Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Một chút cảm nhận về "Đường phượng bay..."

Một chút cảm nhận về "Đường phượng bay..."
Huế từng là nơi gắn bó của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những năm tháng tuổi trẻ và là nguồn cảm hứng để ông viết nên nhiều ca khúc trữ tình như: Diễm Xưa, Mưa Hồng…Mưa Hồng có câu: “Đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”. Đã có nhiều người yêu Huế thắc mắc “đường phượng bay” là con đường nào của xứ Huế mộng mơ. Đó có phải là đường Lê Lợi, con đường được xem là đẹp nhất ở Huế? Với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng, phượng Huế đã tạo nên một sắc màu đặc trưng riêng mà không phải thành phố nào của Việt Nam cũng có được.
Phượng Huế được trồng khắp nơi, trên nhiều tuyến đường như: Lê Duẩn, Đống Đa, Đặng Thái Thân, Nguyễn Đình Chiểu, 23 tháng 8…Ngược dòng thời gian, quay về với những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khi bài hát Mưa Hồng ra đời, ngày đó Huế không nhiều phượng như bây giờ. Nhiều người cho rằng “đường phượng bay” chính là đoạn đường từ cầu Trường Tiền đến cầu Bạch Hổ, cửa ngõ phía Bắc dẫn vào thành phố Huế. Nhà thơ Anh Phan đã minh chứng cho điều này từ năm 1966 qua bài thơ "Con đường Phượng Bay":
"Con đường Phượng Bay nằm dọc bờ bắc sông Hương,
Từ cầu Trường Tiền lên cầu Bạch Hổ.
Đi trên con đường Phượng Bay nắng hoa vàng rơi lỗ chỗ..."
Nhiều người khác lại cho rằng “đường phượng bay” chính là đường Đoàn Thị Điểm, đoạn đường nối từ đường 23 tháng 8 đến đường Mai Thúc Loan. Con đường nằm cạnh hoàng thành Huế, nét cổ kính và rêu phong của cố cung tạo cho con đường một vẻ nên thơ hiếm có. Hai hàng cây tỏa bóng mát hai bên khiến cho những người dân Huế hay khách thập phương đến đây đều có một cảm giác yên bình, thanh thản.
Nếu đi giữa buổi trưa mùa hè, ta có cảm nhận như những bậc tiền nhân hàng trăm năm trước đang sống dậy, trò chuyện tâm tình với ta. Vào mùa mưa, con đường càng trở nên huyền bí, hư ảo với những làn mưa “giăng giăng” kín cả bầu trời. Có thể nói đó là con đường “mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau”. Tôi đã từng được nghe bà ngoại tôi kể lại rằng khi bà còn là một nữ sinh Đồng Khánh, mỗi lần đi học bà thường đi bộ ngang qua đường phượng bay (Đoàn Thị Điểm). Hồi đó đường ít người qua lại hơn bây chừ, vẻ trầm mặc của con đường cộng với vẻ u tịch của di tích Đại Nội khiến những thiếu nữ như bà có cảm giác lòng rộn ràng, ngân vang những nốt nhạc vui tươi, yêu đời.

Tôi cũng đã có nhiều lần từng thử đi bộ dưới hai hàng cây của con đường Đoàn Thị Điểm. Mỗi lần đi dưới tán lá là mỗi lần tôi được trở về với thời xa xưa, thời của những vua chúa hoàng tộc mà mỗi khi họ đi dạo luôn có một đoàn tùy tùng theo hộ tống.
Mưa hồng - Hồng Nhung
Trở lại với bài hát Mưa Hồng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mỗi khi ngồi ngâm nga ca khúc này, tôi và những người bạn của tôi đều có chung một thắc mắc rằng con đường “phượng bay” mà cố nhạc sĩ nhắc đến là con đường nào? Đó có thể là đoạn đường từ cầu Trường Tiền đến cầu Bạch Hổ hoặc có thể là đoạn đường Đoàn Thị Điểm nối đường 23 tháng 8 đến đường Mai Thúc Loan. Mỗi người có một ý kiến của riêng mình. Có lẽ câu trả lời nên dành cho những nhà nghiên cứu Huế. “Đường phượng bay” của nhạc sĩ họ Trịnh đó có thể là con đường đặc biệt nào đó theo tâm thức của ông.
Riêng đối với tôi, tôi luôn giữ cho mình.một “đường phượng bay” theo cảm nhận chủ quan của bản thân.. Và ắt hẳn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chắc cũng mong muốn mỗi người yêu Huế hãy dành riêng cho mình một “đường phượng bay”.

Kiều Nhi (Khám phá Huế)
Theo http://forum.petalia.org/
Mưa hồng - Khánh Ly

1 nhận xét:

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...