thể hiện của cái đẹp. Nhưng bí mật của nghệ thuật là ở chỗ nghe được cái không nói ra và chiêm ngưỡng được cái vô hình. Và bí ẩn của vẻ đẹp nghệ thuật trà đạo Nhật Bản cũng như của những nghệ thuật phụ trợ cho nó là ở một thuật ngữ “U huyền” (Ugen) - vẻ đẹp của sự ẩn ý hay vể đẹp của những điều chưa nói hết. Nếu ta đi sâu tìm hiểu về những nghi thức của trà đạo ta sẽ hiểu rõ vẻ đẹp này hơn bao giờ hết.
Nghi thức trà đạo
Về cơ bản, “nghi lễ uống trà là sự nghi thức hoá việc pha trà mời khách uống một loại nước giải khát được pha chế từ bột trà xanh và nước sôi” (2). Song để thực hiện những nghi thức ấy phải tuân theo một cách nghiêm nhặt những qui tắc và chuẩn mực của nó. Không thể gọi là trà đạo nếu bỏ qua việc tuân theo những nguyên tắc ấy cho dù thoạt nhìn có thể cho đó là những qui định nặng nề, quá máy móc và tỉ mỉ đến độ buồn tẻ. Thực ra, cách thức tiến hành trà đạo đã được sáng tạo, củng cố và hoàn thiện qua nhiều thế hệ mới trở thành nghệ thuật như vậy - một thứ nghệ thuật cao quí đòi hỏi những tín đồ tham gia phải có một tầm kiến văn nhất định về rất nhiều lĩnh vực như thi ca, hội hoạ, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật vườn cảnh, tôn giáo triết thuyết và nhất là đạo xử thế cùng lòng hiếu khách...
Thật khó mà trình bày hết trong một lúc những qui định tỉ mỉ và ngặt nghèo như vậy. Nhưng một bữa tiệc trà chuẩn mực phải được diễn ra trong không gian của những khu vườn cảnh mang đậm tinh thần Hoà phong của Nhật Bản. Đó là cái không gian bên ngoài bao quanh trà thất nhưng lại là một không gian không thể thiếu được nếu trà đồ thực sự muốn đắm mình về với thiên nhiên.
Người ta nói rằng vườn Nhật Bản là một loại hình điêu khắc trên mặt đất. Đứng trước các khu vườn Nhật ta có cảm giác rằng khoảng không gian này như vừa muốn kéo ta đến với phong cảnh của nó lại như vừa muốn giữ ta ở một khoảng cách hơi xa. Bố cục gần như hoàn hảo của khu vườn như có sức mạnh làm trong sạch tâm hồn ta, một điều rất quan trọng có ý nghĩa như một lễ tẩy trần trước khi bước vào tham dự những nghi thức thiêng liêng trong trà đạo. Đối với người Nhật Bản có lẽ từ xa xưa họ đã có tham vọng muốn đưa cả thiên nhiên hùng vĩ vào trong nhà của mình, kéo thiên nhiên lại bên mình. Nhưng khác với Trung Hoa và châu Âu, nghệ thuật vườn cảnh Nhật Bản không nhằm biến thiên nhiên thành một cái gì khác, mà chỉ dụng công thu nhỏ thiên nhiên đó, biến nó thành một thiên nhiên sao chụp từ thiên nhiên vay mượn ở bên ngoài. Ngắm nhìn thiên nhiên trong vườn cảnh Nhật Bản như đối diện với một phép ẩn dụ lớn. Có thể nói đó là một sự dụng tâm hết sức sâu sắc, nó khiến cho người ta phải sững sờ, kinh ngạc và thán phục trước sự diệu kỳ của tài hoa và trí tuệ con người. Đá, cát và sỏi là những thành phần không thể thiếu được của khu vườn Nhật Bản - được coi là xương sống của khu vườn. Chúng đem đến cho khu vườn không chỉ cái cảm giác về vẻ đẹp tự nhiên của chúng- một vẻ tự nhiên xã cách và tách biệt- mà còn biểu hiện tính đa chiều về không gian và thời gian trong vũ trụ. Mỗi viên đá rêu phong hình như đều khoác lên mình một lớp trầm tích thời gian của sự suy tưởng. Và tất cả đều được sắp xếp tỉ mỉ, cẩn thận theo một trật tự nhất định, tuân theo những qui tắc chuẩn mực nghiêm nhặt của nghệ thuật làm vườn Nhật Bản và ý đồ nghệ thuật riêng của chủ nhân. Tất cả đều có chỗ của nó và cần phải đặt để các vật sao cho đúng vị trí chúng cần phải có. Và như thế, vườn cảnh Nhật Bản là một không gian nghệ thuật khép kín mà không thể cho thêm bất kỳ một chi tiết thừa, vô nghĩa nào nữa. Cái mà chúng ta chiêm ngưỡng ở đây chỉ là một sự im lặng vô tận nhưng nhiều nghĩa của đá và cát- một sự suy tưởng mênh mông về triết lý của cuộc đời.
