Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Hương vườn cũ 4

Hương vườn cũ 4

23.b

Cách đây 35 năm, tôi được đọc và chép lại một tập thi nhan là KIM VÂN KIỀU THI TẬP gồm trên vài chục bài Đường luật cũng vịnh từng hồi của truyện Kiều như tập thơ của Chu Mạnh Trinh. Tập thơ đó xuất bản đã lâu và không có tên tác giả. không biết có phải thơ dự thí trong cuộc thi Vịnh Kiều do quan Tuần Vũ Lê Hoan tổ chức mà Chu Mạnh Trinh đã giật giải quán quân đó chăng? Có chỗ ngờ như thế là vì tuy cũng vịnh từng hồi của Truyện Kiều, song việc chia hồi trong tập này không giống hẳn tập của họ Chu. Nhiều đề mục ở tập này có, ở tập họ Chu không có, ở tập họ Chu có, ở tập này không có. Mà phép thi cử thì thí sinh đều phải theo một quy tắc.

Về mặt văn chương thì tập này không sánh kịp tập của Chu Mạnh Trinh. Tình tứ cũng không bì được.

Đây chúng ta thử so sánh đôi ba bài trong tập này với những bài chúng ta đã đọc của họ Chu:

KIỀU ĐI THANH MINH
Đầu tiết xuân sang liễu rũ mành,
Dập dìu ai cũng hội Thanh Minh.
Tro tiền rải rắc đường xe ngựa,
Gò đống gần xa nức yến anh.
Nắm đất thương đau người chín suối,
Bên cầu gặp gỡ khách ba sinh.
Tình kia nỗi nọ càng lai láng,
Trở gót hài hoa ác đã chênh.
Bức tranh xuân này có vẻ tầm thường, không khêu gợi không hấp dẫn. Và cũng thì nói đến “người chín suối, khách ba sinh”, mà câu của họ Chu:
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối,
Duyên may run rủi khách ba sinh.
làm cho chúng ta rung cảm, đọc xong vẫn còn thấy vị ngòn ngọt của hớp trà Võ Di Sơn. Còn đọc câu:
Nắm đất thương đau người chín suối,
Bên cầu gặp gỡ khách ba sinh.
thì chúng ta không thấy cảm động về nỗi thương đau, và vui mừng cho sự gặp gỡ. Nghĩa là lòng ta vẫn dửng dưng. Đó là vì câu sau thiếu sức truyền cảm. Mà thiếu sức truyền cảm vì nghệ thuật không được cao. Cũng thì một ý thơ, mà một bên làm cho chúng ta thích thú, một bên không. Xem đó cũng đủ thấy rằng hình thức quyết định nội dung. Nhưng nếu tác giả không thật sự rung cảm thì cũng không thể có được những câu thơ làm rung cảm lòng người đọc một cách sâu sắc.
Chu Mạnh Trinh quả đã “thương người tài sắc” với một tấm lòng thành thật và sâu đậm, nên mới có thể truyền cảm sang chúng ta bằng những vần thơ sinh động như thế.
Bài thơ “Chơi Thanh Minh” là bài mở đầu của hai tập thơ Vịnh Kiều.
Và sau khi đi Thanh Minh về cho đến khi Kiều gặp Kim Trọng, tác giả tập thơ khuyết danh vịnh đến ba bài:
KIM KIỀU TƯƠNG TƯ
Bóng trăng chênh chếch giải bên lầu
Ngồi với trăng mà nhớ những đâu!
Trăm mối vò tơ lần khắc diễn,
Một mình nương triện suốt canh thâu.
Ba sinh âu hẳn còn vương nợ,
Chín khúc xui nên khó dập sầu.
Mới biết tương tư là thế ấy,
Thôi thôi chớ trách kẻ ôm cầu.
KIỀU MỘNG THẤY ĐẠM TIÊN
Trước loan tựa gối giấc vừa yên,
Chợt thấy người đâu bạn thiếu niên.
Tha thướt phô màu in Phật Tổ,
Thanh tân dường dấu chốn Đào Nguyên.
Giấc tan gối điệp bâng khuâng những…
Sầu vẩn canh gà chất chứa nên.
Còn nghĩ chưa xong duyên phận ấy,
Bóng trăng đâu đã xế ngoài hiên.
HOA VIÊN GẶP KIM TRỌNG
Thơ thẩn vườn xuân dạo gót chơi
Thướt tha bóng liễu buổi êm trời.
Bên đào dường đọ hoa cười gió,
Góc núi xa nghe khách ướm lời.
Ngơ ngẩn hương e cùng phấn lệ,
Vội vàng cải rụng với kim rơi.
Một rằng duyên hai rằng là nợ,
Mây nước lòng người dễ chắc thôi.
Văn chương lưu loát. Tuy không phải Dương Xuân Bạch Tuyết, song không đến nỗi Ba Hạ Lý Nhân. Nếu không có thơ của họ Chu, thì nơi tường đông hẳn cũng dập dìu ong bướm. Chỉ vì thơ của họ Chu đẹp quá, nên Đường Minh Hoàng đã rẻ rúng cả ba nghìn son phấn trong cung.
Thật vậy, từ lúc Kim Kiều mơ tưởng nhau cho đến lúc gặp gỡ nhau, tác giả tập thơ khuyết danh phải nói đến 24 câu mà chưa đủ, còn Chu Mạnh Trinh chỉ gói ghém một cách trọn vẹn trong 8 câu:
Hết nghĩ gần thôi lại nghĩ xa,
Hiu hiu án sách ngọn đèn tà…
Gương loan phảng phất hồn cung quế,
Giấc bướm mơ màng khách trước sa.
Mười vận sầu tuôn đôi giọt ngọc,
Trăm năm duyên bén một cành thoa.
Mái Tây bỏ lúc chờ trăng dựng,
Rày đã vườn xuân tỏ mặt hoa.
Cảnh tình đã đủ, mà bức tranh lòng nửa mở nửa cuốn, như có như không, mơ màng phảng phất, gây trong tâm hồn người đọc một ấn tượng nhìn người đẹp trong chiêm bao:
Sương in mặt tuyết pha thân,
Sen vàng lãng đãng như gần như xa…
Có thể nói rằng thơ của Chu Mạnh Trinh là những nét chạm trong mây, và thơ trong tập vịnh Kiều khuyết danh kia là những nét vẽ trên gỗ. Tập thơ này làm cho chúng ta thấy rõ thêm giá trị tập thơ của họ Chu.
Nhưng trích dẫn một ít thơ trong tập ra đây chẳng những để làm tăng thêm giá trị của tập Thanh Tâm Tài Nhân mà còn để phổ biến được phần nào một tập thơ xưa hầu như không mấy người biết, tuy rằng trong tập cũng có nhiều bài đáng yêu, như những bài trên kia và sau đây: 
KIỀU VỀ VỚI MÃ GIÁM SINH
Giấc mộng còn mơ nghĩa cố tri,
Tiếng gà đâu đã giục ra đi!
Trông mây nhường vẽ tình lưu lạc,
Nghe gió như đàn khúc biệt ly.
Ví biết thân này ra phận ấy,
Thời đừng ngày trước nặng nguyền chi!
Còn non còn nước còn trăng gió,
Thời nợ Châu Trần cũng có khi…
KIỀU VỀ NHÀ TÚ BÀ
Từ ngày xa cách chốn gia hương
Xót phận lưu ly dãi gió sương.
Dồi má những là dơ dạng phấn,
Chau mày thêm để thẹn thùng gương.
Trời ghen chi mấy người tư sắc,
Tên bắt đem chua sổ đoạn trường!
Nông nổi nhường này ai kẻ biết,
Một mình mình nghĩ một mình thương.
Những bài khác trong tập, văn chương đại khái cũng trôi chảy như thế. Toàn thiên thì thanh lão, nhưng không có câu nào làm cho người đọc khoái chí, kinh tâm. Người xưa gọi thơ như thế là “Hữu thiên vô cú”. Tuy vậy trong số thơ Đường luật từ đời Trần cho đến nay, những bài thơ như trên không phải dễ kiếm cho nhiều được. Vốn là con nhà nghèo, nên một đồng một trự cũng đều lấy làm quí, huống hồ đây tuy không phải tiền vàng, nhưng cũng không phải là tiền kẽm, mà là tiền đồng. Vậy chúng ta cần phải gìn giữ kẻo mất uổng.
Và để cùng quí bạn mua vui chốc nữa, tôi xin giới thiệu thêm một bài nữa trong tập:
KIỀU GẶP THÚC SINH NƠI QUAN ÂM CÁC
Trần ai kia biết bởi vì đâu,
Dẫu tuổi xuân xanh cũng bạc đầu.
Đọng giọt huỳnh hoa tan giọt lụy,
Lấp cung bạc mệnh trổi cung sầu.
Khôn hay lặn lội đo mồm cá,
Mà biết vuông tròn uốn lưỡi câu.
Ai đã có thương người phận bạc
Liệu mà xin mở cửa cho nhau.
Để cho có chị có em, xin đưa ra đây bài của họ Chu:
THÚC SINH LÊN THĂM KIỀU NƠI QUAN ÂM CÁC
Những căm giám buộc mặc tay già!
