Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Thơ du ký của Phan Thúc Trực

Thơ du ký của Phan Thúc Trực
1. Trong truyện ngắn Tướng về hưu của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một đoạn ngắn gọn: “Đường về, vợ tôi bảo xe đi chậm. Ông Bổng lần đầu mới được đi xa thích lắm. Ông bảo: “Nước mình thật đẹp như tranh. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao phải yêu đất nước. Chứ ở quê ta, dù ngay Hà Nội có văn minh thật, tôi chẳng thấy yêu gì cả”. Vợ tôi bảo: “Tại chú quen đấy. Ở nơi khác người ta cũng thế, họ lại thấy yêu Hà Nội”. Ông Bổng bảo: “Thế là nơi này yêu nơi kia. Tất cả đều đất nước mình, nhân dân mình cả. Vậy thì đất nước muôn năm, nhân dân muôn năm! Hoan hô đèn cù”... Như thế là nhu cầu hiểu biết, khám phá, đổi thay không khí, nhu cầu xê dịch Đi và Xem chính là tâm trạng “nơi này yêu nơi kia” - cơ sở cội nguồn của những chuyến viễn du và hình thành nên những trang du ký.
Một cách khái quát, các nhà lí luận xác định: “DU KÝ- Một thể loại văn học thuộc loại hình ký mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân người đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hay những nơi ít người có dịp đi đến. Hình thức của du ký rất đa dạng, có thể là ghi chép, ký sự, nhật ký, thư tín, hồi tưởng, miễn là mang lại những thông tin, tri thức và cảm xúc mới lạ về phong cảnh, phong tục, dân tình của xứ sở ít người biết đến [...]. Dạng đặc biệt của du ký phát huy cái chất ghi chép về miền xa lạ của nó là du ký về các xứ sở tưởng tượng, có tính chất không tưởng hay viễn tưởng khoa học [...]. Dạng du ký khác đậm đà phong vị phương Đông là ghi chép cảm tưởng, nhận xét về những nơi danh lam thắng cảnh đất nước [...]. Thể loại du ký có vai trò quan trọng đối với văn học thế kỷ XVIII- XIX trong việc mở rộng tầm nhìn và tưởng tượng của nhà văn. Sang thế kỷ XX, du ký mang nhiều tính chất tư liệu khoa học do các nhà địa chất, nhà dân tộc học viết. Loại du ký khoa học cũng rất thịnh hành”(1). Định nghĩa trên đây đã khái quát được những đặc điểm cơ bản nhất của du ký - mà chúng tôi duy danh là thể tài du ký. Tuy nhiên, thể tài du ký là một bộ phận văn học còn chưa được chú ý đúng mức. Khi nói đến “thể tài du ký” cần được hiểu nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết, chứ không phải ở phía thể loại. Thu hút vào địa hạt du ký có các sáng tác bằng thơ, phú, tụng và các bài văn xuôi theo phong cách ký, ký sự, phóng sự, ghi chép, khảo cứu, hồi ức về các chuyến đi, các điểm du lịch, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, sinh thái, kiến trúc, mỹ thuật; thậm chí có thể liên quan tới nhiều phương diện của xã hội học, văn hoá học, khảo cổ học, dân tộc học và văn hoá- văn nghệ dân gian khác nữa… Do đó đã xuất hiện thực tế có tác phẩm nằm ở trung tâm thể tài du ký và nhiều trang viết khác lại nằm ở đường biên hoặc hỗn hợp, pha tạp với những sắc độ đậm nhạt khác nhau, cả về đối tượng, phạm vi đề tài, nội dung hiện thực lẫn phong cách thể loại.