Thế nhưng, trong cái không gian vô tận và cách biệt ấy, lạ kỳ thay lại được lựa chọn là nơi diễn ra cái nghi thức làm kết chặt thêm tình hữu nghị thân ái giữa con người và ở đó cũng đã diễn ra sự thông quan giữa con người với trời và đất. Khách mời trước khi tham gia vào bữa tiệc trà đã được mở rộng tầm mắt để chiêm bái khu vườn mà chủ nhân đã dày công sáng tạo nhằm tạo ra một hiệu quả nghệ thuật cao nhất cho sự tẩy uế của tâm hồn. Bởi vì sau những giây phút mệt mỏi của cuộc sống, được đắm mình trở về với cái bản nguyên thanh tịnh của đất trời, được lắng lòng mình vào tạo vật chính là một niềm hạnh phúc và thanh thản vô bờ. Cái vi mô trong vườn gợi lên cái vũ trụ vĩ mô, khu vườn là cái gạch nối giữa thế giới ngoại vật với một thế giới hoàn toàn cách biệt - một miền đất tịnh độ của tâm hồn.
Nép mình ở một góc hoàn toàn khiêm tốn của khu vườn, thảo đường để uống trà bị lá cây che khuất đến một nửa. Có một trụ lăng được xây cất như một toà thuỷ tạ để cho ẩm khách nghỉ chân trước khi được mời vào phòng trà. Có một con đường nhỏ lát sỏi chạy ngoắt nghéo giữa khu vườn là lối đi giữa trụ lăng và trà thất.
Đã bước trên con đường Roji này thì phải vất bỏ mọi vướng bận lại đằng sau, phải để cho ý nghĩ của mình vượt lên mọi tư tưởng thông thường. Hãy tưởng tượng một cuộc dạo chơi trong bóng chiều hôm, trên hình lệch lạc đều đều của những làn sỏi, trên làn sỏi có rải một lượt lá thông nhọn và khô, bước gần với những trụ đèn bằng đá, rêu mờ phủ và mơ hồ trong tiếng nước chảy róc rách như gần như xa, trong cái khung cảnh và không gian vô cùng huyền hoặc ấy, mọi ồn ào của cuộc sống đô thị như biến mất, chỉ còn lại đây một sự đối diện bản tâm thanh tịnh với chính mình. Các trà sư quả thực đã quá lao tâm để có thể tạo ra được những điều diệu kỳ ngay trong cuộc sống thường nhật bộn bề.
Sau khi đã rửa tay và súc miệng, nghĩa là đã thực hiện các nghi thức tẩy uế về hình thức sau khi đã thực hiện sự tẩy uế trong tâm hồn, trà khách được dẫn vào trà thất. Trà thất không khác gì gian nhà giản dị của dân quê - một túp lều tranh như chúng ta thường gọi nhưng đó là cả một công trình nghệ thuật được xây dựng với sự tính toán thẩm mỹ cao, là nơi để thoả mãn cái sở thích phóng túng của chủ nhân, cũng là nơi dành cho sự tôn thờ cái Bất viên mãn. Không gian trong trà thất dường như có mà lại dường như không những khoảng trống dư thừa nhưng mọi sự tồn tại nơi đây đều không có gì là vô nghĩa cả. Trà khách cứ ngỡ rằng mình có thể thêm vào đó một sự trang hoàng nào đấy nhằm xoá bớt đi cái giản dị, tĩnh mặc của phòng trà nhưng rồi sau đó lại ngỡ ngàng nhận ra mọi sự thêm vào đều chỉ là lố bịch mà thôi. Tất cả đều đã được chủ nhân cân nhắc kỹ lưỡng và người ta chỉ có thể lặng đi mà chiêm ngưỡng hoặc là thốt lên những lời thán phục mà thôi.
Chính giữa phòng trà, ở vị trí trang trọng nhất thường được dành cho một bình hoa được cắm theo phong cách nghệ thuật Nhật Bản nhằm làm nổi bật chủ đề hoặc ý tưởng của chủ nhân vềmột triết lý nhân sinh nào đấy. Đó có thể là một cành gai góc, một nhánh cỏ hay một đoá hoa dại nhưng tuyệt đối không bao giờ là sự kết hợp của những màu sắc sặc sỡ dù cho chúng có hài hoà với nhau đến đâu đi nữa. Tất cả phải được nhấn mạnh trong tính kỷ luật giản dị của Thiền tông với một sự suy tưởng trầm mặc lớn. Đối với hoa các trà sư có một lòng sủng ái có tính chất tôn giáo khá thành kính. Không bao giờ ngẫu nhiên họ hái hoa, trái lại họ lựa chọn kỹ từng cành lớn hoặc nhỏ mà không quên lối bố cục mỹ thuật nghĩ sắn trong trí. Hoa được để trên sàng gian (tokonoma) như một ông hoàng trên ngai và các tân khách và môn đồ khi nhập phòng phải cúi chào hoa rất thấp và kính cẩn trước khi có lời chúc tụng chủ nhân. Bên cạnh bình hoa, trên vách gỗ thường treo một bức tranh thuỷ mặc hay một bức thư pháp với những đường nét góc cạnh sắc sảo, xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật thực sự có khả năng gây ra sự sững sờ thán phục trong trà khách. Vẻ giản dị, sự thanh tú và tính đối xứng của phòng trà chính là kết quả của lòng cảm khích các tịnh xá Thiền gây nên. Đó là một nơi để chiêm bái và thăm hưởng một thứ lạc thú thanh cao - trà đạo.
Trà khách phải bước vào trà thất với một tấm lòng an tịnh và trân trọng sâu sắc đối với chủ nhân và sau khi cúi chào bức hoạ phẩm và hoa kết bầy sẵn, họ trật tự ngồi vào chỗ được qui định cho mình. Gian phòng nhỏ chỉ vừa đủ bốn chiếc chiếu rưỡi nên bất kỳ một âm thanh pha tạp nào cũng có thể nổi lên như một sự khiếm nhã cao. Chủ nhân, với trang phục của trà sư chỉ vào phòng sau khi tất cả khách mời đã an toạ và cũng im lặng cúi đầu chào khách và sau đó tiếp tục trang nghiêm cử hành nghi lễ pha trà mời khách của mình. Tất cả diễn ra trong một sự im lặng tuyệt đối chỉ trừ tiếng nhạc đang reo vui trong ấm sắt. ấm đun quả thực ca lên vì chủ nhân đã chú ý đặt ở trong đấy những miếng sắt để gây nên một nhạc điệu đặc biệt. Có nhà nghệ sĩ đã nói rằng qua bản nhạc ấy có thể hình dung ra những âm vang dịu nhẹ như mây bay, như tiếng thác nước hoặc biển xa xô vào đá, hoặc tiếng một cơn mưa quét một rừng tre, hoặc tiếng than trên đồi thông xa xôi.
Hiệu ứng với vẻ giản mặc của căn phòng, ngay cả ánh sáng cũng được làm cho dịu bớt sao cho toàn cảnh đều ngập chìm trong một sự hài hoà tuyệt đối. Sắc nước của thời gian lên đều ở trên mọi vật, từ chiếc bình pha trà, ấm đun, bát uống cho đến hộp đựng trà, thìa xúc trà.., chỉ trừ chiếc thìa bằng tre dài để múc nước trong ấm và chiếc khăn bông dành lau miệng bát phải mới và trắng tinh. Và như thế, ngay cả trong sự sạch sẽ và thanh khiết cũng đã ẩn chứa một triết lý nghệ thuật cao đẹp và thâm sâu.
Đồ uống trà, dụng cụ pha trà cũng hàm chứa những nguyên tắc chuẩn mực trong nó, kích cỡ bao nhiêu, số lượng thế nào... Một bộ đồ trà quí phải là một bộ đồ trà đã lên nước màu thời gian, đã mang trong mình những biến thiên của lịch sử và trên ý nghĩa đó mỗi một dụng cụ đều có thể viết nên một câu chuyện về bản thân mình.
Và một điều quan trọng không thể không lưu tâm, trong phòng trà vật liệu phụ hoạ vào việc bài trí căn phòng phải được lựa chọn cách nào sao cho không một màu sắc, không một nét vẽ nào được nhắc lại cả. Nếu bạn đặt vào góc tokonoma một bông hoa thực thì mọi bức hoạ có hoa vì thế phải bị cấm hẳn, còn nếu như bạn dùng một chiếc ấm đựng tròn thì bình đựng nước phải có góc cạnh, chiếc chén men đen không bao giờ được đặt bên hộp trà sơn đen, nếu đặt một bình hoa lên Tokonoma thì phải chú ý chớ đặt vào giữa nếu không sẽ chia khoảng đó ra hai phần đều nhau... Thoạt nhìn đó như một sự bất cân xứng một cách sâu sắc nhưng tất cả lại hài hoà và đạt hiệu quả nghệ thuật đến không ngờ.
Vậy cuối cùng nguyên tắc chuẩn mực của trà đạo là gì? Chính Sen Rikyu đã khơi nguồn và đúc kết nên lý luận về trà đạo, tóm gọn trong 4 chữ: Hoà, Kính, Thanh, Tịch. Hoà là sự hoà hợp giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên, giữa các dụng cụ dùng trong pha trà với cách sử dụng các dụng cụ đó. Kính là tỏ lòng kính trọng đối với sự vật, cảm tạ trước sự tồn tại của sự vật với tất cả những vẻ đẹp nguyên sơ hoặc thuần khiết của nó để cho con người sáng tạo và chiêm bái. Thanh là biểu tượng cho sự thanh khiết về vật chất cũng như tinh thần. Còn Tịch là sự bằng an yên tĩnh trong tâm hồn, có được là do sự thực hiện đầy đủ ba nguyên lý trên.
Nghi thức trà đạo đã được giữ gìn và phát triển công phu như thế qua hàng trăm năm để ngày nay vẫn là một di sản tinh thần và là niềm tự hào của người dân xứ hoa Anh đào.
Trà đạo trong đời sống hiện đại Nhật Bản
Từ khi được truyền vào năm 801, thú uống trà ở Nhật Bản đã phát triển qua các thời kỳ khác nhau với một lịch sử vô cùng phong phú để cuối cùng trở thành một tôn giáo của đời sống. Có thể nói tất cả cư dân Nhật Bản đều là tín đồ tự nguyện và trung thành của “tôn giáo” này, chỉ có điều phân ra các đẳng cấp, các chức vị cao thấp khác nhau tuỳ thuộc theo mức độ hiểu biết, trình độ tu tập và lòng say mê mà thôi. Đối với người dân, từ lâu trà vẫn được coi là một thứ thức uống vô cùng thiết yếu đối với cuộc sống hàng ngày, ngay cả khi có sự xuất hiện của những thức uống mới lạ, đầy kích thích như cà fê, bia, coca... Trong một ý nghĩa rộng lớn, trà có thể được coi là biểu tượng cho cả ba khía cạnh trong cách nghĩ và cách sống của người Nhật Bản, đó là giải trí, chữa bệnh và thắt chặt tình đoàn kết. Trong nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, thì việc tổ chức một buổi tiệc trà qui mô theo đúng nghi thức của nó đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều thời gian cũng như một sự chuẩn bị tinh thần nghiêm túc, vì thế người ta đã giản ước nó đi mà vẫn không làm mất đi hương vị đậm đà và ý nghĩa nhân sinh cũng như niềm khoái lạc ẩn hiện trong từng chén trà. Thưởng thức trà ở mọi nơi mọi lúc đã trở nên thói quen không gì thay thế được của người dân Nhật Bản: trong công sở, trong bữa ăn, ngoài đường phố hay ở trên xe điện ngầm, tất cả đều có một hương vị thích thú riêng. Cũng giống như vậy, người ta cảm thấy có nghĩa vụ phải mời bất cứ một vị khách nào đến nhà một cốc nước trà thay cho sự biểu hiện của lòng hiếu khách. Một cốc nước trà nóng có thể mang lại cho người ta sự sảng khoái về tinh thần và tâm lý. Hơn thế nữa, khi một người nào đó đang đau khổ, gia đình hoặc bạn bè của họ thường khuyên họ hãy dùng một cốc trà nóng, coi đó như là phương thuốc diệu kỳ xoa dịu đi nỗi đau tinh thần. Và như thế, trong trường hợp này, người Nhật Bản dường như đã đặt hết niềm tin của mình vào sức mạnh dịu dàng của cốc trà xanh, thứ thức uống đã được tiếp sức qua thời gian của một truyền thống tinh thần trường tồn qua bao thế hệ.
Đấy là một hình thức biến thái đơn giản nhất của nghệ thuật trà đạo. Thế còn bản thân trà đạo thì sao, trong đời sống hiện đại có còn giữ được vẹn nguyên cái tinh thần và cái triết lý nhân sinh sâu thẳm như thuở ban đầu? Thực tế đã chứng minh môn nghệ thuật đặc sắc này đã có một sức sống tiềm tàng mạnh mẽ đến như thế nào? Trong nhịp sống xô bồ, những tín đồ của trà đạo càng được chọn lựa kỹ càng hơn bao giờ hết.