Nửa bước đường đi mấy dặm xa
Án bút thẩn thờ người viết kệ,
Rừng thiền lấm lét khách tìm hoa.
Câu kinh bối điệp câu thơ họa,
Giọt nước dương chi giọt lệ pha.
Bỗng phút lưng trời cơn sét dậy,
Tường đông sư tử lộ đầu ra.
24.

Các nhà văn thiên về mặt đạo đức dù cho quyển Kiều của Nguyễn Du là dâm thư đi nữa, cũng vẫn phục tài nhả ngọc phun châu của Tiên Điền tiên sinh.

Văn chương truyện Kiều thật là tuyệt diệu.
Đó là bức gấm Ngân Sơn mà tơ chỉ và màu sắc từ Trung Hoa đem về pha chế để nhuộm và kéo xe để dệt theo sở thích và kiểu mẫu của người Việt Nam. Đó là một tổ mật ong vừa thơm vừa dịu do tinh ba của hương của phấn rút nơi trăm hoa trong vườn thơ Đường, Tống, Minh, Thanh… đem về nhào trộn cùng hương hoa của đất nước mà gầy nên.
Nếu chúng ta chịu khó ngồi phân chất, chúng ta sẽ thấy được xuất xứ rõ ràng.
Ví dụ:
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Hoặc:
Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói đầu cành mỉa mai.
Thật là những câu thơ tự nhiên hết sức, tự nhiên đến thành thiên nhiên, những câu thơ tả những cảnh thông thường, ai cũng thấy được, cũng tả được, những câu thơ dường như đối cảnh sanh tình, xuất khẩu thành chương… Có ngờ đâu đó lại là những câu thơ thoát thai ở thơ Trung Quốc!
Câu “Cỏ non…” đã dịch câu:
Phương thảo liên thiên bích,
Lê chi sổ điểm ba.
Nghĩa là: “Cỏ thơm liền sắc biếc của trời, cành lê lác đác hoa vài điểm”.
Còn câu “Lơ thơ…” thoát ý câu:
Dương liễu âm trung thùy nhược tuyến,
Hoàng ly học ngữ thí tân xoang.
Nghĩa là: “Trong bóng dương liễu tơ mềm mại rũ xuống, con oanh vàng vừa học nói đương ca thử khúc ca mới”.
Chắc có bạn bẻ:
- Như thế những cảnh trong truyện Kiều đều là những cảnh trong sách vở chớ không thật, mà thơ cảnh cần phải chân.
Xin thưa:
- Mỗi phái thơ có một quan niệm về cảnh vật. đối với những nhà thơ cổ điển Việt Nam cũng như Trung Quốc, cảnh vật là tấm gương phản chiếu tâm hồn. Cảnh vật ở dưới ngòi bút của các nhà thơ Cổ Điển đều được lý tưởng hóa. Họ tả cảnh không phải vì cảnh mà chính vì tình. Họ mượn cảnh để lồng tình, để gợi tình, để đại diện cho tình… Phần nhiều là những cảnh tưởng tượng, những cảnh ước lệ. Nếu là cảnh thực thì họ lựa trong đám phức tạp bao la, những nét, những điểm thích hợp với tâm tình mà đưa ra giấy mực. Và một khi đã nằm vào văn chương thì cảnh vật chỉ giữ được những gì có thể giữ được, còn sắc thái thì hoàn toàn là sắc thái của tâm hồn người thơ.
Nguyễn Du tiên sinh là một nhà thơ cổ điển. Quan niệm của tiên sinh đã biểu lộ trong câu:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Cho nên cũng như những câu thượng dẫn, những câu sau đây đều là bóng dáng của con tâm Thúy Kiều và Kim Trọng trong buổi chiều hội Đạp Thanh:
- Nao nao dòng nước uốn quanh,
Nhịp cầu nho nhỏ cuối gành bắt ngang.
- Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Những câu ấy vì có mang cảnh vật, nên tạm gọi là những câu tả cảnh đó thôi, chớ chiếc cầu kia, dòng nước kia, cụm liễu kia… dưới con mắt của người khác thì đâu có những dáng dấp ấy sắc thái ấy.
Và cũng như những câu trên, chúng đều thoát ý ở thơ Trung Quốc:
Nhất cừ xuân thủy lộng sàn sàn.
Dương liễu kiều biên ẩn ánh gian.
(Một dòng nước xuân chảy dợn dợn trong khoảng nửa ẩn nửa hiện của cây dương liễu thướt tha bên cầu).
Khê hạ nhất hoằng lưu thủy bích,
Tiểu kiều tà bạng tịch dương đê.
(Dưới khe một dòng nước chảy lục lìa. Bên chiếc cầu nhỏ bắt xiêng xiêng, bóng mặt trời chiều ngã thấp xuống).
Những câu trên chỉ dịch thoát ý.
Có nhiều câu ý nghĩa dịch rất sít sao. Như:
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
Đó là dịch hẳn nghĩa câu:
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào ba y cựu tiếu đông phong.
Những câu trên đều mượn cảnh để tả tình. 
Có lắm câu hoàn toàn tả tình mà Tố Như tiên sinh cũng mượn của cổ nhân. Như:
Sống làm vợ khắp người ta,
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
Thoát ý câu:
Sinh vi vạn nhân thê,
Tử tác vô phu quỷ.
Hoặc như:
Ví dù giải kết đến điều
Thì đem vàng đá mà liều với thân.
Xuất từ câu:
Thương thiên nhược giải đồng tâm kiết,
Kim thạch vi minh ngã dữ quân.
(Trời xanh dù có cởi mối dây đồng tâm đã buộc đi nữa, thời lời thề vàng đá ta cùng mình vẫn giữ vững như xưa).
Nhiều khi Tiên sinh lấy ý cả bốn câu thơ cổ một lần để dệt thành một đoạn thơ của mình. Như hai đoạn tả tiếng đàn của Thúy Kiều gảy cho Kim Trọng nghe khi sơ ngộ và lúc tái ngộ.
Đây tiếng đàn lúc mới gặp nơi vườn Thúy: 
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời.
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa…
Đó là thoát ý bài “Văn Tranh” của Tôn Thị:
Sơ nghi táp táp hương phong động,
Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh.
Cận nhược thanh tuyền lai bích chướng,
Viễn như huyền hạc hạ thanh minh.
(Mới nghe thì ngờ là gió thơm bay phất phất, rồi lại như mưa đêm tuôn rào rào. Gần giống như tiếng suối từ nơi hố biếc chảy về, xa dường chim huyền hạc từ trên không kêu vọng xuống).
Đoạn thứ hai, lúc hai bên đoàn tụ:
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy hồn hồ điệp hay là Trang Sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ quyên.
Trong sao châu nhỏ doành quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!
Thoát ý bài “Cẩm Sắc” của Lý Thương Ẩn:
Trang Sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng Đế xuân tâm hoán đỗ quyên.
Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam Điền nhật noãn ngọc sanh yên.
(Mộng sớm của Trang Sinh mê thành con bươm bướm, lòng xuân vua Thục Đế hóa làm chim cuốc cuốc. Bóng trăng soi sáng biển xanh, hạt châu có nước mắt, mặt trời sưởi ấm cõi Lam Điền, hạt ngọc sanh ra khói).
Những câu Kiều tuyệt diệu. Tinh thần của nguyên tác đều lột được một cách tài tình. Dù mất nhiều công phu, chúng ta cũng không thể tìm thấy ngấn tích phiên dịch. Lắm khi chúng ta lại ngờ rằng “cành kia chẳng phải cội này mà ra”.
Lại có khi tiên sinh dồn hai ba câu chữ Hán, rồi nhào trộn, biến chế thành hai vế lục bát hết sức tài tình. Như hai câu nói về người khách viễn phương đến tìm Đạm Tiên: 
Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.
Lâu nay giảng Kiều nhiều người chỉ dựa trên hai câu này:
Kim nhật tình châu phương đáo ngạn
Bình trầm ba chiết dĩ đa thì.
(Ngày nay thuyền tình mới đến bến, mà bình chìm hoa gãy đã từ lâu).
Vì chỉ dựa trên hai câu ấy mà giảng, nên có người đã ngờ rằng câu Kiều kia bị người sau chép sai nguyên tác, và đề nghị sửa lại là “Thì đà HOA gãy bình rơi bao giờ” cho đúng nghĩa câu thơ cổ đã sanh ra.
Có ngờ đâu Tiên Điền đã mượn ý hai câu trên để làm vế lục “Thuyền tình vừa ghé đến nơi”, còn vế bát “Thì đã trâm gãy bình rơi bao giờ” lại mượn chữ và ý trong bốn câu đầu bài thơ trường thiên cổ thể của người đời Đường:
Tỉnh để dẫn ngân bình,
Ngân bình dục thượng ti thằng tuyệt.
Thạch thương ma ngọc trâm,
Ngọc trâm dục thành trung ương chiết.
(Đáy giếng kéo bình bạc, bình bạc hầu lên dây tơ đứt. Trên đá mài trâm ngọc, trâm ngọc hầu thành, nửa chừng bị gãy đôi).
Lấy da nách chồn, nơi này một ít nơi kia một ít, để may chiếc áo cầu không thể thấy đường chắp vá như thế thì thật là khéo. Phải là tay thợ trời mới có thể đến được diệu xứ một cách dễ dàng như thế kia.
Đọc câu:
Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ.
Không cần biết đến những câu thơ chữ Hán, chúng ta vẫn hiểu trọn được ý nghĩa. Chỗ hơn người là đó.
Những câu trích dẫn trên đây chỉ là một phần nhỏ. Truyện Kiều của Tiên Điền phần nhiều mượn ý trong thơ chữ Hán, như trên đã nói. Trong tập Bút Hoa, cụ Phan Mạnh Danh (1866-1942) đã dùng văn Kiều mà dịch thơ cổ, và dùng thơ cổ để dịch văn Kiều, một cách sít sao và tài bộ. Ví dụ dịch câu: 
Ấy ai dặn ngọc thề vàng
Bây giờ kim mã ngọc đàng với ai!
Cụ lấy một câu trong Tình Sử, một câu trong Tống thi, ráp lại thành một cặp thơ chữ Hán rất hay, mà ý nghĩa sát với câu Kiều, có thể nói là từng chữ: 
Dát ngọc tương kim thành để sự,
Ngọc dường kim mã thuộc hà nhân!
Và mượn một câu thơ Tống một câu thơ Đường ghép lại:
Cửu thập thiều quang kim quá bán
Đầu thoa yên tử dĩ phi lai.
để dịch câu:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Thật là thú chơi thanh nhã của bậc hay chữ, một thú chơi giúp cho kẻ hậu sinh biết được xuất xứ của văn chương truyện Kiều và thấy rõ được tài “ăn dâu, hút mật” của Tố Như Tiên sinh.
Nói tóm lại, văn chương truyện Kiều, những câu thơ thoát ý thơ cổ cũng như những câu sáng tác, đều là những câu thơ hồn thành: Những ngấn chạm trổ, những đường may vá không thể tìm thấy. “Dụng xảo vô phủ tạc ngấn, dụng điển vô điền xế ngấn” như thế tức là đã nhập diệu vậy. Những câu thơ thoát ý, nhiều câu chúng ta nhận thấy văn chương lại có phần êm đẹp hơn cả nguyên tác! Rõ là những giọt mật ong, mùi vị thơm ngon hơn nhụy hoa còn nguyên chất, những bức gấm màu sắc rực rỡ gấp mấy lần tơ chỉ lúc chửa lên khuôn. 
Tài tình thay Tố Như!
25.

Cuối triều Tự Đức trong nước loạn lạc. Ở ngoài thì quân xâm lăng chiếm xong miền Nam kéo ra miền Bắc rồi kéo vô miền Trung. Trong triều thì quyền thần lộng hành. Người dân sống không được yên ổn.

Thời bấy giờ có câu ca dao:
Nước Nam có bốn anh hùng
Tường gian, Viêm láo, Khiêm khùng, Thuyết ngu.
Lại thêm hai chữ vũ phu
Đề Soạn đề Đức cong khu chịu đòn. 
Bốn anh hùng thời đại, trong ca dao chỉ nêu tên chớ không nêu họ, xin học mót bà Nữ Oa:
- Nguyễn Văn Tường.
- Hoàng Kế Viêm.
- Ông Ích Khiêm.
- Tôn Thất Thuyết.
Công tội bốn ông ấy như sao đã có các nhà sử gia biên chép. Ở đây chỉ nói về mặt văn chương. 
Trong bốn ông ấy, ông Viêm và ông Thuyết nặng về võ nên bỏ ngoại. Còn ông Tường là con nhà văn thuần túy, nhưng không nghe có văn chương lưu thế. Trái lại ông Khiêm nổi tiếng là đánh giặc giỏi và hăng, nhưng lại có thơ truyền tụng. Không có gì lạ: ông Khiêm là một cử nhân văn chương xuất thân.
Ông đậu khoa Giáp Dần năm Tự Đức thứ 8 (1854) tại trường Bình Định. Ông là người Quảng Nam lẽ ra phải thi tại trường Thừa Thiên. Nhưng có lẽ sợ tranh không nổi với sỹ tử miền ngoài nên phải quay vào miền trong. Khoa ấy ông xuýt hỏng, vì có một quyển bị các vị sơ khảo, phúc khảo, giám khảo đều phê liệt. May thay. Quan Chánh Chủ Khảo là Bảng nhãn Vũ Duy Thanh khảo lại, thấy văn chương có khí phách bèn phê BÌNH và lấy đậu. 
Ông vốn họ ÔN là họ Chàm. Sau khi đậu cử nhân, vua Tự Đức mới cho đổi thành họ ÔNG.
ÔNG ÍCH KHIÊM có thi tài và rất bặt thiệp. Thơ ông làm nhiều, nhưng vì không ghi chép thành thất lạc gần hết.
Lúc mới thi đỗ, ông có bài VỊNH TẰM:
Cơ dam Tạo hóa khéo vần xoay
Nhộng biến ra tằm nghĩ cũng hay
Mới thấy trong nong xanh nghịt nghịt
Đưa lên trên bủa đỏ gay gay
Tháo vòng thao lược đền ơn chủ
Rút đoạn can trường trả nợ vay
Nhắn với thợ trời tua khéo dệt
Thêu rồng vẽ phụng sẽ ra tay. 
Đó là ngôn chí. Không phải chỉ khí khái đầu môi. Ông là người có văn tài lại có võ dũng. Từ lúc thiếu thời đã từng nghiên cứu binh thư, cho nên khi ra làm quan, nhờ quân công mà từ chức tri huyện lên đến chức tiểu phủ sứ rồi đến chức tham tri. Thân tự lập thân chớ không hề có mảy may thần thế. Lại thêm vì tánh khẳng khái bất khuất, còn bị Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết ghét, thường tìm cách hãm hại. Nhưng nhờ đánh đâu thắng đó, nên đối phương không làm gì được ông.
Khi quân Pháp uy hiếp Bắc Hà, Triều đình Huế thuê quân Tàu Mãn Thanh do Phùng Tử Tài, Từ Duyên Húc chỉ huy, và quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc chống cự. Để cung cấp lương thực cho chúng, nhân dân phải quyên liễm hết đợt này đến đợt khác. Bọn lính Tàu tước Tàu lại cậy thế hà hiếp người địa phương. Dân chúng kêu trời không thấu! Ông Ích Khiêm rất bất bình, nhưng cô thế không làm gì được, đành gởi lòng bực tức vào thơ: 
Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Đến khi có giặc phải thuê Tàu
Từ phen võng giá mau chân nhảy
Đến bước chông gai thấy mặt đâu!
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến lũ răng bầu [1]
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu… 
Thuê Tàu Mãn Thanh chống Pháp, nếu Pháp diệt được rồi thì trở lại làm nô lệ cho người Mãn và theo phong tục Mãn dân Việt Nam sẽ phải cạo đầu dóc tóc như người nhà Minh. Cho nên Ông chủ trương tự mình ra sức “chống trời Nam lại”. Đó là tinh thần tự cường và bất khuất của dân tộc.
Sau khi vua Tự Đức thăng hà, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết lộng hành, tự chuyên phế lập. Ông Ích Khiêm phản đối, bị bắt hạ ngục rồi đày vào Bình Thuận. Lúc đi đường, có bài Cảm thuật: 
Mình ốc mang rêu rửa sạch ai
Rung cây nhát khỉ thói quen hoài
Mèo quào xuể vách còn chi sức
Sứa nhảy qua đăng mới gọi tài
Nhớ kẻ dang roi tung vó ngựa
Đố ai lấy thúng úp mình voi
Truông qua chưa khỏi đừng khinh khái
Chim sổ lồng ra… để đó coi. [2] 
Lòng uất hận tràn ngập lời thơ!
Toàn bài dùng phương ngôn tục ngữ. Riêng câu thứ 5 dùng điển tích: Điển “dược mã Đàn Khê”, tức là tích Lưu Huyền Đức bị tướng của Lưu Biểu là Thái Mạo bày mưu hãm hại ở Tương Dương. Nhờ Y Tịch chỉ đường dẫn lối. Huyền Đức lên lưng ngựa Đích Lư chạy thoát trùng vây. Nhưng đến Đàn Khê thì tuyệt lộ. Trước mặt nước ngăn, sau lưng quân địch đuổi theo gần kịp! Huyền Đức đánh liều cho ngựa lội sang khe. Đi mới được mấy bước, ngựa bị sa lầy. Huyền Đức khiếp đảm dang roi quất mạnh vào mông ngựa và quát lớn:
- Đích Lư! Đích Lư! Mày quả là giống hại chủ! [3]
Tiếng quát vừa dứt thì ngựa rút chân ra khỏi lầy và tung vó nhảy vút… Dường bị ném lên từng mây, Huyền Đức kinh hồn nhắm mắt… Khi mở mắt thì thấy đã qua khỏi khe, thân ngồi yên trên lưng ngựa.
Thế là thoát nạn.
Chẳng những thoát nạn, mà nhân đó còn gặp được bậc cao hiền là Tư Mã Huy, và nhờ Tư Mã Huy mà gặp được Từ Thứ, Gia Cát Lượng, Bàng Thống…
Thật là nhờ rủi mà được may.
