Công nghệ thông tin và việc đọc sách
Những ngày cuối của năm 2000, con người nhìn lại chặng
đường một thế kỉ mà nhân loại đã bước qua và khẳng định: công nghệ thông tin là
một trong những phát mình vĩ đại nhất của thế kỉ XX và của lịch sử loài người.
Internet - “người đại diện” tiêu biểu nhất của công nghệ thông tin - đã làm nên
những điều kì diệu. Ai cũng hân hoan trước thành tựu ấy, nhưng cũng có không ít
người bắt đầu lo lắng: công nghệ thông tin với
khả năng mang lượng thông tin khổng lồ, phải chăng sẽ khiến con người không còn
thiết tha với sách, với việc đọc sách - một công cụ khác của thông tin. Liệu sự
lo lắng ấy của một số người có chính đáng không ?
Sự lo lắng này không phải vô cớ. Mỗi năm, có
hàng triệu triệu trang thông tin điện tử mới ra đời với mọi loại tri thức ở
nhiều lĩnh vực khác nhau. Thay vì tìm đến với thư viện để tìm kiếm, tra cứu,
con người chỉ cần một từ khoá và một cú nhắp chuột thì hàng nghìn trang tư liệu
sẽ xuất hiện, cung cấp những gì con người cần một cách nhanh chóng. Cần một
cuốn sách Đông Tây xưa và nay, chỉ cần vào thư viện điện tử, e-book, những cuốn
sách được số hoá sẽ hiện ra, với những trang sách ảo chẳng khác gì trang sách
thực. Bên cạnh đó, với mục đích giải trí, công nghệ thông tin dường như vượt xa
các trang giấy in bởi lẽ đi kèm theo nó là những hình ảnh, âm thanh, màu sắc,
đường nét,… sống động muôn màu muôn vẻ. Công nghệ thông tin sẽ đem đến cho con
người nào nhạc số, phim số, sách số, games và những trang sách ảnh và viết
không lành mạnh nữa. Điều đó hoàn toàn khác với những cuốn sách. Dù in ấn trình
bày đẹp đến đâu, sách cũng chỉ mở ra có một hình thức, một khuôn cửa sổ giấy
trắng mực đen giống nhau. Dẫu đấy là sách viết về các các ngành khoa học, các
lĩnh vực chuyên môn như: toán học, địa lí, sinh học,… hay những tác phẩm văn
chương đều thế. Trong khi đó, những gì con người thấy qua khung cửa sổ của công
nghệ thông tin không bao giờ lặp lại. Khuôn cửa sổ hình thức của công nghệ
thông tin rất đa dạng, sống động và luôn nhanh chóng mở ra, mời gọi đầy hấp
dẫn. Hiểu về sách và công nghệ thông tin như thế, mới thấy người ta e ngại bầu
trời của sách sẽ không còn thu hút những “cánh diều” người đọc cũng là điều dễ
hiểu.
Tuy vậy, sự việc đọc sách khi có công nghệ thông
tin có cần thiết và có thực sự phải lo lắng đến thế không ? Lo sách rồi sẽ bị
lãng quên trước sự biếng đọc của con người là chính đáng hay không chính đáng
? Có lẽ nỗi lo đó không thật sự chính đáng, nếu không muốn nói là quá bao
đồng. Bởi vấn đề ở đây là đọc sách và sự biếng lười đọc sách chức không phải
công nghệ thông tin với việc đọc sách. Nếu như lên mạng, người ta chỉ lang
thang tìm những địa chỉ để thoả mãn nhu cầu giải trí đơn thuần như chơi game,
xem phim, hay tồi tệ hơn là vào những địa chỉ đen thì đó là một nỗi lo khác chứ
không phải lo biếng đọc sách. Còn nếu vào mạng để đọc sách với mục đích trau
dồi kiến thức, nâng cao tầm hiểu biết của mình thì có gì đáng lo.
Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, khi sách in ra đời
và trở nên phổ biến, có một vị linh mục đã chỉ vào cuốn sách, rồi chỉ vào những
đường nét, hoạ tiết kiến trúc truyệt vời trong nhà thờ của mình, và nói: “Cái
này sẽ giết cái kia”. Với linh mục ấy và những người thời đó, sách sẽ “giết”
những cảm nhận trực tiếp, mắt thấy tai nghe; sách sẽ “giết” những vở kịch,
những bức tranh vì lẽ họ đã biết tất cả qua sách rồi. Vậy nhưng, thời gian đã
chứng minh điều ngược lại. Những danh lam thắng cảnh, những kiệt tác nghệ thuật
như tranh tượng, điêu khắc vì sách mà trở nên nổi tiếng hơn, được quan sát,
được nghiên cứu một cách có hệ thống hơn. Những vẻ đẹp, những ghi nhận từ cuộc
sống vốn dĩ đã là những chân giá trị thì sẽ không vì sách mà mất đi. Ngược lại,
sách với những gì đã nghiên cứu về các ngành nghệ thuật khác ngoài văn chương
càng làm sâu sắc hơn, càng khẳng định chắc chắn giá trị của các ngành nghệ
thuật ấy. Ngày này với sách cũng vậy. Sách cũng là một chân giá trị. Những
trang thông tin trên mạng mỗi năm giới thiệu hàng triệu cuốn sách đến với người
đọc, và qua mạng những người bạn giới thiệu sách cho nhau, cùng nhau đọc sách
để nâng cao kiến thức, để rèn năng lực cảm thụ văn học, hiểu sâu sắc hơn về con
người và cuộc sống, điều đó không có ích hay sao.
Hiểu như thế mới thấy, người ta chỉ thấy sự lấn
át của công nghệ thông tin mà không thấy sự tương tác, sự bổ sung của công nghệ
thông tin với việc quảng bá sách, đọc sách. Chưa bao giờ những bạn đọc yêu sách
dễ dàng sở hữu cuốn sách mình mong muốn như lúc này, khi chỉ cần vài thủ tục
đơn giản, những trang giao dịch sẽ gửi quyển sách đến tận nhà. Không biết những
ai lo lắng thái quá về công nghệ thông tin sẽ làm người ta biếng đọc sách có
giống như vị linh mục này xưa không ?
Bên cạnh đó, chúng ta cần xem lại hai chữ “đọc
sách”. Khi người ta cầm cuốn tiểu thuyết được in ấn, xuất bản, lật từng trang
và đọc, đó là đọc sách. Nhưng khi cuốn tiểu thuyết được đăng toàn văn trên mạng
Internet, và người đọc thay vì lật từng trang sách, lại chỉ cần nhấp chuột để
đọc, phải chăng như vậy không phải là “đọc sách” ? Trong xu hướng hiện nay,
e-book - sách trên mạng càng trở nên phổ biến và rất thuận lợi cho những ai thích
đọc sách, tìm hiểu những vấn đề khoa học và thưởng thức cái hay cái đẹp của văn
chương. Chỉ cần tìm vào địa chỉ sách, mở trang sách, load xuống và in hay lưu
lại trên máy tính… và thế là có sách để đọc rẻ tiền biết bao ! Còn sách
in, không phải ai cũng đủ khả năng mua sách và mua thật nhiều sách. Ngay
cả khi sở hữu được những cuốn sách, làm sao người ta lúc nào cũng mang theo bên
mình. Trang tìm kiếm lớn nhất thế giới trên mạng - Google - hiện đang nuôi tham
vọng đăng tải nội dung hàng triệu đầu sách cũng vì mục đích cung cấp cho những
người đam mê đọc sách trên thế giới những cuốn sách dưới hình thức nhanh nhất
và gọn nhất. Vậy nên, thấy một người nào đó dành nhiều thời gian cho công nghệ
thông tin, ít chăm chú vào cuốn sách in, dù anh ta đang đọc e-book, chúng ta sẽ
rất phiến diện cực đoan khi phán xét anh ta không yêu sách, lười biếng đọc sách!
Sự thật, tình yêu con người dành cho sách khó mà
bị thay đổi bởi công nghệ thông tin. Có những người sáng tác và đăng tải trên
Internet. Khi những dòng văn của họ được nhiều người đọc hưởng ứng, lập tức
những cuốn sách giấy trắng mực đen in tác phẩm của họ và phát hành ra thị
trường. Điều kì lạ là, nhiều độc giả vẫn mua những cuốn sách đó, dù họ đã đọc
và lưu trữ nội dung tác phẩm vào máy tính. Họ mua vì chính họ yêu sách và đó là
bằng chứng không chối cãi cho quan điểm: công nghệ thông tin không thể giết
được sách. Còn những kẻ lười đọc vốn dĩ họ đã thế. Công nghệ thông tin với
những trò chơi, những phim ảnh, những trang nhảm nhí chỉ giúp họ “thoát” khỏi
việc đọc sách mà thôi.
Còn những ai “yêu” sách, biết được giá trị và ý nghĩa to lớn của việc đọc sách; có động cơ, mục đích đúng đắn về việc đọc sách; công nghệ thông tin là một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp người đọc bình đẳng trong việc tiếp cận với sách, bất kể giàu nghèo, trí thức hay bình dân.
Còn những ai “yêu” sách, biết được giá trị và ý nghĩa to lớn của việc đọc sách; có động cơ, mục đích đúng đắn về việc đọc sách; công nghệ thông tin là một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp người đọc bình đẳng trong việc tiếp cận với sách, bất kể giàu nghèo, trí thức hay bình dân.
Điều gì đến tất yếu nó phải đến. Không ai có thể ngăn bước tiến của
công nghệ thông tin hoặc bắt người ta phải rời bỏ trang sách trên màn hình để
cầm quyển sách mà đọc. Vả lại, nếu người ta cứ ôm mãi một sự lo lắng mà không
có biện pháp tích cực thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Tại sao người
ta không chỉ cho nhau tầm quan trọng của việc đọc sách ? Tại sao không nói với
nhau một cách chân tình, lên mạng giải trí là cần thiết, nhưng đọc sách để làm
giàu tri thức là quan trọng hơn. Bởi có tri thức, con người mới biết để sống,
để làm việc và để hội nhập thì đọc sách trên mạng và đọc sách in có gì khác
nhau. Phải chăng đó mới là cái lo chính đáng ?
Từ đó, chúng ta mới nghiệm ra một điều lí thú.
Con người trong tương lai có thể in những quyển sách đẹp hơn, công phu hơn. Con
người có thể tổ chức nhiều cuộc thi về ấn phẩm sách, hoặc hội chợ sách. Con
người cũng cần biến công nghệ thông tin thành sự hỗ trợ đắc lực cho sách hơn
nữa thay vì kì thị nó. Sách và công nghệ thông tin đều là con đẻ tinh thần của
nhân loại. Trên hết, con người cần giữ tinh thần lạc quan và niềm tin vào tình
yêu dành cho sách, người bạn đã trải qua bao vui buồn cùng loài người. Và hôm
nay, công nghệ thông tin là một người bạn khác sẽ cùng sách in đồng hành, làm
bạn với con người trong hàng thế kỉ sau. Vậy thi, tại sao phải lo công nghệ
thông tin bùng nổ, người ta sẽ biếng đọc sách nhỉ?.
Hoàng Dục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét