Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Một người thầy tâm huyết chắp cánh những tài năng

Một người thầy tâm huyết chắp cánh những tài năng

Kỷ niệm 10 năm ngày mất của GS-NSƯT 
Nguyễn Bích Ngọc
Thấm thoát đã 10 năm trôi đi. Trong 10 năm ấy, chắc không chỉ riêng tôi, mà biết bao người thân của Anh (GS. Bích Ngọc) những người bạn, học trò luôn gần gũi với Anh nhớ về Anh với bao nhiêu kỷ niệm đẹp khó quên.
BƯỚC VÀO NGHỀ…
Năm 1954, mới 14 tuổi, Anh cùng gia đình tập kết ra Bắc. Rồi người ta thấy chàng thanh niên gầy, cao, xuất hiện trong đoàn Văn Công Liên Khu V lúc đó đóng tại một phố nhỏ ở Hà Nội, đó là Nguyễn Bích Ngọc. Anh được tuyển vào Đoàn làm diễn viên múa.
Trong khoảng thời gian 1955, 1956 có Đoàn Ca Múa Trung Quốc lần đầu tiên sang Hà Nội biểu diễn, những người yêu thích Ca Múa Nhạc không thể nào quên được tiếng sáo trúc tuyệt vời của Nghệ sĩ Phùng Tử Tồn, và điệu múa Hái chè bắt bướm…Đây là điệu múa gồm 4 cô gái và con bướm là một chàng trai. Bích Ngọc trở thành một trong vài con bướm đầu tiên ấy của nghệ thuật biểu diễn múa Việt Nam sau khi được các bạn Trung Quốc truyền dạy để biểu diễn cho công chúng Việt Nam sau này.
Trong tâm hồn của một diễn viên múa luôn ẩn chứa một tình yêu âm nhạc nhưng ở Bích Ngọc, tình yêu đó đã trỗi dậy mãnh liệt hơn bao bạn bè khác của Anh.
Hàng ngày, Đoàn phải luyện tập chuyên môn, mà múa bao giờ cũng phải có nhạc đệm cùng tập với nhau. Cứ đến giờ giải lao “con bướm” Bích Ngọc lại đến với cây đàn violon của một nhạc công trong phòng tập để rồi bắt chước đưa lên vai kéo “cò cử”.
Nhiều lần như vậy, Bích Ngọc đã làm cho ông trưởng đoàn theo dõi và để ý đến một hiện tượng đặc biệt này. Anh đã kiên trì nài nỉ ông trưởng đoàn cho được học thêm đàn violon và hứa vẫn bảo đảm các vai diễn múa của mình.
Và từ đó, nghệ sĩ violon Ngụy Zoách đã trở thành người thầy đầu tiên của Bích Ngọc với những bài tập kỹ thuật cơ bản và một vài tiểu phẩm cho đàn violon để đầu năm 1958 Anh bước vào trường Âm Nhạc Việt Nam.
Cũng năm đó, có chuyên gia violon đầu tiên của Liên Xô sang dạy ở trường. Anh đã được nhận vào lớp của chuyên gia Khốt-Gia-Ep. Tôi còn nhớ mãi, vào năm đó, hàng ngày có một chàng trai đội mũ lá, đi dép cao su đạp xe đạp từ nhà anh cả là nhà văn Nguyễn Thành Long, ở số 9 phố Dã Tượng, Hà Nội đi đến trường số 32 Nguyễn Thái Học để học.
Tình yêu đặc biệt với cây đàn cộng với đức tính hết sức cần cù, nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, lại gặp được người thầy, chuyên gia rất tài năng đào tạo nên sang niên học 1959, Bích Ngọc đã được chuyên gia, nhà trường đề nghị và đã được Bộ Văn hóa chấp thuận cử đi Liên Xô học từ năm 1960, tại nhạc viện nổi tiếng thế giới P.T.Tchaikovsky (Moskva).
Tại nhạc viện này, Anh đã học tổng cộng thời gian là 9 năm với một nữ giáo sư nổi tiếng cả về sư phạm và biểu diễn là bà Olga Kurylenko. Bích Ngọc đã tốt nghiệp xuất sắc bậc đại học (1966) và nghiên cứu sinh (1970).
HOÀI BÃO CỦA NHÀ SƯ PHẠM - THÀNH CÔNG VÀ VINH QUANG
Vào năm 1960, cùng với Bích Ngọc còn có tôi, nhạc sĩ Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn cùng lên đường bước chân vào Nhạc Viện P.T.Tchaikovsky (Moskva). Bích Ngọc cũng là một trường hợp đặc biệt, bởi Anh học đàn khi tuổi 15-16, như thế là rất muộn, mà không qua các bậc học sơ cấp, trung cấp chính quy.
Anh là một tấm gương sáng về sự nghiệp đào tạo, về đức tính lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc.
Khi bước chân vào Nhạc Viện, cả hai chúng tôi chỉ có một chút ít “vốn liếng” rất khiêm tốn: Anh thì thi vào bằng bản Concerto của E.Lalo, tôi thì Concerto của Saint-seans. Chúng tôi đã cùng nhau học và luyện tập như điên trong những năm đầu đại học.
Thực hiện câu nói “cần cù bù thông minh”, tức là phải bù đắp cho những thiếu hụt rất lớn về những kỹ thuật cơ bản và khối lượng các tác phẩm để mong theo kịp trình độ của các bạn học.
Bích Ngọc đã tốt nghiệp Nhạc Viện (1966), trở về nước và trở thành giảng viên của Nhạc Viện Hà Nội đúng vào thời điểm của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước diễn ra rất ác liệt. Dạy học trong điều kiện cả trường sơ tán về nông thôn vùng Hà Bắc.
Những học trò đầu tiên của Anh nay đã trở thành những tên tuổi lớn trong “làng Violon” của Việt Nam như: GS.NSƯT Ngô Văn Thành, hiện là Giám đốc Học viện Âm Nhạc Quốc gia Việt Nam; GS.TS Violon kiêm nhà chỉ huy dàn nhạc thính phòng Bùi Công Thành, hiện là Phó Giám đốc Nhạc viện Quốc gia Magnitogorsk; NSƯT Nguyễn Châu Sơn, hiện là chủ nhiệm Khoa Đàn dây Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam; nghệ sĩ - giảng viên tài năng Nguyễn Khắc Hoan; Trần Mạnh Hùng; Ngô Hoàng Linh và nhiều nghệ sĩ khác đang là diễn viên chủ chốt tại các dàn nhạc QG Việt Nam…
Năm 1980, Anh được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư và Giáo sư (1992), danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1993).
Năm 1990, Anh cùng gia đình chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh và trở thành giáo sư đầu ngành violon, Phó GĐ Nhạc viện TP.HCM (năm 1995).
Tại Nhạc viện, GS. Bích Ngọc đã đào tạo được khá nhiều học sinh, sinh viên, trong đó phải kể đến các tài năng trẻ tên tuổi như: Nghệ sĩ độc tấu Nguyễn Khôi Nguyên, Nguyễn Khôi Nam, Tăng Thành Nam, Lê Minh Hiền và Bùi Công Duy…
Rất nhiều bạn bè đồng nghiệp và các học trò của Anh luôn nghĩ về Anh, trân trọng và yêu quý Anh, một nhà giáo tận tụy đã giành hết tình cảm, khả năng và trách nhiệm chăm lo cho sự nghiệp đào tạo thế hệ các nhà giáo, nghệ sĩ trẻ cho tương lai của đất nước. Anh đã để lại một thành quả rất lớn cho đời, cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn đàn Violon của Việt Nam chúng ta.
Anh ra đi đã để lại người vợ hết mực thủy chung, Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang, luôn luôn và mãi mãi là niềm tự hào của Anh. Con gái duy nhất của đôi vợ chồng Bích Ngọc - Trà Giang, nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà, đã được cha mẹ nâng niu, chăm sóc ngay từ những bước đi ban đầu vào nghề âm nhạc, đến nay đã trở thành một nghệ sĩ độc tấu piano có tên tuổi với nhiều chương trình biểu diễn mang tầm quốc tế tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Giáo sư Nguyễn Bích Ngọc đã sống một cuộc đời thật giản dị, chân thành và nhiệt tình với bạn bè đồng nghiệp. Với các thế hệ học trò của Anh, thật hạnh phúc được học một người thầy đầy tâm huyết, hết lòng vì học sinh thương yêu, một nhà sư phạm mẫu mực rất đáng được kính trọng và tôn vinh.
Giáo sư Nguyễn Bích Ngọc đã ra đi 10 năm, song chúng tôi lúc nào cũng cảm thấy sống gần bên Anh, trò chuyện cùng Anh để mãi mãi nhớ thương và biết ơn Anh.
Hà Nội, ngày 1/8/2009
GS-NSND BÙI GIA TƯỜNG
Theo http://honvietquochoc.com.vn

1 nhận xét:

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...