Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Có thể căn cứ vào các chữ kỵ húy để xác minh thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều

Có thể căn cứ vào các chữ kỵ húy để xác minh thời điểm Nguyễn Du viết Truyện Kiều
Vấn đề này trước đây đã được mọi người căn cứ vào quyển Đại Nam chính biên liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn, mà tin rằng Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều sau khi đi sứ nhà Thanh về và ông chỉ kỵ húy về đời Gia Long thôi.
Nhưng năm 1943, học giả Đào Duy Anh đã có bài Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh vào lúc nào?(1), cho rằng Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều trước khi đi sứ nhà Thanh nên đã gây ra một số nghi vấn.
Cụ đã phủ nhận điều ghi chép trong Đại Nam chính biên liệt truyện và cho là: “Sách liệt truyện nói rằng, Nguyễn Du đi sứ về thì có bộ Bắc hành tạp lục và Thúy Kiều truyện hành thế, nhưng sách Liệt truyện sơ tập soạn ở đời Tự Đức thứ 5, tức là sau khi Nguyễn Du mất đến 30 năm cũng có thể chép sai được”. (Thực lục cũng có chỗ chép sai huống hồ là Liệt truyện).
Cụ đã theo bài Tựa Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng để chứng thực cho ức thuyết của mình nhưng cụ đã không nhận thấy những sai lầm trong bài viết ấy, mà chỉ căn cứ mỗi chức vị của Nguyễn Du là “Quan Đông các” để lập luận.
Sau bài viết ấy của cụ Đào Duy Anh, có hai ức thuyết chính đã được đặt ra, cho rằng quyển Đoạn trường tân thanh, tức Truyện Kiều đã được Nguyễn Du viết ra từ trước thời Gia Long.
Ức thuyết thứ nhất
Ức thuyết này do GS Hoàng Xuân Hãn chủ trương cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều từ đời Tây Sơn (1788-1801). Giáo sư đã nêu ra lý do là trong Đoạn trường tân thanh có những lời phê bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng(2) mà Nguyễn Lượng (Hoàng Xuân Hãn đã ghi sai là Nguyễn Thành) đã mất từ năm 1807 thì làm sao có thể viết lời phê bình, trong khi Truyện Kiều mãi tới năm 1814 mới được ra đời?
Chúng tôi nhận thấy phải đặt lại vấn đề vì các lời phê bình ấy có phải là của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng không?
Nếu so hai bản Đoạn trường tân thanh của Thám hoa Nguyễn Hữu Lập san cải và của Giá Sơn Kiều Oánh Mậu chú thích thì những lời bình ấy đều không giống hẳn nhau(3). Chính Nguyễn Hữu Lập đã có nhận xét rằng: “Tôi không vì quyển Truyện Kiều là một truyện phong tình mà không trân trọng nó, nhưng xem các lời phê bình của hai ông Vũ Trinh và Nguyễn Lượng thì thấy còn chưa được mười phần xác đáng”.
Chiêm Vân Thị trong quyển Thúy Kiều truyện tường chú đã có nhận xét về các lời phê bình của hai ông Vũ Trinh và Nguyễn Lượng như sau: “Kinh bản có lời phê bình của họ Vũ và họ Nguyễn. Có người xưng hai nhà này là bậc danh nhân đồng thời với Hồng Sơn tiên sinh song xét những lời phê bình đó đều thấp kém quê mùa. Có lẽ là một tay xoàng xĩnh nào mượn tiếng đó thôi, chứ không phải là danh nhân”.
Lời nhận xét đó cũng đúng thôi và trong các lời phê bình ấy có câu còn ghi sai lầm là của Nguyễn Lượng như thí dụ sau đây:
Thân tàn gạn đục khơi trong,
Là nhờ quân tử khác lòng người ta.
Mấy lời tâm phúc ruột rà,
Tương tri dường ấy mới là tương tri.
Chở che đùm bọc thiếu gì,
Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay.
Thoắt thôi tay lại cầm tay,
Càng yêu vì nết càng say vì tình.
Thêm nến giá, nối hương bình,
Cùng nhau lại chúc chén quỳnh giao hoan.
Lời phê: 二 人 復 入 繡 幃 百 種 歡 只 不 言 雲 雨 事.
Nhị nhân phục nhập tú vi bách chủng hoan ngu chỉ bất ngôn vân vũ sự (Kim Trọng và Thúy Kiều, hai người lại vào trong màn gấm vui mọi cách khoái lạc chỉ không nói đến chuyện mây mưa thôi).
Chép như vậy thì sai hẳn vì câu đó là của Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc, chứ không phải của Nguyễn Lượng.
Vậy căn cứ vào những nhận xét trên, chúng tôi cho rằng, ức thuyết của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã không thể chấp nhận được và các chữ kỵ húy nếu có phải thuộc về triều Tây Sơn chứ không thể thuộc triều Gia Long được.
