Đang quay cuồng trong những ngày cuối năm bận rộn thì bỗng
nhiên được mail của hai vợ chồng bạn thân rủ rê – Đi Đông Bắc không? Sao lại
không? Ai chẳng mơ một lần đến vùng đất đầy quyến rũ với những thửa ruộng bậc
thang đẹp đến ngỡ ngàng, những chợ phiên rực rỡ sắc màu và nhất là cao nguyên
đá huyền thoại Đồng Văn.
Tuy vậy, dù vẻ tiếc nuối hiện rõ trên gương mặt, chồng tôi vẫn
nã phát súng tối hậu - Không thể rong chơi trong lúc này! Nhưng rồi nhìn vẻ thất
vọng não nề (có phần cường điệu) của vợ, sau mấy phút đắn đo, anh đưa ra phán
quyết đầy vị tha - Thôi thì… cứ đi.
Cao nguyên đá Đồng Văn – ngút ngàn thế giới đá
Ảnh: Nguyễn Văn Thu
Chúng tôi là những thành viên cuối cùng đặt chân xuống phi
trường Nội Bài, nhập vào nhóm bạn bè tổng cộng 20 người, trong đó hết 18 người
từ Sài Gòn bay ra để tham gia chuyến đi.
Điểm dừng chân đầu tiên là thành phố Hà Giang nằm trong thung
lũng bốn bề vách núi tựa rèm che, một trong những vùng văn hóa sớm nhất của Việt
Nam nơi tìm thấy hàng ngàn di vật thời tiền sử.
Tối đó đoàn được thưởng thức món đặc sản dê núi nổi tiếng.
Cánh đàn ông hào hứng nhâm nhi rượu ngô truyền thống với chén tiết canh dê nức
danh ăn vào cứ thấy phừng phừng như dê trước ánh nhìn e ngại của các quý phu
nhân.
Sáng sớm hôm sau mọi người lên đường đi Quản Bạ, một huyện
biên giới của tỉnh Hà Giang. Ra khỏi thành phố chẳng bao lâu, cảm giác như lạc
vào một thế giới khác – thế giới của đá, với trùng điệp núi cao vẽ lên nền trời
những đường cong vô tận.
Ruộng bậc thang Hà Giang đẹp như tranh vẽ
Đường đèo tựa như con rắn uốn mình qua cơ man những khúc cua
hẹp, vừa ngoằn ngoèo vừa khúc khuỷu mà lại hiếm có những thanh chắn bảo vệ,
thách thức thần kinh người miền xuôi.
Quay nhìn lại, ai nấy choáng ngợp vì cảnh tượng kỳ ảo – con
đường vừa đi qua giờ trông như dải lụa trắng thắt hờ vòng eo núi. Chiếc xe nhọc
nhằn trèo đến đỉnh dốc Quản Bạ cao 1.500 mét được định danh là cánh cổng bước
lên cõi trời.
Thiên hạ í ới gọi nhau trèo mấy chục bậc thang vén mây mở cổng
trời háo hức chiêm ngưỡng bức tranh miền sơn cước, trong một thoáng tưởng mình
đang thong dong cưỡi gió ngắm trần gian.
Nổi bật giữa thung lũng là Núi Đôi, tác phẩm nghệ thuật tạo
hóa ban tặng cho vùng đất này. Núi Đôi được gắn với truyền thuyết chuyện tình
chàng trai người H’mông mà tiếng đàn môi gợi tình đã quyến rũ nàng tiên rời thượng
giới xuống trần gian để nên vợ nên chồng và sinh con đẻ cái.
Khi Ngọc Hoàng phát hiện ra và sai người đón về, nàng tiên
thương con thơ sớm xa mẹ đã để lại đôi bầu sữa, về sau biến thành hai quả núi
hình dáng hệt bộ ngực căng đầy, mời gọi các đấng nam nhi chụp ảnh với bàn tay
đưa ra tạo dáng như đang ve vuốt tuyệt tác của tạo hóa.
Lại lên xe tiếp tục hành trình đằng đẵng hàng trăm cây số đường
đèo vắt vẻo lưng chừng trời. Đỉnh dốc Quản Bạ chính là cửa ngõ đầu tiên dẫn vào
cao nguyên đá Đồng Văn, một di sản thiên nhiên mang tầm thế giới, gồm các huyện
Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.
Cõi đá trời này quả là nơi thử thách nghị lực con người –
khoét đá trồng ngô, đục đá làm đường, đẽo đá xây nhà, chất đá làm rào, đá đắp bờ
ngăn ruộng, đá xếp thành tường lũy biên thùy.
Dọc đường cả nhóm ghé thăm làng Lũng Cẩm từng làm bối cảnh
cho bộ phim Chuyện của Pao. Đây là một bản làng đặc trưng của đồng bào vùng cao
với những nếp nhà thấp, mái ngói âm dương sẫm màu sương gió, được bao bọc bằng
bờ rào kiên cố gồm những viên đá đủ kích cỡ xếp lèn vào nhau mà không cần chất
kết dính.
Đôi gò bồng đảo thiên nhiên – Núi Đôi
Làng vắng lặng vì hầu hết dân làng đang quần quật trên bao la
đồi nương, chỉ còn người lớn tuổi ở nhà chăm sóc lũ trẻ. Một cụ già người
H’mông thân mật mời cả đoàn vào chơi, mọi người ngồi thụp xuống đất sưởi ấm bên
bếp lửa hiu hắt trong gian nhà vách đất thiếu ánh sáng, đồ đạc hầu như không có
gì.
Chia tay Lũng Cẩm, xe trực chỉ đến Lũng Cú – một xã của huyện
Đồng Văn ở cực Bắc địa đầu tổ quốc. Từ xa đã nhìn thấy cột cờ Lũng Cú cao tít
trên núi Rồng, mà sử sách ghi rằng được hình thành từ thời Lý Thường Kiệt khi
ông hội quân trấn ải biên thùy và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc.
Quang Trung - Nguyễn Huệ sau khi đại thắng quân Thanh cũng
cho đặt chiếc trống đồng ở vị trí này nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia và làm
hiệu lệnh xuất binh.
Theo thời gian, cột cờ được trùng tu nhiều lần và hiện nay được
xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội thu nhỏ với thiết kế hình bát giác. Đứng co
ro trên đỉnh Nam quốc sơn hà trong buổi chiều mùa đông miền biên ải, sao bỗng
dưng thấy chạnh lòng nước non.
Bà mẹ trẻ ở Lũng Cẩm
Đoàn lữ hành trải qua đêm đó tại thị trấn Đồng Văn quanh năm
mây mù – đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng. Phố cổ Đồng Văn ở
trung tâm thị trấn có khoảng 40 ngôi nhà tuổi đời hàng thế kỷ nép mình trong
không gian trầm mặc nơi cao nguyên đá.
Qua mấy ngày lang thang, cả nhóm được làm quen ẩm thực vùng
cao với đặc sản gà đồi, lợn bản, cá suối, dê núi vừa ngon vừa rẻ, rồi nào là lạp
sườn hun khói, thịt trâu treo gác bếp, lại thêm cải ngồng xanh mướt, canh đậu
ngọt bùi…
Xót người vùng cao cơ cực kiếm sống cũng như quen lệ chốn phồn
hoa, mỗi khi ăn uống hay mua hàng chúng tôi thường để lại tiền tip hậu hĩ. Điều
bất ngờ là mọi nơi chúng tôi đi qua, già cũng như trẻ, đều nhã nhặn trả lại tiền
thừa.
Hóa ra dù nghèo dù khó, người dân chân chất vùng cao không có
thói quen thu vén ngoài công sức của mình. Nét đẹp văn hóa ấy phần nào an ủi những
tâm hồn thị thành đầy bi quan với xã hội nhiễu nhương, rằng tôi ơi đừng tuyệt vọng.
Điều may mắn đoàn đến Đồng Văn đúng ngày họp chợ phiên hằng
tuần, nếp sinh hoạt độc đáo của các dân tộc vùng cao. Khi sương mù còn giăng phủ,
khu phố cổ yên ả bỗng trở nên náo nhiệt với đồng bào H’mông, Tày, Nùng… ở khắp
các bản làng xuôi về, mang theo những sản vật núi rừng từ rượu ngô, mật ong, thổ
cẩm đến trâu, bò, heo, gà…
Lang thang giữa chợ phiên mới cảm nhận rõ đây không chỉ là
nơi mua bán mà còn là chốn gặp gỡ-trao đổi-tâm tình, quyến rũ với những sơn nữ
khoe sắc trong bộ thổ cẩm sặc sỡ, chếnh choáng hơi men bởi những bát rượu ngô hội
ngộ cay nồng.
Đến trưa thì cả đoàn từ giã Hà Giang để sang Cao Bằng, địa
danh nổi tiếng qua câu ca dao về người lính thú trẩy quân lên non cao bịn rịn
chia tay vợ:
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Xe vượt đèo Mã Pì Lèng, nơi có vực đá bên sông Nho Quế vốn là
hẻm vực sâu và hùng vĩ nhất Đông Nam Á. Mã Pì Lèng theo nghĩa đen là sống mũi
ngựa, dịch ý thì con đèo này hiểm trở đến mức ngựa đi qua phải bạt vía lạc hơi.
Đứng trên đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng cao gần 2.000 mét, cảm
giác chỉ với tay là gom được mây trời. Cúi nhìn đáy vực thăm thẳm, sông Nho Quế
tựa như chiếc thắt lưng xanh mà đấng tạo hóa ném vội vàng trong cuộc chơi đuổi
bắt trên thiên đình.
Sau mấy ngày lưu lại tại các khách sạn nhỏ khá tuềnh toàng, đến
Cao Bằng mọi người thoải mái trải qua đêm trong một khách sạn đầy đủ tiện nghi
vừa khai trương được bốn ngày với mức giá khuyến mãi.
Chương trình ngày mai là đi thăm thác Bản Giốc, một trong những
thác nước độc đáo nhất của Việt Nam và là thác nước lớn thứ tư trong số các
thác nước nằm trên khu vực biên giới nổi tiếng toàn cầu.
Hồi cuối năm 2012, truyền thông trong nước rầm rộ đưa tin
Saigontourist động thổ xây dựng khu resort bốn sao tại thác Bản Giốc, dự kiến sẽ
mở cửa đón khách ngay cuối năm 2013.
Thế mà ngạc nhiên thay, suốt quãng đường hơn 10 cây số dẫn tới
thác vẫn chưa hề có bảng báo chỉ dẫn khiến bác tài người Hà Nội phải liên tục dừng
lại hỏi đường, đừng nói chi đến một chiến dịch quảng bá du lịch rầm rộ như đáng
ra đã phải được khởi động.
Thác Bản Giốc nằm giữa biên giới Việt-Trung, Việt Nam sở hữu
một nửa thác chính và toàn bộ phần thác phụ, còn Trung Quốc sở hữu nửa thác
chính phía bờ Bắc. Bè chở du khách hai nước được thoải mái qua lại trên toàn bộ
mặt sông, chỉ không được phép đặt chân lên bờ của nhau.
Thanh bình Bản Giốc - Ảnh Nguyễn Văn Thu
Trên khúc sông gần chân thác những chiếc bè tre của Trung Quốc
đưa khách tham quan ngược xuôi nhộn nhịp. Phía Việt Nam ngược lại bè nhỏ hơn và
không hề có áo phao nên vắng khách nằm buồn thiu. Cả khu du lịch chỉ có một dãy
quán xập xệ bán hàng lưu niệm mà hết 90% là Made in China.
Trong khi nhóm khách đứng trên bờ vẫn loay hoay tranh luận
đâu là phần của mình đâu là đất của người, thì dòng thác dưới kia vẫn an nhiên
tuôn chảy trắng xóa như tự ngàn xưa, thanh thản trước mọi đổi thay lòng người.
Đến Bắc Kạn đúng vào lễ Giáng sinh, đoàn chúng tôi lưu lại
trong Vườn quốc gia Ba Bể và nghỉ đêm tại nhà sàn của đồng bào người Tày, có
khoảng mươi phòng ngăn nhau bằng vách gỗ. Trung tâm của Vườn quốc gia là hồ Ba
Bể, hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm và là một trong 100 hồ nước ngọt lớn
nhất thế giới.
Sau bữa tối một số anh chị em quây quần bên bếp lửa, đón đêm
thánh vô cùng không phải với ổ bánh kem truyền thống mà bằng những củ khoai
lang lùi tro tình tự quê hương.
Sắm tết ở chợ phiên Đồng Văn
Hôm sau hứa hẹn là ngày thú vị nhất trong chuyến đi, cả đoàn
sẽ có buổi tham quan rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia cũng như chuyến ngoạn cảnh
trên thiên nhiên đệ nhất hồ. Vợ chồng tôi do bận việc riêng nên phải bay về Sài
Gòn vào buổi chiều, nghĩa là chỉ có vỏn vẹn vài giờ trong buổi sáng để thăm hồ
Ba Bể trước khi lên xe về Nội Bài.
Đêm núi rừng lạnh giá khiến nhiều chị trằn trọc, nhờ vậy được
dịp thưởng thức dàn hợp xướng giọng ngáy đủ cung bậc của cánh nam trong nhóm,
trầm bổng xuyên qua vách gian nhà sàn trống trải.
Sáng sớm, chúng tôi nuối tiếc chia tay những người bạn quá đỗi
dễ thương, suốt mấy ngày rong ruổi đã hóm hỉnh trêu đùa nhau như tuổi trẻ vô
ưu, tương nhượng nhau như bạn bè thân thiết và ân cần chăm sóc nhau như ruột thịt
gia đình.
Chiếc thuyền máy nhẹ lướt trên mặt nước xanh phẳng lặng đưa
chúng tôi thăm thú cả ba hồ, ghé Ao Tiên nằm e ấp giữa bốn bề bóng núi, lên thắp
nhang ở đền An Mạ linh thiêng xây dựng từ thế kỷ XVII thờ Mẫu Thượng ngàn…
Thiên nhiên sớm mai không còn tĩnh lặng như ban đêm mà xôn xao chào đón khách
nhàn du, mây uốn éo - gió nhởn nhơ - cây đong đưa - lá thầm thì.
Bạn ơi, hãy thử một lần đến Đông Bắc những ngày đầu xuân để
rong chơi miền gió núi mây ngàn. Và hãy ngồi thuyền du ngoạn khắp hồ Ba Bể - bạn
sẽ ngạc nhiên khám phá ra mình có thể giao cảm với đất trời.
hãng hàng không eva air
đại lý bán vé máy bay đi mỹ
mua vé máy bay korean air
vé máy bay đi mỹ hãng nào rẻ nhất
săn vé máy bay giá rẻ đi canada
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Du Lich Tu Tuc
Tri Thức Du Lịch