Tháp Bà Nha Trang và lược sử Chiêm Thành
Nói đến Nha Trang, "phố
biển hiền hòa", "miền thùy dương cát trắng", nằm cách Huế khoảng
624 cây số về phía nam và cách Sài Gòn khoảng 442 cây số về phía bắc; không ai lại
quên nhắc đến một thắng cảnh độc đáo và cũng là một thánh tích quan trọng, đó
là Tháp Bà Nha Trang hay Tháp Po Nagar.
Tháp Po Nagar
Tháp Bà hiển nhiên là một kiến
trúc tôn giáo đặc thù của người Chàm (hay Chăm, hay Champa) được họ gọi là
Klmer. Người Chàm là cư dân bản địa xa xưa đã bị lịch xử oan khiên xóa nhòa trước
đà Nam tiến của giống Việt càng ngày càng phát triển. Âu cũng là nạn nhân của
luật đào thải, mạnh được yếu thua, thế nhưng thói thường thì kẻ xâm chiếm lại
quay ra tôn sùng những thần linh, và tiếp thu dễ dãi văn hóa và tín ngưỡng của
dân bị diệt vong. Nhiều nét của văn hóa Chàm từ ngôn ngữ, trang phục, ca dao,
truyện cổ, âm nhạc, ca vũ, vv... đã thấm nhập êm ả vào đời sống của dân tộc Việt.
Tháp Bà nằm ở phía bắc thành
phố Nhatrang khoảng 4, 5 cây số, trên một ngọn đồi cao cách mặt bể độ chừng 50
thước, được gọi là núi Cù Lao cạnh cửa sông lớn đổ ra biển Đông. Con sông này vốn
mang khá nhiều tên theo thời gian là sông Cái, sông Ngọc Hội và cuối cùng là
sông Nhatrang. Nhatrang mà thành phố biển này mang tên có nguồn gốc từ tiếng
Chàm Eatran hay Yatran mà ra. "Ea" hay "Yja" hay "Ya":
có nghĩa là nước là sông; còn "tran": là lau sậy, vì hai bên bờ sông
toàn là lau sậy. (Có lẻ dân ta về sau biến chữ "tran" thành "trảng"
như trảng bom, trảng bàng vv... chăng?) Như thế Eatran hay Nhatrang có nghĩa là
"con sông sậy", thuộc vùng Kauthara của Chiêm thành mà tổ tiên ta tiếp
thu vào năm 1653. Một điều đáng ghi nhận là hiện nay đồng bào thượng Rhadé hay
Êđê vùng Ban Mê Thuột vẫn dùng nhiều từ ngữ gốc Chàm và vẫn gọi nước hay sông
là Ea. Như thế cho thấy sự liên hệ của họ với người Chàm xưa cũng gần gũi lắm.
Dưới chân núi Cù Lao về phía
đông, cạnh quốc lộ số 1 vốn là bến xe ngựa ở thời Pháp thuộc cho đến thời đệ Nhất
Cộng hòa, về sau theo sự tăng tiến kỹ thuật trong đời sống, xe ngựa được thay
thế bằng xe lam rồi xe buýt Renault. Bên kia quốc lộ là Xóm Bóng hay Xóm Chài,
vì xóm này nguyên được lập nên bởi những người chuyên làm nghề đồng bóng ở tháp
Bà (tiếng Chàm gọi là patjao), và về sau ngư phủ người Việt tập trung sinh sống
quanh đấy càng ngày càng đông. Vào thời cao điểm của cuộc chiến vào khoảng năm
1969, công binh quân đội Đại hàn làm một xa lộ mang tên là "Cải lộ tuyến"
hay "xa lộ Đại hàn" đi tắt từ phía bắc đèo Rù Rì đến Thành, và từ đó
các chuyến vận tải xuyên Việt không còn phải chạy cạnh chân Tháp Bà, qua cầu
Xóm Bóng, cầu Hà Ra để vào thành phố như trước.
Trong những năm cuối của thời
Pháp thuộc, vùng phía bắc của Tháp Bà như Đồng Đế, Ba Làng vv.. vẫn còn hoang
vu lắm. Việc đi thăm hay cắm trại ở Hòn chồng, bãi Dương là những dịp hãn hữu;
còn việc lễ bái ở tháp thì chỉ náo nhiệt nhất là vào dịp tết âm lịch. Lý do dễ
hiểu là thời ấy thành phố Nhatrang còn bé và việc đi lại còn lắm khó khăn, và
chẳng ai có nhu cầu gì để phải đi xa như thế. Có lẻ nguồn giải trí lành mạnh của
dân Nha thành vừa tiện lợi và ít tốn kém vẫn là bãi biển cát trắng và nước biển
trong xanh bên cạnh.
Toàn
bộ Tháp Bà được xây dựng khoảng từ đầu thế kỷ thứ 8, thời mà dân Việt vẫn còn bị
Tàu đô hộ (dựa vào niên đại những bia ký dựng ở tháp) và tiếp tục được phát triển
và trùng tu cho đến thế kỷ thứ 13. Thế kỷ thứ 8, cũng là thời kỳ vua Chàm ở
phía bắc là Vikrantavarman II thôn tính vùng Kauthara (Khánh hòa) của các tiểu
vương Chàm ở phía nam, nhưng vẫn chưa tiến chiếm hết vùng Panduranga (Ninh và
Bình thuận).
Mặt tiền của các tháp đều hướng
ra biển Đông. Tổng thể kiến trúc gồm ba tầng, đi từ dưới lên trên. Tầng thấp
ngang mặt đất bằng là ngôi tháp cổng mà nay không còn nữa. Từ đấy có những bậc
thang bằng đá dẫn lên tầng giữa, nơi đây hiện chỉ còn hai dãy cột chính bằng gạch
hình bát giác, mỗi bên 5 cột có đường kính hơn 1 thước và cao hơn 3 thước. Ở
hai bên các dãy cột lớn có 14 cột nhỏ và thấp hơn, và tất cả lại nằm trên một nền
bằng gạch cao hơn 1 thước. Dựa vào cấu trúc này người ta cho rằng đây vốn là một
tòa nhà rộng lớn có mái ngói, là nơi để khách hành hương nghỉ giải lao và sắm sửa
lễ vật trước khi lên dâng cúng ở các điện bên trên. Từ tầng giữa này, lại có một
dãy bậc thang bằng gạch dốc hơn dẫn lên tầng trên cùng, cũng là nơi các tháp được
xây dựng, ngay trước mặt ngôi tháp chính. Những bậc thang này từ lâu đã không hề
được xử dụng. Bậc thang bằng đá ong mà ta thấy hiện nay ở phía nam tháp Bà rộng
lớn hơn được xây vào thập niên 60 do nhu cầu du lịch gia tăng.
Ở tầng trên, có hai dãy tháp
được bao quanh bởi bốn bức tường đá mà nay chỉ còn lưu lại tường phía tây và
nam mà thôi. Dãy tháp phía trước chỉ có 3 ngôi, và dãy phía sau vốn có dấu vết
của 3 ngôi tháp khác, thế nhưng nay chỉ còn một. Tháp thờ chính khá lớn và cao
khoảng 23 thước, là tháp Po Nagar, mà ta hay gọi là tháp Bà. Nguyên thủy chính
là tháp thờ thần Parvati, vợ của Shiva (hay Xiva). Trên đỉnh tháp có tượng thần
Shiva cỡi thần ngưu Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi
vv. Mặt ngoài tường tháp lại được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như
những vũ công, kẻ chèo thuyền, kẻ xay gạo hay kẻ đi săn với cung và tên. Cửa
chính ở phía đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc
truyền ký, đỡ một phiến đá hiønh thuẩn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giửa
hai nhạc công. Bên trong tháp thì âm u và mát lạnh. Cuối tháp có một bệ thờ bằng
đá bên dưới tượng Bà Po Nagar với mười cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai
đầu gối, các bàn tay khác thì cầm những vât dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy
và cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung và tù và ở bên trái.
