Hình tượng con rồng trong mỹ thuật
Trong mỹ thuật dân gian Việt
Nam, chúng ta thường gặp hình tượng bốn con vật thiêng mà người Việt gọi là tứ
linh, đó là Long, Lân, Quy, Phượng. Trong bốn con vật đó thì rồng thường gặp
hơn cả. Từ lâu, hình tượng Rồng đã đi sâu vào tiềm thức người Việt. Rồng gắn với
nguồn gốc của người Việt qua truyền thuyết cha Rồng Lạc Long Quân lấy mẹ Tiên
Âu Cơ. Rồng ghi dấu qua các địa danh: Hà Nội - thủ đô cả nước có tên gọi
đầu tiên là Thăng Long (rồng bay); vùng Đông Bắc Việt Nam có địa danh Hạ Long
(rồng hạ); đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu được làm nên bởi dòng sông mang tên Cửu
Long (chín rồng). Hình tượng con rồng thay đổi theo dòng lịch sử,qua các triều
đại.
Là biểu tượng của sự cao quý, của sức sống vĩnh hằng và sức mạnh vũ trụ nên
hình tượng Rồng được sử dụng nhiều trong kiến trúc cung đình, đình chùa, trang
phục vua chúa. Hình tượng con Rồng trong các thời kỳ lịch sử mỹ thuật (thời Lý,
Trần, Lê, Nguyễn) có những đặc điểm khác nhau. Việc xác định phong cách thể hiện
con Rồng qua các thời kỳ sẽ là một căn cứ để xác định niên đại công trình kiến
trúc nào.
1.
Hình tượng con Rồng thời Lý
Trên các hiện vật điêu khắc đá và gốm còn truyền cho đến nay, các nhà khoa học
chỉ thấy Rồng tạc dưới dạng phù điêu, không thấy chạm chìm và chạm tròn. Đó là
những con Rồng thân tròn lẳn, khá dài và không có vẩy, uốn khúc mềm mại và thon
dài từ đầu đến chân, rất nhẹ nhàng và thanh thoát. Các nhà nghiên cứu gọi đây
là Rồng hình giun hay hình dây. Con Rồng thời này mang hình dạng của một con rắn.
Rồng thời Lý thường ngẩng đầu lên, miệng há to, mép trên của miệng không có
mũi, kéo dài ra thành một cái vòi uốn mềm mại, vươn lên cao, vuốt nhỏ dần về cuối.
Một chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên;
có trường hợp răng nanh rất dài, uốn lượn mềm mại để vươn lên, hoặc với vòi lên
bao lấy viên ngọc.
Thân Rồng dài, dọc sống lưng có một hàng vảy thấp tỉa riêng ra từng cái, đầu
vây trước tua vào hàng vây sau. Bụng có đốt ngắn như bụng rắn. Rồng có bốn
chân, mỗi chân có ba ngón phiá trước, không có ngón chân sau. Vị trí của chân
bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất,
chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng
ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Cả bốn chân đều có khủy phía sau và có móng
giống như loài chim.
H.1. Hình tượng con Rồng thời
Lý
2. Hình tượng con Rồng thời
Trần
Từ nửa cuối thế kỷ XIV, con Rồng đã rời khỏi kiến trúc cung đình để có mặt
trong các kiến trúc dân dã, không những chỉ có trên điêu khắc đá và gốm, mà còn
xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở chùa. Rồng cũng không chỉ có ở các vị trí trang
nghiêm mà còn có mặt ở các bậc thềm (như ở chùa Phổ Minh). Thân Rồng thời Trần
vẫn giữ dáng dấp như thời Lý, với các đường cong tròn nối nhau, các khúc trước
lớn, các khúc sau nhỏ dần và kết thúc như đuôi rắn. Vẩy lưng vẫn thể hiện từng
chiếc, nhưng không tựa đầu vào nhau như Rồng thời Lý. Có khi vảy lưng có dạng
hình răng cưa lớn, nhọn, đôi khi từng chiếc vẩy được chia thành hai tầng. Chân
Rồng thường ngắn hơn, những túm lông ở khủy chân không bay ra theo một chiều nhất
định như Rồng thời Lý mà lại bay lên phía trước hay phía sau tùy thuộc vào khoảng
trống trên bức phù điêu. Thời Trần, Rồng xuất hiện chi tiết cặp sừng và đôi
tay. Đầu Rồng không có nhiều phức tạp như rồng thời Lý. Rồng vẫn có vòi hình
lá, vươn lên trên nhưng không uốn nhiều khúc. Chiếc răng nanh phía trước khá lớn,
vắt qua sóng vòi. Miệng Rồng há to nhưng không đớp quả cầu. Rồng thời Trần lượn
khá thoải mái với động tác dứt khoát, mạnh mẽ. Thân rồng thường mập chắc, tư thế
vươn về phía trước. Cách thể hiện Rồng không chịu những quy định khắt khe như
thời Lý. Hình ảnh Rồng chầu mặt trời xuất hiện sớm nhất trong lòng tháp
Phổ Minh (Nam Định), có niên đại khoảng 1305 -1310. Đôi Rồng ở đây được bố trí
trong một ô tròn, chạy ngược chiều kim đồng hồ, đầu ngoái lại chầu một vòng
tròn nhỏ ở giữa, thể hiện mặt trời dưới dạng một vòng tròn đơn giản.
H.2. Hình tượng con Rồng thời
Trần
3.
Hình tượng con Rồng thời Lê
Đến thời Lê, Rồng có sự thay đổi hẳn, Rồng không nhất thiết là một con vật mình
dài uốn lượn đều đặn nữa mà thể hiện ở nhiều tư thế khác nhau. Đầu Rồng to, bờm
lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Mép trên của
miệng Rồng vẫn kéo dài nhưng được vuốt gần như thẳng ra, bao quanh có một hàng
vải răng cưa kết lại như hình chiếc lá. Răng nanh cũng được kéo dài lên phía
trên và uốn xoăn thừng ở gốc. Lông mày vẫn giữ hình dáng biểu tượng ômêga,
nhưng được kéo dài ra và đuôi vuốt chếch lên phía sau. Trên lông mày và chiếc sừng
hai chạc, đầu sừng cuộn tròn lại. Rồng có râu ngắn và một chân trước thường đưa
lên đỡ râu, tư thế thường thấy ở các con Rồng đời sau. Cổ Rồng thường nhỏ hơn
thân, một hiện tượng ít thấy ở những con Rồng trước đó. Như vậy, Rồng mang dạng
thú xuất hiện cuối đời Trần đã thấy phổ biến ở đời Lê Sơ nhưng vẫn còn mang
dáng dấp truyền thống của loài rắn.
H.3 Hình tượng con Rồng thời
Lê
4.
Hình tượng con Rồng thời Nguyễn
Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân
cách hóa, đưa vào đời thường như hình Rồng mẹ có bầy Rồng con quây quần, Rồng
đuổi bắt mồi, Rồng trong cảnh lứa đôi. Con Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi
tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn
mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ; hai Rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu
chữ thọ... Phần lớn mình Rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn.
Đầu Rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt Rồng lộ to, mũi sư tử,
miệng há lộ răng nanh, trên lưng Rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng
uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng Rồng dùng cho vua có
năm móng, còn lại là bốn móng.
H.4 Hình tượng con Rồng thời
Nguyễn
Ngày nay, hình tượng rồng
tuy không còn mang tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được đưa vào
trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật...Dù ở
bất cứ thời điểm nào, Rồng vẫn là một phần trong đời sống văn hóa của người Việt.
Đặng Quốc Tuấn
hãng eva air có tốt không
vé máy bay đi mỹ khoảng bao nhiêu
korean air vietnam
vé máy bay từ sài gòn đi mỹ
giá vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngẫu Hứng Du Lịch
Tri Thuc Du Lich