Khi các nụ thủy tiên đầu tiên tỏa hương thơm trong nhà thì dù chưa nghe được tiếng
pháo, người người đã thấy rộn ràng trong tâm tưởng những khúc nhạc Xuân của thời
trước, nay đã thành Xuân ca của mọi thời.
Trong số này, có lẽ nên hồi tưởng lại La Hối và bài Xuân và Tuổi Trẻ.
La Hối là nhạc sĩ có duy nhất một tác phẩm, nhưng lại nổi tiếng nhờ ca khúc duy
nhất ấy. “Xuân và Tuổi Trẻ” là bài hát không thể thiếu mỗi độ Xuân về. Ông vốn
là người Việt lai Hoa, nên dù viết bằng Việt ngữ, bài hát có âm hưởng Trung Hoa
rất đặc biệt. Ngay từ đầu thập niên 1950 thính giả đã yêu thích bài hát vì ý nhạc
phong phú, vi vút như những cánh bướm chập chờn.
Nhưng, trong nghề với nhau thì các ca sĩ thì thường dễ hụt hơi vì đoạn chuyển
khúc:
Vui hát đi cho lòng thêm sướng,
Vui hát đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng Xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái...
Xuân và Tuổi Trẻ - Diễm Liên
Mười trường canh hát liền một hơi không được ngắt! Và “...hăng hái” phải được
ngân khá dài.
Rời xa chúng ta được ba năm, Nguyễn Hiền là tác giả của những bài hát nhẹ nhàng
đầm ấm cũng cống hiến một bản nhạc về Xuân rất đẹp, phổ thơ Kim Tuấn. Ðó là
“Anh Cho Em Mùa Xuân”, nổi tiếng trong thời kỳ 1960-1970. Ðây là một bài ca về
Mùa Xuân mà cũng là một bài ngợi ca quê hương với nét nhạc rất trữ tình.
Giữa hai tác giả ấy và cùng trong dòng nhạc nhẹ nhàng, thanh cao, thích hợp với
mọi thời kỳ, Tuấn Khanh, tác giả của “Hoa Soan Bên Thềm Cũ” có tác phẩm “Mộng
Ðêm Xuân” nhịp “Boston” tha thiết và êm đềm như một bài thơ. Thế rồi, qua những
năm dài chiến chinh, Xuân của người lính chiến cũng trở thành Xuân của mọi người.
Ngày nay dù chinh chiến đã tàn, ít ai quên được những bài Xuân ca viết cho chiến
sĩ. Tiêu biểu nhất có Nguyễn Văn Ðông với “Phiên Gác Ðêm Xuân” và Trần Thiện
Thanh với “Ðồn Vắng Chiều Xuân”...
Nói tới nhạc Xuân của Việt Nam, không thể không nhắc tới Phạm Duy.
Ông đã soạn tám bài hát về Xuân: “Hoa Xuân”, “Ðêm Xuân”, “Xuân Thì”, “Xuân Nồng”,
“Xuân Ca”, “Xuân Hành”, “Tuổi Xuân”, “Xuân Hiền”. Ðó là không kể tới “Bến Xuân”
soạn chung với Văn Cao, hoặc “Xuân Trên Buôn” dân ca cải tiến của sắc dân Ê Ðê
và “Mùa Xuân Yêu Em”, phổ thơ Ðỗ Quý Toàn.
Trong các ca khúc trên, bài “Hoa Xuân” được hát nhiều nhất vào dịp Nguyên Ðán.
Lời ca và nét nhạc bình dị, tươi tắn, diễn tả trạng thái tâm hồn phơi phới trước
thiên nhiên và đồng loại. Lãng mạn nhất thì có “Ðêm Xuân”. Nghe “Ðêm Xuân”, ta
hiểu thế nào và tại sao các cụ ta xưa thường dùng chữ “Xuân” để tả những gì đẹp
đẽ và thơ mộng.