Từ Yang Po Inư Nagar đến
Thiên Y A-Na:
Trên các bia ký lưu lại ở
tháp, nếu ghi bằng chữ Phạn cổ thì tên của Bà là Bhagavati Kautharesvati, và
ghi bằng chữ Chàm thì gọi đầy đủ là Yang Po Inư Nagar, theo đó thiø
"Yang" là Thần; "Pô" là tôn kính, là ngài; Inư là mẩu, là mẹ;
và Nagar: xứ sở, đất nước. Người thượng tây nguyên vẫn còn duy trì những lễ
cúng "Yang" (mà ta hay gọi là cúng Ông Giàng: có nghĩa là Thần đất,
thần rừng) rất công phu tốn kém hằng năm. Nói gọn lại là Đức Thần Mẹ Đất Nước.
Như thế Bà được tôn thờ vừa là Thổ mẫu, vừa là Nông thần vì đã dạy dân biết
cách trồng trọt và làm ruộng. Tượng thờ của thần Po Nagar thực ra cứ bị quân
xâm lăng tàn phá hoặc đánh cắp mãi. Bia đá ở tháp Bà còn ghi năm 918 vua
Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng; pho tượng này
về sau bị người Chân Lạp (Khmer) xâm lăng cướp đi vào năm 950, và đã được thay
thế bằng tượng bằng đá. Năm 1203 tháp Po Nagar lại bị quân Chân Lạp chiếm đóng
tàn phá lần nữa, và 7 năm sau vua Paramesvaravarman II mới giải phóng được
Chiêm thành cho trùng tu lại. Nhưng rồi loạn lạc vẫn tiếp diễn liên miên, cho đến
gần đây pho tượng Bà vốn được tạc từ gỗ trầm hương, lại bị người Pháp cướp đi
vào năm 1946, về sau được dân địa phương thay thế bằng một tượng khác mang màu
sắc Việt, còn được gọi là Thánh mẫu Thiên Y A Na.
Những tháp thờ khác
Bên cạnh tháp chính về phía
nam khoảng 20 thước là một ngôi tháp khác bé và ít trang trí điêu khắc hơn, cao
chừng 12 thước, có lẻ là tháp thờ thần Shiva. Cách ngôi này cũng về hướng nam
là một tháp còn nhỏ hơn.ngôi thứ hai. Bên trong tháp không có bệ thờ mà chỉ có
một linga (thạch trụ), và đây là tháp thờ thần Ganesa, thân người đầu voi, con
của Shiva. Nhiều tác giả cho rằng linga là linh tượng có hình thù dương vật tượng
trưng cho Shiva, dựa theo sự diễn dịch của Tây phương hơi thiên về tình dục. Điều
này là một sự ngộ nhận đáng tiếc. Thực ra linga tiêu biểu là một trụ đá thấp có
ba phần khác nhau tượng trưng cho ba linh thể: phần dưới là hình vuông tượng
trưng cho Brahma, phần giữa hình bát giác tượng trưng cho Vishnu, và phần trên
cùng hình tròn tượng trưng cho Rudra (hay còn gọi là Shiva). Vì thế ta nên gọi
là "linh thạch trụ" thì thích hợp hơn.
Ở dãy tháp phía sau có một
ngôi tháp tương đối ít hư hại nhất ở mạn bắc, với mái dài hình yên ngựa. Kiểu
mái này chỉ thấy bắt đầu ở những tháp vùng Đồ Bàn - Vijaya (Bình định ngày nay)
sau khi kinh đô được dời xuống từ Mỹ sơn, Trà Kiệu ở thế kỷ thứ 11. Ở tường lại
có những hình điêu khắc như thần điểu Garuda, sư tử, các tiên nữ Apsara, xà thần
Naga. Chính dưới nền của tháp này trong khi tu sửa đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp
đã khám phá và cuổm mất một kho tàng được cất dấu gồm những vật cúng dường bằng
vàng và bạc.
Huyền Thoại Việt Về Po Nagar
Có khá nhiều huyền thoại về
nữ thần Po Nagar tùy theo ảnh hưởng cương thịnh từng thời. Khi tháp Bà rơi vào
thay người Việt và biến thành Thiên Y Thánh Mẫu thì vào năm 1856 Phan Thanh Giản
cho khắc một truyền thuyết đầy màu sắc Việt lên bia đá được dựng ở tháp, và
toàn văn bài bia Tháp cổ Thiên Y đã được chép lại vào sách Đại Nam Nhất Thống
Chí. Theo đó xin được tóm tắt đại khái như sau: Xưa trong vùng Đại Điền có hai
vợ chồng già trồng dưa hấu sinh sống. Khi dưa chín thì về đêm cứ bị phá trộm.
Ông lão rình và thấy một cô gái mới lớn dùng dưa để đùa giởn dưới trăng. Ông
lão vặn hỏi thì biết là trẻ mồ côi bèn đem về làm con nuôi, và hai vợ chồng rất
thương yêu cô gái. Một ngày mưa lụt lớn, nhớ chốn cũ ở Tam thần Sơn, cô nhập
vào một khúc gổ kỳ nam đang trôi về phương bắc. Dân phương bắc thấy gổ thơm
trôi giạt đua nhau gắng sức kéo về nhưng không nổi. Thái tử đang ở tuổi 20, con
của vua cai trị nghe tin liền tiøm đến bải biển và lạ thay một mình khuân được
gổ về cung. Từ đấy thường vổ về cây kỳ nam và bồi hồi ngẩn ngơ. Bỗng một đêm thấy
có bóng một cô gái diễm kiều hiện ra, thái tử vội nắm tay giử lại gặn hỏi và biết
được sự tích. Thái tử tâu rõ mọi chuyện với vua cha và được vua cho kết hôn.
Hai vợ chồng sinh được hai đứa con, trai tên là Trí và gái là Quý. Một thời
gian sau lại nhớ chốn cũ ở phương nam, vợ thái tử dắt hai con nhập vào gổ kỳ
nam trôi về cửa Cù Huân, rồi lần về núi Đại Điền nhưng ông bà lão trồng dưa đã
qua đời. Bà liền lập đền thờ. Từ đó bà dạy dân trong vùng biết cách trồng lúa.
Về sau Bà còn cho đục đá ở núi Cù Lao tạc tượng bà, rồi giửa ban ngày bà thăng
thiên biến mất.
