Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Mùa xuân đầy hy vọng và yêu thương trong nhạc Thanh Trang

Mùa xuân đầy hy vọng và yêu thương 
trong nhạc Thanh Trang
 gồm những bản nhạc sau đây:
• Bài Hát Mùa Xuân - Quỳnh Giao/ Youtube
• Ngày Tháng Nào Yêu Em - Quang Tuấn
• Vần Thơ Xuân Cho Em - Tâm Hảo/ Youtube
• Mùa Xuân Ngày Trở Lại - Minh Châu/ Youtube
• Mùa Xuân Quê Tôi - Thái Ninh, Thái Phượng, Hoàng Tiếp, Anh Dũng / Youtube
• Mùa Xuân Nơi Xa - Thanh Trang
• Như Còn Đấy Mùa Xuân - Tâm Hảo
• Đi Giữa Mùa Xuân - Vũ Trung Hiền
• Có Sớm Ta Về - Hoàng Cung Fa & Phan Anh Dũng
• Xuân Tận Miền Xa (thơ: Kim Tuấn) - Tâm Hảo/ Youtube
• Bài Hát Mùa Xuân - Ban Sóng Xanh/ Youtube
  
Về "Bài Hát Mùa Xuân"
Những bài hát về mùa Xuân của ta từ xưa đến nay phải nói là nhiều! Những bài hát có nhắc nhở đến mùa Xuân (hay các mùa khác, ngọai trừ mùa Hè, chả biết lý do vì sao, có thể tại mùa Hè nóng nực quá nên các nhạc sĩ lo trốn nắng, trốn nắng thì không thấy trời đất gì nữa nên không tìm ra hứng chăng?) thì phải nói là đếm không xuể! Thế nhưng các bài hát thuộc dạng đồng ca hay hợp ca thì lại không có bao nhiêu.
Trườc thập niên 50 thì Xuân đến, Tết đến, bài hát không thể thiếu trong các chương trình phát thanh ở các Đài bên nhà là bài "Xuân và tuổi trẻ", nhạc của La Hối (người Trung Hoa) và lời của Thế Lữ. Bài hát thật hay, thật tươi sáng. Giai điệu đã đẹp, mà phần lời lại còn là của một nhà Thơ ("Mới") nổi tiếng thì tưởng khỏi cần phải bàn! Giữa thập niên 50, bài "Ly rượu mừng" của Phạm Đình Chương xuất hiện. Có một nhà văn nhà thơ nào đấy đã từng có ý kiến là "Tết đến không có bài "Ly rượu mừng" thì kể như không phải là Tết"! Thì cũng có lý; đối với những tâm hồn yêu nhạc. (Bởi bằng không thì sẽ có người nói rằng không cho đốt pháo thì không phải là Tết; hoặc không cho chơi "Bầu Cua Cá Cọp" vào những ngày đầu năm thì không phải là Tết"! v.v)".
Một ngày mùa Xuân, Tết đến, khoảng gần giữa thập niên 80, tôi đi quanh quẩn trên đường phố Sài Gòn, nhớ những mùa Xuân xưa. Không còn nghe "Xuân và tuổi trẻ", không còn nghe "Ly rượu mừng", không còn nghe những bài hát - lọai đồng ca - về mùa Xuân. Nói chung là chẳng còn nghe những bài nào có nhắc đến chữ "Xuân" của các nhạc sĩ xưa kia sáng tác dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa! Về nhà, tôi viết hai bài: bài "Nhớ em một ngày nắng Sài Gòn" và bài "Bài hát mùa Xuân". Quỳnh Giao là người đầu tiên hát bài này (hoà âm của Duy Cường). Đây là món "quà Xuân" mà tôi muốn gửi đến mọi người, cho dù mùa Xuân ở ngoài trời có đến hay không hoặc đã đến hay chưa. Thơ Xuân Diệu từng có câu: "Xuân ở giữa mùa Đông khi nắng hé
Giữa mùa Hè khi trời biếc sau mưa
Giữa mùa Thu khi gió sớm bay vừa
Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong áo rộng.."

(Trích "Xuân không mùa" của Xuân Diệu)
Thanh Trang
Về bài hát: "Ngày tháng nào yêu Em"
Dalat mùa Xuân năm 1973.  D. đã tốt nghiệp sau bốn năm Đại Học. Trước đấy, D. là học sinh trường nữ Trung Học “Couvent des oiseaux”.  Ra trường thì D. được một ngân hàng tư ở Saigon tuyển dụng ngay. Hai bên tạm biệt nhau và cứ đinh ninh là cũng phải khá lâu nữa thì mới có dịp gặp lại. Chưa tròn tháng, một buổi chiều sau giờ giảng, vào phòng dành riêng cho các Giáo Sư bên Viện Đại Học thì tôi nhận đuợc một xấp thư từ các nơi gửi về; trong có lá thư của D. Bóc ra xem, chỉ có mấy dòng ngắn gọn: ”Em đã đuợc người ta cho thuyên chuyển lên chi nhánh ở Dalat. Hy vọng khoảng đầu tháng tới em đã có mặt trên đó”!
Mùa Xuân chưa dứt, lũ hoa Đào vẫn còn phơn phớt tím ven hồ Xuân Hương thì D. đã lại có mặt ở Dalat. Mùa Hè năm đó ấm áp, tuy tình hình chiến sự ở các Tỉnh Cao Nguyên Trung Phần đã bắt đầu sôi bỏng! Mùa Thu năm đó ẩm thấp, mưa nhiều. Sang Đông thì khô ráo nhưng  lạnh căm. Hàng ngày đi làm, D. mặc áo dài, bên ngòai có khóac cái áo len mỏng. Gần tới ngày Lễ  Noel, một buổi chiều ngang qua phố tôi thấy trong khung kính một cửa hàng nọ có bầy bán một chiếc áo len màu xanh dương nhạt, loại “Turtle neck”!
Áng chừng thì cũng  vừa khổ người của D. Chiều đến, tôi ngồi uống ca-phê với anh bạn ở nhà hàng Mekong ngang khu chợ Hòa Bình. D. đi làm về với hai cô bạn, ngang qua đấy thì bước chậm lại , nhìn vào bên trong cửa kính. Tôi bước ra. Cô nàng khoanh hai cánh tay trước ngực, trông có vẻ lạnh, nói: ”Anh đưa em về chứ ?” Tôi lấy xe đưa D. về. Đến cổng, tôi nói là phải quay lại với anh bạn đang chờ ở nhà hàng, và dặn:” Tối nay em nói với N. (tên người em gái) đo vai, vòng ngực, thân áo,… rồi chiều mai cho anh mấy con số đó”! D. nhoẻn miệng cười: ”Anh mà cần mấy con số đó à? ”Xong rồi vụt chạy vào sân trong.
Chiều hôm sau, tôi ngồi bên trong khung kính nhà hàng Shanghai, D. đi làm ra, ngang đó dừng lại. Tôi bước ra, chưa kịp nói gì thì cô ấy nắm lấy một bàn tay tôi, lật ngửa ra và lấy cái bút “bi” hườm sẵn trong tay viết lên ba con số. Từ bấy đến nay, năm tháng qua đi, tôi không còn nhớ ba con số đó, tuy khổ người cùng vóc dáng của D. thì lúc nào tôi cũng hình dung ra đuợc dễ dàng.
Giữa năm 1982, một ngày nọ, bốn người sinh viên cũ, một nam ba nữ ghé nhà thăm tôi. Họ báo tin D. đã qua đời vì bệnh ung thư gan. Một cô rút trong giỏ tay ra một tấm ảnh “Polaroid”, nói với tôi là ngày  họ vào thăm D. ở bệnh viện thì thì D. muốn cùng nhau chụp chung tấm ảnh kỷ niệm. Không có sẵn máy ảnh, một anh chạy vội về nhà đem đến cái máy Polaroid. Chụp đuợc vài tấm. D. nhắn một cô là sau này có dịp gặp lại tôi thì biếu tôi một tấm. Tấm ảnh chụp bên trong phòng bệnh, tuy có “flash” nhưng ánh sáng vẫn thiếu. Tôi nhìn tấm ảnh, thấy vẫn mái tóc dài khi xưa nhưng gương mặt đã có phần già đi và tiều tụy. Trong tấm ảnh, D. mặc cái áo len loại “Turtle neck” màu xanh dương nhạt nhưng trong ảnh thì màu lại lên đậm. Chiếc áo tôi mua làm quà Noel cho D. năm xưa,  vào giữa mùa Đông ở Dalat.

Có sớm ta về
Mùa Xuân vui ngàn chim hót bên đuờng
Lửa hồng bừng lên ánh dương
Ruộng đồng màu xanh lúa non
Trẻ hát vang ngòai thôn xóm
Có sớm ta về
Buồn vui theo cùng giây phút giao mùa
Chân lạc về qua lối xưa
Còn nhớ hôm nào tiễn đưa
Đời qua một cơn gió mưa!
Ngày mai ta về dựng miền đất mới
Ngày mai sông dài biển rộng vẫn vui
Mùa Đông qua rồi mùa Xuân sẽ tới
Tình ta là tia nắng soi đêm dài ..
Một sớm ta về
Mùa Xuân vui ngàn chim hót bên rừng
Mẹ già bạc phơ tóc sương
Mỏi mòn chờ mong bóng con
Giờ bỗng dưng nồng hơi ấm!
Có sớm ta về
Đàn con thơ cùng lên tiếng reo mừng
Em ngại ngùng như mới quen!
Dù có vui đừng góp thêm
Lệ vui nhòa trên tóc em!
Thanh Trang (1977)      
Mùa Xuân Quê Tôi - Thanh Trang 2006
Xin hãy đến quê tôi cho biết
Lúc mùa Xuân vừa biếc cỏ non
Xin hãy đến quê tôi cho biết
Lúc mùa Xuân hòa nét vàng son!
Khắp quê tôi mùa Xuân kia vừa tới
Khắp quê tôi mùa Xuân đến kia rồi!
Nắng Xuân xanh cùng chim hót hoa cười
Lòng xôn xao như cũng lây niềm vui
Những nẻo đuờng xa ngoài biên giới
Mưa trắng đồi nương sắc xanh tươi
Những dòng người trên đuờng phố mới
Xuân đến rồi nắng Xuân rộn trên vai!
Khắp quê tôi mùa Xuân mang tên
Bắc, Trung, Nam sông núi nối ba miền
Xuân nay về chung một bầu trời
Cùng chung lòng đưa quê hương đi lên!
Mùa Xuân với quê tôi là nắng ấm
Muôn người đi hòa cuộc đời chung
Lòng mơ ước niềm vui làm lẽ sống
Đuờng ta đi dù khó khăn vô cùng!
Đuờng ta đi ..( Đuờng ta đi ..)
Quê tôi khi Xuân vừa mới sang
( Quê tôi khi Xuân vừa mới sang.. )
Đuờng Trường Sơn xanh biếc non ngàn
Nẻo hồ Gươm sương thắm nắng tràn
Nghe đâu đây dòng đời thân ái
Như điệu ngân một tiếng tơ đàn ...
Quê tôi khi Xuân vừa mới sang
(Quê tôi khi Xuân vừa mới sang ..)
Về miền Trung sông nước mơ màng
Giòng Cửu Long sức sống tuôn tràn
Nghe âm vang Biển Đông sóng vỗ
Khúc Trường Ca quê hương mênh mang ...!

NS Thanh Trang điều khiển Ban Hợp Ca 
Chương trình "Tình Khúc Mùa Thu" - tháng 10, 2008
Những bản nhạc về mùa Xuân và bài viết của Nhạc Sĩ Thanh Trang 
Tiểu Sử Nhạc Sĩ Thanh Trang
• Tên thật: Nguyễn Thanh Trang
• Sinh năm 1942
• Nguyên quán:Thái Hà Ấp, Hà Nội, vào Nam năm lên 8 (1950) do thân phụ thay đổi nhiệm sở.
• Tiểu học: trường "Jaureguiberry" (sau 1956 đổi thành "St-Exupery") trên đường "Thevenet" (sau đổi thành đường Tú Xương, con đường yên tĩnh, có những hàng cây thật đẹp, nằm sâu trong ký ức cậu học trò nhỏ, sau này sẽ làm nền cho bài hát "Những con đường thành phố tôi yêu".)
• Trung học: Lycée Chasseloup Laubat (sau đổi tên ra "Jean Jacques Rousseau"), tốt nghiệp Trung Học ban "Sciences Expérimentales".
• Vào Ðại Học Luật Khoa năm 1961. (Bài hát "Duyên Thề" viết khi ở năm thứ 2 Luật Khoa).
• Tốt nghiệp Cử Nhân Luật Khoa năm 1963. Xong Cao học Kinh Tế năm 1966. Thời gian sinh viên, cộng tác với Nhật Báo "Tự Do" và một số nhật báo, tạp chí văn học khác; bút hiệu "Thanh Nguyễn" (bút hiệu sau nay vẫn tiếp tục xử dụng trên các nhật báo ở Nam Cali như Người Việt, Viễn Ðông, hoặc các Tạp chí Thế kỷ 21, Văn Học, Hợp Lưu...)
• Nhập ngũ năm 1968 (cùng lượt với Lê Tất Ðiều, Dương Kiền, Dương Cự v.v..).
• Rời Thủ Ðức, cuối năm 1968 lên giảng dạy Luật và Kinh Tế tại trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt (những bài "Tình Khúc Mùa Ðông" và "Huyền" viết vào thời điểm này).
• Cuối 1969, du học tại Hoa Kỳ môn "Development Economics", Ðại học Vanderbilt tại Nashville, Tennessee (Luận án tốt nghiệp: "The absorptive capacity of Foreign Aid")
• Trở về nước năm 1973, tiếp tục giảng dạy Kinh Tế ở Võ Bị Quốc Gia và Viện Đại Học Đà Lạt (Phân Khoa "Chính Trị Kinh Doanh") cho đến tháng Tư năm 1975 khi đơn vị di tản về Sài Gòn. Bị đưa vào trại tập trung của Cộng Sản từ sau ngày Việt Nam Cộng Hòa thất thủ cho đến năm 1982.
• Tái định cư tại Hoa Kỳ vào giữa năm 1990 theo diện "Political Refugee". Hiện cư ngụ tại Covina, California.
Tác Phẩm: (tính đến cuối tháng 12/2012)
Ánh Mắt Buồn, Áo Màu Kỷ Niệm, Áo Tím Chiều Mây, Bài Tango "Đêm Nơi Thành Phố Lạ", Bài Tango Cho Mùa Thu, Bài Hát Mùa Xuân, Bài Thơ Xưa Cho Em, Bài Tình Ca Ngày Cũ, Bài Tình Ca Trong Chiều, Bài Tình Ca Trong Đêm, Bài Tình Ca Trong Ngày, Bến Xưa, Chẳng Hẹn Nhưng Lòng Sao Vẫn Mong, Chiều Biển Vắng, Chiều Đông Nhớ, Chiều Mưa Phố Nhỏ, Chiều Muộn, Con Đuờng Có Hàng Phượng Tím, Còn Lại Ta Với Phím Đàn, Còn Nhớ Gì Khi Xa Huế, Có Sớm Ta Về, Cô Hàng Cà Phê, Dạ Khúc, Duyên Thề, Dù Chỉ Nói Câu Giã Từ, Đêm Giáng Sinh Nơi Miền Tuyết Trắng, Đi Giữa Mùa Xuân, Đò Mây, Đường Chiều Lộng Gió, Góc Trời Chân Mây, Hoa Tàn Trong Gió, Hoàng Hạc Lâu, Hỏi Em Hỏi Anh, Huyền, Khi Cuộc Tiình Đã Qua, Khúc Hát Ly Hương, Lá Thu Rơi, Lá Rơi Trong Chiều, Lời Kinh Cầu, Lời Nào Em Còn Nhớ, Lời Ru Của Mẹ, Lời Tình Cuối, Lời Xa Vắng, Liễu Buồn Xanh Ngắt Mùa Thu, Một Đời Tôi Hát, Một Ngày Qua Đi, Một Ngày Một Đời, Mắt Buồn Hà Nội, Màu Xanh Ban Chiều, Mùa Xuân Ngày Trở Lại, Mùa Xuân Nơi Xa, Mùa Xuân Quê Tôi, Mùa Thu Về Thăm Mẹ, Muộn Màng, Ngày Mưa Trên Thành Phố, Ngày Tháng Nào Yêu Em, Ngày Vui Đôi Lứa, Nhớ Em Một Ngày Nắng Sài Gòn, Nếu Em Muốn Biết, Như Còn Đấy Mùa Xuân, Những Con Đường Mình Đã Đi Qua, Những Con Đường Thành Phố Tôi Yêu, Những Kỷ Niệm Không Còn Đó, Nét Hoa Tường Cũ, Nói Với Mùa Thu, Nơi Ta Hẹn Gặp, Rừng Thu Thay Lá, Sài Gòn Nhớ Sài Gòn Thương, Sông Nước Quê Người,Tháng Đợi Năm Chờ, Tình Khúc Mùa Đông, Tình Lên Xanh Kín Lòng, Tình Nồng Ý Thắm, Thiên Lý Bên Đời Vẫn Ngát Hương, Tháng Đợi Năm Chờ, Thoáng Nhớ Mong Manh, Thuyền Đời Xa Bến,Tiếng Buồn Đêm Mưa, Tình Lên Xanh Kín Lòng, Tình Nồng Ý Thắm, Tình Thương Đất Mẹ Phù Sa, Tóc Buồn Muôn Thuở, Tóc Em Vẫn Là Hương Của Mẹ, Thuyền Và Biển, Thương,Tống Biệt Hành, Trở Về Nha Trang, Trăng, Từng Chiều Mây Bay, Xuân Tận Miền Xa,  Vần Thơ Xuân Cho Em, Yêu Là Yêu,Yêu Lầm Người Để Mất Một Người …
 Theo http://cothommagazine.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...