Viết cho Cần và Thụy
Kính tặng anh chị Ngọc
Bạn thân mến
Thế là tôi đã ra đi khỏi
vùng đất Cà Mau và tôi có nhiều điều muốn kể với bạn. Tôi nhớ hôm ấy trời nắng
gắt, cơn nắng đổ lửa của Sài Gòn làm cho trời đất, cảnh vật và con người như
đang bị ngột thở ...Chiếc máy bay phản lực rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt và
bỏ lại sau lưng những làn khói trắng mịt mù. Trong không trung bao la, chiếc
máy bay lên cao dần. Tôi bật khóc từ trong lòng buồn ê ẩm và tôi chợt dưng cảm
nhận ra rằng mình như kẻ đang bơ vơ giữa cõi đời. Bên kia biển, nơi tôi đến,
không một mải mai nào tôi mường tượng ra nổi. Bên dưới kia, cánh đồng xanh bao
la là quê hương tôi đó, đang xa khuất dưới bao tầng trời mây xanh biếc chập
chùng...
Trong giây phút chia xa, tôi
nhớ quá những cánh đồng lúa cấy, những cánh rừng tràm bạt ngàn vùng U Minh của
mình. Tôi nhớ những bãi đất mới bồi với biết bao là những vạt rừng đước với
chùm rể chưn nôm cao lêu nghêu, xa xa trông giống như những người thời tiền sử
đang lom khom trên vùng đất mới để đi tìm một chốn dừng chân. Tôi nhớ những rừng
dừa nước với ô rô đầy gai nhọn, với dây cóc kèn vây kín mặt bùn, luôn khoác lên
vùng đất tận cùng quê hương tôi một dáng vấp hoang dã u tịch trầm buồn...Rồi
nào là những tàu lá dừa in bóng lung linh xuống dòng nước dọc theo những bờ
kinh rạch lớn nhỏ chằng chịt bất tận...Những tên gọi Cái Rắn, Cái Nước, Đồng
Cùng, Chà Là, Cái Keo, Bà Hính với con nước sông Bảy Hạp lên xuống theo mùa
trăng còn hiển hiện đâu đây trong tiềm thức thật đầy ...Và trong mắt, trong
tim, đâu đâu tôi cũng thấy một màu Cà Mau buồn bã vấn vương khó rời ... Dòng
sông Ông Đốc nước trong leo lẻo mùa nắng gắt hay đục ngầu mùa cá về đồng làm
xôn xao bao giọt máu trong lồng ngực đang chuyển lưu biết bao cảm xúc...
Tôi nhớ những vườn chim rợp
một màu lông trắng cứ mỗi bận chiều về, mà hồi còn nhỏ tôi với bạn thường rủ
nhau ra đó lượm trứng chim mang về. Những trứng chim tròn ủm với màu trắng ngà
ngà, những con chim ra ràng mập thù lù với đôi cánh vừa mọc những chiếc lông tơ
lúc nào cũng kêu chíp chíp chờ mẹ đút mồi, tất cả như còn đâu đây trong lòng
tôi niềm nhớ thiết tha ...Cả một vùng ấu thơ của mình bất chợt đang sống dậy
trong tôi khi chiếc máy bay đang rì rào lướt gió vượt ngàn trùng...
Tôi nhớ cái chợ nhỏ vùng
Khánh-Vân, cách Cà Mau độ chừng mười hai cây số, có mái nhà tôn dài chừng sáu
thước, nơi tôi sống từ hồi còn nhỏ xíu lúc cha mẹ tôi tản cư từ Cạnh Đền ra đây
hồi thời ly loạn. Những mạch tim tôi đập đều mà nghe như những giọt nước mưa
ngọt ngào rớt đều trên mái tôn dành cho mùa nước mặn nuôi mình. Tôi thèm quá
cái mát lạnh của gáo nước mưa lâu năm giữa mùa nắng gắt. Dường như ở xứ Cà Mau
của mình, nhà nào cũng có vài mươi cái mái vú bằng sành màu da lươn hay nhà khá
giả hơn lại xây những cái hồ bằng xi măng lớn chứa nước mưa để nuôi những con
người sanh ra và lớn lên giữa vùng biển mặn... Tôi nghe đâu đây tiếng máy đuôi
tôm đặt trên những chiếc vỏ lãi chạy sành sạch trên dòng kinh đổ về miệt U Minh
Hạ mà tưởng chừng như tiếng nhạc êm đềm quen thuộc, quyện với mùi khói xăng làm
thành một nét văn minh mới du nhập vào miệt rừng tràm từ thuở mình còn ấu thơ
khờ dại quê mùa ...
Tôi nhớ mùa chụp cá bằng lưới,
mùa tát đìa bằng gàu dai với những giỏ cá lóc đen ngòm, cá sặc rằn có râu dài
ngoằn, căn cái bụng đầy trứng giữa mùa nắng tháng hai. Bây giờ Cà Mau mình
không còn mùa nuôi trăn như mấy năm trước, nhưng có lẽ không ở đâu nuôi trăn
nhiều bằng ở đây lúc công việc này ở vào thời kỳ cực thịnh. Những con trăn dài
ngoằn cân nặng có đến vài chục ký lô, nằm ngổn ngang trong các lồng dây chì, được
các chủ nuôi hốt bạc hoặc bán quạ bán diều vào thời kỳ trăn không còn xuất cảng
ra ngoài, cũng làm tôi nhớ những khúc quanh đời có lúc thịnh, lúc suy mà nên
nghiền ngẫm ...Khi sống ở ngoài rừng hoang dã, chẳng biết loài trăn ăn mỗi
tháng được mấy lần hay như ông bà xưa kể lại loài trăn chỉ ăn một lần rồi no cả
tháng trời với mỗi một miếng mồi là một con chuột đồng? Nhưng khi được người
dân Cà Mau nuôi dưỡng đầy đủ, loài trăn này ăn dữ tợn quá; có con trăn lớn nếu
ăn no bụng, có khi đến vài ký thịt sống là thường. Tôi nhớ hồi còn nhỏ theo
cha tôi vào vườn bách thú Sài Gòn, có lần bắt gặp người ta thả những con thỏ hiền
hoà vào lồng trăn để làm mồi. Nhìn chú thỏ non với vẻ mặt ngơ ngác như kẻ mất
hồn, tôi bất nhẫn quá đỗi! Với cái tuổi ấu thơ, nhưng tôi đã nghĩ trần gian
này sao lại có những loài vật chỉ để làm mồi cho những loài vật khác một cách
đáng thương xót như vậy!