Thái tử mãi sau cho người
kéo thuyền đi tìm vợ, nhưng bọn người này khi đến cửa Cù Huân lại hiếp đáp dân
lành và khinh miệt linh tượng, nên chợt có một trận cuồng phong nổi lên đánh úp
thuyền biến thành một tảng đá to. Từ đó dân làng thấy Bà hiển linh thường cỡi
voi trắng đi dạo trên đỉnh núi với tiếng sấm vang động. Có khi bà cỡi tấm lụa
bay giữa không trung hay cỡi cá sấu trong vùng dảo Yến, núi Cù. Dân trong vùng
bèn xây tháp thờ trên núi Cù Lao, cầu khấn việc gì cũng linh ứng. Tháp giửa thờ
Chúa Tiên (tức Thần Thiên Y), tháp bên trái thờ vợ chồng lão trồng dưa, bên phải
thờ thái tử. Phía sau lập đền nhỏ thờ hai ngừơi con. Người Chàm tôn Bà là Ana
Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi. Triều Nguyễn phong tặng Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng
Thượng Đằng Thần và cử ba người dân làng Cù Lao làm Từ phu.
Câu chuyện trên của cụ Phan
cốt để giải thích một cách thi vị các nhân vật được thờ ở tháp Bà, và nó cũng
tương tự như truyền thuyết nàng Mưjưk của người Chàm hiện đang được truyền tụng
ở vùng Ninh thuận và Bình thuận. Khi ảnh hưởng Hồi giáo phát triển vào các thế
kỷ 14 và 15 thì các huyền thoại về Thánh Mẫu lại biến đổi theo màu sắc Muslim với
tên là Đại nữ thần Mơ-mai-sahai-cadông.
Các bia ký lịch sử
Khu tháp Bà còn lưu lại nhiều
bia ký cổ nhất của người Chàm. Bergaigne, một nhà khảo cứu người Pháp đã liệt
kê các bia ký theo thời gian như sau: Nhóm A: trên bia đá hình lục giác, do vua
Satyavarman dựng năm 781 ghi chuyện tháp bị giặc biển đốt phá năm 774, việc xây
dựng tượng thần Sri Satya Mukhalinga vào năm 784. Nhóm B: do vua Vikrantavarman
III ghi lại công lao xây dựng của các tiên vương. Hai nhóm C và D: do vua
Vikrantavarman II ghi các lễ vật dâng cúng chư thần. Nhóm E ghi việc vua
Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng vào năm 918
(thực ra chữ Bhagavati chỉ là tiếng xưng tôn kính, chứ chẳng phải là tên thần,
mà tác giả Ngô Văn Doanh ở trong nước hiểu nhầm); pho tượng này về sau bị người
Khmer xâm lăng cướp đi, và đã được thay thế bằng tượng bằng đá vào năm 965. Bia
đá ở hai bên cửa của tháp chính ghi việc cúng ruộng và dân công nô lệ cho nữ thần.
Bia ở phía nam của tháp chính ghi việc vua (Jaya) Harivarman I ca tụng thần
Yang Po Nagar vào năm 1178. Bia ở phía bắc tháp chính ghi việc dựng đền thờ thần
Bhagavati Matrilingesvara vào năm 1256.
Ngoài ra còn bia đá dựng năm
1050 của vua Paramesvaravarman I ghi việc tái lập tượng Bà, việc dâng cúng ruộng
đất và nô lệ đủ sắc tộc: người Campa (Chàm), Kvir (Khmer), Lov (Tàu), Pukan
(Mã), Syam (Xiêm) vv... Bia của vua Rudravarman III (Chế Củ) dựng năm 1064 ghi
việc xây cổng tháp rất tốn kém, và liệt kê những cống phẩm quí giá. Bia năm
1143 ghi lời xưng tụng Bà. Bia năm 1165 của vua Indravarman IV ghi việc dâng
cúng một kim mão cho nữ thần Bhagavati Kautharesvati (Dựa vào lời ghi này ta có
thể tạm dịch là "Đức thánh mẫu vùng Kauthara" và so sánh với các bia
khác, có thể đoán là người Chàm chỉ thờ thần Parvati như Thánh Mẫu của từng địa
phương; ví dụ ở Phú Yên và Ninh thuận cũng có tháp thờ Thánh Mẫu của vùng đó,
chứ chưa hẳn là ở mức độ toàn xứ Chiêm thành, như tác giả Ngô Văn Doanh quyết
đoán). Các bia sau cùng ở thế kỷ thứ 13 hay 14 tiếp tục ghi những vật dâng cúng
Bhagavati.
Nguồn Gốc Và Văn Hóa của Người
Champa
Như thế thì tháp Bà có một lịch
sử rất lâu đời. Nhìn ngắm những công trình xây dựng uy nghi thanh nhả đứng trơ
gan cùng tuế nguyệt hằng bao thế kỷ, không khỏi làm kẻ lãm du chợt dậy một mối
hoài niệm bồi hồi cho một dân tộc suy vong. Vậy người Chàm là ai?
Thực khó mà định được niên đại
những giống dân cổ đã từng sinh sống ở giải giang sơn miền trung và nam Việt hiện
nay. Năm 1909, người ta đào được khoảng 200 hũ cốt ở Sa Huỳnh, phía nam Đà Nẵng,
và tiếp đến ở hơn 50 địa điểm khác gần đấy. Dùng phương pháp định tuổi theo
phóng xạ Carbon, người ta thấy là nhóm cư dân thuộc văn hóa Sa huỳnh (từ Nghệ tỉnh
đến Biønh định) hay là thời kỳ tiền-Champa, biết chế tạo đồ gốm và kim khí cùng
thời với các nhóm thuộc văn hóa Đông sơn, tức khoảng 1500 năm trước CN. Không
chừng hai nền văn hóa này có cùng một nguồn gốc từ lâu đời, nhưng hậu duệ của văn
hóa Đông sơn đã chịu ảnh hưởng của Trung hoa quá sớm, có lẻ do sự xâm lược chiếm
đóng của nước này, và cư dân ở phía nam lại chịu ảnh hưởng của Ấn bằng hòa nhập
qua thương mãi. Mãi đến thế kỷ thứ 2, sử Tàu mới ghi nhận có nước Lâm Ấp với giống
Chàm, hậu duệ của nền văn hóa Sa Huỳnh cư ngụ ở đấy. Họ có lẻ là dân thuộc các
hải đảo vùng Đông Nam Á trôi dạt vào đất liền định cư, và đã tiếp nhận nền văn
hóa và tín ngưỡng Ấn độ. Ngôn ngữ của họ thuộc nhóm Mã-Hải đảo
(Malayo-polynesian). Chữ viết của họ dựa vào tiếng Bắc Phạn (Sanscrit) cổ cho
mãi đến giữa thế kỷ 16 lại được canh tân với văn phạm Ả rập khi ảnh hưởng đạo Hồi
bắt đầu lấn át các tôn giáo cũ, chữ Chàm được gọi là Khâr-Tapuk. Đơn cử một từ
mà ta hay nói về đảo nhỏ là "cù lao"; nó lại bắt nguồn từ chữ Pulao
(ví dụ Pulao Bidong).
Văn hóa Ấn anh hưởng rất sớm
và khá sâu đậm trên xã hội Chàm và các kiến trúc tháp cổ. Cao điểm của sự du nhập
nền văn hóa này có lẽ từ cuối thế kỷ thứ 6 do sự hùng mạnh của vương quốc
Sri-Vijaya ở Java và Sumatra, và đế quốc này đã khống chế đường hàng hải huyết
mạch ở vùng Đông Nam Á trong suốt 700 năm (từ thế kỷ thứ 7 đến 13). Người Chàm
thờ phụng những thần linh của đạo Bà La Môn (Brahman), trong đó nổi bậc nhất là
1) Phạm Thiên (Brahma) là đấng sáng tạo ra những cảnh giới. Phạm Thiên có bốn
tay và bốn mặt tượng trưng cho bốn hướng, thường cỡi con thiên nga Hamsa. Vợ của
ngài là Saravasti. 2) Vishnu: Thần bảo bọc; thần có bốn tay mỗi tay cầm một khí
cụ, thường cỡi thần điểu Garuda. Vợ ngài là Laksmi, nữ thần của sắc đẹp. Ngoài
ra còn có ảnh tượng của những thần khác như Ganesa: thần thông minh, Indra: thần
mưa, hay thần sấm, Kama: thần tình yêu, Apsara: đoàn vũ nữ thiên giới, và xà thần
Naga. 3) Shiva (hay Xiva), thần hủy diệt (nói rõ hơn là diệt vô minh), có lúc
cũng nhân ái và dâm dật. Shiva có nhiều tay, nhiều mặt và thêm một mắt ở giữa
trán, thường cởi thần ngưu Nandin. Thần có nhiều vơ (nói đúng hơn là thần thể
hiện ra năng lực chuyển động dưới dạng nữ tính - shakti), trong đó phải kể đến
Parvati hay Uma: thổ mẫu; và Durga hay Kali: thần chiến đấu. Theo cách thờ phượng
của người Chàm thì họ cò lẻ theo phái Sakta của Ấn độ giáo đã nâng thần Parvati
lên cao cả hơn hết, trong khi phái chính thống thì chỉ cho là thứ yếu.
Vào thế kỷ thứ 8 và 10 (từ
758- 915), ảnh hưởng của Phật giáo lại thịnh hành, nhất là trong thời Hoàn
Vương. Một tấm bia tại Đồng Dương (xưa chính là kinh đô Indrapura, thuộc huyện
Thăng biønh, tỉnh Quảng nam ngày nay) được vua Chiêm Indravarman II dựng lên
vào năm 875 đã ghi: "do lòng tin vào Phật, vua đã cho dựng lên một tu viện
Phật giáo và đền thờ Laksmindra Lôkesvara Svabhayada". Cũng ở Đồng dương,
vào năm 1901người Pháp đã đào được nhiều cổ vật mà đặc sắc nhất là một tượng Phật
bằng đồng cao hơn 1 thước, mang nhiều nét vẻ của tượng Phật Amaravati ở Ấn độ.
Một bia đá khác gọi là Ròn hay bia Bắc Hạ gần đèo Ngang ghi năm 889, vua
Indravarman II xây dựng một tu viện Phật giáo thờ Bồ tát Avalokitesvara. Do đó
có thể nói Phật giáo Đại thừa đã một thời rất hưng thịnh tại Indrapura (thành của
thần Indra), đến nổi các vua Chiêm đặt tên cho lãnh thổ này là Amaravati. Sau
khi người Chàm thiên đô về Đồ Bàn, cũng cùng lúc đế quốc Sri-Vijaya bắt đầu suy
vi nhường chỗ cho các thế lực Hồi giáo phát triển, mạnh nhất là khoảng thế kỷ
thứ 15 trở về sau, vì thời ấy nước Chiêm Thành giao thương nhiều với các vương
quốc vùng Indonesia và Mã Lai, là những nước bắt đầu chuyển theo Hồi giáo từ thế
kỷ 13. Đế quốc Hồi giáo Malacca sau rốt sụp đổ vào cuối thế kỷ 16, do sự xuất
hiện của người Tây phương, nhất là người Bồ Đào Nha và người Hòa Lan. Theo thống
kê trước năm 1975 thì hai phần ba người Chàm theo Ấn Độ giáo ở miền Trung, còn
một phần ba theo Hồi giáo thì ở Nam phần.
Lịch sử Chiêm thành đầy rẩy
can qua chinh chiến với các lân bang từ khi lập quốc. Xem lại sử ta thấy rằng
năm 111 trước CN vua Vũ-đế nhà Hán sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc sang diệt nhà
Triệu lấy nước Nam Việt đổi lại thành Giao chỉ bộ, và chia ra làm 9 quận mà 3
quận phía nam là Giao-chỉ, Cửu-chân và Nhật-nam bao gồm đất Bắc Việt và bắc
Trung Việt ngày nay, mở đầu thời kỳ Bắc thuộc của nước ta. Sách Khâm Định Việt
Sử chép rằng phía nam quận Nhật-nam có huyện Tượng-lâm (khỏang Trà Kiệu, tỉnh
Quảng Nam bây giờ), vào năm 102 đời vua Hòa-đế nhà Đông Hán, người huyện ấy cứ
hay sang cướp phá quận Nhật-nam. Đến cuối đời nhà Hán, khoảng năm 192 ở huyện
Tượng lâm có người tên Khu-Liên giết huyện lệnh đi rồi tự xưng làm vua, đặt tên
nước là Lâm Ấp (Lin Yi: Ấp của dân Tượng lâm). Thực ra chữ Khu-Liên không phải
là tên, mà là tiếng xưng tụng như "thủ lãnh". Dòng dõi Khu-Liên thất
truyền nên cháu ngoại là Phạm-Hùng (ta dịch âm từ Fan Hiong trong sử Tàu; mà
Fan lại âm theo Varman của tiếng Chàm) lên nối nghiệp.
Ban đầu thiø lãnh thổ Lâm Ấp
còn gọi là Indrapura, là vùng từ phía nam đèo Ngang, cạnh sông Gianh, đến hết
vùng Amaravati (Quảng nam ngày nay). Tiếp đến trở xuống là các vùng tự trị của
các tiểu vương như Vijaya (Bình định), Aryaru (Phú yên), Kauthara (Khánh hòa)
và Panduranga (Bình và Ninh thuận). Có nhiều tác giả cho là lãnh thổ của Lâm-Ấp
bấy giờ chỉ đến đèo Hải Vân mà thôi. Điều này không đúng, bởi vì những bia ký ở
thánh địa quan trọng Mỹ sơn - Srisanabhadresvara (nằm cách Đà nẵng hiện nay về
hướng tây nam khoảng 70 km) đã ghi là thánh địa thờ thần Bhadresvara, là thần
chủ giang sơn Chàm, do vua Lâm Ấp là Phạm Phật (Bhadravarman, trị vì từ 349 -
361) dâng cúng. Nhiều bia đá ở Mỹ Sơn đã cho biết khá nhiều về giai đoạn lịch sử
ban đầu của Lâm Ấp.
Theo thời gian, Phù Nam
(Fu-nan), một vương quốc ở phương nam hoàn toàn theo văn minh Ấn Độ - tồn tại từ
thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 6 tại vùng đồng bằng sông Cữu Long bây giờ, đã từng
triều cống Trung Hoa trong khoảng thời gian từ năm 253 đến năm 519, và có cảng
Óc Eo rất nhộn nhịp - mạnh dần và thôn tính Kauthara (Khánh hòa) và Panduranga
(Bình và Ninh thuận). Còn Vijaya (Bình định) thì thuộc về Lâm Ấp. Vùng Aryaru
(Phú yên) trở thành vùng trái độn.
Suốt thời Tam quốc sang đến
nhà Tấn người Lâm ấp vẫn thường sang quấy nhiễu quận Nhật nam, có khi tiến đánh
đến quận Cửu chân nữa. Năm 353 đời vua Mục đế nhà Đông Tấn sai quan thứ sử Giao
châu là Nguyễn Phu đánh bại vua Lâm Ấp là Phạm Phật (Bhadravarman) phá hủy hơn
50 đồn lũy. Năm 399 vua Lâm Ấp là Phạm Hồ Đạt lại đánh phá đến tận Giao chỉ bị
quan thái thú Đỗ Viện đánh đuổi. Năm 413 lại tái diễn, nên năm 420 con của Đỗ
Viện là Đỗ tuệ Độ phải kéo quân sang tiểu trừ tận đất Lâm Ấp, từ đó ngưới Lâm Ấp
mới chịu hàng phục cống tiến Trung hoa hàng năm.
Sang đến thời loạn lạc Nam Bắc
triều ở Tàu (420-588) thì nhà Nam Tống cai trị đất Giao châu. Năm 433 vua Lâm Ấp
Phạm Dương Mại cho sứ sang Tàu xin làm chủ đất Giao châu, vua Tống không thuận,
nên quân Lâm Ấp luôn sang quấy phá Nhật nam và Cửu chân. Vua Tống sai quan thứ
sử Đàn hòa Chí đem quân sang đánh Lâm Ấp, tàn phá kinh đô Trà Kiệu (Đồng dương,
Quảng nam bây giờ) và lấy được vô số vàng bạc châu báu. Sử chép Đàn Hòa Chí thu
được một tượng bằng vàng nặng đến nổi mấy người khuân không xuể.
Cuối thế kỷ thứ 5 ảnh hưởng
của Lâm Ấp mở rộng về phía tây đến Nam Lào (Champassak), nhưng đầu thế kỷ thứ 6
thì vùng này lọt vào tay người Khmer (Chân lạp), lãnh thổ Lâm Ấp bành trướng đến
đèo Cù mông (Phú yên). Người ta đã tìm thấy tấm bia Vat Luang Kau gần chùa Vat
Phou (Champassak, nam Lào), cho biết là vào thế kỷ thứ 5, biên giới Chiêm Thành
mở rộng đến bờ sông Mekong.
Vào giửa thế kỷ thứ 6, nước
Phù nam lại bị người Khmer thôn tính, trở thành Thủy Chân lạp. Vị vua cuối của
Phù Nam được sử Tàu nhắc đến là khoảng năm 550. Nước Chân lạp (Chen-la hay
Zhenla) được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 5, mà truyền thuyết thần thoại
theo văn minh Ấn kể rằng thần Shiva kết hợp đạo sĩ Kambu Svayambhuva ở xứ
Kambujadesha (nên mới có chữ Kampuchea hay Cambodia bây giờ) với tiên nữ của Đại
hồ tên là Mera, từ đó có giống Khmer (do hai chữ Kambu và Mera ghép lại).
Năm 539- 577, dưới triều vua
Rudravarman khu Mỹ sơn lại bị đốt phá, và đã được vua Sambhuvarman (mất năm
629) trùng tu lại. Đến đời nhà Tùy, năm 602 vua sai tướng Lưu Phương kéo quân
sang Giao Châu dẹp cuộc nổi dậy của Lý Phật Tử, sau khi bình định xong Lưu
Phương tiến xuống đánh Lâm Ấp để cướp của, vua Lâm Ấp là Phạm Phạm-Chí
(Cambhuvarman) thất trận chạy thoát. Sau khi Lưu Phương vào kinh đô Trà Kiệu
gom góp được vô số của cải, đã lấy đi 18 tấm miếu chủ đúc bằng vàng. Lâm Ấp từ
đấy lại xin triều cống như cũ.
1) Vào đời Thái tông, nước
Lâm Ấp đổi quốc hiệu là Hoàn Vương (?). Cụ Trần trọng Kim chép trong Việt nam sử
lược trang 60: "Đến quãng năm Trinh-quan đời vua Thái tông nhà Đường, (tức
khoảng từ năm 627 đến 630) vua Lâm Ấp là Phạm Đầu Lê mất, con là Phạm Trấn Long
cũng bị người giết, người trong nước lập một người con của bà cô Phạm Đầu Lê,
tên là Chư Cát Địa (? Vikrantavarman I) lên làm vua. Chư cát Địa đổi quốc hiệu
là Hoàn Vương quốc." Họ Chư lại kéo quân sang đánh Giao châu và chiếm giữ
châu Hoan và châu Ái.
Nhưng có tác giả lại viết là
từ năm 758, sử Trung Hoa không còn gọi nước nầy là Lâm Ấp mà đổi tên gọi là nước
Hoàn Vương (Huan Wang). Dựa vào các bia đá ở Mỹ Sơn thì năm 758 là triều vua
Vikrântavarman II kế vị. Vikrântavarman II là thái tử Prakasadharma, con của một
hoàng thân Chàm tên là Jagadharma đã sang Chân Lạp cưới công chúa Carvâni (con
của vua Icanavarman). Về sau chính vua Chàm ở phía bắc Vikrantavarman II này (của
bộ tộc Dừa - Narikelavamsa) đã thôn tính vùng Kauthara (Khánh hòa) của các tiểu
vương Chàm ở phía nam (của bộ tộc Cau - Kramukavamsa). Như thế thì chưa rõ thuyết
nào đúng về niên đại của sự đổi tên Hoàn Vương Quốc.
2) Năm 679 vua Đường Cao
tông (Phụ chú: là ông vua yếu đuối đa tiønh đã tằng tịu với Võ Tắc Thiên, cung
tần của vua cha và đã đưa bà lên ngôi Hoàng hậu. Vào năm này Cao tông đã ngã bệnh
liệt giường, có lẽ bởi tai biến mạch máu não do chấn động sau cái chết đột ngột
của Thái tử Lý Hoằng. Mọi việc triều chính đều do Võ hậu quyết định cả, và người
ta nghi chính Võ hậu đã đầu độc con trai trưởng của miønh bởi vì sợ vai trò của
bà bị đe dọa), ra lệnh chia đất Giao chỉ bộ ra làm 12 châu và đặt chức An nam
đô hộ phủ, và từ đó có tên An nam.
3) Nạn giặc biển từ Java và
Sumatra mà Sử chép là "Năm 767 có quân Côn lôn và quân Đồ bà từ hải đảo
kéo vào cướp phá đất Giao châu. Quan kinh lược sứ Trương Bá Nghi (Tchang-po Yi)
cho đắp La-thành để chống giữ." Thành Đại la về sau trở nên thành Thăng
Long. Thực ra quân hải đảo là lực lượng hải thuyền của một vương quốc hùng mạnh
Sri-Vijaya ở Sumatra lúc bấy giờ (đã từng khống chế đường hàng hải huyết mạch ở
vùng Đông Nam Á trong suốt 700 năm (từ thế kỷ thứ 7 đến 13). Quân này không những
đánh phá riêng Giao châu mà liên tục tàn hại dân Chàm ở ven biển như Eatran
(Nhatrang ngày nay) năm 774 và Panra (Phan Rang ngày nay), vào năm 787. Một bia
ký ở tháp Bà còn ghi lại nổi kinh hoàng này của năm 774. Nếu giả thử quân của đế
quốc Sri-Vijaya chiếm đóng thành công vùng duyên hải Đông dương thì lịch sử khu
vực này đã chắc không như bây giờ.
Vào đầu thế kỷ thứ 9, năm
802 vua Hoàn Vương là Harivarman I lại đem thủy quân lên đánh phá một số tỉnh
Trung Hoa, và liên tiếp các năm 803 và 806, còn kéo quân xâm lấn Giao Châu. Để
trừng phạt, năm 808 quan đô hộ Giao Châu là Trương Chu đem binh thuyền vào tàn
sát dân quân Chàm làm cho vua Hoàn Vương phải dới kinh đô xuống vùng Bằng An
ngày nay, còn gọi là Vệ thành (thuộc xã Thăng Bình, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng
Nam, mà vết tích thành cũ nay không còn nữa - theo Sách Đại Nam Nhất Thống
Chí). Để tránh áp lực từ phương bắc, các vua Chàm Saktivarman và Bhadravarman
II bành trướng lãnh thổ dần về phía nam và phía tây, thâu gồm Panduranga (Ninh
và Bình thuận) và vùng tây nguyên thành một vương quốc mới được gọi là Chiêm
thành (Champapura - Champa: hoa sứ; pura: thành, hay quốc gia).
Trong thời kỳ này việc bang
giao giữa Hoàn Vương và Chân Lạp trở nên căng thẳng và đưa đến cuộc tương tranh
tàn phá lẫn nhau trong khoảng hai thế kỷ. Khởi đầu vào năm 810, không rõ vì lý
do gì tướng Chiêm Senapati Par đem quân tấn công Chân Lạp, mà bia ký ở tháp Bà
Po Nagar còn ghi chiến tích.
Năm 877 dưới đời vua
Indravarman II Chiêm thành lại xin triều cống Trung quốc như xưa. Những bia đá ở
đền Kok Klor trong thung lũng Bla trên miền cao nguyên gần Kontum đề năm 914
ghi việc một tộc trưởng là Mahindravarman xây dựng tháp thờ Bồ tát
Mahindra-Lokesvara. Thời kỳ này sự giao hảo giữa Chiêm Thành và đế quốc
Sri-Vijaya rất là mật thiết. Một bia đá ở Nhan Biểu (thuộc tỉnh Quảng trị) ghi
chuyện một vị hoàng thân tên là Rajadvara đã dựng hai ngôi tháp vào các năm 908
và 911, và đã hai lần đi hành hương thánh tích Phật ở Yavadvirapura (tức Java
ngày nay).
Năm 950, Chân Lạp dưới quyền
vua Rajendravarman sang đánh phá vùng Kauthara (Khánh hòa) của Chiêm Thành vào
thời vua Indravarman III, và đã cướp đi tượng Bà bằng vàng do nhà vua dựng lên ở
Po Nagar vào năm 918. Nhưng bia ký của Chân Lạp tại Pre Rup lại ghi rõ hơn là
thành Kauthara bị phá hủy san bằng, vua Chiêm bị bắt và sau khi bị hành hạ đã bị
tế sống cho thần Harisvayambhu trên bờ sông Visnupadi.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên
ngôi hoàng đế đổi tên nước ta là Đại Cồ Việt, sau khi An nam dành dược độc lập
với Ngô Quyền xưng vương tại Giao Châu năm 939. Năm 979, Lê Hoàn kế vị xưng là
Đại Hành Hoàng Đế, sai Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ sang Chiêm Thành giao hảo.
Vua Chiêm là Paramesvaravarman I, vốn liên kết với một trong 12 sứ quân thời hậu
Ngô Quyền nhưng bất thành, đang đóng đô tại Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) gần
thánh địa Mỹ Sơn, bắt giam sứ giả. Năm 982 sau khi đuổi quân Tống, Lê Đại Hành
bèn thân chinh đem quân đánh trừng phạt Chiêm, vua Chiêm bị giết ngay trong trận,
vua Lê tiến vào kinh đô, đốt phá đền đài và lấy được rất nhiều của cải rồi rút
về. Từ năm 983 kẻ kế vị ngôi Chiêm là (?) Lưu Kỳ Tông xin triều cống vua Lê và
chịu làm chư hầu.
Để tránh áp lực ngày càng lớn
của nước Đại Cồ Việt mới tự cường, nên năm 1000 vua Chiêm Thành Sriharivamadeva
một năm sau khi lên ngôi đã dời đô từ Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) xuống
Vijaya (có nghĩa là chiến thắng, mà ta âm là Đồ Bàn hay Chà Bàn) ở vùng Bình Định
ngày nay. Từ đó các bia ký ở Mỹ sơn gọi các vua mới là vua của Vijaya (hay
Vijaya Sri), và vua Sriharivamadeva sau khi qua đời đã được thần hóa là Yang Pu
Ku.
Năm 1068, vua Chiêm là
Rudravarman III (Chế Củ), kế vị vua Harivarman II, đem quân xâm lấn đất Việt ở
phía bắc. Bấy giờ vua Lý Thánh Tông, người đã dời đô về thành Đại la, cải danh
là Thăng Long thành và đổi quốc hiệu ra Đại Việt khi mới lên ngôi, đã quyết định
thân chinh xuống đánh Đồ Bàn năm 1069, bắt và giải Chế Củ về Thăng Long. Để đổi
lấy tự do, Chế Củ xin dâng đất ba châu phía bắc Chiêm Thành là Bố Chánh (Hà
Tĩnh và bắc Quảng Bình), Địa Lý (trung và nam Quảng Bình), và Ma Linh (bắc Quảng
Trị).
Đến năm 1074, hoàng thân
Than lên ngôi xưng là Harivarman IV (1074- 1080), nước Chiêm Thành hưng thịnh
trở lại và vua Harivarman IV cho trùng tu khu thánh địa Mỹ sơn. Sau khi hòa
hoãn với Đại Việt, vua Harivarman IV xua quân đánh Lục Chân Lạp, chiếm Sambor
(bắc Phnom Penh và đông hồ Tonle Sap), giết vua Harshavarman III, tàn phá kinh
thành Somesvara (Angkor), bắt nhiều người Chân Lạp làm tù binh. Năm 1145, vua
Suryavarman II của Chân Lạp phục thù, đánh Chiêm Thành chiếm Đồ Bàn, tàn phá
khu thánh địa Mỹ sơn. Mãi đến năm 1149 vua Chiêm mới đuổi được quân xâm lược.
Khi tu bổ Mỹ sơn vua Harivarman IV cho dựng bia đá ghi lại cuộc tàn phá thánh địa
này.
Năm 1166, vua Indravarman
IV, một vị vua Chiêm Thành rất anh dũng lại xua đại quân xâm lăng Chân Lạp cướp
được nhiều của cải. Sử Miên còn ghi "Jaya (vua) Indravarman IV, vua Chàm,
có tính tự phụ như Râvana, đã vận chuyển quân trên những chiến xa, tiến đánh xứ
'Kam Bu". Mười năm sau, năm 1177, Indravarman IV lại gởi thuỷ quân xuống
phía nam, vào cửa sông Cửu Long, tiến ngược dòng lên đánh thành Angkor, tàn phá
kinh đô, giết vua Tribhuvanadityavarman và chiếm đóng Chân Lạp. Sau trận này
vua Chiêm cũng thu đoạt được vô số châu báu, viø thế vua Indravarman IV đã dâng
cúng nhiều vàng bạc cho các ngôi tháp ở Mỹ sơn. Mãi đến năm 1181, Hoàng thái tử
Chân Lạp mới đẩy lui được quân Chiêm Thành, và lên ngôi vua là Jayavarman VII nuôi
chí phục thù.
Năm 1190 vua Chân Lạp
Jayavarman VII sai các tướng đem một hoàng thân Chiêm lưu vong tên là
Vidyanandana về đánh Chiêm thành, chiếm đóng Đồ Bàn và cướp hết các linh tượng,
bắt và giải vua Indravarman về Chân Lạp, chia nước Chiêm Thành làm hai chư hầu:
tiểu quốc Vijaya (Đồ Bàn) do người em vợ của vua Chân Lạp cai trị với vương hiệu
là Suryavarmadeva, và tiểu quốc Pandaranga (Phan Rang), do một hoàng thân Chiêm
Vidyanandana cai trị, nhưng tùy thuộc vào Chân Lạp. Không lâu sau, một hoàng
thân Chiêm tên là Rasupati nổi lên đánh đuổi quân Chân Lạp, lên ngôi là
Indravarmadeva ở Vijaya nhưng lại không tồn tại lâu, và bị quân Chân Lạp quay lại
bắt giết vào năm 1192. Vua Suryavarmadeva được tái lập nhưng lại quay ra không
phục tùng Chân Lạp, mà bang giao với Đại Việt và Trung quốc. Vua Chân Lạp
Jayavarman VII liền tấn công Chiêm Thành trong các năm 1192 và 1193 nhưng đều
thất bại. Mãi đến năm 1203, vua Chân Lạp mới chiếm được Vijaya, và biến Chiêm
Thành thành một lãnh địa của Chân Lạp. Nhưng sau khi Jayavarman VII chết quân
Chân Lạp phải rút quân, và Chiêm Thành mới giành lại được độc lập năm 1220 dưới
thời vua Paramesvaravarman II, khi Chân Lạp bận rộn đối phó với những cuộc xâm
lăng của Xiêm La. Từ đó chấm dứt cuộc tương tranh giữa Chiêm Thành và Chân Lạp
đã kéo dài 32 năm.
Vì cứ can qua chiến tranh
liên tục nên Chiêm thành trở nên suy yếu. Khi vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt
(Qubilai) sai tướng Toa Đô (Sogatu) cầm thủy quân xuống đánh Chiêm Thành năm
1282, quân Chiêm chống cự không nỗi nên quân Nguyên vào Thị Nại, tàn phá kinh
đô Đồ Bàn và chiếm đóng nước Chiêm trong vòng 5 năm, Chiêm vương Indravarman V,
cùng thái tử Bổ Đích (Harijit) thoát lên vùng cao nguyên và cầu cứu Đại Việt.
Vua Trần Nhân Tông gởi hai vạn quân và 500 chiến thuyền sang giúp. Đến khi quân
Việt đánh bại được quân Mông năm 1287, cũng giải phóng luôn nước Chiêm, nên năm
1307 tân vương Simhavarman III (Chế Mân) tặng vua Trần anh Tôn 2 châu Ô và Lý để
làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân. Vua Chế Mân cũng xây dựng thêm nhiều
ngôi tháp thờ phượng thần linh ở vùng Mỹ Sơn. Ba năm sau khi Chế Mân mất, vua
Chế bồng Nga (Pô Bin Swơr) từng nuôi chí phục thù nên năm 1370 đã kéo quân thủy
bộ đánh phá vào tận kinh đô Thăng Long, nhưng đến năm 1382 lại bị tử trận. Tuy
vậy các vua Chiêm kế tiếp vẫn luôn gây chiến với nước Việt.
Vào thời kỳ này, lãnh thổ
Chiêm thành khá rộng. Lảnh thổ Chiêm Thành trải dài từ các bình nguyên duyên hải
nhỏ hẹp cho đến vùng rừng núi Trường Sơn cũng như các cao nguyên nam Trung phần
ngày nay. Người Chiêm Thành không chỉ là người Chàm ở duyên hải là đa số mà còn
gồm những nhóm dân thiểu số khác như giống Jarai, Rhade, Churu, Raglai, Stieng
hiện vẫn còn sinh sống ở vùng Tây nguyên mà những câu tục ngữ vẫn còn lưu truyền
như "Chăm anh, Raglai em" (Cam saai, Raglai adei), hoặc "Chăm với
Raglai như hai anh em ruột" (Cam saung Raglai yơu adei ai sa tiam). Ngoài
ra lịch sử Chàm còn cho thấy đầu thế kỷ 14, quốc vương Jaya Simhavarman III (Chế
Mân) xây đền Yang Prong ở lưu vực sông Se San. Đền Yang Mun (gần Cheo Reo) ở
lưu vực sông Ba và đền Phú Thọ gần Pleiku được xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu
thế kỷ 15. Vua Po Romê (mà bia ở tháp thờ tại Ninh thuận ghi là Pa Rrame) là
người sắc tộc Churu, trị vì Chiêm Thành từ 1627 đến 1651, mở đầu một triều đại
gồm 14 quốc vương kéo dài cho đến 1786.
Năm 1402, Hồ Quý Ly xâm lăng
Chiêm thành ép vua Campadhiraya (Ba Đích Lại) nhường đất Indrapura - Chiêm động
hay Đồng dương (Phủ Thăng biønh, Quảng Nam) và đất Amaravati - Cổ lụy (Quảng
Nghĩa), rồi cải thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa, đặt quan An phủ sứ
cai trị và di dân vào khai khẩn. Khi quân Minh xâm lăng nước ta năm 1407, Chiêm
Vương liền đánh chiếm lại vùng đất đã nhường năm năm trước.
Đến thời Hậu Lê: Dưới đời
Nhân tông viø vua Chiêm là Ma Ha Bí Cái (Maha Vijaya) gây hấn đánh Hóa châu năm
1444, nên hai năm sau các tướng Lê Thụ và Lê Khả cầm quân đánh phá Đồ Bàn, bắt
Bí Cái, đưa người khác lên thay, rồi rút quân về. Đến đời Thánh tông, vua mới của
Chiêm Thành là Trà Toàn lại xua quân hai lần xâm lấn Hóa châu vào những năm
1468 và 1469, vua Thánh tông phải thân chinh kéo quân đánh dẹp và chiếm Đồ Bàn
năm 1471 bắt giải Trà Toàn về giam ở Thăng Long. Vua Lê lấy vùng Amaravâti (Quảng
Nam, Quảng Ngãi) và Vijaya (Bình Định) đặt thành "Quảng Nam thừa tuyên đạo"
lấy đèo Cù Mông làm ranh giới, và chia phần đất Chiêm Thành còn lại làm ba nước
nhỏ là Hóa Anh (Phú Yên, Khánh Hòa), Chiêm Thành, chỉ còn lại từ Phú yên đến
mũi Kê gà (Phan Rang - Bình thuận), và Nam Phan (Gia Lai, Kontum, Darlac). Theo
những tài liệu Mã Lai, khi Chiêm Thành bị Lê Thánh Tông tấn công năm 1471, một
số quan chức triều điønh Chiêm Thành bị bắt, một số bỏ trốn qua Chân Lạp, Mã
Lai tỵ nạn.
Vào thế kỷ thứ 16, người
Chiêm Thành thường buôn bán với người Bồ Đào Nha ở Macao (Trung Hoa). Người Bồ
Đào Nha hay ghé đến vùng Panduranga (Cam Ranh và Phan Rang ngày nay) và tài liệu
của người Bồ Đào Nha đã ghi nhận sự hiện diện của thương thuyền Chiêm thành ở cửa
khẩu sông Maenam (Menam), là cửa khẩu chính của nền ngoại thương Xiêm La.