Ông Ích Khiêm dùng điển ấy là do câu thứ tư gợi ý. Nhân mấy chữ “sứa nhảy qua đăng” mà liên tưởng đến “ngựa nhảy qua suối”. Sao biết? Vì ý kia sanh ý nọ, chuyện nọ gợi chuyện kia…, là sự thường trong việc làm thơ chớ không có chi lạ. Và sức tưởng tượng đã giàu, công hàm dưỡng công tập luyện lại lắm, thì ý động liền tứ sanh, tứ sanh thì chữ đến. Không còn gò gẫm chải chuốt, câu thơ tự nhiên hay:
Nhớ kẻ dang roi tung vó ngựa. 
Trong câu này, tác giả ngụ ý nhủ cùng mình nhắn cùng người rằng “Việc rủi hôm nay biết đâu lại không phải là mầm của việc may trong mai hậu”. Và cái ý ấy theo “mạch ngầm” xuống câu kết để hình hiện nơi “Chim sổ lồng ra” và phát tiết nơi “để đó coi”.
Hy vọng thật tràn trề. Nhưng ý muốn không thực hiện được: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết sợ di họa về sau, ngầm ra lệnh cho kẻ cầm quyền Bình Thuận ám hại Ông Ích Khiêm bằng cách bỏ chết đói trong ngục thất.
Một đời tài hoa, chỉ còn lại mấy vần thơ làm sự nghiệp!
Tuy vậy, thử xem Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, một đời làm mưa làm gió, nhắm mắt rồi, còn lại được gì nơi thế gian?! 
Và xem mấy bài thơ còn sót lại, không thấy một điểm nào thể hiện tánh khùng của Ông Ích Khiêm, mà chỉ thấy bóng dáng con người cương cường bất khuất, con người thấy rộng hiểu sâu, con người biết trọng danh dự của Tổ Quốc, con người biết nghĩ tưởng đến đồng bào…
Tiếng KHÙNG ngày xưa có lẽ cũng đồng nghĩa với tiếng GÀN tiếng NGÔNG đời nay. Mà khùng, gàn, ngông mà người đời thường gán cho các nhà thơ các nhà văn các nhà chánh trị…, không có gì khác hơn là tánh không xu thời, không chạy theo kẻ quyền thế, không ham phú quí…, bo bo giữ phẩm giá giữ khí tiết… mặc dù phải chịu cực, chịu nghèo… 
Tôi chưa biết rõ về thân thế tánh tình của Ông Ích Khiêm. Chỉ dựa theo thơ mà đoán người. Vì thơ là người, mà mấy bài của Ông Ích Khiêm là thơ, bởi có thanh có vị và đọc rồi còn phảng phất dư âm.
Chú thích:
[1] Răng hạt bầu: răng trắng - Răng hạt huyền: răng đen. Ngày xưa hễ lớn lên đàn ông đàn bà Việt Nam đều nhuộm răng đen. Ai để răng trắng bị chê cười.
[2] Bài này nhiều sách chép đôi chữ khác, đôi câu khác: như câu 2: “Rung cây nhát khỉ thế thường hoài”, “Sao cứ rung cây nhát khỉ hoài”; như câu 5: “… dong vó ngựa”; như câu 7: “Xưa nay ếch giếng chê trời hẹp, chim sổ lồng ra mở mắt coi”.
[3] Có người coi tướng ngựa cho Lưu Bị biết rằng con Đích Lư là ngựa sát chủ, muốn dùng phải cho người dời trước, rồi sẽ cỡi. Lưu Bị không nghe.
31.
Nước ta từ ngày dùng khoa cử để chọn nhân tài thì những người muốn lập công danh đều phải biết làm thơ thất ngôn bát cú. Bởi vì thơ là một món thi như phú, kinh nghĩa, văn sách…
Do đó mà mười người biết chữ hết chín người biết làm thơ.
Nhưng biết làm thơ và hay thơ khác nhau. Hay thơ và thơ hay cũng khác nhau hẳn.
Biết làm thơ tức là rành thi pháp, làm được những bài đúng niêm luật, hợp cách thức, không phạm ngũ kỵ bát bệnh [1]. Thế thôi. Những người biết làm thơ chỉ làm khi nào không dừng được, khi nào bị bắt buộc. 
Còn những người hay thơ là những người biết làm thơ hay không biết làm thơ, mà gặp gì làm nấy, đụng đâu làm đó, đề hay cũng làm, đề không hay cũng làm, việc đáng làm cũng làm, việc không đáng làm cũng làm… Chẳng khác hoa cỏ may nở khắp gò nổng bụi bờ. Vì hay làm cho nên thơ nhiều đến chở cả xe đong cả đấu. Nhưng toàn giấy vấy mực, chớ vàng ngọc không tìm thấy mảy may. 
Đó là hay thơ mà thơ không hay.
Thơ hay không lọ đặt dài
Mở ra đầu bài đã biết rằng hay. 
Thơ hay không phải hay chữ là làm được. Phải có thiên tư. Phải có thi cốt tức là tâm hồn thơ. Thi cốt hay tâm hồn thơ không phải ai ai cũng có. Đó là của trời cho, rất hiếm. Cho nên từ khi nước Việt Nam mở khoa thi chọn nhân tài., dùng thơ làm món thi nơi trường ốc, từ đời Lý tới đời Nguyễn, gần nghìn năm, mà thơ Việt Nam còn truyền lại không có mấy. Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… ra công sưu tầm mà chỉ thu thập được chừng vài ba chục nghìn bài! 
Đó là về thơ chữ Hán.
Còn thơ chữ Nôm, tức thơ Hàn luật?
Thơ Nôm có sau thơ chữ Hán.
Người Việt Nam biết làm thơ chữ Hán tự nghìn xưa. Đời Bắc thuộc, các nhà sư sang Trung Hoa đã từng xướng họa cùng các thi sỹ trứ danh đời Đường, và còn lưu lại nhiều bài kệ có giá trị về đạo lý lẫn văn chương. Sang thời kỳ độc lập, Pháp Thuận thiền sư, vâng lệnh vua Lê Đại Hành, đã ứng khẩu đọc bài “nga nga lưỡng nga nga” làm cho sứ giả nhà Tống phải khâm phục. Nhưng nếu lấy khoa cử làm khởi điểm cho việc dùng luật thơ Đường ở Việt Nam, thì thơ chữ Hán “chính thức sản xuất” triều Lý Nhân Tông, vào năm Ất Mão, niên hiệu Đại Ninh thứ 4 (1075) là năm mở khoa thi Thái học sinh đầu tiên. 
Còn thơ chữ Nôm mới có từ triều Trần Nhân Tông (1279-1293) do Hàn Thuyên khởi xướng, Nguyễn Sĩ Cố phụ họa. Thế là thơ chữ Nôm - tức thơ Hàn luật - có sau thơ chữ Hán đến 200 năm.
Lại thêm những người làm thơ chữ Hán này, nhiều người không làm được thơ chữ Nôm, hoặc làm được song không được công xảo. Như trường hợp Thái Thuận là một. 
Thái Thuận đậu tiến sĩ đời Lê Thánh Tông (1460-1497), còn để lại tập Lữ Đường Di Cảo gồm trên vài trăm bài thơ, nhiều bài văn chương không nhượng thơ Đường, thơ Tống. Như: 
CHIÊU QUÂN XUẤT TÁI
Nam lai trình tận bắc lai trình
Nam bắc na kham trướng biệt tình
Vạn lý Hán thiên ba hữu lệ
Bách niên Hồ địa mã vô thinh
Nhất đoàn la ỷ thương  xuân lão
Kỷ khúc tỳ bà tố nguyệt minh
Phân phú quân vương an chẩm thượng
Sầu thành nhất phiến thị trường thành. [2] 
Tạm dịch:
CHIÊU QUÂN RA ẢI
Bắc trình dõi bước dứt nam trình
Nam bắc đường chia mối thảm đoanh
Trời Hán tuôn dòng hoa khóc tủi
Đất Hồ im tiếng ngựa reo binh
Áo cài xuân muộn bơ phờ dáng
Đàn gãy trăng khuya não nuột tình
Nhắn nhủ cung rồng yên giấc ngự
Sầu thành một bức vững trường thành. 
Nhưng toàn nhiên không truyền được một câu Hàn luật!
Thời Lê mạt Nguyễn sơ, ba ngọn núi cao vút đứng trong quần sơn nước thơ văn Quốc âm, là:
- Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều
- Hồng Hà Đoàn Thị Điểm
- Tố Như Nguyễn Du. 
TỐ NHƯ ngoài quyển Đoạn Trường Tân Thanh và Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, giá trị tuyệt luân, còn có ba tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên Tiền Hậu Tập, Nam Trung Tạp Ngâm, Bắc Hành Tạp Lục, hiện còn nguyên vẹn được gần 300 bài. Lắm bài tuyệt tác: 
ĐIỆP TỬ THƯ TRUNG
Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch [3]
Tàn hồn vô lệ khốc văn chương
Đố ngư dị tỉnh phiền ba mộng
Huỳnh hỏa nan khôi cẩm tú trường
Văn đạo dã ưng cam nhất tử
Dâm thư do thắng vị hoa mang. [4]
Tạm dịch:
BƯỚM CHẾT TRONG SÁCH
Song vân từng thấm vị thư hương
Bỏ thú phong lưu há phải cuồng
Mệnh bạc còn duyên vương sử sách
Hồn tàn không lệ khóc văn chương
Khó mong lửa đóm thiêu lòng gấm
Dễ khiến thân sâu tỉnh mộng vàng
Đạo lý sớm nghe chiều chết thỏa
Hoa sao bằng chữ dám cưu mang. 
