Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Quê ngoại Kinh Bắc với đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều

Quê ngoại Kinh Bắc với đại thi hào 
Nguyễn Du và Truyện Kiều
Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1766-1820) là con trai thứ bảy của vị Tể tướng - Đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, quê ở xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - tỉnh Hà Tĩnh; còn thân mẫu là bà Trần Thị Tần, con gái thứ ba của ông quan Câu kê (kế toán) họ Trần quê ở thôn Hoa Thiều - Hương Mạc - Đông Ngàn - Từ Sơn - Kinh Bắc, thuộc dòng họ quan Tiến sĩ Trần Ngạn Húc, Tiến sĩ Trần Phi Chiêu đã từng giữ chức: Tán vị đồng đốc công thần, Hộ bộ Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, Thiếu bảo, tước Diên quận công đời Mạc Mậu Hợp(1). Thật là “môn đăng hộ đối”.
Các bà phu nhân người Kinh Bắc
Quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm khi ra Thăng Long nhận chức, sau khi cưới bà Trần Thị Tần làm bà ba đã cảm nhận được vẻ “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” của giai nhân xứ Kinh Bắc nên đã cưới thêm bà tư là Nguyễn Thị Xuyên người xã Hoàng Mai - Yên Dũng - Kinh Bắc và bà năm Nguyễn Thị Xuân người xã Tiêu Sơn - Yên Phong - Kinh Bắc (nay là thôn Hưng Phúc - xã Tương Giang - thị xã Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh).
Các nàng dâu người Kinh Bắc
Anh thứ hai của Nguyễn Du là Nguyễn Điều lấy bà vợ hai là Nguyễn Thị Nguyện, con gái thứ tư của Đạt Võ hầu Nguyễn Gia Ngô, quê ở xã Liễu Ngạn - huyện Siêu Loại - phủ Thuận Thành - Kinh Bắc. Bà Nguyễn Thị Nguyện chính là em gái của danh nhân Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc. Đôi uyên ương này sinh ra Nguyễn Hành là nhà thơ nổi tiếng đương thời được xếp vào An Nam ngũ tuyệt cùng với chú ruột Nguyễn Du.

                   Quan họ Bắc Ninh
Em ruột cùng mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Ức lấy vợ ở làng Phù Đổng - Đông Ngàn - Kinh Bắc (nay thuộc Gia Lâm - Hà Nội). Nay trong hậu cung đền Phù Đổng vẫn còn treo đôi câu đối:
“Thiên giáng thánh nhân trừ Bắc địch
Địa lưu thần tích trấn Nam bang”
(Trời cử thánh nhân trừ giặc Bắc
Đất lưu thần tích giữ nhà Nam).
Và dòng lạc khoản ở câu đối cho biết rõ: Người cung tiến tiền để làm câu đối là Nguyễn Ức nhưng người soạn nội dung là Nguyễn Du và người viết chữ lại là Nguyễn Thảng (con anh cả Nguyễn Khản gọi Nguyễn Du và Nguyễn Ức là chú ruột).
Các chàng rể người Kinh Bắc
Người chị cùng mẹ với Nguyễn Du là bà Nguyễn Thị Diên được quan Tể tướng gả cho Vũ Trinh là dòng dõi danh gia vọng tộc ở Xuân Lan - Lương Tài - Kinh Bắc cũng là một thi nhân nổi tiếng với tập Lan trì kiến văn lục và tập thơ Nôm Cung Oán thi tròn 100 bài, sau tham gia soạn Luật Gia Long và là người được Nguyễn Du tin tưởng giao đọc và phẩm bình Truyện Kiều đầu tiên.
Bà vợ thứ sáu của quan Tể tướng sinh ra cô út lấy chồng là Vũ Trạch, người cùng xã Xuân Lan - Lương Tài - Kinh Bắc.
Như vậy trong dinh thự quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm ở kinh đô Thăng Long có ba bà phu nhân, hai nàng dâu, hai chàng rể xứ Kinh Bắc và cùng với họ là hàng trăm gia nô, a hoàn, đầy tớ là người xứ Bắc và Thăng Long sẽ là môi trường ngôn từ sinh động để thi hào có vốn ngữ liệu phong phú sáng tác nên Truyện Kiều.
Chuyện tình Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương
Trong bầu trời văn học Việt Nam lấp lánh hai vì sao sáng: đại thi hào Nguyễn Du và Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Hai vì tinh tú cùng được chung đúc từ khí thiêng sông núi Hồng Lĩnh - Lam Giang quê cha và hòa trộn, thắm đượm chất tình tứ, duyên dáng của quan họ xứ Bắc - đồng bằng sông Hồng quê mẹ, lại cùng trưởng thành nơi kinh thành Thăng Long hào hoa, thanh lịch thời cuối Lê - đầu Nguyễn, cùng là “đồng thanh tương ứng” trong giới văn nhân tài tử, thế mà đến nay chúng ta vẫn chưa rõ hai người có “đồng khí tương cầu” hay không, và thuở đó có diễn ra cảnh tượng hi hữu:


              Cổng làng ở Bắc Ninh
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
Nhà thơ xứ Nghệ Hoàng Trung Thông khi viết về Hồ Xuân Hương đã cảm thán:
Người ta nói nhiều về
Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai?
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có.
Hồi đầu thế kỷ 20, cụ Tiến sĩ Nguyễn Mai là người đại diện trí thức rất tiêu biểu của họ Nguyễn Tiên Điền, trong buổi tiếp cụ Giải nguyên Lê Thước và Phó bảng Phan Sĩ Bàng đã kể: “Cụ Tố Như trước kia có quen thân với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhân nhà nữ sĩ có đề ba chữ Cổ Nguyệt Đường, có lần cụ Tố Như đã vịnh đùa câu thơ sau:
Đã Cổ lại còn đeo thói Nguyệt
Còn Xuân chi để lạnh buồng Hương.
Câu thơ ấy vế trên là chiết tự chữ Hồ (Cổ + Nguyệt = Hồ) họ của nữ sĩ, vế dưới là tán nghĩa hai chữ Xuân và Hương và tên của nữ sĩ. Hồi đó do mọi người lại quá tin rằng hai câu thơ trên là của Chiêu Hổ nên đã không chú tâm đến câu chuyện mà cụ Tiến sĩ Nguyễn Mai kể”(2).
Thời gian có khi phủ bụi làm mờ đi một vài sự kiện, nhưng lại có khi làm trôi đi lớp bùn đất rêu phong để lộ ra “Ngọc quý vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”. Và đúng như cụ Nguyễn Du đã dạy:
Gẫm âu người ấy báu này
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm
Nhà nghiên cứu văn học Trần Thanh Mại đã thực sự có duyên khi vào năm 1964 tìm được Tập thơ Lưu hương ký của Hồ Xuân Hương và công bố bản phiên âm. Nhưng rất tiếc gần nửa thế kỷ qua không mấy ai được nhìn thấy bản gốc nên việc tìm hiểu còn nhiều trắc trở. Vừa qua bản gốc Lưu hương ký đã được trả về cho Viện Văn học và chúng tôi xin được phiên âm lại bài thơ tình của Hồ Xuân Hương gửi Nguyễn Du như sau:
Cảm cựu kiêm trình Cần chánh Học sĩ Nguyễn Hầu
“Hầu, Nghi Xuân, Tiên Điền nhân”
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương siu với
Lầu nguyệt ngũ canh chiếc bóng chong.
Bài thơ quả thực như ánh sao băng soi sáng những gì còn mờ mờ nhân ảnh về quan hệ giữa hai thi nhân. Nữ sĩ đã thực sự bày tỏ tâm sự của mình. Nàng mừng cho Nguyễn Du đã được vinh thăng chánh sứ và ước thầm chàng qua Thăng Long sẽ thăm lại Cổ Nguyệt Đường vì nàng vẫn “Lầu nguyệt ngũ canh chiếc bóng chong”. Nhưng hậu kỳ thì đến nay chúng ta cũng không biết rõ có cuộc tái ngộ cảm động như cảnh sau này hay không:
Tưởng bây giờ là bao giờ
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao
Giọt châu thánh thót quẹn bào
Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình!
Đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long