Qua thế kỷ thứ 17, thời chúa
Nguyễn: Năm 1611, nhân các bộ tộc người Chàm liên kết lại cùng đánh phá vùng
biên giới phía nam, Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong đem quân vượt đèo Cù Mông
tiến chiếm vùng Phú Yên ngày nay, giữa Vijaya và Kauthara, đổi thành hai huyện
Đồng xuân và Tuyên hóa. Sau đó không lâu vì thấy thuyền bè các nước Tây phương
như Bồ Đào Nha và Hòa Lan đang lân la đến các hải cảng của Chiêm Thành. Sãi
Vương Nguyễn Phúc Chu rất lo ngại, nên năm 1631 đã gả người con gái thứ ba là
Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Pô-Rômê để tạo sự hòa hiếu với Chiêm
Thành. Sau năm 1639 thì cuộc giao thương giữa Chiêm Thành và người Bồ Đào Nha hầu
như chấm dứt và người Chàm quay sang buôn bán với người Hòa Lan sau khi người
Hòa Lan làm chủ Malacca vào năm 1641 và làm chủ con đường buôn bán hồ tiêu qua
eo biển Malacca. Năm 1653, vua Chiêm là Bà Thấm, vốn là hậu duệ của hoàng gia
Chân lạp, đem quân đánh phá Phú Yên nên chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai cai
cơ Hùng Lộc vượt đèo Cả sang trừng trị. Bà Thấm thất trận dâng thư xin hàng.
Chúa Hiền lấy hẳn vùng Kauthara, lập thành phủ Thái Ninh, sau đổi thành phủ
Diên Khánh, trong đó có thánh tích Chiêm là Po Nagar (Tháp Bà, Nha Trang ngày
nay). Chiêm Thành chỉ còn lại vùng Panduranga, phía nam sông Phan Rang. Khi rút
về vùng Panduranga, người Chàm tiếp tục lập thờ Thánh Mẫu Po Nagar ở một ngôi đền
nhỏ ở làng Hữu Đức, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh thuận ngày nay.
Khoảng thời gian từ 1675 đến
1685, theo sử liệu của Thái lan đã cho biết một người anh em của quốc vương
Chiêm Thành đến viếng triều điønh Xiêm La, có lẽ để cầu viện; và năm 1680 vua
Chiêm còn gởi hai phái bộ đến Batavia (tức Jakarta, Indonesia ngày nay) để liên
lạc ngoại giao.
Năm 1692, vua mới là Bà
Tranh tự bỏ lệ triều cống. Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh (hay
Kính) kéo quân xuống hỏi tội và đánh bắt được Bà Tranh và giải về Phú Xuân.
Chúa Nguyễn lấy đất Chiêm Thành còn lại đặt ra Thuận phủ, năm sau lại đổi ra
Thuận thành trấn. Đến năm 1697 chúa Nguyễn đặt ra Phủ Biønh thuận, lấy đất Phan
lang, Phan lý làm huyện Yên phúc và huyện Hòa đa. Từ đó nước Chiêm thành mất hẳn,
tuy vậy chúa Nguyễn vẫn cho người Chiêm còn lại được tự trị một vùng đất ở Bình
Thuận cho mãi đến năm 1832, khi vua Minh Mạng ra lệnh bãi bỏ vùng tự trị. Người
Chàm nổi dậy chống đối nhưng hai cuộc khởi nghĩa do Katip Sumat lãnh đạo từ
1833 đến 1834 và Ja Thak Va cầm đầu từ 1834 đến 1835 đều bị quan quân dẹp yên
nhanh chóng. Trước kia những người Chàm theo Hồi giáo di tản sang định cư ở
Ayudhya (bắc Bangkok, Xiêm La) đã tham gia vào một âm mưu lật đổ quốc vương
Xiêm La và thay thế bằng người em của ông ta, vì thế triều đình Xiêm La cho
phép những người Chàm tị nạn về sau, đến định cư ở vùng Bangkok. Con cháu những
người nầy hiện vẫn sống tại đó.
Tuy nước Chiêm thành đã bị
xóa nhưng cuộc nam tiến của dân Việt vẫn tiếp tục cho mãi đến năm 1714 sau khi
thôn tính luôn vùng Thủy Chân lạp.
Lời kết
Tóm lại, tháp Bà Nhatrang là
chứng tích lịch sử tương đối còn nguyên vẹn nằm cạnh sông Eatran thuộc vùng
Kauthara của nước Chiêm thành xưa. Dân tộc Chàm lập quốc rất sớm và kéo dài hơn
15 thế kỷ, từ năm 192 TL. cho đến lúc vong quốc vào năm 1697, với nhiều quốc hiệu
từ Lâm Ấp, đến Hoàn Vương và sau cùng là Chiêm thành. Người Chàm đã có một nền
văn hóa khá rực rỡ nhưng vì cứ mãi lâm vào vòng chinh chiến nên kiệt quệ dần.
Riêng vùng Kauthara đã bị Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần xáp nhập vào đất Việt vào
năm 1653. Với ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn độ, khu tháp Bà ban đầu được người
Chàm xây dựng để thờ các vị thần Brama, Vishnu và Shiva của Ấn Độ giáo; nhưng họ
lại đặc biệt tôn thờ các thần Parvati hay Uma là những biến tướng nữ của thần
Shiva, được xưng tụng là Po Nagar (Thánh Mẫu) để cầu mong Bà che chở cho dân tộc
Chàm. Đến khi người Việt làm chủ vùng này thì Bà được Việt hóa thành Thiên Y
Ana.
Ngẫm cũng bồi hồi cho thế sự,
thần linh cao cả rốt lại cũng không bảo vệ được cho một dân tộc luôn tôn thờ cầu
khẩn khỏi bị diệt vong. Rồi một khi nước mất nhà tan, tín đồ phát tán để thần
linh ở lại bơ vơ với kẻ lạ, cả tên cũng bị đổi. Thương thay!
Tài liệu tham khảo
1) Việt Nam Sử Lược, Q. 1,
Trần Trọng Kim, Bộ Giáo Dục, TTHL, SG 1971, Đại Nam CA tái bản.
2) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,
Dịch theo bản năm Chính hòa thứ 18, VKHXHVN, Hà Nội. 1998.
3) Tháp cổ Chămpa: Sự thật
và Huyền thoại, Ngô Văn Doanh, NXBVHTT-Hà Nội, 1994.
4) Bí ẩn về những chiếc
gương cổ được tiøm thấy trong các di chí Champa ở miền trung Việt
nam. Hồ Xuân Em, NXB Đà Nẵng,
1999.
5) The Encyclopedia of
Eastern Philosophy & Religion, Shambhala, Boston 1994
6) The Encyclopedia of the
World's Religions, R.C. Zaehner, Barnes & Noble Books, New York,
1997.
7) Chiêm Thành Vì Đâu Suy
Thoái, TK 21, Trần Gia Phụng.
8) Khmer, The Lost Empire of
Cambodia, Thierry Zéphir, Discoveries - Harry N. Abrams, Inc.
Publishers, N.Y. 1998.
9) The Land and People of
Cambodia, David P. Chandler, 1991, Harper Collins Publishers, N.Y.
10) Angkor, Đế Thiên Đế
Thích, Lê Hương, Xuân Thu CA tái bản
11) Discovery-The world of
science, Mar 1996 - Empire of Uniformity, Jared Diamond
12) Microsoft Encarta 97.
13) Britannica.com
14) Nhiều tài liệu trên
Internet.
Trần Văn Ký
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét