Sinh ra từ nôi ngũ cung
Ở tuổi 95, GS-TS Trần Văn Khê đang lâm trọng bệnh, hiện nằm trong
Khoa Hồi sức đặc biệt Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP. HCM).
Chàng nhạc trưởng trẻ Trần
Văn Khê
năm 1942 - Ảnh: T.L
Nói đến cái tên Trần Văn Khê
thì không chỉ người VN mà cả những người nổi tiếng đang hoạt động trong lĩnh vực
âm nhạc của thế giới đều biết, ông là người đã tâm huyết dành trọn cuộc đời của
mình cho dân ca - dân nhạc VN. Không chỉ có thế, Trần Văn Khê còn là một “tượng
đài” sừng sững, uyên bác về âm nhạc truyền thống của rất nhiều quốc gia khác
trên thế giới, nhất là các nước Á - Phi.
Để làm được điều này, cách
đây hơn nửa thế kỷ, lúc còn là một sinh viên du học bên Pháp, Trần Văn Khê đã đặt
ra mục tiêu cho đời mình: “Sống nơi đất khách quê người, tôi đã tự đặt cho mình
một nhiệm vụ là ra sức sưu tầm, nghiên cứu những gì có liên quan đến âm nhạc
truyền thống VN qua chiều dài thời gian và chiều rộng không gian… Để thực hiện
được hoài bão của mình, tôi đã tìm tòi học hỏi nền âm nhạc các nước cùng chung
một vùng văn hóa, bắt đầu từ các nước láng giềng đến hầu hết các nước châu Á và
xa hơn nữa để so sánh, đối chiếu rồi từ đó nhận thức những điểm tương đồng hoặc
khác biệt…Được tiếp xúc với nhiều nền âm nhạc sâu sắc khắp hoàn cầu, nhưng tôi
vẫn một lòng hướng về âm nhạc truyền thống VN…” (trích Lời tựa Hồi ký Trần Văn
Khê, NXB Thời Đại & Phuongnam Book).
Trần Văn Khê sinh năm Tân Dậu
(1921), tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc Tiền Giang)
trong một gia đình có truyền thống 4 đời là nhạc sĩ (cổ nhạc), gồm ông cố nội
Trần Quang Thọ (xuất thân từ ban nhạc cung đình Huế, vào nam lập nghiệp), ông nội
Trần Quang Diệm cũng nối nghiệp cầm ca, cha là Trần Văn Chiều (Bảy Triều) giỏi
cả đờn cò lẫn đờn bầu, đặc biệt xuất sắc ở ngón đờn kìm. Ông Bảy Triều chế ra
cách lên dây tố lan còn truyền tụng cho đến ngày nay. Cố ngoại của Trần Văn Khê
là danh tướng Nguyễn Tri Phương, ông ngoại tên Nguyễn Tri Túc là một điền chủ
mê âm nhạc, nuôi nhạc sĩ trong nhà để dạy đờn cho các con, nên các cậu ruột của
Trần Văn Khê là Nguyễn Tri Lạc, Nguyễn Tri Khương, Nguyễn Tri Ân đều sử dụng
thành thạo các nhạc cụ cổ truyền…
Ngay từ khi còn ở trong bụng
mẹ, thai nhi Trần Văn Khê đã được cậu Năm (Nguyễn Tri Khương) ngày nào cũng thổi
sáo, đánh đờn cho nghe, gọi là phương pháp “giáo thai”. Sinh ra trong một cái
nôi âm nhạc như thế, nên âm nhạc cổ truyền đã thẩm thấu vào máu thịt Trần Văn
Khê. 6 tuổi cậu đã chơi được đờn kìm và đờn cò… Năm Trần Văn Khê được 9 tuổi
thì mồ côi mẹ, năm sau người cha cũng qua đời. Ông và hai em (Trần Văn Trạch,
Trần Ngọc Sương) được người cô thứ ba là Trần Ngọc Viện (bà Ba Viện) đem về
nuôi. Bà Ba Viện là người có ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của “nhà bác học”
Trần Văn Khê sau này...
Chàng nhạc trưởng của dàn nhạc
sinh viên
Năm 1942, Trần Văn Khê ra Hà
Nội học y khoa. Tại đây ông cùng các sinh viên gốc Nam bộ như Lưu Hữu Phước, Huỳnh
Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành Nguyên... hoạt động âm nhạc rất tích cực
trong Tổng hội Sinh viên. Riêng Trần Văn Khê với khả năng cảm nhạc xuất sắc đã
được đề cử làm nhạc trưởng cho một ban nhạc sinh viên. Thời kỳ này Lưu Hữu Phước
vừa có những bản hùng ca đầu tay như: Người xưa đâu tá, Bạch Đằng giang, Ải Chi
Lăng… nên Trần Văn Khê đã lồng những ca khúc của Lưu Hữu Phước vào các chương
trình biểu diễn nhằm quảng bá các bài hát của bạn mình đến với công chúng, đồng
thời gián tiếp khơi gợi lòng yêu nước của một dân tộc đang bị thực dân Pháp cai
trị. Báo La Volonté Indochinoise nhận xét: “VN có một sinh viên trẻ tuổi chỉ
huy dàn nhạc với phong cách một nhạc sĩ nhà nghề”.
Thời gian này, Trần Văn Khê
và nhóm Hoàng Mai Lưu (Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước) còn hợp tác
với Đoàn kịch Anh Vũ của nhà thơ Thế Lữ trong vở Tục lụy (Khái Hưng viết kịch,
Thế Lữ chuyển thành kịch thơ, nhưng ngại nếu ngâm thơ từ đầu đến cuối khán giả
sẽ chán nên nhờ Lưu Hữu Phước phổ nhạc vài đoạn để hát) cho Trường nữ nội trú Đồng
Khánh (Hà Nội), sau đó Trường Áo Tím Sài Gòn (tiền thân của nữ sinh Gia Long,
Nguyễn Thị Minh Khai bây giờ) cũng nhờ ê-kíp này dựng vở Tục lụy…
Năm 1943, chàng sinh viên
trường thuốc Trần Văn Khê từ Hà Nội trở về quê để làm đám cưới với bà Nguyễn Thị
Sương (vừa từ trần năm 2014). Họ có con trai đầu lòng là Trần Quang Hải vào năm
1944 (hiện ở pháp, cũng có học vị GS-TS âm nhạc học, người sáng tạo ra kỹ thuật
hát đồng song thanh, đồng thời được xưng tụng là “vua đàn môi, đàn muỗng”…).
Năm 1949, Trần Văn Khê qua
Pháp du học và đặt mục tiêu cho đời mình là chuyên tâm nghiên cứu âm nhạc truyền
thống VN và thế giới, đồng thời quảng bá dân ca - dân nhạc VN với thế giới như
đã nói ở trên...
Hà Đình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét