Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Khi khát vọng cá nhân của cái tôi trữ tình được đánh thức

Khi khát vọng cá nhân của cái tôi trữ tình được đánh thức
Câu hỏi “ta là ai?”, “ta vì ai” nổi tiếng của Chế Lan Viên tưởng đã tìm ra câu trả lời có chứa hạt nhân hợp lý của thời đại trong thơ chống Mỹ đã không còn đủ sức ôm chứa trong thời kì mới, khi nhu cầu xã hội và cá nhân đã làm thức tỉnh cái tôi trữ tình của người làm thơ. Nhu cầu xã hội thường là những gì bức thiết nhất của thực tại, do thực tại yêu cầu. Chẳng hạn, thời chống Mỹ đó là độc lập tự do của dân tộc. Tất cả những hoạt động tinh thần, trong đó có sáng tác thơ văn, nếu nằm ngoài “sự bức thiết thường nhật” này không phù hợp, không được đón nhận...và vì thế không thể phát triển. Kể từ sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, với chủ trương đổi mới, trong xã hội ta, nhu cầu bức thiết nhất, theo chúng tôi là khát vọng dân chủ.
Khát vọng dân chủ là một phạm trù lịch sử, phát sinh và tồn tại khi trong xã hội loài người có sự mất dân chủ. Đối với văn học, đặc biệt đối với sáng tác thơ ca, dân chủ là điều kiện làm nảy nở những sáng tạo mang đậm màu sắc của chủ thể, là những sản phẩm rất riêng tư, rất độc đáo, không lặp lại, chỉ là đơn nhất. Nói khác đi, dân chủ sẽ giúp nhà thơ tìm ra tiếng nói riêng của mình trong sáng tạo. Mà văn học, không có gì khác ngoài tiếng nói riêng của mỗi người trong vô vàn những tiếng nói khác. Bởi vì, bổn phận của nhà thơ là buộc phải thêm vào kho tàng văn hoá nhân loại một điều gì đó không có sẵn, không lặp lại. Tuốcghêniép nói: “Cái quan trọng của tài năng văn học là tiếng nói riêng của mình. Đó chính là đặc điểm để phân biệt chủ yếu một tài năng độc đáo”.
Câu hỏi “ta là ai?” ngày trước do thời cuộc và do những nhu cầu xã hội bức thiết lúc ấy quy định, nên nhà thơ thông minh của chúng ta buộc phải thừa nhận đó là “ngọn gió siêu hình”. Nhưng rõ ràng, những năm tháng này, khi cá nhân của mỗi người đang ngày càng được tôn trọng, tôn vinh bởi vì như K.Mác nói, mỗi cá nhân phát triển là tiền đề cho xã hội phát triển, thì “ngọn gió siêu hình” năm nào tưởng là chân lý, hoá ra chưa phải. Đúng là chân lý cũng có sự vận động, biến đổi. Trong xã hội, mọi vấn đề của từng cá nhân, từng cá thể đang được thức tỉnh và tôn trọng, trong thơ của chúng ta hôm nay, nhà thơ từ xưa vốn được mệnh danh là “tâm hồn” của xã hội, cũng đang từng bước khám phá con người cá nhân của mình trong đời sống và con người có cá tính, có tính cách, đặc biệt là có cá tính, tính cách trong sáng tạo đang từng bước được xem là những giá trị.
Đó là sự khẳng định cái “tôi” trong văn học, thơ ca. Nếu ngày trước Hoài Thanh nói về cái tôi của thơ mới là “càng đi sâu càng thấy lạnh”. Nếu giai đoạn chống Pháp và chống Mĩ cái tôi hoà vào sức mạnh của cái “ta”, cái chung của dân tộc, thời đại... và cái riêng tư được xem là những “ngọn gió siêu hình” thì hôm nay cái tôi trở lại với đúng nghĩa của nó, thường nhật và giản dị, của chính mình, do mình chịu trách nhiệm, không vay mượn, không che đậy, dám công khai thừa nhận cả những mặt tối, mặt che khuất, mặt chưa hoàn thiện của mình bên cạnh những phẩm chất khác. Điều đó thật quan trọng, nó xoá sổ những thương vay khóc mướn, những vui buồn giả tạo, dễ dãi. Hãy nghe các nhà thơ tâm sự: “Mà sao tôi chẳng là tôi/Khi hèn mọn đánh rơi mình vào quên lãng” (Ngô Minh), “Như tôi mang dấu ruộng, dấu vườn” (Nguyễn Duy), “Nói với bóng mình trên vách” (Hoàng Phủ Ngọc Tường)  “Tôi nhìn thấy tôi” (Nguyễn Khắc Thạch) “Tôi đi tìm mặt” của (Hoàng Hưng)” Tôi vẫn thường hay lẫn với mồ hôi/ Tôi ấy mà một chiếc cốc vô danh” “Tôi hay héo như nước/Tôi hay buồn như cây” (Hữu Thỉnh)... Làm sao có thể tìm thấy những lời như vậy trong thơ chống Pháp và chống Mĩ.
Chế Lan Viên thừa nhận đi tìm cá nhân mình là “ngọn gió siêu hình”, vậy mà sau bao nhiêu năm, ông vẫn không thấy yên ổn, vẫn thấy đó là một cách nói có tính lịch sử, cho nên cuối đời ông vẫn tự vấn: “Hoa lư đâu, Hoa lư đâu, Hồn ta ở đâu?” Có phải đối với nhà thơ cái “Hồn ta” là cốt tử của một con người, của mọi câu chữ. Chính vì vậy, ông đã khẳng định: “Xưa tôi hát mà bây giờ tôi tập nói. Chỉ nói thôi mới hết được lời”.
Khi đã xác định cái tôi cá thể là hết sức quan trọng đối với sáng tạo, vậy thì tính trung thực của biểu hiện (chứ không phải miêu tả) cái tôi trữ tình trong thơ là tiền đề tạo ra sự độc đáo, riêng biệt cùng ngòi bút. Sự trung thực có ở trong sự thừa nhận rất giản dị tự biểu hiện mình của Phùng Khắc Bắc:
Ký hiệu đời tôi là một chấm xanh xanh ngắt
Ký hiệu thơ tôi là sự minh bạch trong rắc rối đến không cùng
Thế mới là tôi
Thế mới là đời
Thế mới là thơ
Tất cả hoà nhập như ánh sáng trộn cùng bụi.
Đây là sự trung thực vì cảm thấy sự khác lạ, sự thay đổi của mình, trong tâm hồn mình:
Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
Chỉ em là khác với em xưa
Hoặc:
Gọi ngàn lần tên anh vẫn là không
Chỉ lá rụng dạt dào trên mái phố.
Hoặc là một sự lo lắng từ mơ hồ đến hiện hữu:
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết tình anh có đổi thay?
            (Xuân Quỳnh)
Khi đã đứng vững trên cái tôi cá nhân thì tất cả những gì là của con người, những tình cảm sâu sắc nhất, kín đáo nhất, huyền bí nhất và kể cả những lo lắng thường nhật, những uẩn khúc rắc rối, đều không xa lạ với sự sáng tạo:
Em chết trong nỗi buồn
Chết như từng giọt sương
Rơi không thành tiếng
         (Lâm Thị Mỹ Dạ)
Trần Nhuận Minh viết:
Hư ảo hỡi, giữa vô cùng còn mất
Ta là ai? thăm thẳm có ta không?
Vũ Quần Phương ngậm ngùi, thấm buồn:
Năm tháng qua đi không trở lại
Dấu vết thời gian vốn ngậm ngùi.
Và Thu Bồn không giấu sự đau xót của mình:
Tạm biệt Huế, với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi! Xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé, với chiếc hồn thầm lặng
Anh trở về hoá đá phía bên kia.
Suy ngẫm về hạnh phúc và bất hạnh, đau khổ, về thời cuộc, được thua, thành bại, mất còn, sự hữu hạn của con người và sự vô hạn của thời gian...đã làm giọng thơ hôm nay buồn hơn, thật hơn, lắng đọng hơn, giàu suy tưởng và vì vậy mang nhiều ý nghĩa triết lý nhân sinh hơn. Đó chính là điểm cần của thơ Việt Nam hôm nay, vì chỉ có như thế mới cần đến nhà thơ, nếu chúng ta thừa nhận, đến với thơ là để tìm một lời cảm thông sâu sắc nhất, khi những cảnh ngộ, những tâm trạng đang cần được cảm thông, giải toả của mỗi một người.
Trên hướng đi sâu vào cái tôi cá nhân này, dần dần những nhà thơ lớp trước quen với “những thập kỷ hát ca, những thế kỷ anh hùng, say mê quá chợt bây giờ nhìn lại/chứa bao điều bão tố ở bên trong (Võ Văn Trực) đã buộc phải thay đổi tư duy thơ của mình. Ta thấy rõ điều đó trong thơ Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, Anh Ngọc” và nhiều người khác, kể cả Tố Hữu:
Mới bình minh đó đã hoàng hôn
Đang nụ cười tươi, bỗng lệ tuôn
Đời thường sớm nắng chiều mưa vậy
Khuấy động lòng ta biết mấy buồn
Những nhà thơ đến sau, có thừa sự dũng cảm và liều mình, lại có thêm kinh nghiệm của người đi trước, đã không khoan nhượng:
Đập nát sự đơn điệu, khuôn khổ cũ kỹ, nhàm chán và cam chịu
Em tự làm mất đối xứng bằng em
                               (Vi Thuỳ Linh)
Có thể còn chưa được thừa nhận rộng rãi, nhưng một thái độ và cách suy nghĩ như vậy nên trân trọng.
Nhưng ở đời mọi cái đều chứa đựng hai mặt ngay cả như một chiếc lá hay một tờ giấy mỏng. Nếu cứ đi mãi vào cái tôi, đi không cùng, không có một tư tưởng thẩm mỹ nào dắt dẫn, có thể đó là đường dẫn đến sự vô xác định của ý thức. Một số bạn làm thơ trẻ, có thể đã học được ở những cây bút có tuổi, đã đưa đến trong thơ sự bí hiểm, sự tắc tị. Khi sự hiểu đã đến “độ không” thì thơ ấy không đi được vào công chúng. Nếu ta thừa nhận, thơ là nơi để cảm thông, chia sẻ, là nơi tìm đến của sự đồng điệu... thì kiểu thơ bí hiểm này không có mấy triển vọng. Một số bạn làm thơ khác lại quá khẳng định “cái tôi” của mình bằng cách đưa vào thơ quá nhiều tục tĩu, tầm thường, đối lập triệt để với quan niệm “thơ dâng”, thơ “là quà tặng của thượng đế” v.v...Đấy cũng không phải là nơi cần đến của thơ. Hiển nhiên tôi biết rằng, khi xác định “thơ là gì?”, Jakobson, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ, mỹ học nổi tiếng của Hoa Kỳ dặn rằng: “Nếu chúng ta muốn xác định khái niệm này (tức “thơ là gì?”) cần phải đối lập nó với cái không phải là thơ. Nhưng nói cái gì không phải là thơ, ngày nay không phải dễ”.
Lê Thành Nghị
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...