Cũng như Tố Như, ngoài bản dịch Chinh Phụ Ngâm nổi danh khắp nước, Hồng Hà còn tập Tục Truyền Kỳ kỳ thú và chứa đựng hàng trăm bài thơ chữ Hán diễm kiều: 
HOÀI XUÂN
Lưu xuân vô nại khứ song song
Hồi khán tao phùng nhất mộng trung
Oán cảnh hữu hoài thương lại điệp
Phương tâm vô sứ thác chinh hồng
Lương tiêu tịch mịch cô đăng nguyệt
Thu dạ thê lương bán chẩm phong
Mặc mặc kỷ hồi thi tưởng bãi
Sâm hoành du tử ỷ ngâm song. 
Tạm dịch:
Xuân biệt, cầm xuân luống uổng công
Gặp xuân âu hẳn giấc mơ mòng
Bơ sờ cảnh oán thương thân bướm
Đơn chiếc lòng thơm gởi cánh hồng
Nương bóng hắt hiu đèn dạ nguyệt
Nhắp sầu lạnh lẽo gối thu phong
Giờ lâu đã tưởng câu ngâm dứt
Sao rựng trời mai mãi tựa song. [5] 
Thơ chữ Hán tài bộ như thế, thơ lục bát và song thất lục bát tinh diệu như thế, thế mà hai tiền bối không để lại cho hậu thế một câu Hàn luật nào!
Riêng Ôn Như Hầu, ngoài tập Cung Oán Ngâm Khúc, văn chương kỳ cổ, đối trĩ cùng bản dịch Chinh Phụ Ngâm của Hồng Hà, văn chương thanh tao lưu lợi, còn lưu thế tập thơ Quốc âm: Ôn Như Hầu Thi Tập mà lời thơ tự nhiên có, khắc hoạch có, cổ kính có, tao nhã có…
Đó là nghe truyền, chớ tôi chưa được đọc toàn tập, mà chỉ thấy được đôi bài đôi câu: 
SAI ĐỆ TỬ
Cam, chóng ra nơi gốc hải đường
Hái hoa về để kết làm tràng
Những cành mới nhánh đừng vin nặng
Mấy đóa còn non chớ bẻ quàng
Trở lại tây hiên tìm liểng xạ
Rồi sang đông viện lấy bình hương
Mà về cho chóng đừng thơ thẩn
Kẻo lại rằng chưa dặn kỹ càng. 
ĐÊM NGHE ẾCH KÊU
Man mác cảnh đâu ngoài vạn dặm
Bâng khuâng sự những mấy trăm năm. 
NHÂN THẾ
Trú dạ mênh mông thuyền hạo kiếp
Cổ kim man mác võng huyền cơ.
CANH NĂM
Dế gọi người nằm thiên cổ dậy
Sương trùm cảnh đứng tứ canh đi. 
Trong Văn Đàn Bảo Giám tái bản năm 1968 và trong sách chép Phép Làm Thơ của Diên Hương có lục một trong số thơ Cung Oán ghi là của Ôn Như Hầu. Song tôi không dám tin là đúng vì chỉ được nghe truyền Ôn Như Hầu có Cung Oán Ngâm khúc mà chưa từng nghe nói có Cung Oán Thi. [6]
Chỉ xem một ít câu thượng dẫn cũng đủ thấy rằng thơ Hàn luật của Ôn Như Hầu cũng trác luyện như văn song thất lục bát.
Nhưng sở trường nhiều thể vận văn như Ôn Như Hầu xưa nay rất hiếm.
Cho nên thơ Hàn luật còn truyền lại chỉ chừng trên dưới mươi nghìn bài, và những nhà thơ Đường luật vừa giỏi thơ chữ Hán vừa giỏi thơ Quốc âm phỏng chừng trăm nhà trở lên, nghìn nhà trở xuống.
Song con nhà nghèo, được chừng nấy tài sản kể cũng đã quí lắm vậy.
Chú thích: 
[1] Tứ bất nhập cách: Khinh trọng bất đẳng, dụng ý thái quá, chỉ sự bất thiệt, dụng ý thiêng khô.
Ngũ kỵ: Cách nhược, tự tục, tài phù, lý đoản, ý tạp.
Bát bệnh: Bình đầu, thượng vỹ, phong yêu, hạc tấc, đại vận, tiểu vận, chánh nựu, bàn nựu.
Đó là những điều mà kẻ vào làng thơ Hàn luật phải biết để tránh. Còn nhiều khác nữa. Trong tập Thi Pháp Nhập Môn của Mân Đàm Du và Nghệ Tử Lục có nói tường tận. Các sách dạy làm thơ xuất bản lâu nay cũng có nói đại lược. Nên ở đây chỉ xin nhắc qua.
Ngoài quyển thi pháp nhập môn còn một quyển nữa là Cựu Thi lược luận của Lương Xuân Phương. Xem kỹ hai quyển này thì nắm vững then chốt của luật thi.
[2] Ở chương 48, 49 nói về thơ Xuân thơ Đông có trích dẫn nhiều thơ của Thái Thuận.
[3] Có người đọc là: Khô cốt hữu duyên lưu giản tịch.
[4] Có chỗ chép là: Dâm thư do thắng vị hoa vương (vong)
[5] Thác lời Tú Uyên nhớ Giáng Kiều.
[6] Đã nói ở chương 7 về Cung Oán thi.
32. 

Vương An Thạch là một trong tám đại gia văn chương Đường Tống [1]. Tác giả Tùy Viên Thi Thoại phê bình:

- Văn Kinh Công thì khó có người vói thấu bâu áo. Nhưng thơ, Kinh Công còn đứng ngoài cửa làng thơ.
Ở Việt Nam trong làng Quốc âm, cũng lắm người văn hay mà thơ không hay.
Như Lê Quý Đôn là một. 
Họ Lê là một nhà bác học. Những bộ sách về chữ Hán mà ông đã soạn và còn truyền lại là những bộ sách vô cùng quí giá. Phẩm đã cao mà lượng cũng dày. Về bên quốc văn thì còn truyền lại mấy bài Kinh Nghĩa, Văn Sách phú và một ít thơ Hàn luật.
Bài Kinh Nghĩa “Mẹ khuyên con lúc về nhà chồng” và bài Văn Sách “Lấy chồng cho đáng tấm chồng” cùng bài phú “Mẹ ơi con muốn lấy chồng” v.v… là những bài kiệt tác, trước họ Lê không có ai, sau họ Lê cũng không có ai theo kịp. Tức là những bài văn “không tiền khoáng hậu”.
Còn thơ Hàn luật thì nghe truyền mấy bài: 
VỊNH TRƯƠNG LƯƠNG
Khôn thay rất mực bác Lưu hầu
Lui tới thong dong tự trước sau
Vì giận không thành mưu Bác Lãng [2]
Nên đành phải bội ước Hồng Câu [3]
Xuy tiêu khiến giặc lòng sanh chán [4]
Tịch cốc theo tiên kế rất màu [5]
Sách cũ một pho ba tấc lưỡi [6]
Nhà nho như thế thật phong lưu…
VỊNH GIA CÁT LƯỢNG
Long Cương nằm khểnh hát nghêu ngao [7]
Vì cảm ơn sâu biết tính sao
Hai biểu ra quân lòng đã tỏ [8]
Tám đồ bày trận giá càng cao [9]
Tam phân gặp buổi đương tranh vạc [10]
Ngũ Trượng ngờ đâu buổi tối sao [11]
Miếu cũ ngày nay qua tới đó
Tấc lòng khởi kính biết là bao.
Văn chương thật không hơn gì thơ vịnh cổ trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập. Lời cứng vị khô, đọc nghe như những hàng toát yếu những trang lịch sử về Trương Lương và Gia Cát Lượng. Những bài kinh nghĩa, văn sách… của họ Lê ý vị bao nhiêu thì thơ của họ Lê nhạt nhẽo bấy nhiêu.
Cũng thì vịnh Gia Cát Lượng, mà đọc những câu thơ của Đường Đỗ Phủ:
- Tam phân cát cứ vu trù sách
Vạn cổ vân tiêu nhất vũ mao [12] 
- Xuất sư vị tiệp thân tiên tử
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm. [13]
thì lòng tự nhiên sanh cảm thương Gia Cát Lượng, trong khi đọc thơ Lê Quý Đôn lòng thấy dửng dưng. 
Thơ vịnh cổ cũng như thơ cảnh thơ tình, có rung cảm được lòng người mới là thơ hay.
Có thể kết luận rằng thơ Quốc âm là sở đoản của Lê Quý Đôn, và họ Lê là một học giả một văn sỹ lỗi lạc chớ không phải một thi nhân có biệt tài.
Trường hợp ĐẶNG TRẦN THƯỜNG cũng không khác Lê Quý Đôn.
Bài TẦN CUNG NỮ OÁN BÁI CÔNG VĂN là một bài tứ lục quán tuyệt thiên cổ. 