Ức thuyết thứ hai
Ức thuyết này do GS Nguyễn Tài Cẩn chủ trương cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều từ trước đời Gia Long. Trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 11-2005, Giáo sư đã dựa vào niên đại Cảnh Hưng 40 (1779) và khảo sát về ngôn từ cho là kỵ húy cùng với các từ địa phương mà cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều từ trước đời Gia Long (1802) trải qua nhiều giai đoạn như sau:
“Giai đoạn thai nghén bắt đầu bằng việc tóm lược toàn bộ cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân khoảng năm 1779, giai đoạn khởi thảo 900 câu đầu tiên khoảng năm 1783-1785, giai đoạn hoàn thành cơ bản diễn âm tại quê hương vợ ở Thái Bình năm 1787-1790, giai đoạn tổng duyệt và sửa chữa tại vùng quê Tiên Điền khoảng năm 1796-1802, và giai đoạn tiếp thu ý kiến của bạn bè, tự nhuận sắc thêm một số câu, một số chữ cho tận đến khi qua đời ở Huế (1820)”.
Như vậy, theo Nguyễn Tài Cẩn thì từ khi thai nghén đến khi hoàn thành Nguyễn Du đã phải bỏ ra 41 năm, mà thực sự viết chỉ khoảng 20 năm.
Chúng tôi nhận thấy những lời phỏng đoán ấy của GS Nguyễn Tài Cẩn đã không có một chứng cứ nào cụ thể nên không thể chấp nhận được. Điều vô lý hết sức là khi Nguyễn Du mới 14 tuổi đang ở Thăng Long cư tang mẹ(4) thì còn quá nhỏ, mới đi học và lấy đâu ra quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà tóm lược toàn bộ cuốn sách. Điều suy đoán này không có một căn cứ khoa học nào và chỉ có tính cách hoàn toàn hoang tưởng. Giáo sư cũng không theo một cách thống nhất nào trong việc xét các chữ kỵ húy, như ở 900 câu đầu không kỵ húy Chiêu Thống vì cho rằng, Nguyễn Du viết trước khi Chiêu Thống lên ngôi mà phần sau, khi viết ở Thái Bình mới lại kỵ húy.
Nói tóm lại, ức thuyết của GS Nguyễn Tài Cẩn không thực tế chút nào nên không thể chấp nhận được.
Ức thuyết thứ ba
Ức thuyết này do học giả Đào Duy Anh đưa ra để bác bỏ điều ghi nhận trong quyển Đại Nam chính biên liệt truyện cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều sau khi đi sứ nhà Thanh về.
Cụ đã không kiểm chứng lại để biết, theo lời cụ Nguyễn Đình Ngân(5) thì khi Nguyễn Du mất ở kinh đô Huế, thư viện của triều đình đã thu được
- Một cuộn tròn giấy lớn gồm các tư liệu linh tinh.
- Thư từ của bạn bè gửi Nguyễn Du trong đó có thư của Phạm Quý Thích.
- Một số ghi chép có tính cách như nhật ký.
- Một bản thảo Truyện Kiều với những chỗ xóa chữ này, thay chữ kia.
Tiếc thay, sau năm 1945, các tài liệu ấy đã không còn giữ được.
Cụ Đào Duy Anh lại dựa vào bài Tựa Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều khi làm Đông các học sĩ (1805-1809) nhưng trong bài ấy chính Nguyễn Văn Thắng đã có nhiều sai lầm như sau:
- Sai lầm về tên sách, đúng ra phải gọi là Kim Vân Kiều truyện chứ không phải là Thực lục.
- Sai lầm về chức vị của Nguyễn Du, đúng ra là Lễ tham Nguyễn hầu chứ không phải Đông các Học sĩ.
- Sai lầm về số câu trong truyện Đoạn trường tân thanh, đúng ra là 3254 câu chứ không phải chỉ có 1575 câu.
- Sai lầm khi cho rằng, bản Thực lục của nhà Ngũ văn lâu bên Trung Quốc đã lưu hành khắp chỗ ở Việt Nam. (Cuốn Kim Vân Kiều truyện mà
Nguyễn Văn Thắng gọi là Thực lục đâu có thể phổ biến sâu rộng ở Việt Nam, vì ở bên Trung Quốc khi ấy đã rất hiếm rồi).
Như vậy, ức thuyết của cụ Đào Duy Anh chỉ là phỏng đoán, không có một chứng cớ gì xác thực nên không thể chấp nhận được, vì nếu không đi sứ nhà Thanh bên Trung Quốc thì làm gì Nguyễn Du có được quyển truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để phỏng theo đó mà viết ra quyển Truyện Kiều.
Cụ Đào Duy Anh cho là quyển truyện ấy được viết ra từ đầu triều Gia Long nhưng không có một lý do nào xác thực đã được viện dẫn ra, nên quyển Đại Nam chính biên liệt truyện chép vẫn đúng là “sau khi đi sứ nhà Thanh về”.
Các bản Nôm cổ như Liễu Văn đường, Thịnh Mỹ đường, Quan Văn đường… đều có những dấu vết kỵ húy về đời Gia Long do chính Nguyễn Du viết ra như:
- Chữ Lan 蘭
Chữ này là tên húy của bà Huy Gia từ phi, vợ cả của Nguyễn Phúc Cốn, mẹ cả của vua Gia Long.
Các bản Nôm trên còn lưu lại dấu vết của sự kỵ húy trong các câu:
Nhà hương thanh vắng một mình (c.375)
Huệ hương sực nức một nhà (c.1471)
So vào với thiếp hương đình nào thua (c.1988).
Qua ba thí dụ trên, chúng ta thấy chữ LAN 蘭 đã bị thay bằng chữ HƯƠNG 香.
- Chữ Chủng 種 (đọc Nôm là Giống)
Chữ chủng là tên húy của vua Gia Long.
Bản Liễu Văn đường còn lưu dấu vết kỵ húy trong các câu:
Tuồng chi là giống 扌重 hôi tanh (c.853)
Hồng nhan phải giống 衆 ở đời mãi ru (c.1194)
Dức rằng: “Những giống bơ thờ quen thân” (c.1728)
Khen rằng: “Khéo giống 种 của nhà Hoạn nương” (c.2066)
Các chữ “giống” đều viết kỵ húy bằng cách bớt nét hoặc đổi chữ khác.
Các chữ kỵ húy này là do Nguyễn Du viết ra khi viết quyển Truyện Kiều vào thời Gia Long, sau khi đi sứ nhà Thanh về.
Sau này việc sao chép để tái bản quyển Truyện Kiều thì các bản in vào đời Tự Đức đều không kỵ húy chữ THÌ, tên của nhà vua. Chúng tôi chỉ xin nêu ra 5 thí dụ trong số 94 câu như sau:
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ (c.70)
Thì chi chút ước gọi là duyên sau (c.76)
Người mà đến thế thì thôi (c.179)
Thì treo giải nhất chi nhường cho ai (c.210)
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha (c.334)
Bản Đoạn trường tân thanh do Tiểu Tô Lâm - Nọa Phu - Nguyễn Hữu Lập san cải sao chép lúc ông đang làm quan ở Bộ Công triều Tự Đức thì lại kỵ húy tất cả các chữ THÌ, tên của nhà vua:
Thà chi chút đích gọi là duyên sau (c.76)
Người mà đến thế là thôi (c.179)
Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn (c.410)
Nguyện đem vàng đá mà liều với thân (c.422)
Đã lòng dạy đến kính vì phải vâng (c.466)
Nàng liền vội trở buồng thêu (c.527)
Nhận xét như vậy, chúng tôi cho rằng chỉ có những chữ Lan và Chủng (Giống) là do chính Nguyễn Du đã viết kỵ húy từ đời Gia Long, sau khi đi sứ nhà Thanh về mà viết ra quyển Truyện Kiều, còn tất cả các chữ kỵ húy khác đều do người đời sau, theo mỗi thời đại, đã viết thêm kỵ húy.
Vậy căn cứ vào các chữ kỵ húy của chính Nguyễn Du đã ghi, chúng ta có thể kết luận là quyển Truyện Kiều đã được tác giả viết ra sau khi đi sứ nhà Thanh về đúng như Đại Nam chính biên liệt truyện đã ghi rằng:
攸 長 於 詩 尤 善 國 音 自 清 使 還 以 北 行 詩 集 及 翠 翹 傳 行 世
Du trường ư thi vưu thiện quốc âm tự Thanh sứ hoàn dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế.
(Nguyễn Du có tài về thơ chữ Hán lại giỏi về thơ chữ Nôm, từ khi đi sứ nhà Thanh về, có Bắc hành thi tập cùng với truyện Thúy Kiều ra đời).
(1) Đăng trên tạp chí Đại Việt số 13 ra ngày 16-4-1943; tạp chí Tri Tân số 96 ra ngày 20-5-1943 và tạp chí Thanh Nghị số 32 ra tháng 3-1943.
(2) Xem bài Những lời mặc bình và châu bình trong quyển Đoạn trường tân thanh phải chăng là của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng? đã đăng trên tạp chí Hồn Việt, số 6-2007.
(3) Xem bài Từ bản gốc quyển Kiều Nôm năm 1870, thử xét lại những lời bình của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng trong quyển Đoạn trường tân thanh, đã đăng trên tạp chí Nghiên Cứu và Phát triển số 4 (57)/2006.
(4) Mẹ Nguyễn Du mới mất có một năm trước, năm 1778.
(5) Nguyễn Đình Ngân đậu Cử nhân năm 1916, từng làm Kiểm giáo Quốc tử giám triều Nguyễn, sau năm 1945 làm Giám đốc Văn hóa Viện Trung Bộ.

Nguyễn Quảng Tuân
Theo  http://honvietquochoc.com.vn/

1 nhận xét:

  Chùm thơ của Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 – Đài Loan) 17 Tháng Năm, 2023 Tiểu sử nhà thơ, TS. Thái Trạch Dân ( 蔡澤民 ) Tiến sĩ Thái Trạch Dân...