Còn mùa nào là mùa nuôi cá sấu
ở Cà Mau của mình nữa bạn? Những con cá sấu được nuôi để cung ứng cho những
món ăn đắt tiền nơi chốn ăn chơi đô hội của những kẻ dư tiền, làm người dân quê
nghèo vùng Cà Mau mình góp gom vài chút hy vọng. Những con cá sấu lúc nào cũng
như hiền từ, nằm im lìm bên bờ cỏ cạnh miệng ao hồ, nhưng không che giấu được
cái nét dữ tợn khi gặp phải miếng mồi chưa biết ngon hay dở. Tôi bỗng dưng nhớ
lại ông bà xưa của chốn thôn dã quê mùa nơi xứ xở U Minh mình kể lại, những
ngày mới vào đây khai mở đất lâm, cá sấu nằm đầy trong các bãi bùn, trong đầm lầy,
trên sông rạch mà tản thần hồn. Bao nhiêu mạng người đi tìm cuộc sống nơi đây
thời "Rừng Mắm" ở "Ô Heo"(*), lại phải nạp mình cho các hàm
răng bén ngót của loài cá sấu đang rải rác chực chờ trong sông nước, đầm lầy
... Thế đấy bạn, dường như dòng đời qua bao năm tháng thay đổi, đổi thay, cảnh
đời cũng nương theo sự biến dịch ấy rồi sinh ra những điều trái ngược cho hợp
thời, hợp cảnh. Hồi trước người dân quê sợ cá sấu, ngày nay người ta đua nhau
nuôi cá sấu vì muốn làm giàu ...
Và sau biết bao năm khai hoang
mở đất, xứ xở Cà Mau mình cây mắm vẫn miệt mài sinh sôi nẫy nở với vùng đất
sình lầy . Loài cây này có đời sống riêng của nó . Thịt cây mắm dai nhách, nên
củi mắm dành cho người nhà nghèo và những lò hầm gạch ngói đốt lò . Trái mắm rụng
đầy mặt nước, âm thầm trôi bềnh bồng vô định theo dòng nước đổ ra biển, chỉ làm
mồi cho loài ba khía vùng Cà Mau này ... Những chiếc rễ phụ không ăn luồn trong
bùn, trong nước mà lại vươn thẳng lên khỏi mặt bùn giống như rễ cây bần dọc
theo các bờ sông rạch. Người nhà quê gọi những rễ bần, rễ mắm với tên gọi quê
mùa là "cặc bần", "cặc mắm". Nhưng có một điều chắc chắn rằng,
nếu không có những rừng mắm, những cây bần âm thầm giữ đất với những rễ thở lộ
thiên như vậy, có lẽ mũi Cà Mau này không bò dài ra tận ngoài bờ biển xa như
ngày nay được . Nhờ rừng mắm và tiền nhân mình đi trước nên bờ cõi phương Nam mới
rộng lớn như bây giờ ... Thành ra, nếu có ai bảo rằng người lớn chẳng để lại gì
cho hậu thế, mà điển hình là thế hệ trẻ ngày nay, xem chừng những suy nghĩ như
vậy lại thiếu công bằng và thật tội nghiệp cho tổ tiên và những người già cả
!!!
Dường như người dân quê miệt
rừng tràm, rừng mắm, phần lớn họ cam phận cảnh đời nghèo khó nơi chốn U Minh xa
xăm này với những miếng ruộng nhỏ, những xuồng củi còn thơm mùi vỏ tràm vừa mới
chặt xuống hoặc những chuyến bắt cá đồng trên những đầm lung lưu lai nước ngập;
còn người nào muốn phiêu lưu thêm chút nữa thì thử một đôi lần ra biển tìm miếng
sống với biển bạt ngàn, sóng gió bão dông. Gần thì có ba khía, cua, ghẹ, ốc sò; ra ngoài khơi xa hơn lại có thêm được nhiều cá tôm sau mỗi chuyến lưới trở về.
Ngoài ra, ở quê mình vào những
năm tháng gần đây, cũng có một số cư dân lại sống theo những mùa ở chợ. Mùa
lúa thơm cho dân ăn gạo chê gạo khô, cơm nhão. Mùa mật ong cho dân chuộng mật
bông tràm hơn mật ong hút mật cây rừng vùng cao nguyên. Mùa cá lóc, mùa cá rô đồng,
mùa cá sặc rằn cho những người thích cá đồng hơn cá biển. Mùa củi tràm, củi đước
với biết bao gian nan phá rừng đốn củi, hầm than . Những cục than đước với ánh
lửa đỏ rực bập bùng trong cái lò bằng đất nung chín ở ngoài hòn để nướng những
miếng thịt sườn thơm ngát hay những nồi cơm nấu chín có lớp cơm cháy vàng hực
dưới đáy nồi, thơm phưng phức, làm ngon miệng cho mỗi bữa ăn của cư dân nơi
thành thị. Nhưng không biết có ai thử một lần nghĩ lại là trong cái hương vị
thơm ngon ngào ngạt ấy có cái vị mặn của mồ hôi những người dân quê nghèo vùng
Cà-Mau mình vào rừng chặt cây, hầm than cho đời có những bữa ăn ngon như vậy
không? Hay chỉ là một sự mua bán đổi chác thường nhựt giữa loài người với nhau
thôi?
Và còn nữa bạn ạ, Cà Mau
mình còn có những mùa tôm càng, mùa tép bạc, mùa sò huyết được nuôi trong các đầm
ao hầu tiếp sức với các mùa sinh sôi nẩy nở của các loài sò, tôm trên biển để kịp
với các trào lưu ngồi không thụ hưởng nữa!.
Bạn ơi,
Tôi cũng đang mường tượng lại
khoảng đường bộ dài hơn ba trăm bốn mươi sáu cây số từ Cà Mau về Sà -Gòn. Con
đường xa hun hút này, với chuyến xe đò cuối cùng đã đưa tôi đi xa miền quê của
mình, làm sao tôi quên được ... Rời Cà-Mau trong cái chập chờn lo nghĩ mình sẽ
về đâu, tôi chợt nhận ra những cánh đồng hai bên con lộ đang mùa lúa Hè Thu rợp
bóng mạ xanh, như có chút gì lưu luyến lắm ! Mới xa đó mà sao tôi lại nhớ những
mùa ba khía với món ăn của người nhà nghèo . Ba khía tách nhỏ ra rồi trộn chút
đường, một chút bột ngọt, vài tép tỏi đăm nhuyễn, nặn thêm một chút chanh, làm
thành hương vị chua chua, ngọt ngọt mà thèm một nồi cơm nóng hổi đang bốc hơi .
Khi ngang qua Bạc-Liêu, cách Cà-Mau tới những sáu mươi sáu cây số ngàn, tôi
nhìn qua những vườn tược khuất trong rặng cây mà mơ về vùng nhản Vĩnh-Châu ngọt
ngào. Và với Bạc- Liêu, tôi không thể không nhớ mùa cua biển những đêm tối trời
đầy gạch, béo ngậy vào những ngày mưa tháng bảy ... Bạc-Liêu còn là xứ làm muối
. Ngoài các cánh đồng lúa, Bạc-Liêu còn cho cư dân các vùng lân cận một loại muối
hột tốt vô cùng. Muối dù ngà ngà vì bãi biển Bạc-Liêu dường như còn ngan ngát
chất phù sa con sông Cửu-Long vừa mang đến đó, nên muối không trắng muốt như muối
Phan-Thiết, nhưng chất muối vùng này mặn mòi lắm. Hầu hết các loại cá mắm nơi
miền Tây này được dân quê dùng muối Bạc-Liêu để muối cá mỗi khi làm mắm, làm
khô ... Thành phố nhỏ, đường xá hẹp, nhưng làm sao tôi có thể quên được những
ngày mưa dầm về Bạc Liêu này thăm lại vài người bạn một thời quen thân ...
Bây giờ là mười giờ đêm nơi
Bắc Mỹ này, nơi tôi ở, dường như xa xôi dịu vợi... Còn nơi mũi Cà Mau mình là
ngày nắng hay đang tháng tám mưa dông? Nhắc tới nắng mưa, tôi không làm sao
quên được những ngày bão dông mà vùng Năm Căn, Cái Nước, Đầm Dơi xứ xở rừng
tràm, rừng mắm, rừng vẹt, rừng đước cùng những vạt dừa nước đã phải chịu đựng
tai ương. Những bà mẹ khóc con đi biển không về . Những người vợ nghe tin chồng
chìm tàu ngoài biển cả mà thảm sầu ủ dột ... Nhà nào cũng có người chết hoặc mất
tích theo ngọn gió chướng mang tin dữ vào một ngày dông bão ấy, như một nỗi ám ảnh
tôi bất tận. Dù đi xa tới bên này, nhưng lòng tôi vẫn không thôi nhớ về bên ấy
ngàn trùng với biết bao thương cảm những mảnh đời bất hạnh triền miên...
Bạn ạ,
Từ Cà Mau, khi chiếc xe chở
tôi mang đầy hành lý là nỗi bịn rịn cái tỉnh nhỏ nằm cặp bên bờ biển với rừng
tràm U Minh như một mùi hương huyền dịu, trong đó có bạn, bỗng dưng tôi lại có
cái ý ngộ nghĩnh là mình thử đếm từ Cần Thơ xem trên đường mình sắp rời xa quê
hương, có bao nhiêu chiếc cầu nối những bến bờ qua các dòng kinh rạch chằng chịt
trên con quốc lộ 4 cũ này, mà tôi đang đi qua . Dĩ nhiên rồi, tôi làm sao quên
được khi chuyến xe giả từ đã bò qua những nhịp cầu nơi ngã bảy Phụng Hiệp, rồi
Cầu Trắng, cầu Cái Răng, cầu Cái Khế ở phía bên này bờ bến bắc Cần Thơ. Mỗi lần
xe bò qua cầu chầm chậm là mỗi lần tôi nghe lòng mình như vương vấn một chút gì
khó tả .
Với Phụng Hiệp, tôi ghi đậm
trong lòng những dòng kinh đào chảy về bảy ngã chan hòa nước ngọt. Với Cầu Trắng,
tôi nhớ mấy đêm nằm ngủ dưới dạ cầu mà nghe xa xa tiếng súng nổ dòn của những
ngày chiến tranh. Với Cái Răng, tôi lại nhớ những tháng ngày ăn dầm nằm dề nơi
Chủng Viện lớn vùng này, những ngày tháng mà mỗi lần nhớ lại những luống cải
non, những giồng rau muống vừa mới trồng, những con lươn đựng đầy trong mấy
thùng phuy lút nhút là lòng tôi không khỏi xót xa cho một đoạn đời đã qua . Với
Cái Khế, làm sao tôi quên được những ngày ăn cơm tháng bên kia cầu hồi còn đi học
. Căn nhà của bà chủ nghèo nằm cạnh bên ụ tàu, gần lò làm thịt heo, thịt bò với
cái mùi ẩm mốc quanh năm . Bây giờ, dù thời gian có qua đi hơn ba mươi ba năm,
mà sao tôi vẫn thấy nhớ những bữa cơm đạm bạc cho qua ngày qua bữa của những
năm tháng nhà nghèo cơ khổ ...
Và rồi, khi rời bến bắc
Cái-Vồn, tôi thử đếm những chiếc cầu. Qua khỏi bến bắc của dòng sông Bassac,
đi một đổi, chiếc cầu đầu tiên mà tôi bắt đầu ghi nhớ là cầu Cái Dầu bắt ngang
con rạch nhỏ dẫn vô những miếng vườn mận, vườn ổi, vườn xoài. Rồi tiếp đó thuộc
vùng đất Vĩnh Long là cây cầu Bình Minh, nơi cái quận cuối cùng của vùng đất
Vĩnh Long giáp với bờ sông Hậu bên này, phía bên kia sông là xứ xở Cần Thơ.
Liên tiếp trên con đường đá rải nhựa đen, lần lượt tôi lại qua những cây cầu lớn
nhỏ nữa để về hướng Mỹ Thuận, theo thứ tự như cầu Cái Vồn Lớn, cầu Rạch Mút, Cầu
Mù U, cầu Ba Càng, cầu Phú An, cầu Phú Quới, cầu Lộc Hoà, cầu Ô-Me Nhỏ, cầu Đường
Chùa, cầu Tân Hữu, cầu Bình Lữ, cầu Cái Cam, cầu Cái Côn, cầu Cái Đôi, cầu Huyền
Báo, cầu Nước Đục, cầu Mỹ Hưng, cầu Rạch Giồng ...
Khi chuyến xe rời khỏi Vĩnh
Long, dòng sông Tiền Giang đang giăng ngang trước mặt với mặt sông rộng bao la
một đời chảy xuôi ra biển. Và trước mắt tôi, dưới bánh xe rì rào, từ bên này
sông sang bên kia sông là cây cầu treo Mỹ-Thuận đang nằm vắt võng trên dòng sông
cái, với hai cây trụ hình chữ U đang treo lủng lẳng một thân cầu dài có đến
1.355 thước tây, cùng những sợi dây cáp lớn bằng ống chưn nằm bên trong, lớp ny
lon màu trắng bọc bên ngoài, như những mạng nhện tua tủa thành hình rẻ quạt.
Chiếc cầu rộng, với bốn đường xe chạy ngược xuôi, và tim đường được ngăn bởi
hàng trụ đèn điện đứng kè kè dưới chân với hàng bê tông đúc sẵn. Hai lề đường
có hai lối đi bộ dành cho khách bộ hành chật ních những bước chân. Và cả rác nữa,
đủ loại, nằm ngổn ngang dưới chân người qua lại.
Khi xe qua cầu chầm chậm,
tôi liếc mắt nhìn lại bến bắc cũ một thời như bến cảng náo nhiệt ồn ào xe cộ,
bây giờ lại vắng vẻ vô cùng. Tự nhiên tôi bỗng cảm thấy lòng mình đâm ra buồn
bã , tái tê ; một nỗi buồn trĩu nặng biết chừng nào khi hồi tưởng về một biến đổi
trong dòng sông này, một biến đổi vui buồn lẫn lộn khó tả . Người qua sông thì
vui vì họ không phải đợi chờ những chuyến đò ngang; còn người sống với nghề bán
buôn quanh quẩn bên bờ sông Mỹ Thuận thì lại buồn muốn khóc, vì miếng cơm manh
áo phải bắt đầu lại từ đầu, đâu phải dễ tìm như mọi khi . Nhưng có lẽ sự đời buồn
nhất là những chiếc bắc lớn cồng kềnh một thời chở đầy trong lòng mình nào là
xe cộ cùng khách bộ hành, hiện giờ như đang lưu lạc về một vùng heo hút nào, vô
định ! Những bến bờ quạnh hiu ở một bến sông nào đó, sẽ là một bến mới, là nơi
dừng bước giang hồ mới của những thân tàu nặng nề, cũ kỹ, đang bị hất hủi nơi bến
đò cũ này, sau bao năm tháng dày dạn sóng nước, dầu dãi biết bao mùa nắng mưa,
bão táp .... Nơi bờ bến mới đó, những mảnh đời cũ kỹ, phong sương của các chiếc
bắc nặng nề sẽ sống nốt quảng đời còn lại của mình sau mấy mươi năm chứng kiến
những cảnh đời thay đổi trên một bến nước chừng như lúc nào cũng cuồn cuộn sóng
to gió lớn giữa dòng sông chảy xiết ....
