Rêu phong như biểu tượng cho nét u hoài xưa cổ, góp phần níu
giữ lại những mảnh thời gian quý hiếm và gợi lên nỗi niềm miên man dẫn dắt hồn
người trở về cố hương.
Rêu phong cổ xưa
Không phải vùng đất nào cũng có thể nhuốm màu rêu phong. Có
thể gọi rêu phong là một tặng vật của thiên nhiên đã trao cho Cố đô. Khi những
chuyến gió chở theo hơi nước vi vu qua dải đất thần kinh khắc nghiệt, gió như
đã góp sức hồi sinh những mầm sống li ti mạ trên bề mặt trơ lì của các vách đá,
thành quách, tạo thành những vệt rêu phong bềnh bồng phủ xanh thành quách của
những chùa chiền, phủ đệ, những đền đài lăng tẩm, những bình phong của các ngôi
nhà vườn, những dáng cây hao gầy cam chịu,… và những tâm hồn hoài cổ triền miên
trong ký ức xa xăm… Ôi ! Rêu phong Huế là chiếc áo của người nghệ sĩ lang thang
lặng lẽ trong mưa gió, chiếc áo choàng làm tăng thêm chất lãng đãng, thơ mộng của
cõi hồn mông lung, bát ngát và khí phách kiêu bạt trước giông tố dữ dội của trần
gian.
Xứ Huế ngoài những nét độc đáo như quần thể di tích gồm hệ thống
kinh thành, các lăng tẩm, những ngôi chùa, nhà vườn, nhà rường, sông Hương núi
Ngự, những vườn đá… còn tàng ẩn cái hồn của rêu phong. Rêu phong ở Huế không những
tô điểm thêm nét cổ kính của thành quách, chùa chiền,… mà còn gợi lên trong
lòng người cảm giác gắn bó, thân thương. Ôi! Rêu phong như tấm thảm nhung diệu
kỳ đưa chúng ta ngược dòng thời gian trở về cái đẹp thơ mộng của thuở ban đầu
đã chìm trong quá khứ xa xưa.
Nhưng không phải nơi nào có rêu phong đều tạo nên những khung
cảnh trữ tình, cổ xưa… mà phải có sự kết hợp hài hoà giữa không gian, thời
gian, thiên nhiên và con người,… và không thể thiếu những tâm hồn luôn hoài niệm
về những dấu tích xưa.
Rêu phong ở kinh thành Huế như cái thần đang ở trạng thái tiềm
ẩn, nó chỉ lộ ra với những tâm hồn đồng cảm. Những buổi chiều mơ hồ như ánh mắt
thu, từng cánh lá vàng lả tả rơi rồi khẽ chạm vào tấm lụa rêu biên biếc đã khiến
tôi ganh tị, tôi thầm ước mơ cuộc đời nhẹ nhàng như những chiếc lá kia.
Mưa phùn của mùa xuân xứ Huế đã làm tăng thêm độ tương phản của
màu xanh mặn mà những kỳ vọng, bức thành phủ đầy rêu xanh đưa tôi vào thế giới
của ảo giác, những dòng nước nho nhỏ, trong ngần như những đường gân xanh trên
thân thể người con gái guộc gầy, bàn tay tôi run run khẽ chạm vào làn da mịn
màng khiến tôi nhập vào nhịp thở của một thời vàng son đang tàng ẩn trong thế
giới thẳm xanh vời vợi. Những mảng rêu phong ở Huế đã vẽ nên một bức tranh siêu
thực bởi gam màu xanh pha lẫn chàm, từng mảng rêu xanh như những điểm nhấn mà đấng
sáng tạo đã tạc vào không gian Huế một tuyệt tác rất lãng mạn và rất hoành
tráng.
Có người đã mượn rêu để hỏi tuổi của đá “Hỏi đá xanh rêu bao
nhiêu tuổi đời? ” (1), phải chăng rêu là dấu ấn của thời gian, xác nhận ngày
sinh của đá, hay rêu phong là vết hằn của gã thời gian còn luyến tiếc những gì
thuộc về quá khứ nên đã gửi vào thiên nhiên, đất đá, thành quách,… và con người
những cảm thức gợi tình?
Chúng ta hãy thể nhập vào hồn liêu trai của rêu phong trên những
bờ tường của kinh thành rồi sẽ nghe tiếng vọng của thời gian, âm vang của những
vó ngựa và hình ảnh “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” (2) thuở Lê triều sẽ hiện về
như một thực tại sống động.
Dọc theo triền sông Hương đến chùa Thiên Mụ, chưa kịp ngước
nhìn lên ngôi tháp vời vợi giữa nền trời bao dung chúng ta đã thấy hình ảnh của
tháp Phước Duyên lấp loáng, uyển chuyển dưới dòng Hương giang xanh biên biếc.