 Mộ cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền  Ảnh: Bá Hành
Trong một chuyến du xuân, chúng tôi đã phát hiện được tại một gia đình dòng dõi quan phủ tại xã Tương Giang - Từ Sơn - Bắc Ninh bức hoành phi cổ: “Dịch Thế thư hương” do quan chánh sứ Đức Bảo đời vua Càn Long viết tặng và đôi câu đối “Lưỡng triều danh Tể tướng - Nhất thế đại Nho sư” do “Huân Mộc bái thư” vào năm Long Phi Mậu Thìn (1808). Lại được biết xã này chính là xã Tiêu Sơn - huyện Yên Phong trước đây, quê bà vợ thứ năm của quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm là bà Nguyễn Thị Xuân có con trai là Nguyễn Trừ, tức anh trai thứ năm của Nguyễn Du. Được gia đình hướng dẫn, chúng tôi đã ra viếng mộ cụ tổ của dòng họ Nguyễn này thì được đọc tấm bia ghi rõ: “Cố Nam Sách phủ, tri phủ Nguyễn Hầu, Nghệ An trấn, Đức Thọ phủ, Tiên Điền xã nhân dã. Minh Mệnh thập nhất niên chính nguyệt cốc nhật phụng khắc ư Vĩnh Tường phủ công sở”. Tôi lại may mắn có được bản “Hoan châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phổ” nên tìm đọc kỹ về cụ Nguyễn Trừ thì mọi thông tin đều trùng khớp, cho biết đây chính là mộ cụ Nguyễn Trừ. Nghiên cứu kỹ bản Gia phả chữ Hán phần viết về Nguyễn Trừ có một thông tin thật đặc biệt: “Nguyễn Trừ lấy vợ kế là Tống thị sinh tứ nam: Đại, Trù, Hồng, Hiệp, nhị nữ: Thị Uyên, Thị Nguyên”.
Phiên âm: “Thị Uyên, Cảnh Hưng Bính Ngọ niên sinh (1786), Gia Long Nhâm Tuất (1802) phụng sung hữu cung cung tần, đặc thừa ân hạnh. Mậu Thìn (1808) niên sinh nhất nữ, bất dục. Kỷ Mão (1819) Cao Hoàng đế băng, Minh Mệnh Nhâm Ngọ (1822) phụng tứ quy ninh tòng mẫu Tống thị, tựu dưỡng vu bào đệ, Vĩnh Tường đồng tri lỵ sở, Giáp Ngọ (1834) xuân, chính nguyệt dĩ bệnh quy Tiêu Sơn nhi tồ tốt, Tứ thập cửu tuế, Thúc phụ Chu Kiều công (tức Nguyễn Nghi) - Con thứ mười của Nguyễn Nghiễm) vi chi lụy từ cập mộ chí”.
Tạm dịch: “Thị Uyên, sinh năm Bính Ngọ Triều Cảnh Hưng (1786), năm Nhâm Tuất triều Gia Long (1802), được sung vào hữu cung làm cung tần, được vua yêu quý. Năm Mậu Thìn (1808) sinh một con gái nhưng không nuôi được. Năm Kỷ Mão (1819) Cao Hoàng đế (Gia Long) băng, cho về quê chăm sóc mẹ là Tống Thị cùng với em ruột là tri phủ Vĩnh Tường tại Lỵ Sở. Mùa xuân Giáp Ngọ (1834) tháng giêng mắc bệnh mang về quê ở xã Tiêu Sơn thì mất, thọ 49 tuổi. Chú ruột là Chu Kiều Công (tức Nguyễn Nghi - con thứ 10 của Nguyễn Nghiễm) đến viếng và có làm văn ai, dựng mộ chí”(3).
Như vậy cụ Nguyễn Trừ là Quốc trượng của vua Gia Long và đại thi hào Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long. Điều này khiến chúng ta phải xem lại vấn đề mà xưa nay nhiều người vẫn cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ nhà Thanh về để phản ánh tâm trạng bất mãn với nhà Nguyễn, và càng thêm tin rằng Truyện Kiều được viết vào đời Tây Sơn.
Ảnh hưởng ngôn ngữ Kinh Bắc trong Truyện Kiều
Nguyễn Du được nuôi dạy bởi bà mẹ Trần Thị Tần là con gái Kinh Bắc ngay tại Thăng Long, lại trong môi trường các bà dì, anh rể, chị dâu, gia nô, đầy tớ, bạn học…đều ở vùng Kinh Bắc - Thăng Long nên ta tin rằng ngôn ngữ thấm đượm trong đời sống được thi hào sử dụng là ngôn từ vùng Kinh Bắc - Thăng Long. Ta đọc lại Truyện Kiều đoạn Thúc Sinh tâm sự cùng Thúy Kiều:
Sinh rằng: Hay nói dè chừng
Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?

(Câu 1361-1362)
Nữa khi giông tố phũ phàng
Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây

(Câu 1969-1970)
Báo ân rồi sẽ trả thù
Từ rằng: Việc ấy đây cho mặc nàng

(Câu 2323 - 2324)
Là thi hào đã ảnh hưởng của lời ca quan họ:
Đấy với đây không dây mà buộc
Anh với nàng chưa chuốc mà sao say
Hoặc ảnh hưởng của tranh Đông Hồ:
Khen ai khéo tạc nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi.
Phục nguyên văn bản Truyện Kiều
Trong hơn 200 năm qua, có không biết bao nhiêu học giả, nhà khoa bảng đã cho in các bản Truyện Kiều chữ Nôm, chữ quốc ngữ và dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Nhưng các học giả đương đại như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tài Cẩn vẫn chưa bằng lòng với văn bản đang thông dụng nên vẫn cần cù làm việc để xây dựng văn bản “Kiều tầm nguyên”. Chúng tôi cũng đi theo hướng đó nên trong vài chục năm qua đã sưu tầm được 57 bản Truyện Kiều Nôm cổ và 60 bản Kiều quốc ngữ, đã xuất bản được 5 đầu sách về Truyện Kiều và hằng trăm bài báo bàn về phục nguyên chữ nghĩa Truyện Kiều. Xin nêu một số câu đã phục nguyên theo đa số các bản Kiều Nôm cổ đời Tự Đức như sau:
- Câu 1951: Quản chi lên thác xuống ghềnh
Phục nguyên là: Quản chi trên các dưới duềnh
- Câu 1919: Đưa nàng đến trước Phật đường
Phục nguyên là: Đưa chàng đến trước Phật đường
- Câu 1647: Vực ngay lên ngựa tức thì
Phục nguyên là: Dẩy ngay lên ngựa tức thì
- Câu 1154: Gạn gùng đến mực nồng nàn mới tha
Phục nguyên là: Đon sòng đến mực nồng nàn mới tha
- Câu 1391: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Phục nguyên là: Rõ màu trong ngọc trắng ngà
- Câu 934: Cô nào xấu vía có thưa mối hàng
Phục nguyên là: Cô nào xấu mẽ cho thưa mối hàng
Câu 1362: Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều
Phục nguyên là: Càng cay ngạt lắm càng oan trái nhiều
- Câu 2075: Rỉ tai, mới kể sự lòng
Phục nguyên là: Rỉ nghe nàng, mới giãi lòng

- Câu 1250: Ngẩn ngơ trăm nỗi dùi mài một thân
Phục nguyên là: Ngẩn ngơ trăm nỗi dồi mài một thân
- Câu 1509: Đôi ta chút nghĩa đèo bòng
Phục nguyên là: Đôi ta chút nghĩa bèo bồng
- Câu 1135: Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra
Phục nguyên là: Hưng hành chẳng hỏi chẳng tra
- Câu 2089: Thấy nàng mặn phấn tươi son
Phục nguyên là: Thấy nàng lướt phấn gièm son
- Câu 1148: Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa
Phục nguyên là: Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ
- Câu 1311: Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Phục nguyên là: Rõ màu trong ngọc trắng ngà
- Câu 1478: Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên
Phục nguyên là: Đổi thay nhạn cá đã cùng đầy niên
- Câu 1841: Ngảnh đi chợt nói chợt cười
Phục nguyên là: Dửng đi chợt nói chợt cười
- Câu 207: Xem thơ nức nở khen thầm
Phục nguyên là: Xem thơ thắc thẻm khen thầm
- Câu 1101: Lặng ngồi lẩm nhẩm gật đầu
Phục nguyên là: Lặng ngồi tủm tỉm ngấc đầu
- Câu 1020: Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau
Phục nguyên là: Làm chi thì cũng một chồng kiếp sau
- Câu 1166: Bớt lời liệu chớ sân si thiệt đời
Phục nguyên là: Bớt lời kêu chớ trây chi mà đời
- Câu 1609: Nghĩ rằng “Ngứa ghẻ hờn ghen”
Phục nguyên là: Nghĩ rằng:“Giận lẫy hờn ghen”
Kết luận
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du là kiệt tác văn chương của dân tộc - nhưng do những điều kiện khắc nghiệt của lịch sử nên về văn bản tác phẩm và cuộc đời của thi hào vẫn còn nhiều điều chưa thông tỏ và vấn đề phục nguyên văn bản theo mục đích “Câu chữ nào của Nguyễn Du xin trả lại Nguyễn Du” vẫn là một nhiệm vụ trọng tâm của những người yêu Truyện Kiều. Rất mong được bạn đọc cùng tham gia góp ý.
(1) Theo gia phả họ Trần ở Hương Mạc - Từ Sơn - Bắc Ninh.
(2) Theo Lê Thước, Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du, NXB Khoa Học Xã Hội, 1971, tr.416, 418.
(3) Theo Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả - bản chữ Hán, tr.113.
Bắc Ninh, ngày 28-11-2013
Nguyễn Khắc Bảo
Theo http://honvietquochoc.com.vn


1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...