Từ trên cầu cao, nhìn xuống
dòng nước thấp dưới kia, tôi cảm nhận dường như dòng nước đang giận hờn khi có
những trụ cầu cắm sâu vào lòng đất tận đáy sông. Lần đầu, nơi này, con sông Cửu
Long thấy đau trong lòng, một nỗi đau tê tái biết chừng nào, khi con nước êm đềm
không còn thong dong trôi xuôi như ngày nào nữa . Nước sông tháng tám là nước đổ
từ trên nguồn đổ xuống mà ! Cây cầu Mỹ Thuận lại chận ngang dòng nước, sức nước
đổ càng cuồn cuộn, xoáy mạnh hơn nhiều ... Nhìn dòng nước chảy dữ dội, tôi chợt
nhận ra dòng Cửu Long uất nghẹn lắm ! Có lẽ vậy, nên sau bốn mươi năm qua đi,
mùa mưa tháng tám này nước sông Cửu Long đã dâng lên tràn ngập khắp các cánh đồng
vùng đồng bằng này như chưa bao giờ nước dâng lên dữ dội như vậy. Từ Châu Đốc,
Tân Châu xuống Long Xuyên, Sa Đéc, từ Tân Hồng, Tam Nông, Hồng Ngự xuống Phong
Mỹ, Cao Lãnh, Kiến Tường, Mộc Hoá, Long An ... đâu đâu cũng nước là nước lênh
láng như biển ngàn trùng. Chẳng những ngập trên đồng trống bao la với mực nước
lên cao đến bốn thước tính từ mặt ruộng, nước còn tràn về nơi chợ búa thị
thành; nơi nào nước cũng ngập lụt, mưa dông tầm tả và mang đến cho cư dân biết
bao thảm cảnh. Xe cộ chạy trên đường như tàu bè chạy dưới sông làm tán loạn mọi
điều đã có nề, có nếp.
Dân tình chạy nước bỏ cửa bỏ nhà, lang thang như kẻ mất hồn. Người người đói khát, rách rưới te tua, màn trời chiếu đất không bút mực nào tả xiết . Nhà nhà ngập lụt, mái lá rách nát tiêu điều, xập đổ ngổn ngang không lời lẽ nào kể thấu . Cảnh khổ bời bời , cái đói, cái đau nhan nhản trên từng dòng nước cuốn cuồn cuộn, mang tai họa đến cho những người dân quê mà đời kiếp nào họ cũng bám lấy ruộng đồng để sống. Những bờ đất cao nào đó còn sót lại sau một cơn mưa lớn là một chút hy vọng cuối cùng cho những người đang tuyệt vọng ! Vài chòm điên điển lưa thưa dọc theo một mé mương, một bờ cỏ nào, với vài chiếc bông nhỏ nhoi màu vàng còn sót lại giữa biển nước ngàn trùng, cũng gợi lên chút hy vọng để những người đang chạy nước lụt bám vào hầu kiếm chén cháo, muỗng cơm .
Dân tình chạy nước bỏ cửa bỏ nhà, lang thang như kẻ mất hồn. Người người đói khát, rách rưới te tua, màn trời chiếu đất không bút mực nào tả xiết . Nhà nhà ngập lụt, mái lá rách nát tiêu điều, xập đổ ngổn ngang không lời lẽ nào kể thấu . Cảnh khổ bời bời , cái đói, cái đau nhan nhản trên từng dòng nước cuốn cuồn cuộn, mang tai họa đến cho những người dân quê mà đời kiếp nào họ cũng bám lấy ruộng đồng để sống. Những bờ đất cao nào đó còn sót lại sau một cơn mưa lớn là một chút hy vọng cuối cùng cho những người đang tuyệt vọng ! Vài chòm điên điển lưa thưa dọc theo một mé mương, một bờ cỏ nào, với vài chiếc bông nhỏ nhoi màu vàng còn sót lại giữa biển nước ngàn trùng, cũng gợi lên chút hy vọng để những người đang chạy nước lụt bám vào hầu kiếm chén cháo, muỗng cơm .
Trời thì cao mà con người
nơi vùng nước lụt lại quá bé nhỏ, nên tiếng kêu than sao thấu nổi đến Ngọc
Hoàng !?! Tôi chợt nghĩ, đất nước mình với dân quê nghèo triền miên, với những
vườn tược phải đổi mùa liên tục, với những cánh đồng lúa thần nông mỗi mùa chỉ
vỏn vẹn có ba tháng mười ngày, luôn bị đe dọa từ bao nhiêu tai ương của các giống
dịch bịnh, biết đến bao giờ mới thoát khỏi thiên tai bão lụt ! Và cũng lần đầu
tiên, trong suốt quảng đời của mình, con sông Cửu Long vốn dĩ hiền hòa, cứ âm
thầm mang lại cho vùng đồng bằng này biết bao nhiêu là phù sa, màu mỡ, và bây
giờ, đành phải khựng lại giữa dòng đời đang trôi xuôi của mình với cây cầu Mỹ
Thuận đang ngạo nghễ trên cao, ngăn dòng nước chảy ... Sông có đời của sông,
nên dòng nước Cửu Long năm này cũng biết buồn giận là vậy ! Tôi nghe lòng mình
nao nao một nỗi buồn khôn tả, tê tái tâm can đến rã rời, bủn rủn ...
Nếu có ai đó hỏi nhỏ bạn, Việt
Nam mình có gì lạ vào mùa mưa năm 2000 ? Có lẽ bạn sẽ trả lời không do dự chút
nào là sự có mặt của cây cầu Mỹ Thuận trên sông Cửu Long, kéo theo một mùa lụt
lội lớn nhất trong vòng bốn mươi năm qua tại vùng đồng bằng này, đã tàn phá mùa
màng, cỏ cây, vạn vật, con người như chưa bao giờ lũ lụt lớn như vậy ...
Chiếc xe tiếp tục chạy. Những
cánh đồng hai bên con lộ về miệt Đồng Tháp Mười cũng như hướng vườn đổ về phía
tay mặt chạy ra bờ sông Cửu Long đang chìm trong biển nước. Tôi đành bỏ lại phía
sau lưng một bến bắc năm nào mà nếu ai đã có lần đi qua đều ghi đậm lại trong
tâm khảm mình một chút kỷ niệm khó phai . Chuyến xe lăn bánh chầm chậm qua cầu Giáo
Đức.
Ngôi chợ quận nhỏ này cũng đang buồn bã với những chuyến xe không dừng lại mỗi lần chờ bắc qua sông. Vùng vườn ổi, vườn mận, vườn xoài trùng trùng điệp điệp này đang thấp thỏm khi khách bộ hành không còn cơ hội dừng lại để chọn lựa những giỏ ổi xá lị, giỏ mận hồng đào, hoặc giỏ xoài cát tươi màu cho một lần đi ngang qua vùng An Hữu ...
Ngôi chợ quận nhỏ này cũng đang buồn bã với những chuyến xe không dừng lại mỗi lần chờ bắc qua sông. Vùng vườn ổi, vườn mận, vườn xoài trùng trùng điệp điệp này đang thấp thỏm khi khách bộ hành không còn cơ hội dừng lại để chọn lựa những giỏ ổi xá lị, giỏ mận hồng đào, hoặc giỏ xoài cát tươi màu cho một lần đi ngang qua vùng An Hữu ...
Qua khỏi ngã ba An Hữu, chỗ
ngã tẻ giữa quốc lộ 4 cũ với con đường tỉnh lộ đi về Cao Lảnh với vườn táo Thái
Lan dọc hai bên đường đang mùa ra bông , chuyến xe hướng về miệt Sài Gòn lại lần
lượt đi qua các cây cầu Rạch Chanh, cầu Bà Lâm, cầu Cổ Cò . Nơi đây, ngày xưa mỗi
lần qua vùng này, tôi không thể nào quên cây cầu Cổ Cò với nhiều chứng tích chiến
tranh của vùng Long Định, Sầm Giang. Nào là những mô, những mìn, những đoạn đường
đứt khúc cùng những ngọn dừa, ngọn cao, những đồn bót, những mái nhà đầy vết đạn
loang lổ cùng khắp của một thời đã qua rồi, tròn hai mươi lăm năm ... Đi lần
theo con quốc lộ, xe băng băng qua những cây số đường dài để về Cai Lậy, Trung
Lương, chuyến xe lại lừ đừ lên dốc rồi vùn vụt xuống dốc của mấy cây cầu Rạch
Miễu, cầu Mỹ Đức Tây, cầu Ông Hưng, cầu Ông Vẽ, cầu Mỹ Thiện, cầu Trà Lọt, cầu
Bà Phú, cầu Thông Lưu, cầu An Cư, cầu Bà Đắt, cầu Bà Tồn, cầu Bình Phú, cầu Cai
Lậy .
Thật tình, từ Long Định về đến
Cai Lậy này, con đường lộ đá không xa mấy mà bạn đã nhẩm đếm thử đã có đến mười
ba cây cầu lớn nhỏ rồi . Điều này cho thấy vùng Cái Bè, Long Định, Cai Lậy kinh
rạch chằng chịt biết dường nào! Phải chăng vì "lập vườn thì phải khai
mương" nên nơi đây là cả một vùng cây lành trái ngọt quanh năm chăng? Có
lẽ không riêng gì vùng này bạn à, mà khắp miền sông nước Cửu Long mình, đâu đâu
cũng đầy ắp những dòng nước mát ngọt ngào bốn mùa như vậy. Thế nhưng, từ thị trấn
Cai Lậy về đến ngã ba Trung Lương, bạn chỉ phải đi qua hai cây cầu nhỏ là cầu Mỹ
Quý và cầu Kinh Xáng. Đi qua vùng này, hai bên con quốc lộ là ruộng vườn liền
mí với những bờ xoài, bờ chuối . Đất ruộng hẹp, nên tầm mắt cũng đành thu ngắn
lại với những rặng cây xanh che ngang trước mặt thật gần, nhưng làm sao mình thấu
hết nỗi niềm của cư dân nơi này quanh năm cứ quẩn quanh bên bờ xoài, bờ chuối
... Nhất là, là con đường tỉnh lộ từ Cai Lậy về Mộc Hóa bạn có nghe ai nhắc lại
bao cảnh đời ngang trái đã qua đây với Vườn Xoài ngày trước, với cánh đồng năn
chen giữa những vùng lúa thấp bị nước nhận chìm của hôm nay không?
Từ ngã ba Trung Lương về hướng
Sài Gòn, đường còn xa dịu vợi nên tôi không làm sao nhớ hết những cây cầu trên
đường khi chuyến xe lăn bánh rì rào ... Nhưng chắc bạn cũng đồng ý với tôi rằng
ba cây cầu lớn là cầu Tân An, cầu Bến Lức, cầu Bình Điền không khách lữ hành
nào không nhớ tới . Nhớ hồi nhỏ khi hai cây cầu Long An và Bến Lức còn là những
cây cầu sắt hẹp do Tây để lại, cứ mỗi lần qua đây là mỗi lần phải chờ bảng đỏ,
bảng xanh của một người lính gác cầu đang ngồi trong tháp canh cao vòi vọi . Vì
cầu hẹp, nên xe chỉ chạy một chiều, bên này qua xong lại đến lượt bên kia theo
dấu hiệu bảng xanh, bảng đỏ của người lính gác . Lần nào cũng vậy bạn ạ, khi xe
ngừng là tôi thèm ăn một miếng khóm vùng Bến Lức tươm mật chấm với chén muối ớt
đỏ tươi mà chảy nước miếng. Khóm vùng đất Long An này ngọt kỳ lạ như chưa bao
giờ được ngọt .