Riêng với người viết, nhạc và lời của “Xuân Thì” là một công phu trác tuyệt.
“Xuân Thì” không tả cảnh Xuân mà là tâm sự của tác giả về mình, về nhân thế, với
đặc tính cố hữu trong lời ca của Phạm Duy là lòng nhân ái. Ông mong có một Mùa
Xuân thái hòa cho nhân loại. Ông thương từ cây súng cô đơn đến những nụ đào nở
trên lối mòn chiến xa. Ông ôm nhân loại trong mình, cười tuôn nước mắt cho Xuân
tình dấy men. Cùng với lời ca súc tích và đầy hình ảnh, Phạm Duy dùng cách chuyển
khúc từ giai điệu “thứ” sang “trưởng” thật thần tình để diễn tả nỗi hân hoan
thăng hoa từ sự khổ đau.
Bản “Xuân Nồng” của ông hoàn toàn tả cảnh Xuân, mà là mùa Xuân miền Nam. “Xuân
về không có mưa phùn mà chỉ có bụi xe”... nhưng vẫn là Xuân nên thơ. Nét nhạc
Phạm Duy thường đi đôi với lời, nên tình và cảnh của ngày Xuân trong Nam được
diễn tả bằng nhịp ba linh hoạt với âm giai “Fa trưởng” trong sáng.
“Xuân Ca” và “Xuân Hành” là hai ca khúc Phạm Duy soạn theo khuynh hướng những
bài hát tâm linh. Người từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Hãy hưởng
Mùa Xuân trong từng chớp mắt trong cuộc sống ngắn ngủi này. Mùa Xuân của Phạm
Duy có từ trong đêm tân hôn của cha mẹ, và từ đó ông ra đời góp chung câu gào
thiết tha cho Mùa Xuân vĩnh cửu. Nếu chết đi thì xin được tái sinh nhiều lần để
được tiếp tục đi mãi trong Mùa Xuân. Bài này soạn theo giai điệu ngũ cung, rất
Việt Nam.
Một bậc sư trong nghệ thuật dung hợp cái rất Tây và rất Ðông trong tân nhạc là
Dương Thiệu Tước. Ông vua của tiết điệu bán cổ điển Tây phương trong nhạc Việt
đã cống hiến cho chúng ta bản luân vũ được coi là hay nhất của Việt Nam, ca
khúc “Bến Xuân Xanh”.
Dương Thiệu Tước sáng tác “Bến Xuân Xanh” rất công phu. Tác phẩm dài tổng cộng
180 trường canh (gấp ba một bài luân vũ trung bình có 64 trường canh, như “Thu
Vàng” của Cung Tiến) và được viết bằng âm giai “Do trưởng”, loại âm giai được
coi là “sáng”. (Xin có đôi lời về nhạc thuật ở đây: giới sáng tác nhạc cho âm
giai “Ré giáng trưởng” và “La giáng trưởng” là âm giai “dịu” nhất. Âm giai “Sol
thứ” và “Si thứ” là âm giai “buồn” nhất. Âm giai “Do trưởng” và “Fa trưởng” là
âm giai “sáng” nhất)
Vì thế, “Bến Xuân Xanh” đòi hòi ca sĩ phải trình bày đúng âm giai nguyên thủy.
Khi nghe một người trình bày không đúng “ton” (thí dụ người hát không lên được
những nốt cao nhất của bài hát, phải hạ xuống một hay hai “cung”) thì ông hơi
hơi buồn. Ðoạn biến khúc của “Bến Xuân Xanh” được Dương Thiệu Tước chuyển sang
âm giai “La giáng trưởng” trở nên êm dịu lạ thường trước khi về lại cung “Do
trưởng” trong sáng.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước còn soạn phần nhạc mở đầu (introduction) và kết thúc
(Coda) thật vi vút, du dương. Lời ca trong “Bến Xuân Xanh” tràn đầy thơ, nhạc,
hoa, nắng, gió và sóng nước: toàn những biểu tượng lung linh rực rỡ của Mùa
Xuân. Khi Dương Thiệu Tước vừa tạ thế ở trong nước, trong dịp tưởng niệm ông ở
hải ngoại, 12 năm về trước, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi đã nhắc tới bản luân vũ này
với lòng khâm phục. Không thua kém gì các nhạc khúc về sông nước nổi tiếng của
Tây phương!
Ngoài “Bến Xuân Xanh” độc đáo nói trên, Dương Thiệu Tước có soạn ba bài khác về
Mùa Xuân, là “Vui Xuân”, “Vườn Xuân Thắm Tươi”, và “Tìm Xuân”. Nhưng chỉ cần viết
một “Bến Xuân Xanh” thôi, Dương Thiệu Tước đã xứng đáng với một chỗ đứng sáng
chói trong nền tân nhạc Việt Nam.
Một nhạc sĩ khác cũng xứng đáng với ngôi vị trên mà lại không được quần chúng để
ý, và chỉ được giới thẩm âm biết tới, đó là Vũ Thành. Người nghệ sĩ tài hoa này
có ca khúc mang tựa đề về Mùa Xuân là “Tình Xuân”. Cũng với âm giai sáng “Do
trưởng”, ông dùng ý nhạc cao sang, thanh thoát, cho ta nghe và thấy được một
Mùa Xuân đầy sắc hương thi vị. Tuy nhiều sáng tác khác của ông không có tựa đề
về Mùa Xuân nhưng luôn luôn gợi nhớ tới Xuân. Câu mở đầu của bản “Nhớ Bạn” là
“Xuân vương trên ngàn hoa...” Bản “Say Nhạc Canh Tàn” cũng mở đầu bằng “Gió
Xuân đưa mây vật vờ...”
Sau cùng, nói về Mùa Xuân trong nhạc, xin nhắc tới Phạm Ðình Chương, người được
thính giả mang nợ nhiều nhất mỗi khi Xuân về. Ngày Xuân có thể thiếu pháo mà
không thể không có “Ly Rượu Mừng”! Có lần ông nói đùa: “Nếu mọi người chỉ cần
trả một đồng thôi mỗi khi hát ‘Ly Rượu Mừng’, thì tôi đã thành triệu phú từ
lâu”. Ngoài nét nhạc phơi phới hân hoan, dễ nghe dễ hát, lời ca lại mang nội
dung thích hợp với mọi tầng lớp thính giả. Vì thế “Ly Rượu Mừng” không chỉ được
cất lên mỗi dịp Tết Nguyên Ðán mà còn thường được mọi người chung hát tại các
buổi họp mặt, tiệc tùng, cưới hỏi...
Một bản nhạc Xuân khác của Phạm Ðình Chương cũng thường được nghe trình bày hợp
ca tại các đài phát thanh, hay đồng ca vào những dịp họp mặt tất niên tại các
trường học là bản “Ðón Xuân”. Nhưng thật ra, bài Xuân ca tuyệt vời nhất của Phạm
Ðình Chương chính là “Xuân Tha Hương”. Tác phẩm này được viết với nhịp điệu
Boston 3/4 chậm rãi, tha thiết. Âm giai “Ré trưởng” không quá cao hoặc quá thấp
nên thích hợp với mọi giọng hát. Ý nhạc nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhờ ông dùng
nhiều chuyển âm. Gần như cứ hai trường canh ông lại thay đổi hợp âm, mang lại
cho “Xuân Tha Hương” sắc thái đặc biệt Phạm Ðình Chương.
Bản nhạc còn tuyệt vời vì lời ca buồn man mác, nhẹ nhàng kín đáo chứ không rũ
rượi sầu thảm. Trong thập niên 60 khi bài hát được thịnh hành, người ta yêu lời
ca vì nhớ tới Hà Nội và những ngày Xuân êm đềm xa xưa.
Ly Rượu Mừng - Hợp ca
Mỗi độ xuân về, giữa cơn gió lạnh của những ngày đông ở xứ người, lòng người chợt
vương một nỗi buồn man mác của kẻ tha hương khi nhớ về chuỗi ký ức ở một nơi xa
lắm. Bên ấy, mùa xuân đang trở về trên những chậu cúc vàng rực rỡ, mồng gà đỏ
thắm, những cây tắc kiểng no tròn bụ bẩm trái căng chín mọng... Và hơn thế nữa
những cánh mai vàng nở rộ trong nắng xuân ấm áp. Đẹp kiêu sa đến nao cả lòng
người. Hương xuân thanh thoát, tình xuân nồng nàn. Cho dù có thờ ơ cách mấy mùa
xuân cũng đến bên mình để nhuộm hồng đôi má cô gái xuân thì, làm rạng rỡ nụ cười
trẻ thơ. Người ta vẫn cho rằng mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, khi những mầm lá
non vừa nhú trên cành lộc biếc là một sức sống mới bắt đầu. Đứng trước cửa giao
mùa người có chút xao lòng khi nhớ về những dâu bể của năm tháng qua, tình cũ
phai nhòa, bạn bè người thân đã có người ra đi không trở lại... Một thoáng ngậm
ngùi khi nhớ về những chiều xuân năm xưa, khi mái tóc còn xanh, tâm hồncòn mênh mang nét hồn nhiên tuổi trẻ. Xôn xao mong đợi từng ngày để đón tân niên, trao nhau lời chúc đầu năm, mời nhau miếng mứt thân tình, ly rượu nồng ấm... Và cùng nhau cất lên khúc hát mừng xuân rộn ràng:
Ngày xuân nâng chén, ta chúc nơi nơi...
Bằng nhịp điệu Valse sôi nổi. Từ năm 1955, bản nhạc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương lần đầu tiên được đăng trên số báo Tết Đời Mới đã trở thành một khúc hoan ca không thể thiếu trong những buổi tiệc tân niên, người ở xa quay buớc trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, khi bạn bè thân hữu gặp gỡ trong ngày họp mặt đầu năm của những gia đình Việt Nam. Người ta tạm quên đi những bon chen nhọc nhằn của đời sống và cùng nâng ly rượu hát lên câu chúc mừng năm mới:
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó...
Tiếng hát hòa lẫn vào niềm mơ ước chung giản dị cơm no, áo ấm của con người:
Á... a... a...a
Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á... a... a... a
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...
Có gì hơn nữa khi lòng người tràn ngập niềm vui, khi mối duyên thắm trở thành vĩnh cửu dưới mái ấm ngôi nhà se se mùi mứt tết ngọt lịm bên bếp lửa hồng. Người phụ nữ khéo tay lựa từng hột nếp tím, ủ men làm nên ly rượu cẩm cay nồng để:
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sống cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình...
Mùa xuân không chỉ đơn thuần trong tình yêu tuổi trẻ. Nó còn bao la hơn nữa đó là tình yêu quê hương, đất nước. Người trai trẻ bỏ lại niềm vui sau lưng, người thân yêu nơi chốn quê nhà, lên đường làm tròn bổn phận người trai trong thời chinh chiến. Giữa hoan khúc rộn ràng của nhịp xuân, tiết tấu bài hát chợt nhẹ nhàng hẳn đi khi nói về người mẹ già đang mòn mỏi trông chờ người con nơi phương xa:
Kìa nơi xa xa, có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương...
Quê hương của mẹ có nếp nhà tranh khói lam chiều tỏa ấm. Chậu cúc vàng nở rộ bên hiên nhà. Gốc mai già cha đã tỉ mỉ ngắt từng cọng lá để chờ đúng giao mùa nở tung trăm cánh diệu kỳ. Đêm ba mươi Tết có em ngồi trông nồi bánh chưng khuya mà nhớ về anh thiết tha trìu mến. Mùa xuân tươi vui là mùa xuân xum họp gia đình, bạn bè thân thiết. Mong anh trở về cùng em bên bếp lửa hồng, cho mắt mẹ thôi lệ nhòa, rạng rỡ niềm vui đoàn tụ:
Á... a... a... a...
Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
Á... a... a... a...
Chúc mẹ hiền dứt ưu tình...
Nụ cười đã trở về trên môi mẹ già, vòng tay mở rộng chờ đón người con yêu bao năm dài biền biệt. Tiếng nói vang vang, nụ cười rộn rã của người thanh niên làm ấm áp mái tranh nghèo thiếu bàn tay con chăm sóc. Nguyện ước cho quê hương được thanh bình, cho tình yêu đôi lứa được ươm hoa kết trái như đôi chim non ríu rít đang mớm mồi cho nhau trên cành lộc biếc:
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu thương...
Lời chúc Tết càng rộn ràng hơn nữa trong những nụ cười viên mãn, tiếng cụng ly mời chào thân thiết của bạn bè. Người ta hát những bài ca vui, đọc những vần thơ hay đã được người nghệ sĩ trau chuốt gửi tặng cho đời. Người nghệ sĩ cầm bút lên để viết về mối giao cảm theo mùa. Đêm xuân rạo rực, hồn xuân thắm tươi. Sức sống của cả năm dường như đang bắt đầu từ những giây phút thiêng liêng, vô hình lan theo làn khói hương trầm nghi ngút. Người ta khai bút đầu năm bằng những ý xuân nồng nàn mong cho tình
xuân luôn tươi trẻ:
Nào cạn ly mừng người nghệ sĩ
Nét thi ca chấm phá tô lên đời mới...
Giữa giây phút thiêng liêng của đêm Giao thừa, bao nhiêu tị hiềm đắng cay chợt biến mất. Có những khuôn mặt tưởng đã từng quên giờ đây trong khoảng không gian vô tận của phút giao mùa, chợt hiểu, ánh mắt đó, nụ cười đó, vẫn còn tồn tại mãi trong tâm trí không nguôi:
Bạn hỡi vang lên
Lời hứa thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi...
Niềm mơ ước thanh bình trong Ly Rượu Mừng chính là lời cầu chúc chân thành của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Mơ ước của một người nhạc sĩ đã trải qua bao nỗi thăng trầm của đất nước. Lời nhạc giản dị, điệu nhạc rộn ràng. Người nhạc sĩ thiên tài đã viết về niềm mơ ước rất chung của bao người trong những nốt nhạc thiết tha. Không đơn giản chỉ là một nỗi niềm riêng tư dành cho anh, hay cho em, mà còn có bóng dáng của quê hương đất nước trong thời chinh chiến:
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hòa...
Cuối cùng, niềm mơ ước đã được dâng lên cao vút trong phần kết thật tròn trịa tràn đầy gửi đến mọi người, mọi nhà:
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình dâng phơi phới.
Điệu nhạc ấy, lời nhạc ấy đã khiến Ly Rượu Mừng trở thành bất tử theo thời gian dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Người nhạc sĩ thiên tài nay đã khuất, nhưng mỗi khi xuân về, nếu chúng ta có cùng nắm tay nhau cất lên khúc nhạc mừng xuân, hãy nhớ về ông, hãy nhớ về những người bạn, người thân đã ra đi... với lòng tha thiết cho một tình yêu chân thành, vĩnh cửu.
Mùa xuân đang về với đất trời, với con người. Và thoảng đâu đây quanh ta, rất gần, là những khúc ca xuân rộn rã...
Quỳnh Giao
vé máy bay eva air khuyến mãi
vé máy bay đi mỹ mùa nào rẻ nhất
hãng máy bay korean airline
vé máy bay đi mỹ mùa nào rẻ nhất
vé máy bay đi canada giá bao nhiêu
Nhung Chuyen Di Cuoc Doi
Ngẫu Hứng Du Lịch
Kien Thuc Du Lich