Nghi thức trà đạo chỉ có thể được tiến hành trong những dịp lễ trang trọng hoặc vì một mục đích hữu hảo cao đẹp nào đấy nhằm quảng bá cho thế giới biết về nghệ thuật truyền thống Nhật Bản và thông qua đó nhằm thể hiện mong muốn thắt chặt thêm tình đoàn kết hoặc là một ước vọng được quay trở về hoà hợp với thiên nhiên. Những nghi thức này vẫn được tiến hành nghiêm túc theo những qui trình và chuẩn mực đầy đủ được xây dựng từ mấy trăm năm qua nhưng để có một không gian nghệ thuật thực sự mà ở nơi đấy con người có thể chìm đắm hết mình giữa thiên nhiên tạo vật, không vướng bận một chút ưu phiền thì chỉ có cách phải đến với những trà đường của các trường phái trà danh tiếng. Ngày nay, trong xu thế của nền kinh tế thị trường, nó không tránh khỏi khuynh hướng trở thành một thú chơi tuy cao nhã nhưng cũng lại vô cùng tốn kém và xa xỉ mà những người bình dân khó mà có cơ hội thưởng thức, trừ phi anh là một người có tầm kiến văn quảng bác về trà đạo khiến cho các trà sư hiện đại phải nghiêng mình thán phục.
Mặc dù vậy, trà đạo vẫn tồn tại và phổ biến hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử phát triển của mình. Nghi thức trà đạo được nhiều người theo học hơn bao giờ hết, đặc biệt với nữ giới, học và biết về trà đạo như là một tiêu chuẩn đối với các cô gái nhật đến tuổi cập kê. Bằng cách đó, trà đạo càng được quảng bá và phổ biến sâu rộng trong đời sống nhân dân, đồng thời từ đó lan toả ra các khu vực khác nhau trên thế giới đem đến cho các nước bạn một tinh thần Phù Tang độc đáo và một ấn tượng sâu sắc về lối ứng xử nhã nhặn, lịch sự và lòng hiếu khách của người dân xứ hoa anh đào. Một chén trà đã mang tải trong mình biết bao nhiêu sức mạnh mà mọi ngôn từ đều trở nên thừa thãi, không thể phủ nhận rằng trà đạo đã đem mọi người xích lại gần nhau hơn.
Tóm lại mặc dù được khởi phát từ Trung Hoa lục địa nhưng cuối cùng Trà đạo đã được biết đên như là con đẻ của nền văn minh Phù Tang. Người Nhật Bản với óc thẩm mỹ tinh tế, với tài hoa nghệ thuật và một tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết đã kết tinh nên một bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo mà cái “Thể” là của Trung Hoa nhưng “Dụng” thì đã mang đậm tinh thần và tính cách Nhật Bản.
Kết luận
Hình ảnh Nhật Bản ngày nay hiện lên trong suy nghĩ của cộng đồng quốc tế là một dân tộc với óc sáng tạo và thẩm mỹ cao, tinh thần tập thể và kỷ luật làm việc nghiêm túc. Hơn tất cả, Nhật Bản đã để lại một bài học thành công trong việc giải quyết mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại cho các nước phương Đông hiện nay trên con đường hội nhập quốc tế: một xã hội công nghiệp hiện đại mang dáng vóc của phương Tây nhưng lại ẩn chứa ở bên trong một tâm hồn phương Đông thuần tuý. Và trà đạo chính là viên ngọc đẹp nhất, sáng nhất trong kho tàng văn hoá truyền thống của dân tộc Nhật. Trải qua thời gian, viên ngọc ấy sẽ còn toả ánh sáng lung linh và sức quyến rũ của mình đến mọi thế hệ tương lai.
Tài liệu tham khảo
1. Tìm hiểu NB, từ vựng, phong tục và quan niệm, NXB KHXH HN, 1991.
2. Hoài Đức, Vườn Nhật, NXB Trẻ, Hà Nội, 1996.
3. Hoàng Minh Lợi, Trà đạo Nhật Bản, tạp chí Nghiên cứu NB số 2, 1995.
4. Okakura Kakuzo, Chén trà Nhật Bản, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1989.
ThS. Phạm Thị Hoàng Điệp
Theo http://thuonggiathitruong.vn/


1 nhận xét:

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...