Sau này, khi có dịp về ngang
qua Tắc Cậu, Gò Quao, Kinh Năm, Hỏa Lựu, Long Mỹ, Vị Thanh để xem cảnh, xem người
và nhìn lại đời mình, tôi có nhiều suy nghĩ . Ở đó, từ những cánh rừng tràm
hoang rậm, những người trai trẻ từ muôn phương đổ về đây đem mồ hôi và nước mắt
biến đổi khu rừng này thành một vùng với khóm là khóm thật trù phú ... Có lẽ
nơi nào có mồ hôi của con người nhễu xuống, nơi đó đất sẽ tươi màu hơn ! Không
biết có ai đang sống ở vùng này có một lần nào nhớ lại những giọt mồ hôi, những
giọt nước mắt, kể cả những thân xác vô danh vùi chôn giữa rừng tràm của những
người trẻ đến đây vào những năm đồ khổ, để khai hoang mở rừng cho họ có đồng
xanh, khóm tốt như hôm nay chăng ? Dịp này, tôi mới hiểu thêm một điều là vùng
đất nào nhiều phèn chua trồng khóm sẽ ngọt như đường . Bằng ngược lại, nếu có
ai mang giống khóm vùng Tắc Cậu trong Rạch Giá hoặc Hỏa Lựu thuộc Vị Thanh về
vùng nước ngọt miệt Long Xuyên, Cần Thơ mà trồng, giống khóm này sẽ cho những
trái khóm chua làm bạn nổi da gà mỗi lần có ai mời bạn ăn thử . Bây giờ, ngồi
nơi này hồi tưởng lại, dù khóm chua, khóm ngọt gì thì cái chất quê hương cũng
hơn một lần đã để lại nơi lòng mình nỗi tê tái biết dường nào khi chợt nhớ về!
Và tôi cũng nhận ra một điều, trong dòng đời này, dù bạn đi trên những dòng
sông nước mát hay trên những con lộ đất đá dẫn đến một nơi chốn nào đó để kiếm
tìm một đời sống, bạn cũng đều phải đi qua những cây cầu lớn hoặc nhỏ, không
làm sao tránh được. Chỉ có điều khác nhau là bạn đang đi trên cầu với dốc thấp,
dốc cao làm bạn mỏi mệt với tuổi đời hoặc bạn đi lòn dưới dạ cầu với dòng nước
chảy xiết dường như lúc nào cũng muốn xô bạn tới gần những trụ cầu đang cấm chặt
trong lòng sông nước xoáy!.
Đời sống, dù ở đâu cũng
không dễ dàng chút nào, phải thế không bạn ? Và bài học ở đời, có lẽ, ai đã từng
trải, bầm dập nhiều phen rồi, đều rút ra được những kinh nghiệm từ những lần bò
lên dốc hoặc đã hơn một lần tuột dốc trên dòng đời này ... Còn khi người ta
đang ở một nơi chốn nào đó bình an, sung túc rồi, những điều đắng cay dường như
cũng lầm lũi ẩn náu một nơi nào của cõi lãng quên, ít ai còn muốn nhớ, muốn tìm
kiếm, nói gì đến việc rút ra những điều cần học hỏi, những kinh nghiệm ...
Bạn ơi,
Căn nhà tôi đang ở, nơi một
gốc sân nhỏ, người chủ nhà có trồng một khóm bông qùy, loại hướng dương lá xanh
với bông màu vàng sậm đang tới mùa nở rộ . Mỗi sáng sớm, khi mặt trời vừa lên đỏ
rực, những nụ bông cũng nở theo mặt trời . Loài bông quen thuộc tên gọi này dường
như người nào ở quê mình cũng đều biết đến . Mỗi bông như vậy gồm hai mươi tám
đài hoa màu xanh, nâng lấy bốn mươi tám cánh hoa màu vàng xen kẻ nhau, xếp
thành hai lớp trên và dưới, mỗi lớp hai mươi bốn cánh, làm thành một chiếc dĩa
vàng rực thật kỳ diệu . Ngay giữa những cánh hoa là một cái nhưn màu xanh xếp
thành những vòng tròn đồng tâm thật sắc xảo, lớn nhỏ tùy theo mỗi bông, giống
như một cái dĩa kiểu nhỏ đựng sôi màu lá cẩm . Cái nhưn màu xanh ấy chính là những
mầm sống cho các thế hệ tương lai; đó là những hạt giống cho những mùa bông
vàng rực sang năm hay nhiều năm sau nữa. Bên rìa cái dĩa màu xanh là những nhụy
hoa màu vàng. Một buổi sáng thật tình cờ, tôi bắt gặp một chú ong mật đang say
sưa hút nhụy hoa vàng còn đọng mấy giọt sương long lanh, mát rượi. Bạn có biết
khi nhìn con ong đang hút nhụy say sưa như vậy cũng là lúc tôi đang nhớ tha thiết
hương thơm muôn loài bông hoa trong rừng U Minh của mình vào mùa ong tìm mật
không?
Hôm nay, ngồi viết những
dòng này gởi về quê nhà cho bạn thì khóm qùy vàng cũng đang tàn dần trước cái lạnh
của mùa Thu nơi xứ xở này. Có những chiếc lá đã khô; có những cánh hoa vàng đã
héo; có những hạt non đã già với màu đen sậm hơn hồi bông mới nở và có những
cuống bông gãy gục xuống như những thân xác già nua không gượng dậy nổi sau những
ngày khoe sắc thắm vàng rực giữa đất trời. Mỗi sáng nào, tôi cũng nhìn thấy những
chú chim se sẻ nhỏ tíu tít, tranh nhau tìm kiếm những con sâu nhỏ nằm ẩn mình
trong đám lá qùy khô héo như đi dự một bữa tiệc ... Bất giác, tôi nhớ lại hai
câu thơ cổ, diễn tả nỗi lòng của loài hoa qùy vàng mà nghe thấm thía một đời
hoa tàn héo:
"Hoàng hoa linh lạc vô
nhân khán,
Độc tự khuynh tâm hướng thái
dương ."
Bạn ơi,
Lá thư viết cho bạn cũng khá
dài, mà tấm lòng người xa xứ sao vẫn còn ấp đầy thương nhớ . Bắt đầu đời sống ở
đây, tôi cũng phải đi làm, cũng phải thức khuya dậy sớm cho những công việc áo
cơm như hồi bên nhà vào những ngày mùa cấy gặt hoặc đi rừng lấy củi, ra biển bắt
cua ...Và nhờ vậy mà tôi được gặp gỡ và hiểu được phần nào tấm lòng của người
Việt xa xứ nơi này. Những giọt mồ hôi rớt trên những xấp giấy, được sắp xếp
ngay ngắn để cho vào chiếc máy đóng sách đang ầm ầm nuốt vội hoặc những giọt nước
mắt được nén lại, rồi chảy tràn trong cổ họng mặn đắng vào những lúc cảnh đời
làm đảo ngược nhiều thứ, nhất nhất nỗi niềm riêng nào cũng được gói trọn trong
những tờ giấy bạc để gởi về giúp đở cho thân nhân mình...Có những ông chú già
nua, có những bà dì tay yếu chưn run, nếu ở quê mình, có lẽ những người tuổi
tác này đã được con cháu gánh vác hết mọi nhọc nhằn mà tĩnh dưỡng tuổi xế chiều;
nhưng ở đây, họ vẫn mỗi ngày cơm gói mo cau đi đến sở làm, không nề hà vất vả,
kể cả vào những ngày mùa Đông, tiết trời nơi này tuyết rơi trắng xóa, giá lạnh
thấu xương, để kiếm chút tiền gởi về quê giúp đở thân nhân tận dưới miệt Cà
Mau, Năm Căn, Cái Nước hay bất cứ thôn xóm, thị thành nào bên nhà .
Biết được tấm lòng, nhìn qua
sức khỏe suy dần với mái tóc hoa răm hay bạc trắng của những người già nơi đây,
rồi nhớ lại lúc tôi còn bên nhà, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tiêu xài, hoang
phí những đồng tiền của người thân từ các chốn xa xăm nơi xứ người gởi về giúp
đở, tôi lại càng thấm thía câu thơ cổ mà tôi vừa nhắc cùng bạn . Giữa đoá qùy
vàng và tấm lòng người viễn xứ có khác gì nhau, phải thế không bạn?.
Những chiếc lá sặc sở màu đỏ,
rồi ngã ra vàng của rừng Thu nơi này cũng bắt đầu lìa cành, rụng ngay dưới gốc
cây già, rồi sẽ mục rã thành đất, thành bùn để làm phân bón cho mùa lá mới năm
sau, giống như miệt Cà Mau mình, lá cũng rụng để nuôi cây rừng quanh năm tốt
tươi dày đặc ...Dù rừng ở xứ lạnh hay rừng nơi vùng nhiệt đới gió mùa, cũng đều
có chung nhau những mùa thay lá; chẳng khác nào trong cõi đời này, dù ở bất cứ
dãi đất nào, thế hệ già bao giờ cũng đi trước lót đường cho các thế hệ con cháu
mai sau tiến bước, đi lên ... Gió thu hiu hắt lạnh. Những chiếc lá khô của khóm
qùy vàng đang ủ rủ ngoài sân cũng lắt lư theo gió rụng dần... Và tôi đang nhớ về
Cà Mau, nhớ những ruộng vườn trên đường tôi đi qua đang bị chìm trong cơn nước
lụt đến não lòng... Tôi nhớ và thương cảm những mảnh đời bất hạnh trong cảnh chạy
nước lụt mưa dầm, chỉ còn vỏn vẹn tấm vải ni lon che mưa, che nắng, chiếu đất
màn trời ...Tôi nhớ về thân phận một bến sông xưa và những chuyến phà cũ năm
nào thân ái ...Dĩ nhiên rồi, tôi cũng nhớ bạn nữa, tôi xin nghiêng mình nễ phục
những tấm lòng độ lượng của người xa xứ nơi này, và tôi lại thấy thương tôi ...
Bạn ơi, tôi đã viết lá thư
này xong từ dạo tháng mười, khi nơi tôi ở ngoài trời mây bay vần vũ khắp cùng.
Gió lạnh từ phương bắc kéo về làm không gian buồn tê tái như tê tái lòng người
xa xứ. Thế nhưng, lần lữa ngày qua ngày, nay thì nơi này đang đón ngày Tết
Nguyên Đán năm Tân Tỵ giữa mùa tuyết rơi trắng dã đất trời ... Lần đầu tiên xa
xứ và cũng là lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, tôi cảm thấy lòng mình buồn muốn khóc
được. Tôi nhớ cha mẹ tôi còn đó nơi cái chợ nhỏ Khánh Vân. Tôi nhớ căn nhà có
mái tôn chờ mùa nước mưa làm nước ngọt nuôi mình. Tôi nhớ lại những con đường
tôi vui chơi ngày thơ ấu. Tôi nhớ những thị trấn, làng quê mà tôi đã đi qua.
Và tôi nhớ rất rõ chuyến bay chở tôi rời xa đất nước giữa mây trời cao vòi vọi
...Và không có gì lấp đầy nỗi nhớ khi chung quanh tôi là muôn trùng tuyết phủ, nhưng tôi không quên cầu chúc bạn một năm mới với muôn điều may mắn, an lành
và hạnh phúc ...
Thân ái.
Tết Tân Tỵ, năm 2001
Lương Thư Trung
Trả lờiXóađại lý vé máy bay eva air
vé máy bay đi mỹ giá rẻ nhất
korean airlines
đặt vé máy bay đi mỹ ở đâu
giá vé máy bay từ tphcm đi canada
Những Chuyến Đi Cuộc Đời
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thức Du Lịch