Trong nền văn học trung đại Việt Nam đã có nhiều sáng tác thuộc thể tài du ký như thơ ca đề vịnh phong cảnh Thăng Long, núi Bài Thơ, Yên Tử, Hoa Lư, sông Hương núi Ngự, Gia Định, Hà Tiên... Qua mười thế kỷ đã xuất hiện nhiều tác gia, tác phẩm nổi bật như Vịnh Vân Yên tự phú của Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334); Bài ký tháp Linh Tế núi Dục Thuý của Trương Hán Siêu (?- 1354); Tịnh cư ninh thể phú và Đại Đồng phong cảnh phú của Nguyễn Hàng (Thế kỷXV-XVI); Hà Tiên thập vịnh của Mạc Thiên Tích (1706-1780) và nhiều tác giả khác; Nam trình liên thi tập của Ngô Thì Ức (1709-1736); Phụng sứ Yên Đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh (1713-1789); Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác (1720-1791); Nhị Thanh động phú, Tây Hồ phong cảnh phú của Ngô Thì Sĩ (1726-1780); Tụng Tây Hồ phú, Ngự đạo hành cung nhật trình của Nguyễn Huy Lượng (1750-1808); Bài ký chơi núi Phật Tích của Nguyễn Án (1770-1815); Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ (1821-1882); Hương Sơn hành trình của Chu Mạnh Trinh (1862-1905), v.v... Xin nhấn mạnh thêm, riêng với các tác phẩm thi ca có sự giao thoa với lối thơ đề vịnh, đan xen giữa cảm hứng du ngoạn với lối thơ vịnh sử, vịnh cảnh, vinh vật và xướng họa về những cảnh vật đó.
2. Trước hết, các tác phẩm thơ du ký của Phan Thúc Trực (1808-1852) cần được đặt trong tổng thành 375 bài hiện còn và đã được PGS. TS. Nguyễn Thị Oanh tuyển dịch, công bố 160 bài (2). Có thể thấy ngay nhan đề các tập (phần, mục?) Hiệu tần thi tập (tập thơ sáng tác khi còn ở quê nhà, khoảng trước năm Tân Sửu (1841), khi chưa thi đỗ), Bắc hành thi thảo (sáng tác nhân chuyến ra Bắc năm Quý Mão (1843), có 20 bài), Nam hành thi thảo (sáng tác trên đường vào kinh đô Huế cuối năm Ất Tị (1845), có 24 bài) của Phan Thúc Trực cũng đều in đậm sắc thái cảm hứng du ký, liên quan đến các vùng đất và các chuyến đi…Qua Cẩm Đình thi tuyển tập có thể thấy, từ quê sinh Vân Tụ (Yên Thành – Nghệ An), Phan Thúc Trực đã từng ngược ra Bắc đến với thành nhà Hồ, miếu Ông Trần, núi Diệu Sơn, động Hồ Công, Long Quang, đường Nông Cống, đền Sòng – Sùng Sơn (Thanh Hóa), núi Dục Thúy (Ninh Bình), chùa Bạch Mã, quán Trấn Vũ, Hồ Tây, phố Tràng Tiền, Quốc Tử Giám, sông Hồng (Hà Nội), Tiên Du, Thuận An, lăng Sĩ Vương (Bắc Ninh), Nam Sách, Tứ Kỳ, Khinh Dao, Ngọc Lặc, Kinh Môn, Giáp Sơn, chùa Quang Khánh (Hải Dương), chùa Thái Bình, núi Bằng Sơn, Độc Sơn, Đồ Sơn (Hải Phòng); núi Thứu, chùa Quỳnh Lâm, Lôi Âm, Yên Tử, Yên Hưng, Bạch Đằng, Đông Triều, Tiên Minh (Quảng Ninh)…; xuôi vào Nam qua thành Lục Niên, núi Di Lặc, Quỳnh Đôi, Diễn Thủy, Diễn Châu, sông Lam, Lãng Điền, Cơ Sơn, Việt Yên Thượng, Thái Xá, Nho Lâm, Đông Thành (Nghệ An), núi Hồng Lĩnh, Hương Sơn, Thành Hạc, Nguyệt Viên (Hà Tĩnh), Hoành Sơn, Động Hải, Tân Phong, Quảng Xá (Quảng Bình), cửa biển Tam Giang, trường thi Thừa Thiên, nhà Quốc học – Quốc Tử Giám, thành Huế (Thừa thiên - Huế)… Liên quan trực diện đến nguồn cảm hứng và nội dung thể tài du ký, Phan Thúc Trực nhấn mạnh ngay từ nhan đề bài thơ với các câu chữ như “du sơn” (chơi núi), “đăng sơn” (lên núi), “quan hải” (ngắm biển), “hiểu đăng” (buổi sớm lên), “đồng du” (cùng lên), “hạ nhật du” (ngày hè đi chơi), “phỏng sơn phòng” (thăm sơn phòng), v.v… Xét ở trung tâm chủ điểm du ký, có thể thấy Phan Thúc Trực thường có những bài thơ viết về các cuộc đi chơi, thăm thú núi non, sông hồ, thăm các điểm di tích lịch sử, đền đài, chùa miếu và nơi danh lam thắng cảnh.
