Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Nhạc sĩ Cung Tiến với tình thu

Nhạc sĩ Cung Tiến với tình thu 
Trong chu kỳ đổi thay thời tiết của vũ trụ thiên nhiên này ta bắt gặp Mùa Thu. Mỗi năm một lần, thu đến rồi thu đi, rồi thu lại đến để rồi lại giũ áo ra đi. Mỗi mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, đều có những sắc thái riêng biệt, song dường như chỉ với thu lòng người mang mang một mối hoài cảm vời vợi, bâng khuâng.
Những tâm hồn đa cảm không tránh khỏi buồn vương theo dư ảnh "lá đổ muôn chiều, ôi lá úa", "lá bay hàng xóm, lá bay sang" và như Xuân Diệu gợi lại cái lặng lẽ, u trầm, óng ả của thu:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới mùa thu tới
với áo mơ phai dệt lá vàng...
Phải chăng vì thu đẹp, thu sang, từng sóng lá nhuốm màu thời gian xào xạc trên những khóm cây trong sân trường, nơi công viên hay bên bìa rừng và ý thu khơi gợi hồn người những xúc cảm, có khi vu vơ, huyễn hoặc, nhưng những bâng quơ ấy dù không xác định vẫn tồn tại trong những rung cảm thực. Bởi chỉ có rung cảm thực và thu có đẹp thực mới cho ta những tình tự hoài thu:
Những đêm lá rơi xào xạc
tình yêu như giấc mơ hoang
lối xưa chập chờn bóng đổ
hồn lay đôi cánh lỡ làng...
Người đời hoài thu có lẽ trong bốn mùa ta chỉ nghe có THU QUYẾN RŨ mà thôi. Trong đó Đoàn Chuẩn đã phải ca lên rằng:
Anh mong chờ mùa thu
Dìu thế nhân vào chốn thiên thai
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay
Mùa thu quyến rũ anh rồi...
Thu có đẹp, có quyến rũ hay không, xin hãy nghe các nghệ sỹ nói chung và các nhạc sỹ, thi sỹ nói riêng, từ đông sang tây, từ Âu sang Á, và chỉ riêng Việt Nam thôi, đã có biết bao ngòi bút ca tụng vẻ đẹp mùa thu, bao nhiêu cây đàn và tiếng đàn cùng lời ca hát lên cho mùa thu. Tình thu vời vợi, ý thu lâng lâng, hồn thu mênh mang, và lòng thu chứa chan rung động. Mùa thu, mùa gợi cảm hơn hết; những cảm xúc mang chiều sâu kỷ niệm, u trầm trong ý nghĩ, xâm chiếm hồn người qua tiếng hát lời thơ. Mặc dù mang biệt danh 'Vô Tình' nhưng người thơ vẫn thấy riêng mình:
Gió thu - tà áo tung bay
Mùi hương thoảng nhẹ nghe say tâm hồn
rồi một Vĩnh Phúc qua lời thơ cũng cho ta một dung nhan trầm nhớ vấn vương trên tà áo tím:
Ngàn thu đau thương vương áo em mầu tím
nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau...
Nói đến mùa thu, không mấy ai trong chúng ta không nghĩ tới và không muốn lắng tâm tư nghe những khúc ca tuyệt vời về thu. Trong số những nhạc sỹ tên tuổi với những sáng tác để đời về thu không thể không nói đến Cung Tiến. Ông, tên gọi là Cung Thúc Tiến, sinh vào cuối năm 1938, tại Hà Nội. Thời gian còn ở bậc Trung học đã có cơ may theo học nhạc với hai nhạc sư nổi danh là Chung Quân và Thẩm Oánh. Ngoài ra từ 1957 đến 1963 du học tại Úc Đại Lợi về ngành Kinh Tế Học, ông cũng đã dành thì giờ tham dự các khóa về âm nhạc tại nhạc viện Sydney và sau này từ 1970 đến 1973 du học tại Cambridge, Anh quốc, cũng tham dự các khóa về nhạc lý hiện đại tại đây.
Cung Tiến, một nhạc sỹ nổi danh theo dòng nhạc Tiền Chiến. Điều đặc biệt muốn nói ở đây, ông là một nhạc sỹ trẻ và những sáng tác đầu tay khi mới 14 tuổi, vừa mới 'trình làng' đã được phổ biến sâu rộng và rất nhiều thính giả hâm mộ. Cung Tiến sáng tác không nhiều nhưng đều là những tác phẩm có giá trị cao. Hầu hết là những sáng tác sau năm 1954, trừ những ca khúc đầu tay viết trước đó. Thời gian ở hải ngoại, năm 1987 ông soạn tấu khúc CHINH PHỤ NGÂM cho 21 nhạc khí, trình diễn lần đầu tại San José, Califomia vào tháng 3 năm 1988, và đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật. Năm 1993 TỔ KHÚC BẮC NINH được ông soạn cho giàn nhạc giao hưởng, năm 1997 soạn bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế Dale Warland Singers, và rồi năm 2003 cho ra đời tác phẩm nhạc đương thời LƠ THƠ TƠ LIỄU BUÔNG MÀNH, viết theo điệu Dân Ca Quan Họ. Đồng thời ông cũng là hội viên Hội Nhạc Sỹ Sáng Tác ở Minneapolis, Minnesota.
Ngoài lãnh vực âm nhạc, Cung Tiến, với bút hiệu Thạch Chương, còn là nhà biên khảo và dịch thuật về Văn Học và Nhạc Dân Ca Việt Nam cũng như Nhạc Hiện Đại Tây Phương.
Với thu, trở về quá khứ một chút, ai đã từng ở Hà Nội trước kia mà không yêu mùa thu, xa Hà Nội mà không nhớ mùa thu. Cung Tiến hẳn nhiên là một trong những "ai" đó. Xa rời Hà Nội ngày ấy, mang theo mùa thu để viết lên ca khúc đầu tay tại Sài Gòn khi mới 13, 14 tuổi đời, ca khúc mang tựa đề THU VÀNG. Đây cũng là tác phẩm lưu danh muôn thuở tên người viết nhạc.
Mùa thu vàng lên sóng lá, huy hoàng cho không gian và chiều sâu ý nghĩ, mầu thu vương nét đài trang nên có người như Xuân Diệu đã viết:
gió thu hoa cúc vàng lưng dậu
sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên
Trong nhạc bản THU VÀNG tác giả ghi mấy câu thơ của Thế Lữ như một sự đồng cảm nhuốm vào hồn thơ từ thuở nhỏ:
cơn gió thổi lá vàng rơi lác đác
cùng rơi theo loạt nước đọng trên cành
những cây khô đã chết cả mầu xanh
trong giây phút lạnh lùng tê tái ấy!
Và một câu ngắn gọn mang dấu ấn của thời niên thiếu: "Ta, Hà Nội những ngày ấu thơ." để rồi khi xa rời kinh đô ấy người ta bắt gặp một Cung Tiến:
Chiều hôm qua lang thang trên đường
hoàng hôn xuống chiều thắm muôn phương
chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
có mùa thu về tơ vàng vươg vương
một mình đi lang thang trên đường
buồn hiu hắt và nhớ bâng khuâng...
Thu của Cung Tiến như có gì độc đáo, khác với THU QUYẾN RŨ của Đoàn Chuẩn, cũng không là BUỒN TÀN THU của Văn Cao, lại không là MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI của Phạm Trọng Cầu, cũng chẳng giống TIẾNG THU của Phạm Duy phổ thơ Lưu Trọng Lư với lời ca thiết tha:
Em không nghe mùa thu
dưới trăng mờ thổn thức
em không nghe rạo rực
hình ảnh kẻ chinh phu
ngược lại, với Ngô Thụy Miên trong MÙA THU CHO EM thì:
Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới...
và rồi Nam Lộc lại hé cho ta tâm tình bâng khuâng của mùa lá thuở tình học trò:
Trưng Vương vắng xa anh rồi
Mùa thu đã qua một lần
chợt nghe bâng khuâng lá rơi đầy sân...
Thu của Cung Tiến mang niềm sầu nhớ mênh mông, những nhớ nhung vấn vương tơ vàng trong không gian đầy những bâng khuâng, dìu gót lang thang... đượm nét buồn thanh quý, đài trang.
Mặc dù là một nhà kinh tế học, nhưng những ca khúc của Cung Tiến không chỉ thích thú khi nghe mà còn thú vị khi thấy những nét đẹp kiêu sa, trầm lắng, những hình ảnh xưa nhưng không cũ kỹ, đẹp mãi với thời gian, vì đó là cái đẹp nghệ thuật, qua tài năng dụng ngữ của nhà viết nhạc. Phải chăng vì Cung Tiến là nhạc sỹ nhưng rất yêu thơ mà trong thơ thường có những xao xuyến, bâng khuâng, mơ hồ, lãng đãng và vu vơ. Trên bình diện này, Cung Tiến cho rằng những bài thơ hay tự nó đã có chỗ đứng trong văn học, song nếu đưa nhạc vô phụ họa hẳn sẽ có ảnh hưởng rộng lớn hơn vì đã trở nên ca khúc nghệ thuật (Art songs). Điển hình như nhạc khúc VẾT CHIM BAY, phổ thơ Phạm Thiên Thư:
Ngày xưa tôi đón em
Nơi gác chuông chùa nọ
Con chim nào qua đó
Còn để dấu chân in
Tôi một mình gọi nhỏ
Chim ơi biết đâu tìm...
Trên một bình diện nào đó nói Cung Tiến là nhạc sỹ của mùa thu cũng không ngoa, bởi ít nhiều gì giới mộ điệu đón nhận và hâm mộ tài năng của Cung Tiến cũng là do ở mùa thu. Thu của Cung Tiến không chỉ ở THU VÀNG mà tình thu, ý thu, hương thu và dáng thu còn phảng phất đó đây, ví như trong ĐÊM HOA ĐĂNG có "Nhạc thu cao vút trời vui thế nhân..." trong ĐÔI BỜ phổ thơ Quang Dũng, thu lại hiện về trong: "mắt kia em có sầu cô quạnh / khi chớm thu về một sớm mai..."
Nếu trong THU VÀNG ta thấy một nghệ sỹ lang thang trong trời hoàng hôn "... chiều thắm muôn phương..." thì HOÀI CẢM lại hiện lên bóng dáng một Cung Tiến giữa trời quạnh hiu, mơ hồ nghe sóng lá vàng rơi mà tưởng như dư âm ngày nào dạt dào trong tâm tư. Những thanh âm ấy đã thi vị hóa cho thành "tiếng thu", xào xạc lá rơi trên nương chiều và dáng người ngày xưa chợt về cho lòng cuồng điên vì nhớ:
chiều buồn len lén tâm tư
mơ hồ nghe lá thu mưa
dạt dào tựa những âm xưa
thiết tha ngân lên lời xưa
quạnh hiu về thắm không gian
âm thầm như lẩn vào hồn...
Khi hoàng hôn lắng sau núi đồi vẫn thường là bối cảnh khơi lên niềm nhớ, hơn nữa lại là chiều mùa thu "lá rụng đầy sân", giữa lúc một người đang nhớ một người. Từ đó dòng nhạc Cung Tiến đã hát lên khúc ca tình tự dân gian của con người thật, con người trần thế mang trái tim nhân bản và tình yêu:
Buổi chiều chợt nhớ cố nhân
sương buồn lắng qua hoàng hôn
lòng cuồng điên vì nhớ
Ôi đâu người đâu ân tình cũ...
Tiết tấu trong HOÀI CẢM nghe chầm chậm như thấm vào đời, quyện vào hồn, lắng sâu trong tâm tư. Ở tuổi đời niên thiếu mà viết nên ca khúc trữ tình như Hoài Cảm quả là có khả năng thiên phú. Điều đáng ngạc nhiên là nếu như không nghe được những lời giãi bày của tác giả thì mấy ai có thể nghĩ đây là một sáng tác hoàn toàn do tưởng tượng; khác với một số các nhạc sỹ khác là những lời ca thiết tha, những nhớ nhung đến cuồng điên ấy không cho ai, không vì một đối tượng nào có thực ngoài đời, có chăng là do ảo ảnh gầy lên ấn tượng từ những áng thơ tình lãng mạn của các nhà thơ tiền chiến mà ông đã say mê đọc.
Tình ca Cung Tiến nhẹ nhàng ru ta về quê hương kỷ niệm với dĩ vãng mơ xa, với hẹn hò đây đó thoảng qua vần điệu ca dao. Những tình quê, tình người ấy lồng trong tiếng gọi HƯƠNG XƯA. Cũng như khúc ca Hoài Cảm, HƯƠNG XƯA là tác phẩm điển hình cho nhạc Thính Phòng, loại nhạc thanh cao:
Người ơi! một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa
Người ơi! đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru
Còn đó bóng đa hẹn hò
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu...
Người ơi còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao...
Nói về nhạc sỹ Cung Tiến không thể không nói đến những sáng tác độc đáo, khó viết, khó hát, và nhất là khó thưởng thức, bởi ở tầm mức cao, khó nhận ra đó là nhạc hay thơ. Đây có thể nói nhạc Cung Tiến và thơ đã hòa nhập vào nhau. Điển hình như khi nghe trong LỆ ĐÁ XANH, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền:
Tôi biết những người sống lẻ loi
hồn không nguôi, sầu không nguôi
đời quên yên bình cho người
đời không yên vui là đó
lệ khóc không rơi ngoài hồn...
hoặc như trong ca khúc NGUYỆT CẦM, phổ thơ Xuân Diệu. Đây cũng là một tác phẩm tinh hoa của Nhạc Giao Hưởng, một tiết tấu tuyệt vời giữa nhạc và lời, trăng và nghệ sỹ:
Trăng nhập vào giây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần
mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
đêm mùa trăng úa làm vỡ hồn ta
ngập ngừng xa suối thu dồn lá úa trôi qua...
Thông thương thì ai mà không có ít nhiều sở thích và Cung Tiến cũng không ngoại lệ, tuy nhiên, có lẽ âm nhạc vẫn là sở trường và là sở thích khởi đầu và sau cùng trong đời nhạc sỹ. Sự khác biệt giữa các sáng tác đầu tay và sau này có thể là do lúc đầu nhạc sỹ chỉ nghĩ đến viết nhạc phổ thông(popular songs) nhưng sau khi học hỏi về những kỹ năng hiện đại trong âm nhạc Tây phương và tìm hiểu rồi cảm nhận được những tinh hoa trong "âm giai ngũ cung" của Á Đông nên đã để tâm khai thác, áp dụng đặc điểm này trong sáng tác các nhạc bản sau này. Nhạc bản đầu tiên ông dùng âm giai nhạc dân tộc đó là ca khúc HOÀNG HẠC LÂU, do thi hào Vũ Hoàng Chương dịch thơ Thôi Hiệu đời Đường:
Xưa cánh hạc bay vút bóng người
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi
Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
trắng một màu mây vạn vạn đời
cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
gần xa chiều xuống đâu quê quán
đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
Những tác phẩm của Cung Tiến phần lớn được sáng tác sau năm 1954, trừ mấy nhạc bản đầu tay viết trong thời học sinh và thường được trình bầy trên đài phát thanh trong chương trình Tiếng Hát Sinh Viên, tuy nhiên điều đáng nói là thành công của tác giả ở chỗ hầu như chưa ai với tác phẩm đầu tay vừa mới ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt như Cung Tiến, một nhà viết nhạc vị nghệ thuật, không vì mưu sinh. Qua những ca khúc của Cung Tiến người nghe không chỉ thưởng thức nhạc điệu mà còn cảm nhận được sự chọn lọc tuyệt vời về ngôn ngữ của lời ca như rót vào hồn. Xin cùng lắng nghe trong MẮT BIẾC, những hình ảnh vừa lãng mạn vừa bâng khuâng, mới lạ:
Tóc nghiêng bờ nắng
Vai buồn trơ vơ
Mắt xưa sầu vắng
Ôi mắt xưa lệ thắm...
và rồi nữa, qua nhạc bản KẺ Ở (Mai chị về), nghe thiết tha bao tình, vấn vương muôn chiều, đầm ấm yêu thương, hình ảnh và tình thương quyện vào nhau:
Mai chị về em gửi gì không?
Mai chị về nhớ má em hồng.
Đường đi không gió lòng sao lạnh
bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong
quê chị về xa mù dặm xa
rừng thu chiều xao xác cánh gà...
Mời nghe: 
Xuân Bích
Nguồn: Văn Hóa Việt Nam 
số 70 Mùa Thu 2015
Theo http://www.banvannghe.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tâm tình với ý nghĩ

Tâm tình với ý nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao nhiêu chuyện ...