Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

Vui trước vui sau

Vui trước vui sau
Kẻ sĩ ngày xưa luôn lấy “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” làm chuẩn mực cho lối sống và đạo đức của mình. Từ ông Phạm Trọng Yêm bên Tàu đến cụ Nguyễn Trãi ở Việt Nam, mối “tiên ưu” mãi canh cánh bên lòng họ. Con người làm nên hào khí Lam Sơn từng thao thức:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
 
(Thuật hứng
 - 5)Nhưng xem ra người xưa đã cỡi hạc đi mất rồi, để lại cái lầu đạo lí trống trơ, chẳng còn một tí tẹo nào “tấc lòng ưu ái cũ”. Họ đi vào quá khứ mang theo cả tư tưởng thân dân: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Ngày nay, cái lối sống “lo trước” ấy xem ra đã lỗi thời, lạc mốt lắm lắm. Chiếc áo đạo lí ấy không còn vừa kích cỡ của kẻ sĩ thời kinh tế thị trường nữa. Kẻ sĩ hiện đại hình như lộn trái chiếc áo của người
 xưa mà mặc, đảo ngược câu nói của người trước để sống: “Vui trước cái của thiên hạ, lo sau cái lo của thiên hạ”. Phải chẳng đó là chuẩn mực của kẻ sĩ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh - Công nghệ Hà Nội qua câu trả lời về việc tổ chức cuộc thi “Duyên dáng kinh doanh” (Miss Kinh doanh và công nghệ) tại trường đêm 21 tháng 12, trong khi sinh viên Vũ Ngọc Cương - lớp trưởng Kiến trúc K15 của trường - vừa bị một số sinh viên cùng trường đâm chết ngày 19 vì cho là “nhìn đểu” và mới đưa tang ngày 20 tháng 12.  “Sự kiện thì có vui, có buồn và xảy ra liên tục, chúng ta không chờ đợi được đến hết buồn rồi mới được vui vì mấy chục ngàn sinh viên đang chờ đợi cuộc thi”. Nhà báo Yến Anh, báo “Người Lao Động”, số thứ Hai, ngày 24 tháng 12 năm 2012, đã ghi như vậy trong bài “Vừa đưa tang đã thi sắc đẹp !”. 
Ôi, kẻ sĩ quản trường đại học sao lại có thể như thế.Phải chăng bây giờ cái vui cái lo của kẻ sĩ hình như chỉ xoay quanh nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp con khôn, mấy ai chú tâm vui lo vì con người. Cái lo trước vui sau ngày xưa hướng ra cộng đồng, bây giờ nó rút lui, ru rú trong gia đình hạt nhân. Cái vui và lo đã mang tên gọi mới là “được” và “mất” của cá thể và gia đình mình. Và xét cho cùng cái đau, cái buồn vì con người phải chịu lép như trấu trước cái vui hào nhoáng hình thức, đó cũng là một điều dễ hiểu.  
Phải chăng…Thôi đành học Vưởng Tử Trực mà ngoắc ngoéo một câu:
     Chẳng hay người học sách chi,
     Nói sao những tiếng dị kì khó nghe
 
     (Nguyễn Đình Chiểu - Lục Vân Tiên).
Hoàng Dục
Theo http://nguoikemon.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...