Như đã nêu trên, Phan Thúc Trực gắn bó với quê hương mình và có nhiều bài thơ nhắc nhớ đến các địa danh như thành Lục Niên, núi Di Lặc, Quỳnh Đôi, Diễn Thủy, Diễn Châu, sông Lam, Lãng Điền, Cơ Sơn, Việt Yên Thượng, Thái Xá, Nho Lâm, Đông Thành…Ở đây xin dẫn bài thơ Vãn vọng (Ngắm buổi chiều) được Phan Thúc Trực ghi chú “Tứ nguyệt sơ tam nhật” (Ngày 3 tháng 4), khoảng từ năm Tân Sửu (1841) về trước:
                        Hạ sơ khí hậu dị xuân ôn,
                        Hữu khách thừa lương vãn ỷ môn.
                        Hồng nhật dư quan đê viễn chướng,
                        Xích hà tán ảnh xạ thiên thôn.
                        Thử hồi vọng nhãn phiên thành tưởng,
                        Kỷ hứa sầu trường tại bất ngôn.
                        Độc thị ưu du quan vật tính,
                        Thiên biên sổ điểu chính phi phiên.
(Đầu hè khí hậu khác hẳn với mùa xuân ấm áp,
            Có người khách chiều tà tựa cửa hóng mát.
            Ánh mặt trời còn sót lại chiếu lên rặng núi xa xa,
            Ráng chiều đỏ tản bóng chiếu xuống ngàn làng.
            Lúc này xa ngắm lại thấy thương nhớ,
            Bao nỗi đau lòng chẳng nói nên lời.
            Riêng chỉ muốn du chơi ngắm nhìn muôn vật,
            Bên trời vài cánh chim bay lượn)
    Rõ ràng ngay khi còn ở giữa nơi quê hương mình, Phan Thúc Trực đã bộc lộ sở thích được làm khách lãng du, bâng khuâng với bóng chiều, rặng núi xa và khẳng định ý nguyện: Độc thị ưu du quan vật tính (Riêng chỉ muốn du chơi ngắm nhìn muôn vật). Câu kết của bài thơ: Thiên biên sổ điểu chính phi phiên (Bên trời vài cánh chim bay lượn) cũng chính là nỗi ám ảnh về biểu tượng cánh chim tự do, ước vọng bay cao, bay xa đến mọi phương trời.Phan Thúc Trực hết lời ngợi ca vẻ đẹp núi Dục Thúy với “cảnh tuyệt kỳ”, “chốn thanh u”, “hùng tráng” và hào hứng cảm nhận con thuyền lướt sóng như là “chiếc thuyền tiên”.
Khi đến núi Dục Thúy (thường gọi Non Nước) thuộc Ninh Bình, Phan Thúc Trực có bài thơ Vọng Dục Thúy sơn tự ngẫu đề (Ngắm chùa trên núi Dục Thúy ngẫu hứng đề thơ):
Càn khôn kỳ tạo thiết,
Sơn thủy biệt thanh u.
Hiểm địa thiên niên tráng,
Cao thành tứ vọng thu.
Bàng nham tàng Phật tự,
Thừa lãng phiếm tiên chu.
Kim cổ đăng lâm kỉ,
Dư hành vi nhất du.
(Trời đất dựng lên cảnh tuyệt kỳ,
Núi sông riêng một chốn thanh u.
Nơi đất hiểm ngàn năm còn hùng tráng,
Lên thành cao xa ngắm thu lại cả bốn bề.
Vách đá ẩn mình một ngôi chùa Phật,
Cưỡi sóng lướt trên chiếc thuyền tiên.
Xưa nay bao người về thăm nơi này,
Riêng tôi lần này mới đi lần đầu)
    Ông bộc lộ đúng tâm trạng của mình, ghi nhận xưa nay đã có bao lớp người qua nơi đây nhưng bản thân mình mới được đến lần đầu. Câu kết của bài thơ mang nghĩa kép, vừa biểu cảm nỗi hứng khởi vì lần đầu mới được qua thăm và cũng là niềm tự hào bởi từ nay mình đã được ghi danh vào số những người từng “Kim cổ đăng lâm” với núi Dục Thúy.
    Cũng như bao người khác, Phan Thúc Trực là bậc khoa bảng, một quan chức – thi nhân. Trên đường công vụ qua Hoành Sơn - Đèo Ngang, hồn thơ của người du khách ấy đã hòa nhập trong tiếng sóng biển:
Hành đáo Hoành Sơn bắc,
Nhân quan đại hải Đông.
Phàm lai vi vũ ngoạn,
Lâu khởi bích ba trung.
Tín hữu thừa phong chí,
Hà nan phá lãng công,
Tầm thường đồ trắc lãi,
Nhất vọng tư hà cùng.
(Khách trình quan hải)
(Đi tới phía bắc Hoành Sơn,
Nhân được ngắm nhìn biển Đông lớn.
Cánh buồm đi lại bên ngoài làn mưa lất phất,
Lầu gác nổi lên giữa lớp sóng xanh.
Nếu thật có chí “cưỡi sóng”,
Sao khó có công trong việc “phá sóng”.
Chỉ là anh học trò tầm thường suy nghĩ hạn hẹp,
Ngắm nhìn xa tít, ý tứ khôn cùng)
(Trên đường ngắm biển)
  Với trí tưởng tượng phong phú, Phan Thúc Trực thấy những cánh buồm trong mưa tựa như những lầu gác nổi lên giữa muôn trùng sóng xanh và xa gần suy tưởng về số phận con người giữa mênh mang thế giới tự nhiên. Con người có thể có chí “cưỡi sóng” (kiểu như Dã Tràng xe cát lấp biển đông hay Ngu Công dời núi) nhưng chưa thấy ai làm được việc “phá sóng” bao giờ. Trước không gian biển vô cùng vô tận, Phan Thúc Trực thấy mình thật nhỏ bé, lại chỉ là anh học trò suy nghĩ hạn hẹp. Phải đến bây giờ ông mới có dịp so sánh và đối sánh những suy nghĩ của mình với mênh mông trời biển: Nhất vọng tư hà cùng (Ngắm nhìn xa tít, ý tứ khôn cùng)…
    Trên đường qua vùng đất Tân Phong thuộc tỉnh Quảng Bình, Phan Thúc Trực một mình suy tưởng giữa bóng đêm:
Cô quán nhân hiêu định,
Nghiêm quan lậu khắc tề.
Khiêu đăng hoàn bất mị,
Thao bút khước vô đề.
Lương vũ Hoành Sơn bắc,
Hà vân Động Hải tê.
Tân Phong tiêu độc chước,
Mao điếm thúc văn kê.
(Quảng Bình quan vũ trung lữ hoài)
(Quán khách lẻ loi, tiếng người huyên náo đã yên,
Cửa ải trang nghiêm, đồng hồ nhỏ giọt đều đều.
Khêu sáng ngọn đèn, trằn trọc không ngủ,
Cầm bút mà chẳng có thơ đề.
Mưa lạnh phía bắc Hoành Sơn,
Mây rét phía tây Động Hải.
Đêm ở Tân Phong, ngồi uống rượu một mình,
Điếm cỏ bỗng vang lên tiếng gà gáy)
(Nỗi lòng du khách trong mưa ở cửa quan ải Quảng Bình)
Bài thơ phản ánh kiểu tâm trạng “tha hương lữ thứ” vốn phổ biến trong thi ca trung đại. Hai câu thơ mở đầu tô đậm vẻ yên tĩnh của nhà quán, nhấn mạnh tiếng động của đồng hồ nhỏ giọt, qua đó càng khắc sâu được vẻ yên tĩnh, lẻ loi, trống vắng. Hai đôi câu thực và luận tiếp theo nhấn mạnh sự đối lập giữa ngọn đèn sáng cùng lòng người thao thức với việc không làm được câu thơ nào, rộng mở hai chiều cảnh ngộ và không gian Mưa lạnh – Mây rét, tây – bắc, Hoành Sơn – Động Hải để đi đến xác lập trạng thái cô đơn với hình ảnh người buồn uống rượu thâu đêm, đâu đó ngoài điếm cỏ mới vang lên tiếng gà báo sáng.
Một lần đến động Long Quang, còn gọi Mắt Rồng (nay thuộc thành phố Thanh Hóa), Phan Thúc Trực kết hợp cả phong cách vịnh sử với vịnh cảnh và xướng họa:
Hà niên trú tất thử sơn đầu,
Kiến thuyết Lê hoàng động lý du.
Sơn ảnh loạn tùy ba ảnh động,
Thụ quang đạp hợp thủy quang lưu.
Đối ngạn Châu Hàm thương hải nguyệt,
Cách thôn ngư xướng bạch tần châu.
Đồng châu hữu khách tương thù họa,
Vị tận kì quan vị khẳng hưu.
(Mộ du Long Quang động họa Cao Nghị phu nguyên xướng)
(Không biết năm nào xa giá dừng ở đầu ngọn núi,
Nghe nói vua Lê du chơi tới hang này.
Bóng núi chập chờn theo sóng nước,
Ánh cây theo sóng, nước đẩy bóng nắng trôi.
Núi Hàm Châu đối diện bên bờ, trăng vời vợi,
Cách thôn bên bãi lau vẳng lại tiếng hát người đánh cá.
Trong châu ấy có khách muốn cùng xướng họa,
Chưa tận hưởng kì quan này thì chưa thể về)
(Chiều tới chơi động Long Quang họa bài thơ của Cao Nghị phu)
    Từ điểm nhìn thể tài du ký, tác giả bài thơ này có thêm lời chú: “Ngày 19 tháng 10, đêm nghỉ lại ở nhà ông Tú tài Ngô Cao Trí, xã Nguyệt Viên hai đêm. Giờ Ngọ ngày 21 ngồi thuyền quan theo dòng sông Nguyệt đi lên mạn trên…Động tại xã Nam Ngạn, huyện Đông Sơn. Núi ấy từ tây bắc ngoằn ngoèo hơn 10 dặm, men theo sông kéo dài đến tận đây thì dừng lại, trông giống với đầu rồng. Phía trên có hõm đá đông rộng, tây hẹp, trông như mắt rồng cho nên gọi là động Long Quang. Trong động có thơ đề của hai vua thời nhà Lê. Dưới có núi Bàn Thạch chạy ra tận mép nước trông như hàm con rồng. Bên hàm có bến đò qua, đá lởm chởm. Đỉnh núi ở xã Yên Thành, huyện Hoằng Hóa, trông giống như con rồng đang nhả châu, cho nên gọi là Châu Phong. Trên núi có chùa, gọi là chùa Thần Đồng, dưới có khối đá trông như hình người gọi là đá Thần Đồng. Xa trông thấy thuyền cá, thuyền buôn qua lại, khói bếp nhà nhà trong chợ tụ tập đông đúc, âu cũng là một trong thắng cảnh đẹp”.
   Xin liên hệ với bài thơ cùng có cảm hứng đề vịnh – du ký của Thiên Nam Động Chủ Lê Thánh Tông (1442-1497) được khắc trên vách động vào năm Bính Thìn (1496), đúng một năm trước khi ông qua đời:
Thúy vi hữu địa khả bồi hồi,
Vọng viễn đăng cao vũ trụ khôi.
Khước nhạ cáo thành phong ngọc kiểm,
Thù tri thất lộ nhập Thiên Thai.
Nhàn vân mãn địa vô nhân tảo,
Hư thất lăng tiêu trấn nhật khai.
Yểu điệu giản cùng lâm tận ngoại,
Thời yêu hoàng ốc thúy hoa lai.
(Cảnh đẹp trên sườn núi xanh, khiến lòng ta bồi hồi xao xuyến,
Lên cao nhìn ra xa thấy đất trời rộng lớn bao la.
Những nghĩ rằng làm lễ cáo Tiên tổ xong, mở tráp ngọc xem xét những di huấn của vua cha căn dặn, niêm phong rồi ra về,
Nào ngờ lại lạc lối đi vào chốn Thiên Thai này.
Mây trôi lơ lửng ngập đất không người quét,
Động rỗng vượt tầng không suốt ngày ánh mặt trời soi.
Cảnh đẹp kéo dài mãi tới tận ven rừng, chân suối,
Thi thoảng lại mời xa giá nhà vua đến thăm)

Bài thơ của Lê Thánh Tông cũng có nguyên chú: “Trẫm bái yết Sơn lăng xong, bóng cờ ra về phấp phới. Bấy giờ, sông núi dưới ánh mặt trời sưởi ấm, hoa cỏ xanh tươi, cảnh xuân như vẽ. Trên bước đường về, bỗng qua động đá, liền rời thuyền lên bờ, bước theo lối đá lên cao, hơi rừng bốc lên đẫm áo, tiếng chim líu lo bên tai, hồn thơ lai láng, tình quê dạt dào, liền làm bốn vần để mãi mãi lưu lại trên vách đá… Lúc đó là ngày 22 tháng 2, niên hiệu Hồng Đức 7 (1496)”(3)…
Vào cuối năm Tân Hợi (1851), Phan Thúc Trực được cử ra Bắc tìm sách vở cổ. Khi ở Hà Nội, ông đi thăm thú nhiều nơi, trong đó có đến Tây Hồ và viết hai bài thơ với nhan đề Hạ nhật du Tây Hồ hoài cổ chi tác nhị thủ (Làm hai bài thơ khi du chơi Tây Hồ vào ngày hè):
I. Như hà Bắc hải tinh tra phiếm,
Bất cập Tây Hồ thủy các lương.
Thả vũ ngẫu nhiên tuy sở chỉ,
Trạc anh trạc túc vịnh Thương Lang.
(Chẳng biết đi bè ở biển Bắc ra sao,
Có lẽ cũng chẳng bằng hóng gió mát trên lầu gác ở Tây Hồ.
Bỗng gặp mưa nên đành tùy nơi dừng tạm,
Giặt giải mũ, rửa chân, ngâm bài thơ Thương Lang)
II. Vị ái Tây Hồ thắng,
Liêu vi hạ nhật ngu.
Hà hương phong lí viễn,
Trúc ảnh vũ trung u.
Thành quách y nhiên tại,
Giang sơn định bất thù.
Khả lân ca vũ địa,
Thủy các nhất cô bồ.
(Vì yêu thắng cảnh Tây Hồ,
Nhờ thế ngày hè thêm vui vẻ.
Hương sen theo gió đưa xa,
Bóng trúc trong mưa vắng vẻ.
Thành quách vẫn như xưa,
Núi sông chẳng thay đổi.
Đáng thương thay đất ca vũ này,
Dặt cỏ bồ xung quanh lầu gác)
Đến với Tây Hồ, Phan Thúc Trực xem nơi đây mát mẻ hơn cả thả bè trên biển Bắc. Điển tích Trạc anh trạc túc vịnh Thương Lang (Giặt giả mũ, rửa chân, ngâm bài thơ Thương Lang) có ý chỉ việc rũ bỏ bụi trần, giữ lối sống thanh cao. Ông bày tỏ tình yêu với thắng cảnh Tây Hồ, nơi có hương sen và bóng trúc, ngọn gió và cơn mưa cùng thành quách, núi sông kinh kỳ ngàn năm kim cổ. Một cách kín đáo, ông hoài cảm, tỏ ý tiếc nuối cho chốn đô hội đã hóa hoang tàn: Khả lân ca vũ địa - Thủy các nhất cô bồ (Đáng thương thay đất ca vũ này - Dặt cỏ bồ xung quanh lầu gác)… Đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Oanh nhận xét, Phan Thúc Trực có nhiều bài thơ viết về Hà Nội, gắn bó với Hà Nội: “Lần đầu tiên thi sĩ họ Phan ra Hà Nội là vào năm 1843, nhưng thiên nhiên của Hà Nội luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong sáng tác của ông. Đối với nhà thơ, một Hà Nội với hàng ngàn di tích lịch sử như đền Trấn Vũ, đền Bạch Mã, nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc… đã là đề tài hấp dẫn để nhà thơ hoài niệm về quá khứ, nhưng khung cảnh thiên nhiên với cuộc sống thường nhật của người dân kinh thành Thăng Long ven sông Nhị cũng là điểm nhấn để ông nhớ tới một trong ba mươi (tam thập vịnh) danh thắng của Hà Nội đã được các nhà Nho chọn vịnh thơ. Trong bài Nắng sớm trên sông Nhị, chỉ bằng vài nét chấm phá, bức tranh tả cảnh sinh hoạt trên sông dưới bến bên dòng Nhị hiện ra sống động (…). Thiên nhiên luôn là đối tượng thẩm mỹ quan trọng của thơ ca, nhưng viết về thiên nhiên, các nhà thơ không chỉ nhằm gửi những cung bậc cảm xúc của mình trước vẻ đẹp của đất trời, trăng sao, cỏ cây, hoa lá mà còn gửi gắm tâm sự, ngụ ý, ngụ tình”, đồng thời đi đến khái quát một phương diện đặc điểm tư duy nghệ thuật liên quan chặt chẽ với dòng thơ du ký: “Những đoạn dẫn của các bài thơ không chỉ góp phần làm sáng tỏ lịch sử của một danh thắng, mà còn có khả năng lưu giữ hình ảnh của thiên nhiên bằng hình tượng nghệ thuật. Nó còn thể hiện tri thức lịch sử, địa lý của người viết, đồng thời cũng cho thấy lối điều tra ghi rõ sự việc mang tính “điều tra điền dã sử liệu” như chúng ta làm ngày nay, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận và hiểu biết rõ hơn về một vùng đất hoặc di tích lịch sử nào đó”(4)…
Một lần khác, ông lên núi Độc Sơn (còn gọi Độc Ngạn) ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn (nay thuộc phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng) chỉ để ngắm biển và suy tư:
Dư dục đông du quan cự hải,
Độc Sơn sơn thượng vị đình xa.
Vô cùng sơn thủy vi mang ngoại,
Kỷ tịch tang thương biến cải dư.
Loạn thích lâm lưu như dục quá,
Khinh phàm bàng ngạn ngẫu tương ư.
Thừa phong phá lãng hoài Tôn Ý,
Tằng phủ đương niên tố ốc lư.
(Thướng Độc Sơn đỉnh quan hải)
(Tôi muốn đi về phía đông xem biển lớn,
Dừng xe lại ở đỉnh núi Độc Sơn.
Ngoài kia núi và nước tít tắp mờ ảo,
Trải qua bao tang thương, thay đổi nhiều.