Khung cảnh thật hữu tình, thơ mộng giữa sông nước, núi đồi,… và con người. Ngôi
chùa cổ đã tồn tại sừng sững giữa đất trời gần 500 năm là hình ảnh thiêng liêng
đã khắc sâu trong tâm khảm của người dân xứ Huế, như giáo lý bất sinh, bất diệt
của đức Phật đã lan toả khắp mọi nơi và tồn tại mãi mãi ở thế gian này. Sự có mặt
của những đám rêu phong đã góp phần tăng thêm nét cổ kính của ngôi chùa, rêu
xanh như thắp lên niềm hy vọng hoà vào màu xanh của sông nước, cỏ cây và bầu trời
thăm thẳm một màu xanh ngút ngàn.
Những phủ đệ của các công thần, quận chúa ở quanh kinh thành
Huế như ấp ủ một nỗi khát khao thầm kín, e ấp, tiếc nuối,… lại được khảm thêm
những áng rêu mượt mà làm tăng thêm vẻ kín đáo như các người đẹp hồi giáo phủ
khăn che mặt khi dạo bước trên phố thị yêu kiều.
Xuôi về phố cổ Bao Vinh, Gia Hội tôi không khỏi ngẩn ngơ trước
những mái rêu phong chập chùng trong ký ức. Tôi bàng hoàng trước ngôi nhà lắng
đọng biết bao lớp mái thời gian, căn nhà xa lạ, lạc loài giữa không gian cô quạnh
“còn rong rêu trên vừng trán của nhà thơ / nhân chứng áo xanh ăn mòn các kinh
sách trong thư viện ” (3). Con đường Bạch Đằng bồng bềnh những mái rêu xanh,
như một nhân chứng đã lắng nghe âm hưởng đơn độc từ những tiếng bước chân khắc
khoải giữa đêm khuya của nhà thơ “…Chỉ có mình tôi với rong rêu ưu phiền / buổi
mai trầm tư / với đôi tay trần chơ vơ như thỏi sắt… ” (3) , những bước chân đã
sớm phiêu bồng vào miền rêu phong xanh thăm thẳm của Huế cho đến khi nở rộ đoá
“hoa cô độc” (4) toả ngát hương rồi lụi tàn vào gió cát.
Rêu phong không chỉ quanh quẩn ở thị thành mà còn tản mát ở
những góc khuất của Huế, nơi những mái phố đơn chiếc, những đình làng yên ả xa
xôi,… bất cứ nơi nào dù ở miền quê hẻo lánh hay trên đồi núi cheo leo,… hễ có dấu
vết của rêu phong loang phủ là đã gợi lên một nỗi niềm u uẩn, một nét đẹp của
tâm hồn, sự lắng dịu trong lòng người để hướng vào thế giới nội tâm như “…Những
vệt rêu chiêm nghiệm cõi riêng mình… ” (5) dẫn dắt chúng ta về lại cố hương yên
bình. Và trong cuộc miên man trở về với quê hương, với cội nguồn,… ai ai cũng
mang nỗi sầu muộn, nuối tiếc,… lắng đọng trong tiết nhịp của thời gian lưu lại
nơi vết rêu loang buồn mà Trịnh Công Sơn đã trải nghiệm “…Ôi tiếng buồn rơi đều,
nhìn lại mình đời đã xanh rêu… “ (6)
Ôi ! Rêu phong Huế thật kỳ diệu đã tô điểm thêm những mảng
màu hy vọng cho vùng đất thần kinh cổ kính, uy nghi. Và rêu phong phần nào đã
níu giữ những giá trị xưa quý của quá khứ gửi vào trong tâm hồn con người. Bốn
loại vật chất đất, nước, gió, lửa (nhiệt) đã góp phần tạo nên vạn vật... và
cũng từ quy luật đó rêu phong xứ Huế đã tựu thành và khảm vào trong tâm thức của
người dân Cố đô một bức tranh trang nhã, lung linh và huyền ảo.
(1) Trong bản nhạc "Lệ Đá" của Hà Huyền Chi - Trần
Trịnh.
(2) Thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài "Thăng Long thành hoài cổ".
(3) Thơ của Ngô Kha trong trường ca "Ngụ ngôn của người đãng trí".
(4) Nhan đề một tập thơ của Ngô Kha.
(5) Thơ của Đinh Thu trong bài "Mưa làng".
(6) Trong bản nhạc "Tình xa" của Trịnh Công Sơn.
(2) Thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài "Thăng Long thành hoài cổ".
(3) Thơ của Ngô Kha trong trường ca "Ngụ ngôn của người đãng trí".
(4) Nhan đề một tập thơ của Ngô Kha.
(5) Thơ của Đinh Thu trong bài "Mưa làng".
(6) Trong bản nhạc "Tình xa" của Trịnh Công Sơn.
Lê Hoàng Hải
vé máy bay eva
vé máy bay đi boston mỹ
hang hang khong korean
vé máy bay đi mỹ giá rẻ
đặt vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich