Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Cỏ níu chân người

Cỏ níu chân người
Tôi đi qua những ngày thơ ấu cùng cỏ, lớn lên cùng cỏ, chơi đùa bên vạt cỏ mơn man xanh và có những lúc chợt rưng rưng nỗi niềm thương nhớ cỏ. Cỏ gần gũi khi kề bên và cỏ biết xót xa khi chia lìa.
Là những ngày chân trần, tôi ùa ào chạy nhảy tung tăng trên thảm cỏ quê nhà, cảm nhận cỏ êm mượt, mơn man dưới mỗi bước đi của mình. Cỏ dịu dàng mời gọi chúng tôi vui chơi, nghịch ngợm. Bọn trẻ reo hò chơi trò đuổi bắt nhau, chơi trò bịt mắt bắt dê, chơi trò đánh trận giả. Đến lúc mệt nhoài, cứ an nhiên mà ngả mình xuống cỏ chẳng chút ngại ngần chi. Cỏ nâng đỡ chúng tôi trong vòng tay hiền từ với tấm lòng bao dung nhất mực của một bà mẹ. Cứ thể, gối đầu lên cỏ mà nghỉ ngơi, mà xua đi mệt mỏi thơ trẻ, nhắm mắt lại và ngủ quên trong một giấc nồng say. Cỏ chạm vào tóc, cỏ châm vào bàn chân trần khe khẽ như mơn man, như trêu chọc, như chuyện trò hỏi han.
Lũ trẻ quê thích nhất khoảng thời gian mỗi chiều hẹn nhau đi chăn trâu nơi đồng, nơi bãi. Đàn trâu sẽ được tự do thỏa thuê nhởn nhơ tìm thức ăn, còn lũ trẻ cũng tự do với những trò nghịch ngợm của mình. Mấy đứa rủ nhau đuổi bắt chuồn chuồn cho chúng nó cắn rốn với hy vọng sớm biết bơi. Tiếp đó lại quay sang đuổi bắt cào cào châu chấu trên đồng, đàn gà ở nhà sẽ được một bữa ăn no nê. Có lúc cả lũ kéo nhau xuống ruộng móc cua, mặt mũi đứa nào cũng tèm lem dính bùn. Mải mê vui chơi đến nỗi có hôm trâu ăn lúa nhà người, về nhà mỗi đứa chịu đều đòn phạt của bố mẹ. Thế nhưng trẻ con ham chơi và chóng quên, vẫn chẳng thể bỏ những trò yêu thích. Và cỏ lại sẽ là nơi lũ nhóc tìm về ngả lưng ngơi nghỉ. Cỏ như tấm thảm dịu dàng, như bờ vai êm ái, như chiếc nệm đầm ấm cho ta dựa vào ru êm.

Gối đầu lên cỏ nghe xôn xao thơ dại bình yên, nghe dòng sông quê hiền hòa thiết tha vỗ bờ, nghe tiếng chiều chầm chậm trôi về miên viễn. Gối đầu lên cỏ từ từ nhàn nhã say dần cùng giấc ngủ giữa cánh đồng, giữa chân trời, giữa bãi bờ bát ngát mênh mang mà thanh bình nơi quê hương ôm trùm, vỗ về. Gối đầu lên cỏ, nghe cỏ hát xạc xào bên tai, khúc ca của ruộng đồng, của yêu thương, của chân chất, giản dị để nhớ để thương cứ ghim chặt trong lòng. Gối đầu lên cỏ giữa ráng chiều buông, hoàng hôn chập chừng lưu luyến cảm nhận dường như mình đang trong một giấc mơ bồng bềnh cổ tích.
Trên thảm cỏ xanh, lũ con trai say mê với trái bóng dù chỉ là trái bóng tự tạo từ rơm, từ giấy và dây quấn lại. Cỏ lại đưa thân mình ra nâng đỡ những đứa trẻ khi ngã xuống, nhẹ nhàng, tình cảm xoa dịu vết đau. Các bạn gái say mê cùng các trò chơi đầy nữ tính, ngắt những nhánh hoa cỏ nhỏ nhắn thành một ôm to đem về cắm vào bình. Hoa cỏ không sắc màu rực rỡ, không kiêu sa, hào nhoáng nhưng hoa cỏ đẹp ở sự dịu dàng, nền nã, nhẹ nhàng, giản dị, tinh khôi. Các bạn gái kết vòng hoa cỏ đội đầu mơ mình trở thành công chúa trong câu chuyện cổ của bà. Những giấc mơ mang màu hồn nhiên. Có ai lớn lên mà nỡ quên trò chọi cỏ gà năm nào để trong giấc mơ phố thị vẫn thảng gặp những nỗi niềm thơ ấu khe khẽ gọi về.
Hoa cỏ may nơi bờ đê níu bước chân người ngang qua như lưu luyến, như bâng khuâng, trìu mến. Người ra đi, người ở lại thổn thức niềm riêng mang từ trong sâu thẳm. Buổi hẹn hò nơi triền đê ngập gió, cô gái thẽ thàng dứt những nhánh hoa cỏ may, ngả đầu xuống bờ vai của chàng trai mình yêu thương trong nụ cười tin cậy. Cỏ may bịn rịn găm vào nỗi nhớ đứa con xa quê bằng nhánh cỏ từ trong ký ức bám lấy, giăng kín quần áo người đi. Mẹ mắng khẽ khi ngồi gỡ cỏ bám trên người con nhưng tự sâu thẳm ai nỡ giận cỏ. Bởi cỏ là nhớ, là thương, là hoài niệm, bình yên trong tâm hồn.
Cỏ vẫn thì thào khúc hát trên đồng bãi mỗi chiều đón gió. Bước chân con không thôi nhớ nhung trở về, muốn được gội đầu từ mớ cỏ mần trầu mẹ nấu cho mái tóc mơ màng, óng ả…
Cỏ úa tàn rồi cỏ vẫn lên xanh như tiếng vọng của tháng năm lặng lẽ níu bước chân người…
Huệ Hương
Theo https://huehuonghh.wordpress.com/

1 nhận xét:

  Nhà giáo, nhà thơ Đỗ Thượng Thế – Nơi hương mùa neo đậu 16 Tháng Năm, 2023 Tôi đọc thơ Đỗ Thượng Thế với thái độ nghiêm cẩn, ngh...