Đá sỏi ngổn ngang mép nước như muốn lấn qua,
Ngẫu nhiên thấy mấy cánh buồm mỏng cùng neo bên bờ,
Muốn cưỡi gió phá sóng như chí của Tôn Ý,
Có phải nơi đây năm đó cũng từng có nhà ở)
(Lên đỉnh Độc Sơn xem biển)
Có ý thức du ngoạn, khám phá, tìm hiểu, Phan Thúc Trực đã cất công lên núi Độc Sơn để được xem “cự hải” (biển lớn). Đối diện với không gian biển “tít tắp mờ ảo”, thi nhân chạnh lòng nghĩ đến chuyện vật đổi sao dời, bãi biển hóa thành nương dâu và cánh buồm mỏng manh neo bên bờ biến lớn. Từ đây ông nhớ đến điển tích nói về cái chí của Tôn Ý “Muốn cưỡi trên gió lớn phá tan con sóng vạn dặm” và tưởng tượng, liên tưởng xa xôi: Tằng phủ đương niên tố ốc lư (Có phải nơi đây năm đó cũng từng có nhà ở). Phải chăng ngoài cõi xa xanh kia từng một thuở có những ngôi nhà, có con người sinh sống mà nay đã hóa thành biển khơi ngàn trùng sóng vỗ? Có thể nói chính cuộc du chơi ngắm biển trên núi Độc Sơn đã khơi gợi khả năng suy tưởng ở thi nhân về mối liên hệ giữa cõi người với thế giới tự nhiên, không gian biển rộng và kiếp người vô thủy vô chung…
3. Lời kết
Nghiệm sinh trên cõi đời 45 năm và thời gian làm quan chỉ có hơn mười năm nhưng Phan Thúc Trực đã kịp để lại số lượng tác phẩm phong phú, bao gồm cả về lịch sử, địa lý, văn chương. Nói riêng sáng tác thi ca, bên cạnh các nội dung phản ánh “bức tranh hiện thực làng quê”, “nhà Nho có lòng thương dân sâu sắc”, “tình cảm với những người thương yêu trong gia đình”, “tình cảm với những người bạn”, “tình yêu thiên nhiên”(5),…ông còn có nhiều bài thuộc dòng thơ du ký. Đi đến vùng quê nào ông cũng tìm đến thăm các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và đề thơ, ghi lại những suy nghĩ và tình cảm sâu sắc của mình. Dõi theo dòng thơ du ký của Phan Thúc Trực, ngay cả con người thời hiện đại cũng có thể “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”, thấy được cả vẻ đẹp đất trời, quê hương xứ sở và những điểm di tích văn hóa do cha ông tạo lập nên. Phải chăng với mỗi điểm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh mà Phan Thúc Trực từng đề vịnh, chúng ta có thể khắc in thơ du ký của ông (cũng như thơ du ký của nhiều thi gia khác), góp phần tô điểm non sông, phát huy các giá trị tinh thần truyền thống dân tộc và cũng chính là góp phần quảng bá cho ngành văn hóa du lịch thời hiện đại. Có thể khẳng định dòng thơ du ký là một bộ phận độc đáo trong sáng tác thi ca của Phan Thúc Trực và sẽ còn sức sống, tỏa sáng mãi với thời gian.
(1) Lê Bá Hán – Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (Chủ biên): Từ điển thuật ngữ văn học. NXB Giáo dục, H., 1992, tr.75-76.
Tham khảo Nguyễn Hữu Sơn: Thể tài du ký trên Tạp chí Nam Phong. Nghiên cứu văn học, số 4-2007, tr.21-38.
- Du ký Việt Nam - Nam phong tạp chí (1917-1934), ba tập (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu). Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2007; 1918 trang.
(2) Phan Thúc Trực: Cẩm Đình thi tuyển tập (Nguyễn Thị Oanh giới thiệu - phiên âm - dịch chú). Nxb KHXH, H., 2011, 508 trang. Các trích dẫn tác phẩm Phan Thúc Trực trong bài đều theo sách này.
(3) Lê Thánh Tông - Thơ văn và cuộc đời (Mai Xuân Hải sưu tầm, tuyển chọn). Nxb Hội Nhà văn, H., 1998...
(4) Nguyễn Thị Oanh: Vài nét về văn bản, tác giả và tác phẩm, trong sách Cẩm Đình thi tuyển tập. Sđd, tr.37-38, 41.
(5) Nguyễn Thị Oanh: Vài nét về văn bản, tác giả và tác phẩm, trong sách Cẩm Đình thi tuyển tập. Sđd, tr.11-46.
* PGS, TS - Viện Văn học.
Nguyễn Hữu Sơn
Theo http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/


1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...