Nguyễn Hữu Chỉnh bị vua Quang Trung bỏ rơi, khi từ Thăng Long vượt thuyền vào Nghệ An, trên thuyền làm một bài cũng mượn lời Tần Cung Nữ oán trách Bái Công đã nghe lời Trương Lương mà rời khỏi Cung A Phòng, để ám chỉ vua Tây Sơn. Đem bài họ Nguyễn so với bài họ Đặng, thì bài họ Nguyễn kém thua.
Cho nên bài Tần Cung Nữ Oán Bái Công Văn của Đặng Trần Thường, cũng như các bài Văn Sách, Phú, Kinh Nghĩa của Lê Quý Đôn, trước sau đều không có địch thủ.
Nhưng cũng như họ Lê, thơ họ Đặng không mấy xuất sắc. Đơn cử một bài: 
NAM HÀNH
Quốc bộ gian nan lặn lại trèo [14]
Bắc nam đôi ngả lối quanh queo
Một hơi kéo miết chân chồn dại
Nửa chữ không còn bụng đói meo
Hoa chửa tan sương cười dở khóc
Nước còn vương đá chảy vừa reo
Ước gì thân hóa ra chim nhỉ
Muôn dặm đồ nam cánh nhẹ vèo. [15]
Bài này họ Đặng làm lúc bị Ngô Thời Nhiệm bãi đãi, quyết chí vào Gia Định phò Nguyễn Ánh.
Văn chương lão luyện. Song thiếu sức truyền cảm, đọc không thấy hào hứng, nghe xong không còn dư âm.
Như thế cũng đủ thấy rằng không phải bụng chứa thiên kinh vạn quyển mà làm thơ hay, không phải hễ văn tinh diệu thì thơ cũng tinh diệu. Khách phong tao cũng như người đời không ai thập toàn, ai ai cũng có sở trường sở đoản. 
Cũng như đối với Lê Quý Đôn, thơ là môn sở đoản đối với Đặng Trần Thường.
Trong đời có lắm người không sở trường về thơ mà lại sính làm thơ.
Đường thi có câu:
Ngâm thi hảo tợ thành tiên cốt
Cốt lý vô thi mạc lãng ngâm. 
Nghĩa là:
Ngâm thơ đẹp để thành tiên
Không thơ trong cốt chớ phiền ngâm thơ. [16] 
Thời nào, nơi nào cũng có người “trong người không có chất thơ” mà ưng lãng ngâm. Để cảnh cáo, tác giả Tùy Viên Thi Thoại có câu:
- Ông Cao Dao có làm ca từ, ông Võ Tắc không nghe có ca từ. Ông Châu ông Thiệu có làm thi, ông Thái Công không nghe có thi. Thầy Tử Hạ, thầy Tử Cống có nói thi, thầy Nhan thầy Mẫn không nghe nói thi. Như thế người đời gắng sức làm thi mà làm chi vậy? 
Ý Viên Mai muốn nói hễ có tài có đức thì danh lưu thiên cổ, hà tất phải hao công nhọc sức làm ra những câu thi vần ca không có gì đặc sắc.
Có lẽ đã thấu suốt chân lý, nên họ Đặng cũng như họ Lê không để nhiều thơ lại hậu thế.
Và chính vì số ít ỏi đó làm cho những bài thơ còn sót lại trở thành quý giá.
Đặng Trần Thường cùng Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng là bốn nhà văn học có thanh danh cuối đời Lê. Họ Đặng vào Nam giúp nhà Nguyễn Gia Miêu. Họ Ngô, họ Phan, họ Nguyễn ở lại Bắc phò nhà Nguyễn Tây Sơn. 
NGÔ THỜI NHIỆM không thấy có văn thơ truyền tụng. Song xem như khi nhà Tây Sơn bị diệt, họ Ngô bị Đặng Trần Thường bắt làm nhục để trả mối thù bị bạc đãi khi xưa, mà đối đáp một cách dễ dàng lanh lẹ, thì biết rằng là người có tài về Quốc âm.
Họ Đặng ra câu đối:
- Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai.
Họ Ngô đối ngay:
- Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế. 
Lời đã hay, ý lại sát với cảnh ngộ. Nếu không phải tay lão luyện, làm gì một đúc mà nên.
Có lẽ vì bị Đặng Trần Thường ám hại, nên sự nghiệp văn chương của họ Ngô không ai dám săn sóc mà bị trôi theo thời gian. Chớ lý nào một người học vấn uyên thâm, tài nghệ mẫn thiệp như thế, mà bình sinh lại không có tác phẩm văn chương. 
NGUYỄN HUY LƯỢNG nổi danh về bài phú Tây Hồ Tụng. Một bài phú vừa giàu vừa sang. Phạm Thái cố công họa vận để công kích, nhưng một bên phong lưu hào mại, một bên gò bó câu mâu. Về mặt văn chương, hơn kém rõ rệt. Ngoài ra còn truyền tụng: Hồi Loan Khúc, Bình Tây Khúc, Ngự Đạo Hành Cung Nhật Trình, và một ít Hàn thi.
Về thơ, Nguyễn Huy Lượng cũng không phải tay kiệt hiệt. Bài Vịnh Tây Hồ làm theo lối hồi văn cách là một bài thơ được phổ biến nhất, chỉ thuộc vào hàng tiểu xảo mà thôi. [17] 
PHAN HUY ÍCH có tác phẩm lưu thế nhiều hơn Nguyễn Huy Lượng và Đặng Trần Thường.
Bên chữ Hán thì có:
- Dụ Am Văn Tập.
- Dụ Am Ngâm Tập.
- Vân Du Tùy Bút Tập.
Bên Quốc âm thì có:
- Trên mươi bài văn tế.
- Chừng mươi bài thơ Hàn luật.
- Bản dịch Chinh Phụ Ngâm. 
Họ Phan sở trường về văn tế hơn về thơ.
Về văn tế, nếu đem so sánh cùng tác phẩm của Đặng Đức Siêu, thì lời văn của Phan công có phần sút: giọng không được du dương, chữ dùng đôi khi có hơi quê chớ không được óng chuốt như của Đặng công: [18] 
Đóa thượng uyển hây hây đua nở, giọt sương ngưng mà hiu hắt màu hoa;
Vầng thái âm vằng vặc sáng lòa, hơi vụ ngất dễ mịt mờ bóng quế.
Nhẽ đổi thay máy tạo khôn dò,
Cơn tan hợp đoạn tình xiết kể!
Nẻo thuở doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân;
Trải phen bến vị đưa duyên, phím sắc xoang cầm vầy một thể...
(Văn tế Ngọc Hân Công Chúa) 
Về thơ, thì văn chương có phần khô và cứng. Như:
TIỄN QUAN TRẤN PHỦ
Xôn xao xe ngựa vội lai kinh
Kẻ vọng trần thêm nặng gánh tình
Chuông rượu ngập ngừng cơn hội tiễn
Túi thơ e ấp nẻo quy trình
Từng mây xa ngóng tòa thai sáng [19]
Bên gác lần nghe tiếng đẩu canh
Dành tiệc sum vầy non nước cũ
Cam nguyền hương lửa vẹn ba sinh. 
Thêm một bài nữa: 
Non nước sum vầy trước chiếu thơ
Giục người sang cũ vẻ xuân giờ
Dùng dằng dặm liễu dừng chân ngựa
Bát ngát doành châu lét ngọn cờ
Hương lửa xiết bao niềm kính mến
Bèo mây dễ mấy chốn nương nhờ
Tiễn diên vâng đội lời vàng ngọc
Tấc bóng am tây luống thẫn thờ. 
Bài này đầu đề là: “Lạp trung hồi sơn, họa Trấn quan tiễn vận”. Nghĩa là Giữa tháng Chạp về núi, họa vận bài quan trấn thủ đưa tiễn.
Cả hai bài đều thiếu chất thơ. Thật giống những đóa hoa bằng giấy, những trái cây bằng sáp. Người đọc không còn thấy dư thú khi đọc xong.
Còn về bản dịch Chinh Phụ Ngâm, có nhiều học giả như Nguyễn Hữu Tiến, Hoàng Xuân Hãn… bảo rằng bản bấy lâu truyền là của Đoàn Thị Điểm, chính là của Phan Huy Ích.
Tôi không tin.
Chẳng những vì không có bằng cớ chắc chắn, mà còn vì văn chương trong khúc ngâm và văn chương của Phan Huy Ích khác hẳn nhau. 
Văn chương của Phan Huy Ích như chúng ta đã thấy nơi văn tế và thơ, lời tuy dụng công trau chuốt nhưng vẫn giữ vẻ chất phác, có đôi khi đi đến chỗ quê vụng: 
Kiếp nam nhi vẹn nghĩa ấy nên danh,
Đạo sư suy suy tình mà đặt lễ...
Tồn tuất cho nhờ có điển thường,
Khao thưởng đều thỏa chừng phận nghị...
(Văn tế tướng sĩ trận vong) 
Còn văn trong Chinh Phụ Ngâm tương truyền của bà Đoàn, thì nhẹ nhàng tươi đẹp. Để một bên những văn thơ của ông Phan, thật chẳng khác một cô gái xuân đứng cạnh một vị quan lớn sắp ăn lễ thất tuần.
Bản dịch của Phan Huy Ích biết đâu lại chẳng phải là bản mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn bảo là của bà Đoàn. Nếu không phải bản đó thì là bản nào khác nữa, chớ không thể là bản được phổ biến sâu rộng bấy lâu.
Nói tóm lại PHAN HUY ÍCH là một nhà nho hay chữ, một nhà văn học rộng, chớ không phải một nhà thơ như Ôn Như Hầu, Phạm Thái, Đặng Đức Siêu…
Sang triều Nguyễn, các nhà đại khoa như Ngô Thế Vinh, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Quý Tân, Vũ Duy Thanh…, tuy nổi danh một thời, mà tác phẩm để lại không mấy, lại những bài thơ lưu thế không được nhiều người thuộc. Đó là vì thơ của quí vị, cũng như thơ của Phan Huy Ích, thiếu sức truyền cảm. Mà thơ có sức truyền cảm chẳng những nhờ tình thâm ý hậu mà còn nhờ câu văn có nhiều hình ảnh, giàu âm nhạc, đọc nghe ý nhị, thú vị.
Thơ thiếu hình ảnh gọi là “hữu cán vô ba”.
Thơ thiếu âm nhạc gọi là “hữu thanh vô vận”. [20]
Thơ thiếu ý nhị gọi là “hữu cách vô thú”.
Âm nhạc tức là thanh. [21]
Hình ảnh tức là sắc.
Ý nhị tức là thú, tức là vị.
Thanh, sắc, vị là ba yếu tố của thơ. Và sức truyền cảm do ba yếu tố đó sinh ra. 
Những bài thơ bài văn còn sót lại của các bậc tiền bối kể trên đã được nhiều sách chép, như Văn Đàn Bảo Giám của Trần Trung Viên, Giai Thoại Làng Nho của Lãng Nhân. Trong Giai Thoại Làng Nho có nhiều bài xưa nay rất ít người biết. Để cho bạn đọc nào không có hai quyển sách này trong thư viện gia đình, tin lời nói của tôi, tôi xin trích dẫn ra đây một ít: 
TỰ THUẬT
Chửa chết cho nên phải sống dai
Sống dai như tớ cũng buồn cười
Đổi liều cừu mã chừng ba chén
Bán rẻ văn chương quá nửa đời
Bút giấy ông Đào còn trách trẻ
Gió trăng thầy Thiệu dám thua ai
Trời cho một chữ nhàn là quý
Chẳng cứ dù xe với mũ đai. 
Đó là thơ của Ngô Thế Vinh.
Họ Ngô đậu Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm Minh Mạng thứ 10 (1829). Khoa ấy trúng tuyển chín người hầu hết đều là những thanh niên tuấn tú. Người đậu đầu là Nguyễn Đăng Huân mới 25 tuổi. Một nữa là Phạm Quý cũng mới 25 tuổi. Nguyễn Trữ 26 tuổi. Ngô Thế Vinh và Phạm Thế Hiển 27 tuổi. Còn bốn người khác từ 33 tuổi trở lên. Khoa ấy nhờ tuổi thanh niên của các vị tân khoa mà tiếng nổi như phao. Riêng tiếc là thơ Quốc âm để lại quá ít, mà lại không phải ánh dương nương sương móc. [22]
PHẠM VĂN NGHỊ đậu sau Ngô Thế Vinh đến ba khoa, tức chín năm. Cụ là thầy học của hai danh sĩ Nguyễn Khuyến và Trần Bích San. Thơ Nôm của cụ chỉ còn truyền lại hai bài tuyệt cú:
I. Ta chẳng hơn ai chẳng kém ai
Ơn vua về ở động Thiên Thai
Thiên Thai chỉ có non cùng nước
Non nước vui chơi gác chuyện ngoài.
II.
Tay vác cần câu tới Thạch Bàn [23]
Cá tuy không được vẫn ngồi gan
Có ai xem giỏ cười không cá
Không cá nhưng ta đã được nhàn.
NGUYỄN QUÝ TÂN thi đậu Tiến sĩ đời Thiệu Trị khoa Nhâm Dần (1842). Truyền rằng ông có tài nhưng học lực không uẩn súc, và hạnh lại không cao. Nhưng theo bài Về Vườn sau đầy thì thấy tâm hồn không tục:
Đường mây qua lại vó câu dong
Chán mặt non sông nghĩ thẹn thùng
Mùi thế thử chơi chừng ấy đủ
Cuộc đời đã hẳn lúc nào xong
Thôi thôi xin vái cùng chung đỉnh
Kẻo kẻo còn rầy với kiếm cung
Lếu láo điền viên vui thú nhỉ
Hoa đào năm cũ gió cơn đông. 
Bài này và bài của Ngô Thế Vinh từ điệu tương tợ. Nếu không biết rõ, có thể lầm là của một tác giả.
THÁI DUY THANH đậu Bảng Nhãn thị Trạng Nguyên [24] khoa Bác Học Hoành Từ năm Tân Hợi, Tự Đức tứ niên (1851). 
Năm ấy ngoài hai khoa thi thường lệ là thi hương và thi hội, nhà vua cho mở thêm kỳ thi chế khoa, gọi là Bác Học Hoành Từ.
Khoa thi này thể thức cũng tương tợ như khoa thi hội thường lệ, chỉ khác:
- Thường lệ chỉ những người đậu cử nhân mới được ứng thí.
Chế khoa cho phép tất cả mọi người tự thấy mình học lực uyên bác mà đã đậu được tú tài rồi thì được ứng thí.
Thường lệ, những người đậu Phó Bảng không được phép thi hội trở lại để lấy Tiến sĩ.
Chế khoa cho phép các vị Phó bảng và các quan lớn chưa đậu Tiến sĩ được phép thi.
- Những vị trúng tuyển khoa thường lệ gọi là Tiến sĩ.
Những vị trúng tuyển khoa Hoành Từ gọi là Cát sĩ.
Thái Duy Thanh đậu Phó bảng kỳ thi hội thường lệ năm Tân Hợi. Đến khoa Hoành Từ tiếp theo thi đậu Bảng Nhãn. Vì triều Nguyễn không lấy Trạng Nguyên, nên mới gọi Bảng Nhãn thị Trạng Nguyên. 
Vì sao lại mở khoa Hoành Từ?
Trong tờ sắc của nhà vua chỉ nói là “để lượm hết anh hào không cho lọt ra ngoài lưới bủa, mà cũng không để dê với cọp chung lộn cùng nhau”.
Nhưng nghe truyền rằng: Khoa thi hội năm Tân Mão, Phạm Thanh người Thanh Hóa đậu Bảng Nhãn. Khi treo bảng xong, vua Tự Đức nằm mộng thấy có người bảo “khoa này bỏ sót nhân tài” rồi đưa ra một tấm bảng có hai chữ THANH. Tỉnh dậy vua rất lấy làm phân vân, bèn sắc tứ mở khoa Hoành Từ. Khoa Hoành Từ, Thái Duy Thanh đậu Bảng Nhãn, ứng vào điềm mộng của nhà vua. [25] 
Câu chuyện nghe vui vui. Tôi chợt nhớ đến chuyện một vị đại thần thời xưa bên Trung Quốc, chấm thi mệt quá ngồi ngủ gà ngủ gật. Trong lúc mơ mơ màng màng thấy một vị thần mặc áo đỏ hiện đến. Hễ chấm đến quyển nào thấy thần gật đầu là lấy đậu. Sau xét lại thấy những quyển lấy đậu đều trúng cách, mới biết là thần linh. Do đó mà có câu:
Văn chương tự cổ vô bằng cứ
Đản nguyện Châu y ám điểm đầu. [26] 
Cho nên xưa nay trong việc thi cử người gặp may cũng nhiều mà người gặp rủi cũng không phải ít. Học tài thi phận là vậy đó.
Nhưng đó là việc văn chương trong trường ốc, quan trường chỉ có một nhóm người, mà nhóm người đó chắc chi toàn là người có thực học chân tài. Vì vậy mới có sự may rủi.
Còn việc văn chương ngoài đời thì hễ hay thì được truyền tụng lưu thế. Bằng dở hoặc không mấy hay thì bị tiêu diệt. Vì quan trường là toàn thể nhân dân. Người này ngủ, nhóm này ngủ, thì có người kia thức, nhóm kia thức, không cần phải có thần áo đỏ mới phân biệt được giá trị của văn chương. Thêm nữa ngoài dân gian tuyển trạch thi phẩm văn phẩm để thưởng thức, chỉ bằng vào giá trị của văn chương chớ không cần đến địa vị danh vọng của tác giả. bởi vậy thơ của các vị Bảng nhãn Thám hoa mà không mấy hay thì vẫn không được lưu truyền hậu thế, nhất về bên Quốc âm. 
Bảng nhãn Thái Duy Thanh có tiếng là sở trường về Quốc âm. Ông có tài xuất khẩu thành thơ. Như năm Tự Đức bát niên (1855) vào làm chánh chủ khảo trường Bình Định, đi ngang qua đèo Hải Vân, nằm trên cáng ông làm một bài tập cổ: [27] 
Vân khởi cao đài nhật vị trầm
Đạm yên sơ khánh tản không lâm
Tam xuân nguyệt chiếu thiên sơn lộ
Lục mạc thiên không vạn lý tâm
Tử giản thượng thiêm hoàng chỉ án
Ngọc thư ưng niệm tố trần xâm
Nhất danh sở hệ vô cùng sự
Nhật mộ liêu vi Lương Phủ ngâm. 
Mượn tám câu thơ trong tám bài thơ của tám thi nhân khác nhau để đúc thành một bài thơ ý liền, đối chỉnh, vần linh, như thế thật là tài tình! Rồi trong khoảnh khắc, tự dịch ra Quốc âm: 
Mây phủ đài cao bóng ác tà
Khánh đâu rừng vắng vẳng nghe qua
Ba xuân trăng tỏ nghìn non quạnh
Sáu cõi trời cao vạn dặm xa
Ân nặng bao phen tờ dụ xuống
Tình riêng những ngại bụi đời nhơ
Cái danh ràng buộc thêm nhiều việc
Khúc cũ ngâm tràn luống ngẩn ngơ.
Lời văn lưu loát và lột được ý của những câu Hán văn.
Ở trường thi, nhớ thầy học là thủ khoa Phạm Thục mười năm trước làm đốc học Bình Định, Thái Duy Thanh có bài thơ cảm cựu:
Giấc mộng phù sinh bóng bạch câu
Cõi đời thấm thoát có bao lâu
Theo đường xe ngựa mau chồn bước
Nhuốm vẻ quan san dễ bạc đầu
Tiếng sóng bên gành cơn gió thoảng
Ngọn đèn trước án bóng trăng thâu
Tuyết hồng nhớ chuyện mười năm trước
Một nén tâm hương gợi mối sầu.
Thơ Quốc âm của Thái Duy Thanh, ngoài tập Giai Thoại Làng Nho, chưa thấy sách nào nói đến. Trong Giai Thoại Làng Nho, ông bạn Lãng Nhân sưu tập được mươi bài thơ và một bài phú. Tôi được các bậc tiền bối ở Bình Định đọc cho nghe thêm một bài nữa: 
GỞI ĐỒNG BÀO NAM KỲ
Nam bắc đâu đâu cũng đội trời
Tấc vàng tấc đất hỡi ai ơi
Trăm năm công đức nên ghi dạ
Một gánh cương thường phải ghé vai
Thế sự ngán thay cơn gió bụi
Anh hùng bao quản bước chông gai
Hoài Nam khúc cũ ai còn nhớ [28]
Còn nhớ cùng nhau họa mấy bài.
Bài này làm vào khoảng Tự Đức thứ 12 (1859) lúc Pháp đã lấy ba tỉnh Nam Kỳ, Nguyễn Tri Phương, bạn thâm giao của ông, vào quân thứ chống với Pháp. Bài này ông gởi cho ông Nguyễn mang vào Nam để phổ biến trong hàng nhân sĩ.
Tất cả thơ của Thái Duy Thanh mà tôi được đọc, văn chương già dặn, song khô khan.
Một bài thơ hay, theo thiển ý, là một bài thơ làm rung cảm người đọc về mặt tâm lý, sinh lý hay trí tuệ. Những bài thơ của Thái Duy Thanh cũng như của các vị đại khoa kể trên, vẫn có tình, vẫn có ý song đọc rồi không còn thấy dư âm.
Như bài Qua đèo Hải Vân, tình ý trong bài thơ dịch vốn là tình ý trong bài thơ Hán tự. Nhưng đọc bài Hán tự thấy đượm đà, còn đọc bài dịch lại thấy lợt lạt! Vì sao vậy? Chỉ vì trong thơ Hán văn, thanh sắc giàu hơn trong thơ Quốc âm. Thanh sắc hợp cùng tình ý tạo nên vị. Có vị mới có thú. Có thú mới cảm được lòng người khi đọc, giữ được lòng người khi đọc xong.
Nhưng có nhiều vị túc nho thích những bài thơ như các bài thượng dẫn hơn loại thơ diễm lệ, khắc hoạch. Có lẽ vì các cụ đã quen với lối thơ cử nghiệp, tức là lối thơ nằm trong khuôn khổ của trường ốc, hoặc vì tánh người xưa thường ưa những gì lợt lạt giản dị.
Đối với những người đã chịu ảnh hưởng thơ Đường của Trung Hoa, thơ lãng mạn, thơ tượng trưng… của Pháp thì chỉ thích loại thơ:
Vơ vẩn tơ vương hồn Đại Việt
Thanh tao thép luộc giọng Hàn Thuyên.
Tuy vậy, khách yêu thơ vẫn quý trọng, vẫn gìn giữ những án văn chương của người xưa còn sót lại, vì là những viên đá quý của nền văn học Việt Nam.
Chú thích:
[1] Bát đại gia: Hàn Dũ, Liễu Tôn Nguyên (Đường), Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Tử Cố, Vương An Thạch (Tống).
[2] Trương Lương thuê lực sĩ thích khách Tần Thủy Hoàng tại Bát Lãng, nhưng việc không thành.
[3] Bái Công đã đính ước cùng Hạng Võ cắt sông Hồng Câu làm giới hạn cho Hán và Sở để giảng hòa, nhưng Trương Lương, để báo thù cho nước Hàn bị Hạng Võ diệt, bèn xúi Bái Công bội ước, ra binh đánh Hạng Võ.
[4] Hạng Võ bị vây ở Cai Hạ, Trương Lương thổi tiêu làm cho quân sỹ nhớ nhà bỏ đi hết.
[5] Sau khi Bái Công nhất thống sơn hà thì Trương Lương tịch cốc tòng tiên để tránh nạn tru di như Hàn Tín.
[6] Sách cũ: sách binh cơ đồ trận Huỳnh Thạch Công tặng.
[7] Long Cương: nơi Gia Cát Lượng cao ẩn.
[8] Hai biểu ra quân: Khổng Minh dâng hai lần biểu cho Lưu Thiện xin đi đánh Ngụy.
[9] Tám đồ bày trận: Bát trân đồ vây Lục Tổn tại bến Ngư Phúc.
[10] Tam phân đảnh túc: Tam quốc.
[11] Ngũ Trượng: Gò Ngũ Trượng. Khổng Minh đóng binh ở đó. Khi nhuốm bệnh, xem thiên văn thấy sao bổn mạng bị mờ, biết rằng sắp chết.
[12] Câu thơ đại ý nói: Đã trù tính sẵn thế cắt giữ bằng cách chia ba thiên hạ, nhưng muôn dặm ngoài mây xanh chỉ có một chiếc lông vận chuyển.
[13] Câu thơ ý nói: Ra binh chưa thắng được giặc mà thân đã chết, khiến kẻ anh hùng thương xót, nước mắt mãi mãi dầm bâu áo.
[14] Quốc bộ: Vận số của nước nhà.
[15] Đồ nam: tính qua bể Nam. Mượn chữ trong Nam Hoa Kinh tích chim bằng chuẩn bị bay sang biển Nam. Nghĩa bóng: chí vọng cao xa.
[16] Ngâm đây không phải là đọc mà là làm, cho nên có chữ Khổ ngâm là làm thơ một cách khắc khổ. Câu dịch chữ ngâm thành ngâm nga. Biết vậy nhưng không làm khác được!
[17] Đã dẫn ở chương 20 nói về thơ vịnh cảnh Tây Hồ ở trước.
[18] Văn tế của Đặng Đức Siêu đã phổ biến từ học đường đến dân gian, ai ai cũng đã rõ, nên không trích.
[19] Tòa thai: Sao tam thai ví với chúa tam công trong triều.
Tiếng đẩu: diêu đẩu là một vật dùng trong khi hành quân thuở xưa. Vật ấy bằng đồng lớn bằng đấu đong lúa, ban ngày dùng nấu ăn, ban đêm dùng làm phèn la canh gác.
[20] Đã nói ở các bài trước.
[21] Xin chớ lẫn chữ “thanh” đây với chữ “thanh” trong câu “hữu thanh vô vận”. Chữ thanh kia đồng nghĩa với chữ vận này.
[22] Phỏng dịch chữ “Dương a đới lộ” là tên một khúc đàn cao đẹp sau Dương Xuân Bạch Tuyết.
[23] Thạch Bàn ở tỉnh Ninh Bình.
[24] Triều Nguyễn không lấy Trạng Nguyên - Truyền rằng chức Trạng Nguyên nhượng cho Trung Quốc.
[25] Trong Giai Thoại Làng Nho kể tường tận, đây chỉ lược.
[26] Câu ấy đại ý nói: Từ xưa đến nay không có gì có thể đo lương được mức hay dở của văn chương, nên chỉ nguyện cầu thần áo đỏ gật đầu để ám trợ. Ý nói là cầu may chớ không tin ở não sáng suốt của các quan trường.
[27] Trong Giai Thoại Làng Nho, Lãng Nhân giảng giải rất kỹ về bài thơ này - Về Thái Duy Thanh, trong Giai Thoại cũng nói đầy đủ - Có nhiều chuyện lý thú.
[28] Hoài Nam khúc là khúc hát của ông Hoàng Quang người Thừa Thiên, soạn thời Tây Sơn, để tỏ lòng nhớ các chúa Nguyễn đã khuất.

14/4/1971
Quách Tấn
Theo http://dinhquat.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...